Đời mỗi người
không chỉ là một chuyến đi, nhưng là những chuyến đi liên tiếp, không ngừng: đi
từ bào thai trong lòng mẹ vào cuộc đời làm người; đi từ tuổi thơ hồn nhiên, vô
tư đến tuổi lập thân, trưởng thành; đi từ tuổi trẻ “kinh bang tế thế” đến tuổi
già thất thế, “gần đất xa trời”. Đời người ấy như những chuyến đò, chuyến xe,
chuyến tầu lửa, chuyến máy bay đi từ nơi này sang nơi khác, từ Bắc vào Nam, từ
Đông qua Tây, từ quê nhà ra nước ngoài, từ Á sang Âu, từ cực Bắc xuống cực Nam.
Đời ấy củng đi từ yếu đuối sang mạnh mẽ, từ tối tăm qua ánh sáng, từ rối loạn
đến bình an, từ ganh ghét, hận thù sang tha thứ, yêu thương hoặc ngược lại. Và
trên những chuyến xe, chuyến tầu ấy, con người không thể đi một mình đơn độc,
nhưng đi với người khác, đi chung với nhau; trên hành trình từ bé đến lớn, từ
yếu thành mạnh, từ tội lỗi nên thánh thiện, con người không thể “cô thân độc
hành”, nhưng từng bước chân đi, từng dặm đường đời luôn có người khác đồng
hành.
Người khác đồng hành vì ta cần người khác, bởi chuyến đi nào xem ra cũng không
thể tự mình thực hiện.
Trước nhất là chuyến đi vào đời, nếu không có mẹ cha, làm sao ta vào được
cuộc đời? Tiếp đến là hành trình làm người, nếu không có tình yêu và bàn tay
chăm chuốt xây dựng của rất nhiều người, chắc gì đời ta có được hôm nay?
Tuy
thế, đã có nhiều lúc ta bực bội trách mình sao đã dại khờ, nhẹ dạ gặp gỡ, thân
quen với người này người nọ, mà vì họ, đời ta đã “xất bất xang bang”, xuống dốc
không phanh, chìm sâu vực thẳm; có nhiều lần ta oán trách hàng loạt “người thân
kẻ sơ” đã đến rồi để lại cho đời ta gánh nặng oan khiên. Họ là những người ta
gặp trên những chuyến đi, những người đã một lần đồng hành, có thể chỉ “chung
đường chung lối” dăm ba bước, vài cây số, nhưng cũng có thể dài lâu, có khi gần
hết cuộc đời dài, nhưng cuối cùng thì vẫn phụ tình, phản bội, “nghìn trùng xa cách”, “lạnh lùng như người
dưng”, và để lại trong ta “tai ách đau thương”.
Họ là những người ta không cần, nhưng cần ta, hoặc ta đã cần họ, nhưng nay
không cần nữa. Họ là những người ta chỉ cần cho một công việc nhất định, nhất
thời, giai đoạn, hoặc họ chỉ cần ta cho một thời vụ, một “phi vụ chớp
nhoáng”. Và khi hết thời, xong việc, cả ta và họ đều nóng lòng tìm cách xa nhau
cho khỏi phiền phức, bận rộn, cho bớt bẽ bàng, rủi ro.
Bên
cạnh những người ta muốn quên, hoặc muốn quên ta là những người ta muốn giữ ở
lại với ta suốt đời, nhưng ta không đủ sức giữ họ, hoặc họ không muốn ở lại với
ta.
Vì
thế, mỗi chuyến đi là một mạo hiểm, một hành trình mới, những cây số mới, không
gian mới, thời điểm mới, bạn đường mới, với hành trang mới, ý nghĩa mới, và suy
tư, tâm tình mới.
Tính
cách mới sẽ đáng trân trọng vì thăng tiến và làm đẹp đời ta khi những chuyến đi
hôm nay tích cực hơn những chuyến đi hôm qua, và những chuyến đi tương lai theo
dòng đời ngày càng thêm tích cực.
Như thế, được gọi là chuyến đi mới khi không bạn đường nào bị ta coi là
vô ích, vô dụng , “vô tích sự” trên hành trình đời ta, bởi mỗi người có mặt
trong những chuyến đi đều là nhịp cầu cần thiết cho hạnh phúc đời ta.
Họ có thể chỉ là nhịp cầu tre chênh vênh, nhưng không có nhịp cầu tre mong
manh, vắt vẻo, và cần thiết ở một thời điểm khó khăn, ta đã không vượt qua được
thác đá cheo leo, nguy hiểm. Họ có thể chỉ là chiếc cầu khỉ khó đi, nhưng thiếu
nhịp cầu thô sơ, chông chênh khi không còn phương tiện nào khác, chắc gì ta đã
đạt đích tới chờ mong. Họ chỉ là cây cầu sần sùi, thô kệch, rêu phong, nhưng
thiếu bóng dáng họ, không chắc đời ta đã ngời sáng.
Do đó, chỉ khi nào ta ý thức những chuyến đi đời ta là những
chuyến đi hồng ân, vì gặp những con người đem lại hồng phúc và chính ta cũng là
sứ giả mang ơn phúc cho họ, ta mới có thể hạnh phúc bước đi mỗi ngày trên hành
trình luôn được tình yêu và ơn an bình thăng tiến, đổi mới.
Với
người Kitô hữu, trên từng cây số cuộc đời, trong từng chuyến đi dong duổi,
chúng ta có Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ hướng dẫn, có Đức Giêsu phục sinh
là bạn đường đồng
hành, có Đức Giêsu là Thiên Chúa của lòng thương xót nâng đỡ, ủi an, chia
sẻ.
Như
trên đường Emmau năm xưa, Ngài đồng hành với hai môn đệ trên đường
trĩu nặng gánh sầu tang chế; đồng cảm khi lắng nghe tâm sự của hai người thất
thế, thất bại; chia sẻ niềm hy vọng sống lại khi ở lại và đồng bàn với họ khi
trời đã tối.
Hôm
nay, cũng Đức Giêsu phục sinh cũng có mặt trong mọi biến cố, trên mọi nẻo đường,
ở mọi tình huống, với hết mọi người chúng ta trong những chuyến đi cuộc đời.
Ngài có mặt trong anh chị em cùng đi với ta, với lương thực ban sự sống, với ơn
hình an và niềm hy vọng.
Có
Đức Giêsu, mắt ta sẽ được mở ra như hai môn đệ trên đường Emmau để nhận ra
Thiên Chúa trong anh em khi ta đồng hành, yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ, thứ
tha. Có Đức Giêsu đồng hành trong những chuyến đi, Ngài sẽ mở trái tim ta để ta
biết trân quý mọi người, dù họ là ai, giầu nghèo, sang hèn, yếu đuối , thánh
thiện, bởi tất cả đều là sứ giả, nhịp cầu, cánh tay nối dài của Thiên Chúa giầu
lòng thương xót đang xót thương đời ta, và đời mọi người.
Jorathe Nắng Tím