1. Thiên Chúa yếu đuối với con người để xót thương con người:
Khi nói về sự yếu đuối của Thiên Chúa
trong Đức Giêsu, thánh Phaolô đã viết: “Sự gì yếu đuối nhất trong loài người
chính là điều Thiên Chúa đã chọn. “(1 Cr 1, 27).
Khi chọn yếu đuối, Thiên Chúa đã chọn
làm người yếu đuối nhất: tội nhân, chọn chỗ yếu đuối tận cùng của đời ngưởi: thập
giá.
Tội nhân yếu đuối vì có tội, tội nhân
còn yếu đuối vì mất hết quyền làm người bình thường, quyền công dân một nước,
quyền của người được kính trọng, yêu mến, bảo vệ, quan tâm. Tội nhân tuy vẫn là
người, nhưng là người hạng hai, hạng ba, hạng bét, có nghiã là không còn được
trân trọng như những người bình thường.
Tội nhân bị khinh miệt, vì bị coi là đồ bỏ, không còn ích lợi cho đời. Tội nhân
bị cách ly, cô lập, vì là tai hoạ của xã hội loài người. Tội nhân là người không có quyền được bảo vệ, quyền được thương yêu,
quyền tự do làm đời mình.
Hãy thử so sánh tội nhân với nhiều thứ
“nhân” khác: thân nhân được thương mến,
nhưng tội nhân bị đời ghét bỏ, lên án; ân nhân được biết ơn, tội nhân bị khinh bỉ, dập vùi; bệnh nhân được chăm sóc, tội nhân bị bỏ rơi; qúy
nhân được trân trọng, tội nhân bị xua đuổi, cô lập; vĩ nhân được chúc tụng, tội
nhân bị nguyền rủa; yếu nhân được che chở, tội nhân bị khai trừ; tình nhân được
âu yếm, cưng chiều, tội nhân bị tra tấn, hành hạ; đại nhân được cung nghinh, thần
tượng, tội nhân bị te tua dầy xéo…Ấy thế mà Đức Giêsu lại vui lòng nhận cho
mình thân phận “tội nhân” !
Nhận làm tội nhân, Đức Giêsu đã nhận
chỗ đứng yếu đuối nhất trong loài người, nhận vị thế nguy hiểm nhất trong xã hội,
nhận “điạ vị” thấp hèn nhất trong thiên hạ.
Nhận thân phận tội nhân, Đức Giêsu
cũng cam chịu hình phạt đi kèm: thập giá, chỗ đứng tận cùng yếu đuối, tận cùng thấp
hèn của đời làm người; bởi chẳng có ai vui “vào đời” làm tội nhân, và “lià đời”
qua thập giá. Yếu đuối vì thế đã không còn là điều có thể hiểu được đối với con
người, khi Thiên Chúa nhận cho mình hết mọi yếu đuối. Yếu đuối không còn ở tầm
hiểu biết của con người, khi Thiên Chúa dùng yếu đuối để tự xóa mình, tự bỏ
mình, tự đánh mất mình. Mầu nhiệm Thiên Chúa đã trở nên vô cùng vĩ đại, tuyệt đối
cao vời trong chính yếu đuối thẳm sâu này.
Sở dĩ yếu đuối là mầu nhiệm vĩ đại,
vì trong yếu đuối Thiên Chúa tỏ lòng và thực hiện tình xót thương đối với con
người yếu đuối; nghiã là Thiên Chúa đã chọn yếu đuối để thương xót con người yếu
đuối, như đã chọn thánh giá để cứu chuộc con người tội lỗi.
Thiên Chúa thánh thiện không phải ở
quyền lực, vinh quang, nhưng thánh thiện ở lòng thương xót: Ta là Đấng thánh,
nhưng Ta cũng là Thiên Chúa giầu lòng xót thương, chậm bất bình, rất khoan
dung. Thiên Chúa thánh thiện, nhưng thánh thiện vì xót thương, thánh thiện vì
hay chạnh lòng trước khốn quẫn, yếu đuối của con người.
Làm con người yếu đuối, Đức Giêsu -Thiên
Chúa không mơ ước gì hơn là được thương xót con người yếu đuối, được chia sẻ yếu
đuối với con người, và từ yếu đuối nâng con người lên cao, cho con người lên hàng
nghiã tử, biến yếu đuối của con người thành sức mạnh của Thiên Chúa. Xuống thấp
tận cùng với con người, Thiên Chúa đã xuống thấp để nâng lên, xuống tận đáy sâu
để vực dậy, xuống tận bùn đen để thanh tẩy, xuống “cùng mình” kiếp thân tàn tro
bụi, để ban cho con ngừơi sự sống của Thiên Chúa.
Qủa thực, Thiên Chúa đã yếu đuối vì xót thương, và để xót thương. Để xót
thương con người, Thiên Chúa yếu đuối, bởi
không có yếu đuối chạnh lòng , yếu đuối bao dung, yếu đuối tha thứ, yếu đuối
quên hết tội xưa, yếu đuối bỏ qua lỗi cũ, yếu đuối chẳng nặng lời trách móc, yếu
đuối không đòi đền bù xòng phẳng, yếu đuối xóa sạch vết nhơ, yếu đuối may cho áo đẹp, yếu đuối
đeo cho nhẫn qúy, yếu đuối mở tiệc ăn mừng của Thiên Chúa là Cha nhân hậu thì
làm sao có giòng lệ thống hối ăn năn, và nước mắt hạnh phúc của đứa con hoang
đàng ngày trở về ? Khi trở nên yếu đuối để đứa con hoang đàng yếu đuối được vực
dậy, người cha của Đức Giêsu đã chấp nhận bị coi là yếu đuối, nhu nhược, thiếu
cứng rắn; nhưng tinh phụ tử dành cho con mình đã lớn hơn gấp bội những thị phi,
đồn đãi, chê bai. Ông biết nhưng chấp hết tiếng đời, vì trong ông chỉ xôn xao,
rạo rực một lòng thương xót (Lc 15, 11-24).
Thiên Chúa xót thương con người là
nguyên nhân và mục đích của yếu đuối nơi Thiên Chúa. Yếu đuối của Thiên Chúa đã
nhắm hạnh phúc của con người, vì duy chỉ
một mình Thiên Chúa của Đức Giêsu mới có sáng kiến kỳ diệu, nhiệm mầu ấy: Yếu
đuối để xót thương, yếu đuối để cứu độ.
2. Con người yếu đuối trước Thiên Chúa để được thương xót:
Về phiá nhân loại, yếu đuối phải được nhìn trong ánh sáng mầu nhiệm Đức
Tin, bởi từ khi yếu đuối của con ngừơi được Thiên Chúa chia sẻ, chung phần, yếu
đuối đã không còn là yếu đuối tầm thường, yếu đuối tiêu cực, yếu đuối bị bỏ
đi, nhưng là yếu đuối có giá trị siêu nhiên mang ơn cứu độ.
Mang ơn cứu độ như Đức Giêsu giữa yếu
đuối tột cùng trên thánh giá đã trở nên nguồn ơn cứu độ cho mọi người; như Đức
Giêsu chịu chôn vùi trong yếu đuối tận
đáy mồ đã là nguồn sống Phục Sinh cho
nhân loại; như mỗi con người yếu đuối được kêu mời trở nên những trái tim đầy lòng
thương xót như Thiên Chúa:
a. Để biết mình yếu đuối cần được xót thương:
Biết mình là bước đầu của hành trình khôn
ngoan, cũng là hành trình thánh thiện. Không biết mình như Evà đã lầm tưởng
mình sẽ biết hết mọi sự như Thiên Chúa, không biết mình như những cõi lòng kiêu
căng không nhận ra mình chỉ là thụ tạo, nhiều giới hạn, bất toàn. Người biết
mình yếu đuối mới qúy báu ơn trợ giúp, mới khát khao lòng xót thương, vì biết
mình cần, rất cần.
b. Để dám nhận mình yếu đuối:
Rất nhiều người không dám nhận mình yếu
đuối. Không nhận mình yếu đuối, người ta sẽ căng thẳng, bất mãn phải sống trong
yếu đuối của mình. Một thí dụ điển hình dễ thấy: cùng bị tai biến và nằm liệt một
chỗ, không còn có thể đi đứng, nhưng có người vui lòng chấp nhận tình trạng yếu
đuối, bất lực, phải cậy nhờ người khác; có người bực tức, khó chịu, khủng hoảng,
xuống tinh thần, buông xuôi, vì không chấp
nhận mình ở vào hoàn cảnh yếu đuối, phải lệ thuộc. Không ít những người đã tự tử
vì không chấp nhận mình yếu đuối, không chịu đựng nổi những khiếm khuyết, lầm lỗi
của mình. Giuđa đi thắt cổ cũng chỉ vì không chịu được cái yếu đuối “phản bội”
của mình.
Không chấp nhận mình yếu đuối là thái
độ của người kiêu căng, khi không chịu thua ai, không chịu mang tiếng yếu đuối,
thất bại. Cuộc đời của họ phải là chuỗi dài thành công, uy lực, danh dự trùng trùng tiếp nối.
Họ có môi miệng ngạo nghễ, từ vựng ngạo
mạn, cung cách ngạo đời: Tôi chưa thua ai bao giờ, vì chẳng bao giờ tôi yếu đuối
…!
Dám chấp nhận mình yếu đuối và vui
lòng sống trong hoàn cảnh, điều kiện yếu
đuối của thân phận là chọn lựa anh hùng của người đạo đức, khi ý thức yếu đuối
của con người làm Thiên Chúa chạnh lòng, yếu đuối của con người là đường con
người tìm gặp Thiên Chúa, bởi trong yếu đuối của con người, có sự hiện diện của
Thiên Chúa đã tự nguyện trở nên yếu đuối vì yêu thương.
c. Để sống tình xót thương với mọi người:
Người biết mình yếu đuối, và chấp nhận
yếu đuối của mình là người dễ cảm thông, xót thương người khác. Họ xót thương
được đồng loại yếu đuối, vì chính họ cũng yếu đuối trăm bề, khốn khổ trăm nỗi.
Họ thương xót người anh em yếu đuối, vì biết đời họ cũng ngổn ngang những yếu
đuối. Họ chia sẻ nỗi đau yếu đuối với người bên cạnh, vì yếu đuối đã từng hành
hạ cuộc đời họ. Họ đồng cảm với những người yếu đuối, vì trải nghiệm sâu sắc
gai nhọn rướm máu của yếu đuối nhục nhằn.
Thương xót người khác, chính là xót
thương mình, vì Thiên Chúa chỉ xót thương những ai biết xót thương đồng loại.
Câu chuyện người đầy tớ không biết xót thương trong Tin Mừng
Mátthêu nhắc nhở chúng ta điều kiện để
được Thiên Chúa xót thương chính là phải biết xót thương anh em mình : “Hỡi tên
đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ lớn cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta,
thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã
thương xót ngươi sao ? ” (Mt 18, 33).