Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

COVID-19 và Ý THỨC CỘNG ĐỒNG


Câu chuyện Cộng Đồng thật dễ hiểu, không chỉ dễ hiểu cho trẻ em, mà còn dễ hiểu cho những người cố tình không muốn hiểu cộng đồng là gì, vì tính ích kỷ nặng ngàn cân và “Cái Tôi” qúa vĩ đại, rộng lớn, khi toàn thế giới cùng đứng chung chiến tuyến chống đại dịch Covid 19, vì ở hoàn cảnh này, không ai cũng không quốc gia nào có khả năng một mình chiến đấu, đương đầu.
Từ hai tuần nay, tình hình dịch trở nên cực kỳ nghiêm trọng, các chính phủ của cộng đồng chung Âu Châu quyết định nhiều biện pháp chung về biên giới, cũng như cách ly nội địa. Nước Pháp cấm ra khỏi nhà nếu không có lý do chính đáng và thực sự cần thiết. Ai bất tuân sẽ bị xử phạt tại chỗ. Các nước khác cũng đi theo đường lối này: “tất cả phải ở trong nhà”, và hạn chế tối đa đi lại, gặp gỡ, tụ tập.
Sáng nay 18/03/2020, đài truyền hình đưa tin: có những người thiếu ý thức cộng đồng đã không tuân theo lệnh cách ly của chính phủ bằng buông lời mạ lỵ cơ quan công lực khi bị xét giấy tờ và cảnh cáo “không được ra ngoài”, cũng như ở sân bay Nội Bài ngày 17/03/2020, “bà chị việt kiều Ba Lan nào đó” cùng gia đình về quê hương tránh dịch đã tỏ ra thiếu kiên nhẫn, nóng nẩy đến độ thô lỗ, thay vì tỏ lòng biết ơn và thông cảm đối với nhân viên phục vụ công tác hướng dẫn, điều phối di chuyển bà con việt kiều từ sân bay về trung tâm cách ly.
Cả hai trường hợp điển hình trong nhiều trường hợp khác đã nói lên tình trạng thiếu ý thức cộng đồng vẫn còn tồn tại ở nhiều người, nhiều nơi. 
Người thiếu ý thức cộng đồng trước hết là người ảo tưởng về khả năng độc lập, tự lập của mình trong xã hội, khi nghĩ mình không cần ai, không lệ thuộc người nào. Ảo tưởng này phát sinh từ tính kiêu căng, bất cần đời, coi thường nguời khác làm cho đời sống họ ngày càng ích kỷ, khép kín, thu hẹp, ki bo.
Ích kỷ khi chỉ nghĩ cho mình, mà quên: không cộng đồng làm sao họ có thể sống và tồn tại? Họ quên bao nhiêu đóng góp của vô số người trong mọi lãnh vực đã cho họ điều kiện và phương tiện để sống; họ quên xương máu của tiền nhân đã cho họ đất sống; quên giá trị mồ hôi, nước mắt của cha mẹ, gia đình, gia tộc đã cho họ lớn lên thành người; quên bao con người đã vì tương lai của họ mà tận tụy hi sinh.
Nhìn chung quanh những người đang trực chiến với đại dịch, như các bác sĩ, y tá, những nhân viên phụ trách diệt khuẩn, tẩy trùng nơi công cộng, những nhà khoa học chạy đua với thời gian để tìm ra thuốc chủng hầu ngăn chặn làn sóng xâm lăng của dịch bệnh, người có lòng tự trọng nhận ra bổn phận phải có đối với cộng đồng:
1.            Tinh thần kỷ luật:
Ý thức cộng đồng và bổn phận đối với cộng đồng tiên vàn phải được biểu lộ và thực hiện bằng tinh thần thượng tôn pháp luật và tuân giữ kỷ luật được cộng đồng đề ra.
Phải hiểu kỷ luật không bao giờ mang tính đàn áp, khống chế, mà chỉ là biện pháp cần thiết để bảo vệ ích lợi chung của tất cả cộng đồng, trong đó có lợi ích riêng và hạnh phúc riêng của mỗi người. Một quy tắc để phân biệt đâu là “kỷ luật xây dựng” và đâu là “gông cùm tiêu diệt, tàn phá” con người, đó là tính phục vụ lợi ich không chỉ của cộng đồng, mà cả lợi ích của từng cá nhân. Kỷ luật mang tính nhân bản không thể “phân thây sẻ thịt » cá nhân vì lợi ích của một thứ cộng đồng nào đó, bởi khi lấy máu của cá nhân mà “giải khát” cộng đồng, lấy thịt cá nhân làm “mồi nhậu” cho cộng đồng, thì cộng đồng ấy chỉ là một thứ cộng đồng phi nhân, tàn ác, bệnh hoạn, không xứng danh “cộng đồng nhân loại, cộng đồng nhân văn, cộng đồng có văn hoá”.
Tóm lại, khi xác định tính nhân bản, nhân văn, và mục đích của cộng đồng là  hạnh phúc của mỗi người và mọi người, chúng ta phải tôn trọng kỷ luật của cộng đồng đó, bởi trong đó có chúng ta, có quyền lợi của mỗi người, như tuân thủ với tinh thần hợp tác lệnh cách ly, quy định đứng xa nhau một mét, đề nghị đeo khẩu trang của cộng đồng quốc gia, cộng đồng thế giới.
Thế giới thường đánh giá một dân tộc trên tinh thần kỷ luật của dân tộc ấy. Chẳng hạn, dân tộc Nhật Bản được cộng đồng thế giới đánh giá cao, không vì khả năng phát minh khoa học, cho bằng tinh thần kỷ luật của họ. Người ta vẫn kể cho nhau nghe: trong rất nhiều thử thách nặng nề của  nước Nhật vì thiên tại như núi lửa, sóng thần, động đất, kể cả chiến tranh, người dân Nhật luôn tỏ ra kỷ luật. Nhờ thế họ đã tránh được nhiều khủng hoảng và xáo trộn vô ích, nguy hại cho cá nhân cũng như cộng đồng dân tộc.
Thực vậy, một gia đình có kỷ luật, một trường học có kỷ luật, một xí nghiệp có kỷ luật, một quốc gia mà người dân ý thức kỷ luật là sức mạnh của quốc gia thì lợi ích và hạnh phúc của mỗi người và mọi người chắc chắn được bảo đảm ở mức cao nhất.
2.            Tình  Liên Đới:
Chúng ta khó có thể cắt nghiã và thuyết phục một người ích kỷ về ý thức cộng đồng, vì cộng đồng là một ý niệm xa lạ, một quan niệm chưa hề nghe, một tư tưởng chưa từng được đặt thành vấn đề, và tất nhiên một ý nghĩ chưa bao giờ trở thành hành động.
Vì thế, không phải tự nhiên người ta có ý thức cộng đồng, không phải một sớm một chiều người ta nhận ra giá trị của những  đóng góp cá nhân cho cộng đồng, không phải đơn giản để xác tín cộng đồng không làm thiệt hại cá nhân, nhưng mục đích của cộng đồng là làm cho cá nhân đạt hạnh phúc bản thân khi sống trong cộng đồng, và cùng cộng đồng sinh hoạt. Trái lại, để ý thức cộng đồng trở thành động cơ thúc đẩy cá nhân tham dự vào cộng đồng, người ta cần được giáo dục để trưởng thành trong ý thức ấy, và một trong những điều kiện để trưởng thành là ý thức tình liên đới nhân loại.
Tình liên đới nhân loại là nền tảng của đời sống cộng đồng, bởi không biết mình là thành phần của nhân loại, không coi mình là thành viên của cộng đồng thế giới, không nhận mình có chỗ trong hàng ngũ những con người đang có mặt trên địa cầu, chúng ta không thể ý thức về trách nhiệm cũng như quyền lợi, hạnh phúc của mình trong cộng đồng.
Thực vậy, tình liên đới gắn bó con người với nhau bằng tình người; tình liên đới nối kết người này với người kia bằng ơn nghĩa, bởi không ai sống làm người mà đã không từng thi ân, kết nghiã, cũng như không ai đã bước đi trên đường đời, mà không từng “ân sâu nghiã nặng” với nhiều người.
Tình liên đới làm cho người người gần nhau, hợp tác được với nhau, chia sẻ cho nhau mà không cảm thấy mất mát, thiệt thòi, bị đe dọa, hay sợ hãi, vì tình liên đới có mục tiêu là hạnh phúc của mọi người được nối với nhau qua giây tình yêu tôn trọng, và chia sẻ.    
Vì thế, càng phát huy tình liên đới, chúng ta càng thấy tinh thần kỷ luật, thái độ tôn trọng luật lệ chung, việc thi hành quy định chung của cộng đồng là cần thiết, bởi đó không chỉ là nhu cầu thuộc phạm vi tâm lý, mà còn là đòi hỏi hợp lý, hợp tình của xã hội, khi cá nhân và tập thể như vợ chồng hoà thuận: “phu xướng phụ tùy”, “kẻ tung, người hứng” cho lợi ích của bản thân cũng như hạnh phúc của đoàn thể, cộng đồng.  
3.            Bổn phận nhân ái:
Sau cùng là bổn phận nhân ái, như nền tảng cho tinh thần kỷ luật và tình liên đới đối với cộng đồng.
Nhân ái được gọi là nền tảng, vì đã là người ắt phải có lòng nhân; đã làm người thì không thể hành xử như động vật không tình cảm yêu thương, bởi con người được sinh ra từ yêu thương và thương yêu là nhu cầu quan trọng nhất ở con người. Cứ nhìn những người sống mà thiếu yêu thương, sống mà không yêu thương, sống mà không được tình yêu cưu mang, nuôi dưỡng, ấp ủ. Họ bất hạnh vì thiếu hạnh phúc của yêu thương, bạc phước vì không được lòng nhân ái của người khác bênh đỡ, che chở.
Do đó, người được mọi người gọi là tử tế trước hết phải là người có lòng nhân, nghiã là biết sống theo đạo làm người là yêu thương người khác, tôn trọng người khác, giúp đỡ người khác; người được thế giới khen ngợi là ân nhân, hay người cao qúy, cao thượng bao giờ cũng phải là người nhân ái đã làm chứng  bằng những nghiã cử cho hạnh phúc của tha nhân, vì tương lai, lợi ích của cộng đồng xã hội.
Cũng vậy, người được truy tặng danh hiệu anh hùng, liệt sĩ sẽ không thể là người ích kỷ, lười biếng, hưởng thụ, “vô tích sự”, nhưng là những trái tim rực lửa yêu thương đồng loại, những tâm hồn qủang đại sẵn sàng hy sinh vì hạnh phúc của người chung quanh, và vì những mục tiêu vị tha, vì người khác đó, họ sẵn sàng hiến trao chính mạng sống mình.
Vâng, giữa đại dịch Covid-19, chúng ta nhìn lại tinh thần cộng đồng của mình, một tinh thần không chỉ có giá trị nhân văn, giá trị xã hội, mà còn mang nhiều giá trị tâm linh, siêu nhiên khác. Điều này nhắc nhớ chúng ta: bất cứ con đường nào, bất kỳ hướng đi nào, bất kể chủ trương nào của con người nhắm đến hạnh phúc đích thực của con người, đều phải xây trên nền tảng của lòng nhân ái, phải mang dấu ấn của tình liên đới nhân loại, và được củng cố bằng sức mạnh của tinh thần kỷ luật.
Ước mong ý thức cộng đồng được xây dựng vững chắc và ngày càng phát triển, như vũ khí giúp chúng ta chiến thắng đại dịch và kiến tạo một tương lai an vui, hạnh phúc cho bản thân và cộng đồng.
Jorathe Nắng Tím

0 nhận xét: