Đã có lúc chúng ta sợ Thiên Chúa “mất số, mất phiếu, mất cửa, mất thế, mất chiến
hữu, mất người hâm mộ”, vì yếu đuối làm
người, hay làm người yếu đuối. Khuynh hướng thống trị, chiến thắng, phô
trương đôi khi đẩy chúng ta vào tình huống bị Đức Giêsu la mắng: “Satan, hãy
cút xa khỏi mặt Ta” (Mt 16,23), như đã lớn tiếng với Phêrô khi ông can gián
Ngài đừng lên Giêrusalem, vì ở đó người ta đang rình rập, giăng bẫy, âm mưu giết
hại Ngài.
Như Phêrô, chúng ta không hiểu gì, và
phụng phịu giận Chúa. Chỉ đến lúc yếu đuối chối Thầy ba lần trước khi gà gáy (Ga
18,27), và bắt gặp ánh mắt nhân hậu của Thầy trong lúc Thầy bị quan quân nhạo báng, đánh đập trong
dinh Caipha, Phêrô mới thấm thiá tình yêu của Thầy khi tự nguyện trở thành con
người cực kỳ yếu đuối trong tay ác nhân, để “có mặt” ngay trong cơn lốc xoáy yếu
đuối phản bội của môn đệ mình, để có thể nâng đỡ hy vọng đang thoi thóp sắp tàn
của Phêrô bằng nhìn ông thương xót hầu cứu ông khỏi tuyệt vọng như Giuđa, và
đem lại cho ông ơn thống hối, trở về (Lc 22,61- 62). Nếu không có Đức Giêsu
đang yếu đuối, bị dập vùi tơi tả bởi đòn vọt, nếu không có Đức Giêsu rũ liệt yếu
đuối vì bị tra tấn, chắc Phêrô sẽ còn bai bải chối nhiều hơn và qủa quyết hơn, để
rồi về nhà với trái tim chai lì, phản bội, và số phận của ông chắc sẽ không khá
hơn số phận của Giuđa.
Như Phêrô, mỗi người cần được Đức
Giêsu ghé mắt nhìn trong lúc yếu đuối để nhận ra mình thực sự là tội nhân yếu
đuối cần lòng thương xót; cần sự có mặt
của Đức Giêsu trong cơn túng quẫn để biết
Thiên Chúa luôn yêu thương người có tội; cần bám víu vào Đức Giêsu trong mọi thử
thách để không mất niềm hy vọng ở Thiên Chúa đại lượng, khoan dung.
Không có Đức Giêsu yếu đuối với con
người yếu đuối, Thiên Chúa làm người yếu đuối trong cảnh huống ngặt nghèo của
kiếp người, làm sao con người yếu đuối
có thể “đứng lên, vác chõng mà về” ? (Lc
5, 24). Phải có Thiên Chúa làm người yếu đuối, phải có Thiên Chúa ở vào hoàn cảnh
yếu đuối, phải có Thiên Chúa ôm trọn phận người yếu đuối, con người mới hy vọng
được yêu thương, và tin tưởng được vực dậy từ đáy vực sâu yếu đuối, tội lụy của
mình.
Hạnh phúc của con người là có Thiên
Chúa chia sẻ kiếp người yếu đuối. Hạnh phúc của người Kitô hữu là có Đức Giêsu
-Thiên Chúa chung vai gánh yếu đuối của mình. Hạnh phúc của người có tội là có
Thiên Chúa ở trong chính yếu đuối để bảo đảm ơn cứu rỗi.
Đức Giêsu đã nằm trên thập giá là
trung tâm của yếu đuối, nhưng từ tâm điểm của yếu đuối cùng cực, Ngài đã chiến
thắng sự chết, ma qủy, hoả ngục; từ tổng hành dinh của bạo lực mà biểu tượng là
hình phạt đóng đinh thập giá, Thiên Chúa trong Đức Giêsu đã đập nát hận thù, và
khai trương một “đất mới, trời mới, thế giới mới, con người mới” trong Tình Yêu
đời đời của Ngài. Từ đây, hạnh phúc vươn lên từ bất hạnh, sự sống nẩy mầm từ chết
chóc, ơn sủng nở hoa từ sa đoạ, tội lụy, bởi Thiên Chúa đã làm cho tất cả được thanh tẩy, mọc lên từ
yếu đuối, khi chọn yếu đuối của loài người
là con đường của Thiên Chúa để không ai yếu đuối mà thất vọng, ngã lòng,
cũng không ai đang đứng vững mạnh mẽ mà
kiêu hãnh nghĩ mình sẽ không bao giờ yếu đuối, ngã gục.
Quả thực, yếu đuối của Đức Giêsu làm
con người nhỏ bé được lớn lên. Yếu đuối của Đức Giêsu chữa lành người đau bệnh.
Yếu đuối của Đức Giêsu cho người vấp té, ngã gục đứng lên. Yếu đuối của Đức
Giêsu lau khô nước mắt người đau khổ. Yếu đuối của Đức Giêsu băng bó vết thương
người tù bị đòn vọt, tra tấn. Yếu đuối của Đức Giêsu ủi an người bị bạc đãi, cô
đơn. Yếu đuối của Đức Giêsu nâng đỡ người sa cơ, thất thế. Yếu đuối của Đức
Giêsu ban hy vọng cho người thất vọng. Yếu
đuối của Đức Giêsu ban ơn cứu sống cho con người phải chết. Yếu đuối của Đức
Giêsu chính là sức mạnh của hết những ai đi theo Ngài; bởi sức mạnh của chúng
ta là Thập Giá Đức Giêsu, biểu tượng sự yếu đuối của Thiên Chúa như Ngài đã qủa quyết: “Ơn Ta đủ cho con, vì sức mạnh của
Ta được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”(2 Cr 12,9)
Sau cùng, yếu đuối của Đức Giêsu giải
thoát chúng ta khỏi cuộc chiến đấu nội tâm rất cam go, ác liệt do tội lỗi có mặt
trong chúng ta, cuộc chiến giữa “sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự
ác tôi không muốn, tội lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì
không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.
Bởi đó, tôi khám phá ra luật này: khi
tôi muốn làm sự thiện, thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội
tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi
lại thấy một luật khác; luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam
hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm
sẵn trong các chi thể tôi” (Rm 7,19-23).
Thấm thiá tình trạng khốn nạn phải
chiến đấu giữa sự thiện và sự ác, Thánh Phaolô hốt hoảng kêu lên: “Ai sẽ giải
thoát tôi khỏi thân xác hay chết này?” (Rm 7, 24). Thân xác hay chết chính là
những yếu đuối của con người, mà chỉ một mình Đức Giêsu -Thiên Chúa làm người mới
có thể giải cứu chúng ta ra khỏi. Ngài đã giải thoát con người phải chết ra khỏi
sự chết bằng chết với con người, tức là chết đối với tội lỗi và sống lại từ cõi
chết, tức sống cho Thiên Chúa, để tất cả được sống sự sống của Thiên Chúa trong
Đức Giêsu (x.Rm 6, 8-11).
Và thái độ của người theo Đức Giêsu sẽ
như Phaolô: “vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức
Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị
sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô; bởi khi tôi yếu chính là lúc
tôi mạnh” (2Cr 12, 9-10).