Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2018

VII. CHIÊM NGƯỠNG YẾU ĐUỐI CỦA THIÊN CHÚA


 Mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Giêsu đặt chúng ta trước một tình yêu điên cuồng, vô bờ bến của một Thiên Chúa si mê con người, một Thiên Chúa cần  hạnh phúc của con người, một Thiên Chúa muốn ở với con người, và nên một với con người. Thiên Chúa ấy đã có những sáng kiến độc đáo trong tình yêu đến nỗi con người khó có thể hiểu được.
Khó hiểu được  mầu nhiệm Thiên Chúa yếu đuối trong tay con người. Khó hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa yếu đuối qùy rửa chân cho con người. Và rất khó hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa yếu đuối ẩn mình dưới tấm bánh nhỏ bé, trong tay con người.
Thiên Chúa yếu đuối trong tay con người khi hoàn toàn lệ thuộc con người. Khi căn dặn “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, Đức Giêsu đã tự nguyện đặt mình trong tay con người. Từ nay, con người có quyền sắp xếp sự hiện diện của Thiên Chúa. Bằng cớ khi Linh Mục đọc lời truyền “Các con hãy cầm lầy mà ăn, vì này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con. Các con hãy cầm lấy mà uống, vì này là chén  Máu Thầy, máu giao ước  sẽ đổ ra cho các con và  nhiều người được tha tội” (Mt 26,26-29), Đức Giêsu chấp thuận có mặt thực sự trong bí tích Thánh Thể.
Lại một lần nữa, Thiên Chúa thực hiện một sáng kiến mới, rất táo bạo của tình yêu, khi thiết lập chức Linh Mục và  bí tích Thánh Thể. Cũng vẫn với “yếu đuối, bé nhỏ”, Thiên Chúa ở lại với con người mọi ngày cho đến tận thế, vì yêu thương con người (Mt 28,20).
Trước mầu nhiệm vô cùng cao qúy của Tình Yêu nhập thể, con người không thể tự mình hiểu được, cũng không tự mình yêu mến, chiêm ngưỡng, mà cần Đức Tin là ơn riêng Thiên Chúa ban để có thể đi vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, bởi tin là chấp nhận điều Ngài nói sẽ được thực hiện, là gắn bó thiết thân, là sống chính đời sống của Thiên Chúa; nói cách khác, tin là để Tình Yêu  Đức Giêsu biến đổi, hoạt động. Tin là đi vào cung lòng Thiên Chúa để được hạnh phúc chiêm ngưỡng dung nhan Ngài.
Như ba đạo sĩ đã gặp Đức Giêsu trong máng cỏ, vì  tin Đấng Cứu Thế sinh ra; như mục đồng được chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, vì tin lời thiên thần loan báo: Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua         Đavít, Nguời là Đức Kitô - Thiên Chúa” (Lc 2,11); như những người què quặt, điếc lác, mù loà, phung hủi đã được chữa lành, vì tin Đức Giêsu là Thiên Chúa; như chị em Mátta, Maria đã được thấy em mình là Ladarô đi ra từ mồ, vì đã tin Đức Gĩêsu là sự sống và sự sống lại; như người lính canh trên Núi Sọ đã nhận ra “Người này thật là Con Thiên Chúa”, vì tâm hồn ông đã sẵn sàng, rộng mở.
Rộng mở trái tim và sẵn sàng là thái độ cần thiết để hồng ân Đức Tin được ban xuống trong tâm hồn. Thái độ này như thửa ruộng phì nhiêu, như đất đã được dọn kỹ, chỉ cần gieo hạt, Đức Tin sẽ nẩy mầm, lớn lên, xum xuê hoa trái.
Rộng mở trái tim và tin Lời Hứa của Thiên Chúa sẽ đươc thực hiện trọn vẹn, vì Thiên Chúa là Đấng trung tín, giữ lời và không hề lừa dối ai là thái độ của người con tín thác vào tình thương của cha mình, là lòng cậy trông son sắt của người môn đệ lúc nào cũng chỉ muốn làm theo ý của Thầy mình.  
Hơn nữa, “yếu đuối của Thiên Chúa” là một mầu nhiệm ĐứcTin, nên phải có Đức Tin mới nhận ra và đi vào mầu nhiệm được, cũng như “khi loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại”, người tín hữu long trọng công bố niềm tin của mình vào Đức Giêsu, Thiên Chúa chịu đóng đinh và chết như con người yếu đuối trên thập giá. Khi tuyên xưng Đức Tin vào Đức Giêsu chịu đóng đinh, chết trên thập giá, và sống lại, chúng ta không thể một mình tuyên xưng, nhưng tuyên xưng với Đức Tin của Giáo Hội, với Đức Tin của Phêrô và các tong đồ, với Đức Tin như hồng ân Thiên Chúa ban để chúng ta chấp nhận được những nghịch lý của mầu nhiệm Thiên Chúa, quảng đại đón nhận thánh ý Thiên Chúa, và trung thành đi theo đường lối thánh thiện của Ngài. 
Đức Tin là qùa tặng của Thiên Chúa cho con người. “Nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính”, và “Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai” (Rm 3, 22). Được như thế, nghiã là được hưởng ân huệ do Lời Hứa của Thiên Chúa, như tổ phụ Ápraham đã tin, và “hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện. Bởi thế, ông được kể là người công chính” (Rm 3, 21-22). Được như thế, nghiã là khi tin, “chúng ta được Đức Giêsu mở lối cho vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa… Chúng ta còn được tự hào về niềm hy vọng sẽ được hưởng vinh quang của Thiên Chúa (Rm 5, 2).
Thế giới với khoa học hiện đại, và xã hội của kinh tế thị trường làm con người cứng lòng tin vì óc thực nghiệm. Người đương thời không còn muốn chấp nhận mầu nhiệm, và ý niệm về mầu nhiệm ngày càng biến mất khỏi đời sống. Người ta chỉ tin những gì thấy được, kiểm chứng được, cân, đo, đong, đếm được, và nhất là ích dụng tức thời. Vì thế, khi nói đến mầu nhiệm, người ta vội cho là mê tín; khi đặt vấn đề Đức Tin, người ta chụp ngay cho cái mũ “mê hoặc, lạc hậu ”.
Thực ra, ai cũng phải tin, vì người không tin gì hết, không tin ai hết sẽ không thể sống, vì có ai sống mà không tin vào lời người khác nói, tin   những điều, những sự mà họ không hề biết, không hề thấy, không hề kiểm nghiệm; bởi ai có khả năng, và điều kiện để biết, để thấy và kiểm chứng mọi chuyện, mọi việc, mọi người liên quan đến mình? Chính vì thế, ai cũng cần niềm tin để tin những điều người khác nói, tin những gì không thể thấy, không thể sờ mó, kinh nghiệm.
Tôn giáo là tương quan giữa con người và Thượng Đế. Công giáo là tương quan giữa Thiên Chúa là Cha và con người là con. Tương quan Thiên Chúa – Nhân Loại đòi niềm tin, vì đây là tương quan giữa con người thụ tạo, tội lụy và Thiên Chúa, Đấng Chủ Tạo toàn năng, vô hình, thiêng liêng. Do đó, tự thân, tôn giáo là mầu nhiệm, vì chân lý tôn giáo là sự thật về Thiên Chúa, Đấng thiêng liêng, mầu nhiệm. Chối bỏ mầu nhiệm, xóa ý thức mầu nhiệm, con người sẽ không còn là con người quân bình, trọn vẹn, vì mất tính tôn giáo là một trong những đặc tính không thể thiếu của con người.
Vì là tương quan mầu nhiệm, nên sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người đòi Đức Tin như đường để con người đến với Thiên Chúa, như ngôn ngữ để con người nghe được tiếng Thiên Chúa, và nói với Ngài, như đôi mắt sáng để con người nhận ra dung mạo Thiên Chúa.
Không có Đức Tin, con người không thể đạt đến Thiên Chúa, không thể chạm vào Thiên Chúa, nói chi  thấy Ngài, yêu mến Ngài, và sống đời sống của Ngài. Đức Tin không thể thiếu trong câu chuyện tình  giữa Thiên Chúa và con người, cũng như không thể thiếu  mầu nhiệm trong tôn giáo; nếu không, tôn giáo không còn là tôn giáo, vì không bao giờ con người và Thiên Chúa có thể giao lưu, liên lạc, gặp gỡ, thông hiệp.
Có thể nói: những người vô thần từ chối tôn giáo, không nhận mầu nhiệm là những người mê tín, dị đoan hơn ai hết, vì chính họ vừa chối bỏ niềm tin, khước từ mầu nhiệm, vừa bám víu vào cuộc đời đầy mầu nhiệm; bởi  cuộc đời mỗi người  tự thân là một mầu nhiệm, vì có ai không thắc mắc “Tôi là ai ?  Cuộc đời là gì? Tại sao tôi sống,? Tại sao tôi phải chết ? Chết rồi đi đâu? Đâu là ý nghiã cuộc đời ? ”.
Những vấn nạn trên nói lên cuộc đời con người thật mầu nhiệm, mà chính con người không thể tự mình trả lời. Chính trong mầu nhiệm nhân loại, con người khám phá mình cần quy chiếu về Đấng đã dựng nên mình, bởi chỉ có Đấng Chủ Tạo mới có câu trả lời đúng nhất cho những vấn nạn của thụ tạo do mình dựng nên. Chối bỏ mầu nhiệm, gạt ra ngoài lề cuộc sống “con người tôn giáo”, thiết tưởng là việc làm  lố bịch nhất của con người trên hành trình khám phá mầu nhiệm sự sống của chính mình.
Người  chối bỏ không tin giống như con sáo luôn miệng hót mà cứ bai bải chối mình không biết nhạc. Họ không khác con sáo không tin vào âm nhạc nó đang có. Bằng chứng nào có thể đưa ra để làm chứng con sáo biết âm nhạc, mặc dù ai cũng biết sáo được sinh ra để hát líu lo. Cũng thế, Đức Tin của con người sẽ chỉ lớn lên, và vững mạnh bằng tin, chứ không bằng những chứng cứ, chứng từ. Chỉ tin  Thiên Chúa và các chân lý mầu nhiệm sau khi đã chứng minh, kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn và  đòi hỏi của khoa học thực nghiệm, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng cực kỳ phi lý của con sáo, khi nó cứ líu lo hát xướng suốt ngày mà lại ngoan cố, trâng tráo chối mình không “ biết” gì âm nhạc.
Như thế, khởi đầu từ mầu nhiệm đời sống, con người đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Chính “mầu nhiệm” cho con người là “người” đích thực, đúng nghiã, như sáo sẽ không được gọi là sáo nếu không mang “máu nhạc” để suốt đời líu lo.
Đi tìm Thiên Chúa, hay đi  tìm chính mình cùng là lên đường đi theo Đức Giêsu Thiên Chúa làm người, vì chỉ một mình Thiên Chuá làm người có tên là Giêsu mới có thể mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa, và mầu nhiệm con người; chỉ duy mình Ngài mới biết Thiên Chúa là ai, vì Ngài là Thiên Chúa, đồng thời biết rõ con người là gì, bởi con người đã được Thiên Chúa là Ngài dựng nên. Ngoài Đức Giêsu, không ai có thể mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa, và con người. Và để nói với con người những chân lý mầu nhiệm, Thiên Chúa đã nhập thể, bằng cách tự vùi mình trong nhân tính, trong máu thịt nhân loại để hiện diện với con người, trong đời người ở vị thế một Thiên Chúa si mê yêu thương con người đến nỗi tự nguyện, tự chọn thân phận người yếu đuối, hèn mọn nhất.
Tin Thiên Chúa yêu thương con ngưòi là xác tìn mầu nhiệm Thiên Chúa mặc lấy tất cả yếu đuối của con người trừ tội lỗi, vì sự gì bé mọn nhất ở con người đã là điều Thiên Chúa chọn lấy cho mình; nói cách khác, nếu không có yếu đuối của con người thì Thiên Chúa đã không đến trong thế giới loài người, và đích thực: yếu đuối đã là đường của Thiên Chúa đến với con người, đồng thời là đường của con người đến với Thiên Chúa.
Giáo Hội noi gương Đức Giêsu ngày ngày từng bước yếu đuối trên những con đường bé nhỏ tiến về Nước Trời. Giáo Hội thánh thiện vì có Đức Giêsu - Thiên Chúa cực thánh là Đầu, nhưng Giáo Hội biết mình yếu đuối, vì gồm những con người yếu đuối  luôn cần được cứu độ, che chở, bảo bọc bởi Tình Yêu của Đức Giêsu, Đấng đã thiết lập Giáo Hội. Thánh Phaolô  cũng như toàn thể Giáo Hội luôn  thâm tín ơn phù trợ, và tin vào Lời Hứa của Thiên Chúa: “Ơn Ta đủ cho con”.
Chiêm ngưỡng Thiên Chúa yếu đuối, cũng là chiêm ngắm Giáo Hội yếu đuối mà đại diện là người tín hữu đầu tiên và lý tưởng có tên  Maria. Chính yếu đuối, bé nhỏ “thánh thiện” của Mẹ đã làm cho Mẹ trở nên gương mẫu của các tín hữu (Lumen Gentium VIII 63): Với đôi mắt Đức Tin, Mẹ đã nhận ra chương trình Nhập thể của Thiên Chúa nơi một thiếu nữ yếu đuối, vô danh, khi khiêm tốn thân thưa: “Này tôi là nữ tớ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời thiên sứ truyền” (Lc 1,38). Với trái tim yếu đuối, Mẹ đã hiểu ra: Thiên Chúa yêu thương những người yếu đuối, hèn mọn: “Người đã thương đến phận thấp hèn nữ tớ của  Người ”, và “trải tình yêu của Người từ đời nọ đến đời kia” . Với đôi tay yếu đuối, Mẹ đã bám víu vào Thiên Chúa, Đấng “đã nâng những người yếu đuối, hèn mọn lên” (Lc 1, 46 -55). Với đôi chân yếu đuối, Mẹ đã bám gót Thiên Chúa trên đường thánh giá, và ở với Thiên Chúa trong giờ tử nạn để trở thành Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, Mẹ Giáo Hội, Mẹ nhân loại (Ga 19,25-27).
Qủa thực, Giáo Hội được Đức Maria đại diện là Giáo Hội yếu đuối, gồm những con người yếu đuối, nhưng đầy ơn phúc, vì có Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người yếu đuối ở cùng.  
Như thế, sẽ chỉ có Đức Tin mới cho ta nhìn ra Thiên Chúa trong yếu đuối của con người, chiêm ngưỡng Thiên Chúa phiá sau hình hài yếu đuối của thân phận người. Đức Tin là ánh sáng của Thiên Chúa xua đi bóng tối dầy đặc bao phủ, Đức tin là nước bọt của Thiên Chúa bôi lên đôi mắt mù loà để ta được thấy Thiên Chúa là tình yêu cứu độ, Đức Tin là Lời Thiên Chúa gọi ra khỏi mồ sâu chết chóc để ta được sống, Đức Tin là Lời tha tội ban bình an của chính Thiên Chúa, Đức Tin là hiện diện tràn đầy niềm vui, hạnh phúc của Thiên Chúa giữa chúng ta, những môn đệ của Đức Giêsu, Đức Tin là buổi ra quân lên đường truyền giáo đầy ơn Thánh Thần, Đức Tin là thái độ đơn sơ, phó thác ở Thiên Chúa quan phòng , Đức Tin là đời sống có Chúa liên lỉ :” Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà Chúa Kitô sống trong tôi”, Đức Tin là hằng ngày thấy tên mình được ghi trên trời, và  khát khao đợi chờ phần thưởng lớn lao, vô giá “được chiêm ngưỡng Thiên Chúa diện đối diện”, và Đức Tin chính là ghìm sâu cuộc sống đầy yếu đuối, tội lụy trong đại dương của lòng Chúa xót thương.