Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

MÙA CHAY TRUYỀN GIÁO (12)


                     Suy Niệm 12: “XIN TỎ CHO CHÚNG TÔI ĐỨC GIÊSU THIÊN CHÚA
Một điểm chung thường gặp ở các nhà truyền giáo là ý thức rất mạnh và rõ nét về sứ mạng tìm đến và loan báo Tin Mừng cho mọi người. Ý thức ấy đôi khi qúa mãnh liệt, và đậm nét đến nỗi có thể làm lu mờ và giảm thiểu một sự thực cũng rất quan trọng, đó là nhiều người đã tự nguyện tìm đến nhà truyền giáo để được lắng nghe Tin Mừng.
Tin Mừng nhiều lần kể về đám đông đi tìm Đức Giêsu, vì khao khát được nghe Ngài giảng, và Ngài chạnh lòng cảm thương khi thấy họ vất vả đến với Ngài: “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14,14). Cũng như lần khác, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn” (Mt 15,32).
Kéo nhau đi theo để được nghe Ngài giảng dậy, được Ngài chữa lành các bệnh tật, đám đông còn “ở luôn với Ngài” nhiều ngày đã nói lên nỗi ước mong, niềm trông ngóng Đức Giêsu và Tin Mừng cứu độ của Ngài trong tâm hồn rất nhiều người.
Đó cũng là thực tế các tông đồ đã chứng kiến, khi đám đông kéo đến và tụ tập quanh các vị để được nghe nói về “Đức Giêsu Nadarét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó... Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không đời nào khống chế được Người mãi” (Cv 2,22-24).                 
Nếu trước đây đã có đám đông khao khát được cứu rỗi kéo nhau đi tìm Đức Giêsu, và dân chúng tụ tập lắng nghe các tông đồ loan báo Đức Giêsu đã chết và sống lại, thì nay nhà truyền giáo ở mọi nơi, mọi thời cũng không lẻ loi, cô độc, nhưng luôn có rất nhiều tâm hồn khắc khoải mong ước được gặp các vị để được các vị “tỏ cho biết Đức Giêsu Thiên Chúa”.
Ý thức và xác tín rằng: luôn có những đám đông tâm hồn được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, và ở đâu cũng có những người được Thần Khí mở lòng, mở trí đi tìm những người được Thiên Chúa sai đến, nhà truyền giáo sẽ tránh được não trạng là ân nhân, là người thi ân của thế giới. Não trạng này dễ đưa đến thái độ kiêu căng, hống hách, trịch thượng, vô ơn, không tôn trọng người được rao giảng của nhà truyền giáo, vì nghĩ mình có quyền cho hay không cho, tự mãn, tự đủ và không chịu ơn người nào, cũng không nghĩ đến vai trò và tác động quan trọng của Chúa Thánh Thần. Đây đích thực là chướng ngại rất lớn cho công cuộc truyền giáo, mà nhà truyền giáo cần thận trọng né tránh.  
Nhà truyền giáo còn biết mình được sai đến với muôn dân, nhưng “muôn dân” ấy không là đám đông không có Chúa, đám đông vắng ơn Thánh Thần. Trái lại, đám đông cũng được thúc đẩy bởi cùng một Thần Khí đang thúc bách nhà truyền giáo lên đường. Cả hai, nhà truyền giáo và đám đông được rao giảng đều được Chúa Thánh Thần “soi lòng dậy dỗ”, được Thần Khí “mở cửa tâm hồn, thắp sáng niềm tin”, để người rao giảng “tỏ cho đám đông thấy Đức Giêsu”, như Đức Giêsu đã trả lời Philípphê: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”, khi ông nói với Ngài: “Xin Thầy tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha” (Ga 14,8-9).
Ở đây, chúng ta thấy rõ sứ mệnh thiết yếu của nhà truyền giáo, căn tính của việc truyền giáo, mục tiêu của công cuộc truyền giáo là “tỏ cho người khác thấy Đức Giêsu”, bằng làm cho người khác nhận ra Đức Giêsu ở chính nhà truyền giáo, gặp gỡ Đức Giêsu trong “đời sống” của người được sai đi, yêu mến Đức Giêsu ngay trong trái tim người giới thiệu Tin Mừng, như các môn đệ nhận ra Chúa Cha qua Đức Giêsu, vì Ngài là dung mạo đích thực của Chúa Cha. Chẳng thế mà khi Philípphê thắc mắc, Đức Giêsu đã trả lời ông: “Thầy ở với anh em bấy lâu nay, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?” (Ga 14,9).
Trả lời Philípphê cũng là sứ điệp Đức Giêsu gửi mỗi nhà truyền giáo. Sứ điệp ấy khẳng định: Nếu anh em thấy Thầy là thấy Chúa Cha, thì  mọi người cũng phải thấy được Thầy khi họ thấy anh em. 
Bởi môn đệ phải giống Thầy, nên nhìn môn đệ sẽ biết Thầy, quan sát đời sống môn đệ sẽ vẽ được chân dung Thầy; bởi môn đệ không hơn Thầy, nên trò tốt thì Thầy tuyệt hảo, sư phụ nhân hậu “sản sinh” những môn đệ nhân lành, Thầy tài đức sẽ cho ra đời những môn sinh có đức có tài. Đó là quy luật của tương quan trong đời thường.
Với Đức Giêsu, người môn đệ còn phải đi xa hơn gấp nhiều lần, vượt khỏi quy luật đời thường vừa kể, để không chỉ trở nên giống Thầy, “đồng hình đồng dạng với Thầy”, mà còn phải “nên một” với Thầy, “ở lại trong Thầy” (Ga 15,4), như “Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,11), vì ước mơ của Đức Giêsu chính là “Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” (Ga 14,20).
Như thế, sứ mệnh truyền giáo được Đức Giêsu trao phó không chỉ là rao giảng, loan truyền, mà còn “tỏ ra cho mọi người thấy rõ, thấy chính xác Đức Giêsu là ai để yêu mến và nên một với Ngài”. Nghiã là, người được rao giảng cũng sẽ phải đạt đến tình trạng “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu, nên một với Đức Giêsu, ở trong Đức Giêsu như người rao giảng.
Và để thực hiện công trình “tỏ cho người khác Đức Giêsu và làm cho họ nên một với Đức Giêsu”, chính nhà truyền giáo phải đạt đến mức độ thiết thân “nên một” này trước, thì mới có khả năng tỏ cho muôn dân Đức Giêsu đích thực, Đức Giêsu Thiên Chúa và Con Người. Nếu không, lời rao giảng của nhà truyền giáo dễ trở thành công tác chuyển giao một mớ kiến thức tôn giáo mà không giới thiệu một con người, không làm chứng một Thiên Chúa, công việc mà chỉ có tình yêu “nên một” trong nhau, tình yêu kết hiệp mật thiết với nhau mới có thể nói đúng về nhau, diễn tả chính xác về người mình biết, mình yêu cho người khác.
Nói tóm lại, chỉ với ngôn ngữ của tình yêu đích thực, người môn đệ  mới nói xác thực về Thầy mình cho người khác; chỉ bằng ngôn ngữ Tình Yêu sâu sa dành cho Thầy mình, người được Đức Giêsu sai đi truyền giáo mới có thể thuyết phục người khác yêu mến và tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa Tình Yêu, là Mục Tử nhân lành, là Người Cha giầu lòng thương xót.  
Thực vậy, Đức Giêsu muốn các môn đệ Ngài phải ở trong Ngài, nên một với Ngài, vì truyền giáo là sứ mệnh hệ trọng, cam go và khó khăn: khó khăn vì giới thiệu một Thiên Chúa cho con người, cam go vì Thiên Chúa ấy không chỉ là Thiên Chúa mà còn là Người, và hệ trọng, vì “Thiên Chúa làm người” ấy là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại, mà bất cứ ai muốn được cứu sống đều phải nghe tiếng Ngài và đi qua Ngài (x. Ga 10).
Ngài còn trao cho các ông trách nhiệm tỏ cho người khác về Ngài một cách đích thực, chính xác, không sai sót, không làm méo mó, lệch lạc dung mạo Con Người - Thiên Chúa của Ngài.
Và để làm được công việc khó khăn này, ngoài đòi hỏi trở nên giống Ngài, đồng hình đồng dạng với Ngài, mang cùng trái tim như Ngài, có cùng thao thức, khắc khoải, mơ ước như Ngài, nhà truyền giáo phải hiểu: không còn cách thế, phương tiện nào tốt hơn, hữu hiệu hơn để người khác nhận ra Đức Giêsu Thiên Chúa nơi mình, qua lời mình nói, qua việc mình làm, qua đời mình sống, bằng liên lỉ ở lại trong tình yêu kết hiệp với chính Đức Giêsu, nguồn mạch Tình yêu.  
Đến đây chúng ta hiểu rõ hơn: tại sao Đức Giêsu đã không đưa ra một phương án nào khác ngoài “Anh em hãy thương yêu nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12) như dấu hiệu duy nhất của người môn đệ thuộc về Ngài và được Ngài sai đi truyền giáo? Tại sao Đức Giêsu đã chọn giải pháp truyền giáo bằng để người ta nhận ra Ngài qua các môn đệ, khi họ yêu thương nhau? (x. Ga 13,35)   
1.   Truyền Giáo hệ tại ở lòng yêu mến Đức Giêsu :
   Muốn giới thiệu Thiên Chúa, nhà truyền giáo phải yêu Thiên Chúa, phải có kinh nghiệm tình yêu với Thiên Chúa, nếu không sẽ không biết gì về Thiên Chúa để nói về Ngài, “vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8).
Bởi thế sẽ không có truyền giáo đích thực và hữu hiệu, nếu không có tình yêu sâu sa giữa Thiên Chúa và nhà truyền giáo, vì hoa trái của truyền giáo không hệ tại ở bất cứ khả năng, điều kiện, phương tiện, thế lực nào khác ngoài Tình Yêu trong Đức Giêsu :“Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
“Chẳng làm được gì” mang một ý nghiã thất bại hoàn toàn, vô ích, vô dụng toàn phần, toàn bộ. Không ở trong tình yêu của Đức Giêsu, công việc truyền giáo không mang một ý nghiã thiêng liêng nào, vì truyền giáo là tỏ cho người khác biết Thiên Chúa yêu thương họ trước khi họ yêu mến Ngài.
Để nói được Thiên Chúa yêu thương họ, nhà truyền giáo sẽ diễn tả thế nào tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, nếu chính nhà truyền giáo chưa một lần cảm nghiệm tình yêu thiêng liêng ấy? Để truyền vào trái tim người khác tình yêu Đức Giêsu, nhà truyền giáo sẽ truyền cách nào, nếu chưa một lần đi trên con đường tình của  Thiên Chúa và con người? Để thắp sáng, và đốt nóng trái tim người được rao giảng Tin Mừng, nhà truyền giáo đốt bằng lửa nào, thắp bằng ánh sáng nào, nếu tim nhà truyền giáo chưa một lần bừng cháy, rực lửa tình yêu Đức Giêsu?
Thế nên tiên vàn của truyền giáo là “yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14,21).
Được Đức Giêsu tỏ mình, người môn đệ, nhà truyền giáo mới có thể tỏ cho mọi người Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng cứu độ muôn dân” là mục đích của ơn gọi tông đồ và sứ mệnh truyền giáo.       
2.   Truyền Giáo hệ tại ở tình yêu thương anh em:
Vì truyền giáo không là công việc dành riêng cho một người, công tác đặc cử cho riêng một nhóm, vinh dự dành riêng cho một giai cấp, quyền lợi của riêng một đoàn thể, nhưng là ơn gọi và sứ mạng của tất cả mọi người đã nhận Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa và dấn thân đi theo Ngài, nên không ai, không tổ chức, không phe nhóm nào được phép độc quyền bao sân, toàn quyền thao túng. Chính vì thế, truyền giáo đòi hợp tác, đòi cộng tác, đòi nhiều người cùng làm, đòi tất cả cùng tham gia, đòi mọi thành phần cùng chung vai sát cánh. Và để thực hiện công tác chung, công việc chung là truyền giáo, mọi người phải hiệp nhất trong tình yêu của chính Đức Giêsu, như lệnh truyền của Ngài: “Anh em hãy thương yêu nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Tại sao Đức Giêsu muốn môn đệ Ngài phải yêu thương bằng tình yêu của Ngài, và yêu thương như Ngài đã yêu thương họ?
Thưa vì tình yêu của Ngài không là tình yêu của thế gian, cách yêu của Ngài cũng không phải cách yêu của con người, khi tình yêu được Ngài thay đổi định nghiã và đổi mới cách yêu thương.
Thực vậy, không chỉ thế gian mà cả Luật Môsê cũng dậy rằng: “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù”. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43-44). Luật còn dậy: “Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5,38-42).
Đức Giêsu còn dậy các môn đệ : “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13), và làm gương  yêu thương khi “Người đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).
Với tình yêu và cách yêu của Giới Luật mới, Đức Giêsu đòi hỏi những ai muốn theo Ngài phải thương yêu nhau, vì chỉ khi thương yêu nhau, người môn đệ mới làm chứng về Ngài, và mới tỏ được Ngài cho người khác.
Như thế, nhà truyền giáo không thể lên đường mà bỏ quên hành trang “yêu thương nhau” như Đức Giêsu đã thương yêu các vị; không thể lơ là bổn phận “yêu thương nhau” như điều kiện để truyền giáo, vì truyền giáo hệ tại ở tình yêu dành cho Đức Giêsu, và cùng lúc tình yêu dành cho nhau.     
Nhưng “yêu thương nhau” đây không chỉ là tình yêu giữa anh chị em được sai đi truyền giáo, tình thương giữa anh em môn đệ, tông đồ với nhau, tình yêu thương của riêng giai cấp được chọn và sai đi, nhưng còn là tình yêu của nhà truyền giáo với người được truyền giáo, tình thương giữa người rao giảng và người được nghe  giảng, như Đức Giêsu đã chạnh lòng thương đám đông đi theo Ngài và lắng nghe Ngài dậy bảo.
Bởi có tình yêu, nhà truyền giáo mới tôn trọng quyền lắng nghe và quyền chọn đi theo Đức Giêsu của người được rao giảng. Nếu không, truyền giáo sẽ chỉ là khống chế tự do của người khác. Điều này trái  ngược với đức tin là ân huệ của Thiên Chúa mà mỗi người đón nhận với tất cả tự do.
Bởi có tình yêu, nhà truyền giáo mới nhìn nhận giá trị làm con Thiên Chúa, và là anh em của chính nhà truyền giáo nơi người được truyền giáo. Nếu không, mãi mãi người được truyền giáo sẽ bị coi là công dân hạng hai, hạng ba, hạng bốn của Nước Trời, so với nhà truyền giáo luôn là công dân hạng nhất, công dân ưu tú, ngoại hạng, đối chọi với tinh thần của Đức Giêsu được chính Ngài  mặc khải trong dụ ngôn “Thợ làm vườn nho”, với khả thể bất ngờ: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên, hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót” (Mt 20,16).
Bởi có tình yêu, nhà truyền giáo mới không rơi vào tình trạng mị dân khi truyền giáo. Và vì không nhắm bất cứ mục đích “ích kỷ, vụ lợi” nào, nhà truyền giáo mới hoạt động một cách vô tư vì lợi ích và hạnh phúc thiêng liêng của người khác, mà không mua chuộc, móc nối và biến những người được rao giảng thành đám đông “fan cuồng” của mình.
Bởi có tình yêu, nhà truyền giáo mới không e dè, ngần ngại mời gọi người được truyền giáo tham dự tích cực và thực sự vào đời sống của Giáo Hội, mà không phân biệt kỳ thị hay sợ hãi, bởi “hiệp thông và chia sẻ trách nhiệm trong Giáo Hội” là mục tiêu phải đạt của tiến trình truyền giáo.
Bởi có tình yêu, nhà truyền giáo mới có thể nói với người được rao giảng ngôn ngữ  Tình Yêu của Đức Giêsu, một thứ ngôn ngữ mà ai cũng nói được, cũng hiểu được, vì không ngôn ngữ nào dễ hiểu, dễ nói hơn ngôn ngữ tình yêu, không ngôn ngữ nào lọt sâu trong lòng người, thấm sâu vào đời sống bằng ngôn ngữ của trái tim,  như  đường tình từ trái tim đến trái tim là con đường ngắn nhất, nhanh nhất, hiệu qủa nhất giữa con người.
Vì thế, nhà truyền giáo không yêu người mình rao giảng sẽ không thể thành công, vì không ai muốn nghe người không thương mình nói; không ai dại dột tin người “nói một đàng làm một nẻo”, rao giảng Tin Mừng Tình Yêu Cứu Độ, nhưng hành động như kẻ vô cảm, nhẫn tâm, và tất nhiên  không ai ngu dốt đặt hy vọng nơi người chuyên gieo ảo tưởng, chuyên dệt ảo ảnh, chuyên vẽ vời hão huyền “bánh vẽ tình yêu”, để trục lợi, mưu tìm vinh quang cá nhân.
Tóm lại, khi được gọi và sai đi, nhà truyền giáo nghiễm nhiên phải hiểu: mình được sai đi để loan báo Tin Mừng yêu thương, giới thiệu và làm chứng Thiên Chúa yêu thương, và sứ mệnh này chỉ có thể thực hiện khi chính nhà truyền giáo có khả năng tỏ cho người khác Thiên Chúa yêu thương đang hoạt động trong họ, đang hiện diện và đồng hành với họ trong công việc truyền giáo, để nhà truyền giáo không bị nhìn và bị người được rao giảng nhận ra: họ chỉ là những người nói thuê với ngôn từ hoa mỹ, chữ nghiã rỗng tuyếch, như những loa phóng thanh vô hồn, vô cảm, vì trái tim họ chẳng dành cho ai, tình yêu họ không hướng về Đức Giêsu mà cũng chẳng hướng đến người đang nghe họ rao giảng.
Đừng tưởng người khác nhìn không tỏ, nghe không rõ, nhưng ai cũng có tai, có mắt và khả năng nghe, nhìn không chênh lệch bao nhiêu. Thế nên khi không yêu thương mà giảng Đức Ái; không bác ái mà dậy dỗ yêu thương; không từ tâm, nhân hậu mà lên lớp Tin Mừng Thương Xót; không đơn sơ, giản dị mà huyên náo chuyện khó nghèo Phúc Âm; không qủang đại, hy sinh mà to tiếng thúc đẩy thiên hạ xả thân, đóng góp; không khiêm tốn phục vụ mà diễn qúa sâu kịch bản “rửa chân”; không nhớ đến ai một lần, mà luôn miệng kêu gào phải chia sẻ, cầu nguyện; không dám bỏ mình một gang tấc, quên “cái tôi” một phút giây mà cứ hô hoán “phải từ bỏ, vác thập giá mình”, thì nhà truyền giáo đang tự đánh mất mình, khi trơ trẽn biến mình thành người nói dối, kẻ giả hình rất lố bịch, hợm hĩnh.    
Do đó, được mời gọi lên đường truyền giáo, người được sai đi phải xác tín:
·       Thiên Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài không thể là một thiên chúa khác, nên yêu thương là lệnh truyền và điều kiện để theo Ngài và được sai đi.
·      Tin Mừng là Tin Vui của Tình Yêu. Tin Mừng ấy không thay mầu đổi sắc để biến thành tin buồn, tin sét đánh, tin thất vọng, tin vu khống, tin hận thù, tin phá hoại, tin vịt cồ, tin nhảm nhí, nên Yêu Thương là ngôn ngữ duy nhất để loan báo Tin Mừng mà người được sai đi loan báo phải được trang bị.
·      Giới luật mới của Đức Giêsu là Tình Yêu “được định nghiã lại”: Yêu thương cả kẻ thù, nên trái tim của nhà truyền giáo phải có chỗ cho kẻ thù, lời cầu nguyện của người được sai đi phải mang cả kẻ ngược đãi, bách hại mình. Nếu không, truyền giáo chỉ còn được coi như tuyên truyền một giáo thuyết, mà không “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19), không nhắm “trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” vì Ngài yêu thương (Mt 5,48).
·      Đối tượng của đức ái được Đức Giêsu xác định là “người nghèo đói, rách rưới, bệnh tật, tù đầy, khách lạ, tỵ nạn, vô gia cư, thấp cổ bé miệng, cô thân, thất thế, yếu đuối bé nhỏ, bị bỏ rơi bị đàn áp”, nên nhà truyền giáo sẽ hoàn toàn phản chứng nếu chỉ chạy theo người có quyền, có của; đồng loã với kẻ gian tham, o bế phường bóc lột, và lệ thuộc, hèn nhát, câm nín trước kẻ nắm bạo quyền sinh sát người lành, kẻ yếu.   
Vâng, Đức Giêsu, Đấng sai nhà truyền giáo đi, cũng là Đấng nhà truyền giáo hết lòng yêu mến, giới thiệu, làm chứng trước muôn dân, và làm cho mọi người trở thành môn đệ Ngài. Ngài là Thiên Chúa nhân hậu, giầu lòng thương xót, Đấng Cứu Độ duy nhất của loài người, Đấng đến trong thế giới, ở giữa nhân loại để yêu thương và cứu chuộc mọi người.
Đó là lý do truyền giáo không thể tách rời Tình Yêu, không thể ở ngoài Tình Yêu, không thể không “nên một trong tình yêu với Đức Giêsu” như cành không thể tách khỏi cây, nếu không sẽ khô héo liền (x. Ga 15,1-8).
Chính Tình Yêu Đức Giêsu làm cho nhà truyền giáo được hiệp nhất với Thiên Chúa, và chỉ trong Thiên Chúa, trong Tình Yêu Đức Giêsu và được Tình Yêu Đức Giêsu thúc bách, nhà truyền giáo mới có khả năng “tỏ cho người khác Đức Giêsu Thiên Chúa” bằng yêu thương họ với chính Tình Yêu được hiệp nhất trong Thiên Chúa, bởi ở ngoài Tình Yêu là Thiên Chúa, là Tin Mừng, là Giáo Lý, là Giới Luật, là Lẽ Sống, là Đối Tượng, là Động Lực, là Con Đường, là Phương Tiện, là Cách Thế, nhà truyền giáo sẽ không làm được bất cứ việc gì, không đem lại bất cứ hoa trái nào cho mình cũng như cho người khác trên đường truyền giáo, trong công cuộc truyền giáo.  
Jorathe Nắng Tím  

0 nhận xét: