GIÁ CỦA TÌNH YÊU
LÀ LÀM CHO MỌI SỰ TRỞ THÀNH VÔ GIÁ
Tình yêu là đối tượng được suy tư, lý giải, bàn bạc, biện bác,
ca ngợi, kể cả sùng bái, thần tượng và chà đạp, khinh khi, lạm dụng nhất. Người
ta có thể chết cho tình yêu, hiến mạng sống vì người mình yêu, nhưng đồng thời
có thể hờ hững, dửng dưng, tàn nhẫn bán đứng, giết chết tình yêu.
Lý do nào đã đưa đến những chọn lựa hoàn toàn
khác biệt và đối nghịch trước tình yêu như thế ?
Những người sợ tình yêu, tránh né tình yêu,
lên án và thù ghét tình yêu thường cho rằng tình yêu đã làm họ mất nhiều hơn
được, thiệt thòi hơn có lợi, thua nhiều hơn thắng. Trong cuộc tình, họ tự cho
mình là những người thua cuộc, tự liệt mình vào đội ngũ bại quân, bại tướng và
không ngớt than thở : tình yêu đã vô phúc biến tôi thành người hận tình trăm
năm, kẻ thù tình thiên thu, truyền kiếp.
Thực ra, kinh nghiệm yêu thương cho thấy : đi vào đường tình là
đi vào con đường mất mát, thiệt thòi, bởi có tình nào cho nhau mà không đòi mất
giờ, mất tiền, mất công, mất sức, khi tình được biểu hiện ? Có mối tình nào cho
nhau mà không kéo theo từng khối hy sinh trĩu nặng ? Có tình nhân nào không khổ
vì thương, buồn vì nhớ, lo vì nhiều giới hạn của nhau, và nhức nhối, nặng lòng,
vì không làm được những điều tốt đẹp cho người mình yêu ? Có người nào không
bồn chồn mất ăn mất ngủ, ra vào không yên, phập phồng lo sợ trước nguy hiểm thử
thách đang rình rập, đe dọa người mình yêu thương ?
Thực vậy, đi vào đường tình, người ta sẽ vì người yêu mà tự
nguyện lắng lo, khắc khoải trăm chiều ; vì thương người tình mà sẵn sàng tần
tảo đêm ngày ; vì cưng chiều tình nhân mà lặn lội khuya sớm. Bước vào tình yêu,
ai cũng sẽ vì no ấm của người yêu mà thắt lưng buộc bụng, dè sẻn từng đồng,
chắt chiu từng cắc ; vì hạnh phúc của người mình thương mà chẳng ngại cực thân,
khổ thân, xả thân, hiến thân, quên mình. Đã không có “xa lộ tình” thênh thang,
với đèn đường sáng rực ; cũng chẳng đường vào tình yêu nào lại thiếu gai nhọn
của bông hồng, và mãi mãi người ta phải làm quen với nước mắt hy sinh khi yêu
thương, bởi bản chất đích thực của tình yêu là cho đi và nhận lại, hiến dâng và
nhận về, trao ban và nhận lãnh, nên trong tình yêu người ta hạnh phúc khi hy
sinh, hy sinh trong hạnh phúc, bởi chính lúc hy sinh cho đi, hy sinh chịu thiệt
thòi, hy sinh mất mát, thua lỗ, là lúc vui khôn tả, hạnh phúc vô cùng vì hy
sinh được nhận về, hy sinh được nhận lại, hy sinh được đáp trả, hy sinh được
người mình thương trân quý, công nhận.
Như thế, với người ích kỷ sẽ không có ý niệm hy sinh, chia sẻ,
gánh vác, quên mình trong tình yêu. Trái lại, khi yêu, họ chỉ muốn nhận mà
không cho, chỉ vun vén mà không xởi lởi ban tặng, chỉ thu gom làm giầu “cái
tôi”, mà không quan tâm chia sẻ với người khác, nên “yêu thương” nơi họ quả
thực rất dị hợm, bệnh hoạn, và là một thất thu lớn, thiết hại to, lỗ vốn nặng
cho chính họ, bằng chứng là họ coi tình yêu chỉ là tai ương khó cam, gánh nặng
khó gánh. Nhưng đó chỉ là lý do bên ngoài, thấy được, trong khi lý do nội tại
và chính yếu lại chưa được nhận diện. Đó là đa số chúng ta đã không nhận ra cái
giá làm cho mọi sự trở nên vô giá của tình yêu.
1.
Tình yêu làm cho mọi sự trở thành vô giá, khi
tình yêu làm cho tương đối trở thành tuyệt đối :
Thế giới loài người là thế giới của tương đối,
và chính con người cũng tương đối như tất cả những gì hiện hữu quanh con người.
Nhưng khi yêu thương, con người tương đối chạm vào Thiên Chúa tuyệt đối, đi vào
thế giới tuyệt đối của Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã khẳng định : “Ai yêu mến
thì ở trong Thiên Chúa” (1Ga 4,16).
Ở trong Thiên Chúa là ở trong tuyệt đối, vì
Thiên Chúa là Tuyệt Đối. Ngài là sự thật tuyệt đối, sự tốt lành tuyệt đối, cái
đẹp tuyệt đối. Được ở trong Thiên Chúa tuyệt đối, nhờ yêu thương, con người
được biến đổi từ tương đối trở nên tuyệt đối trong Thiên Chúa, như giọt nước
nhỏ bé được biến thành rượu trong ly rượu đầy.
Như thế, khi yêu thương, tất cả những gì là tương đối đều được
biến đổi thành tuyệt đối, những việc làm nhỏ bé trở nên tuyệt vời vĩ đại,
những chuyện cỏn con, không mấy giá trị được biến thành cao cả, vô giá. Cái giá
“vô giá” của tình yêu đã biến thành vô giá tất cả những vụn vặt, tầm thường, bé
nhỏ không có giá trong đời sống và nơi con người tương đối. Những tương đối
tưởng mãi mãi không có giá trị, không đáng gìn giữ, bảo quản bỗng trở thành vô
giá, nhờ cái vô giá của tình yêu, khi tình yêu được hoà nhập trong Thiên Chúa,
là Hữu Thể tuyệt đối.
2.
Tình yêu làm cho mọi sự trở thành vô giá, khi tình yêu làm cho hữu hạn trở
thành vô hạn, có cùng trở thành vô cùng :
Khi yêu thương, chúng ta chấp nhận thiệt thòi
khi hy sinh, mất mát khi quên mình, sứt sát, tổn thương khi gánh vác thân phận
người mình yêu, và những hy sinh, thiệt thòi, thương đau ấy từ bình diện “có
cùng”, thuộc phạm trù có giới hạn được vượt lên và trở thành vô cùng, vô hạn.
Nói cách khác, những việc làm vì yêu thương không còn là việc làm “có giới
hạn” cho con người “có giới hạn”, nhưng biến thành việc làm vô cùng, vô hạn
dành cho Đấng vô cùng, vô hạn, như Đức Giêsu đã công khai đồng hoá : “Bất cứ
việc gì các ngươi làm cho những anh em bé nhỏ nhất là làm cho chính Ta” (Mt 25,40).
3.
Tình yêu làm cho mọi sự trở thành vô giá, khi
tình yêu làm cho những gì chóng qua trở thành vĩnh cửu, đời đời :
Khi yêu thương ai hay làm phúc cho người nào,
ta nhận được lòng biết ơn và phần thưởng của con người. Điều này muốn nói lên
rằng công lênh ta nhận, danh dự, huân chương ta có do người khác ban tặng chỉ
mang tính chóng qua theo quy luật của thế giới hữu hạn, hữu hình này, mà không
có tính vĩnh hằng, bất biến. Nhưng khi tình yêu của con người được đụng chạm
đến Thiên Chúa thì phần thưởng, công lênh của hành vi yêu thương nơi con người
được trở nên đời đời, vĩnh cửu như Đức Giêsu đã công bố: “Nào những kẻ Cha Ta
chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo
thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho
uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước ; Ta trần truồng, các ngươi đã
cho mặc ; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng ; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi
han” (Mt 25, 34-36).
Tóm lại, tình yêu ta dành cho người khác, vì ở
trong Thiên Chúa và được Thiên Chúa đồng hoá thành chính tình yêu dành cho
Ngài, nên công trạng, phần thưởng, hoa trái của việc làm tình yêu nơi ta được
biến thành đời đời trong đời đời của Thiên Chúa. Và quả thực, tình yêu đã làm
cho tất cả mọi việc, mọi sự dù tầm thường, nhỏ mọn, bề ngoài xem ra vô vị đến
đâu đều trở nên vô giá, tuyệt vời, tuyệt đối, vô cùng, vô hạn và vĩnh cửu,
đời đời trong Thiên Chúa.
Vì Thiên Chúa đã chọn Tinh Yêu làm bản tính
của Ngài, chọn Tinh Yêu là con đường duy nhất để con người đến được với Ngài,
chọn Tình Yêu là sự thật giải phóng con người khỏi những trói buộc thuộc cõi vô
thường , tương đối, chọn Tình Yêu là bệ phóng cho phép con người được bước vào
đời sống vĩnh cửu, đời đời. Khi nhận mình là “Đường, Sự Thật, Sự Sống. Không ai
đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6), Đức Giêsu khẳng định Ngài
là Tình Yêu và trong Tình Yêu là Ngài, chúng ta được biên đổi nên tạo vật tốt
đẹp, thánh thiện như Ngài là Đấng Thánh.
Vì thế, sẽ không có việc làm nào của tình yêu
bị lãng quên, không ước mơ hạnh phúc nào cho người khác bị bỏ qua, không khắc
khoải thầm kín nào cho tương lai tốt đẹp của người anh em mang phận bọt bèo bị
lu mờ, bôi xoá trong trái tim Thiên Chúa, vì Ngài là Tình Yêu, nên hằng chăm
chú quan tâm, âu yếm đồng hành và sống động hiên diện trong cuộc đời và việc
làm của những con người yêu thương.
Cũng thế, cuộc đời của người yêu thương được
trở nên vô giá, vì đã không chỉ nhận diện và đón nhận tình yêu như món lợi khi
chỉ muốn nhận mà không cho ; chỉ muốn sở hữu, chiếm đoạt mà không dâng hiến,
trao tặng ; chỉ muốn được phục vụ mà không phục vụ ; chỉ muốn thu gom mà không
san sẻ ; chỉ muốn phiền người mà không chịu để người phiền ; chỉ muốn vui
riêng, hưởng một mình mà không đồng lao cộng tác, sầu chung, sướng cùng.
Tình yêu trong Thiên Chúa đòi hy sinh cho
người mình yêu và chỉ trong hy sinh, tình yêu mới sinh hoa trái hạnh phúc đích
thực. Hoa trái đó là bình an của Đức Giêsu đã sống lại sau khi đã hy sinh đổ
máu hiến mạng sống cho nhân loại mà Ngài yêu thương đến cùng.
Một khi đã nắm vững cái giá “vô giá” của tình yêu, và sức mạnh
phi thường của tình yêu khi làm cho tất cả mọi việc, mọi sự dù không có giá trị
được trở nên vô giá, chúng ta sẽ hiểu tại sao Thiên Chúa muốn chúng ta yêu
thương, và tại sao chúng ta không thể đạt hạnh phúc đích thực Thiên Chúa hứa
ban, nếu sống ngoài tình yêu Thiên Chúa muốn chúng ta dành cho nhau.
Tuần thánh là cao điểm của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con
người. Xin cho mỗi người chúng ta biết yêu như Chúa và cùng Chúa yêu thương hết
mình, hết tình để nâng lên thành vô giá mọi người, mọi sự, mọi việc, vì đó là
thánh ý của Đấng đã muốn “kéo mọi người, mọi sự lên với mình” khi chịu treo
trên thập tự.
Jorathe
Nắng Tím