Pages - Menu

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

CÂU CHUYỆN TRỪ QỦY


Sáng nay người viết nhận được thư của người bạn ở Đà Lạt. Trong thư, anh đề nghị người viết chia sẻ với bạn đọc về chuyện ma qủy và trừ qủy. Cũng trong tuần này, người viết được đọc thông cáo của Toà Giám Mục Đà Lạt liên quan đến việc của “nhóm trừ qủy” của chị Têrêsa Nguyễn Thị Thương, giáo dân thuộc giáo xứ Bảo Lộc.
Thực ra, người viết đã thực hiện một cuốn sách đặc biệt về ma qủy dầy 158 trang do Phương Đông và Nhà Sách Đức Bà Hoà Bình đồng xuất bản tại Sàigòn. Lúc đầu, cuốn sách có tên “Ma Qủy”, nhưng khi kiểm duyệt vào năm 2015, cơ quan văn hoá đã từ chối đề tựa này, nên người viết bắt buộc phải lấy một tựa đề khác  nhẹ nhàng, kín đáo hơn: “Xin Chớ Để Chúng Con Sa Chước Cám Dỗ”. Nhờ thế mới có được giấy phép xuất bản vào năm 2016.
Sách gồm 7 chương:
·      Chương 1 : Có ma qủy không?
·      Chương 2 : Ma qủy là ai?
·      Chương 3 : Những mũi nhọn hoạt động của ma qủy.
·      Chương 4 : Chiến thuật cám dỗ của ma qủy.
·      Chương 5 : Một số hiệp hội và phong trào phò Satan chống phá Đức Giêsu.
·      Chương 6 : Sợ ma qủy? Trừ qủy.
·      Chương 7 : Đức Maria, Đấng đã đạp giập đầu Satan.
Với nội dung trên, rất mong quý Bạn sẽ có dịp tìm hiểu thêm về ma qủy, trong đó có cả việc trừ qủy mà dư luận đang xôn xao. Để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, toàn bộ cuốn sách sẽ được chia sẻ cùng qúy Bạn trên trang Tin Mừng Đường Phố, hoặc Hãy Ra Khơi: tinmungduongpho.blogspot.com/ hayrakhoi.com
Riêng trong bài này, người viết chỉ chia sẻ một vài nhận định chung quanh hiện tượng trừ qủy:
1.   Trừ qủy bằng quyền năng của Thiên Chúa:
Quyền năng trừ qủy từ Thiên Chúa phải được ban từ Đấng Bản Quyền trong Giáo Hội, cụ thể là Đức Giám Mục giáo phận sở tại. Vì thế, bất cứ ai không được Đức Giám Mục chính thức ban  quyền trừ qủy đều bị coi là trừ qủy ngoài quyền năng của Thiên Chúa, cho dù người ấy có “nhân danh Thiên Chúa” khi trừ qủy.
   Trong nhiều trường hợp, những người tự mình trừ qủy  thường :
a.   Tự cho mình trực tiếp nhận sứ mạng trừ qủy từ Thiên Chúa qua thị kiến.
Họ thường qủa quyết: “Chúa nói thế này, Chúa bảo thế kia”, và không ngượng ngùng kể lại những cảnh tưởng Chúa hay Đức Mẹ hiện ra với họ, hoặc nói với họ những “sứ điệp”, mà hầu hết được sao chép từ sứ điệp đã được mặc khải cho vị thánh nào đó. Còn lại thì đều là những “mặc khải” không phù hợp giáo lý đức tin, xa Tin Mừng, nếu không muốn nói là  lỏng lẻo, rời rạc, mâu thuẫn.
b.   Đánh đồng mọi hiện tượng bệnh lý là qủy ám:
Đặc điểm của những người trừ qủy “tự do, tự phát” này là tình trạng thiếu khả năng y học, thiếu hiểu biết thần học, thiếu kỹ năng tâm lý, nên bất cứ hiện tượng bất thường nào trên thân xác và tinh thần của người nào đó đều bị họ coi là do ma qủy quậy phá, xâm nhập. Với họ, ma qủy bao trùm mọi nơi, mọi lúc, không chế mọi sự, mọi người, nên đau bụng, nhức đầu, thậm chí nhìn không tỏ, nghe không rõ cũng do ma qủy làm, và bất cứ ai đến xin họ giúp đỡ cũng được xếp vào hàng ngũ những người  bị qủy ám.
Vì thiếu khả năng và kiến thức trong nhiều lãnh vực, nên có những bệnh nhân chỉ cần đi gặp bác sĩ, được điều trị sẽ khỏe mạnh bình thường đã trở thành người bị qủy ám và chịu đủ mọi “kiểu cách trừng phạt” đôi khi rất dã man để trục qủy, đuổi qủy, lấy qủy ra khỏi người.
c.    Nhân danh Thiên Chúa cách bừa bãi và mê tín:
Quan sát cảnh tượng trừ qủy của những người trừ qủy “tự biên tự diễn”, chúng  ta nhận thấy tính cách đồng bóng, mê tín trong cách thức trừ qủy, khi họ luôn miệng “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần”, và biến lời nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa thành câu thần chú, làm như cứ đọc thần chú là có tác dụng trừ qủy, cứ nhân danh Thiên Chúa là có hiệu lực đuổi được qủy ngay.
Chưa kể năng quyền trừ qủy phải được trao ban từ Đấng Bản Quyền thuộc Giáo Hội, hành vi “nhân danh Thiên Chúa” cách bừa bãi và thiếu “thánh thiêng” đã  làm chứng việc trừ qủy không còn là hành vi đức tin, nhưng thuần đồng bóng, mê tín, mượn danh Giáo Hội “đánh lận con đen”
d.   Sử dụng bạo lực:
Trừ qủy theo kiểu “tự phát” thường dùng bạo lực để trục qủy ra khỏi người bị qủy ám như dùng tay chân  đánh, đá, hoặc dùng roi quất mạnh trên người. Đây là điểm hoàn toàn khác với phương thức trừ qủy của giáo quyền dựa trên đức tin của  tòn thể Giáo Hội và ơn phù trợ của Thiên Chúa.
Tóm lại, những người có đạo tự cho mình quyền trừ qủy thường “nhân danh Thiên Chúa” để trừ qủy, nhưng lại từ chối quyền của Giáo Hội, và không tuân phục Đấng Bản Quyền địa phương là điều kiện để việc trừ qủy được công nhận là việc làm của đức tin khi dựa vào quyền năng Thiên Chúa, và hiệp thông với toàn thể Hội Thánh.    
Trong những trường hợp này, việc “nhân danh Thiên Chúa” của họ chỉ được coi như bình phong, lá chắn cho việc làm mê tín, không thuộc đức tin, không hiệp thông với Giáo Hội, và những kinh đọc, thánh ca của Giáo Hội được họ sử dụng khi “tự ý trừ qủy” đều không mang tính thần thiêng, và không có giá trị đức tin để sinh ơn ích siêu nhiên.
2.   Trừ qủy bằng quyền của ma qủy:
Ma qủy là lòai thụ tạo thiêng liêng, nên chúng có khả năng quậy phá con người một cách “thiêng liêng”.
Tuy bị trừng phạt, nhưng Thiên Chúa không lấy khỏi chúng bản tính thiêng liêng mà Ngài đã ban khi tạo dựng nên chúng. Vì thế chúng có thể làm khổ con người một cách “thiêng liêng”, mà con người không thấy, vì chúng mang bản tính thiêng liêng, vô hình, vô tượng.
Do đó, chúng ta biết chắc: có hiện tượng bị qủy ám, và Tin Mừng đã nhiều lần kể lại những phép lạ trừ qủy  Đức Giêsu đã làm, cũng như chính Đức Giêsu  đã công bố: “Nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ qủy, thì qủa là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12,28), đồng thời ban quyền trừ qủy cho các môn đệ của Ngài, như Tin Mừng Máccô đã khẳng định: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những người có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được qủy…” (Mc 16,17).
Đối với ma qủy, chúng gieo rắc tai ương cho con người, nhưng cũng chính chúng có khả năng lấy đi tai ương chúng đã gieo để nạn nhân của chúng tin theo chúng, vì thấy chúng “toàn năng”, làm được việc lạ. Bởi thế có những phép lạ do ma qủy làm, cũng như những người bị qủy ám được chữa khỏi bởi quyền năng của qủy, được thực hiện do những kẻ tin vào ma qủy, và trở thành cánh tay nối dài của chúng.
Khác với Giáo Hội nhân danh Thiên Chúa và với quyền năng của Thiên Chúa trừ qủy, những người theo ma qủy, tự nguyện làm tay sai cho ma qủy sẽ dựa vào quyền năng phá hoại, hủy diệt, làm hại con người của chính ma qủy để “trừ qủy”. Nói cách khác, ma qủy dùng chiến thuật nhập vào một người nào đó, sau đó sẽ dùng những người chấp nhận “bán linh hồn” cho chúng, tình nguyện đầu quân phục vụ chúng “nhân danh qủy” là chúng để “trừ qủy” cũng là chúng, với mục đích làm cho nạn nhân bị “chúng ám” và nhiều người chứng kiến “phép lạ” chúng làm mà tin vào chúng.
Tin Mừng Mátthêu thuật lại: sau khi Đức Giêsu chữa “người bị qủy ám vừa mù lại vừa câm”, thì những người Pharisêu  nói rằng: “Ông này trừ được qủy chỉ là nhờ dựa thế qủy vương Bêendêbun”. Biết ý nghĩ của họ, Đức Giêsu nói: “Bất cứ nước nào tự chia rẽ, thì sẽ điêu tàn. Bất cứ thành nào, nhà nào chia rẽ thì sẽ không tồn tại” (Mt 12,25).
Khi nói điều này, Đức Giêsu cảnh cáo những người Pharisêu, vì họ đang xúc phạm đến Chúa Thánh Thần khi “chụp mũ” Ngài dựa vào tướng qủy Bêendêbun để trừ qủy, vì họ ghen tương với quyền năng làm phép lạ, cũng như uy tín của Ngài trên đám đông, trong khi Ngài dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ qủy (Mt 12,28). Bằng chứng là tiếp liền sau đó, Đức Giêsu đã thẳng thắn lên tiếng trách mắng họ: “Ai không đi với tôi, là chống lại tôi; và ai không cùng tôi thu góp, là phân tán. Vì thế, tôi nói cho các ông hay: mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha” (Mt 12,30-31).
Ngoài ra, Ngài cũng gián tiếp thừa nhận có những người dựa thế qủy vương để trừ qủy, để củng cố điều Ngài khẳng định: “Nếu Xatan trừ Xatan, thì Xatan tự chia rẽ” (Mt 12,26), vì qủa thực nước của Xatan không còn có thể tồn tại vì  Thiên Chúa đã có mặt giữa loài người, và triều đại của Thiên Chúa đã đến giữa các ông (Mt 12,28), như Ngài nói với những người Pharisêu cứng lòng bị Ngài coi là đang ở dưới ách thống trị của thần dữ Xatan.       
Thực vậy, ma qủy ám hại con người là điều có thực, vì chúng là kẻ phá họai, tìm gieo rắc tai ương, bất hạnh và sự chết đời đời trong nhân loại. Là loài thụ tạo thiêng liêng, chúng làm được phép lạ để lừa phỉnh loài người, hầu tin ở chúng chống lại Thiên Chúa, nên trước hiện tượng qủy ám, qủy nhập, người môn đệ Đức Giêsu cần xác tín: Thiên Chúa mới là Chủ Tạo, ma qủy tuy làm được những điều lạ, sự lạ cũng chỉ là thụ tạo như chúng ta, khác chăng là  bản tính thiêng liêng, vì thuộc đẳng thiên thần.
Trước những việc lạ, sự lạ ma qủy làm, người đi theo Đức Giêsu phải tuyệt đối tín thác và dựa vào quyền năng của Thiên Chúa, mà không được đầu quân làm tay sai cho chúng để phỉnh lừa thiên hạ, bởi chúng rất mưu mô, xảo trá, biết dùng mọi thủ đọan để lôi kéo chúng ta bỏ Thiên Chúa đi theo chúng.
để giữ vững đức tin, không gì quan trọng và hữu hiệu hơn với người Kitô hữu là sống tinh thần Vâng Phục Hội Thánh là Hiền Thê yêu dấu, là Thân Thể mầu nhiệm của Ngài. Chính lòng yêu mến, vâng phục Giáo Hội là bảo chứng hùng hồn: chúng ta thuộc về Chúa; là xác quyết không thể chối cãi: chúng ta là chi thể của Nhiệm thể Giáo Hội có Đức Giêsu là Đầu; là bảo đảm chắc chắn: chúng ta thực hiện Thánh Ý khi “nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi”.
Xin Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ thương xót cứu chữa, và chớ để chúng con sa chước cám dỗ và cạm bẫy của ma qủy.
Jorathe Nắng Tím

TRONG MỘT THẾ GIỚI BẠO LỰC

Những ngày tháng cách ly vì Covid-19, sinh hoạt toàn cầu như chậm lại, người người xem ra hiền lành, nhu mì, dễ thương hơn, và người ta có cảm tưởng đại dịch đã giúp ai nấy ý thức hơn về cuộc đời ngắn ngủi, vô thường, và phận người bèo bọt, mong manh như “hoa sớm nở tối tàn”, để có thể hy vọng từ nay cuộc sống cộng đồng  sẽ an bình, hoà thuận, thân ái hơn.
Nhưng thực tế chứng minh ngược lại: bạo lực vẫn khủng khiếp, khi “cách ly” chưa chấm dứt, dịch bệnh vẫn hung hăng hoành hành, tỷ số tử vong vẫn trồi sụt từng ngày, thì khắp nơi trên thế giới bạo lực đã làm tan hoang.
Ở Mỹ, hằng triệu người xuống đường biểu tình bạo động, đốt xe, phá tiệm, hôi của, bắn chết người trên khắp các thành phố của Mỹ, vì một cảnh sát da trắng đã bạo lực khống chế George Floyd, một người da đen 46 tuổi, và dùng đầu gối ghì chặt cổ suốt 8 phút 46 giây, khiến anh này nghẹt thở và tử vong tại chỗ. Ở Pháp,  ủng hộ cao trào chống kỳ thị chủng tộc đang nở rộ ở Mỹ, hàng ngàn người biểu tình hò hét inh ỏi đòi trả lại công lý cho Adama Traoré, cũng là người gốc Phi Châu đã chết sau vài giờ bị bắt giam tại đồn hiến binh Persan, vùng Beaumont -sur- Oise ngày 19/7/2016. Và khắp nơi, từ Úc qua Hồng Kông, từ Trung Đông sang Nam Mỹ… ở đâu cũng tràn ngập bạo lực đang đe dọa, làm sợ hãi. Cả Việt Nam được xem là đất nước an ninh, người dân cũng nơm nớp lo sợ bạo lực bất ngờ ập đến, như thời sự an ninh chính thức của nhà nước vừa thông báo: vào lúc 20 giờ ngày 5/6/2020 có hơn 200 thanh niên cùng mặc áo vàng cam chở nhau trên những chiếc xe gắn máy với hung khí như giáo mác, cây ba chiã xông vào đập phá, đâm chém loạn xạ trong Quán Ốc trên đường số 6, phường An Lạc A, quận  Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh làm đông đảo thực khách hốt hoảng bỏ chạy. Một người đàn ông chạy không kịp đã bị nhóm côn đồ này đánh gục nằm sõng sượt trên sàn nhà.      
Tình trạng bạo lực xã hội, hiện tượng bạo hành gia đình, không khí bạo lực trên khắp các phương tiện truyền thông là sự thật không thể chối cãi và ngày càng làm chúng ta sợ hãi, lo lắng cho một tương lai không an lành. Chúng ta lo cho con em khi bạo lực không chỉ trên đường phố, ngoài công lộ, nhưng có mặt ngay trong lớp học, giữa sân trường dưới đủ hình thức rất tồi tệ, dã man như thầy cô đánh học trò như “đánh địch, diệt thù”, và học trò canh me, chặn đường xử đẹp thầy cô như trong phim sát thủ, chiến tranh; chúng ta lo cho chính chúng ta khi bạo lực tràn lan, và có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, do bất cứ ai, vì bất cứ lý do nào: dừng xe trước đèn đỏ và ngơ ngác, lơ đãng nhìn chung quanh cũng có thể “chết oan” vì vô tình bị côn đồ kết tội “nhìn đểu”, nên cha mẹ chỉ thực sự an tâm khi con cái  trở về nhà bình an sau giờ đi học, đi làm vì ra đường không biết có về lại nhà được không, bởi trăm mối nguy hiểm bên ngoài.
Thực vậy, bất hạnh lớn nhất của chúng ta là phải sống trong một thế giới đầy bạo lực, khi không nơi nào bảo đảm an ninh, không chỗ nào có an bình, không địa điểm nào an toàn, không bị đe dọa, bởi hạnh phúc chúng ta đi tìm là được sống bình an trong một thế giới công lý được tôn trọng, luật pháp được thượng tôn, nhân quyền được bảo đảm.
Nỗi lo sợ trước bạo lực của chúng ta rất chính đáng, vì bạo lực đặt chúng ta trước những lo sợ “rất đáng sợ” vì những lý do sau:
1.   Đầu óc bạo lực không  biết đến bất cứ sự gì ngoài bạo lực:
Khi thấy những người cầm dao chém loạn xạ trên người khác, chúng ta ngạc nhiên vì thấy họ hành xử như người “không biết hậu qủa của hành vi giết người sẽ là bản án tử hình”. Họ cũng chẳng quan tâm đến đối tượng của hành vi bạo lực là ai, như Nguyễn Văn Đông 53 tuổi chỉ trong 15 phút đã chém chết bốn người của gia đình người em trai: gồm em trai, ông Nguyễn Văn Hải 51 tuổi, vợ ông Hải 49 tuổi, con gái ông Hải 28 tuổi, và bé Nguyễn Đỗ Huyền My 1 tuổi, cháu nội ông Hải. Riêng chị Hồng Nhung 24 tuổi, con dâu ông Hải tuy cũng bị chém, nhưng được cứu sống trong đường tơ kẽ tóc, tại huyện Đan Phượng, Hà Nội, lúc 7 giờ 30 sáng ngày 1/9/2019 .
Điều này cho chúng ta thấy khi đầu óc bị bạo lực xâm chiếm, người ta không còn biết gì khác ngoài bạo lực, không còn lý luận nào khác ngoài logic bạo lực, không còn giải pháp nào khác ngoài phươngán bạo lực, không còn lối ra nào khác ngoài cửa bạo lực.
2.   Trái tim bạo lực không hướng đến bất cứ điều gì ngoài ganh ghét, thù hận:
Câu chuyện bạo lực đầu tiên trong thế giới loài người được Kinh Thánh kể lại là cuộc thảm sát Aben mà thủ phạm chính là Cain, anh ruột của Aben, chỉ vì ganh ghét, khi Thiên Chúa nhận lễ vật của Aben, mà không đoái nhìn đến của lễ của Cain. Lòng ganh ghét đã biến thành thù hận, và thúc đẩy Cain đến hành động dụ em ra ngoài đồng rồi “xông đến giết Aben, em mình” (St 4,8).  
Cain cũng như những người có trái tim bạo lực đã không hướng đến tình người, tình yêu gia đình, tình nghiã huynh đệ, nhưng ganh ghét chiếm cứ toàn bộ trái tim và hận thù trở thành động lực của hành vi bạo lực: giết chết, tiêu diệt.
3.   Bạo lực dẫn đến hủy diệt:
Người ta thường ngụy biện: bạo lực là phương tiện hữu hiệu để đạt mục đích, nên không ngần ngại chủ trương: mục đích biện minh cho phương tiện. Thế là bạo lực được xử dụng trong moi sinh hoạt, bạo lực được dùng ở mọi hoàn cảnh, tình huống, miễn sao đạt mục đích được đề ra. Vì thế, nhiều người đã không nhận ra chân lý rất quan trọng đó là tự bản chất, bạo lực đã là một điều xấu, hành vi xấu nên cho dù lý giải thế nào, ngụy biện đến đâu, bạo lực cũng vẫn là bạo lực, và mãi là nguyên nhân của sự dữ lớn nhất, sự ác tồi tệ hơn tất cả.
Bởi bạo lực dẫn đến hủy diệt, nên bạo lực đe dọa sự sống; bởi bạo lực  mang lại chết chóc, nên bạo lực đe đọa sinh mạng của con người đang sống, nên ai cũng sợ bạo lực, cũng tránh né những con người bạo lực, vì ai cũng yêu mến sự sống, người nào cũng ra sức gìn giữ mạng sống là giá trị nền tảng của các giá trị khác.
Qủa thực, bạo lực ngày càng lan tràn, đe dọa thế giới loài người, và bạo lực sẽ biến thế giới này thành một nơi không còn tình thuơng và sự sống là hai “cái thiếu ở hoả ngục”, bởi ở đó chỉ có những người ganh ghét, hận thù nhau, và đời đời phải nuốt “trái đắng khủng khiếp nhất của bất hạnh” là sự chết của linh hồn như hình phạt dành cho họ.
Vì thế, chỉ một nền văn minh tình thương và sự sống nơi những con người “hiền lành, khiêm tốn, yêu chuộng công lý, hoà bình” mới có thể  giải cứu thế giới hôm nay khỏi nguy cơ bạo lực. Nhưng để có trái tim “hiền lành và khiêm nhường” để xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống, chúng ta không thể tự mình thực hiện, nếu không tin vào ơn phù trợ của Đấng là Tình Yêu và Sự Sống. Chính Ngài đã ban cho con người sự sống và tình yêu để con người được hạnh phúc khi yêu thương nhau trong cuộc sống làm người.
Jorathe Nắng Tím   

TẠI SAO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO ĐI THEO GIÁO PHÁI? (4)

BẦU KHÍ THÂN THIỆN CỦA GIA ĐÌNH  GIÁO HỘI

Tuổi trẻ trong Giáo Hội được coi như trẻ thơ trong gia đình, và trẻ thơ rất cần bầu khí yêu thương, thân thiện, được quan tâm, chăm sóc để quân bình thể lý cũng như tâm lý. Thiếu bầu khí yêu thương, bé thơ “sẽ không lớn nổi thành người”.
Có rất nhiều bạn trẻ bất mãn với Giáo Hội vì những lý do rất nhỏ và ít người quan tâm, lưu ý, như đến nhà thờ mà tưởng mình đi giữa chốn không người, khi không ai tỏ ra thân thiện, niềm nở. Đó là trường hợp của  Cường, mười bẩy tuổi. Em đã chia sẻ tâm trạng lạc lõng của người xa lạ mỗi lần đi dự lễ, vì không ai lịch sự, dễ thương với em. Trái lại, em có cảm tưởng mọi người đến đây để tranh giành một cái gì đó, và bầu khí luôn căng thẳng, nặng nề. Gặp lại em năm em mười tám, em cho biết: em đã gia nhập đạo khác, vì ở đây, em hạnh phúc với bầu khí thân thiện như trong gia đình, bởi ai cũng cởi mở, quan tâm đến người khác, nhất là những người mới “xuất hiện” giữa cộng đoàn.
Qủa thực, bầu khí thân thiện rất quan trọng. Không chỉ quan trọng vì là đòi hỏi của cộng đoàn đức tin, như cộng đòan tín hữu tiên khởi ở Giêrusalem, ở đó “tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau… Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ, vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và đuợc toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,44.46-47), bởi  bầu khí bác ái là điều kiện để đức tin được lớn lên, như thánh Giacôbê qủa quyết: “Thực vậy, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,26). Hành động đâ chinh là việc làm của đức ái không chỉ cần thiết cho đức tin, mà còn cần thiết trên bình diện con người, bởi người ta chỉ tìm đến nơi có tình yêu thương, chỉ hướng về nơi có người thương mình, và không mất thời giờ ở lại với những người không quan tâm, không đằm thắm, không thân thiện với mình.
Đó là lý do đã đẩy những người trẻ khao khát bầu khí thân thiện xa khỏi cộng đoàn đức tin và mở đường cho họ tìm đến những giáo phái đáp ứng được nhu cầu “thân thiện”.
Sự thật không thể chối cãi là một cộng đoàn sống bác ái đích thực, một tổ chức đặt trọng tâm vào yêu thương sẽ lan toả bầu khí “cởi mở, thân thiện”, khác với những cộng đoàn khép kín, độc tôn, mâu thuẫn, tranh chấp, và tìm kiếm nhiều sự ở ngoài đức ái. Hãy quan sát một cộng đoàn thiếu bác ái, ở đó nhiều phe cánh chống phá nhau, nhiều tham vọng nổi cộm lấn át mục đích chân chính của cộng đoàn đức tin, nhiều luồng dư luận trái chiều nhắm hạ bệ, đốn gục nhau, nhiều tin đồn, hay những câu chuyện được khéo léo hư cấu với ác ý gây thiệt hại, và chắc chắn khi người trẻ phải bơi lội trong bầu khí độc hại này, họ sẽ ngộp thở và phải tìm đường thoát thân, vì họ rất nhạy bén và dị ứng với những gì không phải là công bình, bác ái.    
Thực ra, trong sinh hoạt cộng đoàn, chúng ta cò khuynh hướng “lý thuyết.” nhiều hơn thực hành, trong khi những “thái độ của đức ái” được tỏ ra lại là những điểm nhấn cần thiết nuôi dưỡng và nâng đỡ người trẻ.
Như nhyững em bé trong gia đình, người trẻ trong Giáo Hội cần những nụ cười, những ánh mắt, những bàn tay xiết chặt thân tình, thiện cảm của cha anh, hay bạn đồng lứa khi đến với cộng đoàn; các em cần những đôn đả, sốt sắng, nhiệt tình quan tâm của người lớn trong gia đình Giáo Hội khi các em thập thò muốn tham gia, cộng tác nhưng còn bẽn lẽn, e ngại trước ngưõng cửa “cộng đoàn”; các em cần bậc cha anh mở lời thân thiện hướng dẫn; các em cần những cử chỉ bộc lộ tình yêu thương đích thực của các thành viên thuộc gia đình Giáo Hội. Và bởi các em rất nhạy cảm trước yêu thương, nên cũng dễ thất vọng trước những lạnh lùng, hờ hững; bởi các em rất nhạy bén trước ân tình, nên cũng nhanh chóng bỏ cuộc khi ân tình vắng bóng.
Vì còn thơ bé, nên tình cảm giữ phần ưu tiên. Chẳng thế mà người ta dỗ dành em bé bằng tình cảm của trái tim  hơn lý luận của trí óc. Người trẻ của chúng ta cũng vậy. Tuy thân xác có to lớn, vạm vỡ, nhưng tâm hồn rất thơ ngây, non dại  và các em cần những biểu lộ thân thiện, những ân tình được biểu lộ từ bậc cha anh, không chỉ trong đời s&ông nhân bản, mà cả trong đời sống đức tin.
Chính vì thế, khi không lưu ý đến những thái độ thân thiện đối với người trẻ, chúng ta dễ làm người trẻ mang ấn tượng xấu về một gia đình Giáo Hội không yêu thương thực sự, hình ảnh xấu về những người của Giáo Hội không sống điều mình dậy, cảm tưởng xấu về một cơ chế “muôn mặt và giả hình”. Và tất nhiên, những ấn tượng, hình ảnh, cảm tưởng tiêu cực này sẽ trở thành nọc độc nguy hiểm làm suy yếu đức tin công giáo của người trẻ.
Tuy thế, những lời nói, cử chỉ, thái độ, cung cách thân thiện đó phải được xây dựng trên Tin Mừng, chứ không được xem như những “thủ đoạn” ngoại giao; phải được thấm nhuần tinh thần của Đức Giêsu, chứ không mang tính  trần thế với duy nhất chủ đích “lấy lòng, đắc nhân tâm” người trẻ.
1.   Xây dựng trên đòi hỏi: Đức Ái phải trở thành dấu chỉ:
Nhiều người lầm tưởng: đức ái không cần biểu lộ. Chính vì ý nghĩ này, mà đức tin chết lúc nào không hay, bởi việc làm của đức tin phải được thể hiện và biểu lộ qua đức ái. Nếu đức ái không cần được biểu lộ, thì chắc chắn Đức Giêsu đã không căn dặn các môn đệ của Ngài: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con con yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Vì đức ái là dấu chỉ quan trọng để người ta nhận biết Đức Giêsu là Thiên Chúa Tình Yêu mà Đức Giêsu đã muốn các môn đệ Ngài bầy tỏ thái độ yêu thương, ân cần quan tâm, thân thiện, ân tình trong đối xử với nhau; vì đức ái là dấu hiệu duy nhất để người ta phân biệt ai là môn đệ đích thực của Đức Giêsu, mà Ngài đã muốn những ai đi theo Ngài phải biểu lộ tình nghiã huynh đệ với nhau trước mắt mọi người, nên khi làm ngược lại, hoặc ngượng ngùng biểu lộ thân thiện với nhau trong cộng đoàn, chúng ta đã không làm theo những gì Đức Giêsu căn dặn.
Người trẻ cần tham chiếu dấu chỉ, cần nhìn vào dấu hiệu để nhận định, chọn lựa, nên khi không thấy dấu hiệu thân thiện, không gặp dấu chỉ thân tình, người trẻ sẽ phán đoán: ở đây không có tình yêu thương, cộng đoàn này thiếu tình huynh đệ, và họ sẽ chán ngán rút lui, thất vọng đi tìm “đức tin” ở nơi khác.
2.   Xây dựng trên đòi hỏi: Phục Vụ phải trở thành gương sáng:
Thái độ thân thiện, ân cần, cởi mở không chỉ phát xuất từ tình yêu, nhưng còn từ ước muốn phục vụ người khác, bởi yêu thương sẽ chỉ là “yêu xuông », “thương trên môi miệng”, nếu yêu thương thiếu phục vụ.
Đức Giêsu đã không bao giờ tách rời cặp đôi Yêu Thương - Phục Vụ trong giáo huấn của Ngài, bởi sứ vụ của Ngài, cũng như của các môn đệ Ngài là “đến không phải để người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giqá cứu chuộc muôn người.” (Mt 20,28), nên không có tình yêu nhàn hạ, tình yêu lười biếng, tình yêu hưởng thụ, tình yêu ích kỷ, nhưng tình nào cũng vất vả phục vụ, yêu ai cũng phải nhọc nhằn hy sinh, thương người nào cũng không tránh khỏi nặng lòng, mệt trí, khổ thân vì hạnh phúc của họ, và thước đo tình yêu chính là hy sinh phục vụ, mà cao điểm là hiến mạng sống mình để phục vụ hạnh phúc của người mình yêu, như Đức Giêsu đã khẳng định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Và phục vụ trong tình yêu, phục vụ vì tình yêu phải trở thành gương sáng cho người khác, như Đức Giêsu đã qùy xuống rửa chân cho các môn đệ của Ngài, vì muốn trở nên gương sáng phục vụ cho các ông khi nói với các ông: “Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Thầy, là Chúa, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,13-15).
Bởi nếu phục vụ không cần thiết phải được biểu lộ ra cho mọi người thấy mà nhận ra ai là môn đệ Ngài và noi theo, thì Đức Giêsu đã không làm công việc rửa chân này, vì Ngài đã dậy dỗ các môn đệ  qúa nhiều về tinh thần phục vụ rồi.
Thực vậy, dấu hiệu, dấu chỉ, gương sáng rất quan trọng, vì tạo ấn tượng nhanh chóng và hữu hiệu, nhất là với người trẻ. Chẳng thế mà người ta cần những hình ảnh qủang cáo khắp nơi để tạo ấn tượng trong tâm trí quần chúng, cũng như chúng ta cần những thái độ thân thiện, ân cần quan tâm phát xuất từ đức ái phục vụ để tạo ấn tượng đẹp về một Đức Giêsu nhân hậu, một Giáo Hội, gia đình của Thiên Chúa yêu thương trong tim óc người trẻ. Và trong thực tế, cũng vì bỏ quên mình phải trở thành “dấu chỉ, dấu hiệu” của Thiên Chúa tình yêu, gương sáng làm chứng về một Thân Thể duy nhất, hiệp nhất trong yêu thương là Giáo Hội mà chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội giúp người trẻ xây dựng vững chắc đời sống đức tin của họ.
Một cách lương thiện, chúng ta phải nhìn nhận: có nhiều bạn trẻ công giáo không nhận được những niềm nở, thân thiện, những cởi mở, quan tâm khi đến với cộng đoàn, mặc dù chúng ta đã luôn cố gắng, bởi không ít những người trẻ công giáo bỏ đạo đi theo giáo phái đã bộc bạch tâm trạng thất vọng này, khi bị cộng đoàn giáo xứ, giáo họ hoặc bỏ rơi, hoặc lạnh lùng, hờ hững.
Chia sẻ với Bạn những điều mắt thấy tai nghe từ những bạn trẻ công giáo rời bỏ cộng đoàn đức tin công giáo để gia nhập các giáo phái ngày càng nhiều và ráo riết hoạt động thu hút giới trẻ, người viết dám ước mong những nngười có trách nhiệm cộng đoàn quan tâm hơn đến người trẻ vốn rất nhạy cảm và non nớt nên rất cần được đồng hành trong bầu khí thân thiện, ân tình của những người cùng một gia đình Giáo Hội, vì “cùng một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha” (Ep 4,5-6).     
Jorathe Nắng Tím  

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

Đói là thử thách đáng sợ, là tai ương khủng khiếp của con người. Cứ nhìn những em bé gầy giơ xương, mới năm bẩy tuổi mà già như ông cụ chỉ vì đói, những thước phim ghi lại cảnh đói năm 1945 ở miền bắc Việt Nam với hơn một triệu người chết la liệt, chết co quắp, chết nhăn nhó tang thương vì đói đã làm rùng mình, kinh sợ. Bởi là người ai cũng sợ sống mà thiếu ăn; làm người, ai cũng hãi sống mà phải đói, cũng như không mấy người dám nghĩ đến cảnh phải chết đói, để phải thành ma đói dưới âm phủ. Chẳng thế mà người ta vẫn giữ tục lệ dành cho tử tội trước khi bị hành quyết được ăn một bữa no nê, để khỏi phải làm người chết đói.
Thời Cựu Ước, dân Do Thái những năm tháng trong sa mạc, trên đường từ Ai Cập về Đất Hứa đã thấm thiá cái đói của đoàn người lữ hành thiếu thốn trên hành trình dằng dặc dài và gian khổ. Trong những ngày đói ăn đó Thiên Chúa Giavê đã nuôi họ bằng manna từ trời như sách Đệ Nhị Luật đã ghi lại lời của Môsê nói với dân: Người đã bắt anh em phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh em ăn manna là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra (Đnl 8,3).
Thiên Chúa Giavê đã nuôi dân Ngài bằng manna là lương thực nuôi thân xác. Không của ăn, dân sẽ chết lả vì đói; không nước uống, dân sẽ chết khô vì khát, và Thiên Chúa đã chăm sóc, nuôi nấng dân Ngài, không để họ phải chết vì đói khát trong sa mạc. Nhưng Thiên Chúa còn muốn đi xa hơn, muốn làm nhiều hơn cho con người, khi ban cho con người lương thực thiêng liêng, lương thực ban sự sống đời đời, lương thực mà ai ăn sẽ không còn đói, và nguồn nước, ai uống sẽ không còn  khát. Lương thực ấy chính là Mình và Máu Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa đã được chính Đức Giêsu mặc khải: Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống (Ga 6,51).
Khi ban cho con người Mình và Máu, Đức Giêsu Thiên Chúa cho chúng ta được thông hiệp vào chính Thân Thể của Ngài, được kết hiệp với Chúa Cha, được tham dự vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa (x. Ga 6,56-57). Đồng thời, chúng ta cũng được thông hiệp với anh em, khi ăn thịt và uống máu Con Thiên Chúa, vì tất cả đều là chi thể của một Thân Thể Đức Giêsu, như thánh Phaolô đã khẳng định: Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể (1 Cr 12,13).
Như thế, Mình và Máu Đức Giêsu không chỉ nuôi sống linh hồn và ban cho chúng ta sự sống đời đời, mà còn cho chúng ta được kết hiệp với Thiên Chúa và hiệp thông với anh em. Chính nhờ kết hiệp với Thiên Chúa mà chúng ta được sống đời đời, và nhờ hiệp thông với anh em mà chúng ta trở thành chi thể sống động, chi thể yêu thương của Thân Thể mầu nhiệm là Giáo Hội.
Qủa thế, nếu manna đã được Thiên Chúa ban để nuôi dân riêng trong sa mạc, thì Mình và Máu Đức Giêsu là lương thực được Thiên Chúa ban để nuôi Giáo Hội, dân mới của Thiên Chúa, bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể (1 Cr 10,17).
Chính Thánh Thể quy tụ, hiệp nhất, xây dựng, nuôi sống Giáo Hội, nên không có Giáo Hội, nếu không có Thánh Thể. Một Giáo Hội thiếu Thánh Thể, một Giáo Hội không yêu mến Thánh Thể, không tìm về Thánh Thể là nguồn tình yêu, ân sủng, sức sống sẽ là một Giáo Hội không có Đức Giêsu, không hiệp thông, không hiệp nhất, không sinh sôi nẩy nở, vì là một Thân Thể không đầu, cạn kiệt sức sống, chết lả, khô héo.
Trước những phong trào cải cách không muốn tin vào mầu nhiệm Thánh Thể, không chấp nhận sự hiện diện đích thực và sống động của Đức Giêsu trong Mình Máu thánh, như đám đông người Do Thái ngày xưa đã phẫn nộ la ó phản đối khi nghe Đức Giêsu tuyên bố: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống (Ga 6,54-55), ngay cả các môn đệ cũng có người cho những lời Ngài nói khó nghe qúa và từ lúc đó, nhiều  môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa (Ga 6,66), chúng ta, những người Kitô hữu, giữa một thế giới không còn muốn tin, trong lòng một xã hội muốn triệt hạ và loại bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ khó tránh khỏi những cám dỗ nghi ngờ mầu nhiệm Thánh Thể, và chỉ coi Thánh Thể như một biểu tượng, một biểu trưng mang tính hình thức, chứ không là Mình và Máu thật của Đức Giêsu, Thiên Chúa.
Chúng ta cũng bị cám dỗ hời hợt với Thánh Thể, khi không nhận ra Thánh Thể chính là Tình Yêu của Thiên Chúa, nên không thể đón nhận Thánh Thể với trái tim rực lửa hận thù, rước Mình Máu Chúa với lòng dạ ganh ghét, kiêu căng, ích kỷ, bởi Tình Yêu đòi hiệp nhất, hiệp thông, trao ban, chia sẻ như Mình Máu thánh đã được hiến dâng để làm nên một dân tộc mới hiệp nhất với Đức Giêsu, Thiên Chúa và hiệp thông với mọi người như các chi thể của một Thân Thể duy nhất.
Thực vậy, Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng và sáng kiến tình yêu của Ngài luôn độc đáo, táo bạo, kỳ diệu mà bí tích Thánh Thể là một trong những sáng kiến đó, để ở lại và nuôi dưỡng linh hồn chúng ta một cách thực sự và sống động cho đến tận thế.
Mừng lễ Mình Máu thánh Chúa, chính là dịp sống lại lòng suy tôn Thánh Thể và yêu mến Thánh Lễ, ở đó tất cả chúng ta là Giáo Hội được quây quần, hiệp nhất nên một trong một tấm Bánh, một Thân Thể mầu nhiệm là Đức Giêsu.
Jorathe Nắng Tím