Suy
Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ LÁ, Năm A
Biến
cố vào Giêrusalem giữa “đám người rất đông lấy áo choàng trải xuống mặt đường,
một số khác lại chặt nhành lá mà rải lên lối đi. Dân chúng người đi trước, kẻ
theo sau, reo hò vang dậy : Hoan hô Con vua Đavít ! Chúc tụng Đấng ngự
đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời !” (Mt 21,8-9) của
Đức Giêsu khởi đầu việc thực hiện lời tiên báo cuộc thương khó của Ngài : “Thầy
phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và các
kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21). Và biến
cố này cho chúng ta thấy rõ hơn con đường của Đức Giêsu.
Con
đường ấy có lối vào vinh quang khi cả thành náo động, và thiên hạ hỏi
nhau : “Ông này là ai vậy ?” Dân chúng trả lời : “Ngôn sứ Giêsu,
người Nadarét, xứ Galilê đấy” (Mt 21,10-11), và lối ra ô nhục dành cho
những tội nhân bị kết án tử hình : “Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến
nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha, tại đó, họ đóng đinh Người vào thập
giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giêsu
thì ở giữa” (Ga 19,17-18), sau khi khạc nhổ, chế giễu, hành hạ Ngài (x. Mt 27,28-31),
và trên đường vác thập giá, “dân chúng đi theo Người đông lắm”, nhưng không ai
hoan hô, chúc tụng như đường vào thành thánh vinh quang hôm nào, mà chỉ còn một
số phụ nữ chạnh lòng thương “vừa đấm ngực vừa than khóc Người” (Lc 23,27).
Con
đường ấy tiếp nối con đường ra từ Thiên Chúa để vào con người, ra khỏi
thiên đàng để vào thế gian, ra từ thiên tính để vào nhân tính của Ngôi Lời,
khi thực hiện mầu nhiệm Nhập Thể, mà thánh Phaolô đã cực tả trong thư gửi giáo đoàn
Philípphê : “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất
quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh
quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl
2,6-7).
Và
con đường ấy dẫn “vào sự chết” ở giờ thứ chín, khi Đức Giêsu kêu
lớn tiếng : “Êli, Êli, lêma xabácthani, nghiã là Lậy Thiên Chúa, lậy Thiên
Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?” (Mt 27,46), và kết thúc ở “lối ra
khỏi mồ” sau ba ngày, như lời Ngài đã hứa để “đi vào Phục Sinh khải
hoàn” (x. Mt 28,1-8), ở đó : “sự sống đã chiến thắng thần chết,
Thập giá đã chiến thắng địa ngục”.
Đức
Giêsu đã đi con đường từ Thiên Chúa đến nhân loại, để đem con người trở về với
Thiên Chúa, cũng như đã đi vào sự chết của con người, để trả lại cho con người
sự sống, như thánh Phaolô đã viết : “Anh em đã cùng được mai táng với Đức
Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng
của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết” (Cl 2,12), “Người đã xóa
sổ nợ bất lợi cho chúng ta… Người đã hủy bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào
thập giá. Người đã truất phế các quyền lực thần thiêng, đã công khai bêu xấu chúng,
đã điệu chúng đi trong đám rước khải hoàn của Người” (Cl 2,14-15).
Thực
vậy, con đường Đức Giêsu đi là con đường từ bỏ để cứu độ : từ bỏ vinh
quang của thiên tính, cao sang của thiên đàng, vinh dự của chúc tụng, hoan hô để
xuống thế làm người như mọi người, chết như mọi người, để cứu chuộc mọi người,
nên không từ bỏ, không có ơn cứu độ ; không thập giá, không có phục sinh
vinh quang, vì hạt lúa phải từ bỏ chính mình khi chấp nhận bị chôn vùi, và thối
rữa đi mới nẩy mầm và cho nhiều bông hạt (x. Ga 12,24).
Đời
người Kitô hữu không có nhiều con đường, nhưng chỉ duy nhất một con đường :
con đường từ bỏ, như chương trình đã được hoạch định bởi Đức Giêsu :
“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24),
nên trên đường theo Chúa, người môn đệ sẽ không chỉ bỏ lại những hành trang lỉnh
kỉnh, cồng kềnh làm trì trệ bước chân như kiêu căng, ganh ghét, đố kị, tham
lam, hưởng thụ, mà có khi phải bỏ cả
danh dự, uy tín, và mạng sống, điều mà ít ai dám nghĩ, nhưng Đức Giêsu đã không
ngại nói cho các môn đệ Ngài biết, mặc dù là điều rất khó nghe và làm nhiều người
nản chí không muốn đi theo Ngài : “Qủa thực, ai muốn cứu mạng sống mình,
thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng
sống ấy” (Mt 16,25).
Vâng,
mỗi người đều được mời gọi đi với Đức Giêsu trên con đường từ bỏ, như Ngài đã đi :
từ bỏ khôn ngoan của thế gian để đi vào kế hoạch của Thiên Chúa, từ bỏ con người
cũ để đi vào con người được Thần Khí đổi mới, từ bỏ hận thù để đi vào thứ tha,
từ bỏ vun vén, ki bo, tích trữ của cải cho riêng mình để đi vào trao ban qủang đại,
hiến mình vì tha nhân, từ bỏ những gì không thuộc về Thiên Chúa để “hướng lòng
trí về những gì thuộc thượng giới” (Cl 3,2), vì Đức Giêsu mới thực là Nguồn Sống
của chúng ta, Nguồn Sống dành cho những ai đi theo Ngài đến cuối đường Từ Bỏ, ở
đó, “khi Đức Kitô, Nguồn Sống xuất hiện” chúng ta “sẽ được xuất hiện với Người,
và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3,4).
Jorathe
Nắng Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét