Pages - Menu

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2019

Thánh Thể - Mầu Nhiệm Tình Yêu

https://www.youtube.com/watch?v=qc93UWA1NSY
“Khi yêu, người ta rất lạ”, nên bước vào tình yêu, ai cũng thấy mình lơ lửng lạc vào một thế giới xa lạ nhưng kỳ thú, khác với thế giới mình đang sống. Yêu rồi thì xem ra “chân không còn đạp đất và đầu cũng chẳng đội trời” vì thân xác thì lâng lâng và tâm hồn thì bay bổng bốn bề ngang dọc. Người ta yêu cái thú thương đau của tình yêu, yêu cái vị đắng đắng của tình yêu, yêu cái chua chua của tình yêu và tình yêu càng đắng, càng chua, càng thương đau thì tình cho nhau càng đậm đà, thấm thía.
“Khi yêu, đường đi hay lạc lối”, nên đời người yêu nhau thường đẹp như mơ, đẹp đến độ không biết mình đang ở cõi nào: cõi mộng hay cõi tiên, cõi trên hay cõi trần, cõi trời hay cõi đất, cõi này hay cõi sau, cõi mơ hay cõi thực…
“Khi yêu, tình cho đi rất nhiều”, nên yêu rồi thì chẳng phải chỉ cởi nón, cởi mũ, cởi áo, mà còn cởi đến cả túi tiền, danh dự, sự nghiệp, linh hồn, sự sống cho nhau.
“Khi yêu, mình nhận chẳng bao nhiêu”, nhưng chẳng mấy khi dám than van, tính toán vì Tình cứ bảo “ít nhiều cũng chẳng bao nhiêu, bao nhiêu ít ấy bấy nhiêu Tình nhiều”, nên đành lấy ít làm nhiều, lấy không làm có cho Tình được vui.
“Khi yêu, tình ngu si dễ thương”. Ngu si, khờ dại thì đáng trách, đáng buồn, chứ “ngu si dễ thương” thì biết trách thế nào và trách vào đâu? Chẳng thế mà mỗi ngày có hàng tỷ tỷ người ngu trở thành người dễ thương và tỷ tỷ người đang yêu không biết mình khờ dại.
Đức Kitô đã làm người trong tất cả điều kiện của con người, với trọn vẹn thân phận người, nên tình yêu nhân loại của Ngài cũng không khác tình yêu trong tim ta. Tình Ngài cũng đã có lúc thăng hoa xúc động (Ga 15), có lúc lãng mạn bên bờ giếng (Ga 4,6-7), có lúc sầu tủi một mình (Mc 14,37)), có khi quặn thắt, hắt hiu (Mc 14,34). Ngài cũng nếm đủ đắng cay, chua mặn của tình người, tình đời khi bị bỏ rơi, vô ơn, phản bội. Như con người, Ngài cũng “cho đi rất nhiều, nhận chẳng bao nhiêu” và yêu đến độ điên cuồng, khờ dại, ngu si. Như con người, tình Ngài cũng bâng khuâng, mơ mộng, cũng tha thiết, mặn nồng, cũng vất vả thương đau, cũng miệt mài đeo đuổi, cũng nhẫn nại đợi chờ. Hình ảnh Ngài với người đàn bà ngoại tình hay trong dụ ngôn người cha nhân hậu, bao dung đã nói lên tình Ngài không khác tình ta, nhưng bao la, dạt dào, sâu thẳm, tuyệt vời hơn gấp bội.
Trước khi tự hiến mình chịu chết, Đức Kitô đã làm một bước nhảy vọt trong tình yêu đối với con người, bước nhảy vọt vượt sức con người, vượt trí con người, vượt tầm ước đoán con người, vượt ngưỡng tình yêu nhân loại. Ở những ngày cuối đời, Đức Kitô đã vận dụng sự khôn ngoan của Thiên Chúa nơi Ngài để có những sáng kiến độc đáo trong tình yêu, sáng kiến mà chỉ Thiên Chúa mới có thể nghĩ ra và thực hiện và bí tích Thánh Thể là một trong những sáng kiến tuyệt vời nhiệm lạ.
Cả ba Tin Mừng nhất lãm đều kể lại chi tiết việc Đức Kitô lập bí tích Thánh Thể: “Đang khi ngồi ăn, Ngài cầm lấy bánh tạ ơn, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ mà nói: “Hãy nhận lấy mà ăn, vì đây là Mình Ta”. Đoạn Ngài cầm lấy chén rượu, tạ ơn rồi trao cho các môn đệ mà nói: “Đây là Máu Ta, máu giao ước sẽ đổ ra cho nhiều người” (Mt 26,26-29; Mc 14,22-24; Lc 22,19-20).
Qua sáng kiến lập Bí Tích Thánh Thể, Đức Kitô đã mạc khải: Ngài là Tình Yêu đến cùng, Tình yêu ở cùng, Tình yêu khiêm hạ tận cùng, Tình Yêu đắm đuối đến điên khùng, Tình Yêu vô cùng của một Thiên Chúa vô cùng yêu thương.

1.  Tình yêu đến cùng. Tình con người cho nhau thường hay bị mắc kẹt, đứt đoạn vì một giới hạn, điều kiện nào đó. Có thể sức khoẻ, tiền bạc, địa vị, danh phận làm đường tình mất hướng, đổi hướng. Có thể tương lai bất định làm thuyền tình chao đảo. Có thể yếu đuối, tội lỗi của người tình biến đường tình thành ngõ cụt, không lối ra. Có thể tham vọng bất chính, ước mơ hão huyền làm tình yêu hao mòn, mệt mỏi. Và để rồi, đang ở bất cứ cây số nào trên đường tình, người ta vẫn có khả thể phụ tình bỏ nhau, quên nhau.
Không như tình yêu với nhiều “khả thể mang tính đe dọa”, Đức Kitô là Tình Yêu đến cùng, nghĩa là không một giới hạn, một điều kiện nào có thể làm trệch hướng hay gián đoạn, chặn đứng bước chân trên đường tình đến với nhân loại của Ngài, vì “Ngài vốn yêu thương những kẻ thuộc về Ngài và yêu họ đến cùng” (Ga 13,1). Yêu đến cùng đời sống, thân phận, hạnh phúc, khổ đau, thành công, thất bại, công trạng, hình phạt của đối tượng. Yêu đến cùng thăng trầm, tội lỗi, vô ơn, phản bội của người tình. Yêu đến cùng quá khứ bất toàn, hiện tại bất xứng, tương lai bất ổn của người yêu. Và yêu đến cùng giây phút lâm chung hoàn toàn bất lực của con người mình say mê, “phải lòng”. Đối tượng của “tình yêu đến cùng” nơi Đức Kitô, vì thế không có lý do để nghi ngại bị bỏ rơi, nghi ngờ người yêu phản bội hay nghi nan, ngờ vực tính chung thủy, sắt son. Đức Kitô với trái tim Thiên Chúa chỉ biết yêu thương đến cùng và không bỏ rơi bất cứ ai trên đường đi đến cùng của Tình yêu.



2. Tình yêu ở cùng. Yêu ai là muốn ở gần người ấy, nên chớm yêu là nghĩ ngay đến chuyện đi chung, ngồi chung, nằm chung, ở chung, làm chung, chơi chung, chịu chung, hưởng chung, sống chung, kể cả chết chung nhau nữa. Tình yêu đòi kết hợp, quấn quít, cuộn tròn trong nhau, nên yêu mà mỗi đứa mỗi nơi, mỗi người một nước xa cách nghìn trùng thì không gì đau đớn, khổ sở cho bằng. Yêu mà xa xôi, cách biệt thì tình chẳng bao giờ nguôi và lòng chẳng bao giờ thỏa.

Đức Kitô không muốn xa con người, vì con người đã chiếm trọn trái tim Ngài. Nghĩ đến giờ phải xa con người mà xót xa, nên Ngài quyết định ở lại với con người mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20). Lập bí tích Thánh Thể, Ngài đã thành công vượt mức trong giấc mơ ở cùng con người, nên một với con người (Ga 17,21) và sáng kiến độc đáo, mầu nhiệm của bí tích Thánh Thể đã cho Ngài thực hiện hoàn hảo tình Chúa yêu con người cao vời, sâu thẳm đến độ: “Thiên Chúa ở trong con người và con người được ở trong Thiên Chúa” (Ga 17,26) như cành nho kết hợp với cây nho và cho dù cành có muốn rời cây, cây cũng không bao giờ bỏ cành (Ga 15).

3.   Tình yêu khiêm hạ tận cùng. Thiên Chúa của Đức Kitô nổi bật ở lòng khiêm hạ: khiêm hạ trong lòng Đức Mẹ, khiêm hạ nơi máng cỏ Bêlem (Lc 2,7), khiêm hạ ẩn dật ở Nazareth, khiêm hạ khi chịu phép rửa của Gioan (Lc 3,21), khiêm hạ ngồi chung bàn với người tội lỗi (Mt 9,11), khiêm hạ “đến để phục vụ, chứ không để được phục vụ” (Mc 10,45), khiêm hạ trên lưng lừa con vào đền thánh (Ga 12,15), khiêm hạ trước toà án Philatô, khiêm hạ trên đường lên núi Sọ, khiêm hạ trên Thánh Giá, khiêm hạ vùi chôn trong mồ (Ga 19).
Lòng khiêm hạ của Đức Kitô làm kinh ngạc nhiều người và cũng nên cớ vấp phạm cho nhiều người. Làm sao có thể hiểu được một Thiên Chúa chấp nhận ở lại với con người trong tấm bánh rất tầm thường, không một dấu hiệu thần thiêng, đặc biệt? Làm sao hiểu được “tấm bánh là Thiên Chúa” chịu để con người “đặt đâu ngồi đó”, cắt vuông cắt tròn, chia năm xẻ bảy, bẻ lớn bé nhỏ, xé to xé vụn mà không một lần khiếu nại? Và hơn hai ngàn năm nay, Thiên Chúa ẩn mình trong tấm bánh đã không tức giận phản đối khi bị xúc phạm, không sừng sổ bất bình khi bị coi thường, không nghiêm khắc trừng phạt khi bị khinh mạn, sỉ nhục.


Càng suy, ta càng thắc mắc, tự hỏi: làm sao Thiên Chúa vô cùng cao cả, thánh thiện, toàn năng lại khép mình khiêm tốn, yếu đuối, thấp hèn trong hình bánh bé mọn, mềm yếu? Và tấm bánh thì lớn hơn được những gì và làm sợ được ai? Miếng bánh thì giá trị bao nhiêu và đe doạ được người nào? Mụn bánh cân nặng mấy gam và mang lại ích lợi bao nhiêu?
Và ta chỉ còn biết “phục bái tôn thờ” sáng kiến mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa chọn cho mình tấm bánh rất nhỏ, rất rẻ, rất thường để ở lại với loài người, để bất cứ ai cho dù nghèo hèn đến đâu, yếu đuối cỡ nào, bé nhỏ làm sao cũng đến được với Ngài và Ngài đến được với họ vì bánh ăn hằng ngày để sống nên ai cũng cần, cũng gần, cũng thân. Đến với người mình thân, mình gần, mình cần; tìm cái mình cần, mình gần, mình thân luôn dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng và không mặc cảm, ngại ngùng. Bánh không là đồ quý hiếm, mắc tiền, khó mua, nhưng là nhu cầu đời thường: ở đâu cũng có, đến đâu cũng gặp, tìm đâu cũng thấy, nên bánh thiết thân, thiết thực với thực tế đời người và không xa lạ với sự sống.
Chọn ẩn mình trong bánh, Đức Kitô chọn chỗ ở gần con người nhất, chỗ con người ai cũng đến được và ai cũng phải đến để được sống và sống dồi dào.
Như thế khiêm hạ tận cùng của Thiên Chúa trong Thánh Thể là biểu hiện sống động của Tình Yêu muốn ban sự sống cho mọi người: sự sống ấy như nước mưa thấm sâu vào đất, như sương trời bao phủ từng cọng cỏ dại bé bỏng, mong manh bên đường, như tuyết trắng chen sâu trong kẽ đá, phủ kín những cành khô, trơ trụi.


Làm tấm bánh được bẻ ra cho mọi người, Thiên Chúa muốn ở với hết mọi người, nhất là những người nghèo khó, buồn phiền, tù đầy, đau yếu, những người bị bỏ rơi, lên án, những người cô quả, chiếc bóng đơn côi, những người tội lỗi bị khai trừ, vì đó là sứ mệnh Cứu Thế của Ngài (Lc 4,18). Làm tấm bánh được chia cho hết mọi người, Đức Kitô muốn đến với mọi tâm hồn để yêu thương và san sẻ chính sự sống của Ngài. Và mãi mãi Thánh Thể là mầu nhiệm của Tình yêu Thiên Chúa, Tình yêu không thể rời xa con người nên đã “hạ mình thật sâu, nhận lấy phận tôi tớ... mặc lấy xác thể phàm nhân. Ngài còn tự hạ hơn nữa bằng vâng phục chết và đã chết trên thập tự” (Pl 2,7-8).

4.  Tình yêu điên khùng. Thiên Chúa không điên, nhưng tình yêu của Ngài không “bình thường” dưới mắt con người khi Ngài làm gương và dạy phải “yêu kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét mình, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ, bỏ vạ mình” (Mt 5,44), lại còn lạ đời hơn khi dạy: “giơ tiếp má trái, nếu má phải vừa bị người ta tát, cho luôn cả áo khoác ngoài, nếu ai đó đòi lấy áo trong, đi thêm hai dặm đường nữa, nếu họ bắt đi với họ một dặm. Và ai xin thì cho, ai mượn thì đừng từ chối” (Mt 5,39-42).
Yêu như thế không điên khùng là gì? Yêu như thế làm sao thích hợp với xã hội hôm nay? Yêu như thế có đến trẻ con mẫu giáo của thời kinh tế thị trường, thời đại “hip hop” cũng phải nín cười cho là khùng điên, “người cõi trên mới xả trại”. Chỉ có “Thiên Chúa làm người” mới dám xâm mình yêu kiểu khùng điên. Chỉ có Đức Kitô - ngôi Lời nhập thể mới dám yêu theo “mốt” ngược đời, lập dị; bởi thời nay, có ai còn ngây thơ, dại khờ yêu để thua lỗ, yêu để thiệt thòi, yêu để mất mát?
Chọn thập giá để minh chứng tình yêu đến cùng và vô cùng, Đức Kitô đã chọn làm người điên dại, ngu xuẩn vì với con người thập giá là thất bại, sỉ nhục, đần độn, xấu xa (1Cr 1,21-23).
lại với con người trong tấm bánh bé nhỏ, Đức Kitô lại thêm một lần làm người tình điên. Người tình điên yêu đắm đuối, say mê, yêu không “nhìn trước ngó sau”, yêu bất chấp “điều ong tiếng ve”, yêu ngang ngược, liều lĩnh như tình yêu thúc bách. Say yêu con người, Thiên Chúa Tình yêu cũng đã trở nên điên khùng dưới mắt loài người. Nhưng “sự điên khùng của Thiên Chúa thì vượt quá sự khôn ngoan loài người và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì trổi vượt hơn sức mạnh thế gian” (1Cr 1,25) và “con người vật chất không thể nhận ra những điều thuộc về Thánh Thần, nên cho đó là điên dại” (1Cr 2,14), vì “sự khôn ngoan của thế gian là sự điên dại trước mặt Chúa” (1Cr 3,19).
Thánh Phaolô đã trình bày trong hai thư gửi giáo đoàn Côrintô “cái điên điên khùng khùng” của Thiên Chúa Tình yêu khi Ngài yêu nhân loại, đồng thời quả quyết chính “cái khùng khùng điên điên” ấy mới thực là khôn ngoan, sức mạnh mà chỉ những ai ở trong Thánh Thần mới nhận ra “Đức Kitô là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24).
Như thế, thập giá dưới mắt người đời là điên dại và Thánh Thể dưới mắt thế gian là điên khùng để rồi tất cả những người đi theo Đức Kitô “Thánh Giá, Thánh Thể” cũng sẽ bị xếp vào hạng những người khùng khùng điên điên. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm điên khùng này, kinh nghiệm của người tông đồ hết lòng vì Thập Giá Đức Kitô khi ngài viết cho giáo đoàn Côrintô: “Chớ gì anh chị em chịu đựng một chút cái điên khùng của tôi” (2Cr 11,1).
Tuần Thánh là tuần của Thánh Thể, tuần của sức mạnh tình yêu biểu lộ trong yếu đuối (2Cr 12,9), tuần của tình yêu tận cùng và đến cùng, tuần của Thiên Chúa điên cuồng yêu thương nhân loại.
Quỳ trước Thánh Thể, ta chẳng thấy gì bằng con mắt thịt nhân loại vì “Tấm Bánh” đơn sơ, bình thường, bé nhỏ quá, mọn hèn quá!
Bởi tấm bánh Thánh Thể là mầu nhiệm tình yêu nên chỉ Thánh Thần Tình yêu mới mở được đôi mắt nặng nề trần tục. Xin Thánh Thần cho đầu gối con khiêm tốn quỳ thờ lạy và mắt con khiêm nhường xin được Đức Tin bù lại, nếu giác quan mãi mãi không cảm thấy gì.

Rửa Chân

https://www.youtube.com/watch?v=gZZglx-4WV8
Tìm Thiên Chúa trong những dấu lạ, sự lạ, phép lạ phi thường, lớn lao là khuynh hướng của phần đông con người. Người đương thời với Đức Kitô cũng đổ xô đi xem Đức Kitô làm phép lạ như thiên hạ ngày nay lũ lượt, tấp nập rủ nhau đi xem mặt trời quay chỗ này, tượng Chúa khóc chỗ nọ, tượng Mẹ cười chỗ kia. Chuyện kỳ lạ hấp dẫn tính hiếu kỳ và con người thích gặp Thiên Chúa trong những chuyện thần kỳ, khác lạ hơn tìm gặp Ngài giữa đời thường, trong sinh hoạt bình thường của những ngày thường, bên những con người tầm thường.
Bữa tối chia tay, thầy trò bùi ngùi lưu luyến. Đã ba năm sống bên nhau, ngọt bùi, buồn vui cùng chia sẻ nên giờ sắp phải chia lìa mà chia lìa đau thương, tang tóc, hỏi ai không đứt ruột? Tuy ở gần Đức Kitô, nhưng các môn đệ chưa biết rõ Ngài là ai và sứ mệnh cứu độ của Ngài là gì, sẽ diễn biến ra sao. Chính vì thế, sát kề ngày chịu khổ nạn của Thầy mà các ông vẫn ganh tị, tranh giành chỗ ngồi chỗ đứng trong vương quốc sắp tới của Ngài (Lc 22,24). Đêm nay, trong bữa ăn sau cùng, Đức Kitô muốn nói hết về Ngài và những gì sắp xảy đến. Ngài thẳng thắn cho các ông biết: “Trong các con sẽ có người nộp Thầy” (Ga 13,21), “Thầy sẽ bị coi như người gian ác” (Lc 22,37), “sẽ chịu đóng đinh” (Mt 26,2) và “đêm nay các con sẽ vì Thầy mà sa ngã” (Mt 26,31). Cho biết trước đường Thánh Giá Ngài sắp đi và căn dặn các ông hết mọi điều: “người ta sẽ bạc đãi, xử tệ, hành hạ, trục xuất, truy lùng chúng con vì tôi tớ không hơn chủ. Chúng con đừng sợ vì Thánh thần ở với chúng con sẽ cho chúng con biết mọi chân lý, sẽ báo trước cho chúng con về tương lai. Phần chúng con: hãy ở trong tình yêu Thầy” (Ga 16,1-15).
Căn dặn, trăn trối, nhưng Đức Kitô chưa đi vào cốt lõi của điều Ngài muốn nói. Phải chờ cho tình thầy trò thấm vào tim qua ly rượu chia phôi, “Ngài mới đứng dậy, rời bàn, cởi áo ngoài ra và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Kitô đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,4-5). Hành động bất ngờ nhưng không xa lạ trong tục lệ Do Thái. Hành động bất thường nhưng là những việc tầm thường: cởi áo, lấy nước, rửa chân, lau sạch trong đời thường. Đức Kitô đã dùng những việc rất thường để mạc khải chính Ngài là Thiên Chúa tuyệt đối khiêm nhường.

1.   Rửa chân cho môn đệ, Đức Kitô đã “đứng dậy, rời bàn”. Ngài đã rời chỗ ngồi trọng vọng, danh dự, được hầu hạ để đến quỳ trước mặt môn sinh. Quỳ trước mặt ai là nhận mình thấp hơn họ. Quỳ dưới chân ai là nhận mình hèn yếu. Chỉ đầy tớ mới quỳ dưới chân chủ, chỉ con người mới quỳ trước Đấng Tạo Dựng, chỉ con cái mới quỳ bên cha mẹ, ngoài ra ai quỳ dưới chân ai bao giờ… Thế mà Đức Kitô đã quỳ dưới chân con người để tỏ tình Ngài yêu con người đến cực độ (Ga 13,1).



2. Rửa chân con người, Đức Kitô đã “cởi áo và lấy khăn thắt lưng”. Đây là hình ảnh của từ bỏ, hình ảnh vượt qua “cái tôi vĩ đại, cái tôi háo danh, cái tôi quyền lực, cái tôi hưởng thụ” và cột chặt kiêu căng, tham vọng, gian tà là bản năng và khuynh hướng xấu khi đến với tha nhân. “Người khác” đã thay thế “cái tôi”. “Người khác” là vua, là người được “cái tôi” ân cần phục vụ. Có bỏ mình mới yêu được người khác. Có quên mình bằng kìm hãm tham vọng thống trị, bằng triệt tiêu mưu đồ lợi dụng người khác mới có thể yêu thương và phục vụ. Rửa chân là phục vụ hết tình, là hầu hạ hết mình, nhưng cũng là xoá mình, quên mình, mất mình, bỏ mình thật tình. Bởi phục vụ mà đặt mình trong đó thì còn bị cám dỗ dùng người khác làm bình phong, bung xung che đậy cái tôi ích kỷ, tham vọng. Đức Kitô đã cởi bỏ tất cả vinh dự là Thiên Chúa để xuống thật sâu, xuống sát chân con người để rửa chân cho con người. Hành động rửa chân vốn bình thường nơi con người đã trở nên phi thường khi Thiên Chúa đích thân quỳ xuống rửa chân. Hành động ấy phi thường khi Thiên Chúa khiêm hạ làm công việc tầm thường nhất của người đầy tớ: rửa chân ông chủ. Trong tầm thường, Thiên Chúa đã tỏ mình là “Thiên Chúa đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình cứu độ muôn dân” (Mt 21,28).



3. Đức Kitô “đổ nước vào chậu và rửa chân cho các môn đệ”. Nước tượng trưng cho trong sạch, tinh tuyền. Nước là hình ảnh của sự sống. Lấy nước rửa chân cho con người, Đức Kitô muốn thanh tẩy con người bằng ơn thánh và ban lại cho con người đời sống mới. Nước làm con người nên sạch, như ơn thánh thanh tẩy tâm hồn. Phêrô nhanh trí nhận ra ý nghĩa của nước và việc làm của Đức Kitô khi Ngài bảo ông: “Nếu không để Thầy rửa chân, con sẽ không được chung phần cùng Thầy”, nên đã vội xin Đức Kitô: “Lạy Thầy, xin cứ rửa, không những rửa chân mà cả tay và đầu con nữa” (Ga 13,8-9). Ý thức chỗ nào trên thân xác mình cũng dơ bẩn, nhem nhuốc, ông đã xin Chúa rửa toàn thân như thái độ khiêm tốn, biết mình tội lỗi của những tâm hồn thống hối, ăn năn.
Lấy nước, rửa chân con người, Đức Kitô đã làm công việc hằng ngày của tôi tớ vì trong Nước Ngài: “Kẻ lớn nhất phải ở như kẻ rốt hết và kẻ cai trị phải ở như người tôi tớ” (Lc 22,26).

4.    Sau cùng, “Ngài lấy khăn thắt lưng mà lau”. Lau chân cho ai là tỏ lòng kính trọng, yêu mến người ấy. Người ta có thể phục vụ mà không yêu mến, hầu hạ mà không ân tình, giúp đỡ mà không tình cảm, làm phúc mà không bác ái, bố thí mà không chạnh lòng thương. Có nhiều việc bên ngoài rất tốt, rất tình, rất tử tế, nhưng thâm ý rất xấu, rất độc, rất ác. Có nhiều nụ hôn rất tình, rất thương, rất trìu mến, nhưng cũng không thiếu những cái hôn rất đáng ngại, đáng nghi, đáng sợ. Bằng chứng là Giuđa đã hôn Đức Kitô để ra dấu cho lính bắt Ngài. Bằng cớ là Philatô đã công khai rửa tay vô tội nhưng đã giao Đức Kitô vô tội cho các trưởng tế, kỳ lão đem đi xử tội. Con người có thân xác để biểu lộ ý nghĩ, tình cảm của tâm hồn, nhưng không hẳn thân xác ấy luôn được phép diễn tả trung thực những tình cảm, ý nghĩ bên trong, vì trái tim con người có thể là trung tâm của tình yêu, sự thật, nhưng cũng có thể là sào huyệt của mưu mô, tội ác.


Đức Kitô lau chân cho con người để nói lên Ngài yêu con người, tôn trọng con người, trân quý con người khi phục vụ con người. Phục vụ mà không kính trọng là xúc phạm người được phục vụ. Phục vụ mà không yêu mến là hạ thấp giá trị của người được phục vụ. Ngay cả các nữ tu đêm ngày phục vụ các bệnh nhân siđa, phong cùi, nếu không thật tình yêu mến, kính trọng những người bệnh, các chị cũng chỉ là những người làm công: làm để có công và vô tình làm tổn thương những người bệnh này, vì tính vô cảm lãnh đạm, vô tâm hờ hững và vô ý coi thường của trái tim thiếu vắng nồng nàn, quan tâm, chăm sóc của tình yêu.
Trở về chỗ, sau khi rửa chân các môn đệ, Đức Kitô mới nói: “Các con gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thực Thầy là Thầy và là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa là Thầy mà còn rửa chân cho các con thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho các con để các con cũng làm cho nhau như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13,13-15).
Đức Kitô đã “nói là làm, làm rồi mới nói, làm trước nói sau”, không như chúng ta: nói mà không làm hay chỉ nói mà chẳng bao giờ làm. Đức Kitô không chỉ dạy một bài học về “khiêm nhường phục vụ trong yêu thương”, mà còn tỏ mình là Thiên Chúa rất khiêm hạ, xóa mình trước con người, điều mà các môn đệ rất bất ngờ, bỡ ngỡ. Ngài đã dùng chính công việc rất tầm thường của một tôi tớ tầm thường trong công việc bình thường phải làm thường ngày để mạc khải một chân lý phi thường: Thiên Chúa đã xuống tận chân con người để rửa chân, lau chân cho con người. Các môn đệ không phải tìm tòi xa xôi, tìm hỏi người thông thái, tìm hiểu dấu lạ này điềm lạ kia để biết Đức Kitô là ai, nhưng chỉ nhìn vào thái độ bỏ chỗ, bỏ mình, quỳ xuống rửa chân của Ngài, các ông đã hiểu Ngài là ai và đường đi của Ngài sẽ diễn ra thế nào. Vì hiểu Ngài là Thiên Chúa khiêm hạ thẳm sâu và sẽ phải chôn vùi, thối đi như hạt lúa, nên Phêrô mới hăng hái thân thưa: “Tại sao con không thể theo Thầy đi ngay bây giờ. Con sẵn sàng thí mạng vì Thầy mà...” (Ga 13,37 ).
Đức Kitô cũng không dạy khơi khơi một bài học, “học để quên” như những bài học bình thường, vì tất cả những gì Ngài làm, Ngài nói, Ngài căn dặn trong giờ phút sau cùng trước khi đi chịu chết đều mang một tầm quan trọng đặc biệt và là những việc trọng đại không phải chỉ để nhớ mà để sống và thi hành. Trong bữa ăn từ biệt nghiêm trọng nhưng chan chứa tình nghĩa, thân mật, Đức Kitô đã rửa chân, lập phép Thánh Thể, lập chức Linh Mục và căn dặn, nhắc nhở về tình yêu thương. Rửa chân tuy không là bí tích nhưng không thể được giảm thiểu, giản lược như một nghi thức tượng trưng, không nội dung, không quan trọng. Trái lại, hành động Đức Kitô làm lâu nhất, trịnh trọng và cảm động nhất chính là quỳ xuống trước mặt các môn đệ mà rửa chân cho các ông. Như tình yêu Thiên Chúa từ Trời cao đáp xuống con người dơ bẩn cần được tẩy rửa, Đức Kitô đặt tình yêu của Ngài trên bàn chân người tội lỗi để tỏ tình Ngài yêu họ bao la, không biên giới, vô điều kiện. Lau chân con người tội lỗi, một lần nữa, tình yêu khiêm hạ của Thiên Chúa đã làm sửng sốt trái tim nhân loại và Đức Kitô đã thêm một sáng kiến độc đáo để nói lên tình Ngài yêu đến cùng, tình Ngài xuống sâu tận cùng, tình vô thủy vô chung, tình bao la đến vô cùng.
Đến lượt chúng ta rửa chân cho nhau. Đến phiên chúng ta đứng dậy, rời chỗ ngồi danh dự, rời địa vị cao sang, rời quyền lực cai trị, rời tổng hành dinh “cái tôi”, đồng thời thắt lại tham vọng, siết lại nhu cầu, buộc lại đòi hỏi để làm công việc rửa chân của tôi tớ với lòng yêu mến, kính trọng. Đến giờ chúng ta bị đặt trước lệnh truyền: “Chúng con hãy rửa chân cho nhau”. Đến lúc chúng ta phải quyết định đứng dậy, cởi áo, lấy nước, quỳ xuống rửa chân người anh em khó tính, khó thương, khó chịu, khó chiều hay tiếp tục ngồi lì ở ghế danh dự, được hầu hạ. Đến thời chúng ta phải liều mình ra khỏi tháp ngà “cái tôi ích kỷ” để phục vụ một cách vô danh, vô vị lợi như người đầy tớ vô tích sự phải làm những việc xem ra “vô ích” của mình.
Tuần Thánh là thời điểm thuận lợi để những quyết định rửa chân cho nhau được thực hiện. Không dễ bỏ một cơ hội được trọng vọng, nói gì đến bỏ một chỗ ngồi sẵn có. Không dễ bỏ một liên đới, một thân quen nói chi đến bỏ cả chính mình, bỏ cả đời mình. Vì thế rửa chân cho nhau là việc khó vì đòi bỏ tất cả để có thể đứng dậy mà không bực bội, cởi áo mà không tiếc nuối, mắc cở, lấy nước vào thau mà không ngại ngùng vất vả, buộc dây ngang bụng mà không bực bội, càu nhàu, nhất là quỳ xuống trước mặt anh em mà không ngượng ngùng, miễn cưỡng và rửa chân, lau chân với niềm vui của tình yêu hết mình phục vụ.
Rửa chân là cao điểm của Đức Ái. Ở cao điểm này, ta gặp được trọn vẹn “Con người - Thiên Chúa” của Đức Kitô, một Thiên Chúa khiêm hạ làm người tôi tớ để yêu thương, phục vụ con người. Tất cả chương trình sống của người theo Đức Kitô được vạch sẵn trong biến cố Rửa Chân chiều thứ năm Tuần Thánh, một chương trình rất ngắn nhưng cam go và đòi nhiều hy sinh: “Bỏ mình, phục vụ trong yêu thương”.

Linh Mục - Mầu Nhiệm Của Lòng Thương Xót

https://www.youtube.com/watch?v=KFRvcP8Q7mE
Những năm gần đây, người ta xôn xao bàn tán nhiều về đời sống linh mục sau những “xì căng đan” ấu dâm của một số giáo sĩ, tu sĩ và ngay cả giám mục. Dư luận lên án, phê bình, chỉ trích và đề nghị những biện pháp ngăn chặn, chế tài và căn tính linh mục được thiên hạ thi nhau mổ xẻ, bình luận. Có người gọi linh mục là những người lập dị; người khác cho đời độc thân linh mục trái tự nhiên và lỗi thời; cũng có người xem linh mục chỉ là những viên chức của guồng máy tôn giáo không hơn không kém. Những cơn bão “chống giáo sĩ” cũng ảnh hưởng trên người tín hữu và ít nhiều đã gây hoang mang, mất tinh thần.
Thứ năm Tuần Thánh là ngày Linh Mục với lễ truyền dầu quy tụ các linh mục quanh Giám Mục địa phận và buổi chiều là lễ kỷ niệm Đức Kitô lập chức Linh Mục và phép Thánh Thể. Đây là dịp linh mục tuyên hứa lại lời hứa ngày chịu chức và nhìn lại căn tính linh mục của mình, đồng thời là dịp giáo dân cầu nguyện cho các vị.


Chia sẻ về Linh Mục trong bầu khí Tuần Thánh tưởng không dịp nào lý tưởng và thích hợp hơn.
Nếu ai hỏi tôi: đâu là nét đẹp của Linh Mục, tôi sẽ không do dự trả lời: Đó là lòng thương xót. Linh Mục hấp dẫn, lôi cuốn, đánh động tôi ở tâm tình và thái độ thương xót của ngài, ngoài ra tôi không thấy nét đẹp nào nổi bật, thánh thiện và nói lên được căn tính Linh Mục của ngài.
Một linh mục giỏi, nhiều bằng cấp, có tài giảng thuyết, có khả năng lãnh đạo, “kinh bang tế thế”, lanh lợi, tháo vát có thể được coi là “linh mục được việc”, nhưng không là linh mục thánh thiện, vì đòi hỏi nên thánh của linh mục không hệ tại ở tiêu chuẩn “được việc” này. Nếu chỉ đào tạo chủng sinh thành những linh mục “được việc” thì chủng viện sẽ biến thành trường dạy nghề lãnh đạo ngang tầm với đại học hành chánh đào tạo các quan chức cho bộ máy chính phủ. Nếu chỉ nhắm huấn luyện những chuyên viên làm “chạy việc” ở các giáo xứ, ban ngành trong giáo phận thì chủng viện không còn được gọi là “vườn ươm Ơn Gọi”. “Được việc và chạy việc” là công việc của xã hội trần thế, không thể là mục tiêu của công trình đào tạo linh mục mà mục đích là huấn luyện những môn đệ của Đức Kitô theo khuôn mẫu Đức Kitô, như ý muốn của Đức Kitô.
Khi chọn ngày cuối trước khi bước vào cuộc tử nạn để lập chức Linh Mục, Đức Kitô đã muốn đặt các linh mục của Ngài trong một bầu khí đặc biệt, bầu khí của tình yêu ở mức độ cao nhất: chết cho người mình yêu. Khi cúi xuống rửa chân hay lúc bẻ bánh, Ngài đều nhắc nhở các môn đệ về tình yêu, một tình yêu hiến mình, một tình yêu hy sinh đến cùng, một tình yêu vô điều kiện, không biên giới. Tình yêu Đức Kitô đang sống và mạc khải cho nhân loại trong những ngày khổ nạn không còn là tình yêu bình thường ở mức độ bình thường, cũng không là tình yêu của hai người ở cùng tầm cỡ, địa vị, vai vế, nhưng là tình yêu của một Thiên Chúa vô tội, tuyệt đối thánh thiện chấp nhận chết để xóa tội cho nhân loại tội lụy, bất trung. Bầu khí yêu thương khi lập chức Linh Mục không còn là yêu thương như những ngày thường, nhưng tình yêu đang ở giai đoạn bất thường, phi thường, lạ thường khi tình yêu vượt qua tất cả những suy nghĩ, dự liệu của con người. Tình yêu, bầu khí yêu thương và cả cách thức diễn tả yêu thương những ngày của Tuần Thánh đã vượt ngưỡng để tình yêu biến thành tình thương xót là độ cao nhất của tình yêu. Khi xót thương ai, ta không còn ngang tầm với đối tượng, nhưng từ tầm cao xuống thấp để ngang hàng hoặc thấp hơn đối tượng cốt để yêu được, thứ tha được, nâng đỡ được đối tượng của tình xót thương. Lập chức Linh Mục trước giờ bị bắt, Đức Kitô đã có ý gắn liền chức Linh Mục với tình yêu xót thương, một tình yêu vượt trên hết mọi tình yêu này.
Tình yêu của Đức Kitô trong bữa ăn chia tay, khi rửa chân, lập chức Linh Mục và phép Thánh Thể, cũng như trên đường Thánh Giá, trên núi Sọ là tình yêu thương xót: Chúa xót thương những kẻ thuộc về Ngài, xót thương Phêrô lầm lỡ, xót thương Giuđa phản bội, xót thương các môn đệ khác sợ hãi bỏ trốn, xót thươngnhững phụ nữ thành Giêrusalem, xót thương người tội phạm cùng bị đóng đinh, xót thương những kẻ hành hạ, lên án, xử tử Ngài, xót thương người tội phạm xin ơn cứu độ, xót thương cả loài người đang cần ơn tha thứ. Tình Ngài ngập tràn thương xót. Tình Ngài sâu thẳm thương xót. Tình Ngài cao vời thương xót. Tình Ngài bền bỉ thương xót. Và thương xót là căn tính của tình Ngài. Bỏ đi lòng thương xót, tình Thiên Chúa cho con người trở thành tình vô nghĩa, vô nghĩa vì con người cần Thiên Chúa xót thương và tội lỗi nhân loại luôn réo gọi tình Trời thương xót.


Lập chức linh mục trong bối cảnh thương xót con người, lập chức linh mục trong hoàn cảnh lòng thương xót cần thể hiện, Đức Kitô đã muốn các linh mục của Ngài được cưu mang, sinh ra và trưởng thành trong tình xót thương để thương xót dân Ngài như Ngài đã xót thương, để thương xót đến cùng như tận cùng của tình Ngài trên Thánh Giá, để thương xót vô điều kiện như người tội phạm chỉ cần một lời cầu rất đơn sơ đã được Ngài ban ơn cứu rỗi. Trong tình xót thương tuyệt đối ấy, Đức Kitô đợi chờ nhiều ở các linh mục của Ngài:

1. Ngài muốn linh mục của Ngài sống mầu nhiệm thương xót
Nếu lòng thương xót của Chúa là trung tâm của Tin Mừng mà Giáo Hội có sứ mạng rao truyền đến tận cùng thế giới và cho đến tận thế thì linh mục là mầu nhiệm của chính lòng xót thương ấy. Trên con đường xót thương, linh mục sẽ đạt đến sự thánh thiện của ơn gọi tận hiến một cách nhanh chóng và hữu hiệu nhất; bởi ơn gọi linh mục là ơn gọi tháp nhập vào cây nho là Đức Kitô, Đấng giàu lòng thương xót (Ga 15,5-6). Là “Đức Kitô khác”, linh mục cũng phải sống bằng nhựa thương xót từ thân cây để trái tim Linh Mục không khô khan, héo úa và không trở thành một hầm tối, đơn độc vì thiếu ánh sáng hy vọng của lòng xót thương.
Là mầu nhiệm của lòng thương xót, linh mục phải nhận ra mình được kêu gọi và được đón nhận ơn làm linh mục do lòng thương xót vì “không phải các con đã chọn Thầy, nhưng Thầy đã chọn các con” (Ga 15,16). Được gọi và được chọn như ân huệ của lòng thương xót, người linh mục biết mình bất xứng như Phêrô đã không dám để Đức Kitô rửa chân (Ga 13,8) và hiểu rằng mình rất mỏng dòn, yếu đuối, dễ dàng ngã quỵ nếu Chúa không thương xót, đỡ nâng. Hơn ai hết, linh mục ý thức cám dỗ phản bội, hững hờ, vô ơn, nguội lạnh là thử thách hằng ngày và đời linh mục không thiếu những đêm đen thất vọng, những đường hầm nghi nan, những khúc quanh nguy hiểm.
Tuy thế, Thiên Chúa đã không sợ khi chọn các vị làm linh mục như đã chọn Phêrô, người đã chối bỏ mình, làm tông đồ trưởng, thay mình trông coi Giáo Hội. Trước khi giao trách nhiệm, Đức Kitô đã đặt Phêrô trước câu hỏi khó trả lời: “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” (Ga 21,15). Người trả lời hôm nay cũng là người mấy hôm trước đã công khai chối: “Này cô, tôi thề không biết ông Giêsu là ai”. Và mọi người đều cảm thấy giọng Phêrô hôm ấy run run khiêm tốn: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thấy” (Ga 21,17). Chính với tình yêu ý thức sự dòn mỏng, yếu đuối của mình và niềm tin tưởng phó thác nơi lòng xót thương của Đức Kitô mà Phêrô đã nhận sứ mệnh: “Hãy chăn giắt chiên con, chiên mẹ của Thầy” (Ga 21,15.16.17).
Sự yếu đuối sa ngã của Phêrô cho linh mục can đảm; bởi yếu đuối đã làm nổi bật tình Chúa xót thương và lấy đi ảo tưởng có thể tự mình làm được mọi sự ở người linh mục. Từ sa ngã của Phêrô, người linh mục học được điều Đức Kitô dạy: “Không Thầy, chúng con không làm được gì” (Ga 15,5) và thúc đẩy người linh mục gắn bó với Đức Kitô như cành gắn chặt với cây để sinh nhiều hoa trái.
Lòng thương xót không là một ý niệm mơ hồ, không thực, nhưng là chính Đức Kitô. Người linh mục, vì thế, sẽ không thể có kinh nghiệm thương xót nếu không sống chính đời sống thương xót của Đức Kitô và sẽ không thể “trở nên xót thương như Cha trên Trời là Đấng giàu lòng thương xót” (Lc 6,36) như đòi hỏi của sự thánh thiện, vì Thiên Chúa thánh thiện trong lòng thương xót của Ngài. Để là mầu nhiệm thương xót, linh mục phải sống chính mầu nhiệm thương xót không chỉ cho phần rỗi của mọi người, mà còn cho chính phần rỗi của mình.
Thực vậy, mầu nhiệm lòng thương xót Chúa nơi linh mục là tình yêu không giới hạn, bởi “Đức Kitô đã yêu những kẻ thuộc về Ngài còn trong thế gian và Ngài yêu họ đến cùng” (Ga 13,1). Tình yêu dành cho linh mục nơi Đức Kitô là tình yêu tuyệt vời, sâu thẳm. Trong tình yêu này, người linh mục được mời gọi ra khơi thả lưới và Đức Kitô chính là Đấng biến đổi các ngài từ những người tội lỗi thành thừa tác viên thánh thiện, từ anh thuyền chài đánh cá thành tông đồ đi lưới người (Lc 5,10). Cũng Phêrô, khi thấy thuyền đầy cá đến nỗi gần rách hết lưới đã vội sấp mình dưới chân Đức Kitô và kêu lên: “Lạy Thầy, xin xa khỏi con, vì con là kẻ có tội” (Lc 5,8). Đức Kitô đã trấn an ông và cho ông cảm nghiệm tình thương xót của Ngài trên đời lầm lỗi, tội lụy của ông. Hơn ai hết, Phêrô thấm thía tình xót thương của Đức Kitô trên đời mình và càng được xót thương ông càng yêu mến Đức Kitô và hết tình, hết mình phục vụ đàn chiên được Ngài trao phó. Phêrô thay mặt Đức Kitô đứng đầu Giáo Hội, đồng thời cũng đứng đầu danh sách những người được Thiên Chúa xót thương.
Phaolô cũng không khác Phêrô với kinh nghiệm được Chúa xót thương khi được gọi làm tông đồ dân ngoại: “Thật tôi là một tông đồ hèn mọn nhất, chẳng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Giáo Hội” (1Cr 15,9) và càng được bao bọc bởi lòng Chúa xót thương, Phaolô càng cảm thấy bị thúc bách phải làm chứng và rao truyền lòng thương xót bao la của Chúa. Tiếng gọi trên đường Đamát đã đem Phaolô vào lòng Tin Mừng thương xót và mạc khải cho Phaolô mầu nhiệm hoà giải giữa Thiên Chúa và con người qua tình yêu xót thương của Đức Kitô. Trong thư gửi giáo đoàn Côrintô, Phaolô đã viết: “Mọi ơn sủng đều bởi Thiên Chúa ban, Đấng đã dùng Đức Kitô để hoà giải với chúng ta và đã ban cho chúng tôi chức vụ hoà giải ấy. Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã nhận sự hoà giải với thế gian, không chấp tội loài người nữa và đã đặt nơi chúng tôi những lời hoà giải” (2Cr 5,18-19). Đến đây, không còn gì để nghi ngờ mầu nhiệm lòng thương xót Chúa nơi con người linh mục: ngài được chọn do lòng thương xót để thực hiện sứ vụ hoà giải và loan báo tin mừng hoà giải qua lòng thương xót. Mầu nhiệm ấy làm cho đời linh mục trở nên dấu chỉ của Thiên Chúa giàu lòng thương xót đang có mặt và hoạt động trong thế giới, giữa con người cho hạnh phúc đời đời của con người. Linh mục càng ý thức mình là mầu nhiệm lòng thương xót càng làm cho dấu chỉ thương xót là chính mình trở nên sống động và đánh động các tâm hồn. Trái lại, tự tách đời mình khỏi lòng thương xót, linh mục sẽ đánh mất cội nguồn “được kêu gọi từ lòng thương xót”. Quên cội nguồn, linh mục sẽ mất điểm tựa nơi lòng thương xót để đánh mất mình trong kiêu căng, ngạo mạn. Chính kiêu căng sẽ làm linh mục xa Đức Kitô, xa đàn chiên, mất chính mình khi lấy đi mầu nhiệm thương xót khỏi đời linh mục. Mất cội nguồn, mất điểm tựa, linh mục sẽ mất hướng đi khi khám phá chân lý định mệnh: không lòng thương xót, linh mục làm chứng cho ai? Thiếu lòng thương xót, linh mục đem lại cho người khác ích lợi gì? Chối bỏ mầu nhiệm thương xót, linh mục sẽ là linh mục của ai và đi theo ai? Thảm trạng mất hướng đi sẽ đánh gục con người linh mục trong vô nghĩa của ơn gọi khi không còn mầu nhiệm thương xót là chính Đức Kitô trong cuộc đời. Thảm cảnh mất điểm tựa sẽ nghiền nát người linh mục trong vô lý trống rỗng của “ảo tưởng” tận hiến khi mầu nhiệm thương xót là Đức Kitô không còn chỗ trong trái tim linh mục. Thảm kịch đánh mất cội nguồn sẽ dày vò tâm tư người linh mục khi mầu nhiệm xót thương là Đức Kitô không còn là lẽ sống đời linh mục. Và thảm thương cho người linh mục nếu không khiêm tốn nhận mình luôn cần lòng xót thương.


2.                 Ngài muốn linh mục của ngài là thừa tác viên trao ban lòng thương xót

Đức Kitô phục sinh muốn ban tràn trề ơn tha thứ của Ngài cho nhân loại. Ơn tha thứ ấy không lùi bước trước bất cứ rào cản, chướng ngại nào và toàn thể nhân loại tội lỗi được mời gọi lãnh nhận ơn tha thứ ấy. Lập chức linh mục, Đức Kitô ủy thác nhiệm vụ chuyển ban ơn tha thứ nơi linh mục và sai các vị đi đến với muôn dân để mọi người được tha tội và cứu rỗi. Vì thế, sứ vụ chính yếu của linh mục là nói cho mọi người biết: Thiên Chúa giàu lòng xót thương luôn yêu thuơng và sẵn lòng tha thứ cho con người. Linh mục được kêu gọi để sống, cử hành và loan báo lòng thương xót Chúa. Với bí tích Thánh Thể và bí tích Hoà Giải mà chỉ linh mục được ủy thác cử hành, Đức Kitô ban cho các tâm hồn ơn tha thứ và ơn kết hiệp nên một với Ngài. Như người cha nhân từ rộng lòng tha thứ, linh mục sống tình phụ tử của Đức Kitô khi ban ơn hoà giải cho hối nhân và làm sống lại trong tâm hồn những đứa con trở về tình thương xót của Thiên Chúa là Cha. Hối nhân sẽ được đón nhận từ linh mục ơn thương xót cũng như đón nhận chính đức Kitô là tình yêu thương xót trong bí tích Thánh Thể khi rước Mình Máu Ngài. Trong công trình cứu độ, linh mục là cộng tác viên đắc lực và tích cực của Đức Kitô, là cánh tay nối dài của Ngài đến mọi người, là máng chuyển ơn thánh hoá. Vai trò của linh mục là làm cho Đức Kitô được hiện diện sống động trong cộng đồng nhân loại để cứu độ nhân loại.


Và sự hiện diện ấy sẽ chỉ sống động trong tình thương xót, chỉ sinh động nhờ lòng thương xót và thôi thúc đánh động tâm hồn con người bằng tình thương xót. Với tình thương xót của mục tử nhân lành, người cha nhân hậu, người Samaritanô nhân ái, các linh mục của Đức Kitô sẽ lan trải tình thương xót của Chúa trong tâm hồn mọi người, cho đến ngày cuối cùng của nhân loại vì thánh ý Chúa là “lòng thương xót Ngài trải qua từ đời nọ đến đời kia hằng bao bọc những người kính sợ Ngài” (Lc 1,50).

3. Ngài muốn Linh Mục của Ngài là thầy dạy lòng thương xót

Là “Đức Kitô khác” khi sống ơn gọi tình xót thương, là thừa tác viên lòng thương xót, linh mục dạy người khác lòng thương xót của Cha bằng thái độ, việc làm đầy thương xót. Linh mục dạy Lời Chúa ban ơn tha thứ. Linh mục dạy tình Chúa bao la và ơn thương xót của Ngài biến đổi con người tội lỗi. Linh mục dạy mọi người “ở đâu tội lỗi nhiều, ở đó ơn sủng nhiều hơn” (Rm 5,20) và khơi dậy niềm hy vọng ở lòng thương xót trong các tâm hồn.
Nhiệm vụ của linh mục là trình bày lòng thương xót như căn tính của Thiên Chúa mà ở đó “không gì là quá muộn, không gì là không thể làm được”. Yếu đuối của con người không làm Thiên Chúa nản, nhưng là cớ cho tình Ngài thương xót. Không ai có quyền và có thể ngăn cản tự do thương xót của Chúa và Ngài để lòng thương ấy tràn đến mọi nơi, mọi thời trong tâm hồn những người thiện chí biết khiêm tốn mở lòng đón nhận tình yêu xót thương nơi Đức Kitô, tình yêu đã phát sinh từ những vết thương trên thân xác Ngài. Người linh mục nhờ có kinh nghiệm sống mầu nhiệm thương xót và thi hành tác vụ thương xót sẽ truyền đạt chính xác và đầy đủ khối tình thương xót của Thiên Chúa và với dầu thánh hiến được xức ngày thụ phong, linh mục sẽ chu toàn sứ mạng thương xót như lòng Chúa ước mong: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi và Thiên Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa… Ngài sai tôi đi an ủi mọi kẻ khóc than, tặng cho những kẻ khóc than ở Sion tấm khăn đại lễ thay tro bụi, dầu thơm hoan lạc thay tang chế, áo ngày hội thay tâm thần sầu não” (Is 61,1-3).
Cả một chương trình “thương xót” để sống và thực hiện, một giáo trình “thương xót” phong phú để giảng dạy. Như thế, đời linh mục gắn liền lòng thương xót và nếu lấy đi thương xót, linh mục sẽ mất căn tính linh mục và không còn là một “Đức Kitô khác” nhưng biến dạng hoàn toàn “khác Đức Kitô”.
Giáo dân rất dị ứng với những linh mục thiếu lòng thương xót, những linh mục huyênh hoang, tự mãn với những thành quả theo tiêu chuẩn “linh mục được việc”. Họ không muốn thân thiện những linh mục hống hách, coi thường người khác và tự phong mình là “khanh tướng, giai cấp cai trị”. Giáo dân cũng ngao ngán phải làm việc với những linh mục tự cho mình là “Thầy Cả” nghĩa là thầy mọi sự vì ảo tưởng cái gì cũng biết, phạm vi nào cũng rành và tự cho mình cái quyền rất vô duyên là: chuyện gì cũng được xía vô. Giáo dân càng kinh hãi những linh mục lấy tòa giảng làm toà án để bêu giễu, châm chích, moi móc, chửi xa mắng gần người khác không làm theo ý mình, không đi theo lề phải mình vẽ, không thực hiện đúng kế hoạch mình đưa ra. “Ý mình phải được thể hiện” ở nhiều linh mục đã là cớ của chia rẽ và lý do cho nhiều người bỏ Đạo. Không nhiều nhưng không thiếu những linh mục thiếu từ tâm, không biết thương xót con chiên bổn đạo. Họ giống như những người Biệt Phái bị Đức Kitô lớn tiếng lên án: giả hình, bóc lột, điêu ngoa, quan liêu, độc ác mà thánh sử Mátthêu đã ghi lại tỉ mỉ trong chương hai mươi ba. Thiếu từ tâm, thương xót, linh mục biến dạng thành người chăn thuê không “hiến mình vì chiên, nhưng hiến chiên vì mình”. Thiếu xót thương, nhân hậu, linh mục thoái hoá thành người đội lốt tôn giáo để “vinh thân phì gia”, kiếm tìm tư lợi, sống đời hai mặt, giả hình, gian dối. Không sống đời xót thương, linh mục trở thành người tham lam, ki kóp, chắt chiu, nhặt nhụm tiền bạc từ những đồng cắc của bà goá nghèo khó đến gia sản kếch sù của những người giáo dân ngây thơ, khù khờ bị hớp hồn, mua chuộc. Từ chối là mầu nhiệm thương xót, linh mục sẽ sa đoạ hơn mọi người nhờ địa vị và phương tiện thuận lợi cho mọi dung túng. Bản năng thống trị không được lòng xót thương kiềm chế sẽ bùng nổ dữ dội và biến linh mục thành một ông quan độc ác, mưu mô, xảo quyệt hơn người ta tưởng bởi cắt bỏ lòng thương xót, linh mục trở thành một cành khô cằn cỗi, khô héo, cứng cỏi. Tước đoạt tình thương xót, linh mục sẽ mất ngay thế quân bình trong đời sống vì không biết cắm đời linh mục của mình ở đâu khi không còn Đức Kitô giàu lòng thương xót như lẽ sống, gia nghiệp, nơi ẩn náu, tựa nương.


Tóm lại, linh mục gắn liền với tình xót thương: ngài được chọn nhờ lòng thương xót để sống, thực hiện và rao truyền lòng thương xót. Không thương xót, không phải linh mục. Không biết thương xót, không nên liều lĩnh làm linh mục, vì linh mục được làm nên cho lòng thương xót.
Người ta chỉ chờ gặp nơi linh mục tình xót thương trong toà Hoà Giải và mầu nhiệm thương xót trong đời ngài. Nhiều linh mục tưởng mình phải đáp ứng tất cả nhu cầu của giáo dân nên lao mình vào những hoạt động ngoại vi, không ăn nhậu gì đến lòng thương xót như căn tính và sứ mệnh linh mục. Kết quả là ngài đánh mất mình khi ảo tưởng đối mặt thực tế: thế giới cần những linh mục có lòng xót thương vì nhân loại cần được thứ tha, cứu rỗi và không cần những linh mục khoa bảng, tài hoa, “được việc” trong những chuyện bên lề. Nói cách khác, linh mục trong mọi trường hợp không thể lãng quên đời mình là tấm gương của tình yêu thương xót nơi Đức Kitô. Linh mục làm việc gì, nói điều gì, suy tính chuyện gì cũng phải suy tính, nói và làm với lòng thương xót. Lòng thương xót mới thực là mầu nhiệm đánh động tâm hồn người có tội đang cần ơn trở về. Lòng thương xót mới thực là nguồn ơn thánh để thánh hoá các linh hồn. Lòng thương xót mới đem được người khác về với Giáo Hội. Vì ngoài lòng thương xót ra, không có thánh thiện, thánh hoá, thánh thiêng vì “Thiên Chúa thánh thiện do lòng thương xót của Ngài” (Đnl 4,31; Tv 85,15; Lc 6,36; 2Cr 1,3).
Tuần Thánh là tuần cao điểm trong năm của linh mục, cơ hội để mọi người thiết tha cầu nguyện cho các linh mục và ơn gọi linh mục. Cầu nguyện cho các linh mục là bổn phận của người tín hữu, vì giáo dân, linh mục cùng là chi thể trong thân thể mầu nhiệm Đức Kitô. Linh mục dâng lễ, đọc kinh nhật tụng cầu nguyện cho giáo dân, giáo dân cũng phải nhớ đến các ngài và yêu mến, chia sẻ với một tấm lòng chân thành, trong sáng. Linh mục cũng là người, nên cần được thông cảm, yêu thương; cũng yếu đuối, nên cần được nâng đỡ, thứ tha; cũng bị thử thách, nên cần đồng hành, hỗ trợ. Cầu nguyện cho linh mục sống mầu nhiệm thương xót như Chúa muốn là lời cầu hằng ngày của những ai yêu mến linh mục để linh mục luôn là muối mặn, đèn sáng cho thế giới tội lụy đang cần đến lòng Chúa thương xót, thứ tha.

Thử Thách

“Lửa thử vàng, gian nan thử đức” và người ta chỉ biết rõ ai thương mình, ai trung thành trong những giờ phút nguy hiểm, sa cơ, mạt vận. Làm lớn, đương thời vinh quang thì chẳng lúc nào thiếu người bu quanh phục dịch, tâng bốc; nhưng thất thế, khánh kiệt, lao đao mới là lúc thử độ cao, độ cứng, độ sâu, độ dầy, độ bền bỉ của lòng trung thành, tình chung thủy, nghĩa keo sơn.
Tuần Thánh là thời “xuống dốc không phanh”, thất bại ê chề, đổ vỡ tang thương của Đức Kitô và công trình của Ngài. Bao nhiêu mơ ước của những người theo Ngài, nghe Ngài giảng về một vương quốc của Vua Giêsu hoà bình đã tan trong đêm Ngài bị bắt. Viễn cảnh về một quốc gia Israel thịnh vượng có vua Giêsu trị vì đã sụp đổ trong chớp mắt khi đám đông nghe tin Ngài đang bị tra khảo, hành hạ trong dinh Thượng tế. Tham vọng ngồi bên phải bên trái của các môn đệ trong chính phủ của Đức Kitô đã biến thành mây khói khi Thầy kiệt sức lê từng bước trên đường đến nơi thi hành án tử. Vinh quang của

“Đấng nhân danh Chúa mà đến” với uy quyền trên gió bão, ma quỷ, bệnh tật phút chốc tan trong khói khi thất thế, câm lặng nằm giang tay chịu đóng đinh trên thập tự. Quyền năng của một người tự xưng là Con Thiên Chúa nhường chỗ cho mồ tối, mả buồn, nước mắt thê lương. Không còn gì để quy tụ, nối kết nơi một thân xác đã nát bấy được tháo xuống khỏi thập tự. Không còn gì để mơ ước, hy vọng, đợi chờ nơi một thi hài bất động. Không còn gì để tìm kiếm nơi một người đã hoàn toàn thua cuộc, bị loại khỏi vòng chiến một cách thê thảm, nhục nhã. Không còn gì để nghi ngờ khi cái chết trên thập tự đã khép lại mọi chương trình cứu thế của một người tự xưng là Đấng Cứu Tinh nhân loại. Tất cả những gì được gọi là vinh quang, vinh dự, vinh danh, vinh phúc, vinh hiển đều tuột khỏi con người Đức Kitô và “hôm nay, ở đây”, trước mặt mọi người Ngài hoàn toàn trần truồng, tơi tả, bất lực.
Tuần Thánh với một Đức Kitô “không còn hình tượng người như khi trước” là một thử thách lớn cho niềm tin của đám đông đã đi theo Ngài, chịu ơn Ngài. Tuần Thánh với Đức Kitô câm lặng như con chiên bị đem đi xén lông đã thử thách tình yêu của các môn đệ. Tuần Thánh với Đức Kitô bầm dập dưới roi đòn, bấy nát vì đinh nhọn, lưỡi đòng đã thử thách niềm hy vọng của tất cả những người đã hoan hô, ủng hộ Ngài.
Từ giây phút bị bắt cho đến buổi sáng Phục Sinh, Đức Kitô đã là thử thách rất lớn cho mọi người. Nếu Chúa Cha đã thử thách Ngài, thì Ngài cũng thử thách những kẻ thuộc về Ngài bằng yên lặng nhẫn nhục, yên lặng thất bại, yên lặng tang chế, yên lặng xóa mình, yên lặng mất hút trong mộ sâu. Chính vì thử thách quá lớn mà nhiều người đã bỏ Ngài, xa Ngài, chối Ngài, phản bội Ngài như Giuđa và Phêrô. Thử thách đã đặt Giuđa trước ích kỷ, tư lợi vì tưởng trước sau gì Thầy cũng chết nên cố hốt ván hụi chót bằng đem nộp Thầy. Thử thách đem Phêrô lọt vào sân sau có những cô gái lắm miệng, tò mò, châm chọc để ông phải vấp ngã chối Thầy vì sợ hãi, hèn nhát. Thử thách đã phân tán các môn đệ, biến các ông thành những môn sinh phản bội, bỏ rơi sư phụ trong tình trạng thập tử nhất sinh. Thử thách đã biến lời tung hô, chúc tụng trên miệng những người hâm mộ Ngài thành những lời lăng mạ, sỉ nhục, đàm tiếu ác độc.
Như thế, thử thách cam go nhất của con người là phản bội khi bị đặt trước tình cảnh khó khăn, không còn hy vọng. Tình đời, tình người bị thử thách ở lòng trung thành, tín trung trong những cảnh huống bế tắc, khó khăn. Đức Kitô đã nhận ra những ai trung tín, những ai ở với Ngài đến cùng dưới chân Thánh Giá, nghĩa là ở với Ngài trong cùng cực của thất bại, tận cùng của thương đau. Ngài đã nhìn thấy ai, ngoài Mẹ Ngài, Gioan, Mađalêna và xa xa một vài người đàn bà khác? Ngài đã nhìn ra sự thật của con người, sự thật con người phản bội. Cuộc sống là chuỗi dài những phản bội. Đó là tư tưởng của những người đã chết lên chết xuống vì bị đời bội phản. Bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu mối tình, bao nhiêu cuộc đời đã tan nát, tàn lụi đắng cay vì bị phản bội và đời người cho đến tận thế vẫn dài dài tiếp nối những phản bội.

Người ta phản bội nhau vì nhiều lẽ, nhưng cái lẽ căn bản là vì tình cho nhau chưa nhiều, bởi khi tình đầy ắp thì phản bội không có chỗ chen chân; bởi khi tình ngập tràn thì phản bội bị cuốn trôi bẽ bàng; bởi khi tình sâu thẳm thì phản bội không có đất cắm dùi. Tình cho nhau không nhiều nên phản bội có cơ hội quấy nhiễu, tình cho nhau không dầy nên phản bội đào tường len lỏi, tình cho nhau không sâu nên phản bội đốn ngã dễ dàng. Tình yêu, vì thế, là đối tượng đầu tiên và quan trọng nhất của thử thách. Đức Kitô, trước khi trao quyền Giáo Hoàng cho Phêrô đã hỏi đi hỏi lại ông: “Phêrô, con có yêu Thầy hơn các người khác không?” (Ga 21,15-17). Không phải vô ý, vô tình, vô lý mà Đức Kitô đã hỏi ông và muốn ông khẳng định nhiều lần tình yêu dành cho Ngài; bởi Ngài biết: không đủ tình yêu, không dầy tình nghĩa, không sâu xa tình thầy - trò, Phêrô sẽ không thể đứng vững và sẽ lại ngã quỵ như đã bai bải chối “không biết người này là ai” (Ga 18,25-27).
Thử thách tình yêu bao trùm thử thách niềm tin và hy vọng, vì khi đã yêu thiết tha, yêu nồng nàn, người ta sẽ tuyệt đối tin tưởng và trọn vẹn phó thác, hy vọng. Không thể tin hay hy vọng, nếu không yêu, cũng như không thể hy sinh khi tình yêu vắng bóng, nên thử thách căn bản và nặng nề nhất nơi con người vẫn luôn là thử thách của tình yêu.
Đức Maria đã yêu Đức Kitô, con mình bằng một tình yêu vô cùng bao la của tình mẫu tử, nên không một thử thách nào, dù lớn đến đâu có thể tách Mẹ xa khỏi Con. Cuộc đời Mẹ là cuộc đời có Chúa Giêsu, từ khi thụ thai đến ngày Chúa lên trời, bóng Mẹ luôn gắn liền dáng con. Dưới chân Thánh Giá có Mẹ đứng. Xác con tháo khỏi Thánh Giá, có Mẹ quỳ sẵn, ẵm đón yêu thương. Tình yêu của Mẹ lớn hơn sự chết, vượt xa mọi đe doạ và Mẹ đã trọn vẹn yêu thương, trọn vẹn trung thành, trọn vẹn đồng công cứu chuộc.
Gioan, tông đồ được Đức Kitô yêu cũng vượt thử thách của tình yêu và có mặt trên từng cây số cuộc tử nạn. Sở dĩ Gioan trung thành và không rơi vào cám dỗ phản bội, trốn chạy như các môn đệ khác là vì Gioan thiết tha yêu Thầy mình. Chính tình yêu đã dạy ông trung thành và hy vọng vào những điều Thầy căn dặn sẽ được thực hiện. Nhưng điều đáng chú ý hơn là sự gắn bó của Gioan với Đức Mẹ. Gioan ít rời xa Đức Mẹ nhưng luôn quấn quít bên Mẹ. Đức Kitô biết điều đó nên mới xin Gioan thay mình chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ. Đức Kitô biết Gioan quý yêu Mẹ mình và Mẹ cũng thương Gioan, nên mới xin Mẹ nhận Gioan làm con (Ga 19,26-27). Và Gioan đã không vấp ngã, không phản bội, không bỏ rơi Đức Kitô vì Gioan không rời xa Đức Mẹ. Đời người tín hữu cũng cần Đức Mẹ như Gioan để vượt qua mọi thử thách, nhất là thử thách của tình yêu.
Maria Mađalêna cũng không bỏ Đức Kitô, nhưng có mặt với Đức Mẹ dưới chân Thánh Giá. Chị là người say yêu Đức Kitô, người đã bất chấp tất cả dị nghị, nguy hiểm trước con người Giêsu rất đáng yêu mến mà chị tôn làm thần tượng. Tình yêu đã cho chị can đảm và nghị lực để đi với, ở cùng và tận tình lo liệu mọi chuyện cho người mình yêu. Tình yêu đã cho chị nhìn thấy Đức Kitô phục sinh và nghe được tiếng Ngài gọi (Ga 20,16). Tình yêu đã thúc bách chị chạy nhanh loan báo Tin Mừng phục sinh cho các môn đệ và muôn thế hệ người ta nhắc tên chị trong hạnh phúc của người “đã yêu nhiều nên được tha nhiều” (Lc 7,47).
Bên cạnh thử thách phản bội, con người còn bị đặt trước một thử thách khác cũng không kém cam go, rướm máu. Đó là thử thách từ chối được tha thứ và không tin vào lòng xót thương của Thiên Chúa. Đây là thử thách quyết định vận mệnh đời đời, thử thách mà con người thường xuyên bị thần dữ tấn công, cám dỗ nhất là trong giờ lâm tử, ở cây số cuối cùng của cuộc đời.
Từ chối được tha thứ khi cho rằng: tất cả đều đã quá muộn, không còn có thể cứu vãn, không còn hy vọng chuộc lại. Cám dỗ khủng khiếp này đã đổ ụp trên Giuđa khi ông không còn dám tin vào lòng xót thương vô điều kiện của Thầy mình. Vì không tin mình có thể được tha thứ tội phản bội, vì không tin vào tính “không giới hạn, không điều kiện” của tình yêu nơi Thầy mà Giuđa đã tự quyết định chấm dứt đời mình trong vô vọng. Ông đã bỏ Đức Kitô là tình yêu thương xót và hy vọng bao la cho người tội lỗi khi đầu hàng trước cám dỗ “tất cả đều đã quá muộn và không thể cứu vãn tình thế”. Thử thách tình yêu đã nặng nề, thử thách lòng thương xót của Thiên Chúa còn nặng nề hơn với ông, nên ông đã buông tay, thả đời mình trong tội lỗi và thắt đời mình trong thòng lọng tuyệt vọng (Mt 27,5). Ông đáng trách vì phản bội, nhưng đáng thương vì đã bỏ lỡ cơ hội được xót thương, tha thứ.

Phêrô đâu có hơn gì ông trong hành động chối Thầy. Nộp Thầy hay chối Thầy, cả hai cùng là phản bội, cùng một thái độ từ chối, khước từ, xóa bỏ hình bóng Thầy trong đời, cùng là tình trạng cạn kiệt tình yêu, cùng một trách nhiệm trước lương tâm, cùng một xúc phạm, tổn thương phải đền bù. Nhưng Phêrô hơn ông khi ngước nhìn Đức Kitô, nhờ thế Phêrô đã vượt qua thử thách tuyệt vọng. Ông thua Phêrô quá đậm, dù hai người chung một nặng nề, chung một yếu đuối, chung một day dứt, tiếc nuối, hối hận, nhưng giờ chót, ông không đi chung với Phêrô đường về với Đức Kitô là lòng xót thương vô bờ bến. Ông khác Phêrô ở điểm quyết định cuộc đời khi không tin vào tình Thầy bao dung, nhân từ và tự ý tách mình khỏi tình thương của Thầy. Thua đậm vì cay cú, tự ái, thua nặng vì cứng lòng trước đòi hỏi của Nước Trời, thua đau vì từ chối ơn thứ tha, Giuđa đã mất hết tình yêu, lòng tin, niềm hy vọng nơi Đức Kitô. Ông đã quên: không có gì là quá muộn và không thể làm được với Thiên Chúa; chẳng thế mà ngay khi ông hôn Đức Kitô như dấu hiệu “Tôi hôn ai là đúng người ấy” (Mt 26,48) trong vườn cây Dầu, Đức Kitô vẫn âu yếm, nhân từ trăng trối: “Giuđa ơi, sao con làm vậy?” (Mt 26,50) Thầy luôn thương con và sẵn sàng tha thứ cho con. Nhắc ông nhiều lần trong bữa tiệc chia tay: “Chính con là người sẽ nộp Thầy” (Mt 26,25), Đức Kitô cũng chỉ muốn ông hiểu được chân lý quan trọng là “không có gì quá muộn trong tình Thiên Chúa xót thương”. Chúa cũng nhắc Phêrô: “Đêm nay, con sẽ chối Thầy” với cùng mục đích ấy. May mắn cho Phêrô vì ông đã nhớ lại lời Ngài và thống hối, ăn năn, trở về cùng ân tình thương xót để được thứ tha (Mt 26,75). Bám víu vào tình yêu, Phêrô đã học yêu thương với Đức Kitô để có thể vững dạ thưa với Ngài sau này: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy” trước khi nhận trách nhiệm chăn dắt chiên mẹ, chiên con của Chúa. (Ga 21,15-17).

Người tội phạm bị đóng đinh bên phải Đức Kitô được gọi là người trộm lành. Ông đã từng gây nhiều thiệt hại cho người khác nên mới phải lãnh án tử hình. Nhưng ông đã trúng số độc đắc cặp tám cặp mười ở giờ chót khi lao mình vào lòng thương xót của Đức Kitô: “Lạy Đức Giêsu, khi nào về nước Ngài, xin hãy nhớ đến con” (Lc 23,42) và ông đã được vào Thiên Đàng ngay hôm đó với Ngài. Như Phêrô, người trộm lành có phúc này đã vượt xa Giuđa trong lòng can đảm dám tin vào tình Chúa xót thương và niềm hy vọng được tha thứ. Ông biết tội mình lớn và hình phạt tử hình là xứng hợp với tội ác đã gây ra, nhưng cuối “đường cùng” của cuộc đời, ông vẫn khiêm tốn hy vọng, niềm hy vọng của người tội lỗi biết mình bất xứng nhưng dám khẩn nài tình xót thương, bao dung, độ lượng. Ông không trốn chạy thực tại tội lụy, cũng không ngoan cố, kiêu căng ở lì trong chọn lựa đã lỡ làng, mà biết khiêm nhường xin một lối thoát, khiêm hạ xin được thứ tha. Nhờ ra khỏi kiêu hãnh, tự ái, ông đã nhận được lòng xót thương khi dám tin vào quyền năng vô cùng của lòng thương xót Chúa. Thử thách cam go, gay cấn nhất ông đã vượt qua khi Đức Kitô nhận lời nài xin của ông: “Ngay hôm nay, con sẽ ở trên Trời với Ta” (Lc 23,43).
Như Phêrô, Giuđa, người trộm lành, chúng ta không tránh khỏi những thử thách, cám dỗ, đau khổ, dằn vặt trước những chọn lựa và thử thách nào cũng kinh khủng, cám dỗ nào cũng nặng nề, dằn vặt nào cũng se dạ thắt lòng, đau khổ nào cũng rướm máu. Trong mọi thử thách, tình yêu và lòng ký thác vào lòng Chúa xót thương là hai thử thách cam go nhất. Nhưng qua thử thách, chúng ta sẽ đến gần Chúa hơn nhờ khám phá ra lòng xót thương của Ngài. Thử thách cũng sẽ mở ra niềm hy vọng được chung phần hạnh phúc với Ngài; bởi “nếu ta cùng chết với Ngài ta sẽ cùng Ngài phục sinh, nếu ta chịu khổ với Ngài, ta sẽ cùng Ngài thống trị” (2Tm 8,11-12). Và thử thách chính là đau khổ và sự chết cho tội lỗi ta chịu mỗi ngày vì yêu mến và trung thành với Đức Kitô trong đời người Kitô hữu.
Lạy Đức Kitô tình yêu thương xót, trước giông bão kinh hoàng, dữ dội của thử thách, xin cho con biết ngước lên Chúa và nương cậy vào Chúa. Xin Lời Ngài, Mình Ngài cho con tình yêu phó thác, tình yêu khiêm nhường, tình yêu tin vào lòng Chúa xót thương. Trên Thánh Giá, Chúa cũng đã chịu thử thách khi Chúa Cha vắng bóng, im lặng. Đến giờ con chết, liệu Chúa có thử thách con nặng nề như thế không? Xin thương xót con từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây để đời con luôn là lời cầu xin tha thiết của người trộm lành trên thập giá: “Lạy Đức Kitô giàu lòng thương xót, xin thương xót con”.

Bóng Tối

Hiện tượng cúp điện làm bực mình, nhất là khi nhà có khách hay đang yến tiệc, khách khứa vui vẻ. Cúp điện còn gây nhiều nguy hiểm tính mạng cho bệnh nhân, người già, con nít và làm bế tắc, dang dở, chậm trễ nhiều công trình. Vì thế, ai cũng sợ cúp điện và ngao ngán cảnh tối tăm, không ánh sáng. Nhưng cũng có lúc người ta tìm bóng tối, cậy nhờ bóng tối, tạo ra bóng tối như khi muốn tán tỉnh, ve vãn, chim chuột và lợi dụng thân xác người khác, hay khi muốn trấn lột, thủ tiêu, đánh “hội đồng” người nào. Bóng tối như thế có lúc gây phiền phức, bực mình, nhưng có khi được tìm kiếm, nghênh đón, mời chào.
Tin Mừng thứ ba Tuần Thánh nói về chuyện “có một người trong các con sẽ nộp Thầy” (Ga 13,21). Sau lời tiết lộ “nặng như bom tấn” của Đức Kitô, các môn đệ nhao nhao hỏi: “Có phải con không Thầy?” và không khí bữa ăn trở nên nghiêm trọng, nặng nề. Nặng nề vì phản bội là một tội nặng ai cũng biết. Nghiêm trọng vì tình hình bên ngoài ngày càng căng thẳng khi Hội Đồng Kỳ Mục đã hạ quyết tâm bắt Đức Kitô trong dịp lễ Vượt Qua.
Trong bữa ăn chia tay đêm ấy, có hai môn đệ được nhắc tên: Simon Phêrô và Giuđa Iscariốt. Ông Giuđa được nhắc đến khi ông nhận miếng bánh do Đức Kitô trao và nói với ông: “Việc gì con cần làm thì làm đi”, câu nói ngắn gọn, đủ để hai người: Giuđa và Đức Kitô hiểu với nhau và “sau khi ăn miếng bánh, Giuđa đứng dậy ra đi. Lúc đó, trời đã tối” (Ga 13,27-30). Phêrô thì được nhắc đến khi ông đang gân cổ: “Con sẽ thí mạng vì Thầy” và Đức Kitô nói với ông: “Đêm nay, gà chưa gáy, con đã chối Thầy ba lần” (Ga 13,36-38).
Cả hai ông Phêrô và Giuđa đều dính dáng đến bóng tối: một ông bỏ bàn tiệc ra đi khi trời đã tối, một ông sẽ chối Thầy đêm nay, khi gà chưa gáy. Bóng tối đêm nay bám lấy hai ông. Bóng tối đêm nay biến hai môn đồ thành hai tên phản bội. Bóng tối đêm nay làm các ông hèn nhát, quên tình xưa nghĩa cũ. Bóng tối đêm nay lấy đi sự khôn ngoan, lòng nhiệt thành, tính trung thực và để lại trong lòng các ông tội lỗi, tuyệt vọng. Cũng may Phêrô còn chút can đảm đưa mắt nhìn Chúa để được đôi mắt gợi nhớ tình xót thương vô bờ bến, vô điều kiện; nếu không ông cũng đã buông xuôi, tuyệt vọng như Giuđa.

Kinh nghiệm bóng tối thì ai cũng có:
1. Bóng tối đồng lõa


Những cuộc gặp gỡ với ý đồ xấu thường được tổ chức về đêm, vừa tránh được tai mắt quần chúng, vừa dễ thuyết phục người khác đồng phạm, vì bóng tối làm lòng người chùng xuống, trí khôn bớt minh mẫn và ý chí giảm thiểu khả năng lựa chọn. Có nhiều người hồi đêm đã chấp nhận mạo hiểm vào những “phi vụ” phi pháp, nhưng khi bình minh ló rạng, đem về nắng ấm ban mai, họ thay đổi quyết định và nhận ra mình đã dại khờ, liều lĩnh, nhẹ dạ trong đêm. Tính cách đồng loã của bóng tối là ở khả năng làm con người trở nên yếu đuối, liều lĩnh, buông thả. Đêm đen luôn bao trùm tội lỗi, vì bóng tối luôn đồng loã với hành vi thiếu trong sạch, trung thực, chân chính.



2.                 Bóng tối đe doạ
nhà một mình ban ngày thì được, nhưng một mình ban đêm, xem ra cô cậu trẻ nào cũng sợ. Sợ vì bóng tối đe doạ. Kẻ gian có thể nhờ bóng tối lẻn vào nhà trấn lột. Bọn dâm tặc có thể mượn bóng tối đột nhập khuê phòng hãm hiếp. Quân lưu manh có thể nương bóng tối đục tường khoét vách, làm điều xằng bậy. Sợ bóng tối là chuyện tự nhiên của mọi người bình thường, chỉ có những tâm địa bất thường và việc làm bất thường mới cần bóng tối cho những ý đồ đen tối, không bình thường.

3.                 Bóng tối làm sai lạc
Trong bóng tối, người ta không thể nhận diện nhau chính xác, không thể nhận ra sự vật như nó là và lẫn lộn sự thật về con ngưòi cũng như về thế giới khách quan bên ngoài với những hình ảnh của trí tưởng tượng. Trong bóng tối, không ai thấy mình, không ai thấy ai và cũng chẳng ai thấy những gì chung quanh mình. Người ta có thể nghe, sờ mó rồi đoán non đoán già, đoán mò như những anh mù đi xem voi. Kết quả là chẳng có gì được nhận thức đúng như sự thật khách quan. Nguy cơ của con người là không thấy để phân biệt hư thực, đúng sai, thực tại hay ảo tưởng, cụ thể, sống động hay mơ màng, tưởng tượng. Đời sống nhiều bóng tối hơn ánh sáng sẽ là đời lầm lẫn hơn chính xác, sai hơn đúng, huyền hoặc hơn có thực.


4. Bóng tối làm hụt hẫng, vấp ngã, lạc hướng
Phòng họp bị mất điện, rạp xinê mất điện, thành phố mất điện, xa lộ mất điện nhiều giờ sẽ làm hốt hoảng người có mặt. Họ sẽ đạp lên chân nhau, quờ quạng vào mặt nhau, vấp té lên nhau, chạy ngược xuôi, lung tung, loạn xạ. Bóng tối làm mất trật tự, đảo lộn tôn ty, gây nhiều bế tắc, thiệt hại.
Bóng tối Tuần Thánh đã đồng loã với Giuđa trên đường dẫn lãnh binh đền thờ và kỳ mục đến bắt Thầy và đồng loã với cái hôn phản bội của ông (Lc 22,47-48). Bóng tối Tuần Thánh đã đồng loã với những lần Phêrô chối “không quen biết Giêsu” và củng cố hèn nhát, phản bội của ông. Cũng bóng tối Tuần Thánh đã đe doạ các môn đệ khác và họ không ai bảo ai đã bỏ Thầy mình trơ trọi trốn biệt. Bóng tối thật đáng sợ. Bóng tối đã làm đám đông nhận định sai về Đức Kitô khi giơ tay đả đảo, lên án tử hình Ngài. Bóng tối càng kinh khủng khi tiếp tay với bạo lực khủng bố tinh thần, tra tấn, hành hạ thân xác Đức Kitô suốt đêm trong sân dinh vị Thượng Tế (Lc 22,54-65). Và bóng tối đêm thứ Sáu Tuần Thánh với câm lặng bẽ bàng của thất bại, mồ chôn, hoảng sợ, trốn tránh, thất vọng, chia lìa. Đêm đen, bóng tối kéo về phủ kín khung trời Tuần Thánh đã làm chao đảo nhiều tâm hồn. Bóng tối đang hồi thắng thế khi trở thành bóng tối cám dỗ, bóng tối sa ngã, bóng tối phản bội, bóng tối bạo lực, bóng tối gian dối, bóng tối đe doạ, bóng tối khủng bố.
Đức Kitô là nạn nhân của bóng tối trong đó môn đệ phản bội, đám đông lên án, hành hạ, chế giễu. Đức Kitô là nạn nhân của bóng tối để từ bóng tối làm phát sinh ánh sáng cứu độ cho những ai đang đi trong bóng tối, đang bị bóng tối khống chế, kềm kẹp.
Ngài là ánh sáng tạo dựng của Chúa Cha, “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không nhận ánh sáng. Ánh sáng này là ánh sáng thật, đến trong thế gian để soi dẫn thế gian” (Ga 1,5.9).
Ngài là ánh sáng thế gian, như đã cho người mù được thấy. Người mù là hình ảnh của nhân loại mù loà trong cuộc đời đang cần ơn cứu độ (Ga 9,1-7). Nhưng “con người ưa thích bóng tối hơn ánh sáng vì công việc của họ đều là gian ác” (Ga 3,19).
Đức Kitô đã phân tích tại sao con người không thích ánh sáng và hay đi tìm bóng tối. Bóng tối được săn đón vì “Ai làm sự dữ thì ghét ánh sáng và không muốn đến gần ánh sáng, vì sợ công việc của mình bị lên án. Còn ai làm sự lành thì đến cùng ánh sáng, để cho công việc của mình được tỏ rõ là đã được thực hiện nhờ ơn Thiên Chúa” (Ga 3,19-21).
Như thế, việc lành được làm là nhờ ánh sáng soi dẫn, phân định. Ánh sáng Đức Kitô cho con người biết đâu là chính đâu là tà, đâu là sinh lộ đâu là tử lộ. Ánh sáng ấy phá tan đêm đen trong tâm hồn, triệt hạ thành trì của tội lỗi, bứng đi xào huyệt của ác thần trong cung lòng con người, “vì ai đi với Thiên Chúa thì không đi trong bóng tối” (Ga 8,12; 12,46) và “chỉ người gian ác mới thích đi trong bóng đêm” (Cn 4,19; Kn 17,2; Rm 1,21). Người đi trong ánh sáng là người đi với Thiên Chúa vì Thiên Chúa là ánh sáng, nơi Ngài không có tối tăm. Ánh sáng ấy chiếu rọi đến đâu, xoá tan bóng tối đến đó cũng như ơn sủng tràn lan đến đâu thì tội lỗi phải rút lui khỏi đó.
Nếu Tuần Thánh với bóng tối của sợ sệt, hèn nhát, phản bội, tuyệt vọng thì Phục Sinh với ánh sáng vui mừng, phấn khởi, can đảm, trung tín, hy vọng, yêu thương. Đức Kitô đã đi qua bóng tối mà nhân loại tội lỗi đã kéo về, để từ bóng tối sa đoạ, Ngài đem về ánh sáng Phục Sinh. Ánh sáng cây nến Phục Sinh đã chiến thắng bóng tối tử thần, đêm đen tội lỗi, sương mù thù hận. Ánh sáng Đức Kitô sống lại đã đem con người ra khỏi bóng tối bất trung với Thiên Chúa, bất hoà với đồng loại để đi vào mầu nhiệm của giao ước mới, giao ước ánh sáng bình an. Trong Đức Kitô là ánh sáng của Chúa Cha và ánh sáng cho muôn dân, nhân loại được giao hoà trong ơn cứu độ.
Bóng tối trong tâm hồn Giuđa hay đêm đen trong trái tim Phêrô cũng là những đêm tối trong lòng mỗi người. Những đêm tối không gọi mà về hay cố tìm cố gọi đều cần đến ánh sáng. Đức Kitô là ánh sáng đến trong thế gian để thế gian được sáng và được sống. Xin cho tâm hồn còn tăm tối của chúng ta được ánh nến Phục Sinh viếng thăm để đường đời từ đây mãi mãi được Ánh Sáng Đức Kitô chiếu soi, hướng dẫn.