Pages - Menu

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2019

TIỀN CỦA

(Luca 16,1 -13) : Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT  25 và 26 Thường Niên, Năm C
Khi dòng tộc, láng diềng còn nghèo, lại ở vào hoàn cảnh đất nước chiến tranh, thì nét đơn sơ, chân thành, tình nghiã, tương trợ nổi bật, và ai nấy đều cảm thấy hạnh phúc vì được người khác yêu thương, tin tưởng, và vì thế cũng  một lòng tin tưởng, yêu thương mọi người. Gia đình, họ hàng, làng xóm ở thời ngô khoai, dưa cà tuy đạm bạc ấy nhưng luôn rộn rã, ăm ắp một niềm vui !
Gần nửa thế kỷ sau, vào những năm 2018,2019, khi chủ nghiã thực dụng bùng nổ với nền kinh tế tiêu thụ đạt đỉnh cao, xã hội không còn bình an nhưng thay vào đó là những cảnh thảm sát vì tham lam của cải và ma giáo, bất lương, tàn bạo : cháu cắt cổ bà để cướp đôi khoen vàng, con rể tương lai giết cả gia đình vợ sắp cưới vì những bất đồng vật chất, anh ruột sáng sớm vác dao lao vào giết gia đình em ruột chỉ vì tranh chấp rẻo đất cha mẹ để lại. Và còn vô số những cảnh tang thương, đẫm máu, chết chóc khác mà ngày ngày làm rùng mình, chấn động, hoang mang, hoảng lọan đám dân lành chỉ mong tìm lại ngày xưa quê mình yên ổn, ở đó dân mình hiền hậu, dễ thương.
Nguyên nhân đều do lòng tham vô đáy, được  ma mãnh, gian ngoa viết thành kịch bản lọc lừa và bạo lực đạo diễn thành thảm kịch đau thương. Kết qủa là người ta đã trở thành đồ tể, hoả ngục, ác qủy của nhau từ lúc nào không hay.
Đức Giêsu trong dụ ngôn người quản lý bất lương đã đưa ra một mẫu người gian tham, ma giáo có đẳng cấp, và không mấy lạ lẫm trong xã hội, thời đại chúng ta hôm nay :
Người phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mời gọi anh đến và bảo : Tôi nghe người ta nói gì về anh đó ? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa. Người quản lý liền nghĩ bụng : ‘Mình sẽ làm gì đây ? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia sẽ có người đón rước mình về nhà họ !’
Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất : Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy ? Người ấy đáp : ‘Một trăm thùng dầu ô - liu’. Anh ta bảo : ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi’. Rồi anh ta hỏi người khác : ‘Còn bác, bác nợ bao nhieèu vậy ?’ Người ấy đáp : ‘Một ngàn gịa luá’. Anh ta bảo : ‘Bác cầm ấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi’.. (Lc 16,1-7).
Để có thể sống, sau khi mất việc, người quản lý kia đã tìm cho mình một mánh lới tinh vi và chiêu trò gian lận, bớt xén của chủ theo kiểu của người phúc ta để giữ cho mình một số người ủng hộ, hầu bảo đảm đời sống bắt đầu bấp bênh. Với những người chỉ sống    tiền, và cuộc sống chỉ có ý nghiã khi nhu cầu vật chất được đáp ứng, thì anh quản lý bất lương kia là người khôn ngoan : anh được coi là khôn ngoan vì biết  lừa đảo ông chủ bằng  cho các con nợ  của chủ viết lại giấy nợ  với  số nợ đã được ma mãnh  cắt xén; anh được gọi là khôn ngoan, vì ma giáo chiếm đọat trắng trợn  một phần tiền không nhỏ của chủ mà chẳng để lại dấu vết, chứng cớ gì có thể tố cáo anh ta ; anh được tôn làm sư phụ khôn ngoan, vì vừa ăn cướp vừa nhân ái khi giảm tô, bớt nợ cho các con nợ ; anh được  con nợ suy tôn làm thần tượng khôn ngoan vì đã làm nhẹ đi gánh nợ nặng nề của họ bằng gian xảo, lừa dối ông chủ và lợi dụng con nợ với âm mưu chiếm đọat phần nợ tạm thời được tha; anh được tiếng là người khôn ngoan, vì biết tính toán khi dùng phương tiện bất chính là ký lại giấy nợ, để đạt mục tiêu bất công là chiếm đoạt một phần không nhỏ tiền cho vay của ông chủ, với ý hướng bất lương là lừa đảo, bịp bợm mưu lợi riêng.
Nếu ngưng lại ở đây, và chỉ dừng lại ở phạm trù luân lý thì Đức Giêsu đã không mở lời khen anh quản lý bất lương là người khôn ngoan, khi Ngài nói : Và ông chủ khen tên qủan gia bất lương đó đã hành động khôn khéo (Lc 16,8),  nhưng Đức Giêsu đã đặt chúng ta vào một phạm trù siêu nhiên hoàn toàn khác với ý nghĩ  về sự khôn ngoan của con người trước tiền bạc, khi đặt tiền bạc vào đúng vị trị với giá trị đích thực của nó : Vị thế và giá trị của một phương tiện.
Sở dĩ Đức Giêsu khen người quản lý bất lương kia khi nói : Thầy bảo cho anh em biết : hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu (Lc 16,9), vì Ngài nhấn mạnh với chúng ta : tiền bạc chỉ là, mãi là phương tiện, và không bao giờ là cùng đích, cứu cánh, mục đích của đời con nguời. Vì là phương tiện, và lạị là phương tiện sẽ hư hao, phôi phai, tàn rụi, nên chúng ta không được bám víu vào tiền bạc như lẽ sống, nhưng chỉ được dùng nó thuần túy như phương tiện để thực hiện mục đích vĩnh cửu, đời đời. Ở đây, Đức Giêsu mở ra cho chúng ta mục đích đời đời là tình bạn Nước Trời với những người bạn của Thiên Chúa. Nói cách khác, Đức Giêsu hướng mục đích của cuộc sống chúng ta đến tha nhân, dắt chúng ta ra khỏi pháo đài tiền bạc khép kín để đến với người khác; cởi trói chúng ta khỏi xiềng xích của ích kỷ, tham lam vật chất để chan hoà yêu thương, chia sẻ với người khác. Khi đặt tiền bạc chỉ là phương tiện chóng qua, Đức Giêsu muốn chúng ta thoát khỏi ràng buộc của vật chất và kéo chúng ta ra khỏi vũng lầy của cải cho hạn phúc Nước Trời, được biểu hiện qua tình huynh đệ với những người bạn vĩnh cửu như Tin Mừng Luca đã  ghi lại.
Cũng khởi đi từ vật chất, từ những sinh hoạt liên quan đến của cải như lòng trung tín, Đức Giêsu hướng chúng ta đến lòng trung tín với  Lề Luật : Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn ; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tền Của bất chính, thì ai sẽ giao phó cho anh em của cải chân thật ? (Lc 16,10-11). Điều này muốn nói lên : ngay đối với những giá trị vật chất, tuy  nhất thời chóng qua, người ta cũng cần đến lòng trung tín, nói chi đến những giá trị siêu nhiên, đời đời, thì lòng trung tín còn cần thiết biết bao.
Điểm sau cùng Đức Giêsu nhắn nhủ, đó là sức cuốn hút mãnh liệt của tiền bạc, khi đặt tiền bạc như đối trọng có tầm cỡ với Thiên Chúa : Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ ny mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được (Lc 16, 13).
Khi gọi tiền bạc là ông chủ, hẳn Đức Giêsu muốn nói lên khuynh hướng tôn thờ tiền bạc, thần tượng của cải, sùng bái vật chất như vị thần, ông chủ của đời mình và cuộc sống chỉ còn là một cuộc đời nô lệ tiền bạc, và con người là đầy tớ mù quáng, trung thành của giá trị vật chất hay hư nát, chóng qua.
Tiền bạc không xấu bao lâu còn giữ  vị thế là phương tiện. Nó chỉ xấu và làm con người mất địa vị chủ nhân của mình, khi con người biến nó thành ông chủ của mình, để phải bất hạnh  vì ông chủ có bản chất khắc nghiệt, tàn nhẫn này. Đức Giêsu không lên án người giầu có, nhiều của cải, nhưng cảnh giác nguy cơ người giầu đánh mất chính mình khi tự biến mình thành nô lệ bất hạnh của tiền bạc. Trái lại, hãy khôn ngoan xử dụng tiền bạc là phương tiện với giá trị nhất thời, chóng qua, hay hư nát để mua lấy giá trị  đời đời, vĩnh cửu là hạnh phúc Nước Trời   
Và chỉ khi nào tất cả chúng ta ý thức tiền bạc chỉ là phương tiện để thực hiện những mục đích cao đẹp phục vụ con người, làm vinh danh Thiên Chúa, thì xã hội mới không còn cảnh anh em cùng cha cùng mẹ thảm sát nhau vì những thước đất, cháu cưng xiết cổ bà nội, vì vài phân vàng, bạn bè truy sát nhau vì bất đồng vật chất.
Xin Chúa cho chúng ta biết đón nhận của cải như hồng ân, và xử dụng  tiền bạc như phương tiện để làm vinh danh Chúa bằng  quảng đại chia sẻ, và tận tâm phục vụ anh em, nhất là những anh chị em cơ cùng, tân khổ, bần hàn, thiếu thốn đang cần những giá trị vật chất tuy chóng qua, nhưng cần thiết từ bàn tay chúng ta để được sống xứng đáng là con người, và chúng ta được trở thành  bạn hữu đời đời, vĩnh cửu của họ trong Vương Quốc Nước Trời.
Jorathe Nắng Tím

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2019

ĐỨC GIÊSU LÀ ĐIỂM GẶP GỠ CỦA TẤT CẢ CHÚNG TA


Hơn sáu mươi năm cuộc đời, tôi đã gặp nhiều người, rất nhiều người thì đúng hơn, nhưng cũng nhiều người tôi không được gặp lại, và rất nhiều người, vì lý do này lý do khác, không gặp lại tôi, nên có lúc tôi đã trộm nghĩ : không lẽ đến một ngày mình sẽ mất hết những người mình đã thân quen trong cuộc sống ?
Qủa thực, nhìn đời dưới lăng kính đời thường thì cuộc đời là những chuyến xe, trên những chuyến xe này, người ta gặp nhau, chuyện trò rôm rả, tâm sự nỉ non, thân thương lưu luyến rồi ai nấy lại tiếp tục làm hành trình đời mình, tiếp tục lên những chuyến xe mới, gặp gỡ những con người mới, với những câu chuyện mới, hoàn cảnh mới, tình tiết mới, yêu thương mới, rồi … đa số lại bỏ ta đi như những giòng sông vô tình, một số không nhỏ rời xa ta, lãng quên ta, vì ta không còn cần thiết, và không còn mang lại lợi ích cho họ ; một số nho nhỏ khác tránh xa ta, vì khinh bỉ, coi thường, có khi tẩy chay, cô lập, lên án, tìm tiêu diệt ta vì ta vô tình hay hữu ý trở thành lực cản, chướng ngại, nguy cơ, tai ương đe dọa  họ.
Thế là đời ta cứ loanh quanh, lẩn quẩn, lòng vòng với gặp gỡ rồi chia xa, quen biết rồi lạ lẫm, ngưỡng mộ rồi khinh bạc, dấu yêu rồi hận thù, để càng về cuối đời, khi mắt mờ chân mỏi, chẳng còn đi được đến đâu, ta sẽ chỉ còn lại một mình ta với ta, thui thủi một bóng : ta với mình.
Nhưng hôm nay, tôi ngộ ra một điều rất quan trọng và an ủi tháng ngày về già hiu quạnh của tôi, khi chiêm ngắm Đức Giêsu, trung tâm của lịch sử nhân loại và cùng đích của hành trình con người :
1.   Tôi nhận ra Thiên Chúa của Đức Giêsu là điểm gặp  của toàn thể nhân loại qua lòng thương xót của Ngài :
Không cần phải đi tìm xa xôi, nhưng chỉ đưa mắt nhìn thiên nhiên và nghe Đức Giêsu nói về mưa nắng, cũng đủ để biết : chúng tôi không thể mất nhau, vì tất cả đều được chung hưởng hạnh phúc được Thiên Chúa thương xót, cứu độ: vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính (Mt 5, 45).
Chưa kể, chúng tôi còn được chung lời cầu nguyện với Cha chúng tôi  trên Trời (x. Mt 6,9-13).
Như thế, trong lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha nhân hậu, tôi không mất người nào tôi đã gặp, đã thương, đã chia sẻ, cũng như không ai có thể đánh mất tôi là người con, học trò, bạn hữu, người yêu, người tình đã được rất nhiều người vất vả cưu mang, tận tình chăm sóc, hết tình yêu thương, rộng tình tha thứ.
2.   Tôi nhận ra Đức Giêsu là trung tâm của mọi gặp gỡ  vì Ngài là Đầu của Thân Thể mầu nhiệm :
Thánh Phaolô xác tín sự hiệp nhất, hiệp thông trong Đức Giêsu của loài người, theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa, khi Đức Giêsu qủa quyết : Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy (Ga 15,4), đã long trọng trình bầy mầu nhiệm Giáo Hội qua hình ảnh Thân Thể có Đức Giêsu là Đầu, và tất cả chúng ta là chi thể :   như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể (1 Cr 12, 12-13). 
Vì cùng một Thân Thể, các chi thể không có lý do, cũng không có khả thể tách rời, cô lập, tẩy chay hay không giao lưu, hợp tác với nhau, bởi bất cứ hành động tiêu cực của chi thể  dù nhỏ bé, ẩn dật đến đâu  cũng đều gây tổn thất, thiệt hại chung cho toàn thân, tức cho tất cả các chi thể khác. Cũng vì là một thân thể, nên các chi thể tương trợ, nâng đỡ, bổ xung, bù đắp cho nhau để không ai yếu đến độ bị tiêu diệt, cũng không ai mạnh đến độ trở thành kẻ tiêu diệt người khác, nhưng hiệp nhất, hiệp thông trong cùng một thân thể.
3.   Tôi nhận ra Đức Giêsu là cùng đích của mọi người, vì Ngài là Thiên Chúa cứu độ:
Con người cần được giải thoát, vì cuộc sống đầy những trói buộc : từ trói buộc của mặc cảm, bất toàn, đau khổ đến trói buộc của tội lỗi, sự dữ, ma qủy, nên con người không thể tự tạo cho mình hạnh phúc thật và vĩnh cửu, nếu không có Đấng Cứu Độ. Đứng trước đường cùng, ngõ bí của cuộc đời là sự chết, hay trước phi lý, vô nghiã đến nôn mửa của kiếp người, phận đời, con người không thể tự mình thoát ra hay tự mình cho mình một lẽ sống đích thực mang lại hạnh phúc, nếu không có Đấng đem đến cho con người ánh sáng mặc khải về Thiên Chúa, con người, vũ trụ, đời này, đời sau. Và Đức Giêsu, Thiên Chúa đã đến trong thế giới, đã làm người và ở giữa loài người để yêu thương, giải thoát, cứu độ bằng quy tụ tất cả mọi người trong trái tim đầy bao dung, nhân hậu được minh chứng qua cuộc tử nạn và sống lại của Ngài. Ơn cứu độ này không từ chối ai, không khước từ bất cứ người nào, dù bất xứng, tội lụy đến đâu, bởi là ơn cứu độ của Thiên Chúa, ơn cứu độ của Đấng tuyệt đối yêu thương, vô cùng bao dung, nhân hậu, nên giá trị cứu độ vô biên, vô hạn, không bao giờ vơi cạn, và ngập tràn, chan chứa mọi nơi. Đó là lý do tất cả mọi người đều được hy vọng cứu rỗi, đều mang trong mình mầm ơn cứu độ nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ.    
Chính trong niềm hy vọng được hưởng ơn cứu độ từ thánh giá của Đức Giêsu mà chúng ta có lý do nuôi lớn niềm hy vọng được gặp lại nhau. Hai niềm hy vọng đan quyện trong nhau nơi Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ, cũng là Đấng quy tụ tất cả nhân loại trong hạnh phúc được cứu rỗi.  
Một khi tin tưởng Đức Giêsu sẽ cứu độ tất cả chúng ta, tôi sẽ không còn lo sợ mất người thân này, xa mãi người quen kia, hay không còn được gặp lại người ơn, người tình, nhưng tràn đầy niềm vui và hy vọng sẽ được gặp lại mọi người.
4.   Tôi nhận ra ơn bình an của Thiện Chúa quy tụ, hiệp nhất mọi người thiện tâm :
Trong đêm Giáng Sinh, tiếng hát các thiên thần đã loan báo cho nhân loại một Tin Vui mừng vô cùng lớn lao : Thiên Chúa xuống thế làm người, để ban ơn bình an cho người thiện tâm (x. Lc 2,14). Người thiện tâm là người có lòng ngay, có ý muốn tốt lành, có tâm hồn chân thật, có trái tim nhân ái ; người thiện tâm còn là người  biết chạnh lòng, thuơng cảm, biết vui với ai mừng vui, khóc với ai đang khổ sầu, biết làm điều lành, tránh điều ác, không gây đau khổ cho ai, không trở nên tai ương, đe dọa cho người nào.
Như thế, bất cứ ai ở vào hàng ngũ người thiện tậm, đứng chung đám đông có ý hướng ngay lành đều là người được Thiên Chúa yêu thương và xứng đáng hưởng ơn phúc Bình An của Thiên Chúa tình yêu. Ơn bình an là ơn của Thiên Chúa, ơn thuộc về Thiên Chúa, vì chỉ một mình Thiên Chúa mới ban cho con người bình an thật, bình an mà thế gian không ban cho được, như Đức Giêsu đã qủa quyết. Ở trong thế giới này, chúng ta có thể có rất nhiều thứ, nhiều sự, nhưng riêng ơn bình an trong tâm hồn là ơn thuộc về Thiên Chúa, mà người giầu có, quyền thế, uy lực đến mấy cũng không sắm cho mình được, vì ơn Bình An không thuộc về thế gian, nên con người không thể  mua bán, đổi chác, chiếm đoạt được ở nhau.
Chính trong ơn Bình An này mà chúng ta gặp gỡ nhau, gặp lại nhau nếu đường đời muôn lối làm chúng ta không còn thấy bóng dáng nhau, bởi khi xa nhau, chúng ta nhớ nhau và cầu xin cho nhau ơn bình an, bởi khi vắng nhau, chúng ta chỉ còn biết trông cậy vào ơn bình an của Thiên Chúa che phủ người thân của mình ; chỉ biết nài xin ơn bình an của Đức Giêsu phục sinh gìn giữ, đồng hành với người chúng ta yêu thương nay phải xa cách ; chỉ biết chạy đến Thiên Chúa là nguồn Bình An thương xót độ trì người đã đi xa tận chân trời.  Vì thế, hy vọng được gặp lại nhau trong  Bình An của Thiên Chúa sẽ luôn là động lực thôi thúc chúng ta sống thiện tâm, ngay lành.
Qủa thực, nếu đi theo  Đức Giêsu, tôi sẽ chẳng mất ai trong đời, nếu gắn bó với Đức Giêsu, tôi không phải xa mặt cách lòng đối với bất cứ ai, vì tất cả ở trong tình yêu và ơn cứu độ của Ngài, vì tất cả được tháp nhập trong Ngài, quy tụ quanh Ngài, trở về với một mình Ngài.
Đi theo Đức Giêsu, Ngài dậy chúng tôi cầu nguyện, và khi cầu nguyện: Lậy Cha chúng con ở trên trời, chúng tôi không thể không nhớ đến nhau, những người con cùng một Cha trên trời ; không thể không dâng lên Cha niềm vui, nỗi buồn, thành công, thất bại, ngày tháng hạnh thông cũng như hoàn cảnh khốn khó của những người thân yêu, quen biết, sơ giao, kể cả  những người không ưa  mình và kẻ mình không thích, bởi Ngài dậy chúng tôi phải cầu nguyện với nhịp đập của trái tim thương xót của Ngài, và với tâm tình của người có tội với Thiên Chúa, có lỗi với anh em đang cần được xót thương. Chính trong tâm tình của tội nhân đáng thương và  với thái độ khiêm tốn đang cần lòng Chúa thương xót, cũng như anh em thương cảm, chúng tôi gặp được tất cả mọi người thân quen còn sống hay đã chết, xa hay gần, thường gặp hay lưu lạc, mất hút trong cuộc đời, kể cả những người chẳng may đã một lần bị chúng tôi gọi tên là kẻ thù, đối thủ.
Gắn bó, tháp nhập với Đức Giêsu, chúng tôi sẽ lớn lên trong đức tin nhờ sống đời thiện tâm, và  đức ái cách thiết thực, sống động khi  đến với mọi người đang cần tình yêu chia sẻ. Chính trong khi phục vụ mọi người, chúng tôi gặp được Chúa, và chính Chúa sẽ cho chúng tôi gặp lại mọi người, vì trong Thiên Chúa, chúng tôi gặp được mọi người, và  khi chia sẻ, phục vụ mọi người, chúng tôi gặp được Thiên Chúa, bởi  Ngài là Thiên Chúa làm người và là  mái ấm yêu thương của toàn thể nhân loại.
Xin Chúa cho chúng con  xác tín rằng: khi cầu  nguyện, chúng con gặp được mọi người, và trong phục vụ, chúng con cùng mọi người gặp được Chúa, là phần thưởng đời đời, và ơn Bình An của chúng con.
Jorathe Nắng Tím

CHÚNG TA KHÔNG LÊN THIÊN ĐÀNG MỘT MÌNH


Quang cảnh ngày phán xét chung trong Tin Mừng Mátthêu chương 25 đặt ra cho chúng ta nhiều suy tư về tương lai ở cuối đường đời, khi chúng ta phải theo nhau rời bỏ cuộc sống trần gian này để bước vào đời sau, diện đối diện với Đấng đã sai chúng ta vào đời. Cũng chính Ngài sẽ thẩm định phần thưởng và hạnh phúc đời đời của mỗi người.
Quang cảnh ngày chung thẩm ấy ngoài sự hiện diện của Thiên Chúa trên ngai vinh hiển, còn có tất cả các thiên sứ theo hầu (Mt 25,31), và các dân thiên hạ được tập hợp trước mặt Người (Mt 25, 32). Và người lành, kẻ dữ được chia ra hai bên trái, phải.
Thánh Mátthêu đã ghi lại từng chi tiết những lời của Đức Giêsu khi nói về  ngày Thiên Chúa trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Qua những lời ấy, chúng ta ghi nhận những điểm chính yếu sau đây:
1.   Ngày phán xét, không ai dấu được qúa khứ của mình :
Tất nhiên, khi qua đời, con người không còn lệ thuộc thời gian, nên thời gian sẽ chỉ còn là một hiện tại tròn đầy, bầy ra trước mắt, ở đó, mỗi người được thấy rõ  ràng từng hành vi tốt, xấu mình đã thực hiện trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và mỗi người sẽ tự biết mình phải đứng ở vị trí nào : phía người lành, hay bên người dữ. Đồng thời, chỗ đứng định mệnh và đời đời ấy được tất cả mọi người biết, bởi đây là cuộc phán xét chung, khi các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người (Mt 25,32).
Vì thế sẽ chẳng có gì dấu giếm được, nên sẽ có rất nhiều bất ngờ ở ngày ấy, khi có những người chúng ta cực kỳ khinh khi, coi thường, đối xử tệ bạc khi còn sống ở dương thế lại là người đã âm thầm yêu thương và đóng góp nhiều nhất vào việc cứu rỗi linh hồn ta ; cũng có những người bị xã hội, kể cả cơ chế giáo hội tẩy chay, khai trừ, ruồng bỏ lại là những con người thánh đã nhẫn nhục hy sinh trọn vẹn đời mình trong câm lặng, vì ích lợi chung và hạnh phúc của người khác, mà chỉ hôm nay, trong ngày chung thẩm chúng ta mới được biết hết sự thật về con người và việc làm của họ. Chúng ta sẽ không mấy khác những người lành và người dữ trong ngày chung thẩm được Tin Mừng mô tả, khi họ sững sờ, bỡ ngỡ thưa với Chúa : Lạy Chúa, có khi nào chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống ; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước ; hoặc trần truồng mà cho mặc ? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu ? (Mt 25 37-39)  
2.   Số phận đời đời của mỗi người gắn liền với  người khác :
Số phận đời đời của mỗi người gắn liền với người khác, vì không ai có thể lên thiên đàng một mình, cũng không người nào có thể được cứu rỗi đơn độc, mà không dính líu, can dự đến người chung quanh, bởi đường về Nước Trời là đường của đám đông cùng đi theo Đức Giêsu, hành trình của toàn thể dân Chúa đồng hành, hướng đi của toàn thể nhân loại cùng tiến về quê trời hằng phúc.
Số phận đời đời của mỗi người gắn liền với người khác, vì mỗi người đều được trao trách nhiệm và có bổn phận trên sự sống và hạnh phúc của người khác, như Thiên Chúa Giavê đã hỏi Cain : Aben, em ngươi đâu ? (St 4,9). Cũng câu hỏi này, Thiên Chúa sẽ hỏi mỗi người ở ngày chung thẩm.  
Đằng khác, số phận đời đời của mỗi người gắn liền với người khác, vì Thiên Chúa không kêu gọi từng người và ban cho từng người đức tin để giữ riêng cho mình, thủ kỹ cho bản thân, bởi đức tin được trao ban không để bảo vệ kỹ lưỡng, để cất kỹ trong tủ sắt làm của riêng, như người nhận một yến bạc của ông chủ đã không kinh doanh làm lời, nhưng đem chôn giấu yến bạc dưới đất (Mt 25,25) đã bị ông chủ giận dữ kết án : Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác ! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ, và ông ra lệnh quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài : ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng (Mt 25,26-27.30), trái lại, đức tin ấy phải được chia sẻ, lan toả, tiếp tục trao ban cho người khác, như nến cháy nhận được từ Thánh Thần phải được thắp sáng trong trái tim, giữa nhà, ngoài ngõ, trên đường phố, trong cuộc đời của người chung quanh bằng đức ái.
Vì thế, đức tin chúng ta nhận được không phải để được bảo vệ, nhưng đức tin ấy sẵn sàng chấp nhận bị va chạm, bị xứt xát, bị xưng trán, u đầu, chấp nhận chân lấm tay bùn, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, sớm hôm tần tảo, khó nhọc để được lớn lên, trưởng thành, sinh sôi nẩy nở, và đơm hoa kết trái xum xuê bằng đời sống đức ái, bằng dấn thân chia sẻ, bằng phục vụ vô vị lợi anh em, những người đang cần được chia sẻ, ủi an, cần tình yêu hiến mình để được sống và sống dồi dào (Ga 10,10), như thánh Giacôbê đã khẳng định : Một thân xác không hơi thở là một xác chết, đức tin không có hành động là đức tin chết (Gc 2,26). Hành động ở đây chính là hành động của đức ái, vì nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi (Gc 2,24). Nói cách khác, đức tin cần đức ái như thân xác cần hơi thở, cần máu để sống.    
3.   Yêu thương là tiêu chuẩn đánh giá tội - phúc :
Thiên Chúa không ban ơn cứu độ một cách tự động như làm rơi thẻ thông hành vào Nước Trời từ trên cao, để ai nấy nhặt được sẽ đem về cất kỹ, chờ ngày chết, an nhiên đi vào thiên đàng, mà không cần phải làm việc gì, hay đáp ứng đòi hỏi nào khác. Sự thật hoàn toàn không như vậy, bởi Đức Giêsu đã cho chúng ta biết rất chính xác tiêu chuẩn phải đạt để được nhận vào làm công dân Nước Trời khi nói về ngày chung thẩm : Hỡi những người được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn ; Ta khát, các ngươi đã cho uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước ; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc ; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng ; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến hỏi han (Mt 25,34-36). Và Thiên Chúa đã làm mọi người bất ngờ khi tự đồng hoá mình với những người hèn mọn, cơ cùng nhất : Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy (Mt 25,40).
Như thế, không ai sẽ có thể lên thiên đàng một mình đơn độc khi chủ trương khư khư ôm chặt đức tin cho mình, cuồng tín bảo vệ đức tin của mình bằng mọi giá, mà không làm sáng danh Đấng mình tin, không làm người khác yêu mến Đấng mình tôn thờ, không làm người chung quanh đón nhận Đấng mình phụng sự là Thiên Chúa Cứu Độ giầu lòng thương xót, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung bằng sống đời tương trợ, bác ái, qủang đại chia sẻ, và ân cần phục vụ ; cũng chẳng có người được lên Trời khi chỉ lo cho riêng mình lúc còn sống, chỉ thu gom, vun vén cho phần rỗi của mình khi khoẻ mạnh, gặp thời, mà không nghĩ đến hạnh phúc của người chung quanh, không can dự đến cảnh khốn quẫn, tang thương, vất vả của người khác , không chia sẻ, góp phần làm nhẹ gánh thương đau, giảm bớt nỗi tủi sầu của đồng loại, bởi một lần nữa thánh tông đồ Giacôbê nhắc nhở : Đàng khác, có người sẽ bảo : Bạn, bạn có đức tin ; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động ; còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin. Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Bạn làm phải. Cả ma qủy cũng tin như thế, và chúng run sợ. Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô dụng không ? (Gc 2,18-20), và thánh tông đồ Gioan  đồng lòng cảnh báo: Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,7-8). Và không biết Thiên Chúa, thì làm sao mong Thiên Chúa biết đến tên mình mà gọi vào Vương Quốc của Ngài ngày chung thẩm ?
Do đó, đường lên thiên đàng của mỗi người là đường đến với tha nhân, đường đi đến gặp gỡ người khác, đường chia sẻ với mọi người, nhất là những người kém may mắn, đang ở vào hoàn cảnh đáng thương, cần được giúp đỡ. Và đó chính là lý do: chúng ta không thể lên trời một mình, nhưng ơn cứu độ có sinh ích cho ta hay không sẽ tùy thuộc hành động bác ái ta làm cho anh chị em đang cùng sống, đang cùng ta đi trên hành trình về Nước Trời.
Đạo công giáo là đạo của Thiên Chúa tình yêu, và con đường đến với Thiên Chúa cũng là con đường tìm gặp tha nhân. Thiên Chúa và con người cùng chung trên một tuyến đường, bởi Thiên Chúa đã làm người và ở giữa loài người chúng ta, nên sẽ không có đường đến với Thiên Chúa mà không đến với con người, không có hẹn hò riêng tư với Thiên Chúa mà không có bóng dáng con người, không có vinh danh Thiên Chúa mà thiếu hạnh phúc của con người, bởi Thiên Chúa yêu thương con người và muốn thông ban hạnh phúc của chính mình cho con người, nên con người không có lý do gì lại không qủang đại thông ban tình yêu và hạnh phúc cho nhau. 
4.    Hành động làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn cả là phụng sự Ngài bằng mưu tìm hạnh phúc cho người khác, đặc biệt những người bé mọn, bị bỏ rơi, bạc đãi:
Nếu Thiên Chúa chọn yêu thương, phục vụ tha nhân là tiêu chuẩn thưởng phạt, và là điều kiện để được nhận vào Nước Trời, thì làm vinh danh Ngài chính là thao thức và nỗ lực mưu tìm hạnh phúc cho người khác. Nói cách khác, hạnh phúc của con người là vinh quang của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa yêu thương, nên luôn mong ước con người được hạnh phúc, bởi hạnh phúc là gien của Thiên Chúa tình yêu mà con người được thừa hưởng.
Điều này nhắc chúng ta một chân lý nền tảng : chúng ta được dựng nên để là những đứa con hạnh phúc của Thiên Chúa là Cha nhân hậu, toàn năng và giầu có như hình ảnh người cha trong Tin Mừng Luca chương 15, nên bất hạnh không là cứu cánh, cũng không là ý muốn của Thiên Chúa, bởi tất cả những công trình Thiên Chúa thực hiện đều có mục đích đem lại cho chúng ta hạnh phúc đích thực và đời đời. Đổ lỗi cho Thiên Chúa là tác giả của đau khổ, lên án Thiên Chúa là nguyên nhân mọi tai ương, bất hạnh chắc chắn là một bất công và xúc phạm rất nặng nề.
5.   Thiên Chúa tự đồng hoá với người nhỏ bé, hèn mọn chính là chân lý Chúa Cha đã mặc khải cho những người bé nhỏ, mọn hèn:
Chân lý vĩ đại  được Chúa Cha mặc khải mà Đức Giêsu đã nói tới chính là mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy (Mt 25,40).
Đây là chân lý mà Đức Maria đã được Thiên Chúa tỏ cho biết và Mẹ đã ca ngợi lòng thương xót của Thiên Chúa trên phận hèn nữ tì của ngài trong kinh Tán Tụng Magnificat, cũng là niềm hạnh phúc khôn cùng của các thánh từ tạo thiên lập địa đến tận cùng của thời gian. Gần chúng ta hơn cả là thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, người đã hiểu và sống hết mình mầu nhiệm cao siêu này, khi không ngừng thốt lên trong nhật ký Một Tâm Hồn : Ôi Thiên Chúa của con !, như tiếng lòng tràn ngập tin yêu của người con yếu đuối, bé bỏng trong vòng tay vô cùng yêu thương của cha mình.   
Tương tự như thế, khi bảy mươi hai môn đệ tập họp lại báo cáo thành qủa truyền giáo (x. Lc 10,17), Đức Giêsu đã hớn hở, vui mừng và nói : Lậy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín, không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn (Lc 10,21).
Ngài tạ ơn vì các môn đệ đã nhận ra quyền năng các ông có được đã không đến tự mình, nhưng từ Thiên Chúa khi các ông nhân danh Ngài ; những phép lạ các ông thực hiện đã làm kinh ngạc nhiều người đã không do khả năng của các ông, nhưng bởi ý muốn của Thiên Chúa. Niềm vui của Đức Giêsu hôm ấy là tinh thần và thái độ bé nhỏ, đơn sơ, hồn nhiên và tuyệt đối tín thác vào Ngài của các môn đệ khi các ông kể lại những việc kỳ diệu các ông đã thực hiện được nhờ cậy dựa vào quyền năng Thiên Chúa, khi các ông nhân danh Ngài.
Vâng, người bé nhỏ, hèn mọn thì luôn khiêm tốn cậy nhờ, nương dựa ; người yếu đuối không bao giờ dám vênh vang, kiêu hãnh, tự đại, tự cao, nhưng phó thác, trông cậy, cầu khấn, van nài. Và đó chính là điều Thiên Chúa đợi chờ ở những người con Ngài yêu.      
Tóm lại, thiên đàng rộng mở cho chúng ta cùng nhau bước vào, như hình ảnh của sách  Khải Huyền : Kià một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế (Kh 7,9), bởi trên hành trình dương thế, tất cả chúng ta đều gắn bó mật thiết, liên đới chặt chẽ với nhau, do có cùng một Cha trên trời, có cùng ơn gọi nên thánh, có cùng cùng đích Thiên Chúa tình yêu, có cùng hạnh phúc được cứu độ, có cùng thân phận yếu đuối, tội lụy, có cùng thử thách, cám dỗ, có cùng thách đố làm lành lánh dữ.
Quang cảnh ngày chung thẩm hay cảnh tượng những người đã đến sau khi đã trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế họ được chầu trước ngai Thiên Chúa (Kh 7,14-15). Đám đông cùng giặt áo mình trong máu Con Chiên của Khải Huyền nói lên tính đồng tâm nhất trí, đồng lao hiệp lực, đồng hành, đồng hướng của những người đi theo Đức Giêsu, và tất cả đã khẳng định : chúng ta không thể vào Nước Trời đơn độc một mình, nhưng luôn vào với người khác, cùng vào với nhau, tay trong tay, vai kề vai tiến vào Nhà Thiên Chúa, vì chúng ta chỉ có một Cha chung, ở trên trời, và ở giữa chúng ta có Đấng Cứu Độ, tên Ngài là EMMANUEL : Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Jorathe Nắng Tím 

CUỒNG TÍN

Cuồng tín là tin điên cuồng. Người cuồng tín là người tin không bình thường, nhưng dị thường ; không quân bình tâm lý khi đón nhận chân lý, nhưng gắn bó với chân lý một cách cực đoan, qúa khích, khi chủ trương đánh gục những ai không tin như mình. Cuồng tín là hiện tượng của mọi thời đại và mọi nơi, tùy theo tầm vóc và mức độ ảnh hưởng mà cuồng tín trở thành hiểm họa của thế giới loài người.
Để hiểu cuồng tín là gì và hậu qủa cuồng tín mang lại nặng nề, tang thương như thế nào, tưởng không gì tốt hơn là nhìn vào thái độ được biểu lộ nơi những người cuồng tín :
1.   Người cuồng tín có thái độ kiêu căng, cực đoan, độc đoán :
Cực đoan, độc đoán khi chỉ nhận những gì mình tin là đúng, là thật, là hoàn hảo, và phủ nhận không tiếc thương, không suy nghĩ đắn do, không đo lường, so sánh các giá trị khác, chỉ vì những giá trị ấy không thuộc vào niềm tin của mình.
Người cuồng tín không có khả năng nhân bản để lắng nghe, đón nhận, và chia sẻ những giá trị ở những niềm tin khác ; cũng không có sức mạnh tinh thần để đối thoại, trao đổi các giá trị đa chiều, đa phương với người có tín ngưỡng khác mình ; càng không được trang bị nhẫn nại, và khiêm tốn để nhìn nhận những gì còn thiếu sót, khiếm khuyết trong tôn giáo của mình.
Thái độ cực đoan, độc đoán vô tình cô lập, tách rời người cuồng tín khỏi cộng đồng xã hội, và không ai bảo ai, tất cả đều nhận ra họ là những con người lập dị, không giống ai. Họ lập dị vì kiêu căng, tự mãn, tự phụ ; họ không giống ai vì cho mình vượt trội, ở trên người khác khi độc đoán cho rằng  chỉ niềm tin, tôn giáo họ theo, tín điều, lề luật họ giữ, thiên chúa, thần thánh họ thờ, đường lối họ chủ trương mới đích thực, đích xác, đích danh, đích đáng. Và ngoài những gì họ thờ, họ tin, họ bảo vệ, tất cả đều sai lạc, sai trái, sai phạm. Cũng vì nhìn chung quanh mình, ở ngoài mình đều sai trái, lỗi phạm mà người cuồng tín tự thấy mình có quyền phải chỉnh đốn, thay đổi, giập tắt, tiêu diệt.
2.   Thái độ bạo lực để tự bảo vệ mình và khống chế người khác không cùng niềm tin :
Người cuồng tín vì cực đoan, độc đoán, nên nhìn những người không cùng niềm tin, không cùng chọn lựa với mình như đối thủ, bởi tiên thiên họ thấy mình là thiểu số được tuyển chọn, số ít được mặc khải, một nhóm nhỏ được cứu độ. Nhìn số đông quanh mình như đối thủ là phản ứng tự nhiên của một số nhỏ tự coi mình là tuyệt vời, và mặc cảm bị đám đông tầm thường, xấu xa, bất toàn dòm ngó, châm chích, chống phá cũng là ác nghiệp của người cuồng tín. Và để tự bảo vệ vị thế thiểu số tuyệt vời, những người cuồng tín chọn bạo lực, cũng như chỉ với bạo lực, họ mới có thể khống chế, áp đảo, tiêu diệt được đối phương.
Do đó, trong tất cả các phong trào cuồng tín to nhỏ, có tầm quốc gia hay quốc tế, chúng ta đều nhận thấy yếu tố bạo lực luôn nổi bật, và là hiện tượng, thực tế không thể chối cãi, dù nhìn duới bất cứ lăng kính, góc cạnh nào.          
Người cuồng tín nại đến đủ thứ bạo lực : tư tưởng baọ lực, lời nói bạo lực, việc làm bạo lực, vì với người cực đoan, độc đoán, lòng kiêu hãnh, cao ngạo luôn thúc đẩy con người tìm đến bạo lực như phương tiện duy nhất. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi người cuồng tín say sưa nhân danh thiên chúa giầu lòng thương xót để phân thây xẻ thịt, chặt đầu, băm xác những người dám lên tiếng tỏ ý bất đồng quan điểm, niềm tin ; không ngại vấy máu trẻ thơ vô tội trong cơn say đức tin, khi họ càn quét, truy lùng, giết chóc những người thuộc tôn giáo khác, mà họ coi là kẻ ngoại đạo đáng nguyền rủa, lên án, khử trừ. Chúng ta cũng không bất ngờ nếu đe dọa cứ hằng ngày đến từ phía những người cuồng tín tìm tấn công những cộng đoàn tín hữu không thuộc về họ.    
3.   Thái độ bảo vệ cơ chế một cách mù quáng :
Người cuồng tín cần bảo vệ cơ chế, vì cơ chế mới có thể bảo vệ đức tin cuồng tín của họ. Không có cơ chế, hay cơ chế bị suy yếu, họ sẽ không thể hiện được niềm tin si mê, điên khùng, qúa khích của họ.
Trong thực tế, người cuồng tín ra sức bảo vệ cơ chế hơn bảo vệ tín điều, vì cơ chế mới thực sự là sức mạnh, ở đó người cuồng tín cần bám vào để tồn tại. Rời xa cơ chế, hay bị cơ chế chối bỏ, người cuồng tín mất điểm tựa, và bắt buộc phải tàn rụi, bởi một đức tin điên cuồng không bao giờ có thể đem lại sự sống và bình an đích thực cho chủ thể của nó. 
Vì thế cơ chế trong cộng đồng những người cuồng tín giữ một vai trò tối quan trọng, vì ngoài việc chỉ đạo, thực hiện kế hoạch, đường lối, cơ chế còn giữ vai trò kiểm soát gắt gao, thanh trừng nghiêm khắc tín đồ. Mọi vi phạm, vượt rào, trật hướng đều bị nghiêm cấm và nghiêm trị.
4.   Thái độ coi nhẹ sự sống và quyền sống của người khác :
Vì độc đoán, độc quyền, cơ chế cuồng tín áp đặt một chế độ, chính sách độc tài, độc trị xuất phát từ tâm thức vượt trội và ở trên mọi người không cùng tín ngưỡng, niềm tin, chưa kể não trạng nguy hiểm là bàn tay của thiên chúa để trừng phạt, truy diệt những kẻ ngoại đạo đáng phải chết. Ngoài ra, người cuồng tín còn cho mình là thiểu số được tuyển chọn không chỉ để tôn thờ, mà còn để sát phạt và chinh phục muôn dân cho thiên chúa. Vì thế, thái độ coi nhẹ quyền sống, và các quyền tự do khác của những ngưéơi không thuộc phe nhóm, tôn giáo của họ là thái độ được khuyến khích, ủng hộ, sẽ dễ dàng dẫn đến những hành động phi nhân, vi phạm nhân quyền, làm tổn thương nhân phẩm của người khác.
Lịch sử đã chứng minh sự thật đau lòng trên qua hậu qủa kinh hoàng của những hành vi man rợ, dã man chống lại con người như chính sách diệt chủng của nhiều phong trào cuồng tín trên thế giới ngay ở thời đại chúng ta.
Tóm lại, đứng trước phong trào cuồng tín ngày càng lan rộng trên thế giới, nhất là ở những nước kém mở mang, chậm tiến, thiết tưởng chúng ta nên nghĩ đến phương án đề phòng, ngăn chặn được xây dựng vững chắc trên nền tảng nhân ái, bao dung, cởi mở, tôn trọng niềm tin của người khác, dù niềm tin ấy có khác biệt, kể cả đối nghịch với niềm tin của mình.
Nhân ái, bao dung khi chân nhận quyền sống, trong đó có quyền chọn lựa niềm tin, tôn giáo của người khác ; cởi mở khi chân thành và lương thiện nhìn nhận và đón nhận những giá trị ở các tôn giáo bạn ; tôn trọng khi ý thức và thực hành tình người đối với mọi người, vì giá trị của một con người hệ tại ở tình yêu, và lòng tốt của người ấy dành cho người chung quanh.
Chúng ta cũng đừng quên một điều rất quan trọng là ngay giữa cộng đoàn cùng một đức tin, với anh em cùng tôn giáo, chúng ta vẫn có thể cuồng tín mà không biết, khi nặng lời chỉ trích, chủ quan phê phán, khắt khe lên án những ai không giữ đạo, bảo vệ đức tin, mở mang bờ cõi Nước Chúa một cách chai cứng, qúa khích, quyết liệt như mình. Biết để cẩn trọng, xa tránh, vì cuồng tín không làm đức tin trưởng thành, nhưng dần mòn làm băng hoại đức tin. 
Được như vậy, thế giới sẽ không còn thánh chiến đẫm máu, và  những tai hoạ diệt chủng từ hận thù tôn giáo, những cuộc tàn sát kinh hoàng do đạo quân cuồng tín sục sôi máu lửa từ nay được chấm dứt, để mọi người được bình an, hạnh phúc sống niềm tin của mình.  
Jorathe Nắng Tím

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

THÁI ĐỘ CỦA NGƯỜI CON CẢ TRONG DỤ NGÔN NGƯỜI CHA NHÂN HẬU (Lc 15,11-31)

             Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 24 Thường Niên, Năm C
Trong bài Phong trào giải thích Lòng Thương Xót, người viết đã chú giải toàn thể chương 15 của Tin Mừng Luca với ba dụ ngôn về Lòng Thương Xót. Vì thế, trong bài chia sẻ này, người viết xin được đặt trọng tâm vào thái độ của người con cả trong dụ ngôn người cha nhân hậu là một phần của Tin Mừng Chúa Nhật 24, thường niên, năm C.
Thánh sử Luca ghi lại chi tiết thái độ của người con cả khi thấy cha mình  mừng mừng tủi tủi chạy ra ôm cổ, rồi hôn lấy hôn để thằng em hoang đàng khi vừa thấy bóng nó từ đàng xa, lại còn bảo gia nhân đem áo đẹp nhất, xỏ nhẫn qúy nhất, đi giầy sang nhất cho nó ; chưa hết, cha còn cho mời họ hàng, bạn hữu, làng xóm đến dự tiệc mừng vì như cha nói : con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy (Lc 15,24).
Trước lòng bao dung, tha thứ vô điều kiện, và tình cha bao la, vời vợi của cha dành cho em mình, cậu cả đã giận dỗi, và trách móc cha đã không đối xử công bằng với cậu. Thánh Luca ghi rõ thái độ của cậu cả: Lúc ấy, người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhẩy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời : Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khỏe. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha : ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy một con dê con để con ăn uống với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về thì cha lại giết bê béo ăn mừng ! (Lc 15, 25-30).
Chúng ta nhận ra ở cậu con cả :
1.   Thái độ nghi ngờ, dò xét :
Thái độ đáng buồn thứ nhất nơi cậu cả, đó là thái độ nghi ngờ, dò xét đối với cha mình, khi cậu gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì (Lc 15,26). Là con trai lớn, lại tự nhận luôn hầu hạ và không hề trái lệnh cha bao giờ, nhưng hôm nay với thái độ dò xét, nghe ngóng này, anh con cả đã để lộ tấm lòng không chân thành, thiếu ngay thẳng, càng không hồn nhiên, kính yêu cha mình, bởi nếu anh yêu cha thật lòng, yêu cha  hết lòng, tin tưởng cha trọn vẹn, anh sẽ tự nhiên, thoải mái vào thẳng nhà, vì là nhà cha anh, để nghe, và thấy những gì đang xẩy ra, nhất là để gặp cha, nghe cha nói, nghe cha chỉ bảo, dặn dò với tất cả tình yêu của đứa con lớn, và hiếu thảo dành cho cha già. Nhưng ở anh hôm nay tình yêu không đủ nồng nàn, nên tin yêu không đủ lửa nóng. Vì thế, anh mới dò hỏi gia nhân như kẻ trộm lén lút, như người đi đánh ghen rình rập, vì nghi ngờ tình cha nhân hậu.
Tra xét, dò hỏi một phần cũng vì anh không bao giờ nghĩ có ngày cha anh lại chấp nhận cho cậu em du côn, đàng điếm kia thấy mặt, nói chi đến cho vào nhà, lại mở tiệc tưng bừng, có đàn ca tài tử, trống kèn.  
Thái độ này còn nói lên tính kiêu căng, lấn lướt của anh đối với cha, vì anh nghĩ bất cứ sinh hoạt nào  trong nhà, bất cứ thay đổi thời biểu nào dù nhỏ to, bất cứ khách khứa xa gần nào ra vào đều phải được anh đồng ý, dù cha anh vẫn sống khoẻ mạnh, và nắm toàn quyền điều khiển gia đình.
2.   Thái độ giận dữ :
Bên cạnh thái độ nghi ngờ, dò xét là thái độ giận dữ, và Tin Mừng ghi rõ : Anh liền nổi giận, và không chịu vào nhà (Lc 15,28). Đùng đùng nổi giận vì ganh ghét với em mình, do không chấp nhận việc cha anh tha thứ và nhận lại vào nhà thằng con phung phá, hoang đàng là em anh. Anh càng không thể dằn lòng khi thằng em trời đánh được cha ban lại cho mọi đặc ân, đặc lợi, đặc sủng, đặc quyền của một qúy tử, như anh, nên vưà nghe gia nhân báo cáo : Em cậu đã về, cơn giận đã bật tung, bùng nổ như ganh ghét đã phút chốc phá tanh bành tâm hồn Cain, và thúc Cain ra tay giết chết Aben, em mình, chỉ vì hiến lễ của Aben đã được Thiên Chúa khứng nhận (x. St 4). Cũng lòng ganh ghét đó đã khiến người anh cả hôm nay trở nên kẻ thù không đội trời chung với em mình, bằng chứng là anh đã không thèm vào nhà, để chung một mái ấm, dưới một mái nhà với em út, sau bao ngày em đi hoang, nay trở về với thân tàn ma dại.
Qủa thực, lòng thương xót khô cạn trong trái tim ganh ghét của người anh cả đã khiến anh giận dỗi, không chịu vào nhà (Lc 15,28), cũng như tình huynh đệ héo tàn trong tâm hồn Cain đã khiến Cain khùng điên và dụ em : Chúng mình ra ngoài đồng đi !» Và khi hai người đang ở ngoài đồng ra thì Cain xông đến giết Aben, em mình (St 4,8).   
Không những căm thù em, người anh cả hận cả cha mình, người cha mà anh tự nhận đã luôn hầu hạ và vâng lời, vì cho rằng cha đã không công bằng, và đối xử bất công với mình. Khi giận dỗi cha, người con cả đã sơ ý bộc lộ con người ích kỷ của mình, khi chỉ nghĩ đến mình, mà không nghĩ đến tháng ngày mòn mỏi, đau ốm vì nhớ thương con ; không nghĩ đến những buổi chiều một mình thui thủi, mắt đẫm lệ ngóng tin con ở đầu ngõ, nhất là hôm nay không chung vui với niềm vui của cha, không làm lớn hơn niềm vui ấy bằng thái độ hân hoan, niềm nở cùng cha và mọi người đang đón bước chân trở về nhà của em mình.    
Người con cả đã giận dữ không chỉ vì ích kỷ, ganh ghét mà còn muốn độc quyền, không cho ai chung phần, chia sẻ. Sau khi em bỏ nhà đi, anh không còn đối thủ, không còn cạnh tranh. Từ nay chỉ một mình toàn quyền sở hữu, toàn quyền bá chủ, toàn quyền thao túng, toàn quyền hưởng thụ. Nay em trở về, anh thấy mình bị đe dọa đủ mặt, vì sự hiện diện rất bất lợi, nếu không muốn nói là nguy hiểm này. Trật tự anh đã thiết lập từ bấy lâu, nay bị đảo lộn, vì thằng em điếm đàng trở về ; cơ chế chặt chẽ anh áp đặt trong nhà từ ngày thằng em đòi chia của, đi hoang, bỗng nay bị xáo trộn ; an ninh, an toàn đời sống anh đã dầy công xây dựng bất ngờ trở thành chênh vênh, có nguy cơ sụp đổ, khi thằng em tưởng chết rồi nay sống lại, tưởng mất rồi nay lại trơ trẽn trở về báo hại.
Tóm lại, người con cả vì ích kỷ, ganh ghét, ghen tương, tham lam, và vô cảm đã không có chút tình cho em, và cũng chẳng dành cho cha già niềm vui cuối đời là được gặp lại con mình đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy (Lc 15,32).
3.   Thái độ phỉ báng, bới móc, trù dập :
Ganh ghét đã không chỉ làm điên người con cả với thái độ giận dữ không thèm vào nhà, mà còn đẩy anh đến thái độ không mấy đẹp là phỉ báng, bới móc, trù dập em mình. Để làm nổi bật và tăng thêm mức độ bất công của cha đối với mình, khi cha đón tiếp nồng hậu và yêu chiều, chăm sóc thằng con mất nết, anh cả đã xử dụng ngón đòn bôi bác, bới móc quá khứ không tốt đẹp của em và với giọng đầy khinh bỉ, phỉ báng, anh ta chẳng nể nang gì cha già khi nặng lời khích bác : Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng (Lc 15,30).  
Qủa quyết em mình chỉ là một thằng giao du với bọn điếm, tức trắng trợn xếp em mình vào thành phần đĩ điếm, hàng ngũ đứng đường », đội quân tệ đoan xã hội. Anh cả, vì ganh ghét, ích kỷ đã quên ai là em mình, ai cùng cha cùng mẹ với mình, ai đã lớn lên trong cùng mái ấm gia đình, dưới cùng mái nhà tổ, cùng vòng tay ôm của cha mẹ. Tất cả bị anh xóa trong tích tắc, nhường chỗ cho tố cáo, mạ lỵ, kết tội, lên án.
Anh cả  hăng say tố cáo đời tư hoang đàng, và trắng trợn vạch trần lầm lỗi của em với ý định làm lay chuyển cha già, để cha đừng thương xót nữa và đuổi cổ cậu em ra khỏi nhà, thay vì âu yếm đón nhận và  trả lại mọi quyền  làm con. Anh cả khôn khéo nhắc lại chuyện đòi chia gia tài, cốt để làm cha nhớ lại và tiếc của, với hy vọng cha sẽ nổi sùng, suy nghĩ lại và tống cổ thằng con hoang đàng tiếp tục ra đường.
Hình ảnh người con trai lớn trong dụ ngôn người cha nhân hậu không là hình ảnh xa lạ với chúng ta hôm nay trong cuộc sống trong đạo ngoài đời. Đúng hơn, đây chính là hình ảnh của chúng ta, bởi  nếu bình tâm suy nghĩ, dù ở vị thế nào trong đạo ngoài đời, dù mang phẩm hàm, chức tước cao qúy đến đâu, không chắc có mấy người trong chúng ta tránh được những thái độ tiêu cực của người con cả này. Hay chúng ta cũng giận dỗi, trách móc Thiên Chúa bất công khi ban ơn cho người không đạo đức, thánh thiện như chúng ta ? Cũng so đo, phân bì, tị nạnh khi những người dưới mắt chúng ta là quân vô đạo lại gặp may mắn, làm ăn phát tài, con cái thành công hơn chúng ta ? Cũng tìm cách điều tra, khai quật bí mật đời tư của người khác, rồi nặc danh tung lên mạng với mục đích hạ bệ, đốn gục qua chiêu trò vu khống, phỉ báng, làm mất uy tín, thanh danh, ảnh hưởng của họ ?
Qủa thực, trong đạo ngoài đời, quanh chúng ta, và ngay trong chính chúng ta, ganh ghét, tị hiềm lúc nào cũng sùng sục sôi như muốn bật tung, bùng nổ. Chẳng thế mà Thiên Chúa đã cảnh giác: Tội lỗi đang nằm phục ở cửa ; nhưng ngươi phải chế ngự nó (St 4,7). Tội lỗi đây chính là lòng ganh ghét, ganh tị.
Chính lòng ganh ghét và tẩy chay, loại trừ đã đóng kín cửa lòng, để không bao giờ chúng ta dám tin dùng người đã một lần lầm lỡ, như Đức Giêsu đã tin dùng Phêrô, người môn đệ đã ba lần công khai chối mình (x. Mt 26,34). Lòng ganh ghét và độc quyền chiếm hữu đã khoá chặt đôi tay, để không bao giờ  chúng ta dám cho đi như người cha nhân hậu là Thiên Chúa đã ban lại tất cả những gì người con hoang đàng đã tự mình làm mất, khi anh trở về. Lòng ganh ghét và quyết tâm bảo vệ bằng bất cứ giá nào cơ chế, tổ chức, trật tự của pháo đài Ích Kỷ đã niêm phong cửa vào trái tim, cấm vận các tương quan, để cuộc sống mỗi người là một hoang đảo, chứ không là hành trình cùng người khác đồng hành.
Câu chuyện hôm qua của dân Do Thái với Đức Giêsu, cũng là câu chuyện hôm nay của chúng ta với Đức Giêsu, vì Đức Giêsu hôm qua, hôm nay và mai ngày, mãi mãi vẫn chỉ là một Đức Giêsu, Thiên Chúa. Ngài đang nói với chúng ta, và nhắc nhở : thái độ của người con cả trong dụ ngôn người cha nhân hậu cũng là thái độ thường ngày, thường thấy nơi chúng ta.
Ước gì tinh thần khiêm tốn giúp chúng ta nhận ra mình qua tấm gương thái độ của người con cả, để mỗi ngày chúng ta hiền lành, nhân hậu, biết vui với ai mừng vui, khóc với ai đang khổ sầu (Rm 12,15), vì được đập chung nhịp Thương Xót với trái tim yêu thương vô cùng của Thiên Chúa, người Cha chỉ biết trao ban và cứu giúp, như người Cha nhân hậu với con cả thì tất cả những gì của cha đều là của con (Lc 15,31), với con thứ đi hoang trở về thì chúng ta phải mở tiệc ăn mừng, vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy (Lc 15,24).
Jorathe Nắng Tím