Pages - Menu

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

Ơn Ta đủ cho con ! (2 Cr 12,9)

Hạnh phúc của tuổi già là được an nhàn bên con cháu và vui thú điền viên. Tôi đã vào tuổi già và bắt đầu học vui thú bên luống rau, chậu cảnh.
Những ngày đầu chập chững chăm cây, trồng cảnh, tôi không thích thú bao nhiêu, nhưng càng ngày tôi càng khám phá ra nhiều bí mật của cây cỏ, lá hoa và học được nhiều điều kỳ diệu, nhiều sự lạ lùng Thiên Chúa đặt để trong thiên nhiên, vạn vật. Và càng khám phá, học hỏi, tôi càng thấy Thiên Chúa yêu thương thụ tạo của Ngài rất nhiều.
1. Tôi thấy Thiên Chúa quan tâm đến từng hạt cải, đọt rau, nụ hồng khi băn khoăn về số phận của chúng trong tay con người.
Khi hình dung nét đăm chiêu của Đức Giêsu khi nói về dụ ngôn người gieo giống với những hạt rơi “bên vệ đường, nơi sỏi đá, giữa bụi gai” và chúng đã hoặc bị chim trời cướp đi, hoặc không đâm rễ, hoặc bị bóp nghẹt” (x. Mt 13, 18-23), tôi cảm được phần nào nỗi xót xa của Thiên Chúa khi hạt giống không sinh hoa kết trái.
Và quan sát những hạt đậu e ấp nẩy mầm, những chồi non chúm chím hé mở, những nụ hoa bẽn lẽn khoe sắc hương, tôi càng thấy Thiên Chúa như người cha ân cần chăm sóc con cái mình.
2.   Khi vun xới những bụi hoa, gốc cây ăn trái, tôi thấy chúng cũng có nhiều nhu cầu như con người và cần tình thương quan phòng của Thiên Chúa :
Chúng khao khát nước, nắng, gió và lớn nhanh như thổi ; chúng cần được người làm vườn quan tâm chăm bẵm, bón phân, tỉa lá, cắt cành, diệt sâu ; chúng cũng cần được bao phủ khi trời giông bão, mưa đá, tuyết rơi, và che chở khỏi cơn điên của nắng hạn cháy nóng. Và như con người, cỏ cây, hoa lá cần bàn tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa, Đấng ban mưa, nắng, gió, sương, đất lành làm cây xanh tươi, làm hoa rực rỡ, làm trái thơm ngon, như Đức Giêsu đã trìu mến nói về chúng : “Anh em hãy nhìn bông huệ ngoài đồng. Chúng không làm lụng, không kéo sợi, thế mà Thầy bảo cho anh em biết : ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6,28-29).
3.   Tôi thấy chúng biết chung sống hoà bình và cùng nhau chu toàn sứ mệnh làm đẹp trái đất, phấn khởi lòng người :
Ngắm bông cúc vàng, hay chiêm ngưỡng nhan sắc của nàng Quỳnh kiều diễm, tôi không khỏi xúc động trước tấm lòng của Thiên Chúa khi tạo dựng muôn loài, trong đó có muôn hoa đủ mầu, đủ dáng, và sắc mầu nào cũng đẹp, dáng vẻ nào cũng xinh. Nhưng điều làm tôi ngỡ ngàng hơn cả là tất cả đều chung sắc chung hương làm đẹp vườn hoa của Thiên Chúa sắm cho nhân loại. Thiếu hoa đẹp, cây xanh, đất người xem ra cũng khô khan, cằn cỗi, già nua, và lòng người cũng tiêu điều, hoang vắng.
4.   Qua cây cỏ, lá hoa, tôi nhận ra Thiên Chúa luôn có mặt để các thụ tạo của Ngài được tồn tại:
Thiên nhiên được tạo dựng cho con người như sách Sáng Thế đã khẳng định : “Hãy thống trị mặt đất” (St 1, 28). Vì thế, thiên nhiên, vạn vật cũng được Thiên Chúa ủy thác sứ mệnh giúp con người nâng tâm hồn lên, nhắc nhớ con người những kỳ công từ bàn tay Chúa, và những dấu chỉ về sự hiện diện yêu thương của Ngài.
5.   Tôi tập được thói quen cầu nguyện với cây cỏ, lá hoa khi làm vườn :
Đây chính là hạnh phúc rất sâu lắng tôi tìm được khi cùng với cam, táo, lê, mận, rau muống, khoai lang, bụi hồng, khóm trúc, cánh lan, chậu Quỳnh ... ca ngợi Chúa. Có nhánh cúc rung rinh trước gió, có chùm thiên lý nhoẻn miệng cười lúc rạng đông, tôi thấy lời kinh bất xứng của mình như bớt bất xứng hơn trong hiệp thông với Giáo Hội, và với luống rau đang tưới, dàn hoa đang chăm, gốc chuối đang trồng. 
Trong “Bài ca tạo vật”, thánh Phanxicô đã xác tín tất cả tạo vật đều ca tụng Thiên Chúa. Ngài gọi mặt trời là anh, mặt trăng là chị và nhìn tạo vật như một gia đình lớn của Thiên Chúa. 
Nhưng điều lớn nhất đã gây ấn tượng và xúc động dạt dào trong tôi khi làm vườn là những hạt đậu mọc lên từ khe đá sát chân tường, những thân hoa dại vươn lên từ vết nứt tí ti của mặt đường đổ xi măng dầy cộm dẫn vào vườn. Ở vết nứt, khe đá chân tường, tôi không thấy có đất.
Chỉ đến khi thân đậu mong manh chồi lên và dáng hoa mảnh khảnh nhẹ nhàng vươn ra, tôi mới thấy một chút đất ở đó, ít đất đến ngỡ ngàng vì không thể hiểu được chỉ lơ thơ chút đất mà hạt đậu lạc lõng và liều lĩnh kia, cũng như gốc hoa “vừa dại vừa gan” đã có thể nẩy mầm, mọc lên !
Nhìn hai sự sống của thực vật cố gắng hiện hữu để góp mặt với đời, dù không được trồng trong vườn, không được chăm sóc, cắt tỉa, lại bị đặt vào khe đá, chân tường, mặt lộ bê tông không đất sống, tôi nhớ lời Chúa nói với Phaolô, cũng như nói hôm nay cho tôi, thân phận tội lỗi, yếu đuối : “Ơn Ta đủ cho con” (2 Cr 12, 9). Và tôi hiểu rằng Thiên Chúa không bỏ ai, như mãi mãi không quên một thụ tạo nào Ngài đã tạo dựng, và với ơn Ngài, dù một chút xíu thôi, tôi cũng đã no thỏa hạnh phúc trong tình Ngài vì Ngài là Đấng toàn năng, nhân hậu và ơn Ngài vô cùng cao cả, bao la.

Jorathe Nắng Tím 

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

Mừng Kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô

LIÊN LỶ TRỞ VỀ VỚI ĐỨC GIÊSU
Mỗi dịp mừng kính hoặc xin hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô cầu thay nguyện giúp, hình ảnh một Giáo Hội trên đường trở về lại rực sáng trong tôi.
Thực vậy, tôi không bao giờ phủ nhận hai thánh tông đồ Phêrô, Phaolô đã xây dựng nhiều giáo đoàn Kitô hữu như nền tảng của Giáo Hội buổi ban đầu, cũng như đã anh dũng đổ máu làm chứng Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ muôn dân, và vinh dự là cột trụ vững chắc của Giáo Hội công giáo Rôma. Nhưng bên cạnh đó, còn một nét đẹp tuyệt vời nổi bật khác luôn hấp dẫn, lôi cuốn mỗi khi tôi chiêm ngắm đời sống tông đồ của hai vị. Nét đẹp đó là liên lỷ trở về với Đức Giêsu của đời tông đồ.
Trở về với Đức Giêsu của Phêrô bắt đầu từ những yếu đuối khi Phêrô thấy Đức Giêsu đi trên biển, thì cuống cuồng lên mà nói là ma, và hoảng sợ, kinh hãi (Mt 14,26) ; đến khi Đức Giêsu cho đi trên nước mà đến với Ngài, thì phát sợ và chìm xuống biển khi thấy gió to, sóng lớn (x. Mt 14,29), để rồi bị Đức Giêsu lên tiếng qưở trách: Quân yếu tin. Sao lại hoài nghi ! (Mt 14,31).
Trở về với Đức Giêsu của Phaolô khởi đi từ sự đồng tình giết chết Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên, vì ông này đi theo Đức Giêsu. Sách Công Vụ Tông Đồ kể :
Trong những ngày Hội Thánh ở Giêrusalem bị bách hại dữ dội. Mọi người đều phải tản mác về các vùng quê xứ Giuđê và Samari, chỉ trừ có các tông đồ. Những người nhân đức đưa đám Stêphanô và đã khóc than ông thống thiết. Còn Saolô thì ra công tàn phá Hội Thánh, xông vào các nhà tư, và lôi đi đàn ông, đàn bà mà tống ngục (Cv 8,1-3).
Trở về với Đức Giêsu của Phêrô lớn dần với lời can ngăn Thầy đừng lên Giêrusalem, khi Đức Giêsu nói cho các tông đồ hay : Ngài phải đi Giêrusalem và chịu nhiều đau khổ do hàng niên trưởng và các thượng tế cùng ký lục, và bị giết đi, và ngày thứ ba sẽ sống lại, và ông đã bị Đức Giêsu khiển trách : Xéo đi khỏi mặt Ta ! Hỡi Satan ! (Mt 16,21-23).
Trở về với Đức Giêsu của Phaolô lớn nhanh khi ông vẫn hằm hằm đe dọa giết các môn đệ Chúa, nên đi gặp Thượng tế, xin thư giới thiệu đến các hội đường ở  Đamát, để nếu thấy những người theo Đạo, dù đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giêrusalem (Cv 9,1-2).   
Trở về với Đức Giêsu của Phêrô trở nên đơm chồi, nẩy lộc khi Phêrô đang ở dưới sân, thì một đứa trong bọn tớ gái của Thượng tế đến, thấy Phêrô đang sưởi, nó nhìn trừng trừng, mà nói với ông : Cả ông nữa, ông đã ở với  người thành Nadarét, tên Giêsu đó ! Ông chối rằng : Tôi chẳng biết, cũng chẳng hay chị muốn nói gì ! (Mc 14,66-68). Phêrô còn tiếp tục bị bọn tớ gái của Thượng Tế vặn hỏi, và lần nào ông cũng bai bải vừa thề vừa chối : Tôi không biết người ấy là ai (Mc 14,71). 
Trở về với Đức Giêsu của Phaolô đạt đến hồi gay cấn khi ông gần đến Đamát, thì thình lình có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống  bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất, và nghe có tiếng nói với ông : Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta ? (Cv 9, 3).
Trở về với Đức Giêsu của Phêrô đơm hoa kết trái khi Phêrô nhớ lại lời Đức Giêsu, khi Ngài bảo ông : Trước khi gà gáy hai lần, con đã chối Thầy ba lần. Và ông oà khóc nức nở (Mc 14,72).
Trở về với Đức Giêsu của Phaolô  tưng bừng mở hội khi ông lên tiếng  hỏi, sau khi té ngựa : Thưa Ngài, Ngài là ai ? ; và nghe được tiếng rằng : Ta là Giêsu mà ngươi đang tìm bắt (Cv 9, 5).
Vâng, cả hai tông đồ Phêrô và Phaolô đều bắt đầu đời tông đồ của mình từ yếu đuối : người thì phản bội chối Thầy, người thì điên cuồng bắt bớ tín hữu, tiêu diệt Hội Thánh mới khai sinh, còn non nớt. Và khởi điểm yếu đuối ấy đã nối tiếp suốt đường dài tông đồ của hai vị :
1.   Nối tiếp suốt đường dài đời tông đồ khi không ngừng ý thức thân phận vốn yếu đuối, và mãi dòn mỏng của mình, như Phêrô đã phủ phục dưới chân Đức Giêsu mà  thưa : Lậy Thầy, xin xa con ra, vì con  là kẻ tội lỗi ! (Lc 5,8) ; và như Phaolô đã không ngần ngại tự thú : Nếu phải vinh vang, thì tôi sẽ vinh vang về những yếu đuối của tôi (2Cr12,30).
2.   Nối tiếp suốt đường dài đời tông đồ khi liên lỷ xác tín : Tình Yêu Đức Giêsu sẽ biến đổi con người yếu đuối thành môn đệ mạnh mẽ, khí cụ đắc lực của Ngài, như Phêrô đã tín thác thân thưa : Lậy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy (Ga 21,15-16), và như Phaolô đã mạnh dạn qủa quyết : Tôi rất đỗi sung sướng mà vinh vang  nơi các yếu đuối của tôi, để quyền năng của Đức Kitô ở lại trên tôi.  Vì thế, tôi vui thỏa trong những yếu đuối, lăng nhục, quẫn bách, bắt bớ, cùng khốn, vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh (2Cr12, 9-10). Mạnh trong sức mạnh của Đức Kitô, Đấng đã phán : Ơn Ta đủ cho ngươi ! (2Cr 12,9) chính là niềm hy vọng của Phaolô.
3.   Nối tiếp suốt đường dài đời tông đồ khi bám chặt và ở lại với Đức Giêsu như Phêrô đã hớt hải kêu lên, vì biết mình cần Chúa : Bỏ Thầy, chúng con biết theo ai, vì Thầy có Lời ban sự sống !, khi Đức Giêsu hỏi các tông đồ : Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ Thầy sao ? (Ga 6,67-68), cũng như Phaolô đã thâm tín lẽ sống của đời mình chính là Đức Kitô : Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà chính Đức Kitô sống trong tôi (Gl 2,20).
 Và cứ như thế, các vị đã lớn lên trong đức tin, đức ái và đức cậy bằng sống sự gặp gỡ giữa cái tôi đầy tội lụy, yếu đuối của mình với sức mạnh ân sủng của Thiên Chúa ; các vị đã nhận ra và đón nhận sự thánh thiện như hồng ân nhưng không từ lòng thương xót, bao dung của Đức Giêsu, Đấng đã kêu gọi và chọn các vị từ vực thẳm của yếu đuối ; các vị đã  từng bước khiêm tốn đi theo Đức Giêsu trên đường phục vụ mà không tích lũy công lênh, ki cóp công trạng, góp nhặt công danh cho riêng mình, nhưng chỉ  sống và phục vụ  dân Chúa vì được Tình Yêu Đức Kitô  thúc bách (2Cr 5,14).
Cũng vì liên lỷ ý thức thân phận yếu đuối, luôn cần trở về từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây với Đức Giêsu, mà các vị không xây pháo đài, mở mang bờ cõi, hay củng cố cơ chế để phục vụ vinh quang cá nhân, quyền lực phe nhóm, ảnh hưởng vùng miền, an toàn cục bộ, nhưng buông bỏ tất cả, như tất cả đã được buông bỏ ngày nào bên bờ hồ Galilê khi Đức Giêsu lên tiếng gọi : Hãy theo Ta ! (Mt 4,19), hay  trên đường Đamát khi ngã ngựa, để đi  khỏi xứ sở ngươi, khỏi quê quán ngươi, khỏi nhà cha ngươi, đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi (St 12,1), như Thiên Chúa đã nói với Abraham, tổ phụ dân riêng Ngài tuyển chọn.
Và cũng vì liên lỷ trở về với Đức Giêsu với tâm tình của con người yếu đuối luôn cần Chúa, mà các vị được Thiên Chúa yêu thương, tín nhiệm, chúc phúc, như Phêrô đã được chọn làm Tảng Đá, trên đó Đức Giêsu xây dựng Hội Thánh của Ngài (x. Mt 16,13-20), và như Phaolô đã được chọn làm Tông Đồ dân ngoại qua Lời Thiên Chúa truyền dậy Hananya : Ngươi cứ đi ! Vì nó là lợi khí Ta đã chọn để mang Danh Ta ra trước mặt các dân ngoại… (Cv 9,15).
Qủa thực, con đường tiến lên phiá trước khi đi rao giảng Tin Mừng của hai thánh Tông Đồ Phêrô, Phaolô chính là con đường liên lỷ trở về với  Đức Giêsu, vì có trở về, sau khi tự  mình đi lạc vào dinh Thượng tế và ở đó đã phản bội, chối Thầy, Phêrô mới thấy rõ và cảm nghiệm sâu sa tình yêu vô cùng và đến cùng  của Đức Giêsu, Thầy mình, Đấng đã chẳng hạch hỏi tội xưa, lỗi cũ, mà chỉ gợi nhớ tình yêu muôn thưở,  đời đời trung tín của Ngài : Này Simôn, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn các người khác không ? (Ga 21, 15), cũng như Phaolô cũng vì khiêm tốn thân thưa : Lậy Ngài, Ngài là ai ? mà kịp trở về với Đấng đã cho ông được tràn đầy Thánh Thần, được sáng mắt, chỗi dậy, chịu thanh tẩy, lấy lại sức (x. Cv 9,17-19), và trở thành tông đồ  của Đức Giêsu (x. Cv 9,26-28).
Cũng trên hành trình loan báo Đức Giêsu luôn mở ra trước mặt, hai vị tông đồ rường cột của Hội Thánh đã không quên lời mời liên lỷ trở về trong trái tim thương xót của Đức Giêsu để được nâng đỡ, ủi an, tăng thêm sức mạnh, bởi biết mình mỏng dòn, yếu đuối, bất toàn : Hãy đến với Tôi ! Tất cả những ai đang vất vả, mang gánh nặng nề, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Tô và học với Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và anh em sẽ tìm được sự nghỉ ngơi cho tâm hồn, vì ách Tôi  êm ái, và gánh Tôi nhẹ nhàng (Mt 11,28-30).
Và bởi biết mình cần được Thiên Chúa ban sức mạnh để trung thành với ơn gọi tông đồ, và khiêm tốn liên lỷ trở về với Thiên Chúa, mà các vị đã được Đức Giêsu trao sứ vụ chăn dắt chiên con, chiên mẹ (Ga 21,17), và củng cố đức tin của anh em (x. Lc 22,32).  
Và lịch sử đã làm chứng : suốt hơn hai ngàn năm, Giáo Hội đã trải qua những bước thăng trầm tùy theo mức độ trở về với Đức Giêsu của Giáo Hội, bởi đã có những năm tháng nội bộ Giáo Hội phân hoá trầm trọng ; người của Giáo Hội  ganh ghét, đấu đá, tranh giành ; phẩm trật Giáo Hội rối loạn bởi mưu mô phế lập, thủ đọan triệt hạ nhau, và giáo triều hành xử bất xứng, tồi tệ hơn cả người đời. Tất cả chỉ vì một số người nắm quyền lãnh đạo trong Giáo Hội đánh mất ý thức về thân phận dòn mỏng, yếu đuối của mình, nên không còn nhu cầu liên lỷ trở về với Đức Giêsu, Thiên Chúa của lòng thương xót để được chữa lành, bồi bổ, yêu thương, hướng dẫn ; tất cả chỉ vì những người con của Giáo Hội đã quên sự thánh thiện hệ tại ở sự gặp gỡ giữa thân phận yếu đuối của loài người và sức mạnh ân sủng của Thiên Chúa. Chính trong ý thức và gặp gỡ này, con người thực hiện quyền tự do của mình bằng cố gắng đi tìm Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ duy nhất, và Thiên Chúa, Đấng giầu lòng thương xót mở lòng khoan nhân khứng ban ân sủng cho con cái mà Ngài yêu thương. 
Đó cũng là chọn lựa của hai thánh Phêrô và Phaolô trong suốt cuộc đời làm tông đồ : thánh Phêrô với trái tim quảng đại, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần đã dẫn dắt Giáo Hội bằng ý thức mình yếu đuối và luôn cần ơn tha thứ của Thầy mình ; thánh Phaolô đã đến với dân ngoại bằng  nhiệt huyết và khiêm tốn của người ngã ngựạ, mù loà, nhưng được Lòng Thương Xót nâng dậy, chữa lành, tuyển chọn. Chính trong yếu đuối và lòng tín thác vào sức mạnh Ân Sủng của hai tông đồ rường cột Phêrô và Phaolô mà Giáo Hội bền vững, trường tồn và qủy hoả ngục không làm gì nổi, bởi với Phêrô và Phaolô  không trên cơ chế mà Giáo Hội đặt nền tảng, không ở thành qủa thế gian mà Giáo Hội gắn bó, không quyền lực bao trùm quần chúng mà Giáo Hội say mê, không tổ chức  hoàn hảo và kỷ cương trăm phần trăm mà Giáo Hội phải đạt cho bằng được, không vị thế ngất ngưởng trên thiên hạ  mà Giáo Hội đặt làm điểm ngắm, không sức mạnh khống chế, áp đảo,  thanh trừng mà Giáo Hội đầu tư, xây dựng, nhưng duy một mình Đức Giêsu mà Giáo Hội  được mời gọi liên lỷ trở về và ở lại, vì chỉ một mình Đức Giêsu mới thực là Đầu của Thân Thể mầu nhiệm là Giáo Hội (Ep 5,22) ; là Phu Quân yêu thương vô cùng và đến cùng Hiền Thê của mình là Giáo Hội (Ep 5,25) ; là Con Đường cứu độ mà Giáo Hội phải bước đi ; là lẽ sống và sự sống của Giáo Hội, nên không liên lỷ trở về gặp gỡ Đức Giêsu, Giáo Hội có nguy cơ thoái hoá thành một giáo hội có thiên chúa nhưng không có Đức Kitô, một Đức Kitô không có Giáo Hội,  một Giáo Hội không có dânThiên Chúa, một giáo lý không  mầu nhiệm, và một ý chí không khiêm nhường như lời Đức Thánh Cha Phanxicô, và hậu qủa tất nhiên, nhãn tiền sẽ là một giáo hội cơ chế mải mê quyền lực, săn tìm ảnh hưởng trần thế, và bỏ quên thương xót, phục vụ.    
 Xin hai thánh Tông Đồ Phêrô, Phaolô cầu bầu cùng Chúa cho đường đi của Giáo Hội luôn là đường  về liên lỷ với Đức Giêsu, để Giáo Hội không ngừng chiếu sáng dung nhan Thiên Chúa của lòng thương xót, dung mạo Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành sẵn sàng hiến mạng sống để đàn chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).
Jorathe Nắng Tím       

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU

LÒNG THƯƠNG XÓT CHÍNH LÀ THIÊN CHÚA!
Từ nhiều năm gần đây, phong trào Lòng Thương Xót nở rộ khắp nơi, và không ít người trong chúng ta rơi vào tâm trạng hoặc như vừa tìm lại một cái gì đã lâu ngày bỏ quên, đánh mất, hoặc vừa khám phá ra một điều gì rất mới lạ. Và vấn đề được đặt ra là trong tư cách người Kitô hữu, có thực chúng ta vừa phát minh ra Lòng Chúa Thương Xót hay vừa tìm lại Lòng Thương Xót ấy không ? 
Thực ra từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót trên nhân loại và cách riêng với dân thánh của Ngài như Đức Maria, người nữ đầy ơn phúc và gạch nối giữa Cựu Ước và Tân Ước đã phấn khởi ngợi khen: “Lòng thương xót Chúa trải qua từ đời nọ đến đời kia” (Lc 1, 50).
“Từ đời nọ đến đời kia” là không thời nào không có lòng thương xót ấp ủ, không lúc nào vắng bóng lòng thương xót chở che, không nơi nào xa lòng thương xót gìn giữ. 
“Từ đời nọ đến đời kia” là lòng thương xót không mới lạ, cũng không cũ rích, lạc hậu đối với bất cứ thời điểm, giai đoạn nào của lịch sử. 
“Từ đời nọ đến đời kia” còn khẳng định sự can thiệp tích cực của lòng thương xót ở hiện tại và bảo đảm chắc chắn sự hiện diện ở tương lai. 
“Từ đời nọ đến đời kia” còn chứng thực tính trung tín, bền vững đời đời  của lòng thương xót và nói lên tính vô cùng, bất tận của lòng thương xót ấy. 
Nhưng nếu lòng thương xót luôn có mặt và hoạt động trong suốt lịch sử của nhân loại từ khi được tạo dựng và chỉ kết thúc khi “Con Người trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết” (Kinh Tin Kính), thì cớ gì lòng thương xót ấy lại bị coi như vừa được nhớ lại sau thời gian dài bị chôn vùi trong quên lãng, hững hờ, hoặc như vừa được phát minh bởi một nhóm người nào đó. 
Có nhiều lý do đưa đến tâm trạng  thời đại này : 
  Công nghệ, kỹ thuật  phát triển nhanh nâng cao đời sống kinh tế, đem lại nhiều tiện nghi phục vụ cuộc sống đã cho ta cảm tưởng con người làm được tất cả và không cần Thiên Chúa. 
Chủ thuyết vô thần duy vật và nhiều chủ nghĩa khác như duy lý, duy lợi, duy nghiệm, duy cảm, và thuyết thực dụng, tương đối xoá dần cảm thức tôn giáo trong con người thời đại. 
Tinh thần thực nghiệm “cân, đo, đong, đếm” của khoa học làm phai dần ý thức siêu nhiên, thiêng thánh, và những gì thuộc mầu nhiệm của Đức tin đều bị coi là hoang đường, mê tín. 
Chủ trương và phong trào nhân quyền cực đoan khi cho rằng Thiên Chúa cạnh tranh với con người và làm khổ con người đã dần lấy đi chỗ đứng quan trọng của Thiên Chúa trong đời sống con người hôm nay. 
Từ những lý do trên, con người không còn nhận ra mình là thụ tạo cần tình thương của Đấng Chủ Tạo để tồn tại ; không còn nhu cầu được cứu độ để phải chạy đến với Đấng Cứu Độ là Thiên Chúa nhân hậu ; mất hẳn ý thức về tội lỗi để không còn thấy mình cần được thương xót, thứ tha. Vì thế mà lòng thương xót của Thiên Chúa chỉ còn là ý niệm rất mờ nhạt, ý tưởng mơ hồ, viển vông, và quan điểm tàn dư, cổ hủ, lạc hậu, không thức thời. 
Nhưng lý do chính và căn bản đã tạo nên tâm trạng xa lạ, nếu không muốn nói là lạnh lùng, dửng dưng, có khi đối kháng, thù nghịch với lòng thương xót là nhìn lòng thương xót như một quan niệm, một tính cách, một sự việc, một cái gì đó, mà không đón nhận lòng thương xót như một con người đích thực, một nhân vật sống động, và con người ấy chính là Đức Giêsu, nhân vật sống động ấy là “Thiên Chúa làm người”. 
Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã viết trong tông huấn “Đấng Cứu Độ loài người -  Redemptor  Hominis” số 9 : “Lòng Thương Xót không phải là một sự gì đó, nhưng là một con người : Đức Giêsu Kitô”. 
Vâng, chỉ khi nào chúng ta tin lòng thương xót là chính Đức Giêsu, chúng ta mới có kinh nghiệm sống động sự hiện diện của Đấng là Thiên Chúa giầu lòng xót thương luôn mời gọi chúng ta trở nên giống Ngài khi từng ngày sống lòng xót thương đối với mọi người : “Anh em hãy thương xót như Cha anh em là Đấng luôn xót thương” (Lc 6,36). 
Chỉ khi nào chúng ta nhận lòng thương xót là chính Thiên Chúa, chứ không là thuộc tính trong các thuộc tính của Thiên Chúa, chúng ta mới không bỏ quên lòng thương xót như điều kiện để được cứu độ, khi thực hành Lời căn dặn của Đức Giêsu : “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, đừng lên án ai để không bị kết án, hãy tha thứ để được thứ tha” (Lc 6,37).
Chỉ khi nào chúng ta không còn nghi ngại đón nhận lòng thương xót như tiếp đón chính Thiên Chúa vào cuộc sống, chúng ta mới hiểu được giá trị lớn lao vô cùng của lòng thương xót khi làm điều Đức Giêsu dạy : “Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em, vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy “ (Lc 6,38). 
Và chỉ khi lòng thương xót không bị coi là phát minh thời thượng, phong trào ăn khách, công tác lôi cuốn quần chúng, công trình mang về nhiều lợi nhuận, công cuộc thi công lấy điểm, tìm lợi danh hay hoạt động kinh doanh cạnh tranh căng thẳng, chúng ta mới có ánh sáng của Chúa Thánh Thần để nhìn thấy dung mạo của Đấng là Lòng Thương Xót đang rộng lượng thứ tha khi ta đang phản bội, chối từ Ngài như Phêrô ; mới nhận được cảm thức thiêng liêng của Thần Khí để nghe được tiếng của Đấng kêu gọi và tuyển chọn ta, dù ta bất xứng và đang bắt bớ, bách hại Ngài như Phaolô vừa ngã ngựa trên đường Đamát ; mới dám tuyên xưng : “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8), là “Lòng Thương Xót” (Nhật Ký của thánh Faustina, số 374), mà không sợ bị anh em và nhiều người cho là điên khùng, ngớ ngẩn, man man ; nhất là mới có tâm tình để cùng Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị cầu nguyện với Lòng Thương Xót Chúa  trong Tông Huấn “Dives in Misericordia” : “Nhân danh Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại, trong tinh thần của sứ vụ cứu thế luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại của Ngài, chúng ta cùng cất tiếng khẩn khoản nài xin để Tình Yêu trong Chúa Cha, nhờ tác động của Chúa Con và Chúa Thánh Thần tỏa sáng một lần nữa trong giai đoạn của lịch sử này. Chính Tình Yêu mạnh hơn sự dữ, tội lỗi và tử thần biểu lộ và làm chứng sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay. Chúng ta cầu xin nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ, đấng đã không ngừng tán tụng : “lòng thương xót Chúa trải qua từ đời nọ đến đời kia”, và của tất cả những người đã thấy thực hiện trong đời mình Lời của Đức Giêsu trên núi Bát Phúc: “Phúc cho ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7). 
Jorathe Nắng Tím

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2019

Thánh Gioan Tiền Hô

Có nhiều danh xưng khi nói về thánh Gioan, người anh em họ của Đức Giêsu, sinh trước Đức Giêsu khoảng 6 tháng : “Gioan Tẩy Giả”, vì ngài làm phép rửa thống hối cho dân bên bờ sông Gio Đan ; “Gioan Tiền Hô” để nói lên sứ vụ chuẩn bị con đường cho Đức Giêsu đến, như Tin Mừng Luca đã viết: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải vạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người sẽ được nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” ( Lc 3,4-6); và sau cùng là danh xưng “ngôn sứ”.
Tuy thế, cả ba danh xưng đều quy về một sứ vụ : “đi trước Chúa mở lối cho Người, báo cho dân Chúa biết Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên, vì Thiên Chúa đầy lòng thương xót, cho Vầng Đông từ trời viếng thăm ta soi sáng nhưng ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,76-79).
1. Đi trước Chúa :
Như thánh Gioan Tiền Hô, mỗi người tín hữu cũng được sai đến với anh em trước khi Đức Giêsu đến.
Chúng ta không đổi mới, thánh hoá được ai, vì chúng ta cũng tội lụy, yếu đuối, thấp hèn, chẳng hơn gì người anh em. Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng Thánh mới thánh hoá, cứu độ con người, nhưng Thiên Chúa cần đến sự cộng tác của chúng ta trong nhiệm cuộc cứu độ chúng ta và anh chị em của chúng ta. Ngài cần giọt nước bé nhỏ của chúng ta dù Ngài là đại dương mênh mông, bao la, vô tận vì Ngài yêu và tín nhiệm chúng ta, khi mời gọi mỗi người đóng góp vào chính công trình sáng tạo và cứu độ của Ngài bằng những gì nhỏ bé chúng ta có, với thân phận yếu đuối, mỏng dòn, dễ vỡ chúng ta là.
2.   Mở lối cho Thiên Chúa :
Đi trước để mở lối cho ai có nghĩa là chuẩn bị chu đáo, lo liệu tươm tất, sắp xếp hợp lý hợp tình cho cuộc gặp gỡ, đến thăm hay làm việc của một nhân vật quan trọng, đáng yêu, đáng kính nào đó. Vì thế, càng yêu mến, kính trọng người sắp đến, người phải đến, người đang được nhiều người trông ngóng, đời chờ bao nhiêu, chúng ta càng tận tâm chuẩn bị, hết mình và hết tình lo liệu chu đáo, hoàn hảo bấy nhiêu.
Nhưng điểm quan trọng nhất mà người đi trước sẽ không bao giờ làm, nếu có lòng yêu mến người sẽ đến sau mà mình đang chuẩn bị đón tiếp, đó là không lợi dụng vị thế, uy quyền, tài lộc của người ấy mà “vinh thân phì gia”, kiếm chác tư lợi, càng không hống hách, lên mặt với anh em vì ỷ được trọng dụng, được Thiên Chúa chọn làm “tiền hô” sai đến trước, nhất là không lập trạm kiểm soát giấy tờ, chốt kiểm tra lý lịch, hàng rào bảo vệ an ninh để ngăn chặn, làm khó dễ, gây phức tạp, tạo thêm khó khăn cho những người đang chờ đón, mong được gặp Đấng phải đến là Thiên Chúa, Đấng yêu thương và tìm đến giải thoát, cứu độ và ban hạnh phúc cho từng con người.
Thánh Gioan Tiền Hô, hơn ai hết đã ý thức cơn cám dỗ “trên đội dưới đạp” và thủ đoạn “dựng rào chắn, xây tường che” của một số người lợi dụng sứ vụ trung gian, tiền hô của mình để thay vì dọn đường cho Chúa đến với anh em lại chặn đường, cắt đường, phá đường không cho Chúa đến gặp con người. 
Vì thế tâm niệm đời làm Tiền Hô của Gioan là : “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ xuống” ( Ga 3,30), bởi “Đấng đến sau tôi quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người” ( Mt 3, 11). Và như thánh Gioan, chúng ta cũng phải chấp nhận lu mờ đi để Đức Giêsu được tỏa sáng.
3.   Loan báo Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ giầu lòng thương xót :
Không thiếu những ngôn sứ “biến thái” luôn thích loan báo một thiên chúa không giầu lòng thương xót, nhưng cau có, bẳn gắt, hình sự, hay soi mói, thích trừng phạt, một thiên chúa của lề luật lạnh lùng và cơ chế vô cảm, một thiên chúa có thể từ chối, loại bỏ, khai trừ, trục xuất, đầy dọa và tàn sát, hủy diệt ngay chính con mình tạo ra. Vì ích kỷ, kiêu căng, những ngôn sứ thoái hoá này “làm chứng” một thiên chúa hoàn toàn khác biệt và quá xa lạ với Thiên Chúa được loan báo và làm chứng bởi Gioan, ngôn sứ lớn nhất đã được chính Đức Giêsu tuyên dương : “Trong con cái loài người, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả” ( Mt 11,11).

Quả thực Gioan đã làm chứng duy nhất một điều như Dacaria, cha của ông đã “được đầy Thánh Thần” nói tiên tri về con mình: “Hài Nhi hỡi, con sẽ là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người, báo cho dân Chúa biết Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên” ( Lc 1,76-77).
"Tha hết mọi tội" chính là điều Thiên Chúa hứa cho toàn thể nhân loại ; là điều các ngôn sứ chân chính đều loan báo từ ngàn xưa và Lời Hứa đầy thương xót ấy đã được thực hiện hoàn hảo bởi Đức Giêsu, dung mạo đích thực của Chúa Cha giầu lòng thương xót.
Thiên Chúa của Ngôn sứ Gioan đã báo trước ấy cũng là Đấng cứu nhân loại khỏi chết để được bước đi dưới ánh sáng bình an của Vầng Đông đầy lòng trắc ẩn là Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ vô cùng nhân hậu và từ bi của tất cả loài người chúng ta.
Mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tiền Hô, Tẩy Giả, Ngôn Sứ, Chứng Nhân của Đức Giêsu, chúng ta xin ngài bầu cử để Chúa ban cho mỗi người trái tim lương thiện và tinh thần khiêm tốn khi thi hành sứ vụ loan báo và giới thiêu Tin Mừng là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ đầy lòng thương xót cho hết mọi người.
Jorathe Nắng Tím

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

GIÁO ĐIỂM TIN MỪNG

https://www.youtube.com/watch?v=otX_ljXsNiA
Tháng Sáu có lễ Thánh Tâm Chúa, cũng là tháng Giáo Hội dành đặc biệt để kêu gọi tín hữu tôn sùng, đền tạ Thánh Tâm Chúa làm tôi không khỏi nghĩ đến Giáo Điểm Tin Mừng ở Nhà Bè, thuộc tổng giáo phận Sàigòn, nơi mà mỗi ngày có hàng ngàn người lương giáo cùng qùy cầu nguyện với Thánh Tâm đầy lòng  thương xót.
Tôi còn nhớ, một ngày thứ Sáu đầu tháng, giữa trưa hè, dưới cái nắng chói chan, nóng bức, oi ả của Sàigòn, tôi đã đến Giáo Điểm, vừa để xưng tội, vừa tò mò xem cha Long giảng dạy, tổ chức Giáo Điểm thế nào … mà càng ngày càng nhiều người thương, ghét, ủng hộ, chống đối qúa!
 Hơn 6 tiếng đồng hồ ở Giáo Điểm, tôi đã thấy từng đoàn người lũ lượt kéo nhau đến. Họ thuộc đủ thành phần từ nhiều vùng miền được nhận ra qua giọng nói. Giáo điểm được tổ chức sạch sẽ, trật tự, phục vụ hết mức có thể, từ cổng vào đến cung thánh, từ khu bán ảnh tượng, đồ lưu niệm, thức ăn, nước uống, chỗ giữ xe miễn phí đến khu vệ sinh, chỗ nào cũng được quét dọn liên tục. Khách hành hương rất ý thức việc  giữ vệ sinh chung và ai nấy rạng rỡ niềm vui về nhà Cha, ở dưới mái ấm chở che, an ủi, chữa lành của lòng Chúa thương xót .
 Sở dĩ tôi dám nói vậy, vì không ai có thể chối cãi đức tin đơn sơ, nhưng  thuyết phục của những bà mẹ quê chân tay còn lấm bùn, mắt long lanh ngước cao, môi mấp máy cầu nguyện ; những thanh niên, thiếu nữ  thời đại nghiêm trang trước Mình Thánh Chúa, hai tay ôm đầu, khiêm tốn thầm thĩ xét mình xưng tội ; tôi cũng thấy anh chị em trong ban Phục Vụ niềm nở, thân thiện hướng dẫn chỗ gửi xe cho những người mới lần đầu đến Giáo Điểm, và tôi không khỏi xúc động trước niềm tin của anh chị em các tôn giáo bạn kính cẩn vái dài, vái sâu trước tượng Chúa Giêsu của lòng thương xót, và hai vị tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa : thánh nữ Faustina và đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị.
 Tôi không thuộc chiến tuyến, phe cánh nào trước hiện tượng cha Long Lòng Chúa Thương xót, danh xưng được dành riêng cho một con người, một linh mục được coi là rất hot, siêu sao, thần tượng có người còn phong thánh sống từ những năm gần đây, do sức lôi cuốn mãnh liệt của con người này, và những bài giảng đầy xác tín, cùng những phép lạ từ việc đặt tay chữa bệnh, chúc lành của vị linh mục một thời là tu sĩ dòng Thánh Thể.       
Tôi quen biết cha Long từ những ngày được gọi là u ám, ảm đạm của ngài, khi Cha gặp khó khăn với nhà Dòng, rồi đau bệnh, phải nghỉ dưỡng ở nhà người chị, trong giáo xứ Tân Việt. Ngày ấy tôi đi theo một cha bạn và được may mắn chào thăm, quen biết cha Long, và mãi đến hôm nay, tôi không có dịp gặp lại ngài.
Thời gian trôi nhanh với Giáo Điểm Tin Mừng ngày càng phát triển, thu hút nhiều người lương, giáo đến nghe giảng và cầu xin với Lòng Thương Xót Chúa. Tôi  được nghe về nhiều ơn lạ đã được Chúa ban ở nơi này, nhưng đồng thời cũng đầy tai những ý kiến thuận và nghịch, khen và chê, nhiệt liệt ủng hộ và kịch liệt chống đối cha Long của đủ mọi tầng lớp, từ bình dân học vụ » đến trí thức khoa bảng, từ giáo dân đến Giáo Sĩ, Giáo Phẩm. Và tên cha Long gắn liền với Giáo Điểm Tin Mừng, cùng với uy tín và cả tai tiếng của Cha.       
 Hôm nay, tận trời Paris, ở thời điểm tôi đang viết, cha Long và Giáo Điểm Tin Mừng đang là điểm nóng, điểm đỏ, điểm ngắm của nhiều người, nhưng cũng là điểm son, điểm hẹn, điểm đến của số đông ngày càng gia tăng. 
Sở dĩ tôi mượn tháng sáu của Thánh Tâm Chúa để viết về cha Long và Giáo Điểm Tin Mừng là vì tôi cần Lòng Thương Xót của Thiên Chúa làm chià khoá để tháo cởi những trói buộc của hiềm khích, đố kị giữa những người anh em cùng một Cha ; làm ánh sáng để phá tan bóng tối hiểu lầm, hiểu sai vì thành kiến và ác ý của những người cùng một lý tưởng ; làm bóng mát, dòng sông để xoa dịu cơn sốt quyền lực, quyền lợi mà anh em một nhà đang trút đổ trên nhau ; làm mẫu số chung để những khác biệt, đối kháng được hoá giải và hoà giải ; làm nền tảng để xây dựng mái ấm tình thương cho nhân loại, cũng là Đền Thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Với tâm tình và niềm xác tín đó, tôi mạo muội chia sẻ với Bạn, người đang đọc những tâm sự này :
Trước hết, chúng ta không thể  phủ nhận những ý kiến, quan điểm và chọn lựa ủng hộ công việc truyền giáo của cha Long của một số đông gồm cả hàng giáo sĩ, tu sĩ, bằng chứng là số người đến Giáo Điểm Tin Mừng ngày càng gia tăng, và nhiều bài viết từ các linh mục. Và nói gì đi nữa, hoặc bênh hoặc chống, chúng ta cũng dành chút thời gian để nhìn vào những con người dắt dìu nhau tìm đến Giáo Điểm.
Người ta đến đó với nhiều mục đích, do nhiều nhu cầu khác nhau : có người đến để tham quan cho biết, bởi ra vào không ai hỏi giấy tờ, không cần khai báo với các anh Bảo Vệ ; có người đến để quan sát, nghe ngóng, thăm dò xem cha Long có lạc đạo, giảng dạy bừa bãi, làm lễ không đúng quy luật phụng vụ, hay lạm dụng sứ vụ loan báo Tin Mừng để làm tiền, làm chính trị không ; có người đến nhìn ngó thùng tiền to đùng và tìm hiểu đường đi của những đồng tiền ấy có đúng hướng, đúng địa chỉ không ; có người đến để hỏi thăm công việc của nhóm Phục Vụ, Ca Đoàn may ra có tìm được kẽ hở lừa bịp nào đó của cha Long trong việc đạo diễn gọi người này, kêu người kia lên cung thánh kể lể gia cảnh, hoàn cảnh và làm chứng  phép lạ mới nhận được tại Giáo Điểm sau khi được ngài đặt tay cầu nguyện, chữa lành ; cũng có người đến để thử vận, đón gió, chờ thời với hy vọng may ra Chúa  làm phép lạ cho đổi đời.
Nhưng  bên cạnh thiểu số đến Giáo Điểm với những mục đích, nhu cầu vừa kể, chắc chắn đã có và đang có rất nhiều người đến Giáo Điểm với nhu cầu và mục đích hoàn toàn khác : họ là những người đến với tất cả yếu đuối thân xác và linh hồn ; đến bằng niềm tin đơn sơ, tín thác ; đến trong hy vọng được Chúa thương xót chữa lành không chỉ  vết thương, vết bầm thân xác, mà cả những vết hằn, vết đau tâm hồn.
Họ đến vì cần Chúa, bởi chỉ  có Chúa mới có thể cứu họ, sau khi đã chạy chọt các cửa, cầu cứu đủ nơi ; họ đến vì biết Chúa làm được mọi sự, bởi không có gì là không thể làm được đối với Thiên Chúa, sau khi đã bôn ba, đôn đáo khắp nơi chạy thầy chạy thuốc nhưng tất cả đều bó tay, bất lực ; họ đến vì tin Chúa thương và không từ chối, xua đuổi họ, sau những lần bị nhiều người ở nhiều nơi đuổi xua, chối từ ; họ đến vì ở đây không có  hàng rào , trạm kiểm soát ngăn chặn, cấm cản họ đến gần Chúa; họ đến vì nơi này không ai nhận ra họ là người tội lỗi, có tội trống đáng nguyền rủa ; họ đến vì không ai hạch hỏi lý lịch, công trạng, đức hạnh, vai vế, chức vị, nên thấy mình được tự do và tôn trọng dù chỉ là phận hèn vô danh tiểu tốt ; họ đến để tránh những xâm soi, dòm ngó, lườm nguýt chỉ vì nhân thân, gia cảnh nhiều oan khiên, ngang trái ; họ đến có khi vì tránh búa rìu của thành kiến, cơ chế,  truyền thống, tập tục ; và điểm chung dễ thấy nơi họ là  tất cả đã đến đây để được thấy, được chia sẻ và đồng cảm với mọi người có mặt nỗi niềm của những đứa con bệnh tật, yếu đuối, tội lụy đang cần được Thiên Chúa là Cha nhân hậu xót thương và được anh em mở lòng cảm thông, chia sẻ, cùng cầu thay nguyện giúp cho nhau.
Những con người  từ thập phương  đã và đang đến đây với thân phận mỏng dòn, tật bệnh hồn xác, và thiếu thốn mọi sự tất nhiên sẽ không khôn ngoan, khéo léo, chững chạc, qúy phái, tinh tế như những bậc hiền triết thông thái, những người giầu nhiều thế lực, ảnh hưởng, hay những chức sắc tài cao đức trọng. Trái lại, họ đầy những thô thiển trong cung cách, những thái quá bất cập trong hành động, và cả những thiếu sót trong  phán đoán, tư duy. Nhưng Thiên Chúa không trách cứ họ điều này, nếu họ đã đến với lòng thành và tất cả  con người thật. Vấn đề, nếu có là của con người chúng ta với nhau, khi Lòng Thương Xót bị chúng ta cho rơi vào một trong những trường hợp được nêu ra sau đây :
  
1.   Trường hợp Lòng Thương Xót của Thiên Chúa bị biến thành một món hàng được mặc cả, buôn bán, đổi chác :
 Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là ơn sủng thiêng liêng được ban nhưng không cho con người, do lòng thương vô biên của Thiên Chúa. Vì thế, không có chuyện  mặc cả, mua bán, đổi chác, thương lượng khi con người đến với Lòng Thương Xót. Chẳng hạn phải nộp vào thùng dâng cúng vài trăm ngàn hay vài triệu, hoặc nhiều hơn nữa thì Chúa mới ban ơn; hoặc khi được ơn rồi, thì phải lo trả nợ Chúa, như kiểu đi vay nợ thần thánh để làm ăn. Chúng ta chẳng lạ gì chuyện đến ngày vía ông thần, bà chúa hằng năm, thiên hạ đổ xô đi vay tiền hoặc hậu tạ các ông thần, bà chúa, làm sục sôi cả một vùng núi, nơi các ông thần, bà chúa ngự, bởi có vay tiền thần thánh mới buôn may bán đắt, và khi ăn nên làm ra rồi thì phải trả tiền lời cho thần thánh gấp năm, mười lần, nếu không thần thánh sẽ nổi giận  làm cho khánh kiệt , tan gia bại sản, có khi gặp nạn, chết không kịp ngáp.    
Tuyên truyền một Lòng Thương Xót có giá biểu, mặt hàng, hoá đơn, vay vốn, trả lời như thế là xúc phạm tình yêu, lòng tốt của Thiên Chúa, và đó là điều phải hết sức thận trọng khi trình bầy Lòng Thương Xót Chúa, để không ai hiểu sai ơn sủng nhận được do Lòng Thương Xót Chúa chỉ là món hàng mua được  bằng tiền bạc.
 Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc tiếp kiến chung ngày 30.05.2019 đã nói về : Ơn Cứu Độ không được mua bán như sau :
Không có sự cạnh tranh để kiếm được hoặc để xứng đáng được ơn huệ của Thiên Chúa. Mọi điều được trao ban cách nhưng không và đúng lúc. Chúa ban tất cả cách nhưng không, hoàn toàn nhưng không. Ơn cứu độ không được mua bán : đó là quà tặng hoàn toàn nhưng không. Trước sự lo lắng của các môn đệ về việc biết trước thời điểm xẩy ra những điều Chúa Giêsu đã công bố, Người nói với họ : Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần, khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđea, Samaria và cho đến tận cùng trái đất (Cv 1,7-8) (Bản dịch Hồng Thủy, theo https://vaticannews.va)
2.   Trường hợp Lòng Thương Xót bị đóng khung, giới hạn vào những phép lạ chữa bệnh thân xác thấy được :
Là con cái, chúng ta có quyền và được mời gọi đến với Thiên Chúa, Cha chúng ta với tất cả những gì chúng ta , và chúng ta , nhưng hầu hết chúng ta chỉ đứng dậy đi tìm và đến với Chúa khi thân xác đã rã rời, yếu nhược, và linh hồn khô khan, tội lỗi.
Như người con hoang đàng trở về với thân tàn ma dại sau những ngày dài túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng. Người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy cám heo ăn cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho (Lc 15,14-16), chúng ta cũng trở về với Thiên Chúa như vậy, cùng tình trạng thân tàn và hồn cũng tàn theo như người con phung phá. Vì thế, chúng ta cần Chúa chữa lành không chỉ thân xác mà cả linh hồn, và linh hồn mới là điều Chúa muốn chúng ta ưu tiên xin Ngài cứu chữa.
Do đó, khi xin Chúa cứu chữa bệnh thân xác, chúng ta cũng đừng quên xin Chúa đổi mới tâm hồn, và Chúa biết điều nào chúng ta cần hơn, ưu tiên nào Chúa muốn chúng ta thực hiện trước cho phần rỗi của chính chúng ta. Phần chúng ta, hãy đón nhận ơn Chúa với tâm tình : tất cả là hồng ân.
Tất cả là hồng ân khi Chúa ban cho ta những ơn ta xin ; tất cả là hồng ân khi ta xin ơn, nhưng chưa được ; tất cả là hồng ân cả những điều ta không muốn, không xin mà Chúa vẫn cứ trao, bởi chỉ một mình Chúa biết điều gì cần cho ta lúc này và ở đây ; chỉ một mình  cha  hiền biết con thơ sẽ phải làm gì, đi trên con đường nào, nên cần gì, ở thời điểm và cách thế nào. Thiên Chúa là người cha nhân hậu, là Cha chúng ta, Người biết chúng ta cần gì và căn dặn : Trước hết hãy tìm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ ban cho (Mt 6,33), và để chúng ta tin Thiên Chúa là Đấng quảng đại, rộng lượng thi ân, Đức Giêsu đã khẳng định với các môn đệ của Ngài : Thầy bảo anh em : anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho… Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó ? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp ? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ? (Lc 11, 9-13). 
Ban Thánh Thần là ban chính tình yêu, sức sống, hạnh phúc của Thiên Chúa, nói đúng hơn là ban chính Thiên Chúa cho chúng ta, và khi nhận được Thánh Thần, chúng ta được tràn đầy bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nnhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (Gl 5,22-23), là hoa thơm  trái ngọt của Thánh Thần,  Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con.   
3.   Trường hợp Lòng Thương Xót bị cắt nghiã như của cho không giá trị.
 Có nhiều người hiểu ơn sủng của Lòng Thương Xót như của cho vô giá trị, nghiã là cho bừa bãi, cho lung tung. Họ cần nghe lại lời cảnh cáo của Đức Giêsu khi nói về của thánh, tức ân sủng : Của thánh đừng quăng cho chó ; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giầy đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em (Mt 7,6).
Tuy Lòng Thương Xót Chúa được ban nhưng không, nhưng không có nghiã người nhận ơn thương xót không cần quan tâm hay chẳng phải làm gì. Tin Mừng Mátthêu trả lời vấn nạn này khi ghi lại dụ ngôn tên đầy tớ mắc nợ không có lòng thương xót :
Người ta dẫn đến nhà vua một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ tên đầy tớ ấy sắp mình xuống bái lậy : Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết. Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo : Trả nợ cho tao !. Bấy giờ người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ : Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh. Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bầy với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo : Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?. Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình (Mt 18,24-35).
Qủa thực, không còn gì rõ hơn điều kiện để nhận được Lòng Thương Xót của Chúa, và chúng ta không nghi ngờ gì về bổn phận thương xót chúng ta phải làm cho nhau, nếu muốn được Thiên Chúa ban ơn thương xót, bởi Phúc cho ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương (Mt 5,7).      
4.   Trường hợp niềm tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa bị biến thành mê tín.
Ranh giới giữa niềm tin và mê tín thường rất mong manh, và niềm tin dễ bị mê tín lấn lướt trong nhiều trường hợp, nhất là khi niềm tin chưa được trui luyện, và trưởng thành.
Đây cũng là nỗi lo hàng đầu của các Đấng Bậc có trách nhiệm gìn giữ kho tàng đức tin.
Người viết xin trích lại một phần của bài Mê Tín đã viết không lâu, để chia sẻ với qúy Bạn về những khác biệt giữa  đức tin còn gọi là niềm tin và mê tín.
    
a.   Niềm tin tôn giáo đòi hiểu biết, trong khi mê tín là kết qủa của mê muội :
Người tín hữu theo một tôn giáo là dấn thân tin một Đấng được tôn giáo ấy giới thiệu, loan truyền, làm chứng, nên không ai có thể tin nếu không biết về Đấng mình tin, và chỉ tin khi lý trí người tín hữu chấp nhận những điều nghe kể về Đấng ấy là đáng tin, những chứng cứ về Đấng ấy là khả tín, nghiã là không phi lý, hay ngược lại suy tư, luận lý tự nhiên, bình thường.
Mê tín thì ngược lại, khi người ta không biết gì, hoặc biết rất ít, rất mơ hồ về người và điều mình tin, nhất là những điều này không có  nền tảng để có thể tin đươc, vì phi lý và tự thân mâu thuẫn.
b.  Niềm tin tôn giáo đòi yêu mến, tin tưởng, khác với mê tín mang nặng lo âu, sợ hãi :
Đức Tin luôn mang lại niềm vui, vì khi tin, ngừơi tín hữu hay tín đồ hạnh phúc vì biết mình được yêu bởi Đấng mình đã tin và yêu mến. Không ai có thể tin người mình không yêu mến, cũng như không ai có thể yêu mến người mình không tin. Tin và yêu sánh đôi với nhau, nên có tin là có yêu, có yêu mới tin được, và người tin luôn là người hạnh phúc vì yêu và được yêu.
Niềm tin tôn giáo là gắn bó thiết thân giữa cá nhân mỗi người với Đấng siêu nhiên. Gắn bó thiết thân ấy chính là tình yêu và lòng tin tưởng, nên niềm tin không bao giờ sợ hãi, khác với mê tín đầy ắp lo âu, sợ sệt, vì chỉ có đe dọa, và vắng bóng tín nhiệm, yêu thương.
Nhưng tại sao có sự khác biệt này giữa người có đức tin và người mê tín ?
Thưa vì người có đức tin tin vào Đấng thương mình, tin ở Đấng có quyền năng nhưng nhân hậu luôn cứu giúp mình, trong khi người mê tín tin vì sợ hãi một sức mạnh không tên, một thế lực vô danh, một khuôn mặt bí ẩn luôn soi mói, rình rập, một bàn tay uy lực, nhưng tàn ác, nên tin của mê tín là tin vì bị đe dọa, tin vì sợ tai hoạ, tin để tránh bị trừng  phạt, báo oán, chứ không tin vì yêu, tin vì hy vọng, tin vì ký thác vào tình thương, và lòng nhân hậu của Đấng quyền năng, nhưng tốt lành, nhân ái, như người tín Kitô  hữu tin Đức Giêsu là Thiên Chúa giầu lòng thương xót, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung, và tín đồ Phật giáo tin ở Đức Thích Ca Mâu Ni là người đắc đạo và đầy lòng từ bi, hỉ xả, thương yêu chúng sinh.
c.    Niềm tin tôn giáo không mua bán, trao đổi bằng vật chất như mê tín :
Nói đến niềm tin, đức tin, tôn giáo nào cũng trân trọng như giá trị tuyệt đối linh thiêng, nên không thể dùng vật chất để trao đổi, mua bán niềm tin, đức tin. Người tín hữu, tín đồ tin yêu Đấng giáo chủ của mình với tâm hồn trong sáng, với trái tim tinh ròng nồng nàn, và sự gắn bó giữa tín đồ, tín hữu với Đấng thiêng liêng là một tương quan nội tâm, thánh thiện.
Vì thế, khi có hoạt động buôn thần bán thánh, tức trao đổi bằng vật chất như tiền bạc, của cải giữa thần thánh và con người thì đức tin không còn, và niềm tin biến thành mê tín, bởi ơn lành, phúc trọng nhận được từ Đấng thiêng liêng là ơn được ban nhưng không, nghiã là ban vô điều kiện, khi con người cầu xin Đấng mình tin yêu với lòng thành. 
Khác với mê tín, ở đó, người mê tín đi mua sự may mắn, trao đổi với Sức Mạnh huyền bí bằng tiền bạc, của cải để thoát khỏi tai họa, nguy hiểm nào đó, và đạt được điều mong ước. Vì thế, bất cứ hành vi mê tín nào cũng nại đến vật chất, cũng đòi phải trả tiền, trả công, trả ơn quyền lực huyền bí qua người trung gian. Đó là lý do người ta lợi dụng nhiều người nhẹ dạ, cả tin để lừa tiền, gạt của, khi tự cho mình là người biết được ý Trời, nghe được tiếng của thần thánh, khi có người đến hỏi về tương lai, vận mệnh, hoặc xin ơn này, ơn nọ.
d.   Niềm tin là chọn lựa tự do của người trưởng thành, không nhẹ da, cả tin như mê tín :
Đức tin là sự sống của người tín hữu và đức tin ấy, niềm tin tôn giáo ấy đi với người tín hữu, tín đồ suốt hành trình cuộc đời của họ. Vì thế, đức tin lớn lên với thăng trầm của cuộc sống, với niềm vui, nỗi buồn từng ngày, với gian khó, thử thách của hoàn cảnh, và tương quan ở mọi chiều kích.
Vì thế, sẽ không có đức tin nhẹ tênh, dễ dãi, nhưng đức tin nào cũng trầy trụa trải nghiệm vất vả, hy sinh ; niềm tin nào cũng rướm máu vì vượt qua nhiều chướng ngại thách đố, nên người tin sẽ là người trưởng thành, vì tự nguyện chọn lựa, tự ý dấn thân, tự do lên đường, và không hề bị ai dụ dỗ, áp lực. Đây chính là sự khác biệt giữa người tín hữu, tín đồ và người mê tín. Người có đức tin là người trrưởng thành khi đóng chặt niềm tin của mình vào Đấng là Sự Thật, và là Đường, trong khi người mê tín không biết ai thật, giả, điều gì đáng tin hay không đáng tin, nhưng cả tin, nhẹ dạ, để mình bị rủ rê, mua chuộc, tán tỉnh đi vào đường mê tín.
e.    Niềm tin mang tính hiệp thông, khác với mê tín là hành vi cá nhân và biệt lập :
Đức Tin của tôn giáo chính danh nào, ngoài tính cá nhân, cũng mang tính cộng đoàn hiệp thông, nghiã là cùng tin với những người tin khác, cùng chia sẻ niềm tin với cộng đồng, đồng lao cộng khổ vì lợi ích chung, sẵn sàng hy sinh cho hạnh phúc của mọi người, và tương thân tương trợ trên hành trình đức tin.
Khác với mê tín luôn là hành vi cá nhân, biệt lập, không dính dáng, quan tâm đến người khác, không can dự đến cộng đồng xã hội, vì chỉ nhắm mục đích phục vụ lợi ích cá nhân, tìm giải quyết nhu cầu riêng tư, nên mê tín luôn mang tính ích kỷ, đóng khung, khép kín, hạn hẹp, biệt lập, nhất là không minh bạch và không thể chia sẻ, hiệp thông. 
f.     Niềm tin làm con người hạnh phúc vì được yêu và bình an ; mê tín làm con người bất hạnh vì bị đe dọa và sợ hãi :
Muốn biết một người có đức tin đích thực, có niềm tin chân chính, chúng ta chỉ cần nhìn xem họ có hạnh phúc, bình an hay không ? Người có đức tin không thể là người buồn sầu, thất vọng, chán đời, không muốn sống, vì đức tin là nguồn vui, ơn bình an, là lẽ sống cho đời người hạnh phúc. Người tín hữu Thiên Chúa giáo tìm đến Thiên Chúa là niềm vui của họ, vì Thiên Chúa yêu thương và cứu độ họ, vì Thiên Chúa nhân hậu và bao dung tha thứ cho họ mọi lỗi lầm, vì Thiên Chúa là gia nghiệp, phần thưởng, thiên đàng của họ ; cũng như người con Phật tìm đến cửa Phật để được thư thái, bình an.
 Khác hẳn niềm tin đem lại bình an nội tâm, và niềm vui sống với mọi người, với cuộc đời, mê tín chỉ đem lại bất hạnh, vì triền miên bị những đe dọa của tai ương đeo bám, bị thần thánh đe loi trừng phạt, bị vong hồn từ bao đời oan nghiệt đòi nợ, trả thù, báo oán. Người mê tín không khác người nghiện xì ke, ma túy, khi hoàn toàn lệ thuộc vào những phán quyết tào lao, đồng bóng của người tự nhận là sứ giả, phát ngôn của thần thánh. Họ mất hẳn tự tin, vì không còn bản lãnh và tinh thần độc lập, tự quyết ; họ tha hoá tận cùng khi không còn ý chí quyết định và họ bất hạnh hơn tất cả những người bất hạnh khác, vì phải sống trong đe dọa, sợ hãi, lo âu. Những lo sợ này do người trung gian giữa thần thánh và họ tạo ra để giữ họ làm con ti ; những đe dọa làm hoang mang, hỏang lọan, mất tinh thần là khí giới thần sầu qủy khốc và độc chiêu được những tay lừa đảo, buôn thần bán thánh sử dụng để làm tiền. Và những người trót rơi vào vực thẳm mê tín đã vô phúc trở thành nạn nhân đáng thương của những chiêu trò bịp bợm tinh vi và phi nhân luôn tìm đánh vào những người có tâm lý non nớt, bất ổn
5.   Trường hợp thừa tác viên được quần chúng phong thánh, phong thần đến độ được coi là người làm được các phép lạ, mà không cần Thiên Chúa.
Nếu chúng ta nhận được ơn lạ cứu chữa phần xác, phần hồn khi chạy đến Lòng Thương Xót Chúa, đó chính là Thiên Chúa ban cho chúng ta qua trung gian những người Chúa tuyển chọn và ban cho đặc sủng để phục vụ dân Chúa. Đây là điều chúng ta phải nằm lòng, nếu không, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng mất đức tin ở Thiên Chuá, vì những lý do sau đây :
a.     Vì ma qủy cũng làm được các phép lạ.
Bởi gốc gác của ma qủy là thiên thần, nên mang bản tính thiêng liêng, mà loài thiêng liêng thì làm được những sự lạ, vì không bị lệ thuộc thời gian và không gian, chưa kể Thiên Chúa, dù bị Luxiphe và một số thiên thần phản nghịch vẫn không hủy bỏ bản tính thiêng liêng thuộc hàng thiên thần của chúng như thánh Phaolô đã viết : Lạ gì đâu ! Vì chính Xatan cũng đội lốt thiên thần sáng láng (2 Cr 11,14).   
Tin Mừng Mátthêu trong trình thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ đã ghi rõ những phép lạ của ma qủy làm khi chúng đến cám dỗ Ngài trong hoang địa : Ma qủy đem Người đến thành thánh và đặt Người trên nóc đền thờ… (Mt 4,6) ; Qủy lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy (Mt 4,8).
b.    Các phù thủy cũng làm được những điều lạ.
 Sách Công Vụ Tông Đồ đã kể về phù thủy tên Simôn : Trong thành ấy, có một người tên là Simôn, vốn dùng phù phép làm cho dân Samari kinh ngạc. Ông ta xưng mình là một nhân vật quan trọng và mọi người từ nhỏ đến lớn đều chú ý đến ông. Họ nói : Ông này là Quyền Năng của Thiên Chúa, Quyền Năng được gọi là Vĩ Đại. Họ chú ý đến ông, vì từ khá lâu ông đã dùng phù phép làm cho họ kinh ngạc (Cv 8,9-11).  
 Trái với ma qủy và phù thủy, các tông đồ luôn nhân danh Đức Giêsu khi làm phép lạ, như lời căn dặn của Đức Giêsu khi Ngài sai các vị đi rao giảng Tin Mừng : Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được qủy, sẽ nói được những tiếng lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhầm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì  những người này sẽ được mạnh khoẻ. (Mc 16,15-18).
Sách Công Vụ Tông Đồ kể Phêrô đã chữa một người què : Một hôm, ông Phêrô và ông Gioan lên Đền Thờ, vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín. Khi ấy người ta khiêng đến một người què từ khi lọt lòng mẹ… Vừa thấy ông Phêrô và ông Gioan sắp vào Đền Thờ, anh liền xin bố thí. Hai ông nhìn thẳng vào anh, và ông Phêrô nói : Anh nhìn chúng tôi đây ! Anh chăm chú nhìn hai ông, tưởng rằng sẽ được cái gì. Bấy giờ ông Phêrô nói : Vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây : Nhân danh Đức Giêsu Kitô, người làng Nadarét, anh đứng dậy mà đi ! Rồi ông nắm chặt lấy tay mặt anh, kéo anh trỗi dậy. Lập tức bàn chân và xương mắt cá của anh trở nên cứng cáp. Anh đứng phắt dậy, đi lại được, rồi cùng với hai ông, anh vào Đền Thờ, vừa đi vừa nhẩy nhót và ca tụng Thiên Chúa. Toàn dân thấy anh đi lại và ca tụng Thiên Chúa (Cv 3,1-9).
Tông đồ Phêrô đã nhân danh Đức Giêsu Kitô để làm phép lạ. Điều đó có nghiã, không phải Phêrô làm phép lạ chữa lành cho người què, nhưng chính Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa mới là Đấng ban ơn chữa lành, cũng như ban các ơn thiêng liêng đổi mới, thánh hoá linh hồn cho người tin ở Ngài.
Vì thế, trước ơn lạ nhận được có thể từ việc đặt tay cầu nguyện, chúng ta tin Thiên Chúa ban đặc sủng cho thừa tác viên của Ngài để phục vụ lợi ích của cộng đoàn, và Ngài ban cho những người Ngài muốn.
Như Chúa Thánh Thần là Gió : Gió đến từ đâu, đi đâu, ở lại nơi nào thì tùy Gió, nào có ai biết và ngăn cản được Gió bao giờ ? Ơn sủng của Thiên Chúa cũng vậy : hoàn toàn thuộc quyền tự do của Ngài khi Ngài chọn người Ngài muốn để phân phát ơn của Ngài cho mọi người, nên không lạ gì khi có người được Thiên Chúa ban cho ơn chữa bệnh, ơn nói trước những điều sẽ xẩy ra, như thánh Phaolô đã khẳng định :  
Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dậy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bầy. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin ; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri ; kẻ thì được ơn phân định thần khí ; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ, kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người một cách, tùy theo ý của Người (1 Cr 12,4-11).
Cũng trong thư gửi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô qủa quyết tính chủ động của Thiên Chúa trong tất cả mọi công trình : Vậy Apôlô là gì ? Phaolô là gì ? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Thiên Chúa ban. Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể. Kẻ trồng, người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình. Thật vậy, chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên (1 Cr 3,5-9).
6.   Trường hợp không nhắm đến lợi ích các linh hồn :
Khi chọn các môn đệ bên biển hồ Galilê, Đức Giêsu đã cho các ông biết mục đích của việc đi theo Ngài : Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá (Mt 4,19) ; ở với các ông, Ngài dậy các ông lòng khao khát các linh hồn, khi tỏ ra ý muốn  không để mất một người nào Chúa Cha đã trao ban cho Ngài (Ga 17,12), nhưng tìm đưa tất cả về một ràn … Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử (Ga 10,16),  và nếu chẳng may bị lạc mất con chiên nào, Ngài quyết tìm cho kỳ được (Lc 15,4.8) ; đặc biệt khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Ngài xác định mục tiêu : Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy (Mt 28,19). Muôn dân ý nói hết mọi người ở mọi nơi, mọi thời, không loại trừ ai, như thị kiến của tông đồ Phêrô : Đang khi người ta dọn bữa, thì ông xuất thần. Ông thấy trời mở ra và một vật gì sà xuống, trông như một tấm khăn lớn  buộc bốn góc, đang được thả xuống đất. Trong đó có mọi giống  vật bốn chân và rắn rết sống trên đất, cùng mọi thứ chim trời. Có tiếng phán bảo ông : Phêrô, đứng dậy, làm thịt mà ăn ! Ông Phêrô thưa : Lậy Chúa, không thể được, vì không bao giờ con ăn những gì ô uế, và không thanh sạch ». Lại có tiếng phán bảo ông lần thứ hai : Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế (Cv 10,10-15).
Như thế, các linh hồn phải là ưu tiên thứ nhất trong công cuộc rao giảng Tin Mừng, và như người đi buôn với vốn liếng của ông chủ, mỗi người chúng ta với ơn của bí tích rửa tội đều có sứ vụ làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Đức Giêsu tùy theo vốn liếng được Chúa trao (x.Mt 25,14-30), nếu không chúng ta sẽ bị khiển trách vì đã sống như người đầy tớ tồi tệ và biếng nhác (Mt 25,26). 
Tâm tình chia sẻ với Bạn đã qúa dài !
Để kết thúc, lại một lần nữa tôi minh định không cho phép mình phê phán bất cứ ai quanh vụ việc Giáo Điểm Tin Mừng này, vì tôi không có khả năng và thẩm quyền. Tôi chỉ dám xin hiệp ý với Bạn cầu nguyện cho  mọi người, mọi thành phần, mọi phẩm trật trong Giáo Hội, đặc biệt cầu nguyện cho cha Long, cho mọi người thiện chí, bất luận lương, giáo hay vô thần đến tìm Thiên Chúa của Lòng Thương Xót ở Giáo Điểm Tin Mừng, cho những người ủng hộ cũng như những anh em chống đối, lên án cha Long được tràn đầy ơn Thánh Thần, để với ơn cao trọng nhất là Đức Ái (1 Cr 12,31), tất cả chúng ta, mỗi người ở vị thế, vai trò, khả năng, trách nhiệm của mình biết nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc .., không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù (1 Cr 13,4-5) để Đức Giêsu được lớn lên, và nổi bật (Ga 3,30), bởi tất cả chúng ta chỉ là khí cụ trong tay Ngài ; biết không vui khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật (1 Cr 13,6), để  cùng ngồi lại và nhẹ nhàng giúp nhau nhận ra điều sai phải sửa, khiếm khuyết cần bổ túc, điều tốt lành nên phát huy, bởi là con người, có ai hoàn hảo, thánh thiện, không tì ố, như Đức Giêsu đã thách thức các ông Kinh Sư và Biệt Phái đang hằm hằm, căng thẳng, khẩn trương, tay cầm sẵn những cục đá to đùng, bén nhọn chực chờ vùi giập không thương tiếc thân liễu mỏng manh của người phụ nữ ngoại tình bị bắt qủa tang: Ai trong các ông thấy mình không có tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi (Ga 8,7) ; sau cùng với ơn cao trọng là Đức Ái, mỗi người trong Giáo Hội, ở mỗi góc độ riêng của bổn phận sẽ tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả (1 Cr 13,7), để bảo đảm sự hiệp nhất, hiệp thông trong Đức Giêsu là căn tính của Thân Thể mầu nhiệm là Giáo Hội, đồng thời để Lửa canh tân và cứu độ của Chúa Thánh Thần không bị giập tắt cách oan uổng.
Ước gì Tình yêu Đức Kitô không chỉ thúc bách chúng ta (2 Cr 5,14) mà còn liên kết chúng ta nên một (x.Ga 17,22-23), để Thiên Chúa được vinh danh và mọi nguời được ơn cứu rỗi.
Jorathe Nắng Tím