Không ai thích đau và tìm khổ bao giờ, bởi là người, ai cũng ước mong hạnh phúc và muốn một đời sung sướng. Cũng vì tìm sướng, tránh khổ, mà hầu hết có cùng một chọn lựa, phương
châm: "Sướng cùng hưởng, nhưng khổ không chung".
Chẳng thế mà nhiều khi ta phải giật mình, thảng thốt khi nhìn người thân, bạn bè làm lơ,
xa lạ, né tránh, khi ta rơi vào hoàn cảnh đen tối, nghiệt ngã, lực bất tòng tâm. Chẳng vậy mà nhiều năm làm ăn
thất bát, gia đình rạn nứt, đường công danh
trắc trở thì tuơng quan bạn hữu khô héo,
tiêu điều, không rộn ràng điện thọai, không dập dồn tin nhắn. Và giật mình té ghế khi cả những người chịu ơn, hay "tri âm tri kỷ" cũng giả vờ không quen,
không biết, chưa hề gặp gỡ, giao lưu, thân thiết, khi ta có vấn đề, gặp thử thách.
Tất cả cũng chỉ vì ai nấy đều sợ khổ. Sợ khổ nên phải xa nơi khổ có mặt, tránh người đang khổ, né những ai có thể gây khổ, mang khổ cho mình. Sợ khổ, nên cũng phải bỏ cảnh khổ, dù ở đó có người đã cưu mang mình, hay mình đang trách nhiệm.
Tất cả cũng vì lo sợ "cái tôi
sung sướng" bị sứt mẻ, thiệt thòi, phiền phức, rủi ro, nên chỉ hưởng cùng ai đang sướng, chứ không chịu mất sướng vì ai đang
khổ
Và nhan nhản trong cuộc sống, chúng ta gặp những con người sợ khổ , chỉ "sướng cùng, nhưng
không khổ chung" này, và đôi khi họ làm chúng ta
nổi giận.
Nhưng chúng ta
có cần phải nổi giận với họ không ?
Nếu đã biết đa phần đều sợ khổ, thì ta giận họ làm gì, vì họ chỉ có thể ở vào hàng ngũ
đám đông bình thường, mà không thể đứng ở chỗ dành riêng
cho thiểu số phi thừơng, khác người, vượt cao hơn người.
Nếu đã chấp nhận nhiều nguời đến với ta chỉ như lá trên
cây. Lá rơi rụng, bay đi lúc nào tùy ý, và cây chẳng có chi hề hấn, thì giận làm gì cho mệt thân. Chỉ khi rễ đùng đùng bỏ cây đi, thì
cây mới nên nóng mặt, giận dỗi.
Nếu đã tự nguyện sống vì hạnh phúc của nguời khác, thì
khi một mình chịu khổ, ta nhớ mình được làm hạt lúa đơn độc chịu chôn vùì, thối rữa, cho lúa vàng trĩu nặng no lòng tha
nhân.
Nếu xác tín chỉ sống một đời và chỉ chết một lần, thì giận chi nguời đời, khi bị phản bội, bỏ rơi một mình trong gian khổ, bởi chỉ một lần chết mà nhiều đời được sống thì đã nhận về một đời sống lớn và tròn đầy ý nghiã.
Qủa thực, nguyên nhân
lớn làm chúng ta buồn chính là những chuyến ra đi tương
tự chuyện "cá heo bỏ bạn". Những chuyến ra đi của ân tình mà
ta không thể phủ nhận đã làm ta như chết đi một phần Nhưng đời là thế, người là vậy, nên có lý giải đến mấy thì đời nguời và người đời cũng khó mà
thay đổi.
Làm người và ở giữa người đời, Đức Giêsu cũng
không thoát cảnh bị người thân bỏ rơi khi "sa cơ thất thế". Trong
những ngày chịu khổ hình và đóng đinh, cảnh tượng thật ê chề, bẽ bàng: môn đệ thì người bỏ trốn, kẻ phản bội; những nguời đã nhận ơn nghĩa từ Ngài thì chẳng thấy ai. Cứ nhìn quang cảnh Núi Sọ thì rõ: "Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có
thân mẫu Người, chị của thân mẫu Người, bà Maria, vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria
Mácđala" (Ga 19,25), và môn đệ Người thương mến, tức Gioan (Ga 19,26). Vỏn vẹn còn bốn người không sợ khổ, không sợ bị liên lụy, không sợ bị mang tiếng đã không bỏ rơi nguời mình thương
trong đau khổ,nhưng đã có mặt để cùng chung nỗi khổ, chia sẻ đến cùng niềm đau.
Như thế, người không sợ khổ tuy có, nhưng
ít, và với trào lưu hưởng thụ ngày càng cao, những con người yêu thương đến cùng này
càng trở nên qúy hiếm, khó tìm,
khó gặp. Thánh Phaolô cũng đã khuyên nhủ Titô, môn đệ của mình hãy
"đồng lao cộng khổ như một ngừơi lính giỏi của Đức Kitô Giêsu" (2 Tt 2,3), nghiã là chấp nhận chịu khổ với Đức Giêsu khi
Ngài khổ, chia sớt gánh nặng với Đức Giêsu trên đường Thánh Gía, vì "nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm
chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người" (2Tt 2,11-12).
Để kết thúc, nếu được phép chia sẻ, người viết thân thương gửi bạn tin nhắn này: "Nếu bạn là nguời đang khổ vì "người ta lại bỏ bạn rồi", thì
tôi xin bạn đừng buồn, vì đời người vô thường, mà lòng người còn ngàn lần vô thường hơn, nên tốt hơn là chấp nhận "tan biến mà không tìm
kiếm" để đời mình thanh thản, thong dong. Nếu bạn chưa một lần trải nghiệm nỗi đau khi có người chỉ muốn "suớng cùng hưởng nhưng khổ không chung"
với bạn, thì bạn cũng hãy thong dong, thanh thản nghĩ mình chỉ là nhịp cầu vắt vẻo cho người người đi qua,
"đi qua chứ không ở lại", nên mắc gì nhịp cầu phải khổ đau khi người đi qua không ân tình ở lại?
Jorathe Nắng Tím