Suy Niệm TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH, Năm C
Ai đã là học trò đều hiểu nỗi vất vả, khó nhọc
phải học bài, ôn bài trước mỗi kỳ thi. “Sĩ tử”
phải ép mình, bó cẳng, ngồi yên một chỗ cặm cụi ôn lại cả đống sách giáo khoa dầy
cộm, nhồi nhét vào đầu từng chồng vở ghi chép bài đã học, để đối phó với đề thi,
với hy vọng “trúng
tủ”
trộn chung nỗi lo “rớt đài, đạp vỏ chuối”.
Sở
dĩ có nỗi khổ phải ôn bài, học bài, vì bộ nhớ của con người có giới hạn, nên
nhiều chuyện, nhiều việc, nhiều sự kiện bị quên đi không chỉ với thời gian, mà
còn vì nhiều ký do khác nữa, nên để nhớ, người ta phải ôn lại, nhắc lại, tìm lại
trong ký ức. Chẳng thế mà châm ngôn thành công của đời học trò là “văn
ôn, võ luyện”, nghiã là đã học thì dù văn chương hay
võ nghệ, toán học hay sử địa, lý hóa hay sinh vật, cả đến các môn chơi như bơi
lội hay chạy đua, cầu lông, bóng đá, tất cả đều phải tuân theo một nguyên tắc
vàng : ôn tập, học bài, thường xuyên luyện tập.
Tin
Mừng Gioan chương 14 vẽ lên hình ảnh Thiên Chúa là người thầy tuyệt vời khi dạy
chúng ta : Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã sai Con Một xuống thế gian để
cứu độ nhân loại bằng tình yêu chết cho người mình yêu. Tình yêu vô cùng ấy đi
đến tận cùng của thời gian và tận cùng của yêu thương là tha thứ cho cả những kẻ
làm khổ và đóng đinh mình.
Ngài
còn dạy chúng ta : ơn cứu độ không đơn phương áp đặt đối tượng là con người,
nhưng Thiên Chúa tôn trọng tự do của mỗi người mà Ngài cứu độ, khi mời gọi con
người đáp trả tình yêu cứu độ bằng chấp nhận đi vào vùng phủ sóng của tình yêu Thiên
Chúa khi thực hiện giới luật “yêu thương anh em
mình như Thiên Chúa đã yêu thương”. Đây là phần đóng góp cần
thiết của con người, trách nhiệm cộng tác của người được yêu thương, nghiã vụ
không thể thiếu sót của phận người được thương xót, như người đầy tớ kia trong
Tin Mừng Mátthêu chính ra đã phải chạnh lòng xót thương và tha món nợ cỏn con cho
bạn mình, sau khi đã được ông chủ rộng lòng xót thương xóa trắng món nợ kếch xù
(x. Mt 18,21-35).
Như
thế, lời di chúc “hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu
thương anh em” (Ga 13,34) của Đức Giêsu, Ngôi Lời
Thiên Chúa là bài học Chúa muốn chúng ta nằm lòng và đem ra thực hành trong đời
sống, vì “Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy”,
“Ai
không yêu mến Thầy thì không giữ lời Thầy” (Ga 14,23-24). Và Lời Thầy
cũng là bài học duy nhất Thiên Chúa dạy “Anh em hãy yêu thương
nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Là
người thầy từ tâm, nhân hậu, Đức Giêsu biết học trò hay quên học bài, hay học
bài rồi quên, nên nhẫn nại chịu đựng những lơ đãng, biếng lười của con người.
Bên cạnh là những ương ngạnh, ngông cuồng, kiêu căng, tham lam, ích kỷ, ganh
ghét, đố kị, nghi ngờ làm lu mờ tâm trí khiến bài học tình yêu Chúa dạy không nhập
tâm, không vào đời, không biến đổi đời sống, trái lại, vì quên nên tâm hồn câm
điếc trước tiếng gọi của tình yêu không ngừng réo gọi, và trái tim chai lì, vô
cảm, lạnh lùng, dửng dưng, xa lạ trước thiếu thốn, cơ cực của anh em.
Tình
trạng trên là tâm hồn chúng ta, những học trò biếng nhác, lơ đãng, ngang ngược
trong lớp học của Đức Giêsu, bởi ngay các tông đồ, là những học trò được ở bên
Chúa, hằng ngày, hằng giờ được Chúa dạy dỗ, nhắc nhở cũng đã hay quên bài học “hiền
lành, khiêm nhường”, nên đã khó chấp nhận những khác biệt
giữa nhau, và không đón nhận những thành qủa tốt đẹp cũng như những khiếm khuyết,
thiếu sót nơi anh em mình, để rồi hở ra là tranh chấp, đấu đá, kiện tụng, vì chỗ
đứng chỗ ngồi, chức tước này, vị thế kia (x. Mt 20,20-28). Cũng như chúng ta,
các vị hay quên lắm, nên mới ra nông nỗi kẻ chối Thầy, kẻ bán Thầy, kẻ bỏ Thầy,
kẻ tháo chạy “mất dép”,
tuột cả áo ngoài khi Thầy bị bắt, chỉ vì tất cả đã quên lời Thầy chỉ bảo, dặn
dò trước đó.
Chính
vì biết chúng ta chóng quên, hay quên bài học Yêu Thương là bài học duy nhất,
giới răn duy nhất, con đường duy nhất Chúa dạy không chỉ vì trí nhớ có hạn,
nhưng còn vì những cản trở, áp lực của Danh - Lợi - Thú và sức công phá dữ dội
của thần dữ, nên Đức Giêsu, người Thầy tuyệt vời hay chạnh lòng bao dung,
thương xót đã xin Chúa Cha sai đến cho thế giới Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ
“Đấng
đó sẽ dạy anh em mọi điều, và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với
anh em”
(Ga 14,27).
Thực
vậy, Chúa Thánh Thần hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội trước hết để “dạy dỗ và làm nhớ lại”
bài học giới luật mới mà Đức Giêsu đã dạy các môn đệ và tất cả những ai đi theo
Ngài : yêu thương như Thiên Chúa đã yêu thương.
Là
bài học cho mọi người, vì bất cứ ai, bất kể trình độ nào cũng biết yêu thương
là gì, biết yêu thương thế nào và có khả năng yêu thương đến tột cùng tuyệt vời
của tình yêu. Là bài học dễ học cho mọi người, vì không gì đơn sơ, đơn giản hơn
tình yêu, không gì dễ diễn tả, dễ bộc lộ, dễ biểu hiện, dễ thấy, dễ cảm hơn tình
yêu. Là bài học hạnh phúc cho mọi người, vì tình yêu là quà tặng của Thiên Chúa
cho tất cả mọi người, không trừ ai. Là bài học qúy gía cho mọi người, vì tình
yêu là đại dương bao la mà ai cũng có quyền được bơi lội trong đó. Là bài học
thiết yếu cho mọi người, vì Thiên Chúa đòi ở mỗi người duy nhất một đòi hỏi phải
“yêu
thương anh em mình” để được sống đời đời. Là bài học Thiên
Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu, nên ai không yêu thương thì không “sống
với và sống trong” Thiên Chúa, nhưng ở trong sự chết.
Và
bài học yêu thương tuy dễ hiểu nhưng khó thuộc và áp dụng ấy phải được ôn lại hằng
ngày, thực tập liên lỉ, thao tác thường xuyên, thực hành không ngơi nghỉ với ơn
của Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ luôn có mặt và ân cần nhắc nhở, giúp chúng ta
nhớ lại những điều Đức Giêsu đã dạy được tóm tắt “gọn
nhẹ”
trong di chúc tình yêu của Ngài : “Anh em hãy yêu thương
nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Lạy
Chúa Thánh Thần là Tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con, xin dạy và làm cho chúng
con nhớ lại bài học yêu thương Đức Giêsu đã dạy, để cuộc đời chúng con ngày
càng đẹp hơn, ý nghiã hơn, đẹp lòng Chúa hơn trong hạnh phúc được Chúa yêu
thương và niềm vui với ơn gọi, và sứ mệnh làm chứng Thiên Chúa là Tình Yêu khi
hết tình yêu thương, và hết mình phục vụ mọi người.
Jorathe
Nắng Tím