Có được một gia đình hạnh phúc, được sống trong một gia đình ấm êm, cha mẹ thương nhau, anh em hoà thuận thiết tuởng là uớc mơ đầu tiên và ngàn
đời của con người, chẳng thế mà Ađam đã khao khát có Evà, và chúng ta mong tìm một gia đình
hoàn hảo kiểu gia đình thánh của Thánh Giuse, Đức Maria và
Chúa Giêsu năm xưa ở Nadarét.
Nhưng có thực gia đình
thánh ấy là mẫu gia đình chúng ta đi tìm ?
Có thể chúng ta chỉ tìm ở gia đình
thánh này lôgô "Thánh Gia", mà không hề biết những gì đã xẩy ra trong gia
đình thánh này. Có thể vì thấy gia đình thánh có thánh Giuse trầm tĩnh, ít
nói, chăm chỉ lao động, Đức Mẹ khiêm tốn, hiền hậu, Chúa Giêsu thì "càng lớn càng thêm
khôn ngoan và ân nghiã đối với Thiên Chúa và người ta " (Lc 2,52), nên
chúng ta cố sao có được thương hiệu cao qúy Thánh Gia này. Cũng có thể, ta nghĩ vì
là gia đình của Thiên Chúa, nên Thánh Gia chẳng có vấn đề gì của con người như chuyện ăn mặc, đau ốm, phải đi làm, phải đóng tiền nhà, tiền điện nước, tiền bảo hiểm, thuế má, rồi chuyện vui buồn trong gia tộc, và cả những xích mích,
va chạm với hàng xóm ...
Vì thế, chưa chắc chúng ta dám
chọn Thánh Gia làm gương mẫu, khi khám
phá đời sống không đẹp như mơ của Thánh Gia,
nhất là đời sống ấy không mấy phù hợp với gia đình đầy tham vọng làm giầu, tham vọng nổi tiếng, tham vọng con cái đều là cô chiêu cậu ấm, với nếp sống hưởng thụ, người ăn kẻ ở ra vào phục dịch và ảnh huởng gia đình
bao trùm bàn dân thiên hạ của chúng ta.
Mừng lễ Thánh Gia, chúng ta cùng chiêm ngắm gia đình của Đức Giêsu với cha mẹ Ngài, thánh
Giuse và Đức Maria, xem các ngài đã sống thế nào, có
khác gia đình chúng ta không.
1. Thánh
Gia là một gia đình sống đức
tin cách triệt để:
Vì tin, Đức Maria và
thánh Giuse đã chấp nhận sống những mâu thuẫn : làm vợ chồng mà không gần gũi, ái ân; làm mẹ mà còn trinh tiết; làm cha mà
chỉ là cha nuôi.
Vì tin mà thánh Giuse chỉ biết làm theo
thiên thần báo mộng, như bỏ ý định âm thầm trốn đi trong đêm, nhưng đã đem Maria về nhà mình làm
vợ, hoặc tức tốc trong đêm đem Hài Nhi và mẹ Ngài trốn sang Ai Cập để tránh cơn
truy lùng của vua Hêrôđê ; vì tin mà Đức Maria đã giữ kín trong
lòng mà suy gẫm những lời tiên báo nát lòng của cụ già Simêôn về con mình, cũng
như cả hai ông bà vẫn một lòng tin tưởng dù không hiểu gì, khi Đức Giêsu trả lời : "Sao cha mẹ lại tìm con ?
Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? "(Lc 2,49)
Vì tin mà gia đình thánh đã chịu nhiều thị phi của đồng huơng, láng
giềng, bằng chứng là "họ đã phẫn nộ, lôi Đức Giêsu ra khỏi thành..Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực" (Lc 4,28 -29) trong dịp Ngài về thăm Nadarét,
quê hương Ngài.
Vì tin mà Thánh Gia không ngừng chịu mọi thử thách tưởng như không
thể vuợt qua, và hình ảnh kinh hoàng của chuỗi dài thử thách có lẽ là cảnh tượng Đức Maria đứng dưới chân Thánh
Giá đứt ruột nhìn con hấp hối, và lòng dạ nát tan, ngậm ngùi ôm xác con nhừ tử, bết máu.
Như thế, Thánh Gia đã
bước đi trong tin tưởng tuyệt đối ở Thiên Chúa,
nên không phải lúc nào cũng thấy rõ, biết rõ, tính
toán trước, lập trình sẵn và thoải mái, thênh
thang bước đi trên hành trình cuộc đời, nhưng hầu như suốt cuộc sống của Thánh Gia đều là những bước chân liều lĩnh của Ápraham đến một nơi mà Thiên
Chúa "sẽ "chỉ, bước chân phó thác của Môsê đi gặp Pharaôn để yêu cầu Pharaôn trả tự do cho con
cái Ítraen, mà miệng thì cà lăm, ăn nói không trôi chảy. Đức Tin, vì thế là đòi hỏi tin tưởng tuyệt đối vào Thiên
Chúa, và hành trình đức tin là một dấn thân mạo hiểm.
Vì thế, không thể tin, nếu không yêu,
vì tin mà không yêu thì niềm tin không thể đứng vững. Nói cách khác, tin đi đôi với yêu, vì tin
ai hàm ý đã yêu mến người đó. Cũng vậy, càng yêu ai, ta càng tin họ, nên khó có
tình trạng tin mà không yêu, yêu mà không tin , nhưng tin yêu phải cùng lúc, đồng thời.
Thánh Gia yêu mến Chúa, nên mới tuyệt đối tin tưởng ở Ngài; gia đình thánh sống đức ái nồng nàn, nên niềm tin mới kiên định, vững chắc. Vì thế, bên cạnh đức tin, đức ái là mạch sống của Thánh Gia, ở đó, Thiên
Chúa đuợc yêu mến và mọi người trong gia đình yêu thương nhau, vì đức tin không có
việc làm của đức ái là đức tin chết, như thánh Giacôbê đã khẳng định (x. Gc
,14-20).
2. Thánh Gia là một
gia đình vâng phục:
a. Vâng phục
Lề Luật Thiên Chúa:
Trước hết, mọi thành viên của gia đình đều một lòng vâng phục lề luật Thiên Chúa,
như cha mẹ Đức Giêsu tuân giữ không sai sót những điều Luật dậy : "Khi
đã đến ngày lễ thanh tẩy của ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho
Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa" (Lc ,22-23), và hàng năm các
ngài "đều trẩy hội lên đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua" (Lc 2,41).
b. Vâng phục
nhau :
Vâng phục Lề Luật dù sao cũng
dễ hơn vâng phục nhau, vâng phục những người ở cùng nhà,
ngày ngày ra vào gặp gỡ, quen thuộc. Thánh Gia là một gia đình mà ở đó, ai cũng
vâng phục ai. Đức Maria vâng phục chồng là thánh
Giuse, thánh Giuse cũng vâng phục Đức Maria là vợ mình. Còn Đức Giêsu, dù là Thiên Chúa, "hằng luôn vâng
phục cha mẹ Ngài" (Lc 2,51).
Vâng phục là nét thánh
thiện nổi bật ở Thánh Gia, vì Thánh Gia là gia đình của Thiên Chúa
xuống làm người để vâng phục, và "vâng phục cho đến bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự " (Pl
2,8). Chính vì vâng phục mà tất cả sinh hoạt của gia đình thánh đều quy hướng về việc thực hiện Thánh Ý
Thiên Chúa. Đã không có gì là ý riêng, chọn lựa ích kỷ, tính toán hưởng thụ trong tâm hồn và sinh hoạt của các thành
viên trong gia đình thánh, nhưng tất cả cho Thánh Ý Thiên Chúa được thực hiện, như Đức Maria đã
thưa với thiên sứ Gabrien ngày truyền tin: " Vâng, này tôi là
nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói"
(Lc 1,38), và như Đức Giêsu đã thưa với Chúa Cha trong vườn Cây Dầu trước giờ đi chịu chết: "Lạy
Cha, nếu, con cứ phải uống chén này, mà không sao tránh khỏi , thì con xin vâng ý Cha" (Mt 26, 42).
Điều kiện căn bản để vâng phục là khiêm nhường. Người kiêu căng
không vâng phục ai, kể cả Thiên Chúa. Luciphe dù được Thiên Chúa
tín nhiệm, trao trọng trách, nhưng vì kiêu căng, muốn bằng Thiên Chúa,
nên đã không vâng phục và phản loạn, chống lại Thiên Chúa. Evà cũng vì kiêu căng nên mới ra nông nỗi. Và kiêu
căng đã làm nhiều gia đình tan vỡ, bởi không ai đủ khiêm tốn để nhượng bộ, đủ khiêm nhường để lắng nghe và chấp nhận ý kiến, đề nghị của người khác trong
gia đình. Cũng vì kiêu căng, nên ai cũng sợ mất mặt, mất thế, mất điểm, nên không
ai chịu lép vế, thua cuộc, vâng phục ai. Và cứ thế, càng kiêu căng, người ta càng làm
cho gia đình căng thẳng, chênh vênh, mong manh, dễ tan vỡ.
3. Thánh Gia là một
gia đình Thánh Giá:
Nếu nhìn bằng con mắt trần thế, thì Thánh Gia là
gia đình không đáng mơ ước, tìm kiếm, vì quá nhiều biến cố và thử thách. Những biến cố do mầu nhiệm nhập thể của Đức Giêsu đòi hỏi, như việc Đức Maria chịu thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần; rồi những thử thách nối dài liên tục do sứ vụ Cứu Thế của Đức Giêsu. Tất cả đã đặt gia đình
thánh vào tình trạng liên lỷ vác Thánh Giá, như lời tiên tri của cụ già Simêôn:
" Cháu bé còn là dấu hiệu cho nhiều người chống báng... Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm
hồn bà" (Lc 2,34 -35).
Lý do dễ hiểu tại sao Thánh Gia lại là Thánh Giá, vì Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ đã muốn dùng Thánh
Giá để cứu chuộc nhân loại. Ngài đã không chọn cách thế nào khác
ngoài Thánh Giá để chuộc tội con người, cũng không tìm giải pháp dễ dãi, nhẹ nhõm, bớt máu me, tang
thương hơn Núi Sọ, nên gia đình thánh đương nhiên là nơi cây Thánh Giá được mọc lên đầu tiên, được mọc lên xum xuê,
tươi tốt, vì tất cả thành viên của Thánh Gia đều góp phần tích cực vào công cuộc cứu chuộc của Đức Giêsu, đều tự nguyện đồng hành với Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế trên đường Thánh Giá, đều hy sinh hiến mình chết với Đức Giêsu trên
Thánh Giá cho hạnh phúc của nhân loại.
Như thế, Thánh Gia là một gia đình đầy Thánh Giá,
nhiều đau khổ, lắm thương đau, vì cả gia đình là Hy Lễ đền tội người khác.
Vâng, nói đến Thánh Giá là
đề cập thiệt thòi, mất mát, thua lỗ vì người khác. Người vác Thánh Giá vì thế không thể là người ích kỷ, hưởng thụ, ươn lười, nhưng chỉ những trái tim
tha thiết yêu thương, những bờ vai dám vì
người khác quên mình, những đôi chân lên
đường mà không quản ngại sương gió, chông
gai mới có thể theo Đức Giêsu vác Thánh Giá mình và Thánh Giá người khác.
Sau khi chiêm ngắm gia đình
thánh của Đức Giêsu, chúng ta có thể do dự, chùn bước và ngại ngùng đi
theo, vì nếp sống đức tin, vâng phục và hy sinh của Thánh Gia ít nhiều làm chúng ta hoảng sợ, và nghĩ mình
không đủ sức bắt chước, noi theo. Nhưng nếu từ chối sống đời sống của Thánh Gia, e
rằng chúng ta sẽ đánh mất căn tính " Kitô hữu " của mình, bởi Kitô hữu là người có Đức Kitô, người mang Đức Kitô. Có Đức Kitô để được Đức Kitô biến đổi nên " đồng hình đồng dạng " với Ngài. Mang Đức Kitô để từng bước đi với Ngài lên đồi Canvê để cùng Ngài trở thành của lễ hy sinh,
nghiã là để cùng chết với Ngài, ngõ hầu cùng sống với Ngài (x. Tm 2, 11), bởi không qua
Thánh Giá, không đến được ơn Cứu Độ; không vác
Thánh Giá, chúng ta không được chung phần vinh quang với Đức Kitô, và như thế, danh hiệu Kitô hữu sẽ hoàn toàn vô
nghiã.
Mừng lễ Thánh Gia,
chúng ta cầu xin Chúa ban cho các gia đình tình yêu trong đức tin, tinh thần khiêm tốn để vâng phục, lắng nghe, và
lòng hy sinh qủa cảm để được biến đổi mỗi ngày qua Thánh Giá cứu độ của Đức Giêsu.
Jorathe Nắng Tím