Một hiện tượng không thể chối cãi trong Giáo Hội là khi xuất hiện một
phong trào đạo đức mới, thì lập tức phát sinh một làn sóng nghi ngờ, tẩy chay,
chống đối, như trường hợp các phong trào Thánh Linh, Cursillos, Học Hỏi Kinh
Thánh một thời, ở những năm đầu mới hoạt động đã bị búa rìu dư luận chặt chém nặng
nề : phong trào Thánh Linh và học hỏi Kinh Thánh thì bị chụp mũ theo Tin Lành,
thành viên của phong trào Cursillos thì bị xếp vào hàng Pharisêu lập dị, muốn
qua mặt hàng giáo sĩ...Hiện nay thì phong trào Lòng Chúa Thương Xót cũng ít nhiều,
và ở một số địa phương bị liệt vào sổ đen những phần tử giữ đạo qúa khích,
ngoài luồng, khước từ thánh giá, xa dần giáo lý đức tin. Nhưng sự thật có phải
như vậy không?
Sự thật sẽ không phải như vậy, nếu những phong trào đạo đức trên không
ra ngoài Tin Mừng, không đi ngược giáo lý, không chống quyền giáo huấn, không
phục vụ tổ chức nào, ngoài Hội Thánh. Sự thật không phải như vậy, khi từ danh
xưng, đến công việc của phong trào đều là những điều đã được khẳng định trong
Tin Mừng. Sự thật không phải như vậy, nếu hoa trái của phong trào là Bình An của
Đức Giêsu phục sinh trong các tâm hồn, gia đình, cộng đoàn.Sự thật không phải
như vậy, khi thành viên của phong trào nhận được “hoa qủa của Thần Khí là: bác
ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền lành, tiết
độ” (Gl 5,22-23). Và sẽ không bao giờ là sự thật được, nếu thành viên các phong
trào bị dư luận hay bất cứ đám đông nào ném đá sống Đức Ái và bám gót Đức Giêsu
trên hành trình Thánh Giá.
Trước hết, chúng ta cần biết: Thiên Chúa chúng ta tôn thờ trong Đức
Giêsu Kitô là Thiên Chúa của Lòng Thương Xót, Thiên Chúa mà tông đồ trưởng
Phêrô đã đại diện anh em tuyên xưng : “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”
(Mt 16,16). Danh hiệu Kitô là tên của Đức Giêsu, nghiã là Đấng Cứu Thế: Thiên
Chúa làm người để cứu thế giới loài người khỏi chết đời đời. Ngài là Đấng Cứu Độ nhân loại.
Là Thiên Chúa của lòng thương xót, Đức Giêsu Kitô đã thương xót loài người
đến cùng, dù loài người có vô tình, vô ơn, bạc nghiã đến đâu, bởi bản tính của
Thiên Chúa là Tình Yêu Thương Xót, nên không thể làm gì khác hơn ngoài thương
xót. Đây là chân lý rất quan trọng mà người Kitô hữu không thể bỏ qua, bởi nếu
bỏ qua, chúng ta sẽ không thể hiểu, càng không thể chấp nhận việc làm vô cùng
xót thương và thái độ nhẫn nại chịu đựng con người của Thiên Chúa, như người
con trai lớn đã bất mãn trước thái độ nhân từ của cha mình dành cho người em
hoang đàng trở về sau khi đã tiêu tán gia tài được chia trong dụ ngôn đứa con
hoang đàng của Tin Mừng Luca (15, 11-32).
Là Thiên Chúa của Lòng Thương Xót, Đức Giêsu đã không dậy điều gì ngoài
lòng thương xót: với Hiến Chương Nước Trời, là hiến chương dành cho những người
có lòng thương xót, Ngài dậy phải có lòng thương xót để được Thiên Chúa xót
thương (Mt 5,7); trong Kinh Lậy Cha, Ngài dậy phải biết xót thương hết mọi người,
kể cả kẻ thù khi tha thứ để được Thiên Chúa thứ tha (Mt 6,12); và rõ ràng hơn cả
là ngày chung thẩm trước nhan thánh Thiên Chúa, mọi người đều sẽ phải trả lời về
lòng thương xót của mình đã được thực hiện khi còn sống, và chỉ trên tiêu chuẩn
Thương Xót này, Thiên Chúa thưởng phạt chúng ta (Mt 25,31-46).
Là Thiên Chúa của lòng thương xót, Đức Giêsu đã không làm gì khác hơn là
thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người. Ngài đã chữa lành
các bệnh tật vì lòng thương xót, đã cho người chết sống lại vì xót thương, đã
giải phóng người bị qủy ám vì chạnh lòng thương, đã gần gũi, chia sẽ, đồng bàn
với người tội lỗi cũng vì thương xót thân phận của họ. Và đi xa hơn, nghiã là
đi đến cùng của lòng thương xót, Đức Giêsu đã chấp nhận chịu khổ hình, chịu chết
treo trên thánh giá để chuộc tội cho toàn thể nhân loại.
Như thế, chúng ta không thể coi thường lòng thương xót nơi Thiên Chúa,
không thể đánh giá thấp cuộc đời ngập tràn lòng thương xót của Đức Giêsu, Đấng
Cứu Thế, không thể xem lòng thương xót chỉ là chuyện bịa đặt trong Tin Mừng, và
nhìn lòng thương xót như chiếc bánh vẽ để dụ dỗ, mồi chài. Có thể đôi lúc chúng
ta nghi ngại rằng chính chúng ta hay người khác đã lợi dụng lòng Chúa thương
xót để tha hồ ăn chơi xả láng, thoả
thích phạm tội, vì có lòng thương xót bảo kê, chống lưng. Cũng có thể nhiều khi
chúng ta thấy có người lạm dụng lòng thương xót mà cắt nghiã sai lệch các giới
răn của Chúa và luật của Giáo Hội. Nhưng
dù thế nào và trong mọi trường hợp, chúng ta vẫn không thể phủ nhận
Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa mà Đức Giêsu là dung mạo đích thực
là Thiên Chúa của lòng thương xót. Thương xót là căn tính của Ngài, bởi nếu
Thiên Chúa không thương xót vô cùng, Ngài đã không xuống thế làm người, không
chịu chết, không cứu độ; nếu Thiên Chúa không thương xót đến cùng, con người
không thể lấy lại được ân huệ làm con Thiên Chúa, và sự sống đời đời cho con
người là điều không thể có. Lòng thương
xót đã làm tất cả, cứu chữa tất cả để không một người nào sẽ phải hư đi, không
ai sẽ bị tội lỗi khống chế và ma qủy tận diệt, bởi “ở đâu tội lỗi càng nhiều
thì ân sủng càng dồi dào, chứa chan gấp bội” (Rm 5,20), bởi lòng thương xót của
Thiên Chúa dành cho con người thì vô cùng, vô hạn, vô biên.vượt sức tưởng tượng
của con người.
Trước lòng thương xót, có nhiều thái độ khác nhau: người thụ động nghĩ
lòng thương xót của Chúa tự động, tự
nhiên, nghiã là ta không phải làm gì, không cần cộng tác, góp phần, chẳng phải
vất vả, lao nhọc cũng vẫn được hưởng miễn phí lòng thương xót của Chúa; người lười biếng thì nghĩ có làm gì cũng chẳng đáng kể, và vẫn là ít oi
trước bao la của lòng thương xót, nên ươn ái thả trôi cuộc sống như những cánh lục bình hững hờ trôi giạt; có người
lại nghĩ chỉ cần tin ở lòng thương xót là đủ để được cứu rỗi, mà không cần tuân
giữ một điều khoản nào khác; số còn lại thì phó mặc hết cho lòng thương xót như
người nhận được một nén bạc đã đem chôn đi, mà không tìm cách sinh lợi.
Sở dĩ có những thái độ trên là vì người ta đã không hiểu thấu đáo lòng
thương xót của Chúa, cũng như điều kiện phải có để nhận được lòng xót thương.
1. Lòng thương
xót luôn gắn liền với đau khổ:
Thương xót ai là mang lấy khổ đau, bất hạnh, cơ cùng của người ấy trong
tim; là vui với họ khi họ mừng vui và khổ với họ khi họ sầu buồn. Lòng thương
xót luôn mang hình ảnh con chiên gánh hết tội lỗi, yếu đuối của người mình
thương, nên không có tâm hồn thương xót nào lại không khổ đau; không trái tim
thương xót nào lại không biết đắng đót; không con người biết thương xót nào mà
mình mẩy không bầm tím thương tích; không cuộc đời thương xót nào lại không “xất
bất xang bang”, đủ mùi tân khổ; không lòng dạ thương xót nào lại không thắt dạ nát lòng, bởi không có lòng thương
xót ở ngoài qũy đạo “quên mình”, lọt vùng phủ sóng “hy sinh”, không cùng tần số,
cung bậc của “Thánh Giá”.
Chính vì lòng thương xót luôn gắn liền với khổ đau, mà người ta không thể
thương xót ai mà lại hờ hững, dửng dưng trước tâm sự sầu buồn, hoàn cảnh đáng
thương và số phận hẩm hiu, kém may mắn của người ấy. Kinh nghiệm còn cho thấy
yêu ai là chuốc lấy gánh nặng cuộc đời của người mình yêu, là vác trên vai tất
cả nhọc nhằn, vất vả, cơ cực của người ấy, nếu không tình yêu sẽ không mang một giá trị nào.
Tình yêu gắn liền đau khổ, vì đau khổ còn
là biểu chứng hùng hồn, dấu ấn khó nhạt phai
của tình yêu. Nếu yêu nhau mà không phải hy sinh gì cho nhau, yêu nhau
mà không mất mát gì vì nhau, yêu nhau mà không cần phải vượt qua thử thách để
có nhau, yêu nhau mà không phải bận tâm, nặng lòng, lo lắng chăm sóc nhau, yêu
nhau mà không đòi tận tâm, tận lực gìn giữ và phát triển tình yêu của nhau, thì
tình yêu dành cho nhau sẽ không có giá trị, và hoàn toàn không tưởng, hão huyền,
nếu không muốn nói là vu vơ, giả dối.
Đức Gỉêsu cũng chân nhận tình yêu gắn liền đau khổ, khi Ngài khẳng định
: “Không có tình yêu nào lớn lao, cao qúy, trọng đại bằng chết cho người mình
yêu”. Ngài nói đến tuyệt đỉnh của tình yêu dành cho nhau là chết cho nhau, tột
điểm của lòng thương xót là hiến mạng vì nhau, tuyệt vời của đức ái là trao ban chính mạng sống cho người
khác. Và đó là điểm đến của tình yêu Ngài dành cho nhân loại: chết cho con người
mà Ngài thương xòt.
Như thế, tình yêu được đánh giá theo mức độ của đau khổ: càng yêu nhiều
càng hy sinh nhiều, càng thương xót nhiều, càng khổ đau nhiều và đau khổ lớn nhất,
hy sinh kinh khủng, hãi hùng nhất đối với con người là chết, bởi đối với con
người, sự sống là giá trị lớn nhất so với các giá trị trần thế khác.
Tóm lại, không có tình yêu không đau khổ, không có lòng thương xót vắng
bóng hy sinh, nên khi yêu ai, ta không còn ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình, sống vì
mình, nhưng bắt đầu quên mình, tập quen cho đi chính mình, sẵn sàng hiến đời sống
mình cho người mình yêu để làm chứng tình yêu và nuôi sống tình yêu, bởi tình
yêu chỉ được nuôi bằng hy sinh quên mình
để mưu cầu hạnh phúc cho người mình yêu. Cũng vậy, khi chạnh lòntg thương xót
và nỗ lực thực hiện lòng thương xót, không ai đã tránh khỏi những khổ đau gắn
liền, những hiểu lầm, thị phi kèm theo, những đối kháng vô cớ, những cú đá giò
lái, cũng như những cơn mưa đá do lòng
ganh tị. Những kinh nghiệm đó cho chúng ta xác tín hơn lòng thương xót luôn gắn
liền với thiệt thòi, hy sinh, đau khổ.
2. Lòng thương
xót luôn gắn chặt với Thánh Giá:
Đức Giêsu không chỉ khẳng định: “Không có tình yêu nào trọng đại cho bằng
chết cho người mình yêu” (Ga 15,13), mà còn qủa quyết: “Ai muốn theo tôi, hãy
vác thánh giá” (Mc 8,34). Thánh giá không chỉ là cao điểm của lòng thương xót, ở
đó, tình yêu tuyệt đỉnh là chết cho người mình yêu được thể hiện, minh chứng. Mà
còn là phương cách Thiên Chúa dùng để thực hiện lòng thương xót của Ngài đối với
con người, như chúng ta vẫn tuyên xưng : “Chúng con thờ lậy và ngợi khen Chúa
Kitô, vì Chúa đã dùng thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ”, khi đi chặng đàng Thánh Giá.
Dùng Thánh Giá để cứu chuộc, là dùng đau khổ để tỏ lòng thương xót, dùng
hy sinh quên mình, hiến trao mạng sống để thực hiện tình yêu đến cùng, vô cùng.
Thánh giá nói lên chân lý: lòng thương xót không thể xa rời Thánh Giá, cũng như
tình yêu gắn liền khổ đau, và người có lòng thương xót là người vác Thánh Giá
đi theo Đức Giêsu.
Vác Thánh Giá đi theo Đức Giêsu là đòi hỏi dành cho người muốn đi theo
Thiên Chúa của lòng thương xót, bởi nếu không có lòng thương xót, không vì lòng
thương xót, thì Thánh Giá hoàn toàn vô nghiã, và việc chấp nhận vác Thánh Giá
phải được coi là ngu dại, điên rồ. Nhưng ở đây, chính Đức Giêsu là Thiên Chúa Cứu
độ giầu lòng thương xót đã chọn Thánh Giá để bầy tỏ, minh chứng, thực hiện lòng
thương xót của Ngài, nên không thể có lòng thương xót của Đức Giêsu mà thiếu
Thánh Giá của Đức Giêsu, không thể có tình yêu của Thiên Chúa, mà xa lạ khổ đau
của Thiên Chúa, không thể gắn bó với Đức Giêsu đầy lòng thương xót mà khước từ
Thánh Giá là phương cách biểu hiện lòng thương xót của Ngài. Từ đó, người môn đệ
đi theo Đức Giêsu là Thiên Chúa giầu lòng thương xót cũng phải vác Thánh Giá là
phương cách thể hiện lòng thương xót; là tuyệt đỉnh của lòng thương xót mà Thiên Chúa muốn người môn đệ phải sống. Vì
thế, tách lòng thương xót ra khỏi Thánh
Giá chẳng khác nào tách Đức Giêsu, Thiên Chúa của lòng thương xót ra khỏi Thánh
Giá, là bảo chứng Tình Yêu tuyệt vời Ngài đã chọn.
Như thế, chúng ta có thể nói: người
môn đệ Đức Giêsu là người đi theo Đức Giêsu để sống lòng thương xót như Ngài là
Thiên Chúa của Lòng Thương Xót, đồng thời vác Thánh Giá với Ngài, vì Thánh Giá
là cách Ngài đã chọn để thực hiện lòng thương xót, và suốt cuộc đời, người môn
đệ sẽ phải bước đi trên đường Thánh Giá với Đức Giêsu để được trở nên giống
Ngài trong lòng thương xót, vì ngoài lòng thương xót và Thánh Giá, không còn
con đường nào đến với Thiên Chúa, cũng như không còn cách nào để con người “được
thấy” Thiên Chúa.
Tin Mừng mô tả mẫu người được Đức Giêsu mời gọi. Họ là những người nghèo
khó vì xót thương người khác, hiền lành để có thể xót thương anh em, sầu khổ vì
mang nặng gánh buồn đau của người mình thương xót, Họ là những người khao khát
và tranh đấu công lý, vì yêu thương tha nhân; bị thiệt hại đủ điều vì tìm kiếm
và xây dựng hoà bình cho xã hội, và họ thực sự là những người được Thiên Chúa
ban phần thưởng của lòng thương xót, vì họ đã hết lòng xót thương anh em mình
(x. Mt 5,1-12).
Đọc Hiến Chương Nước Trời trong
Tin Mừng Mátthêu, ai có thể tưởng tượng rằng tất cả những người được coi là
công dân của Nước Trời đều phải chấp nhận khổ đau, thua thiệt, kể cả “bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5,11), Nhưng tại sao họ phải chấp nhận sầu khổ,
tủi nhục, bị xử tệ, hàm oan? Thưa vì họ sống lòng thương xót, như Thiên Chúa của
lòng thương xót, khi chạnh lòng thương xót và nỗ lực thực hiện lòng thương xót
đối với anh em mình. Cũng vì thực hiện lòng thương xót, mà họ gặp bao nhiêu phiền
phức, phải liên tục quên mình, liên lỷ xóa mình, và suốt đời triền miên trên
vai cây Thánh Giá.
Cuộc sống vác Thánh Giá để thể hiện lòng thương xót của người môn đệ Đức
Giêsu còn được trỉnh bầy chi tiết trong quang cảnh ngày chung thẩm, khi Thiên
Chúa chỉ hỏi con người về những việc làm của lòng thương xót (x. Mt 25, 31-46).
Tất nhiên, để được đứng về bên phải của Thiên Chúa, và được Thiên Chúa chúc
phúc : “Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã
dành sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã
cho ăn, Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;
Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta
ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,34-36). Nhưng tất cả những việc làm
thương xót người khác, mà Thiên Chúa vừa kể đều không là những việc dễ, bởi tất
cả đều đòi cố gắng, vất vả, hy sinh: phải cố gắng mới có thể vượt qua ích kỷ,
ky bo để chia sẻ cơm bánh, áo quần; phải vất vả đấu tranh với chính mình và
quên mình mới có thể bỏ thời gian, bỏ công việc làm ăn sinh lợi, có khi bỏ cả
gia đình để âm thầm cất công đi thăm nuôi tù nhân, người bệnh, người già neo
đơn, chị em cơ nhỡ, cô nhi thất học; phải phấn đấu đến đổ mồ hôi mới vươn đến được
quyết định hy sinh tiết kiệm từng bữa ăn, từng chiếc áo mới và dầy mặt đi xin bạn
bè, người thân từng thùng mì, từng tấm chăn, từng manh chiếu, từng vuông vải để
đem lên buôn thượng, bản làng vùng cao nguyên cho anh em dân tộc nghèo đói. Những
hy sinh, vất vả, cố gắng ấy không phải Thánh Giá sao? Và những người có lòng
thương xót đang làm những công tác từ thiện, từ tâm ấy không lẽ bị xếp vào những
người khước từ Thánh Giá?
Muà Vọng đến chuẩn bị ngày Thiên Chúa của Lòng Thương Xót xuống thế làm
người. Thiên Chúa xuống thế làm người với lòng thương xót và để yêu vô cùng, và
thương xót đến cùng, Thiên Chúa đã chọn Thánh Giá. Chỉ có Thánh Giá mới nói hết
lòng thương xót vô bờ bến và tình yêu tuyệt đỉnh của Thiên Chúa đối với con người có tội.
Mùa Vọng vì thế mời gọi chúng ta suy nghĩ về sứ mệnh của người môn đệ Đức
Giêsu, là sống lòng thương xót bằng con đường Thánh Giá như sứ
vụ thứ nhất và quan trọng nhất phải được ưu tiên thực hiện. Thiếu lòng thương
xót, chúng ta không thể là môn đệ của Đức Giêsu, vì Đức Giêsu là Dung Mạo đích
thực của Chúa Cha giầu lòng thương xót. Đàng khác, đi theo Đức Giêsu là chọn sống
lòng thương xót của Thiên Chúa thánh thiện, vì Ngài là Thiên Chúa của lòng xót
thương; bởi lẽ, có những tôn giáo trọng lề luật như Do Thái giáo; cặn kẽ, chi
ly, bắt bẻ từng chữ của kinh Coran như Hồi giáo; luân hồi nhân qủa như Phật
giáo nhưng chúng ta chọn Kitô giáo là tôn giáo duy nhất có Thiên Chúa làm người,
gần gũi với con người, vì xót thương con người. Chúng ta có “một Thiên Chúa giầu
lòng xót thương, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung”, mà các tôn giáo
khác không có. Thiên Chúa ấy không xót
thương con người “từ xa”, không yêu thương
theo “kiểu remote”, nhưng xuống thế, ở cùng, ở với, chọn Thánh Giá ô nhục,
khổ đau để thể hiện, minh chứng lòng thương xót tuyệt đỉnh, vô cùng, để không
ai có thể yêu con người nhiều hơn Thiên Chúa, để không tình nào có thể so sánh
với tình của Thiên Chúa, bởi không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu hiến mạng sống
cho người mình yêu, không có tình xót thương nào vĩ đại hơn tình xót thương của
Thánh Giá Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người.
Muà Vọng cũng là mùa lên đường của môn đệ Đức Giêsu để loan báo Tin Mừng
Giáng Sinh, Tin Mừng của Lòng Thương Xót, cũng là Tin Mừng của Thánh Giá cứu độ,
Thánh Giá mà Thiên Chúa đã chọn để tò lòng xót thương.
Xin Đức Giêsu tràn đầy tâm hồn chúng ta lòng thương xót của Ngài, và
nâng đỡ chúng ta trên đường Thánh Giá như Ngài đã hứa : “Hỡi những ai vất vả,
khó nhọc, hãy đến với Ta, Ta sẽ bổ sức cho, vì ách Ta êm ái, gánh Ta nhẹ nhàng”.
Với Thánh Giá, chúng ta bình an bước đi trên hành trình Lòng Thương Xót với Đức
Giêsu, Thiên Chúa làm người, để loan báo
Thiên Chúa là “Đấng Cứu Độ giầu lòng xót thương đã dung Thánh Giá mà cứu chuộc
nhân loại”.
Jorathe Nắng Tím