Khi mâu
thuẫn, bất đồng, bất hoà, vợ chồng thường đem con cái ra để hằn học, chỉ trích,
đấu đá nhau. Đại loại những điệp khúc quen thuộc như: “Ông không lo con cái gì
hết. Việc lớn nhỏ gì của con cũng đến tay tôi”, “Bà bỏ bê con, chỉ lo tám chuyện, ngôi lê mách lẻo”, “Con chung, chứ
phải con riêng tôi đâu mà ông không đoái hoài đến chúng nó”.
Vợ chồng
bất hoà thường chung một chiến thuật: đem con cái ra làm con tin, điều kiện
thương lượng, trao đổi. Và người ta không thể bỏ qua chỗ đứng của con cái trong
mọi vấn đề của vợ chồng lúc thuận hoà cũng như bên bờ đổ vỡ.
1. Tình cha, tình mẹ, tình con:
Người
ta có thể khác nhau ở cách diễn tả, nhưng tình yêu cho con thì cha mẹ bình thường
nào cũng có.Tất nhiên cũng có một số rất ít những người mẹ “bất thường”, người
cha “bệnh hoạn” nhẫn tâm bán con, hãm hiếp con, hành hạ con để thoả mãn bản
năng thấp hèn, hoặc tính tham lam không đáy.
Cha mẹ
thương yêu con, con cái kính yêu cha mẹ.
Đó là quy luật tự nhiên và tình cảm thiêng liêng trong tương quan cha mẹ - con
cái. Quy luật tự nhiên này nối kết và làm cho kẻ được sinh ra và đấng sinh
thành không bao giờ muốn rời xa nhau. Họ ở với nhau, gần sát bên nhau, chung
nhau một mái nhà, căn hộ, vì không muốn rời xa nhau. Không rời xa nhau, vì tình
cha mẹ đòi ở gần con, và tình con khao khát ở với cha mẹ. Vì thế mới khổ khi phải
cách xa, đau khi phải chia lià, xót xa khi phải ly tán; bởi đã là gia đình, đã
chung một mái ấm, người ta rất sợ phải
xa nhau như tiếng ca muôn thưở của cả nhà : “xa là nhớ, gần nhau là cười”.
Nhiều
người lầm tưởng: cứ lo cho con ăn mặc đầy đủ, vật chất dư thừa, đời sống tiện
nghi “tận răng” là thương con, và chu toàn bổn phận làm cha mẹ. Đồng ý: vật chất
là điều không thể thiếu, nhưng con cái đâu chỉ có nhu cầu vật chất, chúng còn những nhu cầu
tinh thần, nhu cầu thiêng liêng khác, và một trong những nhu cầu thiết yếu, căn
bản, đó là sự hiện diện của cha mẹ.
Sinh hoạt
ngày nay trong một xã hội chạy đua với thời gian thì sự hiện diện thường xuyên của cha mẹ bên
con cái ngày càng trở nên qúy hiếm. Vì đòi hỏi gay gắt của việc làm, vì phải cạnh
tranh không ngơi nghỉ và đấu tranh liên tục, cha mẹ không còn nhiều thời giờ
cho con, không tìm được thời gian dành cho con trọn vẹn, và đó chính là lỗ hổng
lớn, thiếu sót không thể coi thường và là nguy cơ đe dọa công trình giáo dục con cái và hạnh phúc gia
đình hôm nay.
Vì con
cái khao khát ở với cha mẹ, cũng như cha mẹ không muốn rời xa con cái, mà ly dị
trở thành nỗi đau không chỉ cho cha mẹ mà cho cả con cái, vì chúng không muốn mất
cả hai người đã sinh ra và yêu thương chúng. Cũng vì lý do này mà vợ chồng rất
do dự trước quyết định ly hôn.
Do dự,
ngần ngại, kể cả sợ hãi trước ly hôn hầu hết không vì sợ mất nhau, trái lại vợ
chồng bất hoà, bất đồng, bất mãn, bất tín, bất trung đối với nhau chỉ mong sớm rời
xa nhau để không còn phải chịu đựng nhau như án tù chung thân, như hình phạt hoả
ngục, nhưng sở dĩ phần đông đã không dám bạo tay xé hôn ước chính là vì không
muốn mất con, xa con, thấy con bị vợ mới
của chồng cũ mình nạt ộ, sai khiến, hay
con mình bị chồng mới của vợ cũ mình nhiếc mắng, hành hạ. Nỗi đau của
cha mẹ trước nguy cơ mất con và thảm cảnh con mình bị ngược đãi làm quặn thắt
tim cha, tan nát lòng mẹ, vì tình phụ tử, mẫu tử vẫn còn đó tha thiết réo gọi,
sôi sục thôi thúc, mạnh mẽ áp lực.
Thực vậy,
hỏi tim ai không nhói đau khi nghe con gái năm tuổi phụng phịu: “Con không muốn
ba mẹ bỏ nhau đâu. Ba mẹ bỏ nhau, con ở với ai ?” hoặc con trai lớp bốn nước mắt lưng tròng: “Con muốn ở với cả ba và
mẹ. Tại sao ba mẹ không ở chung với con nữa ? Con thấy ba mẹ cứ ở chung, có sao
đâu ? ”.
Đúng thế,
“có sao đâu” chuyện ba mẹ tiếp tục ở với con trong căn hộ thân thương, dưới mái
nhà ấm áp, vì đối với các con, cha mẹ ở chung và con cái ở cùng cha mẹ là điều
hiển nhiên, không được đặt thành vấn đề. Nhưng các con đâu có hiểu: vấn đề riêng
của cha mẹ đã trở thành vấn đề chung của cả nhà và chuyện người lớn mang đến những
hậu qủa đau thương trên đám con ngây thơ, bé bỏng. Tai ương đã thực sự sụp đổ trên con cái khi đơn xin ly hôn của
cha, mẹ được nộp và thủ tục phân chia con cái được nghiên cứu, tiến hành không
khác thủ tục phân chia tài sản. Con cái sẽ phải “tan đàn xẻ nghé”, đứa ở với cha,
đứa ở với mẹ, hoặc phải bỏ cha ở luôn với mẹ, hay bỏ mẹ ở mãi với cha.
Nhưng
dù phân chia công bằng, chính xác thế nào đi nữa, và sắp xếp khéo léo đến đâu,
con cái vẫn mất thăng bằng tâm lý, bị khủng hoảng, vì chúng ý thức rất rõ, và cảm
nghiệm rất sâu, rất mãnh liệt: chúng được sinh ra bởi cả cha và mẹ, nên cần sống
với cả mẹ và cha. Mẹ không thể thay thế cha, cha cũng không thay thế được mẹ. Mẹ
có chỗ đứng đặc thù của mẹ trong lòng con, ba có vai trò riêng biệt của ba
trong đời con. Không người nào có thể bao sân, thay cho người khác; cũng như mẹ
không thể coi nhẹ phần đóng góp của cha trong sự phát triển nhân cách và thành
công của con. Cha và mẹ, cả hai đều cần thiết, nên khi mất cha là con trở thành
đứa con mồ côi cha, mất mẹ thành mồ côi mẹ cũng như khi phải xa cha là hiu hắt
đời con vắng cha, và héo hon đời con đơn côi khi không được sống gần mẹ.
2. Ly hôn là ly tán gia đình:
Những cặp
vợ chồng chưa có con thì ly dị chỉ là cuộc ly tan giữa hai người lớn trước đó
đã ký chung một khế ước hôn nhân. Trong trường hợp này, tài sản là đề tài được
bàn tới, ngoài ra không còn gì phải bận tâm sau khi chia chác xong. Trái lại,
những vợ chồng đã có con, nhất là con còn nhỏ, mà ngay cả con đã trưởng thành
nhưng còn ở với cha mẹ, còn cần cha mẹ giúp đi học, kiếm việc làm, lập gia đình
thì vấn đề sẽ nhiêu khê, phức tạp và kéo dài không biết đến bao giờ.
Vì con
cái không như tài sản vật chất chia đều là xong, chia công bình là ổn thoả,
chia hợp lý là thoả mãn yêu cầu, nên ly dị trở thành nguyên nhân gây ra nhiều nỗi niềm : niềm đau nỗi
buồn, niềm thương nỗi nhớ, niềm khắc khoải - nỗi băn khoăn:
a.
Niềm đau nỗi buồn khi phải xa con.
Từ nay
cha, hoặc mẹ không còn được ở gần con, được tận tay lo cho con từng bữa ăn, giấc
ngủ và trực tiếp giải quyết những khó khăn của con, vì quyết định chia con của
toà án. Con sẽ phải xa cha hoặc mẹ, và cảnh chia ly sẽ làm tê tái trái tim cha,
đứt ruột nát gan mẹ.
Quả thực,
không vợ chồng ly dị nào có thể phủ nhận hoặc quên được cảnh đoạn trường chia
ly khi nhìn đám con đứng khóc: đứa thổn thức khóc ròng, đứa
nức nở gào thét, đứa rấm rức nghẹn ngào,
đứa nnước măat vỡ oà vì phải xa mẹ, mất cha. Còn nỗi buồn nào da diết hơn khi con
phải xa vòng tay mẹ . Còn niềm đau nào
quặn thắt hơn khi bất lực nhìn con thơ dại vụt khỏi tầm tay của tình cha che chở, bảo bọc. Chắc suốt đời sẽ không có
niềm đau, nỗi buồn nào đau hơn, buồn hơn và hình ảnh buồn đau này sẽ mãi ám ảnh
vợ chồng ly dị.
b.
Niềm thương, nỗi nhớ con:
Xa là
nhớ, nên càng xa nghìn trùng, càng thăm thẳm, biền biệt trong không gian và thời
gian, sẽ càng thương nhớ khôn nguôi, càng não nề, trăn trở. Mẹ nhớ con, thương
con, vì con không còn ở với mẹ để mẹ biết con cần gì, thiếu gì, đợi chờ gì. Từ
nay, con xa mẹ, tuy vẫn ở trong nhà cha con, nhưng nhà từ nay thuộc quyền điều
hành của người đàn bà khác, không phải mẹ, nên con sẽ tủi thân vì không có mẹ,
sẽ buồn, sẽ khóc vì người đàn bà mới sẽ không thương con và cưng chiều con như
mẹ. Không ai cấm được niềm thương trong hồn mẹ khi không có con ở cùng; không ai ngăn được nỗi
nhớ của cha khi không được sống kề cận con, và thương nhớ ấy sẽ rất kinh khủng nếu con cái lâm vào hoàn cảnh thiếu thốn, bất
hạnh, bị bạo hành, bạc đãi.
c.
Niềm khắc khoải, nỗi băn khoăn cho tương lai, hạnh
phúc của con:
Không
cha mẹ nào không lo lắng cho tương lai của con, không lo sợ những bất hạnh có
thể đổ ập trên đời con. Tình cha mẹ là từng phút băn khoăn, từng giây thấp thỏm, từng đêm thao
thức vì tương lai, và hạnh phúc của con. Nỗi lo ấy nay sẽ lớn hơn, khi không
còn được ở gần con để hướng dẫn, nâng đỡ, ủi an. Và càng thấy rõ đường con đi chông gai, mẹ càng thót tim xót
ruột, vì không còn khả thể dõi từng bước con đi và tránh cho con những cạm bẫy hiểm nguy
trên đường đời. Nỗi sợ ấy sẽ ngày càng
ác liệt đe dọa khi ngày mai của con dầy đặc suơng mù mà cha thì ngày càng bất lực,
vì không ở bên con, chưa kể từ nay cha bận bịu, vất vả vì gánh nặng của gia đình mới.
Thảm cảnh
kinh hoàng nhất mà vợ chồng ly dị phải đối phó chính là niềm thương nhớ con ở
hiện tại và nỗi lo ngày mai cho con cái. Bởi khi không còn được ở gần con, ở với
con, cha mẹ mới thấm thiá nỗi bất hạnh làm cha mẹ mà không được quyền lo cho
con, không còn khả năng chuẩn bị tương lai cho con, không còn tư thế gầy dựng hạnh
phúc cho con. Thực tế đã chứng minh điều này, khi một trong hai người vì tự ái
hoặc vì muốn trả thù người bạn đời cũ đã không cho người kia được thăm nom con,
cũng không được quyền tham dự, chia sẻ nghiã vụ và quyền lợi của đấng sinh
thành trên con cái mình. Bao nhiêu người cha đã đành nuốt lệ khi không được
giúp con mình thành đạt, chỉ vì “mẹ nó”, “bố nó”, tức người vợ cũ, chồng cũ quyết
tâm và dùng mọi biện pháp cấm đoán, ngăn
cản.
Tình trạng
sẽ còn bi thương hơn nếu cả hai người ly dị đều tái hôn. Ở vào hoàn cảnh mới với
nếp sống “con anh, con tôi, con chúng ta”, những đứa trẻ phải ở chung với dượng,
hoặc kế mẫu thường khó có thể hạnh phúc và thành công, vì tâm lý thiếu quân
bình, tình cảm xáo trộn do không còn sự
hiện diện yêu thương và bảo đảm của cả cha và mẹ, chưa kể áp lực thường xuyên nặng
nề của bố dượng, kế mẫu và con cái riêng của những nhân vật vốn xa lạ nhưng bỗng
có toàn quyền này.
d. Nỗi khổ
thấy con cái bị biến thành món hàng, điều kiện, phương tiện:
Chứng
kiến con cái bị biến thành món hàng để
trao đổi, điều kiện cho những yêu sách,
và phương tiện để thương lượng bởi chính mẹ hoặc cha chúng là đau khổ của người
cha, người mẹ đứng đắn, lương thiện và đầy tình thương con. Cái oái oăm man rợ
và đáng sợ ở đây chính là mẹ, hoặc cha đã nhẫn tâm dùng con ruột mình như món hàng
trao đổi, biến con thành điều kiện để làm áp lực trên người chồng, người vợ cũ.
Có những cái “nếu” phi nhân đến rùng
mình: “Nếu anh không đưa gấp số tiền tôi muốn, tôi sẽ bỏ đói con”, “nếu anh
không làm như tôi yêu cầu, tôi sẽ bán con, cho nó nghỉ học, bắt đi lấy chồng Đài
Loan” Ôi những cái “nếu” của thời hậu ly dị giữa hai người không còn chung sống đã cạn tình, cạn nghiã;
những cái “nếu” kinh hãi vì qúa kinh khủng, kinh hoàng của những người cha, người
mẹ chỉ vì cần trả thù người phối ngẫu cũ đã dã man biến con mình thành một món hàng
mua bán, điều kiện thương thảo, phương tiện đạt yêu sách.
Hậu ly
dị với những thảm kịch, trong đó có thảm kịch biến con cái thành những diễn
viên bất đắc dĩ và tội nghiệp, đáng thương. Khi vô tâm, vô cảm dùng con như
phương tiện để đạt những yêu cầu ích kỷ, và thoả mãn lòng thù hận đối với người
bạn đời cũ đã ly dị, người ta đã vi phạm nhân quyền, chà đạp nhân phẩm và phạm
trọng tội chống lại nhân loại.
e.
Nỗi tủi nhục khi bị chính con mình khinh khi, phủ
nhận:
Người
ly dị, ngoài những cái đau vì xa con, mất con, không lo được cho con, không còn
quyền trên con, có thể phải chịu thêm một nỗi đau ngút ngàn khác, đó là bị
chính con mình khinh khi, phủ nhận.
Sau khi
ly dị, vợ chồng thường mở chiến dịch giải trình, cắt nghiã, phân bua lý do đã
đưa đến ly dị và hầu hết đều nhận phần đúng về mình, đồng thời quy trách, quy tội
cho người bạn đời đã ly hôn. Mục đích là chứng minh mình vô tội, mình tử tế, mình
đàng hoàng, mình không sai, không làm bậy, và thủ phạm gây nên mọi rắc rối, phiền
phức, kể cả tội ác chính là người kia.Và
đối tượng thứ nhất, ưu tiên số một cần lôi kéo chính là con cái.
Con cái
được cả cha lẫn mẹ tôn lên làm trọng tài, những trọng tài đã bị mua chuộc, nhồi
sọ bởi đấu thủ. Đã không thiếu những người mẹ cay nghiệt lên án chồng cũ và dùng
mọi thủ đoạn kéo con cái về phe mình và đạo diễn, thúc đẩy, mua chuộc chúng bôi
bác, mạ lỵ, lên án cha chúng. Họ muốn biến những đứa con thành địch thủ của cha
và vận dụng mọi khả năng, phương tiện đạp đổ danh dự, dầy xéo uy tín của cha chúng. Cũng đã xẩy ra bi kịch con gái bị
mẹ mê hoặc đã dựng chuyện tố cáo cha ruột hãm hiếp mình. Và nhan nhản những đứa
con đã từ chối, phủ nhận cha hoặc mẹ chỉ
vì bị đầu độc, xúi bẩy bởi một trong hai đấng sinh thành.
Cũng có
những trường hợp cả cha và mẹ ly dị đều bị con cái từ bỏ, nguyền rủa vì cho rằng cha mẹ đã không chu toàn bổn phận
làm cha mẹ đối với chúng, nhất là đã làm chúng khổ, bị thiệt thòi, chịu nhiều căng thẳng tinh thần vì những
tháng năm mâu thuẫn chồng chất giữa cha
mẹ. Khi nguyền rủa, khinh khi cha mẹ, con cái không những không nhận những nguời đã sinh thành ra mình là cha
mẹ, mà còn muốn xóa sạch những dấu ấn yêu thương của cha mẹ trong đời chúng. Phần
đông có thái độ đối kháng cực đoan như trở nên cực kỳ keo kiệt, bủn xỉn nếu cha
mẹ đã có lối sống hoang phí, bừa bãi để rồi bị khánh kiệt, nghèo túng.
Tội
nghiệp những người cha, người mẹ bị con cái khinh bỉ, kể tội, lên án. Có những
nỗi đau có thể nguôi ngoai với thời gian, có những nỗi khổ có thể vơi dần theo
năm tháng, có những nỗi buồn sẽ phôi pha, lắng đọng; nhưng tủi hổ bị con khinh,
nhục nhằn bị con từ chối là những “vết thương lòng” sâu hoắm tưởng chẳng bao giờ
chịu liền da, và qua đến kiếp sau chắc
cũng còn nhức nhối.
Tóm lại,
con cái là vấn đề lớn trong sự việc ly dị của vợ chồng. Chính vì là vấn đề lớn
mà người trong cuộc dễ bị hốt hoảng, mất tinh thần khi giải quyết. Người ta có
thể sai lầm trong việc khác, nhưng việc con cái, thiết tưởng phải hết sức cẩn
trọng để tránh sai lầm, vì bất cứ sai lầm nào liên quan đến con cái đều kéo
theo những hậu qủa rất đáng buồn và dường như không thể cứu chữa sau đó.
Các nhà
tâm lý gia đình đề nghị vợ chồng trong thời hậu ly dị phải tuyệt đối tránh thái
độ khiêu khích, tấn công nhau. Bởi khi rơi vào tình trạng hiềm khích, thù hận,
người ta khó tránh khỏi một việc làm cực kỳ nguy hiểm vì có hại trên con cái,
đó là lôi kéo đồng minh là con cái để bôi nhọ danh dự, sát phạt, xử tội nhau. Đừng
quên người phối ngẫu vừa ly dị với ta là cha, là mẹ của con ta, nên khinh miệt,
nguyền rủa, tấn công họ tức là triệt hạ cha, mẹ của con. Làm như thế, liệu ta
có tránh cho con một nỗi đau u uất mới ?
Thái độ
được khuyến khích là thái độ xây dựng bằng cách tránh những gì tiêu cực, phá hủy,
tiêu diệt, nhưng phát huy tinh thần cởi mở, tương kính và giúp con cái yêu mến cả
cha lẫn mẹ , cho dù hai người không còn chung sống và không còn là vợ chồng. Tấm
gương sáng đem lại niềm vui, nguồn an ủi lớn cho con cái trong gia đình đã ly
tan vì ly dị là thái độ tương kính, và những việc làm tương trợ của cha mẹ đã
ly dị. Con cái sẽ bám vào đây như người chết đuối bàm chặt phao cứu hộ. Nhở
phao tương kính, tương trợ, con cái còn tìm được chỗ dựa, bến đỗ an toàn cho cuộc
đời nhiều cam go, thử thách của những đứa con từ nay không bao giờ được chung sống
với cả cha lẫn mẹ dưới cùngmột mái nhà, trong cùng một tổ ấm.
Vợ chồng
sau khi ly dị nên tránh tiếp tục cuộc chiến “không đội trời chung”, nhưng hãy
buông tha nhau để con cái được sống bình
an. Đừng để cuộc sống của con cái tiếp tục chao đảo, ngột ngạt, sầu buồn, bất hạnh
vì cha mẹ cắn xé nhau như hai kẻ thù.
Ý tưởng
và thái độ ghen tuông, “không được ăn nên đạp đổ” khi chồng, hoặc vợ cũ đi thêm bước mới, lập một gia đình mới luôn dẫn
đến hành vi tạo áp lực trên con cái để con cái phải vào phe mình tìm cách phá
hoại hạnh phúc mới của chồng cũ, vợ cũ. Không thiếu những thảm kịch mà diễn
viên chính là con cái của cha mẹ đã ly hôn. Gọi là thảm kịch vì hậu qủa mang lại
luôn rất thảm hại, đáng thương.
Tóm lại,
hai người ly dị phải đủ bình tĩnh để
nghĩ đến hạnh phúc của con cái. Dù gì đi nữa, các con cũng là con của cả hai
người, nên chúng rất đau khổ khi bị giằng kéo, xâu xé bởi lòng ích kỷ, căm phẫn
của hai cha mẹ. Ở vào hoàn cảnh bi đát, khó sống, khó xử này, con cái sẽ chọn
con đường thoát ly, “bụi đời” để không cỏn bị bán đứng hay bị biến thành món
hàng trao đổi “không bao giờ ngã ngũ giá cả” giữa hai người đã sinh ra chúng.
Nhiều
đôi ly dị đã biết đặt con cái lên hàng đầu, trên những tranh chấp, kèn cựa để bảo
đảm tối đa quyền lợi và thành công của con cái. Chính vì đồng thuận lo cho con,
họ coi nhau như những người bạn trên hành trình mới, với cuộc sống mới, mà
không gây phiền phức, cản trở cho nhau. Họ là những người thức thời khi chọn
thái độ của người tử tế để mọi người trong cuộc đều được tôn trọng và hạnh
phúc.
Họ là
người thức thời khi biết tìm mọi phương án tốt nhất cho hạnh phúc của con cái.
Dù chúng ở với mẹ hay cha, dù chúng ở với các con riêng của vợ mới, chồng mới,
người ly dị khôn ngoan vẫn có thể vận dụng mọi khả năng để quyền lợi của con
mình không bị lấy mất. Và để thực hiện được điều này, điều kiện phải có chính
là tương quan thân thiện và bầu khí hoà bình giữa hai cha, mẹ đã ly hôn.
Họ cũng
là người tử tế khi tuyệt đối tôn trọng đời sống mới của nhau, tôn trọng quyết định
làm lại cuộc đời của nhau. Những chuyện riêng tư, những lấn cấn, lôm côm, cả những
bí mật về nhau phải được quên đi, và cho
trôi hẳn vào dĩ vãng. Nhờ thế, cả hai đều được thanh thản, an bình. Thái độ qủang
đại là điều không thể thiếu ở thời hậu ly dị để mọi khó khăn vật chất, tinh thần
của hai bên được vơi nhẹ, nhất là tránh cho con cái rơi xuống hố thất vọng một
lần nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét