Lần đầu tiên, một cách công khai,
Chúa Cha đã tỏ
tình yêu sâu thẳm
và bao la với
Đức Giêsu, Con yêu
qúy của mình, khi
"trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay
Cha đã sinh ra con" (Lc 3,21-22), khi Đức Giêsu cùng đám đông "chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện".
Đức Giêsu đã được
Chúa Cha sủng ái, trước hết vì Ngài khiêm nhường. Vì khiêm nhường, Đức Giêsu đã cùng đám
đông xin chịu
phép rửa bởi tay Gioan, người anh họ của Ngài. Người này cũng rất khiêm tốn, chân thực khi trả lời với đám đông đang muốn suy tôn ông là Đấng Thiên Sai, vì từ lâu họ đã nóng lòng trông
ngóng : "Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng
mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong
Thánh Thần và lửa" (Lc 3,16).
Chịu phép rửa
bằng nước từ tay Gioan, Đức Giêsu đã tỏ rõ nhân tính của Ngài cho mọi người: Ngài là con người thật, dù thiên tính vẫn đồng thời tồn tại. Nhân tính ấy cho phép Ngài trở nên "giống phàm nhân, sống như người trần thế" (Pl 2,7),
làm người như chúng ta, trừ tội lỗi, để không có gì ở nơi con người, mà Thiên Chúa đã
không trở nên, cảm nghiệm, gánh vác, chia sẻ.
Và một trong hạnh
phúc lớn nhất của con người, hạnh phúc mà con người đã đánh mất vì tội nguyên tổ, đó là hạnh phúc và vinh dự được làm con Thiên
Chúa. Chịu phép rửa bên sông Giôđan
ngày ấy, Đức Giêsu đã đến với Gioan như con người, giống bao con người khác đang tuôn đến xin chịu phép rửa, để sám hối, ăn năn với niềm hy vọng rất lớn được Thiên Chúa thứ tha, trả lại hạnh phúc làm Con đã
mất.
Và sự lạ xẩy ra khi trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu, với tiếng phán từ trời: "Đây là Con
của Cha; ngày hôm
nay, Cha đã sinh ra con" đã là chứng cớ hùng hồn: từ nay, nhờ Đức Giêsu, với Đức Giêsu và trong Đức Giêsu, Thiên Chúa
làm người, tòan thể nhân loại được Chúa Cha sinh lại, để được làm con của Thiên Chúa nhờ phép rửa trong Thánh Thần và lửa.
Từ sự lạ này, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta:
1. Đức Giêsu đã đến làm người, như con người để con người được giao hoà với Chúa Cha, và được trả quyền làm Con Thiên
Chúa
Không phải chờ đến giờ chết trên Thánh Giá, Đức Giêsu mới giao hoà nhân loại với Cha Ngài, nhưng
ngay từ giây phút đầu nhập thể, nhập thế, Đức Giêsu đã khởi sự công trình giao
hoà ấy. Với phép rửa ở sông Giôđan, Chúa
Cha đã tỏ ra cho mọi người biết: Đức Giêsu là Con Người - Thiên Chúa, Đấng đến để giao hoà con người với Thiên Chúa, và chỉ một mình Ngài làm đẹp lòng Chúa Cha, và
nhờ có Ngài, nhân loại mới được Chúa Cha trả lại ơn làm con Thiên
Chúa, như thánh Phaolô đã qủa quyết với Titô, môn đệ của mình : "Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, và ơn cứu độ của Thiên Chúa đến với mọi người" khi Đức Giêsu,
"Thiên Chúa vĩ đại
và Đấng Cứu Độ xuất hiện trong vinh
quang" ( x. Tt 2,11-13).
Qủa thực, đám đông hốm ấy cùng Đức Giêsu chịu phép rửa bên bờ sông Giôđan đã được nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu, khi trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống trên Ngài, và tiếng Chúa Cha ấu yếm : "Đây là
Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người" (Mt 3,17).
Thánh Gioan Tông Đồ
đã ghi lại cặn kẽ trong Tin Mừng lời chứng của Gioan Tẩy Giả: "Tôi đã
không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ítraen,
tôi đến làm phép rửa trong nước... Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm
phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi
thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn" (Ga
1,31-34).
Thực vậy, Thiên Chúa đã tỏ vinh quang ấy cho đám đông để họ nhận ra Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến để cứu độ nhân loại, và một kỷ nguyên mới được mở ra nhờ Ngài: Con người được Thiên Chúa cứu độ và được tái sinh làm con
Thiên Chúa. Và tiếng
phán của Chúa Cha từ trời về Đức Giêsu: "Đây
là Con yêu dấu
của Ta" cũng là
lời Chúa Cha nói với mỗi người chúng ta, nếu chúng ta đi theo
và vâng phục Đức Giêsu, Thiên Chúa
làm người.
2. Đức Giêsu tái sinh
chúng ta trong phép rửa của Thánh Thần để chúng ta thi hành sứ vụ của Con Cái Thiên Chúa:
Đây là điều Gioan Tẩy Giả đã khẳng định: "Tôi làm phép rửa cho anh em trong
nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong
Thánh Thần và lửa" ( Lc 3,
16).
Phép rửa trong Thánh Thần và lửa là phép rửa của Thiên Chúa, do
chính Thiên Chúa tác động
và hành động, với lòng yêu mến, khao khát đuợc trở nên con cái Thiên
Chúa của con người. Phép rửa ấy ban cho chúng ta
ơn làm Con, nghiã là cho chúng ta chung quyền làm Con Thiên Chúa của Đức Giêsu, chung phần gia nghiệp của người con được thừa kế là Đức Giêsu.
Và ở trong Đức Giêsu, với Đức Giêsu, nhờ phép rửa, chúng ta được mời gọi thực hiện ba sứ vụ, tùy theo mức độ đòi hỏi của các chức vụ khác nhau như Giám Mục, Linh Mục,
Tu Sĩ, Giáo Dân:
a. Sứ vụ Tư Tế :
Do đòi hỏi hiệp thông với Thiên Chúa, vì tất cả là chi thể của cùng một Thân Thể là Đức Giêsu, người tín hữu được thuộc về Đức Giêsu cách trọn vẹn, đồng thời có nhiệm vụ mời gọi mọi người tham dự vào sự hiệp thông ấy.
Chúng ta hiệp thông với Thiên Chúa trước hết qua Hy Lễ Tạ Ơn được cử hành bởi Đức Giêsu để dâng lên Chúa Cha
toàn thể cuộc sống nhân loại, với "bánh, rượu và lao công của con người", để tất cả trở nên "của lễ ca tụng , tôn vinh danh
Chúa, và mưu ích cho chúng ta và toàn thể Hội Thánh". Bên
cạnh là đời sống cầu nguyện, đời sống bí tích, cùng với tất cả vui buồn của cuộc sống, để ở đâu và lúc nào,
chúng ta cũng gắn
bó, kết hiệp với Đức Giêsu, bằng biến đời ta thành của lễ nối dài, liên tục với Hiến Lễ của toàn thể Hội Thánh.
b. Sứ vụ làm vua:
Đức Giêsu là Vua vũ trụ vì Ngài là Thiên Chúa. Làm người, Ngài cũng sinh ra trong dòng tộc vua Đavít. Với
phép rửa, người Kitô hữu được tháp nhập với Đức Giêsu, nên chia sẻ vinh dự cũng như sứ vụ làm vua của Ngài. Nhưng sứ vụ làm vua ấy không giống như quan niệm bình thường của con người.
Trước hết, sứ vụ làm vua, hay sứ vụ vương giả đòi hỏi chúng ta luôn
nhìn vào thế
giới chúng ta đang sống, nhìn vào người chung quanh chúng
ta đang sống với, để có được tinh thần phục vụ của Đức Giêsu, khi tin
vào con người,
tin vào cuộc đời, và hết lòng yêu mến, hiến thân phục vụ, như Đức Giêsu, Đấng là Vua muôn vua,
nhưng đến như người tôi tớ phục vụ mọi người.
Phục vụ con người, phục vụ cuộc đời là mục đích của sứ vụ làm vua của Đức Giêsu. Do đó, sứ vụ làm vua do phép rửa mang lại không là lý chứng cắt nghiã, chống lưng cho thái độ hống hách, quan quyền, trịch thượng, thao túng quyền bính, lạm dụng chức vụ để đàn áp, bóc lột, phủ nhận quyền làm người, khước từ quyền làm con Chúa của người khác; càng không
là lý do dựa vào chức quyền được trao để xây dựng địa vị, danh phận của mình, và sử dụng những người thấp cổ bé miệng,"không tiếng nói" như
phương tiện, hay những con cờ trên bàn cờ ích kỷ, mưu tìm ích lợi riêng tư.
Làm vua trong ý nghiã và đòi hỏi của phép rửa là mang lấy trách nhiệm, và tìm mọi cách cùng với mọi nguời làm cho nhân loại được hạnh phúc hơn, thế giới được tốt đẹp hơn, bằng khiêm tốn phục vụ quên mình, trong
tinh thần của Đức Giêsu: "Anh
em biết: vua chúa các dân
thì dùng uy mà thống
trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không
được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như
Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mt
20,25-28).
Làm vua như thế, chính là phục vụ vương quốc của Lòng Thương Xót;
là tìm kiếm sự công chính, bình
an cho mọi người, với tinh thần dấn thân, quên mình
vì người khác.
c. Sứ vụ ngôn sứ:
Ngôn sứ là người
nói điều Thiên Chúa muốn nói, người loan báo sứ điệp của Thiên Chúa, người làm chứng chân lý thuộc về Thiên Chúa. Ngôn sứ bằng lời nói, việc làm, và đời sống của mình loan báo Tin
Mừng và làm chứng Tin Mừng. Vì thế, công việc của ngôn sứ không dễ dàng, nhưng là một thách đố: thách đố của thế gian không muốn nghe Lời Thiên Chúa; thách
đố của lòng người ngày càng chai
đá, vô cảm; thách đố của cuộc sống không ngừng lôi kéo con người xa khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa; thách
đố của chính lòng mình,
vì nhu cầu vật chất, ngăn cản ta lên đường loan báo và làm
chứng một Thiên Chúa thiêng
liêng, vô hình, ở
xa tít thăm thẳm.
Sứ vụ ngôn sứ còn đòi phải nhậy bén với các dấu chỉ của thời đại, nhậy bén với "hơi thở của Chúa Thánh Thần", để không vô tình giập tắt ơn của Ngài, làm chết sức sống của Ngài trong các
tâm hồn. Trái lại, với ơn của ngôn sứ, người chịu phép rửa sẽ mau mắn đáp lại tiếng nói tuy mãnh liệt nhưng thường âm thầm, kín đáo, khó nhận ra của Thánh Thần, để Tin Mừng được loan báo và đến với mọi người.
Tóm lại, với phép rửa, chúng ta nhận từ Đức Giêsu ba sứ vụ quan trọng, do được tháp nhập vào Thân Thể mầu nhiệm. Ba sứ vụ Tư tế, Vương Giả, Ngôn Sứ tương xứng với ba đòi hỏi: Hiệp Thông, Phục Vụ và Làm Chứng. Hiệp Thông đòi tế lễ, Phục Vụ là bổn phận của vua, và Ngôn Sứ là người phải loan báo và làm
chứng.
3. Kết quả cuả phép rửa là chúng ta được mặc lấy Đức Giêsu, nghiã là
được đổi mới trong Thánh Thần:
Thánh Phaolô dùng sự chết để nói về tình trạng trước khi được mặc lấy Đức Giêsu: "Anh em đã chết vì những sa ngã và tội lỗi của anh em. Xưa kia,
anh em đã sống
trong đó, theo trào lưu của thế gian, theo tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực trên không trung,
tên ác tần hiện đang hoạt động trên những kẻ không vâng phục. Tất cả chúng tôi xưa kia
cũng thuộc hạng người đó, khi chúng tôi
buông theo các đam mê của
tính xác thịt,
thi hành những
ước muốn của tính xác thịt và của trí khôn" (Ep
2,1-3), nhưng nay "chúng ta được sống với Đức Kitô. Chính do ân
sủng mà anh em được cứu độ !" (Ep 2,5).
"Vì chúng ta, Người
đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho
thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta thành
Dân riêng của
Người, một dân hăng say làm
việc thiện" (Tt 2,14).
Ước gì tất cả mọi Kitô hữu, nhờ phép rửa được ơn Chúa Thánh Thần đổi mới từng ngày, hầu chu toàn sứ vụ của người có Đức Kitô trong cuộc đời, người mang Đức Kitô cho thế giới, người làm chứng Đức Kitô cho muôn
dân. Và như thế,
suốt đời làm người Kitô hữu, chúng ta luôn được Chúa Cha thương
yêu và không ngừng
nhắn gửi: "Con là con
yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về con !".
Jorathe Nắng
Tím