Mỗi lần chiêm ngắm Gia Đình của Đức Giêsu, chúng ta
không khỏi ngạc nhiên về thánh Giuse, khuôn mặt quan trọng của Thánh Gia nhưng luôn
mờ nhạt, kín đáo, âm thầm, và yên lặng. Không một lời về ngài, ngoại trừ “là người
công chính” (Mt 1,19), còn tất cả các lời khác về ngài đều là những Lời trong mơ, Lời thì thầm trong giấc
ngủ.
Tin Mừng lễ Thánh Gia làm nổi bật thái độ chăm chú lắng
nghe và hăng hái thực hiện Lời Thiên Chúa của thánh Giuse khi tường thuật tỉ mỉ
về cuộc chạy trốn trước lệnh truy lùng gắt
gao của vua Hêrôđê, sau khi biết các đạo sĩ đã tìm đường khác về nhà, mà không
trở lại Giêrusalem để gặp lại và cho Vua hay về nơi Hài Nhi Giêsu sinh ra :
Khi các đạo sĩ đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo
mộng cho Giuse rằng : “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập
và cứ ở đó cho đế khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy !
Ông Giuse liền trỗi dậy và đang đêm, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập. Ông
ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà …” (Mt 2,13-15)
Thái độ của thánh Giuse cho chúng ta nhớ lại thái độ
tuyệt đối vâng lời Thiên Chúa của Môsê đã đem vợ con về lại Ai Cập, khi Đức
Chúa phán với ông ở Mađian : “Đi đi, hãy trở về Ai Cập, bởi vì mọi kẻ tìm cách làm hại
mạnh sống ngươi đã chết cả rồi” (Xh 4,19).
Như Môsê, thánh Giuse đã tin tưởng tuyệt đối vào Lời
Thiên Chúa và đem ra thực hành. Ngài là con người của đức tin, khi đặt hết niềm
tin vào Thiên Chúa, vào Lời Thiên Chúa và không nghi ngại lên đường với Hài Nhi
và mẹ Ngài trốn khỏi cơn giận dữ và truy lùng tìm giết Hài Nhi của vua Hêrôđê, để
bảo vệ tuyệt đối ngai vàng.
Như Đức Maria, người nữ có phúc hơn mọi người nữ đã kiên
trì trong đức tin từ buổi Truyền Tin đến Lễ Hiện Xuống, ngang qua đường Thánh
Giá và biến cố Phục Sinh, thánh Giuse đã không ngừng chú tâm lắng nghe Lời Thiên
Chúa chỉ bảo, hướng dẫn để từng ngày, và ở bất cứ tình huống nào, ngài vẫn
trung tín chu toàn bổn phận làm cha nuôi Đấng Cứu Thế, và làm bạn thanh sạch Đức
Trinh Nữ Maria trong chương trình cứu độ mầu nhiệm.
Suốt đời làm gia trưởng, Thánh Giuse đã chỉ được nghe thiên
sứ nói cho biết điều Thiên Chúa muốn trong giấc ngủ, giữa cơn mơ, và Tin Mừng
ghi lại ba lần Ngài được báo mộng :
Lần thứ nhất khi thánh Giuse phân vân muốn bỏ Đức Mẹ cách
kín đáo để giữ thanh danh cho Đức Mẹ khi thấy Đức Mẹ có thai : Đang toan tính
như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : “Này ông
Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu
mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, và ông đặt tên cho
con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt
1,20-21). Và ngài đã đón Đức Mẹ về nhà mình, như Lời sứ thần dậy.
Lần thứ hai là lệnh thiên sứ truyền phải trốn qua Ai Cập,
và ngài cũng nhanh chóng tuân hành, thực hiện (x.Mt 2, 13-15).
Lần thứ ba là, sau khi vua Hêrôđê băng hà, thiên sứ lại
hiện ra với ông Giuse bên Ai Cập, báo mộng cho ông rằng : “Này ông, dậy
đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.
Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen” (Mt
2,19-21).
Biến cố Lời Thiên Chúa được nói với thánh Giuse trong
giấc ngủ, giữa giấc mộng cho chúng ta thấy : đức tin là ơn sủng của Thiên
Chúa, nhưng đức tin luôn đặt chúng ta trước một chọn lựa, và chọn lựa này không
luôn dễ, bởi đức tin không luôn minh bạch, rõ ràng, chắc chắn, như kết qủa của
khoa học thực nghiệm được “cân, đo, đong,
đếm”,
nhưng đức tin đòi chúng ta phó thác ở Thiên Chúa khi đức tin được trình bầy và
mời gọi trong tình trạng “luôn đủ ánh sáng để chúng ta thấy, đồng thời đủ bóng tối
để chúng ta tin”, bởi nếu thấy rõ mồn một, nhìn được tỏ tường trên dưới,
ngang dọc, thì cần gì đến tin, như khi ta gặp gỡ, chuyện trò, ăn uống với một
người nào rồi, thì ta đâu cần phải tin vào lời của người khác nói về người này
nữa. Cũng vậy, đức tin luôn đòi sự liều lĩnh dấn thân, tín thác của ta vào một
mình Thiên Chúa, nhờ đó, hành vi đức tin mới có giá trị cứu rỗi, và như thế mới
được gọi là đức tin.
Sở dĩ gia đình của thánh Giuse, Mẹ Maria và Đức Giêsu được
gọi là gia đình thánh, không phải vì gia đình gồm toàn thánh, nhưng vì gia đình
gồm những người luôn chú tâm lắng nghe Lời Thiên Chúa, tin vào Lời Chúa và đem
ra thực hành, như Đức Giêsu đã qủa quyết trong Tin Mừng : “Mẹ tôi và
anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21).
Vâng, Thánh Gia hôm nay mời gọi chúng ta lắng nghe Lời
Thiên Chúa và thực hành Lời hằng sống ấy bằng yêu mến cha mẹ như bài đọc thứ nhất
nhắc nhở : “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ
kho báu… Hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi già ; bao lâu người còn sống,
chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình
sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghiã với cha sẽ không bị quên lãng, và
sẽ đền bù tội lỗi cho con… Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc
giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp
khốn khó, và các tội con sẽ biến tan” (Hc 3, 3-4.12-15), và thực hiện điều Thiên Chúa muốn
trong tương quan với các thành viên gia đình, cũng như với anh chị em trong cộng
đoàn, như thánh Phaolô căn dặn trong bài đọc thứ hai : “Anh em hãy
có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại. Hãy chịu đựng và
tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người
kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho
nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết
tuyệt hảo” (Cl 3, 12-14).
Nơi thánh Giuse, người gia trưởng của đức tin, chúng
ta noi gương chú tâm lắng nghe và trung thành thực thi Lời Thiên Chúa, bằng nhạy
bén nhìn ra những dấu chỉ của Thiên Chúa trong lịch sử, cũng như qua con người.
Với thánh Giuse, chúng ta học nhìn mọi sự, mọi biến cố với đôi mắt Đức Tin, và
như ngài, chúng ta tập đi trên con đường tự do, bởi chỉ có Lời Thiên Chúa mới
cho chúng ta được tự do đích thực trong Đức Tin.
Lạy thánh Giuse, vị gia trưởng rất yêu mến của Thánh
Gia !
Xin phù hộ và
ban tràn đầy niềm vui trên ông bà, cha mẹ chúng con, và cho chúng con biết học
với Thánh Cả gương thinh lặng xóa mình, bài học kín đáo quên mình, thái độ âm
thầm hiến mình cho hạnh phúc của mọi người trong gia đình thân yêu của chúng
con.
Jorathe
Nắng Tím