TÍNH SỔ CUỐI NĂM
Tính sổ cuối
năm là chuyện bắt buộc: ông chủ bắt gia nhân tính sổ, giám đốc buộc công nhân kết
toán chi thu, chính phủ ra lệnh các ban ngành báo cáo tình hình năm cũ. Tính sổ
cũng là việc làm thường tình của mọi nguời khi "năm hết tết đến" để
biết mình đang ở đâu, tiến thoái, được thua thế nào. Tính sổ còn là đòi hỏi tự
nhiên của lương tâm vào thời điểm kết thúc một giai đoạn, một chặng đưòng đã
qua.
Ở những ngày cuối
năm, như mọi người, tôi đã tính sổ với những người tôi có bổn phận. Công việc
tuy khó nhưng so ra còn dễ hơn nhiều với việc tính sổ trước lương tâm và trước
Thiên Chúa.
Trước lương tâm,
càng tính tôi càng thấy mình nhiều thiếu sót, sai trái; càng kiểm điểm, càng thấy
mình không được điểm nào; càng xét mình, càng thấy linh tinh tội lụy.
Thấy mình thất
thu, tụt hậu hơn mình tưởng, tôi đâm lo, phát hoảng. Tôi còn thất kinh hơn khi
nhìn lại một số công việc tạm được coi là tốt đẹp, thì ôi thôi, hầu như cái trước
cái sau theo nhau ngã đổ, vỡ vụn, vì người cùng thời hoặc đến sau tẩy chay, phá
đổ, thay thế. Thế mới biết cuộc sống nhất thời và thấm thiá tận tâm can cái phù
du, tạm bợ, chóng qua của cuộc sống, và
nhiều việc làm công cốc, như sách Giảng Viên đã viết: "Bởi ở dưới bầu trời
này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để
lià thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một
thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc
lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy; một thời
để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một
thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất
đi; một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để
lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến,
một thời để làm hoà" (Gv 3,1-8).
Cũng trước
lương tâm, khi tính sổ, tôi thấy mình vô tích sự, hay ít nhất "chẳng ra
cơm cháo gì" khi nhìn lại tương quan với nhiều người. Một năm qua, nhiều
người đi ngang qua đời tôi, nhưng cũng không ít người bỏ ngang đời tôi mà đi
qua. Họ đi qua không dừng lại, hay họ bỏ mà đi qua, có thể vì tôi "chơi không đẹp" với họ, cũng có thể
họ "xử không đẹp" với tôi. Nhưng dù do tôi hay họ, tôi vẫn thua lỗ
khi phải thêm một hay nhiều con số không nữa khi tính sổ cuối năm.
Trước lương
tâm khi tính sổ, nhiều xác xuất tôi phải tiếc nuối, hối hận; nhiều phần trăm
tôi có lỗi với người này người kia; nhiều điểm âm, và khiển trách, kỷ luật sẽ
được ghi trên phần kết luận. Nhưng dù sao lương tâm cũng còn nhẹ tay, nhẹ tiếng,
vì là lương tâm của tôi, nên tôi có thể luồn lách, biện bạch, chạy án, chạy tội.
Nhưng giờ phút
phải tính sổ trước Thiên Chúa, dù là tính sổ cuối năm hay tính sổ cuối đời mới
thực là giờ phút bấn loạn, kinh hãi. Kinh hãi với tội lỗi chồng chất và bấn loạn
vì đức công minh của Ngài, Đấng phán
xét, thưởng phạt tôi.
Tôi kinh hãi lắm,
vì phúc nhẹ tênh mà tội nặng chịch, công
ít ỏi mà nợ tràn lan. Tôi lo lắng lắm, vì không biết Thiên Chúa sẽ định đọat thế
nào số phận của tôi, và nếu chẳng may Chúa từ khước, tôi sẽ ra sao ?
Bình thường khi bước vào tuổi sáu mươi, người
ta hay nghĩ về sự chết, vì qũy thời gian sống, ngay cả với người lạc quan, cũng
phải giật mình nhận ra chẳng còn lại bao nhiêu năm tháng. Và nghĩ về sự chết là
nghĩ ngay đến phán xét, thưởng phạt, nên đời sống hôm nay, việc làm ở cõi thế
này được đặt thành vấn đề.
Nhưng nếu những
tư tưởng, lời nói, việc làm của tôi ở đời này nắm độc quyền quyết định vận mệnh
đời sau của tôi, thi ôi thôi, đời sau của tôi đi đoong mất rồi! Bởi những điều
làm Thiên Chúa ghê tởm thì ít nhiều tôi đã lỗi phạm : "mắt kiêu kỳ, lưỡi
điêu ngoa, tay đổ máu người vô tội, lòng mưu tính những chuyện xấu xa, chân mau
mắn chạy đi làm điều dữ, làm chứng gian thốt ra lời dối trá, gieo xung khắc, đố
kỵ giữa anh em" (Cn 6,17-19).
Qủa thế, càng
tính sổ trước mặt Chúa, tôi càng kinh hoàng, sợ hãi, vì nhận ra "trên
mình, những mũi tên Ngài cắm ngập, bàn tay Ngài giáng nặng xuống thân tôi.
Chính vì Chúa giận, mà da thịt tôi không chỗ nào lành; vì tội lỗi của tôi, mà
xương tôi chẳng nơi đâu nguyên vẹn. Tội chồng chất ngập đầu ngập cổ, như gánh nặng
vượt qúa sức tôi. Vết thương tôi nặng mùi, rữa nát bởi vì tôi điên cuồng; thân
lom khom rã rời, kiệt sức, suốt cả ngày tôi thiểu não, lang thang. Ngang lưng đầy
lửa bỏng, da thịt không chỗ nào lành. Bị suy nhược, nát tan, kiệt sức, tim thét
gào, thì miệng phải rống lên" (Tv 38,3 - 9).
Nhưng chính
trong tình cảnh "rên siết đã nhiều nên mệt mỏi, trên giường ngủ những thổn
thức năm canh; từng giọt vắn dài, lệ tuôn đẫm gối, mắt hoen mờ vì qúa khổ đau"
(Tv 6, 7-8), mà tôi nhận ra mình là kẻ có tội, đã làm điều gian ác trước Thiên
Nhan, nhưng đồng thời cũng nhận ra "tội lỗi không lớn hơn Thiên Chúa và
lòng nhân hậu của Ngài", cũng như lỗi lầm của đời này không có "độc
quyền" và "quyền độc" phán quyết số phận đời sau của tôi, vì còn
có lòng xót thương và ơn Cứu Độ của Thiên Chúa, Đấng từ bi, nhân hậu: "cây
lau bị giập, Người không đành bẻ gãy,
tim đèn leo lét, Người chẳng nỡ tắt đi" (Is 42,3), Đấng đến để tìm chiên con lạc đàn và cứu những gì đã hư mất
(x. Lc 15).
Là chiên lạc và
trong hàng ngũ "những gì đã hư mất", nên tim vẫn tan nát, ruột gan vẫn
rối bời vì hoảng hốt, lo sợ ngày chung thẩm, ngày Chúa hạch hỏi tính sổ cuộc đời.
Chính vì còn biết hoảng hốt, lo sợ Thiên
Chúa thịnh nộ, trừng phạt, mà tôi biết mình còn kính sợ Chúa, và chắc chắn Chúa
cũng biết tôi thành tâm kính sợ Ngài, dù yếu đuối trong tôi vẫn đưa đẩy tôi
"không làm điều thiện mà tôi muốn,
nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm" (Rm 7,19). Nhưng vì còn biết kính sợ Chúa, nên tôi tin
Chúa sẽ không từ khuớc tôi, bởi "từ đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người" (Lc
1,50).
Chúa còn
thương xót tôi, vì Chúa đã dựng nên tôi giống hình ảnh Ngài. Không ai dễ dàng từ
bỏ người con mình đã tạo ra, cũng như người mẹ khó rời xa đứa con thơ. Thiên
Chúa nhận mình yêu con người hơn cả mẹ hiền thương con : "Có người mẹ nào
quên được con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ?
Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ" (Is
49,15). Ngài còn là người cha nhân hậu, bao dung, ra tận đầu làng ngóng bóng đứa
con trai hoang đàng, tự ý đòi chia gia tài, bỏ cha, bỏ nhà, đi xa ăn chơi trác
táng cho đến khi trắng tay, thân tàn ma dại, phải trở về. Thế mà, "khi
anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy
ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để" (Lc 15,20). Người con hoang đàng ấy cũng đã chuẩn bị lời thú tội, tính sổ
với cha, nhưng ngoài suy tính, sắp xếp của anh, người cha nhân từ đã không cho
con cơ hội nói hết lời thú tội, nhưng bảo các đầy tớ: "Mau đem áo đẹp nhất
ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con
bê béo làm thịt ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay
lại tìm thấy" (Lc 15, 22-24).
Tôi không dám
nghĩ đến diễm phúc được mặc áo mới, đeo nhẫn qúy, mang giầy đẹp, mà chỉ dám xin
Chúa xót thương nhắm mắt làm ngơ cho tôi
lẻn vào thiên đàng như người trộm lành ở vào phút chót cuộc đời.
Nhưng lý do sau
cùng và cũng là niềm hy vọng lớn của tôi, đó là Chúa đến trong thế gian không
phải để luận phạt, vì Ngài là Đấng Cứu Độ, nhưng để thương xót chữa lành, cứu sống:
"Ta đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian" (Ga
12,47) bằng chứng là "Ngài đã bỏ chín mươi chín con chiên ngoài đồng để đi
tìm cho kỳ được con chiên bị lạc mất" (Lc 15,4).
Trong thinh lặng
của tâm hồn, buổi chiều cuối năm, khi tính sổ với Chúa, tôi đã đi từ lo lắng, sợ
hãi, thất vọng đến trông cậy, tín thác, bình an, vì có Chúa giáng sinh chỉ cho
tôi con đường, con đường Chúa đến với tôi trong chính thân phận tội lụy, nhơ nhớp,
bất xứng. Ngài cũng chỉ cho tôi con đường đến với Ngài, dù Ngài là Đấng cực
thánh, và "con người không thể xem thấy tôn nhan Ngài mà có thể sống được"
(Xh 33,20), và tôi là kẻ có tội. Con đường hai chiều ấy chính là Lòng Thương
Xót: vì lòng Thương Xót, Thiên Chúa đến cứu độ, với lòng thương xót anh em
mình, con người nhận được lòng Chúa xót thương.
Thực vậy,
"đời sau" luôn là nỗi sợ lớn của mỗi người, cho dù có che đậy, ngụy
trang khéo léo thế nào đi nữa, bởi nó đeo đẳng suốt cuộc đời, nhất là khi cuộc
đời ngày càng xế bóng. Nỗi sợ ấy chỉ có thể được lấy đi nhờ lòng thương xót và
từ bàn tay cứu độ của Đức Giêsu -Thiên Chúa làm người.
Vâng, lậy
Chúa, con xin cảm tạ và ngợi khen Chúa, vì trong giờ tính sổ với Chúa, Chúa đã
thương an ủi và dạy con: "Không có lòng thương xót và ơn cứu độ của Cha,
cũng như thiếu sự cộng tác của con là lòng thương xót anh em mình, như điều kiện
cần thiết, nỗi lo sợ đời sau của con sẽ mãi mãi tồn tại, vì không có gì bảo đảm
nỗi sợ ấy sẽ không thành sự thật, một sự
thật đời đời bất hạnh cho con".
Jorathe Nắng Tím