Suy
niệm 5 : ĐỨC MARIA, MẸ CỦA NGƯỜI ĐAU KHỔ
Vì đời là bể khổ, là thung lũng nước mắt, nên đau khổ là phần lớn của chiều dài và bề dầy kinh nghiệm mà ai cũng đã trải qua, chịu đựng. Vì thế, nói về đau khổ là như gặp lại những gì quen thuộc, dù không muốn quen, không thích thuộc về, càng không mong trở thành quen biết, thâm giao.
Nguyên
nhân của đau khổ được quy cho tội, bởi tội đã cắt đứt tương quan giữa người với
Thiên Chúa, làm đổ vỡ liên đới giữa người với người, tự hủy diệt bản thân. Và hậu qủa khôn lường không thể tránh
là tình trạng hỗn loạn, mất quân bình, vô trật tự làm con người không thanh thản,
không hoan lạc, không bình an, bị đe dọa.
Vì
tội là những gì đi ngược lại điều Thiên Chúa muốn, nên Thiên Chúa muốn tình yêu,
thì tội là ganh ghét, oán thù ; Thiên
Chúa muốn sự thật, thì tội là lừa lọc gian dối ; Thiên Chúa muốn bình an,
thì tội là bạo lực, bạo hành ; Thiên Chúa muốn sự sống thì tội là giết chóc,
tàn sát ; Thiên Chúa muốn sự tốt lành, trong sạch, thì tội là điều xấu xa,
nhơ nhớp ; Thiên Chúa muốn hiền hậu, khiêm nhu, thì tội là hung hãn, kiêu
căng ; Thiên Chúa muốn công bằng, chính trực, thì tội là bất chính, bất công ;
Thiên Chúa muốn quảng đại chia sẻ, thì tội là hà tiện, tham lam ; Thiên Chúa
muốn thảo hiếu, biết ơn, thì tội là vô ơn, phản phúc ; Thiên Chúa muốn hy
sinh, quên mình, thì tội là ich kỷ, ăn người ; Thiên Chúa muốn can đảm, hy
vọng, thì tội là tuyệt vọng, hèn nhát ; Thiên Chúa muốn cứu chữa, thì tội
là xâm hại, làm tổn thương…
Tóm
lại, bất cứ tư tưởng, lời nói, hành vi nào đi ngược điều Thiên Chúa muốn, tức Sự
Sống, Tình Yêu và những gì là Chân Thiện Mỹ, thì đều không mang lại bình an, hạnh
phúc đích thực, nhưng gieo vào tâm hồn cỏ dại bất an, gieo trong gia đình gai góc
bất hoà, gieo giữa cộng đoàn nọc độc “ganh ăn tức ở”, giăng mắc trên đường đời
cạm bẫy tai ương để con người phải đau vì nhau, khổ vì nhau, não nề thất vọng vì
nhau, tơi bời, tan nát do nhau, kể cả mất bình an trong tâm hồn, và căng thẳng,
bất mãn, thất vọng với chính bản thân.
Nhưng
nỗi đau khổ lớn nhất và bất hạnh khủng khiếp nhất trong tất cả đau khổ, bất hạnh
vẫn là tình trạng không giao hoà của thụ tạo với Thiên Chúa, Đấng dựng nên mình.
Như
thế, chúng ta có thể tạm thời kết luận : đa số những đau khổ trong cuộc sống đều
do con người gây ra cho nhau, những đau khổ do tương quan bất cẩn, bất minh, bất
hoà, bất công, bất chính giữa cha mẹ - con cái, vợ chồng, người thân, láng diềng,
đồng nghiệp, kẻ xa lạ, đối phương, địch thù.
Tắt
một lời, sở dĩ đau khổ ngày càng tràn lan, là do lòng người không thành, tâm người
không thiện, tim người không ngời sáng yêu thương. Còn lại là những đau khổ khác
do thiên tai, bệnh tật, tuổi già và sự chết như kết thúc tất nhiên của bất cứ thụ tạo có giới hạn nào.
Nhưng
tại sao Đức Maria, cũng như Đức Giêsu, con Mẹ, tuy không có tội, nghiã là không
chịu áp lực và hậu qủa của tội là đau khổ, vì Mẹ luôn vâng phục và thuận thảo
theo ý muốn của Thiên Chúa vẫn phải chịu nhiều đau khổ, và tâm hồn không ngớt “bị
gươm sắc đâm thâu”, như lời tiên tri của cụ già Simêon, ngày Mẹ lên Đền Thờ dâng
Đức Giêsu cho Thiên Chúa (x. Lc 2,22-35) ? Phải chăng đau khổ không tha
ai, không nể nang cả “Thiên Chúa làm người”, và “Người Nữ đầy ơn phúc” được đặc
ân “vô nhiễm nguyên tội” ?
Đúng
vậy, đau khổ không tha ai,nhưng không có nghiã đau khổ thống trị, khống chế con
người, và con người bị biến thành nô lệ khốn nạn của đau khổ. Trái lại, đau khổ
được mang một khuôn mặt mới, một ý nghiã mới, một giá trị mới kể từ khi Con Thiên
Chúa xuống thế làm người đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người còn hạ mình vâng lời
cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,7-8).
Mầu
nhiệm nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa đã cho đau khổ một khuôn mặt vui tươi, một
ý nghiã hy vọng , một giá trị cứu rỗi, vì “Thiên Chúa làm người” đã chọn đau
khổ được biểu hiện qua khổ hình Thập Giá để cứu chuộc nhân loại. Đau khổ từ nay
không còn vô lý, vô nghiã, vô giá trị, nhưng là con đường thanh tẩy, con đường
sám hối, con đường thánh hoá dẫn đến vinh quang
của thụ tạo mới được tái sinh trong ơn phục sinh của Ngôi Hai nhập thể.
Chính
nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người đã vui lòng chịu đau khổ với con người, mà “người
đau khổ” không còn là “người vô phúc” bị đẩy vào đường cùng, ngõ cụt tuyệt vọng
của phận làm người ; nhờ có Đức Giêsu, Ngôi Lời ở giữa con người và chịu
chung thân phận người nhiều khổ đau, mà cuộc sống làm người nhiều đau khổ đã được
mang lấy ý nghiã Vượt Qua của mầu nhiệm cứu độ, như thánh Phaolô đã nhắn nhủ môn
đệ Timôthê của mình : “Bởi vậy, tôi cam chịu mọi đau khổ, để mưu ích cho
những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu,
và được hưởng vinh quang muôn đời. Đây là lời đáng tin cậy : Nếu ta cùng
chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên nhẫn chịu đựng đau khổ,
ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2Tm 2,10-12).
Đức
Maria, thụ tạo tuyệt vời được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế cũng không đi
con đường nào khác ngoài con đường “từ Thánh Giá đến Ơn Cứu Độ, từ đau khổ đến
vinh quang, từ tử nạn thất bại đến phục sinh chiến thắng” mà Đức Giêsu, Con của
Mẹ đã chọn và đã đi, nên như mọi người, Mẹ đã đau khổ trong đời hôn nhân khi thánh
Giuse, chồng mình, vì không hiểu “việc thụ thai của vợ là do quyền năng Chúa Thánh
Thần” đã quyết định bỏ đi cách kín đáo (Mt 1, 18- 19) ; đã đau khổ trong đời
làm mẹ khi không tìm được chỗ ấm áp cho con ngày chào đời, và liền sau đó đã tất tưởi ôm con mới sinh chạy trốn lệnh truy lùng ráo
riết của vua Hêrôđê ; đã đau khổ “vì không hiểu gì”, khi con tự ý ở lại Đền
Thờ mà chẳng xin phép một câu, đến khi tìm được, con lại cứng cỏi hỏi giật ngược : “Sao cha mẹ lại
tìm con ?” (Lc 2,49) ; đã đau khổ khi thấy con mình bị đồng hương
Nadarét tẩy chay, nguyền rủa và tìm cách “kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô
Người xuống vực” (Lc 4,29) ; đã đau khổ khi con bị bắt, bị khảo cung, bị kết
án, bị đánh đòn, và vác thập giá đến nơi hành hình. Nhưng đau đớn hơn cả là dưới
chân Thánh Giá, Mẹ đứng nhìn con chịu đóng đinh, bị thiên hạ phỉ báng, nhạo cười,
bị môn đệ phản bội, bị mọi người bỏ rơi,
khát cháy cổ và rướn mình đớn đau giờ hấp hối ; sau cùng là nỗi đau của người
mẹ nghèo đã không đủ khả năng lo hậu sự cho con trai, nhưng phải nhờ vào lòng tốt
của người khác.
Vâng,
đau khổ trong đời hôn nhân, gia đình như chúng con, Mẹ biết rõ thế nào là buồn
tủi khi bị người thân hiểu lầm, mà mình không có cách để đính chính, giải bầy ;
thế nào là đắng cay khi bất lực trước nhu cầu tối thiểu và cấp bách của đàn
con ; thế nào là nhục nhằn khi bị đồng hương, đồng bào, đồng đạo tẩy chay,
cô lập, khinh khi ; thế nào là chết cả tâm hồn khi bạn bè bỏ rơi, tri kỷ
tri âm phản bội, bán đứng ; thế nào là nghiệt ngã khi làm ơn mắc oán, tình
ngay lý gian, tai bay vạ gió, gặp ách giữa đường ; thế nào là chán chường
trước cám dỗ bỏ cuộc, buông xuôi, đầu hàng vì tình đời đen bạc, lòng người đổi
trắng thay đen ; thế nào là ngao ngán trước tráo trở, điêu ngoa, vu khống
hồ đồ của những người trước đó mình đã yêu thương, giúp đỡ ; thế nào là bủn
rủn tay chân , suy sụp tinh thần khi danh dự bị bôi nhọ, sự nghiệp phút chốc tiêu
tan, vì thiên hạ qúa ác độc ; thế nào là nỗi hoảng lọan, hoang mang đến tột
cùng khi bị người khác dồn vào thế bí, đường
cùng, tử lộ ; và thế nào là nỗi cô đơn, sợ hãi khi chính Thiên Chúa, nơi nương
tựa cuối cùng của người cô thế dường như cũng đang nhắm mắt lạnh lùng lãng quên.
Lạy
Mẹ sầu bi đứng dưới chân Thánh Giá !
Mẹ
đã sống một đời thánh giá với nhiều đau khổ, dù Mẹ không vương vấn tội truyền, để
hiệp thông với Đức Giêsu, là Con Mẹ và là “Tôi Tớ đau khổ” của Giavê ; để
cảm thương và nâng đỡ, ủi an chúng con, những đứa con đang đau khổ đủ cách, đủ
kiểu, đủ mức độ và vì đủ chuyện rắc rối, thương tâm trên đường đời .
Cảm
tạ Mẹ là “Mẹ đau khổ” của chúng con, để trở nên nguồn Ủi An, niềm Hy Vọng, chốn
Nương Náu cho những tâm hồn tan nát vì qúa khổ đau, những trái tim bầm tím vì qúa
nhục nhằn, những tấm thân nặng trĩu gánh
sầu buồn của đời người nhiều đau khổ.
Jorathe
Nắng Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét