Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2020

ƠN TRỞ LẠI CỦA THÁNH PHAOLÔ

   
Thánh nhân nào cũng có một qúa khứ, và tội nhân nào cũng có một tương lai để nói lên một chân lý : đường thánh thiện chính là đường hướng đến một ngày mai trở về như ngôn sứ Giôen đã kêu gọi : Đây là sấm ngôn của Đức Chúa : Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta (Ge 2,12).
Thánh Phaolô có một quá khứ huy hoàng : ngài là nguời Do Thái trí thức, khoa bảng, có tên tuổi, rất được trọng vọng, vì với thầy Gamalien nổi tiếng uyên thâm, đạo đức, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa (Cv 22,3). Phaolô còn là công dân Rôma, công dân của đế quốc thống trị, nên quan quân Do Thái chẳng dám động vào, như sách Công Vụ các Tông đồ đã kể : khi Phaolô bị người Do thái bắt, viên đại đội trưởng đi báo cho vị chỉ huy rằng : Ông định làm gì bây giờ ? Đương sự là công dân Rôma ! Vị chỉ huy liền đến gặp Phaolô và hỏi : Ông nói cho tôi biết : Ông là công dân Rôma sao ?. Ông Phaolô trả lời : Phải. Vị chỉ huy nói tiếp : Tôi đây, tôi phải tốn bao nhiêu tiền của mới mua được quyền công dân ấy. Ông Phaolô đáp : Còn tôi, sinh ra đã có quyền ấy rồi. Lập tức những người sắp tra tấn ông rút lui, còn vị chỉ huy thì phát sợ, vì biết rằng ông Phaolô là công dân Rôma mà mình lại đã còng ông ấy (Cv 22, 26-29).
Nhưng qúa khứ huy hoàng ấy bỗng chợt sầm tối lại, khi ông được hội đồng kỳ mục Do Thái ở Giêrusalem ký giấy giới thiệu ông đi Đamát để truy lùng những người theo đạo của Đức Giêsu. Ông đã không ngần ngại giết kẻ theo đạo, đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà theo đạo của Đức Giêsu, và giải họ về Giêrusalem trừng trị (Cv 22, 4-5).
Và còn tối tăm thê thảm hơn nữa, khi mắt ông không còn thấy gì (Cv 22,11) khi một luồng sáng chói lọi từ trời bao phủ ông và quật ông ngã xuống khỏi ngựa (x. Cv 22,6).
Phaolô đã bị hạ gục ê chề nhục nhã, để từ vinh quang trên ngựa đến mù loà, phải bò lê bò càng trên đường, dưới nắng trưa hừng hực thiêu đốt.
Con đường trở lại của ông đã khởi đi từ cú ngã ngựa thê thảm, ô nhục, nhưng  nhờ biến cố nốc ao (knock-out) đó, ông đã ra khỏi háo thắng, kiêu căng, hung hăng, cao ngạo, ỷ mình có tất cả, nghĩ mình làm được tất cả. Đúng hơn, Thiên Chúa đã cho Phaolô cơ hội trở lại với Ngài bằng đánh gục ông, để từ bóng tối nhục nhã, ông bước vào vùng sáng Khiêm Nhường. Và nhờ khiêm nhường, ông mới gặp được Chúa.
Thực vậy, biến cố ngã ngựa đã giúp Phaolô khiêm tốn, để có thể lên đường trở lại với Đức Giêsu, Đấng ông đang truy lùng, tiêu diệt, vì khiêm nhường là điều kiện đầu tiên để được hoà giải, gặp gỡ Thiên Chúa. 
Chỉ với tâm tình khiêm nhường biết mình đi sai đường, sau khi ngã ngựa, Phaolô mới tìm đường trở lại, và nhận ra tiếng Thiên Chúa ; chỉ với ước muốn khiêm nhường, Phaolô mới dám tín thác và hồn nhiên thưa với Chúa : Thưa Ngài, Ngài là ai ?, và mới được Chúa tự mặc khải cho: Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ (Cv 22,8) ; chỉ với thái độ khiêm nhường sẵn sàng thực thi Thánh Ý, Phaolô mới bình an xin Chúa dạy phải làm gì (x. Cv 22,10), và chỉ với sức mạnh siêu nhiên của khiêm nhường, Phaolô mới ngoan ngùy làm những gì Thiên Chúa chỉ dạy, và hiền hậu để các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Đamát gặp ông Khamania, người mà Thiên Chúa  đã chọn để nói cho Phaolô  biết : Thiên Chúa đã chọn ông để làm chứng nhân cho Ngài trước mặt muôn dân (x. Cv 22,12-16).
Mừng lễ thánh Phaolô trở lại, chúng ta hồi tâm để biết mình đang ở cây số nào trên đường trở lại với Chúa, vì sự thánh thiện, cũng như mức độ thánh thiện tùy thuộc vào tinh thần khiêm tốn trên đường trở về của chúng ta.
Rất có thể chúng ta đang trên đường về, nhưng về rất chậm, vì chúng ta không đủ khiêm tốn để dám thay đổi những gì đang sai, sửa đổi những gì đang lẫm lỗi, như thánh Phaolô tuy đang nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa (CV 22,3) như tất cả các tín hữu tốt lành của đạo Do Thái đã mạnh dạn từ bỏ ngay sứ mệnh truy lùng, giết chết những tín hữu Kitô, để được Đức Kitô biến đổi thành tông đồ dân ngoại ; rất có thể chúng ta không đủ khiêm nhường để nhận ra bên cạnh mình đang có rất nhiều người cũng được Thiên Chúa kêu gọi và tuyển chọn một cách khác mình, trên những con đường có thể chông gai, khó khăn, trắc trở, gian nan hơn con đường Chúa đã chọn cho mình, nên nhiều năm tháng qua, chúng ta mà vẫn dậm chân tại chỗ trên đường thánh thiện, vì lo bực bội, ganh ghét, tị nạnh, như những công nhân làm vườn nho từ sáng sớm đến cuối ngày đã gây sự với ông chủ, vì ông đã quảng đại trả lương một ngày làm cho cả những công nhân chỉ được nhận vào làm ở giờ cuối (x. Mt 20, 1-16) ; rất có thể chúng ta chưa đủ khiêm nhu, để  lợi dụng những biến cố bề ngoài xem ra bất lợi, thua lỗ, thất bại, nhưng lại là điều Chúa muốn, để khám phá rõ hơn thánh ý Chúa, và nhận rõ hơn dung mạo yêu thương của Ngài.
Lễ thánh Phaolô trở lại năm nay rơi vào ngày mùng một Tết. Thiết tưởng cũng là dịp để chúng ta nhìn lại con đường đã đi qua của năm cũ, và hướng tới năm mới thánh thiện hơn, bằng chuẩn bị những bước chân khiêm nhường lắng nghe tiếng Chúa, khiêm tốn thực thi điều Chúa dạy, và khiêm nhu, đằm thắm khi thì cầm tay các bạn đồng hành, lúc thì để các bạn đồng hành cầm tay dắt đi gặp Chúa nơi những người anh em bé nhỏ nhất của Chúa đang sống chung quanh.
Người viết mến chúc các Bạn Năm Mới có Chúa, và Bình An trên đường trở lại như thánh Phaolô.
Jorathe Nắng Tím

0 nhận xét: