Mầu nhiệm Thiên Chúa
làm người là phép lạ vĩ đại vô cùng Thiên Chúa đã làm cho nhân loại, bởi một Thiên Chúa từ trời cao xuống thế gian làm người, như mọi con người là điều không thể tưởng tượng. Không thể tưởng tượng, vì Thiên
Chúa ấy phải rời bỏ tất cả những gì là Thiên Chúa của mình, để làm người "trăm
phần trăm", nghiã là cũng phải được cưu mang
trong lòng một người mẹ, được sinh ra, bú mớm, tập đi, tập nói, lớn lên từng ngày, học hành, làm việc; nghiã là
cũng no - đói, nóng - lạnh, cười- khóc, sướng - khổ, già yếu, bệnh hoạn, và chết như mọi người. Làm người của Thiên Chúa không là mượn hình hài một con người nào đó, như
kiểu thánh nhập, ma ám; cũng không là tạm trú nơi thân
xác ai đó vài giờ kiểu "nhập cốt, lên đồng" nhưng là làm người thật, người như mọi người, với tất cả thân phận, điều kiện, cảnh huống của con người, như thánh
Phaolô đã viết: "Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế" (Pl
2,6-7). "Ngài là Đấng chẳng biết tội là gì, nhưng Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta,
để làm cho chúng ta nên công chính trong Người" (2Cr
5,21). Và mầu nhiệm Nhập Thể vô cùng vĩ đại đó đã được tỏ ra cho chúng ta qua biến cố trẻ thơ Giêsu được sinh ra từ cung lòng Đức Maria, mẹ Ngài trong
đêm Giáng Sinh năm xưa tại cánh đồng Bêlem, trong chuồng chiên cừu.
Trẻ thơ Giêsu, mặc dù cha mẹ là những người khôn ngoan,
biết lo liệu, nhưng không may, gần đến ngày sinh,
thì "hòang đế Augúttô ra chiếu chỉ kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. .. Ai nấy đều phải về nguyên quán
mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét miền Galilê phải lên thành của vua Đavít là
Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít.
Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có
thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà
sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ" (Lc
2,1-7).
Thánh sử Luca đã cho
chúng ta biết hoàn cảnh chào đời rất nghiệt ngã của Đức Giêsu: Ngài sinh ra trong chuồng chiên cừu, và máng cỏ cho chiên cừu ăn trở thành nôi của Thiên Chúa
làm người, vì cha mẹ Ngài không tìm được chỗ trong nhà trọ, do số người kéo về Bêlem trong dịp kiểm tra dân số qúa đông.
Thánh Mátthêu thì kể về tuổi thơ giông
bão của Hài Nhi Giêsu, với lệnh truy lùng
và thủ tiêu của vua Hêrôđê: Sau
khi "được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, và nên đi lối khác mà về xứ mình, các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông
Giuse rằng: "Hãy dậy mang Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo
lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! Ông Giuse
liền trỗi dậy và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập. Ông ở đó cho đến khi Hêrôđê băng hà.. Bấy giờ vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm
tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn
vùng lận cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm
tinh" (Mt 2,12-17).
Qủa thực, đèn sao
lung linh, và tiếng hát du dương, huyền diệu của đêm Noel, một cách nào đó
đã làm "giầu sang, huy hoàng" cảnh thiếu thốn, cơ cực của chuồng chiên, máng
cỏ Bêlem, nơi
Thiên Chúa sinh ra; cũng như cung cách quyền qúy, uy
nghi, cung kính, của các nhà chiêm tinh đã phần nào làm nhẹ đi biến cố kinh hãi phải bỏ nước tị nạn bên Ai Cập của Chúa Hài Đồng, vì bị vua Hêrôđê
săn lùng, truy diệt.
Dưới mắt người đời, Đức Giêsu là một trẻ thơ kém may mắn, sinh ra dưới một ngôi sao xấu, báo hiệu một cuộc đời đầy phong ba,
bão táp, gian truân, trắc trở. Và cũng với mắt của phàm nhân, thì điều ấy qủa thực đúng, như lời tiên báo của cụ già Simêôn
khi nói với Maria, mẹ Ngài: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này
làm cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu
còn là đích điểm cho người đời chống báng ... Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm
hồn bà" (Lc 2,34-35).
Như trẻ thơ Giêsu, ngay khi sinh ra đã
không may mắn, rất nhiều trẻ thơ khác cũng đã chung số phận sinh vào giờ xấu, dưới những ngôi sao xấu, trong hoàn
cảnh, điều kiện xấu.
Những trẻ thơ xấu số gần Hài Nhi
Giêsu, và đồng trang lứa với Ngài là "tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn
vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống" ( Mt 2,16) đã bị vua Hêrôđê
sai người đi giết hết, đến nỗi: "Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng
không còn nữa" (Mt 2,18).
Dòng dã lịch sử nhân loại, đã có vô số những trẻ thơ vô tội bị giết oan uổng vì tham vọng quyền lực của người lớn, như vua
Hêrôđê đã giết "tất cả các trẻ thơ ở Bêlem và toàn vùng lân cận" để tránh hậu hoạ bị mất ngôi, lật đổ, khi nghe các
nhà chiêm tinh đến hỏi: "Ngài có biết Đức Vua dân Do
Thái mới sinh ra hiện ở đâu không? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương
Đông, nên chúng tôi đến bái lậy Người" (Mt 2,2).
Bên cạnh những trẻ thơ bị chết oan uổng vì tham vọng quyền lực, còn rất nhiều những bé thơ khác cũng chung số phận vì tham vọng đủ kiểu, đủ loại, đủ kích cỡ của người lớn, kẻ có quyền, và hàng hà
sa số những thai nhi chưa được diễm phúc nhìn đời đã bị bức tử vì kế hoạch dân số, vì ích kỷ hưởng thụ, vì hèn nhát,
vô trách nhiệm, và vì chai đá lương tâm và băng hoại đạo đức của người lớn, trong đó có
cả cha mẹ mình.
Trẻ thơ còn bất hạnh khi không
được yêu thương, chăm nom, săn sóc, giáo dục, nhưng bị biến thành "cần câu tiền" của những con buôn,
phương tiện thoả mãn tình dục của những người lớn bệnh hoạn, "gia nhân" bị bóc lột trong các
gia đình giầu có, và công nhân bị khai thác tận xương tủy trong các xí
nghiệp.
Trẻ thơ còn bị hành hạ dã man trong
các trại tù, bị khống chế tinh thần, bị bắt cóc lấy nội tạng, làm con tin. Và tệ hơn nữa, bị chính cha mẹ bán đi làm
gái, bị cô giáo cho các bạn cùng lớp tát bầm tím mặt mày, bị bảo mẫu chịt họng, bóp mũi.
Hôm nay Giáng Sinh về, chiêm ngắm Hài Nhi
Giêsu yếu đuối nằm trong máng cỏ và theo cha mẹ vất vả trốn chạy, tị nạn sang Ai Cập để thoát thân, chúng ta được chính Chúa
Hài Đồng mời gọi nhìn đến những trẻ thơ khác cũng yếu đuối, cơ cực, thiếu thốn và đang hốt hoảng, sợ sệt, lấm lét trước đe dọa và hung bạo của người lớn như Ngài.
Các bé cần được thương yêu,
nhưng người lớn hững hờ, ruồng rẫy; các bé muốn được sống, nhưng người lớn coi sự hiện diện của các bé là chướng ngại phiền phức cần tháo bỏ; các bé cần đuợc quan tâm để trưởng thành,
nhưng người lớn bỏ rơi, coi bé như cỏ dại bên đường.
Cũng chính Hài Nhi Giêsu từ máng cỏ Bêlem nhắc nhở chúng ta hãy
có lòng tôn trọng trẻ thơ, đừng xua đuổi, ngăn cản chúng, "vì Nước Trời là của những ai giống như chúng"
(Mt 19,14). "Và ai tiếp đón một em nhỏ vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đây sa ngã,
thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn
hơn" (Mt 18,5-6). Chỉ làm cớ cho kẻ bé mọn sa ngã đã đáng buộc cối đá vào cổ mà xô xuống biển, huống hồ bóc lột, hành hạ, hiếp đáp, tiêu diệt cuộc đời của trẻ thơ sẽ làm Thiên Chúa
thịnh nộ biết bao !
Chiêm ngắm Chúa Hài Đồng trong đêm
Giáng Sinh, chúng ta cầu xin ơn yêu mến, qúy trọng và nhiệt tâm phục vụ trẻ thơ, như Chúa đã yêu mến và "để trẻ thơ đến gần Ngài",
đồng thời học ở trẻ nhỏ tinh thần đơn sơ, khiêm nhường, phó thác, là điều kiện để được cứu rỗi, như Đức Giêsu đã nói
với các môn đệ : "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời" (Mt
18,3).
Ứơc gì không một trẻ thơ nào trong
đêm Giáng Sinh phải ôm mặt khóc, rấm rức khóc, tức tưởi khóc, ngậm ngùi khóc, thét thanh khóc vì tham vọng bất chính và dã
tâm, ác độc của con người.
Jorathe Nắng Tím