Pages - Menu

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

TRONG MỘT THẾ GIỚI BẠO LỰC

Những ngày tháng cách ly vì Covid-19, sinh hoạt toàn cầu như chậm lại, người người xem ra hiền lành, nhu mì, dễ thương hơn, và người ta có cảm tưởng đại dịch đã giúp ai nấy ý thức hơn về cuộc đời ngắn ngủi, vô thường, và phận người bèo bọt, mong manh như “hoa sớm nở tối tàn”, để có thể hy vọng từ nay cuộc sống cộng đồng  sẽ an bình, hoà thuận, thân ái hơn.
Nhưng thực tế chứng minh ngược lại: bạo lực vẫn khủng khiếp, khi “cách ly” chưa chấm dứt, dịch bệnh vẫn hung hăng hoành hành, tỷ số tử vong vẫn trồi sụt từng ngày, thì khắp nơi trên thế giới bạo lực đã làm tan hoang.
Ở Mỹ, hằng triệu người xuống đường biểu tình bạo động, đốt xe, phá tiệm, hôi của, bắn chết người trên khắp các thành phố của Mỹ, vì một cảnh sát da trắng đã bạo lực khống chế George Floyd, một người da đen 46 tuổi, và dùng đầu gối ghì chặt cổ suốt 8 phút 46 giây, khiến anh này nghẹt thở và tử vong tại chỗ. Ở Pháp,  ủng hộ cao trào chống kỳ thị chủng tộc đang nở rộ ở Mỹ, hàng ngàn người biểu tình hò hét inh ỏi đòi trả lại công lý cho Adama Traoré, cũng là người gốc Phi Châu đã chết sau vài giờ bị bắt giam tại đồn hiến binh Persan, vùng Beaumont -sur- Oise ngày 19/7/2016. Và khắp nơi, từ Úc qua Hồng Kông, từ Trung Đông sang Nam Mỹ… ở đâu cũng tràn ngập bạo lực đang đe dọa, làm sợ hãi. Cả Việt Nam được xem là đất nước an ninh, người dân cũng nơm nớp lo sợ bạo lực bất ngờ ập đến, như thời sự an ninh chính thức của nhà nước vừa thông báo: vào lúc 20 giờ ngày 5/6/2020 có hơn 200 thanh niên cùng mặc áo vàng cam chở nhau trên những chiếc xe gắn máy với hung khí như giáo mác, cây ba chiã xông vào đập phá, đâm chém loạn xạ trong Quán Ốc trên đường số 6, phường An Lạc A, quận  Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh làm đông đảo thực khách hốt hoảng bỏ chạy. Một người đàn ông chạy không kịp đã bị nhóm côn đồ này đánh gục nằm sõng sượt trên sàn nhà.      
Tình trạng bạo lực xã hội, hiện tượng bạo hành gia đình, không khí bạo lực trên khắp các phương tiện truyền thông là sự thật không thể chối cãi và ngày càng làm chúng ta sợ hãi, lo lắng cho một tương lai không an lành. Chúng ta lo cho con em khi bạo lực không chỉ trên đường phố, ngoài công lộ, nhưng có mặt ngay trong lớp học, giữa sân trường dưới đủ hình thức rất tồi tệ, dã man như thầy cô đánh học trò như “đánh địch, diệt thù”, và học trò canh me, chặn đường xử đẹp thầy cô như trong phim sát thủ, chiến tranh; chúng ta lo cho chính chúng ta khi bạo lực tràn lan, và có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, do bất cứ ai, vì bất cứ lý do nào: dừng xe trước đèn đỏ và ngơ ngác, lơ đãng nhìn chung quanh cũng có thể “chết oan” vì vô tình bị côn đồ kết tội “nhìn đểu”, nên cha mẹ chỉ thực sự an tâm khi con cái  trở về nhà bình an sau giờ đi học, đi làm vì ra đường không biết có về lại nhà được không, bởi trăm mối nguy hiểm bên ngoài.
Thực vậy, bất hạnh lớn nhất của chúng ta là phải sống trong một thế giới đầy bạo lực, khi không nơi nào bảo đảm an ninh, không chỗ nào có an bình, không địa điểm nào an toàn, không bị đe dọa, bởi hạnh phúc chúng ta đi tìm là được sống bình an trong một thế giới công lý được tôn trọng, luật pháp được thượng tôn, nhân quyền được bảo đảm.
Nỗi lo sợ trước bạo lực của chúng ta rất chính đáng, vì bạo lực đặt chúng ta trước những lo sợ “rất đáng sợ” vì những lý do sau:
1.   Đầu óc bạo lực không  biết đến bất cứ sự gì ngoài bạo lực:
Khi thấy những người cầm dao chém loạn xạ trên người khác, chúng ta ngạc nhiên vì thấy họ hành xử như người “không biết hậu qủa của hành vi giết người sẽ là bản án tử hình”. Họ cũng chẳng quan tâm đến đối tượng của hành vi bạo lực là ai, như Nguyễn Văn Đông 53 tuổi chỉ trong 15 phút đã chém chết bốn người của gia đình người em trai: gồm em trai, ông Nguyễn Văn Hải 51 tuổi, vợ ông Hải 49 tuổi, con gái ông Hải 28 tuổi, và bé Nguyễn Đỗ Huyền My 1 tuổi, cháu nội ông Hải. Riêng chị Hồng Nhung 24 tuổi, con dâu ông Hải tuy cũng bị chém, nhưng được cứu sống trong đường tơ kẽ tóc, tại huyện Đan Phượng, Hà Nội, lúc 7 giờ 30 sáng ngày 1/9/2019 .
Điều này cho chúng ta thấy khi đầu óc bị bạo lực xâm chiếm, người ta không còn biết gì khác ngoài bạo lực, không còn lý luận nào khác ngoài logic bạo lực, không còn giải pháp nào khác ngoài phươngán bạo lực, không còn lối ra nào khác ngoài cửa bạo lực.
2.   Trái tim bạo lực không hướng đến bất cứ điều gì ngoài ganh ghét, thù hận:
Câu chuyện bạo lực đầu tiên trong thế giới loài người được Kinh Thánh kể lại là cuộc thảm sát Aben mà thủ phạm chính là Cain, anh ruột của Aben, chỉ vì ganh ghét, khi Thiên Chúa nhận lễ vật của Aben, mà không đoái nhìn đến của lễ của Cain. Lòng ganh ghét đã biến thành thù hận, và thúc đẩy Cain đến hành động dụ em ra ngoài đồng rồi “xông đến giết Aben, em mình” (St 4,8).  
Cain cũng như những người có trái tim bạo lực đã không hướng đến tình người, tình yêu gia đình, tình nghiã huynh đệ, nhưng ganh ghét chiếm cứ toàn bộ trái tim và hận thù trở thành động lực của hành vi bạo lực: giết chết, tiêu diệt.
3.   Bạo lực dẫn đến hủy diệt:
Người ta thường ngụy biện: bạo lực là phương tiện hữu hiệu để đạt mục đích, nên không ngần ngại chủ trương: mục đích biện minh cho phương tiện. Thế là bạo lực được xử dụng trong moi sinh hoạt, bạo lực được dùng ở mọi hoàn cảnh, tình huống, miễn sao đạt mục đích được đề ra. Vì thế, nhiều người đã không nhận ra chân lý rất quan trọng đó là tự bản chất, bạo lực đã là một điều xấu, hành vi xấu nên cho dù lý giải thế nào, ngụy biện đến đâu, bạo lực cũng vẫn là bạo lực, và mãi là nguyên nhân của sự dữ lớn nhất, sự ác tồi tệ hơn tất cả.
Bởi bạo lực dẫn đến hủy diệt, nên bạo lực đe dọa sự sống; bởi bạo lực  mang lại chết chóc, nên bạo lực đe đọa sinh mạng của con người đang sống, nên ai cũng sợ bạo lực, cũng tránh né những con người bạo lực, vì ai cũng yêu mến sự sống, người nào cũng ra sức gìn giữ mạng sống là giá trị nền tảng của các giá trị khác.
Qủa thực, bạo lực ngày càng lan tràn, đe dọa thế giới loài người, và bạo lực sẽ biến thế giới này thành một nơi không còn tình thuơng và sự sống là hai “cái thiếu ở hoả ngục”, bởi ở đó chỉ có những người ganh ghét, hận thù nhau, và đời đời phải nuốt “trái đắng khủng khiếp nhất của bất hạnh” là sự chết của linh hồn như hình phạt dành cho họ.
Vì thế, chỉ một nền văn minh tình thương và sự sống nơi những con người “hiền lành, khiêm tốn, yêu chuộng công lý, hoà bình” mới có thể  giải cứu thế giới hôm nay khỏi nguy cơ bạo lực. Nhưng để có trái tim “hiền lành và khiêm nhường” để xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống, chúng ta không thể tự mình thực hiện, nếu không tin vào ơn phù trợ của Đấng là Tình Yêu và Sự Sống. Chính Ngài đã ban cho con người sự sống và tình yêu để con người được hạnh phúc khi yêu thương nhau trong cuộc sống làm người.
Jorathe Nắng Tím   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét