Cách đây một tháng, không mấy người nghĩ một quốc gia
có thể bị cô lập vì Covid-19, nhưng hôm nay Chúa Nhật cuối tháng 3/2020, thì sự
thật còn gấp bội kinh khủng hơn, khi không chỉ một vài quốc gia tự cô lập, mà
toàn thế giới phải chấp nhận giải pháp cô lập để ngăn chặn làn sóng dữ dội của
dịch bệnh: tất cả phải ở trong nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ những trường hợp
khẩn cấp có giấy chứng thực ghi rõ ngày giờ và lý do chính đáng. Ai bất tuân sẽ
bị phạt tiền hoặc bị truy tố hình sự. Và những khẩu hiệu chưa từng nghe bao giờ
nay được các phương tiện truyền thông không ngừng nhắc đi nhắc lại: “Hãy ở
trong nhà để tự bảo vệ và bảo vệ người khác; ở trong nhà là yêu nước, đánh dịch
như đánh giặc, ra ngoài là tự sát… ”.
“Hãy ở trong
nhà” để không lây nhiễm đã đành, nhưng “ở trong nhà” để có thời gian nhìn
thấy những người thường ở nhà khi ta đi, hay phải ở nhà cho ta ngày đêm thảnh
thơi ra ngoài.
Họ là những cha mẹ già ở với con trai, con gái để
trông nom cháu, và để làm hết những việc của một người làm từ chợ búa, cơm nước,
đến dọn dẹp trong ngoài. Những người mẹ già vì thương con trai, con gái vất vả
đi làm ở thành phố đã bỏ quê lên ở với con, với hy vọng chia sẻ đời sống thành
thị khó khăn của con cái, nhưng chẳng mấy khi niềm hy vọng cỏn con, âm thầm,
kín đáo ấy được con trai, con gái hiểu mà trân qúy...
Họ là những người vợ chăm làm ít nói, thui thủi từ
sáng sớm đến khuya khuyắt lo đủ mọi thứ “việc nhà”, từ miếng cơm, nút áo cho chồng
đi làm, đến tập sách, bút viết, giầy dép cho con đến trường; từ giặt giũ, hút bụi,
lau nhà đến sân vườn quanh nhà sạch cỏ. Công việc nhí nhách, nho nhỏ, khó gọi
tên, không xuất xứ, nhãn hiệu, nhưng liên lỷ, liên miên, liên tục làm đổ mồ
hôi, sôi nước mắt người vợ hiền, khiêm nhu, ít nói… Nhưng rất tiếc, không có nhiều
ông chồng và con cái lớn trong nhà đã hiểu được nỗi vất vả hằng ngày của những
người vợ, người mẹ để cảm thông, nâng đỡ…
Hãy ở trong nhà theo lệnh của chính phủ để tự bảo vệ
mình đã đành, nhưng còn để bảo vệ những người mà từ bấy lâu đã tình nguyện ở
nhà, bó chân không ra ngoài để mình được an tâm đi ra, an bình thanh thản sinh
hoạt bên ngoài.
Họ là những người chăm chút từng bậc thang khi quét dọn,
để ông chủ không khó chịu khi đi làm về, vì cầu thang bụi bậm; cẩn thận ủi từng
mép áo cho thật thẳng để khỏi làm phật ý bà chủ khi từ văn phòng về sau một
ngày làm việc căng thẳng; chuẩn bị chu đáo nước nóng, khăn thơm, phòng ốc
thoáng đãng để làm hài lòng “cậu ấm cô chiêu” sau một ngày ở trường. Công việc ở
nhà của những người làm này nhiều hơn ông bà chủ tưởng, vất vả hơn các cô chiêu
cậu ấm nghĩ, nên chẳng mấy người giúp việc nhà đã được chủ nhà “biết điều”, ghi
công…
Vâng, Covid-19 cho chúng ta dịp “ở trong nhà”, dù “ở
trong nhà bất đắc dĩ”, nhưng vì “phải ở trong nhà”, và nhờ thời gian dài phải ở
trong nhà, ta mới có cơ hội nhìn những công việc ở trong nhà mà ta chưa một lần
có dịp quan sát, chứ đừng nói đến biết tên, thẩm định giá trị.
Có rất nhiều công việc trong nhà ta chưa từng làm, vì
đã có người làm, nên ta không hiểu giá trị của nó; có nhiều “việc nhà” ta không
biết là việc của nhà ta, vì khoán trắng dễ dàng cho người khác, mà không cần
quan tâm, thắc mắc; có không ít công việc ở nhà, đáng lẽ ta phải làm, vì thuộc
riêng ta, nhưng vì có quyền, có tiền, ta đã không ngại bắt người khác phải làm.
Vì thế, những ngày ở nhà bất đắc dĩ vì dịch, ta khám
phá ra có nhiều việc nhà của nhà ta mà ta không biết; có nhiều việc trong nhà
thuộc bổn phận của ta, mà ta hờ hững, không quan tâm; có nhiều việc của nhà ta,
mà ta cứ nghĩ đó là việc của thiên hạ, không thuộc trách nhiệm của ta là thành
viên của nhà.
Covid-19 cũng giúp ta mở mắt nhận ra có rất nhiều việc
nhà, mà ta chưa biết tên; có nhiều công việc trong nhà mà ta tưởng không hề có;
có rất nhiều việc ở nhà mà ta tưởng chỉ ở ngoài như ta mới làm được, chỉ ra
ngoài đi làm như ta mới phải đối diện, đương đầu; có nhiều việc liên quan đến mọi
người trong nhà mà ta ảo tưởng chỉ mình ta là người đi làm bên ngoài mới biết,
mới phải cáng đáng, và mới gánh vác được.
Nhờ mở mắt nhìn công việc nhà liên tục phải giải quyết,
việc trong nhà liên miên phải tìm phương án, việc ở nhà liên tiếp nổi cộm, bề bộn,
ta mới thấy việc nhà không “nhỏ như con thỏ” mà ta vẫn tưởng, việc ở nhà không
“dễ như trái lê” mà ta vẫn cười nhạo người làm việc ở nhà; việc làm trong nhà
không “đơn giản như con dán”, mà ta vẫn cười nhẹ tênh, nhìn bạc bẽo những nngười
giúp việc nhà thường được đánh giá “ăn không ngồi rồi”, “rảnh rang ngồi ngáp ruồi
chờ lãnh lương cuối tháng”.
Vâng, nhờ nhìn ra, gọi lại đúng tên các việc trong
nhà, mà việc ở nhà của chúng ta trở nên hữu ích. Nó còn hữu ích nhiều lần hơn,
khi giá trị của các “việc nhà” được chúng ta công nhận khi có giờ rảnh để quan
sát, thẩm định, hầu thay đổi cái nhìn, thay đổi tâm tư, thay đổi thái độ đối với
“người nhà”.
1. Thay cái
nhìn hãnh tiến, tự cao tự đại bằng cái nhìn công bình và cảm thông:
Bởi từ trước đến nay, ta chỉ đánh giá qúa cao về mình,
về công việc ngoài gia đình của mình, về việc làm ra tiền bên ngoài của mình, để
rồi coi mọi người ở nhà, làm việc nhà, lo công việc trong nhà là thứ yếu, không
đáng kể, không cần thiết, có khi còn bị coi là thừa thãi, tốn kém, vô tích sự.
Với lương tâm ngay thẳng, chúng ta sẽ nhận ra sự đóng
góp cần thiết của những thành viên khác trong gia đình ngày đêm lo việc nhà cho
ta an tâm lo việc công; lo làm việc nhà cho ta an lòng làm việc đất nước; chu
toàn việc ở nhà cho ta an ổn xông pha, dấn thân lo việc cộng đồng. Đồng thời, ý
thức, đồng tiền kiếm được từ việc làm ở công sở, xí nghiệp của ta sẽ không thể
bền vững, và sinh sôi nẩy nở, nếu thiếu những bàn tay chăm lo việc nhà, giải
quyết lo liệu việc ở nhà, săn sóc những người còn phải ở nhà, chưa thể ra bên
ngoài làm việc kiếm sống.
2. Thay tâm tư
ích kỷ, kiêu căng, “một mình làm nên tất cả” bằng tâm tư biết ơn, đồng cảm,
tương trợ:
Có ở nhà bất đắc dĩ vì Covid-19, chúng ta mới thấy “không
ai một mình làm nên tất cả”, nhưng mỗi người đều cần thiết, ai cũng quan trọng,
việc trong nhà hay việc ngoài xã hội đều đáng trân trọng và cùng góp phần xây dựng
lợi ích, hạnh phúc chung của gia đình.
Ý thức điều này, người chồng đi làm lãnh lương cuối
tháng sẽ không quên người vợ tận tụy ở nhà lo việc nhà và đàn con ăn học. Anh sẽ
biết ơn người vợ và trân trọng công việc rất âm thầm, kín đáo nhưng không thiếu
vất vả, nhọc nhằn của vợ ở nhà. Từ đó, tính kiêu căng, trịch thượng sẽ được
thay thế bằng tình đồng cảm, biết ơn, tương trợ; tính háo thắng, ngông nghênh sẽ
được thay thế bằng tâm tư hiền lành, khiêm tốn, tôn trọng vợ hiền, yêu thương
con dại, tử tế với người ăn kẻ làm.
3. Thay thái độ
chảnh chọe, khinh bạc, “chồng chúa vợ tôi” bằng thái độ bình đẳng chia sẻ:
Bởi sẽ không có thái độ nào đẹp và cao qúy bằng bình đẳng,
chia sẻ giữa thành viên của một gia đình, sẽ không có thái độ nào xứng hợp, xứng
đáng hơn giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái bằng trân trọng việc làm của
nhau, khi nhận ra ý nghĩa và giá trị các việc làm đó.
Hạnh phúc của người vợ là được chồng con nhận ra tình
yêu của mình trong những “việc nhà” bé nhỏ, thường xuyên, và quen thuộc hằng
ngày. Chính những hằng ngày quen thuộc, thường xuyên, bé nhỏ, không ồn ào, không
tạo thành sự kiện to lớn ấy mà “việc nhà” mang những giá trị vô cùng lớn, vì người chu toàn những
“việc nhà” ấy đã nhờ tình yêu mà vượt qua những nhàm chán không thể tránh khỏi.
Cũng vậy, người chồng sẽ phấn khởi, hạnh phúc khi vợ
con biết mình hy sinh nhiều để có tiền nuôi sống gia đình từ những việc làm vất
vả bên ngoài. Và để thực hiện được điều trên, người trong cuộc phải trang bị
cho mình thái độ bình đẳng, chia sẻ, được phát sinh từ tâm tình biết ơn, đồng cảm,
tương trợ và cái nhìn công bình, cảm thông.
Thực vậy, có rất nhiều điều “ở nhà”, nhiều sự “trong
nhà”, nhiều “việc nhà”, mà bao nhiêu năm tuy là người nhà, nhưng chúng ta vẫn
không thấy, không biết, không cảm được. Chúng vẫn còn là những bí mật với ta:
bí mật không phải vì là chuyện xấu cần giấu kín, chuyện tồi tệ phải ém nhẹm,
nhưng bí mật vì chính đôi mắt tâm hồn ta khép kín, không chịu mở ra để thấy,
cánh cửa lòng ta khép chặt, không mở ra để
thừa nhận, yêu thương, bàn tay chia sẻ của ta khép lại chai cứng, không để một kẽ hở nhỏ dù một giọt nước chui
qua, luồn vào.
Vì tất cả đều đóng, đều bị cô lập, nên có ở trong nhà,
ta cũng như người ở ngoài rất xa; có sống bên người nhà cũng chẳng khác nghìn
trùng xa cách; có đối diện “việc nhà” của “người nhà” cũng vẫn thờ ơ, hờ hững,
dửng dưng như việc bá tánh, chuyện thiên hạ. Và rất có thể, ổ khoá gian ác đã
đóng mắt ta, hồn ta, tay ta, cuộc đời ta trước “việc nhà, người nhà” không gì
khác hơn là chính đam mê ở ngoài của
ta, khao khát hướng ngoại bất chính
của ta đối với người nhà, và tinh thần
vô trách nhiệm, lười biếng của ta trước bổn phận đối với cửa nhà, mái ấm.
Ước mong những ngày bị cô lập trong nhà được tích cực
đón nhận như cơ hội hiếm có để chúng ta nhìn rõ hơn không chỉ công việc nhà của
nhà mình, công việc ở nhà của người nhà mình, công việc trong nhà thuộc về nhà
mình, để ra khỏi não trạng phân bì, so đo, coi “việc nhà” là việc nhỏ, không
đem lại lợi nhuận kinh tế. Trái lại, một cái nhìn mới, một tâm tình mới, một
thái độ mới sẽ “thay da đổi thịt” đời sống Hạnh Phúc của mái ấm, mái nhà, cho
phép chúng ta nhận rõ nét hơn những yêu thương của nhau, khám phá những bí mật
tuyệt vời dễ thương của nhau từ lâu bị ích kỷ, kiêu căng chôn vùi, cào mòn,
đóng bụi, nhất là nhìn nhận nhau là những giá trị không thể thay thế, những gắn
bó không thể rời xa, những đóng góp, chung phần không thể tháo gỡ ra khỏi đời sống
“người nhà” của nhau, ngay giữa tâm bão của đại dịch, khi mà chúng ta đang thực
sự cần có nhau hơn bất cứ lúc nào.
Jorathe Nắng Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét