Tin
Mừng Luca chương 15 trình bày rất đầy đủ và chi tiết lòng nhân hậu, thương xót,
bao dung của Thiên Chúa, và mỗi khi đọc đến các dụ ngôn “con
chiên bị mất, đồng bạc bị đánh mất, người cha nhân hậu”,
tâm hồn chúng ta đều xúc động và trào dâng niềm hy vọng được Thiên Chúa rộng lượng
xót thương.
Tuy xúc động với niềm cảm mến, và tin tưởng,
chúng ta vẫn không hiểu tại sao Thiên Chúa lại chịu khó bỏ công đi tìm một chú
chiên đi lạc của một bầy chiên hằng trăm con, hay vất vả, cầu kỳ đốt đèn tìm
cho được đồng xu đánh mất, mặc dù đồng xu teng đó chẳng có giá trị lớn lao gì.
Có người cho rằng Thiên Chúa là ông chủ keo
kiệt, ki bo, không chịu để gia sản, của cải của mình tiêu hao, mất mát dù một
con chiên nhỏ, gầy guộc, ốm yếu, hay một đồng xu không đủ mua ổ bánh mì ;
người khác cho rằng Thiên Chúa không biết tính toán, nên mới bỏ chín mươi chín
con để đi tìm một con, và chịu mất thời giờ qúy như vàng để tìm cho được một
đồng xu chẳng có gì qúy giá.
Qủa thực, thái độ của Thiên Chúa ít nhiều
đã làm chúng ta bỡ ngỡ, ngạc nhiên : bỡ ngỡ vì Thiên Chúa kiên định đến cùng
trong ý muốn “đi tìm cho kỳ được”
những gì đã mất ; ngạc nhiên vì Thiên
Chúa không chủ bại, đầu hàng, để mất dễ dàng những ai thuộc về mình. Từ bỡ ngỡ,
ngạc nhiên đưa chúng ta đến tâm tình yêu mến, ngưỡng mộ và tín thác ở lòng thương
xót nhiệm mầu của Thiên Chúa, người Cha vô cùng nhân hậu mà dọc suốt Tin Mừng,
dung mạo tuyệt vời thánh thiện ấy đã được mặc khải, trình bày rõ ràng, tỉ mỉ :
1.
Thiên
Chúa không muốn mất một con người nào :
Đây là điều chúng ta phải xác tín, nếu không,
Thiên Chúa của chúng ta sẽ chỉ còn là một thiên chúa dựng nên con người một cách
đại trà, bừa bãi, rồi đến ngày tận thế thu gom lại những đứa tốt lành, số còn lại
không đạt chuẩn đạo đức thì thẳng tay từ bỏ, ném vào hoả ngục. Không nắm vững Thiên
Chúa là Tình Yêu cứu độ, và khao khát cháy bỏng của Ngài là tất cả mọi người,
không trừ ai đều được cứu độ (Ga 17,12), và chung hưởng hạnh phúc với Ngài, chúng
ta sẽ rơi vào một thiên chúa lạnh lùng, vô cảm chỉ theo dõi, rình rập để lên án,
luận phạt con người. Thiên chúa ấy sẽ không mấy khác người bạo dâm chỉ vui thú,
hứng khởi khi nhìn người khác quằn quại đau đớn.
Đức
Giêsu qua các dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa là người cha bao dung,
nhân hậu đã cho chúng ta thấy : Thiên Chúa không chịu để mất một người nào
trong con cái loài người mà chính Ngài đã dựng nên và yêu thương, nên khi có một
người đi lạc, sa đà, mất tích, chính Ngài sẽ thân hành đi tìm, như người chăn
chiên nhân lành đã “để chín mươi chín con chiên kia ngoài đồng
hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất”
(Lc 15,4), và như “người phụ nữ có mười đồng quan, mà chẳng
may đánh mất một đồng” đã “thắp
đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được”
(Lc 15,8).
“Tìm cho kỳ được”
diễn tả ý chí kiên định không để mất ; “tìm
cho kỳ được” nói lên tình yêu tha thiết, gắn bó,
keo sơn, không thể sống mà thiếu nhau ; “tìm
cho kỳ được” bộc lộ nỗi xót xa, lưu luyến, nhớ thương khi
phải xa lià; “tìm cho kỳ được”
làm chứng lòng trung tín sắt đá của tình say đắm, nồng nàn cho nhau, bởi không
tha thiết, keo sơn, không xót xa, lưu luyến, không say đắm nồng nàn, không chí
tình chí nghiã, không thiết thân nên một, người ta không thể kiên định, trung tín
và đủ lửa tình yêu để bỏ công đi “tìm cho kỳ được”
người mình yêu, để vất vả ngược xuôi hỏi han, thăm dò, nhờ cậy, tốn kém thuê mướn
rất nhiều người với nhiều phương tiện để tìm cho thấy người mình yêu, và bằng mọi
giá không để phải xa nhau, lạc nhau, mất nhau.
Khẳng định Thiên Chúa là người cha nhân hậu
yêu thương và bao dung vô cùng, Đức Giêsu mặc khải sứ mệnh của Ngài, “Thiên
Chúa làm người” là đi tìm những con người đã đi lạc mất, và làm cho sống lại những con
người đã chết, như Tin Mừng Luca đã ghi lại trong dụ ngôn “Người
cha nhân hậu” : “Chúng
ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà
nay lại tìm thấy” (Lc 15,32).
Những
con người đã mất và đã chết ấy chính là những người con được sinh ra và lớn lên
trong yêu thương của Thiên Chúa. Nói cách khác, tất cả mọi người trên thế gian
này đều là người con được Thiên Chúa yêu thương, đi tìm, cứu sống, và không một
người nào ở ngoài đại dương tình yêu, hay bị xua đuổi khỏi trái tim chỉ biết yêu
thương và tha thứ của Thiên Chúa. Đây là chân lý căn bản của mặc khải đức tin,
bởi chính Đức Giêsu đã luôn công bố, loan truyền và làm chứng điều này, điển hình
là Ngài đã yêu đến cùng và chết trên thánh giá để trở nên “của
lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội
lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2,2).
Vì thế,
là người tín hữu, chúng ta không được “bán tín bán nghi”
tình yêu cao vời và “nhưng không”
của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người, không trừ ai, vì tất cả mọi người đã
một lần có mặt trên dương thế này đều là con Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương
và cứu độ, nên mầu nhiệm cứu độ của Đức Giêsu
phải được đón nhận trong tinh thần bác ái huynh đệ và vượt trên mọi rào
cản, ranh giới.
Cũng chính vì yêu tha thiết, Thiên Chúa không
muốn để mất một con người nào, nên quy trách Thiên Chúa tẩy chay, cô lập, khai
trừ, thanh lọc, xua đuổi chúng ta ra khỏi nhà Ngài, xa khỏi trái tim Ngài là vu
khống, phạm thượng và khinh bỉ chính Ngài. Trái lại, chính chúng ta, những người
con của Ngài, anh em với nhau lại là kẻ tố cáo, tên sát nhân, kẻ gài bẫy, ông quan
toà, chúa ngục gian ác đã nhiều lần dùng thủ đọan thâm hiểm để đàn áp, hành hạ,
tiêu diệt lẫn nhau, rồi trút lỗi, đổ tội cho “Thiên
Chúa, Đấng từ bi, nhân hậu, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung”.
Bởi thế, nếu có ai đó bị khai trừ cách này
hay cách khác khỏi cộng đoàn thì phải hiểu rằng Thiên Chúa không khai trừ người
ấy, nhưng những con người của cơ chế, tổ chức hoặc vì quá “vị
luật”
đã nhân danh lề luật, hoặc vì qúa cứng nhắc mà dựa vào nguyên tắc vô hồn, hoặc vì
cuồng tín đến ngu muội mà bảo vệ bằng mọi giá các thứ vinh quang, công trình, cơ
đồ của Thiên Chúa khi nhẫn tâm khai trừ, lên án người anh em là chi thể của cùng
Thân Thể với mình.
Những người dựa quyền, ỷ thế khai trừ, loại bỏ, nghiền nát anh em có thể đã nhân danh Thiên Chúa và Giáo Hội của
Ngài, nhưng chắc chắn đã không nhân danh
Thiên Chúa Tình yêu, không cậy dựa vào Thiên Chúa là Cha nhân hậu, giầu lòng xót
thương, không đặt chọn lựa trên nền tảng của Giới Luật mới Yêu Thương, không đủ
lương thiện và khiêm tốn để biết mình cũng yếu đuối và cần đến lòng xót thương
của người khác, bởi nếu nhân danh Tình Yêu, lòng Thương Xót, họ sẽ không làm ngược
lại điều Thiên Chúa muốn và dạy : “Hãy yêu thương nhau”
(Ga 13,34); bởi nếu lấy tình bác ái mà cư xử , họ sẽ không thể phủ nhận đòi hỏi
căn bản của Đức Ái là mưu tìm hạnh phúc cho tha nhân bằng phục vụ ; bởi nếu
biết mình cùng thân phận đáng thương, họ sẽ không ngang ngược loại trừ, lạnh lùng
trù dập, tàn nhẫn xua đuổi người khác đang mếu máo, qùy xụp van xin lòng thương
xót của họ ; nếu họ thực sự chọn Đức Giêsu là Cứu Chúa, họ sẽ phải noi gương Ngài, mục tử nhân hậu, yêu
thương, không chịu để mất, nhưng “đi tìm cho kỳ được”
con chiên lạc đàn, đứa con hoang đàng, tội lỗi ; và nếu họ chân nhận Giáo
Hội là tập thể đi theo Đức Giêsu để cùng sống yêu thương, là Thân Thể duy nhất
và hiệp nhất có Đức Giêsu là Đầu, và mọi người là chi thể, thì lòng ích kỷ, nhỏ
mọn, và tính ganh ghét, bạo lực nơi họ phải được giập tắt bởi Thánh Thần Tình Yêu,
Đấng cho họ thấy Thiên Chúa là Tình Yêu
(1Ga 4,8), và sứ mệnh của “Thiên Chúa làm người”
là ở với con người để yêu thương và cứu chữa, chứ không luận phạt, khai trừ, đồng
thời được Thánh Thần dậy biết xót thương
anh em để được Thiên Chúa thương xót (x. Mt 5,7).
2.
Thiên
Chúa vui mừng khôn tả khi cứu được một người tội lỗi.
Vật
càng qúy, mất càng đau, tìm lại được càng vui mừng, hạnh phúc. Mỗi người với
Thiên Chúa là một giá trị vô cùng, một kho tàng vô giá, vì với Ngài “mỗi
người là toàn thể nhân loại”, chẳng thế mà Thiên Chúa
đã như người chăn chiên khi tìm được con chiên lạc đàn rồi, thì “người
ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói :
“Xin
chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”...
(Lc 15,5-6) ; Thiên Chúa cũng như người phụ nữ tìm thấy đồng bạc bị mất đã
khoe với hàng xóm và mời mọi người cùng chung vui với bà (Lc 15,9), nhưng ấn tượng
hơn cả là niềm vui khôn tả của Thiên Chúa qua hình ảnh người cha nhân hậu với
đứa con phung phá, hoang đàng : “Anh ta còn ở đàng xa,
thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn
lấy hôn để” (Lc 15,20). Không để cho con nói lời tạ
tội, xin lỗi, nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng : “Mau
đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép và chân cậu, rồi
đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng . Vì con ta đây
đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy…”
(Lc 15, 22-24).
Hình ảnh vui mừng khôn tả của người chăn chiên
khi tìm được chú chiên lạc đàn, của người phụ nữ tìm được đồng xu, nhất hạnh phúc
trào dâng, ngây ngất của người cha nhân hậu khi đón con trai hoang đàng trở về
là bằng chứng không thể chối cãi giá trị lớn lao của con người và niềm vui vĩ đại
của Thiên Chúa khi một người tội lỗi trở về với lòng thương xót của Ngài.
Nhiều người cho là hoang đường chuyện Thiên
Chúa thứ tha cách dễ dàng những ai tín
thác và đứng lên trở về với lòng thương xót của Ngài. Họ là những người đã lấy
trái tim nhỏ bé, cõi lòng hẹp hòi của mình làm thước đo trái tim yêu thương vô
cùng, và tấm lòng bao dung vượt qua tất cả mọi ranh giới của Thiên Chúa ;
họ là những người đã lấy cái hữu hạn đáng thương của mình làm tiêu chuẩn đo lường
tình yêu vô hạn, vô biên của Thiên Chúa ; họ cũng là những người lố bịch đến
độ ngạo mạn, khi ngông cuồng vẽ “đường
bay”
cho Thánh Thần Tình yêu, và muốn Thiên Chúa yêu người họ yêu, ghét người họ ghét,
thi ân cho người họ thân quen và truy diệt kẻ họ ganh ghét, hận thù. Cách
chung, họ là những người cố tình cắt nghiã ý Thiên Chúa theo ý họ, chú giải điều
Thiên Chúa dậy mặc dù rất rõ ràng và không thể chối cãi theo kế hoạch, toan tính,
chương trình, đường lối riêng của họ, và dùng quyền để đe dọa, áp đặt, khống chế
người khác phải tuân theo những quyết đoán sặc mùi cảm tính và ích kỷ của họ.
Nắm trong tay quyền lực, họ có thể nhân danh
bất cứ giá trị nào, kể cả Thiên Chúa để cắt nghiã “chân
lý”
theo ý họ, mà thực chất chỉ là ngụy biện và ép uổng chân lý rập khuôn theo ý họ,
hầu phục vụ tham vọng quyền bính, và mọi thứ tham vọng khác được che giấu, ngụy
trang. Và tận cùng của thảm cảnh, cũng như tột đỉnh nỗi đau của bi kịch con người chính là niềm tin bị cưỡng chế, khi
vì qúa sợ quyền lực, bạo lực, áp lực của cơ chế hay cá nhân, người ta sẽ không
còn dám tin điều họ tin, hoặc không còn khả thể sống niềm tin họ đang có.
Ở đây,
chúng ta muốn nhấn mạnh đến niềm tin vào Thiên Chúa là người cha nhân hậu, Đấng
đã cho con người một giá trị mà chính con người không thể tưởng tượng, hay nghĩ
tới. Giá trị hệ tại ở “tình yêu vô cùng và đến cùng”
Thiên Chúa dành cho ; giá trị có nền tảng trên thập giá của Đức Giêsu, Thiên
Chúa làm người, Đấng đã hiến mạng sống để cứu sống mọi người ; giá trị cắm
lều trên ơn sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng đã chọn thân xác con người làm đền
thờ ; giá trị được đóng ấn bằng sư hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa và ơn được
làm con Thiên Chúa của mỗi người.
Chính giá trị đó đã làm con người vượt xa tất
cả các thụ tạo trên trần thế này, nhưng không mấy người đã nhìn thấy và đón nhận
giá trị tuyệt vời ấy. Và khi nhận ra, tâm hồn người công chính sẽ không thể không
thảng thốt thân thưa : “Lạy Chúa, con người là
chi, chính con đây là gì mà Chúa phải quan tâm và yêu thuơng đến như vậy ?”.
Vì không nhận ra giá trị của chính mình và
của người khác, chúng ta luôn bị cám dỗ hạ thấp anh em, vùi dập đồng loại cho
thoả lòng ganh ghét, ích kỷ. Chúng ta đâu ngờ : càng đạp anh em xuống sâu để
tiến thân, càng dùng người khác làm bệ cho mình lên cao, ta càng hạ giá trị nhân
bản và thiêng liêng của mình, vì mục đích và động cơ tự nó đã thấp kém, tầm thường,
kinh tởm.
Và từ đó, chúng ta mất hết cảm thức về giá
trị của con người, và coi thường giá trị ơn cứu độ. Bằng chứng là chúng ta ít
quan tâm đến những anh em lầm đường, lạc hướng ; thiếu từ tâm, bác ái, quảng
đại và tình huynh đệ đối với những người cần một bàn tay nâng dậy ; sơ cứng,
lạnh lùng trước “cơn khát hoàn lương”
một lời an ủi khuyến khích của người chị em yếu đuối để có can đảm ra khỏi vũng
lầy ; hững hờ, dửng dưng trước “cơn thèm thuồng được về
lại mái nhà xưa” một ánh mắt cảm thông của người bị chính
đoàn thể, người thân, bạn hữu xa lánh, cô lập, tẩy chay, trục xuất vì trót sai
phạm ; và chai đá, vô cảm trước lời van xin lòng thương xót của người anh
em đang thực sự cần được mọi người thương
xót để sống sót, tồn tại.
Thực vậy, chỉ khi nào chúng ta ý thức và cảm
nghiệm con người là một giá trị không thể chuyển nhượng, và vô giá, như Đức Giêsu
đã mặc khải : “Tôi nói cho các ông hay : trên trời,
cũng thế, ai nấy cũng sẽ vui mừng, vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”
(Lc 15, 7), chúng ta mới không giản luợc “con người”
thành “con
số”,
hay vô cảm “mã số hoá » người anh em của chúng
ta, để thêm hay bớt, nhiều hơn hay ít hơn, tệ hơn hay tốt hơn, mất hay còn, chúng
ta vẫn ung dung, thảnh thơi với lương tâm “an
bình, vì vô trách nhiệm” ; chỉ khi nào nhận ra tình yêu không
đầu hàng và “đi tìm cho kỳ được” những
người con bỏ nhà đi hoang của Thiên Chúa, chúng ta mới trân qúy giá trị của mọi
người và mỗi người, để không làm mặt lạ, lẳng lặng “tránh
qua bên kia mà đi” (Lc 10,31) như thầy tư tế và thầy Lêvi
trong dụ ngôn “người Samari tốt lành”
của Tin Mừng Luca (10,29-37) trước người anh em đang “nửa
sống nửa chết” bên đường rất cần sự quan tâm và lòng
thương xót để được cứu chữa, hồi sinh.
3. Con người
có khả năng đi lạc, và tự do chối bỏ Thiên Chúa :
Tin Mừng không phủ nhận thực trạng có chiên
lạc đàn, có đồng tiền nhẩy ra khỏi túi, có “thiếu
gia”
đòi chia của khi cha còn sống, rồi ôm bọc tiền bỏ nhà đi phương xa ăn chơi,
đàng điếm. Thực trạng đó phát sinh từ tự do là giá trị cao qúy của con người.
Con người cao cả vì có tự do, con người đạt
được Thiên Chúa cũng vì được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa vì có tự do. Không
tự do, con người chẳng có giá trị gì, vì tất cả những gì ở con người, từ con người
sẽ chỉ là máy móc. Tự do làm con người trở nên thần thánh, giống Thiên Chúa ;
tự do làm con người yêu được Thiên Chúa, yêu được đồng loại, yêu được chính mình,
và tự do nâng con người lên hàng con cái Thiên Chúa với tất cả quyền kế thừa.
Nhưng cũng với tự do, con người có quyền
chọn ngược lại, làm khác những gì Thiên Chúa muốn, như ông bà nguyên tổ Ađam,
Evà đã bất tuân, như Phêrô đã chối người thầy luôn hết lòng yêu thương và tín
nhiệm ông, như Giuđa môn đệ đã phản bội và luồn lách bán đứng sư phụ, như nhiều
người, trong đó có chúng ta, đã cách này hay cách khác, kín đáo hay công khai,
bằng tư tưởng hay lời nói, hành động, ít hay nhiều, nghiêm trọng hay phảng phất,
nhẹ nhõm chối bỏ Thiên Chúa, và khước từ tình yêu của Ngài.
Qủa thực, yếu đuối và tội lỗi bám sát thân
phận làm người, sát đến độ lắm lúc làm chúng ta ngột ngạt, khó chịu, nhưng rồi
qua cơn bực bội, yếu đuối lại đổ về bủa vây, tội lỗi lại thòm thèm rình rập và
tự do của chúng ta lại một phen chênh vênh, nghiêng ngả…
Chênh vênh vì chung quanh có những thế lực
tấn công, mồi chài, níu kéo ; nghiêng ngả vì rễ của tự do không luôn cắm sâu
trong đất tốt là tình yêu Thiên Chúa trước những cám dỗ không chỉ của ma qủy, mà
của những người anh em sống chung quanh, và của chính bản thân mình. Đó là bi kịch
của tự do, ở đó con người luôn bị giằng co, căng thẳng trước những chọn lựa, như
thánh Phaolô đã chia sẻ : “Tôi làm gì tôi cũng chẳng
hiểu : vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại
cứ làm”
(Rm 7,15).
Vì thế, yếu đuối, tội lỗi không xa lạ với
chúng ta, và Thiên Chúa biết tất cả chúng ta đều yếu đuối và có tội, nên chối bỏ
thân phận yếu đuối hay mạnh miệng qủa quyết mình chẳng có tội gì thì qủa là “gan
cóc tiá”, và “bạo
phổi cùng mình”, nếu không muốn nói là “nói
mà không biết mình nói gì”.
Vấn đề với Thiên Chúa không phải chúng ta có
tội, cho bằng chúng ta có để Thiên Chúa ôm vào lòng, hôn lấy hôn để, rồi xỏ nhẫn,
xỏ giầy, mặc cho áo đẹp khi Ngài thân hành đi tìm và gặp chúng ta không ?
(x. Lc 15,22-24). Bởi chià khóa cứu độ hệ
tại ở thái độ của mỗi người khi được Thiên Chúa đến cứu giúp, bởi có những người
chết đuối nhưng không chịu bám vào phao cứu hộ, khát cháy cổ nhưng không chịu uống
nước, đói lả nhưng vẫn khư khư từ chối ăn, vết thương làm chảy hết máu mà vẫn một
mực chống cự không cho y tá truyền máu.
Chúng ta đừng quên : Thiên Chúa luôn
hớt hải, tất tưởi đi tìm chúng ta, dù chúng ta đang ở tình trạng tồi tệ, đáng
kinh tởm đến đâu, đang trầm mình trong vực thẳm tội lỗi sâu đến cỡ nào, bởi tình
của Thiên Chúa không bờ bến : cao cũng không giới hạn, sâu cũng vô hạn, vô
biên, và rộng cũng bao la vô tận, vô cùng. Ở Thiên Chúa, tất cả tội nhân đều “có
cửa”
được đón nhận, “có số má”
được yêu thương, và ngập tràn cơ hội được cứu chữa.
Vấn đề còn lại là chúng ta có tin Thiên Chúa
yêu thương chúng ta trước khi chúng ta biết Ngài (1 Ga 4,10) , và yêu chúng ta đến
cùng (Ga 13,1), khi không hèn nhát, đầu hàng, hay giận dỗi bỏ chúng ta lạc mất,
hư đi, chết bờ chết bụi vì yếu đuối, tội lỗi, nhưng “đi
tìm cho kỳ được” (Lc 15,4), nhất là chúng ta có xác tín tình Chúa yêu từng người, âu yếm từng người, ân
cần chăm sóc từng người, thương xót, thứ tha từng người, chứ không loáng thoáng,
chung chung, sơ sài, lất phất, bằng chứng là người chăn chiên là Thiên Chúa đã “bỏ
chín mươi chín con chiên kia ngoài đồng hoang để đi tìm cho kỳ được con chiên bị
lạc mất” (Lc 15,4).
Điểm cuối cùng chúng ta cần nắm vững đó là
không ai, cũng không cơ chế nào có quyền trên lòng thương xót của Thiên Chúa luôn
tuôn đổ trên người có tội, như thánh Phaolô đã khẳng định : “Ở
đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội”
(Rm 5,20). Vì thế, bất cứ cá nhân, hay tổ chức, tập thể nào có lời nói hay việc
làm ngăn cản, cấm vận người tội lỗi tìm đến với Thiên Chúa của lòng thương xót đều
bị coi là “phản Kitô”,
nghiã là chống lại Đức Giêsu, dung mạo đích thực của Chúa Cha giàu lòng thương
xót không ngại vất vả, ngày ngày cất công dong duổi “đi
tìm cho kỳ được” con chiên lạc, người con tội lỗi, hoang
đàng.
Tháng sáu, tháng của Thánh Tâm bao la lòng
thương xót, tháng của “Tình Yêu đi tìm người yêu”.
Xin Chúa cho chúng con biết dùng thời
gian của tháng lòng thương xót này để tìm về Trái Tim Chúa, hầu được cảm nghiệm tình yêu “vô
cùng và đến cùng” của Thiên Chúa, Đấng đã không chịu để mất
người yêu là chúng con, nhưng kiên nhẫn “đi tìm cho kỳ được”
từng người tội lỗi, từng đứa con hoang đàng, và tin rằng cho dù chúng con có bỏ
Chúa đi xa, nhưng từ xa Chúa vẫn luôn ân cần dõi mắt yêu thương, che chở và
mong ngóng bước chân con trở về cho Trái Tim Chúa và cả thiên đàng mở hội mừng
vui.
Jorathe
Nắng Tím