Phong trào
“Lòng Chúa thương xót” những năm qua tạo nên nhiều thắc mắc, ý kiến,
khuynh hướng phò - chống trái ngược nhau. Có cha xứ cấm bổn đạo đến nhà thờ Chí
Hoà mỗi trưa thứ năm hàng tuần để dự những buổi lễ kính lòng thương xót Chúa do
cha Trần Đình Long, dòng Thánh Thể tổ chức; có cha lại tán thành, tạo điều kiện;
có người xem những buổi tụ tập đông người quanh “Lòng Thương Xót” là mê tín; có
đấng khác cho rằng: đây là thời cấp bách truyền rao lòng Chúa xót thương và nhiệt
tình ủng hộ.
Thực ra,
không phải mới có lòng Chúa thương xót và Chúa mới chỉ bắt đầu xót thương con
người mấy năm nay. Nhưng từ thuở đời đời và cho đến tận thế, Chúa vẫn một lòng
xót thương và trung thành với giao ước xót thương nhân loại của Ngài. Các tổ phụ
Israel, Đức Maria và Giáo Hội vẫn hằng ca tụng không ngơi nghỉ “Lòng thương xót
Chúa trải qua từ đời nọ đến đời kia hằng bao bọc những người kính sợ Chúa” (Lc 1,50).
Như thế, lòng thương xót đã có từ ngàn đời và không bao giờ bị gián đoạn, đứt
khúc hay tàn lụi, phôi pha. Lòng thương xót ấy bền vững đời đời và đối tượng của
lòng thương xót là con người biết kính sợ Chúa.
Biết kính sợ Chúa là điều kiện duy nhất để nhận lòng
thương xót: “Hãy đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây. Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua
mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào” (Is 55,1). Mua mà không
phải trả tiền tức là đến lãnh không, nhận hàng “free”. Sở dĩ lòng thương xót
còn xa lạ, mới mẻ vì bấy lâu ta chưa biết kính sợ Chúa, chưa xem Chúa là cần
thiết cho cuộc đời, nên chẳng “tìm Ngài khi Ngài còn cho gặp và kêu cầu Ngài
lúc Ngài còn ở kề bên” (Is 55,6).
Biết kính sợ Chúa là lắng tai nghe
và đến với Ngài (Is 55,3). Đó là thái độ mở lòng và quyết tâm, điều kiện để nhận
lòng thương xót. Vì thế, đặt thêm những điều kiện mới khác để nhận được lòng
thương xót là xúc phạm chính lòng thương xót, vì Thiên Chúa đã muốn ban tặng
trái tim thương xót của Ngài một cách quảng đại, không bủn xỉn tính toán.
Chính vì lòng thương xót được cho
đi một cách dễ dàng, “nhưng không”, nên mới có chuyện người anh lớn khó chịu
khi thấy cha vui mừng cho hạ dê béo mừng em trở về sau những năm dài đi hoang (Lc
15,28), mới có chuyện bực bội khi thấy người khác được nhận vào làm giờ chót mà
vẫn ăn lương cả ngày (Mt 20,11-12), mới có chuyện bất mãn khi thấy người tội lỗi
được “trở lại” vài phút trước khi chết và người ngoại đạo nhận được ơn này ơn
kia. “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối
của các ngươi không phải là đường lối của Ta… Bởi trời cao hơn đất bao nhiêu
thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi và tư tưởng của Ta cũng
cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,8-9).
Không
như tư tưởng con người, Thiên Chúa đã lấy lòng thương xót làm sự thánh thiện của
mình (Lc 6,36) để thay vì lấy uy quyền của “Thiên Chúa các đạo binh”, lấy “chí
công vô tư” nghiêm khắc của Thiên Chúa chánh án, quan toà làm nền cho sự thánh
thiện, Ngài đã chọn trái tim bằng thịt hay xúc động, dễ cảm thông, luôn chạnh
lòng. Thay vì chọn cho mình tên gọi “nổ rền vang, kêu hoành tráng”, Thiên Chúa
đã tự chọn cho mình tên “Thiên Chúa Tình Yêu” nhẹ nhàng, êm ái, tên của Thiên
Chúa khiêm hạ, vâng lời, hy sinh, có trái tim từ bi, nhân hậu, chậm bất bình và
rất đỗi khoan dung (1Ga 4,8; 4,16).
Không như đường lối con người,
Thiên Chúa đã bất chấp logic bình thường của con người khi biểu dương danh
thánh và sự thánh thiện của Ngài là tình yêu thương xót trên những kẻ đã xúc phạm
đến Ngài. Cứu Israel ra khỏi các dân tộc thống trị dù Israel phản nghịch, bội ước,
Thiên Chúa đã hành động ngược lại tư tưởng và đường lối của con người khi đơn
phương và vô điều kiện tha thứ cho Israel: “Hỡi nhà Israel, không phải vì các
ngươi mà Ta hành động, mà vì danh thánh của Ta” (Is 36,22). Vì danh Ngài là
Thiên Chúa nhân hậu, giàu lòng xót thương, nên Ngài không thể không xót thương,
nhân hậu; nếu không Ngài sẽ tự lừa dối khi từ chối chính mình. Vì danh Ngài là
Thiên Chúa thánh thiện do lòng thương xót, nên Ngài chỉ biết xót thương vì Ngài
luôn thánh thiện (Xh 34,6; Tv 102,8).
Tiên tri Isaia đã trình bày những
việc Thiên Chúa làm vì xót thương Israel trong bài đọc đêm vọng Phục Sinh như
niềm hy vọng cho những ai biết kính sợ, chạy đến với Ngài:
1. Thiên Chúa đã đem Israel ra khỏi các dân tộc và quy tụ họ
trên đất của họ (Is 36,24). Tha hương là nỗi khổ mọi người. Không được sống
trên quê cha đất tổ là một bất hạnh nên có người con xa xứ, “tha phương cầu học
hay cầu thực” nào đã chẳng chạnh lòng nhớ quê, dù quê hương ấy bệ rạc, rách
nát, khốn khó thế nào đi nữa.
Dân tộc Israel “nổi tiếng” với lịch
sử triền miên bị lưu đầy, bách hại. Thế kỷ hai mươi tưởng đã xa thời man rợ, thế
mà hơn sáu triệu người Israel đã bị tiêu diệt trong các trại tập trung của Đức
quốc xã, dưới bàn tay hung bạo của nhà độc tài Hitler. Cựu Ước cũng đã ghi lại
các cuộc lưu đầy mà Israel phải chịu và nỗi khổ lưu đầy đã là bất hạnh được thấy
rõ nhất trong lịch sử dân Chúa. Xót thương dân mà Ngài đã chọn, Thiên Chúa cho
họ trở về quê hương, trên đất của tổ tiên, cha ông, mặc dù “đi đến đâu, họ cũng
xúc phạm đến danh Ta giữa chư dân và làm cho ra ô uế đất ấy vì lối sống và hành
vi của họ” (Is 36,17.20).
Hồi hương dân riêng, Thiên Chúa
cũng hồi hương tâm hồn con người để con người được an cư lạc nghiệp. Hồi hương
đối với người tín hữu là trở về với Đức Kitô, để trên quê hương là Đức Kitô,
tâm hồn người tín hữu được hạnh phúc bình an.
2.
Thiên
Chúa “thanh tẩy họ để họ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần” (Is 36,25). Một
ngày không tắm còn được, nhưng một tháng không tắm thì quả là kinh hoàng. Những
ai đã ở tù hay trại tỵ nạn đều ít nhiều kinh nghiệm về chuyện hiếm nước, “yêu
nước” khi thân xác nhầy nhụa, dơ bẩn, hôi hám vì lâu ngày không tắm. Tâm hồn
không tắm cũng ngứa ngáy, bứt rứt, khó chịu như thân xác ghẻ lở vì ở dơ. Thiên
Chúa muốn tâm hồn dân Ngài được thoải mái, mát mẻ khi tắm sạch, rửa sạch họ khỏi
mọi tội lỗi. Tình yêu thương xót như nước sẽ rửa sạch mọi ô uế và cho tâm hồn
nên trinh trắng, trong sạch. Sạch để đón nhận trọn vẹn tình Chúa thương xót. Trắng
để Thiên Chúa thánh thiện do lòng xót thương biến đổi nên giống Ngài hơn.
3.
Ngài
ban tặng họ một quả tim mới bằng thịt (Is 36,26) để thay thế quả tim cũ chai
đá, cứng cỏi, gian tà, ngoan cố. Trái tim là tổng hành dinh điều khiển đời sống.
Người có trái tim nhân hậu sẽ yêu thương hết tình và tha thứ hết mình. Người có
trái tim độc ác sẽ chỉ suy nghĩ và làm điều ác độc. Tim trong sáng cho cuộc đời
trong sáng. Tim đen tối làm cuộc đời tối đen. Vì thế, thay áo đổi quần, thay
nhà đổi xe, thay da đổi thịt hay thay đổi gì đi nữa trên thân thể cũng không bằng
thay tâm, đổi lòng; bởi trái tim, tâm hồn mới cần được đổi thay để nhờ đó, tất
cả sẽ được tự động thay đổi. Trái tim vui đem về hạnh phúc. Trái tim buồn đem lại
khổ đau. Trái tim thánh thiện đem ơn cứu sống. Trái tim chai đá trả về kiêu
căng hủy diệt. Nhưng không ai thay được tim người khác hay tự đổi được tim
mình, vì tim là cơ quan trọng yếu nên rất khó thâm nhập, là cơ năng phức tạp
nên rất khó can thiệp, đổi thay, ngoại trừ Thiên Chúa và Thánh Thần của Ngài.
Chỉ một mình Thiên Chúa mới thay đổi được trái tim con người và đặt vào quả tim
mới bằng thịt. Với quả tim mới, con người mới được tái tạo sẽ xây dựng một trời
mới, một đất mới của Thần Khí mới (Is 36,27).
Đó là viễn cảnh sống lại của tâm hồn,
là hứa hẹn ngày phục sinh từ cõi chết, là bước chân trở về với lòng Chúa xót
thương, Đấng sẽ làm mới lại tất cả bằng cách ban cho con người một quả tim mới
bằng thịt để biết chạnh lòng xót thương, động lòng trắc ẩn và rộng lòng sẻ
chia.
Ban lại quả tim mới thay quả tim
đen tội lỗi, ban lại trái tim bằng thịt thay tâm địa kiêu căng, Thiên Chúa
thương xót con người mà chính Ngài đã tạo dựng với trái tim yêu thương như hình
ảnh Ngài. Tiếc xót tạo vật mình yêu quý, thương nhớ hình ảnh mình dựng nên,
Thiên Chúa phải tự trở về với danh Ngài, tự tìm về căn tính yêu thương của Ngài
để có cớ cứu chuộc và tái tạo con người khi ban cho họ nguồn sống mới trong một
tâm hồn mới bởi một Thần Khí mới. Sự sống lại của Đức Kitô chính là sự sống mới
được ban cho con người. Trong sự sống mới này, con người sẽ “đi theo thánh chỉ,
tuân giữ các giáo huấn” (Is 36,27) và Thiên Chúa sẽ “giao hoà với con người bằng
giao ước mới và Ngài không còn nhớ lại lỗi lầm xưa”. Giao Ước mới sẽ được ghi
khắc tận đáy lòng, sâu thẳm trong trái tim mỗi người và từ bé chí lớn, trẻ em đến
người già, tất cả sẽ đều biết và yêu mến Thiên Chúa, bởi Ngài tha thứ tất cả lỗi
lầm và chẳng nhớ lầm lỗi của ai (Gr 31,31-34).
Đêm vọng Phục Sinh cùng anh chị em
tân tòng nhận bí tích Thánh Tẩy, chúng ta sống mầu nhiệm nước phục sinh, nước từ
cạnh sườn Đức Kitô trên Thánh Giá. Đây là nước của lòng thương xót, nước mang
ơn thanh tẩy, thứ tha, nước ban sự sống, nước làm mát tâm hồn, làm dịu cơn
khát, làm mềm đất khô, làm tươi cuộc đời. Đây là nước mà ai cũng có thể đến kín
múc, không phải trả tiền, không bị đóng thuế. Nước yêu thương, an ủi, nước
thương xót dạt dào, nước đổi mới, tái tạo.
Ngôn
sứ Êzêkien đã giúp ta ra khỏi những thắc mắc, nghi vấn về lòng thương xót Chúa
và tránh cho ta sai lầm khi đặt tư tưởng “cao vời khôn ví” của Thiên Chúa vào
khung hẹp ý nghĩ của loài người, đặt đường lối vô cùng nhiệm lạ của Thiên Chúa
vào khung nhỏ kế hoạch của nhân loại, nhìn công trình bao la của Thiên Chúa
trong nhãn giới hạn hẹp của thế gian.
Lời sấm của ngôn sứ cũng nhắc ta đừng
vẽ chân dung Thiên Chúa theo khuôn mẫu, tiêu chuẩn của ta, đừng gán ghép hình ảnh
ta cho dung mạo Ngài, nhưng tìm kiếm và làm sáng hình ảnh, dung mạo Thiên Chúa
trong ta; bởi lòng thương xót Chúa vượt xa ý nghĩ, tâm tư và tầm nhìn rất giới
hạn của con người. Lòng thương ấy cứu chữa vô điều kiện, cứu chuộc không biên
giới, cứu độ không so đo, cho đi không mặc cả, sẻ chia không tính toán và trao
ban không đòi thế chấp, biên lai.
Và mãi mãi vượt xa tư tưởng, đường
lối loài người, lòng thương xót của “Thiên Chúa làm người” chỉ muốn được yêu
con người và ao ước con người nhận ra hình ảnh xót thương của mình trong tâm hồn
họ, hình ảnh một tình yêu xót thương luôn chữa lành, đổi mới.