"Đổi mới triệt để, đổi mới đến cùng, đổi mới liên tục, đổi mới toàn diện, đổi mới từ trên xuống dưới, đổi mới từ trong ra ngoài, đổi mới hay chết, đổi mới để tiến lên, đổi mới để bắt kịp trào lưu thế giới".
Đó là những khẩu hiệu tuyên truyền, thúc đẩy, hô hào đổi mới mà chúng ta
đã quen thuộc đến nhàm chán, không chỉ từ truyền thanh, truyền hình, loa
phóng thanh xã ấp, mà còn từ báo chí, bích chương, biểu ngữ; không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới, đâu đâu
cũng khẩn trương đổi mới, quốc gia nào cũng đặt ra chương trình đổi mới; không chỉ đổi mới y tế, học đường, mà đổi mới cả thể chế chính trị, sinh hoạt cộng đồng; không chỉ đổi mới chính sách quản trị quốc gia, mà cả đường lối ngoại giao với thế giới bên ngoài. Đại loại, người người đòi đổi mới, nhà nhà đòi
đổi mới, nước nước đòi đổi mới.
Nhưng thế nào là đổi mới, và những gì cần được ưu tiên đổi mới ?
1. Đổi mới là nhu cầu
bản thân:
Trước hết, đổi mới là một nhu cầu mang tính
"sống còn", vì không ai sống mà
không đổi mới. Em bé còn
nhỏ mang tã, nhưng đến sáu tuổi mà không chịu đổi mới, bỏ tã thì làm
sao bé lớn được? Trẻ thơ cần uống sữa, nhưng thanh niên, trai tráng mà cứ đòi "bú
bình" thay cơm, khư khư không đổi mới thì ai dám chứa? Vì thế, đổi mới không chỉ là nhu cầu sinh lý, mà
còn là nhu cầu tâm lý, nhu cầu xã hội.
2. Đổi mới là đòi hỏi xã hội:
Có thể ta chẳng cần đổi lối sống bừa bãi, nhếch nhác, thiếu vệ sinh như
không tắm rửa, không chà răng mỗi ngày, không thay quần áo, không cắt tóc, gội đầu, nếu ta sống đơn độc một mình, không
có ai bên cạnh. Trong trường hợp này, ta chẳng có ai để phải đổi mới, vì chẳng cần ai, cũng chẳng có ai để tương quan qua lại. Nhưng sống là "sống với", sống với người khác, sống với cha mẹ, vợ con, anh chị em, bà con, họ hàng; sống với thôn làng, đất nước; sống với đồng nghiệp, người dưng, kẻ lạ, ngay cả đối phương, kẻ thù, ta cũng phải "sống với", dù bất đắc dĩ theo kiểu: "đành
phải sống với lũ vậy thôi!".
Vì sống trong xã hội, sống với người khác, nên ta
phải thích nghi với đòi hỏi của xã hội, nương theo người chung quanh. Đổi mới lúc này trở thành nghiã vụ hơn là sở thích để có một tương quan tốt đẹp, hài hoà
trong đời sống.
Một khi đã chấp nhận đổi mới là nhu cầu bản thân và đòi
hỏi xã hội để hạnh phúc cuộc đời được bảo đảm, ta cũng cần xác định ưu tiên của đổi mới, bởi tất cả những gì là đời ta, liên quan đến ta xem ra
liên tục chảy đều trên giòng nước không bao giờ ngưng, nên
không có gì không đòi được đổi mới từng giờ, từng ngày.
Vì tất cả cần đổi mới, đòi được đổi mới, nên phải biết cái gì cần tức khắc đổi mới, cần đổi mới ngay, trước những đổi mới tiếp theo. Nói
cách khác, việc phải làm là biết chọn lựa đổi mới cái gì là nền tảng, cơ bản, chính yếu, như đổi mới "đầu tầu" trước khi đổi mới các toa xe,
để tầu lửa chạy nhanh, chạy đều, bởi khi nền tảng, cơ bản, chính yếu được đổi mới, nó sẽ kéo theo dễ dàng tất cả các đổi mới liên quan, phụ thuộc khác.
Là người theo Đức Giêsu, chúng
ta cũng cần đổi mới: đổi mới tâm linh. Đổi mới này không chỉ do nhu cầu, đòi hỏi của bản thân và xã hội, mà còn là điều Thiên Chúa muốn: "Các
ngươi hãy trở nên thánh thiện như Thiên Chúa của các ngươi là Đấng thánh"
(Lv 19,2). Mời gọi trở nên hoàn thiện, chính là mời gọi đổi mới. Chúa muốn chúng ta đổi mới hằng ngày, đổi mới liên lỷ để từng bước một, và ngày từng ngày, chúng ta trở nên tốt hơn, tử tế hơn, hiền lành hơn,
khiêm tốn, thánh thiện hơn. Tắt một lời, là mỗi ngày một nên giống Chúa hơn, với khao khát được "đồng hình đồng dạng" với chính Ngài.
Mời gọi đổi mới để trở nên hoàn thiện, Thiên Chúa
biết chúng ta yếu đuối sẽ ngã lên ngã xuống, và thay lòng đổi dạ không ngừng trên đường đổi mới: sáng thánh
thiện, chiều tội lỗi; hôm qua còn sụt sùi thống hối ăn năn, hôm
nay đã buông thả, lăng loàn,
ngạo mạn; tuần trước sốt sắng linh thao, tháng sau đã khô khan, nhạt nhẽo... Chúa còn biết chúng ta rất mẫu thuẫn với chính mình:
muốn điều thiện thì có muốn, nhưng làm điều thiện thì không,
như thánh Phaolô đã chân thành tự thú: "Sự thiện tôi muốn thì tôi
không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm "
(Rm 7,19).
Vì thế, ảo tưởng cần được loại bỏ ngay từ đầu hành trình đổi mới là ảo tưởng ta là người thánh thiện, và ta sẽ thực hiện chuơng trình
đổi mới như ta muốn.
Đây là cạm bẫy cực kỳ nguy hiểm của ma qủy. Hắn đẩy những tâm hồn ngây thơ,
nhiệt tình với đổi mới vào bẫy kiêu căng, khi tuyệt đối tin ở khả năng, ý chí,
và tự lập trình chính xác thời điểm hoàn thiện của mình. Thánh Phaolô đã trải qua cơn cám
dỗ "phải tự hào về những thành qủa của mình", nhưng cùng lúc, ngài sống kinh nghiệm của thân phận con người luôn yếu đuối, và nhận ra "sức mạnh của Thiên Chúa
biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của chúng ta", để "rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối" của mình, và suốt đời xác tín:
"Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh" (2Cr
10), "để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi" (2Cr 9).
Và thật tuyệt vời kinh nghiệm của các thánh
trên đường đổi mới nên giống Đức Kitô, khi tất cả đều chung một kết luận: dù chúng ta
yếu đuối, nhưng ơn Chúa đủ cho chúng ta (x. 2Cr
12,9).
Với ơn Chúa,
chúng ta dám xin Chúa đổi mới chúng ta, với cố gắng của chính mình.
Nhưng chúng ta xin Chúa ưu tiên đổi mới cái gì là
căn bản, nền tảng, chính yếu, quan trọng nhất trong chúng ta?
Như thân xác chỉ sống được khi tim còn
đập, vì tim là trung tâm điều hành chuyển vận máu, nên điều chúng ta dám
xin Chúa ưu tiên đổi mới cũng chính là trái tim, như sách Châm Ngôn đã viết : "Hãy
giữ gìn tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát
sinh" (Cn 4,23).
Thực ra, điều chúng ta xin
Chúa đổi mới cũng chính là điều Chúa muốn đổi mới nơi chúng
ta, như ngôn sứ Êdêkien đã tuyên
sấm: "Ta sẽ ban cho chúng một trái tim mới và đặt thần khí mới vào lòng
chúng. Ta sẽ lấy khỏi lòng chúng trái tim chai đá, và ban cho chúng một trái tim bằng thịt, để chúng đi theo
các thánh chỉ của Ta, và tuân giữ, thi hành các huấn lệnh của Ta. Lúc ấy, chúng sẽ là dân Ta và
Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng. Còn những ai để lòng dạ đi theo các đồ gớm giếc, ghê tởm của chúng, Ta sẽ căn cứ vào lối sống của chúng mà hạch tội" (Ed
11,19-21). Và "Ta sẽ ghi khắc vào trái tim
chúng Lề Luật của Ta" (Gr 31,33).
Đức Giêsu thì hứa cho thấy Thiên Chúa đối với những ai có trái tim trong sạch (Mt 5,8),
và nhắn nhủ mọi người học với Ngài, vì Ngài có trái tim hiền lành và
khiêm nhường (Mt 11, 28-30 ). Thánh tông đồ Phaolô cầu nguyện cho tín hữu Êphêsô:
"Xin cho anh em, nhờ lòng tin được Đức Kitô ngự trong trái tim" để "được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái" (Ep
3, 17).
Sở dĩ trái tim
quan trọng và được Thiên Chúa ưu tiên mời gọi đổi mới mỗi ngày là vì
"từ trái tim phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà
dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống" (Mt 15,19). Trái tim
là nơi chôn dấu những tư tưởng ám muội, sào huyệt kiên cố của những thủ đoạn, mưu mô, mà chỉ Thiên Chúa mới thấu suốt, như Đức Kitô đã nói
với mấy ông kinh sư đang nghĩ xấu về Ngài, sau khi
Ngài làm phép lạ chữa người bại liệt: "Sao các ông lại nghĩ xấu trong
lòng như vậy?" (Mt
9,4). "Lòng" đây chính là trái tim, theo nguyên ngữ Hy Lạp của bản văn kinh
thánh.
Vì thế, đổi mới trái tim
chính là điều Thiên Chúa mời gọi mỗi người để nhận đuợc ơn cứu sống: "Hỡi Giêrusalem, hãy tẩy rửa trái tim
ngươi sạch mọi gian tà để được ơn cứu độ. Đến bao giờ ngươi còn ấp ủ những tư tưởng hư đốn?" (Gr 4,14).
Tóm lại, đổi mới trái tim là
việc làm quan trọng và khẩn thiết. Và với ơn Chúa, việc đổi mới này sẽ được thực hiện bằng tẩy rửa, tháo gỡ, bỏ đi mọi gian tà, thủ đoạn, mưu mô, tội lỗi đang được cất giấu, tàng trữ trong trái tim, là tổng hành dinh của mọi tư tưởng, lời nói, việc làm.
Tất nhiên, sau
khi tẩy rửa, tháo gỡ những điều gian ác, những ý nghĩ dâm ô, những mưu mô xảo quyệt, những thủ đọan ích kỷ hại người, trái tim sẽ được tràn đầy những điều tốt đẹp, những ý nghĩ lành thánh, những ước mơ cao thượng, những dự phóng vị tha. Nhưng đó
là cách nói vắn tắt, chung chung, khái quát, nhưng thiếu cụ thể, chính xác.
Điều chúng ta cần biết ở đây chính là
Thiên Chúa muốn trái tim đổi mới được trang bị những gì một cách cụ thể và chính xác, để đổi mới không rơi
vào tình trạng "chỉ đổi mới trên truyền hình, truyền thanh, báo chí, bích chương, biểu ngữ, bàn họp", trong
khi "thực tế, thực sự, thực chất, thực trạng, thực tâm, thực tình thì hoàn toàn không đổi mới".
Thiết tưởng đó cũng là
ưu tư của chúng ta khi quyết tâm đổi mới, bởi rất nhiều lần muốn đổi mới, nhưng ta
không nắm chắc phải đổi mới từ đâu, và bắt đầu bằng đổi mới nào.
Dọc suốt Tin Mừng, Đức Giêsu đã cho
chúng ta thấy rõ Thiên Chúa muốn trái tim mỗi người thao thức, cưu mang,
tìm kiếm, ấp ủ, thực hiện những gì, để thực sự trở thành đền thờ, gia đình của Thiên Chúa, ở đó có tha nhân trong yêu thương huynh đệ.
1. Thiên Chúa muốn
trái tim chọn một mình Chúa là Đấng
Cứu Độ:
Chọn Chúa là nền tảng của đổi mới, bởi trái tim có
Chúa mới có thể được đổi mới, và đổi mới được; bởi chỉ một mình Chúa mới thấu suốt chuyện thầm kín của trái tim và chỉ một mình Ngài mới tẩy rửa, biến đổi toàn diện, toàn phần trái tim.
Chọn Chúa là Đấng Cứu Độ được hiểu như Chúa là
đối tượng duy nhất của chọn lựa căn bản, bởi nếu chọn những công việc, hay những gì liên quan, dính dáng đến Chúa, mà
không phải chính Chúa, thì những chọn lựa ấy vẫn chưa được gọi là chọn lựa đáng tin, chọn lựa mà Chúa muốn, vì không có
gì bảo đảm.
Không có gì bảo đảm, vì có thể những việc thuộc về Chúa như đào
tạo, truyền giáo, từ thiện, bác ái, xây dựng cơ sở Giáo Hội một ngày nào đó
không còn là công việc được trao phó nữa, như khi Bề Trên rút lại, hay hoán
chuyển ta vào công việc khác mà ta không thích, không
chọn. Khi đó, chọn lựa của ta sẽ mất chân đứng và ta sẽ chao đảo, chênh vênh, mất thăng bằng. Sự lầm lẫn giữa chọn Chúa và những công việc của Chúa luôn
mang đến những hậu qủa tiêu cực, bởi khi việc của Chúa mà ta chọn không còn nữa, ta sẽ rơi vào thất vọng, và thường mất phương hướng.
Thực vậy, khi gọi các môn đệ, Đức Giêsu đã chỉ nói :
"Hãy theo Ta!". Ta mới là người anh em chọn, Ta mới là Đấng Cứu Độ, Ta mới là đối tượng anh em tìm kiếm, Ta mới là người anh em đi
theo. Cụ thể và chính xác hơn: không ai, cũng không có gì, kể cả những công trình
của Ta có thể vượt trội hơn Ta, ưu tiên
hơn Ta. Trái lại, duy một mình Ta là đối tượng chọn lựa của trái tim ngươi, để không bao giờ ngươi sẽ phải thất vọng, hay bỏ cuộc, buông xuôi,
khi việc mục vụ bắt buộc phải dang dở hay ê chề thất bại; khi hoài
bão truyền giáo bị bề trên hủy bỏ; khi cơ đồ xây dựng giáo xứ nhiều năm vất vả phút chốc bị đập bỏ, thay thế; khi công sức, tiền bạc nhục nhằn xin xỏ xa gần bất ngờ trở thành công cốc, "số không"
to đùng; khi thiện chí phục vụ bị châm biếm, hiểu lầm; khi lòng tốt và hy sinh bị hàm oan, vu khống; khi ghen ghét, đố kỵ của người đến sau phá đổ công trình của một đời xây dựng; khi vô ơn,
ích kỷ vùi dập không tiếc thương tuổi xế chiều của cuộc đời trọn vẹn cống hiến. Ở vào những hoàn cảnh dở khóc dở cười này, làm sao ngươi có thể đứng vững, an tâm, tự tại, nếu ngươi đã
không chọn Ta là Thiên Chúa
toàn năng, hằng hữu, nhân từ, giầu lòng xót thương, trung tín, không hề lừa dối ai, Đấng đến để yêu thương và
cứu độ ngươi .
Tóm lại, ưu tiên
trên tất cả các ưu tiên là chọn Chúa, bởi cho dù mất tất cả, bị tuớc đọat mọi danh phận, bóc lột mọi khả năng, lấy đi mọi quyền lợi, phương tiện, người Kitô hữu, vì có Đức Kitô, vì đã
chọn Thiên Chúa sẽ không nao núng, sợ hãi, mất phương hướng, điểm tựa, nhưng luôn
bình an với trái tim tràn đầy Thiên Chúa.
2. Thiên Chúa muốn
một trái tim vâng phục:
Luciphe đã kiêu
căng muốn bằng Thiên Chúa, Evà cũng kiêu căng muốn biết những gì Thiên
Chúa biết, nên đã mất Thiên Chúa, và trái tim không còn là nơi Thiên Chúa hẹn hò, gặp gỡ trong hạnh phúc của tình phụ tử.
Khác với Luciphe và
Ađam - Evà, Đức Giêsu đến trong thế gian chỉ để vâng phục Chúa Cha, ngoài ra không còn gì khác: "Ngài đã hạ mình vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự" (Pl 2,
8). Suốt cuộc đời, và trong mọi cảnh huống, thử thách, Đức Giêsu luôn vâng phục và vâng phục tuyệt đối. Trước đe dọa của cuộc khổ hình hãi hùng, và cái chết khủng khiếp đẫm máu, Đức Giêsu đã can
đảm chọn vâng phục Thánh Ý: "Lậy Cha, nếu có thể được, xin cho con
khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con,
nhưng xin theo ý Cha" (Mt 26,39).
Vâng phục vì thế là giá trị tuyệt vời của người môn đệ Đức Giêsu, vì
tình yêu con người dành cho Thiên Chúa chỉ có thể được biểu lộ cụ thể và sống động qua vâng phục, như Đức Giêsu đã biểu lộ tình yêu của Ngài với Chúa Cha bằng vâng phục chương trình
cứu thế của Chúa Cha, khi chấp nhận chịu khổ hình và chết ô nhục trên Thánh
Giá.
Vì thế, khó có thể quan niệm một người chọn Chúa làm lẽ sống, làm gia
nghiệp, mà không vâng phục thánh ý được biểu hiện qua bề trên, và người có trách nhiệm, cũng như
người con hiếu thảo khó có thể từ chối tôn ý của cha mẹ mình.
Trái tim vâng phục vì thế là trái tim
Thiên Chúa đợi chờ ở mỗi người trong chiến dịch đổi mới do chính Ngài đề xướng, kêu gọi.
3. Thiên Chúa muốn
một trái tim biết
chạnh lòng xót thương:
Ngôn sứ Êdêkien đã
tuyên sấm: Thiên Chúa sẽ biến đổi trái tim
chai đá của dân Ngài ra qủa tim bằng thịt. Chai đá đồng nghiã với vô cảm, băng giá, lạnh lùng, và
"thịt" nói lên tính nhậy bén, đồng cảm, chạnh lòng, từ tâm, hay
thương xót.
Tin Mừng đã vẽ rất sinh động dung mạo thuơng xót của Chúa Cha
trong Đức Giêsu. Và Đức Giêsu đã hoạ nên hình ảnh người môn đệ có trái tim biết chạnh lòng xót
thương và thực hiện lòng thương xót
thương ấy qua dụ ngôn "Người Samari nhân hậu", với lệnh lên đường : "Hãy
đi và cũng hãy làm như vậy" (x. Lc 10,29-37).
Với trái tim
thương xót, "cũng hãy làm" như người ngoài đạo xứ Samari
"tới ngang chỗ người bị nạn và chạnh lòng thương" (Lc 10,33), mà không vô cảm, nhẫn tâm làm lơ,
"tránh qua bên kia mà đi" như thầy tư tế và thầy Lêvi.
"Cũng hãy làm như vậy", khi "lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho
người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy lên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc" (Lc 10, 34). "Cũng hãy làm như vậy", khi rộng rãi thanh
toán tiền săn sóc nạn nhân không hề quen biết cho chủ quán, lại còn hẹn trở lại để trả hết những khoản chi phí còn thiếu (Lc 10,35). Và để làm được như vậy, Chúa muốn môn đệ của Ngài phải có một qủa tim bằng thịt để biết chạnh lòng thương cảm, và quảng đại cho đi.
Qủa thực, đổi mới trái tim
chính là để trái tim thuộc về Thiên Chúa, hay cường điệu hơn, là để Thiên Chúa chiếm đoạt trái tim
mình. Bởi chỉ có Thiên Chúa, đầy Thiên Chúa, trái tim con người mới có thể chạnh lòng thương
cảm và giúp đỡ người không quen biết; quảng đại chia sẻ với người mình không ưa,
hay không ưa mình, và bao dung với cả những ai ganh ghét, vu khống, làm khổ mình.
Hoạt cảnh ngày phán xét cũng chỉ là kết luận tất nhiên của giới luật yêu thương,
mà ta có thể tóm gọn trong một "mối phúc" của Hiến Chương Nước Trời : "Phúc thay ai thuơng xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa
xót thương" (Mt 5,7).
Thực vậy, những người được cứu rỗi ở ngày chung thẩm sẽ không là ai
khác những người có lòng xót thương anh em mình, như người Samari nhân
hậu của Tin Mừng Luca, hình ảnh đích thực của người môn đệ Đức Giêsu với trái tim được đổi mới để biết chạnh lòng xót thương và tận tình chia sẻ, làm vơi đi,
nhẹ bớt những gánh nặng khốn quẫn, cơ cực, tủi nhục của anh em mình.
4. Thiên Chúa muốn
một trái tim tràn đầy
hy vọng:
Thiên Chúa là niềm vui, và niềm vui nào cũng
tràn đầy hy vọng, nên trong Thiên Chúa, trái tim luôn hy vọng được đổi mới mỗi ngày. Bởi không hy vọng được đổi mới, không tin tưởng Thiên Chúa sẽ đổi mới, trái tim
chúng ta sẽ ù lì, chai cứng, không mở ra để đón nhận ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần, và như thế, Thiên Chúa
cũng đành bó tay khi chúng ta không hy vọng, tin tưởng ở ơn Ngài, cũng
như người bệnh không tin tưởng ở lương y,
nhưng tuyệt vọng từ chối được cứu chữa, trước khi lương y đến cứu chữa.
Đây là điểm rất quan trọng, bởi thiếu niềm hy vọng được đổi mới, trái tim sẽ không thể đổi mới; thiếu tin tưởng, tín thác
vào sức mạnh đổi mới của Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ không thể can thiệp đổi mới trái tim chúng ta, vì Ngài tôn trọng tự do, và cần "giọt nước cộng tác bé nhỏ" của chúng ta
trong đại dương ơn sủng của Ngài.
Hy vọng ở Chúa là không
nản chí, ngã lòng khi muốn "đổi" ngay
mà ngày này qua ngày khác vẫn chưa đổi được nhiều; muốn "mới" ngay lập tức, mà cứ lên được một bậc, lại rớt xuống một mức, cứ bước thêm vài bước, lại dăm ba thước tụt hậu. Hy vọng ở Chúa là không
bỏ cuộc khi gánh nặng "yếu đuối" làm trì trệ tiến độ đổi mới đã hoạch định, làm đảo lộn quy trình đổi mới đã lập trình sẵn.
Với trái tim hy
vọng ở ơn phù trợ nơi danh Chúa, người môn đệ sẽ không bực bội, cắn rứt, nguyền rủa mình, nếu chẳng may thánh
giá "yếu đuối" quá nặng đã làm chân trượt té, ngã qụy. Với niềm hy vọng có Thiên
Chúa trên đường đổi mới, trái tim bất toàn sẽ không hằn học trách móc, đổ tội, lên án ai, nếu có ngày phải một mình lầm lũi, cô
thân, cô thế, cô độc đi trong đường hầm đức tin đen tối, mù mịt, và với niềm tin tưởng Thiên Chúa ủng hộ trăm phần trăm công việc đổi mới trái tim, chúng ta sẽ không sợ phải đổi mới mỗi ngày; không sợ phải đổi mới từng việc nhỏ, rất nhỏ; không sợ phải liên lỷ và trường kỳ phấn đấu cam go để không bỏ công trình đổi mới luôn dang dở, bởi Thiên Chúa muốn chúng ta "luôn trên đường",
"luôn ở tình trạng trở nên", và không ngừng đổi mới, chứ không muốn chúng ta tự mãn vì đã đạt đích thánh thiện, đã đạt chuẩn người hoàn hảo, không còn
phải cố gắng đổi mới.
Niềm hy vọng như thế sẽ cho trái tim
trên đường đổi mới niềm vui bình an, vì
chỉ có một điều trái tim quan tâm thực hiện, đó là tin ở ơn đổi mới của Thiên Chúa,
Đấng Cứu Độ giầu lòng xót thương.
Vâng, năm mới chính là lúc
cần đổi mới. Người ta đổi xe mới, nhà mới, đồ dùng mới, quần áo mới, công việc mới..., nhưng với người Kitô hữu, điều cần đổi mới lại là trái tim, bởi trái tim có đổi mới, con người Kitô hữu, nếp sống Kitô hữu, cộng đoàn Kitô hữu mới có thể đổi mới. Đổi mới chọn lựa, đổi mới thách đố, đổi mới hành động, khi chọn Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ duy nhất, dấn thân trước thách đố của vâng phục và lòng
thương xót, đồng thời đặt để tất cả hành động trong niềm hy vọng vào ơn phù trợ của Thiên Chúa.
Xin Chúa Thánh
Thần là Tình yêu đổi mới trái tim
chúng con, để năm mới sẽ là bài ca mới bất tận vang vọng tiếng lòng ngợi khen Chúa của những trái tim tội lỗi vừa được Ơn Ngài đổi mới, ngay những ngày đầu của năm mới này.
Jorathe Nắng Tím