Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2020

LỜI CHÚA VÀ GIÁO LÝ VIÊN


III.   LÀM THẾ NÀO ĐỂ LỜI CHÚA TRỞ THÀNH CHÍNH ĐỜI SỐNG GIÁO LÝ VIÊN ?
Như đã trình bầy ở phần trên: Làm chứng và sống Lời Chúa là một; cũng như “loan truyền chúa chịu chết, tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến” cũng là sống mầu nhiệm Chúa chịu chết, sống mầu nhiệm Chúa sống lại cho đến giây phút cuối cùng của đời người.
Vì thế, Giáo lý viên không thể tách rời, phân biệt giữa điều mình giảng dậy, người mình làm chứng khỏi đời sống hằng ngày. Bởi một Đức Giêsu không được tin yêu bởi chính Giáo Lý viên cũng sẽ không được tin yêu nơi người học giáo lý với Giáo Lý viên, vì điều tự nhiên mà người học giáo lý nhận ra trước nhất, đó là tình yêu của Giáo Lý viên dành cho Đức Giêsu, Đấng được  Giáo Lý viên giới thiệu.
Hãy thử tưởng tượng mức độ dửng dưng, và thất vọng của bạn khi gặp một nhân viên tiếp thị hờ hững, lạnh nhạt khi cô đang qủang cáo món hàng trên tay. Nhìn dáng dấp mệt mỏi, sắc diện nhợt nhạt, lời nói vô duyên, thô kệch của cô nàng, làm sao bạn có thể bị món hàng thu hút, hấp dẫn ? Món hàng còn cần lửa nhiệt huyết để tiếp thị, nói chi đến công việc giới thiệu một người, một “Thiên Chúa làm người” cho người khác ? Công việc giới thiệu này chắc chắn  đòi người giới thiệu rất nhiều lửa nhiệt tình nhờ xác tín sâu sắc và yêu thương thiết tha, nồng nàn người mình phải giới thiệu,loan truyền.
Để có lửa nhiệt tình dấn thân, lửa nồng nàn yêu thương bốc cháy đốt trái tim mình và trái tim người khác, Giáo Lý viên phải:
1.   Mau mắn đáp lời mời gọi của  Đức Giêsu:
Trước hết, Giáo Lý viên phải mau mắn đáp lời mời gọi “Hãy theo Thầy” của Đức Giêsu. Các môn đệ đầu tiên đã “lập tức bỏ mọi sự mà theo Chúa ” khi được Ngài kêu gọi trên bờ biển (Mt 4,18-22).
Thái độ mau mắn: “lập tức đứng dậy mà đi theo Ngài” là thái độ của người môn đệ nhiệt thành sẵn sàng đi theo  mà không đặt vấn đề sẽ đi đâu, đường dài hay ngắn, đích tới còn xa hay gần…Mau mắn đáp lời mời của Đức Giêsu  là tín thác hoàn toàn ở Ngài mà không tính toán, so đo, đòi hỏi. Có nhiều người được gọi, nhưng đã không đủ qủang đại để phó thác, không đủ lạc quan để buông lỏng cuộc đời trong tay Đấng gọi mình, không đủ tình yêu để vâng phục vô điều kiện, không đủ liều lĩnh để bước đi mà không ngoái cổ lại. Họ là người thanh niên giầu có đã ngần ngại đi theo Đức Giêsu, vì còn ngổn ngang nhà cửa, đất đai, của cải, gia tài (Mt 19,16-22). Họ là người con còn bận bịu chuyện gia đình, cha mẹ. Họ là những người Pharisêu mà tâm hồn ngập đầy những giả dối, kiêu căng, ngạo mạn, quan liêu, trịch thượng, kể cả gian tham, bóc lột (Mt 23, 1- 32).
Trước đòi hỏi quyết liệt: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết. Còn anh, anh hãy đi loan báo Nước Thiên Chúa” (Lc 9,60) của Đức Giêsu. Liệu chúng ta có đứng chung hàng ngũ  những người đã mau mắn đáp lời mời ?   
Trong đời sống hằng ngày, đáp lời mời của Đức Giêsu là khao khát  “Danh Chúa cả sáng, Nước Chúa trị đến” bằng quan tâm đến người khác và những nhu cầu của họ; bằng thao thức, băn khoăn vì hạnh phúc của tha nhân; bằng chia sẻ niềm đau, nỗi nhục của người nghèo khó, thất thế sa cơ, bị đời khinh miệt ruồng bỏ, vì đi theo Đức Giêsu là đi với Ngài trên đường đời, đường của con người với vô số  người khổ đau, lầm lỡ cần được yêu thương, ủi an, nâng đỡ, bởi Thiên Chúa đã làm người và chọn đường đời để đi, chọn con người để đồng hành, chọn kiếp người để sống, chọn chết như con người để trở thành nguồn sống Phục Sinh (Mt 25,31-46). Đi với Đức Giêsu trên đường đời ngợp cỏ lùng tội lỗi, Giáo Lý viên không chỉ đi một đoạn trên đường đến Cana, hay lên núi Sọ mà chấp nhận đi với Ngài từ cây số đầu vào đời ở hang đá Bêlem (Lc 2, 1-20), trốn qua Ai Cập (Mt 1,13 -15), ẩn dật ở Nazareth (Lc 2, 39 - 40), dong duổi nắng mưa khắp Galilê, Samaria.. và sau cùng im lìm, ảm đạm từ chân thập tự bết máu đến mộ phần cô quạnh, hắt hiu (Mt 27, 57 - 61). Đi với Ngài, Giáo Lý viên đồng hành với Ngài củng hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 23, 13 - 35) để không một phút giây trong cuộc sống vắng bóng  Ngài, hay thiếu bước chân Ngài cùng đi.    
2.   Gắn bó với Đức Giêsu:
Đức Giêsu ao ước được ở với những kẻ thuộc về Ngài, để Ngài ở đâu thì những kẻ thuộc về Ngài cũng ở đó với Ngài. Bí tích Thánh Thể là biểu chứng ước muốn nóng bỏng của Đức Giêsu và Ngài đã thực hiện phép lạ của “tình yêu đến cùng ấy bằng  ở với con người, giữa mọi người cho đến tận thế (Mt 28,20).
Giáo Lý viên là người thuộc về Đức Giêsu, người của Thiên Chúa, vì họ được kêu gọi để thực hiện sứ mạng giới thiệu Đức Giêsu –“Thiên Chúa làm người” cho người khác. Thuộc về Đức Giêsu, Giáo Lý viên không thể làm gì khác là gắn bó thiết thân với Ngài để mỗi ngày nên giống Ngài hơn, hầu giới thiệu hữu hiệu Đức Giêsu cho người chung quanh.  
Gắn bó với Đức Giêsu là ở với Ngài, lắng nghe Ngài, chia sẻ vui buồn với Ngài. Gắn bó với Ngài trong việc lãnh nhận các Bí tích, dự Thánh Lễ, cầu nguyện. Gắn bó với Ngài bằng ở lại với Ngài giữa những anh em kém may mắn, số phận hẩm hiu. Gắn bó với Ngài là ở trong Giáo Hội với tình yêu khắng khít, keo sơn và tinh thần vâng phục  anh hùng. Gắn bó với Đức Giêsu như Phêrô: “Lậy Thầy, cho dù có phải vào tù, và phải chết với Thầy thì con đây cũng  không bỏ Thầy” (Lc 22,33). Phêrô không hiểu hết điều mình nói, nhưng tình yêu trong ông đã thôi thúc ông nói, và điều này đã nói lên khao khát muốn ở lại với Đức Giêsu của trái tim người môn đệ.
Ở lại với Đức Giêsu để không xa Ngài khi vui khi buồn, khi thành công lúc thất bại, khi lên đời lúc “không còn cửa”, khi đương thời lúc hết thời. Ở lại vói Ngài, trong Ngài để ăn rễ sâu trong trái tim Ngài hầu sinh nhiều hoa trái, ơn ích thiêng liêng cho mình và cho người khác (Ga 15, 5). Ở với Ngài để được Ngài biến đổi, hầu người khác nhận ra Đức Giêsu nơi mình. Đó là ước mơ, hoài bão của Giáo Lý viên hết tình, hết mình với Đức Giêsu, Đấng mà Giáo Lý viên yêu mến, tuyên xưng và loan báo cho mọi người.
3.   Ngước nhìn Đức Giêsu:
Giáo Lý viên là người năng ngước nhìn Đức Giêsu. Không chỉ chiêm ngưỡng Ngài trên núi Tabo khi Ngài hiện ra trong vinh quang chói lói, nhưng còn ngắm nhìn Ngài trên thánh giá buổi chiều tử nạn. Ngước nhìn Đức Giêsu không chỉ khi vui, thành công, nhưng cả khi khốn khó, bị hiểu làm, vô ơn và những ngày khô khan, nguội lạnh, chán chường, qụy ngã.
Đừng sợ nhìn Đức Giêsu, dù ở trạng thái tinh thần, mức độ đạo đức, hay hoàn cảnh, tình huống nào. Bởi bất cứ ra sao và thế nào, Đức Giêsu vẫn luôn muốn được chúng ta ngước nhìn, chiêm ngắm để tràn ơn cứu sống cho chúng ta, vì ánh mắt Ngài là nguồn ơn cứu độ. Ngài đã nhìn Phêrô và ánh mắt từ bi, nhân hậu đã đánh động trái tim thống hối của người môn đệ vừa chối Thầy (Lc 22, 61- 62). Ngài đã nhìn người đàn bà ngoại tình bị bắt qủa tang khi ban bình an và âu yếm dặn chị: đừng phạm tội nữa. Ngài đã nhìn Giakêu và tình yêu trong đáy mắt Ngài đã đổi mới đời ông (Lc 19, 1-10). Ngài đã bắt gặp ánh mắt ăn năn của  anh cướp bị đóng đinh bên phải Ngài và ban cho anh nước Thiên Đàng ngay hôm ấy. Ngài đã nhìn những người bệnh bên vệ đường và chữa lành họ. Ngài đã nhìn thấu suốt tâm hồn mỗi người để gửi vào đó lòng xót thương vô bờ bến.
Ngước nhìn Đức Giêsu là việc làm thường bị quên lãng, trong khi đó lại là việc rất cần thiết cho người môn đệ. Ngước nhìn Ngài để được Ngài bổ sức : “Hỡi những ai vất vả, hãy đến với Thầy, Thầy sẽ bổ sức cho” (Mt 11, 28 -30). Ngước nhìn Ngài để thêm lòng trông cậy. Ngước nhìn Ngài để được tình Ngài thương xót, xóa sạch lỗi lầm, tội lụy. Ngước nhìn Ngài để tâm hồn được bình an. Ngước nhìn Ngài để được ơn Ngài bao phủ.
Quên ngước nhìn Đức Giêsu, chúng ta sẽ quen nhìn mình, và nhìn mình, sẽ chỉ gặp ở mình những  tương đối, hữu hạn. Nhìn mình sẽ như Giuđa, thay vì nhìn Thầy để được ánh mắt nhân hậu của Thầy nhắc nhở, thương xót, đưa trở về đã chỉ thấy tội phản bội kinh khủng lớn lao không gì tẩy xóa được, để bối rối, sợ hãi trước “tình thế không thể thay đổi, tình trạng không thể tốt hơn, linh hồn không thể được cứu chữa, cuộc đời chỉ còn là ngõ bí tuyệt vọng, vì tất cả  đường về đều bị phong toả ”. Giuđa đã nhìn mình để thất vọng ê chề, để bẽ bàng tuyệt vọng, để ngã lòng, buông xuôi vì thấy mình hoàn toàn bất lực, bất toàn, bất chính. Nhìn mình thay vì nhìn Chúa, Giuđa đã tuyệt vọng và đi thắt cổ khi không tìm được lối ra, đường thoát, ơn cứu sống; bởi nhìn mình  Giuđa  chỉ thấy một trời đen kịt tăm tối, một đời trống rỗng vô vọng, một hiện tại vô nghiã, một tương lai mịt mùng đe doạ. Vì thế, Giuđa đã ra đi thắt cổ tự tử, vì không chịu nổi những “tầm thường” của mình và cuộc đời qúa kinh tởm, buồn nôn (Mt 27, 3 -10).
Phêrô cũng đã vì nhìn mình mà “đâm sợ và bắt đầu chìm” (Mt 14, 30); bởi trước đó,”Phêrô đã từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu” (Mt 14, 29). Giả như ông cứ nhìn thẳng Đức Giêsu mà ông thấy đang đi trên mặt biển, và tin vào Lời Ngài “Cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ !”,nhưng “Cứ đến !” (Mt 14, 29-30) thì đâu nên nỗi phải chìm nghỉm và hốt hoảng la lên: “Thầy ơi, cứu con với! ” 
Nhìn lên Chúa để không mất niềm hi vọng, lòng cậy trông, vì ở Ngài tình yêu thương xót luôn chan chứa, ngập tràn. Hãy ngước nhìn Đức Giêsu khi không được thông cảm, sẻ chia, khi không được trân trọng, kính mến dù đã “bỏ mọi sự mà theo Chúa”, dù đã dầy công vất vả vì ích chung, vì giáo xứ, vì mọi người. Ngước nhìn Đức Giêsu trong những lúc nghi nan, chán chường, mệt mỏi. Ngước nhìn Ngài khi bị mọi người lên án, tẩy chay, bỏ rơi, miệt thị…
Như chúng ta, Đức Giêsu cũng đã trải qua những giây phút căng thẳng “toát mồ hôi máu” trong vườn Cây Dầu trước khi đi chịu chết. Ở những khúc quanh của cuộc đời, ngước nhìn Chúa là việc làm cấp  bách mà  Giáo Lý viên không thể quên trong suốt cuộc đời làm chứng Đức Giêsu.

0 nhận xét: