Đức Giêsu, Thiên Chúa giáng sinh không chỉ là biến cố vui mừng cho thánh
gia và những người quen biết, gần gũi như các mục đồng, nhưng còn
là hạnh phúc cho cả nhân loại, cho mọi người tận chân trời góc biển xa xôi. Hôm nay, với các nhà
chiêm tinh từ rất xa đến Bêlem bái lậy Hài Nhi, Ngôi Lời của Thiên Chúa
làm người, chúng ta nhận ra mầu nhiệm nhập thể không chỉ dành cho một nhóm người, một giai cấp, một thành phần, hay một địa phương, dân tộc nào đó, nhưng cho tất cả mọi người, không trừ ai, bởi Đức Giêsu là Mục Tử của cả nhân loại, Ánh Sáng của muôn dân.
Cựu Ước đã loan báo
Đức Giêsu bằng diễn tả cảnh huy hàng của Giêrusalem, "khi ánh sáng của Đức Chúa như
bình minh chiếu toả trên ngươi… Khi chư dân từ khắp nơi sẽ đi về ánh sáng của ngươi, vua
chúa huớng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước... Tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi"
(Is 60,1-4).
Thánh Phaolô thì xác tín kế hoạch ân sủng Thiên Chúa ủy thác cho
mình: "Trong Đức Giêsu Kitô và nhờ Tin Mừng, các dân
ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia
sẻ điều Thiên Chúa hứa" ( Ep ,6). Đây là "mầu nhiệm đã được giữ kín từ muôn thưở" (Ep
3,9), và giờ đây mới được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô, Ánh sáng muôn dân.
Ánh Sáng muôn dân đã chiếu đến các dân tộc, điển hình là ba
nhà chiêm tinh từ phương xa đã nhận ra và đến Belêm kính
thờ.
Trình thuật giáng sinh
trong Tin Mừng Mátthêu đã làm nổi bật mầu nhiệm Chúa tỏ mình cho muôn
dân, và sứ vụ loan báo Tin Mừng cho toàn thể nhân loại, bằng cách đối chiếu thái độ giữa hai cặp đôi đối nghịch: Đức Giêsu, vua
dân Do Thái và vua Hêrođê, cũng như các thượng tế - kinh sư Do
Thái và các nhà chiêm tinh đến từ phương Đông.
Thánh Mátthêu đã cho thấy rất rõ Đức Giêsu, vua
dân Do Thái đã sinh ra rồi, mà Hêrôđê, nhà vua đương vị vẫn không biết gì cho đến lúc ba nhà
chiêm tinh đến hỏi: "Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng
tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông", Herôđê mới choàng tỉnh, kinh ngạc, bối rối.
Vì sao của Đức Giêsu xuất hiện tận phương xa
nói lên lãnh thổ vương quốc của Ngài không bị giới hạn ở phần đất Do Thái, nhưng bao trùm khắp nơi, và chiếu soi cho mọi người. Sở dĩ Hêrôđê đã
không thấy đuợc vì sao Đức Giêsu, vì ông tự cho mình là Sao, nên không chấp nhận Sao nào
khác, nhất là Sao ấy lại sáng hơn mình, cao hơn mình. Ông cũng không bao giờ nghĩ trên
lãnh thổ của mình lại có thể xuất hiện một vị vua khác, một vị vua vừa mới sinh ra.
Thái độ hốt hoảng sợ hãi, rồi phẫn nộ, giận dữ khi hạ lệnh giết hết các trẻ thơ dưới hai tuổi ở Bêlem và toàn vùng lân cận là phản ứng tự nhiên của một kẻ say quyền đang đầy thế lực. Thái độ ấy cũng nói lên
tính hẹp hòi, ích kỷ của tâm hồn, và cái nhìn thiển cận. Vì hẹp hòi, thiển cận, ích kỷ, Hêrôđê đã
không thể đón nhận vì sao của Đức Giêsu, Vua vũ trụ.
Cũng như vua Hêrôđê, các thượng tế và kinh sư Do
Thái không nhận ra vì sao lạ, đã được ghi trong sách các ngôn sứ mà các ông
thuộc nằm lòng: "Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi
đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi mà vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen, dân
Ta sẽ ra đời" (Mt 2,6). Khác với các ông thựơng tế và kinh sư,
ba nhà chiêm tinh đã nhận ra và dõi theo ánh sao lạ. Họ đã đến tận Bêlem và được gặp Vua các vua,
Thiên Chúa làm người.
Việc Chúa tỏ mình cho muôn
dân qua sự kiện các nhà chiêm tinh từ phương xa đã
nhận ra ánh sao của Hài Nhi vừa sinh ra ở Bêlem là dấu chỉ của mầu nhiệm Thiên Chúa đến trong thế giới để cứu độ mọi người, như thánh
Phaolô đã qủa quyết: "Thiên Chúa đã hành động như thế theo quyết định Nguời đã có từ muôn thưở, và đã thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô và nhờ tin vào Người, chúng ta đuợc mạnh dạn và tin tưởng đến gần Thiên Chúa " (Ep 3,11-12).
Đến gần Thiên Chúa, như
các nhà chiêm tinh đã bất chấp nguy hiểm của đường xa, nguy hiểm bị Hêrôđê theo dõi, đe dọa. Con đường Thiên Chúa
đến với muôn dân cũng không kém phần khó khăn, và
là con đường khó: khó vì thế gian cấm cách, cản trở, như Hêrôđê đã
tìm cách không cho các nhà chiêm tinh mau chóng đến Bêlem; khó
vì thế gian không muốn biết và không muốn cho bất cứ ai biết Thiên Chúa ở đâu như các kinh sư và thượng tế; khó vì não
trạng ích kỷ, cục bộ, kỳ thị; khó vì lòng ganh ghét, không muốn ai hơn mình;
khó vì tâm địa nhỏ nhen, không muốn cho ai được gặp Chúa trứơc mình hay với mình.
Những thái độ tiêu cực trên có thể là thái độ thường có trong đời sống của chúng ta, những người Kitô hữu: thái độ không mấy thân thiện với anh chị em ngoài Kitô
giáo, thái độ kẻ cả, coi thường anh em các tôn giáo bạn, thái độ thiếu huynh đệ, hợp tác, thái độ không tương
kính, tôn trọng những giá trị nơi các tôn giáo khác.
Ghìm mình trong mầu nhiệm Đức Giêsu là ánh
sáng muôn dân, Đấng chăn dắt tòan thể nhân loại, chúng ta xin Chúa một tâm hồn rộng mở để nhìn thấy ánh sáng của Chúa trên mọi nước, mọi dân tộc, ánh sáng muốn chiếu soi hết mọi người, không trừ ai; ơn cứu độ muốn đến với mọi tâm hồn, không phân
biệt, kỳ thị.
Ước gì ánh sáng
Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người đến đuợc với muôn dân và
muôn dân được trở thành con dân trong Vương Quốc Yêu Thương,
Bình An của Ngài.
Jorathe Nắng Tím