Qua
mang xã hội, và truyền hình an ninh chính thống, hằng ngày chúng ta xem, nghe
không biết bao nhiêu vụ lừa đảo kỳ tình. Có những chiêu lừa bị rồi vẫn không tin đó là sự thật ; có những
màn lừa, thấy rồi cũng chưa dám nghĩ người ta có thể lừa giỏi đến thế. Và kết
thúc mỗi câu chuyện lừa, người ta đều được
nghe lời cảnh báo, dặn dò : phải thận trọng đề phòng, phải đề cao, cảnh giác !
Nhưng
đề phòng thế nào được khi chính người bị lừa đảo, trước đó đã là người đi tìm
cho bằng được kẻ lừa đảo để được “gửi thân gửi phận”, như một thời người ta chen
chúc nhau gửi tiền vào một công ty lừa đảo, vì tiền lời hàng tháng cao ngất ngưởng
, hoặc hết lời năn nỉ, dấm dúi tiền cho đám cò, để được làm thân với tên lừa đảo
siêu hạng và tự nguyện nộp hết gia sản cho hắn, vì mê man lãi xuất cực kỳ cao. Đề
phòng đã khó, cảnh giác còn khó hơn, bởi dù có nghi ngờ, nghi vấn, nghi hoặc thế
nào đi nữa, nhưng khi bị dụ dỗ, lại thấy người này người kia hớn hở “đầu tư”, góp
vốn, nạn nhân bị lừa đảo thường đổi ý, tự trấn an, khi xóa đi ý nghĩ tiêu cực về
tên lừa đảo chính hiệu, để rồi tự mình sa vào cạm bẫy.
Như
thế, phương án tránh bị lừa không chỉ nằm ở “đề phòng, cảnh giác”, nhưng hệ tại
ở một nguyên nhân khác, sâu sa hơn, nằm ngay trong ta, có sức thôi thúc, điều
khiển quyết định của ta. Đó là lòng tham trước bả tiền bạc.
Quan
sát các cú lừa ngọan mục của những Siêu Lừa thời đại, chúng ta nhận thấy lòng
tham là mục tiêu được nhắm, lòng tham là đích phải đạt, bởi chỉ lừa được thiên
hạ khi khơi dậy thành công ở thiên hạ lòng tham. Lòng tham như cò súng, nếu bật
được cò, thì mới có con nhạn trúng đạn, mới có nạn nhân sập bẫy lừa đảo.
Qủa
thực, lòng tham ở mỗi người là mồi ngon của đám thợ săn lừa đảo. Chúng biết hầu
hết đều tham : nghèo thì tham để giầu, giầu thì tham để giầu hơn ;
thiếu thì tham để có, có thì tham để thừa, bởi lòng tham thì vô tận, không đáy :
có bao nhiêu cũng còn thiếu, có bao nhiêu cũng chẳng thừa. Và được mấy người biết
mình đủ, nên đa số không biết dừng thu gom, vun vén, chắt bóp, nhặt nhụm của cải
cho mình. Đó là cơn cám dỗ dai dẳng, kín đáo nằm phục trong tâm hồn mỗi người,
mà không phải ai cũng đủ khả năng chiến thắng, vượt qua.
Không
dễ vượt qua, vì lòng tham mạnh hơn lý trí, khi bầy ra một tương lai huy hoàng của
người “không làm ăn vất vả, nhưng được ngồi mát, ăn bát vàng”, bởi lòng tham
bao giờ cũng liên minh với tính lười biếng : không làm mà có ăn. Vì muốn
giầu nhanh, bốc lẹ, mà lòng tham sẵn sàng lao vào bẫy lừa của “vốn nhỏ, nhưng lãi
xuất cao chót vót”, đầu tư nhỏ giọt nhưng lời đậm, lãi kếch sù.
Không
dễ chiến thắng, vì lòng tham lấn át ý chí, khi làm cho ý chí trở nên yếu đuối,
suy nhược trước bả giầu sang, để sẵn sàng gạt đi những dấu hiệu, khả thể của thất
bại trước những mạo hiểm liều lĩnh được thúc đẩy, hướng dẫn bởi lòng tham không
đáy. Ý chí trong hoàn cảnh này còn bị tấn công bởi những người chung quanh cũng
tham lam vô độ. Những lôi kéo, dục dã, đề nghị của nhân tố bên ngoài có sức tạo
nên áp lực nặng nề, để nạn nhân mủi lòng, nhẹ dạ a dua theo.
Có
rất nhiều trường hợp ta bị lừa vì chạy theo người chung quanh, hoặc nghe hàng xóm
trầm trồ ca ngợi đường giây lừa đảo, mà chính họ không hề biết. Chẳng thế mà một
trong những chiêu lừa có hiệu qủa cao của các tay “siêu lừa” là chúng luôn có dưới
tay một đạo quân cò mồi “khéo mồm, dẻo miệng”.
Như
thế, lòng tham làm lý trí lu mờ, dù lý trí có nhận ra nguy hiểm ; làm ý chí
yếu đuối, dù ý chí trước đó cũng đã “mạnh mẽ” từ chối điều không nên làm. Không
mấy người sau khi bị lừa, đã đau đớn, thờ thẫn thốt lên : “Lúc đầu, mình đã
không muốn góp vốn, không muốn liều rồi, nhưng không hiểu sao lại đâm đầu vào, để
chết đẹp, mất hết !”.
Thế
mới biết mãnh lực của lòng tham. Nó có thể đánh gục cả lý trí, ý chí và xô đẩy
cả những người được coi là khôn ngoan, đạo đức, kinh nghiệm, từng trải vào bẫy
lừa tang thương.
Trong
cuộc chơi lừa đảo thiếu văn hoá, đạo đức, và không nhân văn này, cả kẻ lừa đảo
và người bị lừa đảo đều bị lòng tham khống chế, điều khiển : kẻ lừa đảo “lừa”
người khác vì tham lam, mong có nhiều tiền nhờ trúng mánh, người bị lừa đảo “bị
lừa” cũng vì tham lam, mong thu về món tiền lớn, nhờ trúng qủa. Trúng mánh hay
trúng qủa đều là sản phẩm của cuộc chơi lừa đảo được kích động, kích cầu bởi lòng
tham.
Tóm
lại, khi lòng tham không được be bờ, ngăn chặn, nó sẽ bùng nổ và làm đảo lộn cuộc
sống vốn bình yên, bởi đã có nhiều cuộc đời mất lẽ sống, mất lý tưởng, mất sự
nghiệp, mất thanh danh, mất người thân, mất gia đình, có khi mất cả mạng sống,
vì liều lĩnh gieo mình xuống vực thẳm của tham lam, khi nghe lời đường mật của
những kẻ lừa đảo.
Ý
thức lòng tham là nguyên nhân chính khiến chúng ta bị lừa đảo, chúng ta cần đặt
ra hàng dậu cần thiết để tránh những bước
chân sa đà lọt bẫy :
1.
Chúng ta cần kiểm soát
lòng tham bằng ý thức lương thiện, công bình :
Ý
thức công bình nhắc nở chúng ta tôn trọng quyền lợi của người khác, và lương
thiện trong mọi hành vi. Với ý thức này, chúng ta sẽ không để lòng tham nổi cộm,
bành trướng, khi dễ dàng đầu tư, góp vốn vào những thương vụ không trong sáng,
thiếu minh bạch, bởi bất cứ phi vụ lừa đảo nào cũng có những dấu hiệu của bất công,
bất chính : bất công vì chiếm đọat quyền lợi của ai đó, ở chỗ nào đó, và bất
chính ở phương cách thực hiện, như khi góp vốn ít mà tiền lời qúa nhiều, chúng
ta hiểu ngay : đây là một hành vi bất thường, vì không bình thường như pháp
luật cho phép, nên xác xuất bất chính, bất công ắt phải rất cao.
2.
Chúng ta cần be bờ tham
vọng bằng “biết đủ” và giới hạn
đúng mức các nhu cầu :
Tham
vọng thì ai cũng có, bởi ai cũng muốn tiến thân, tiến tới, tiến nhanh tiến mạnh,
nhưng nếu chiều theo tham vọng, thì tham vọng sẽ nhận chìm chúng ta trong biển
sâu của chính tham vọng, khi chúng ta đánh mất chính mình vì mê mải chạy theo nó.
Cũng như nhu cầu với con người thì vô cùng, vô tận, nếu không biết giới hạn đúng
mức các nhu cầu, người ta sẽ đuối sức vì chạy theo giòng chảy không bao giờ ngưng
nghỉ của nhu cầu.
Vì
thế, người hạnh phúc là người biết be bờ tham vọng, không để tham vọng trở thành
sóng thần cuốn trôi , bằng ý thức “biết đủ”, bởi “tri túc hà thời túc”, có biết
đủ mới nhận mình đủ, còn người không bao giờ biết mình đủ, nghiã là không có khả
năng tự giới hạn những nhu cầu sẽ chẳng bao giờ bình an, hạnh phúc vì luôn thấy
mình thiếu, mãi mãi thấy mình chưa đủ. Và vì thấy còn qúa nhiều nhu cầu chưa được
đáp ứng, nên sẽ suốt đời tham lam cố tìm cho đủ, cố tìm cách thoả mãn mọi nhu cầu,
nhưng rất tiếc, tham vọng thì không cùng, nhu cầu thì vô tận, nên sẽ không bao
giờ đủ đối với người không “biết đủ” cho mình.
Rơi
vào vòng xóay của tham vọng không đáy và nhu cầu bất tận, chúng ta vô tình lạc
vào vùng của tham lam, ở đó cạm bẫy lừa đảo giăng đầy, phủ kín.
Tóm
lại, bao lâu còn sống, chúng ta còn phải đối diện, đối đầu với những chiêu trò
lừa đảo đủ loại, nào là lừa tình bằng những lời ngọt ngào, có cánh, nào là
lừa tiền bằng những thủ đoạn đánh thức lòng tham, và khả thể sập bẫy hoàn toàn tùy thuộc sự tinh tế, khôn ngoan, và
khả năng làm chủ bản thân của mỗi người. Khả năng làm chủ đó dựa trên ý thức lương
thiện, công bình để giảm bớt lòng tham luôn hừng hực sôi nổi, và trên chọn
lựa “biết đủ cho mình” để giới hạn cách hợp lý các nhu cầu trong cuộc sống.
Với
tinh thần “tri túc hà thời túc”, và quyết tâm giới hạn các nhu cầu, chúng ta sẽ
giảm thiểu mãnh lực của lòng tham là nguyên nhân chính đưa ta vào cạm bẫy của vô
số những kẻ lừa đảo tiền bạc, mà xã hội hôm nay dường như không còn đủ khả năng
kiểm soát, chế tài.
Jorathe
Nắng Tím