Có nhiều người
quan niệm: làm từ thiện là bố thí của cải dư thừa, cho người nghèo những gì
mình không còn dùng, hay khá hơn là làm phúc cho người xấu số một số tiền như
chút qùa nhân đạo. Cũng có người cho rằng: làm từ thiện là để chuộc tội riêng,
tích lũy ơn phúc cho mình và gia đình hay đền trả những bất công, tai họa mình
đã gây nên cho đời. Và quan niệm chung của đại đa số thường xoay quanh hai trục: làm từ thiện là cho đi một phần
của cải và việc làm từ thiện đem lại phúc đức, ơn lộc cho mình, cho người thân
của mình.
Nếu chỉ quan niệm
làm từ thiện như thế, thì yếu tính của việc làm từ thiện đã bị bỏ quên. Yếu
tính đó là tinh thần phục vụ.
Đi làm từ thiện
mà không mang theo tinh thần phục vụ thì việc từ thiện chẳng qua chỉ là một đổi
chác, một câu chuyện bán buôn, thương mại: người nghèo như món hàng mang lợi
nhuận là ơn phúc và tôi bỏ tiền mua lấy món hàng này. Người nghèo là mối lợi
tinh thần mà chỉ nơi họ, tôi mới mua được trạng thái an ổn, thoải mái cho lương
tâm và sắm sẵn cho mình phần phúc mai hậu. Việc từ thiện lúc đó trở thành chuyện
đầu tư mà người thu lời chính là người bỏ vốn như quy trình tự nhiên của kinh
doanh.
Qủa thực, nếu
không cảnh giác đủ, ta sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng làm từ thiện vì mình, và từ
thiện sẽ không còn mang ý nghiã nguyên thủy và phải có của nó.
Các nhà xã hội,
luân lý, đạo đức đều đồng ý: yếu tính cuả từ thiện là tinh thần phục vụ. Phục vụ
là hành động phát xuất từ tình yêu, nên không yêu không thể phục vụ. Phục vụ nhắm thẳng đối tượng được phục vụ và chỉ duy
nhất đối tượng này. Chệch đường phục vụ, sẽ tiếp ngay một khúc quặt nguy hiểm,
đó là ích kỷ, trục lợi.
Phát xuất từ
tình yêu, phục vụ được nuôi dưỡng cũng bằng tình yêu và hướng đến tình yêu như
mục đích. Khi làm từ thiện, ta làm vì yêu người cơ nhỡ, thiếu thốn, đau khổ
và giúp đỡ, chia sẻ với họ bằng chính
tình yêu dành cho họ. Như thế người được giúp đỡ là nhân vật chính, đối tượng
chính, người duy nhất hưởng phúc lợi. Phục vụ cho phép người cho - kẻ nhận bình
đẳng, ngang hàng. Phục vụ nối nhịp cầu cảm thông, tin yêu giữa người nhận - kẻ
cho. Phục vụ lấp kín hố sâu giai cấp và vô hiệu hoá chủ trương tranh đấu, bóc lột
chủ - nô. Phục vụ tạo điều kiện cho một cuộc sống văn minh tình người và một xã
hội kinh tế quân bình, hợp lý.
1.
Phục Vụ
không dễ
Phục vụ khó như
tha thứ, vì tự nó là một thách đố của tình yêu.
a.
Là thách đố của tình yêu:
Phục
vụ đòi ta phải đặt mình ở nhịp độ của người ta phục vụ, thay vì bắt họ hoà vào
nhịp độ sẵn có của ta. Phục vụ ai là đáp
ứng nhu cầu của họ khi họ cần, chứ không nhằm đáp ứng nhu cầu của ta, dù nhu cầu ấy có chính đáng đến đâu
đi nữa; vì thế phục vụ không là hoạt động
nhắm tìm thoải mái , niềm vui riêng,
nhưng nhắm hạnh phúc, niềm vui của đối tượng.
Khó
khăn đầu tiên trong phục vụ là ta dễ dàng hăng say, nhiệt thành hiến thân cho người khác, nhưng cùng lúc ta không chấp nhận họ làm trái ý ta,
hay làm lệch lạc thời khoá biểu của ta.
Thí dụ : ta chỉ muốn gặp người
nghèo, khi ta khỏe mạnh, thành công, phấn khởi... nhưng ngược đời thay, người
khốn khổ lại hay cần ta, tìm ta khi ta mệt mỏi, bận bịu, chao đảo, chênh
vênh... Ta chỉ thích làm từ thiện đúng giờ, đúng giấc; nhưng oái oăm thay, người
nghèo lại cần ta ở những giờ ta không hoạch định. Chính vì nhịp sống của ta
không cùng nhịp sống của người ta giúp, nên để phục vụ họ, ta phải từ chối nhịp
sống của mình để hoà vào nhịp sống của họ;
nhờ vậy phục vụ của ta mang giá trị lớn vì ta dám quên mình, bỏ mình vì yêu
thương. Nói cách khác, phục vụ mang lại hoa trái của một tình yêu lớn khi tự đặt
mình bé nhỏ và luôn sẵn sàng truớc nhu cầu của người khác. Bé nhỏ trước người yếu
đuối là để nỗi đau của họ trong trí óc, tận trái tim, trên môi miệng, bên khóe
mắt của ta để có thể mau mắn đáp ứng nhu
cầu khẩn thiết của họ. Sẵn sàng trước nhu cầu của người “thấp cổ bé miệng ” là
ra khỏi “cái tôi chật chội, khép kín” để hoà vào nhịp sống của người đang cần
ta chia sẻ . Trong bé nhỏ và sẵn sàng, ta đã vào cuộc đời người khác khi phục vụ
họ để cùng chung nhịp bước hạnh phúc của
những người đang cần “yêu và được
yêu”.
b. Phục
vụ khó, vì đòi trung thành:
Tại sao phải trung thành
khi làm từ thiện ?
Có hai nguyên nhân làm
ta chóng chán và dễ buông xuôi khi làm từ thiện là yếu đuối trong ta và lỗi lầm
nơi người được giúp:
· Trong
con người ta luôn có hai yếu đuối làm cản trở bước chân bác ái, từ thiện. Đó là
sự sợ hãi và tính lười biếng. Ta có thể thấy người khác đau khổ, nghèo đói, bệnh
hoạn và biết họ rất cần ta; nhưng ta không muốn đến gần họ và tìm giải pháp giúp họ. Thấy, biết và làm là một
khoảng cách còn khá xa, một hành trình dài cần nhiều cố gắng, nỗ lực để vượt
qua. Yếu đuối trong con người ta là yếu
đuối muôn thưở của quan chức vị vọng, giáo sĩ có thần thế đã lạnh lùng liếc nhìn người bị bọn
cướp đánh nhừ tử, đang quằn quại “nửa sống
nửa chết” bên đường, rồi thản nhiên bỏ đi, không một lời ủi an, một việc làm
chia sẻ như câu chuyện người Samaritanô
nhân hậu trong Kinh Thánh (Lc 10, 29-37). Những người này đã bỏ đi, vì lịch làm
việc của họ đầy kín, thời giờ của họ qúy báu, ít ỏi và nỗi đau của đồng loại
không là ưu tiên trong sinh hoạt.
Câu
chuyện người Samaritanô bác ái là hình ảnh người làm từ thiện chân chính, khi sẵn
sàng bỏ thời giờ, tiền bạc vì người anh em bị nạn không hề quen biết. Cũng cùng
tuyến đường với quan chức và giáo sĩ, ông thấy có người bị thương nặng đang rên
rỉ một mình. Với tất cả tình nhân loại, ông đã xuống ngựa để yêu thương, chia sẻ, cứu giúp với thái độ tế nhị, ân cần, kín đáo. Ông đã vượt
qua khuynh hướng sợ “dây vào những việc
thiên hạ làm gì cho rách việc” và tính lười biếng, “không muốn cái thân phải nhọc
mệt vì những chuyện bao đồng” để thực hiện một việc từ thiện anh hùng: cứu sống
một nạn nhân không hề quen biết. Vượt qua
sợ hãi và lười biếng là một hành vi anh hùng đã cho ông nhiệt tình dừng
chân đến tận nơi, ẵm người bị nạn lên và tận tình đưa đến quán trọ để nạn nhân
được băng bó, cấp cứu. Trước khi phải rời nạn nhân để tiếp tục hành trình, ông
đã không quên thanh toán chi phí và gửi chủ quán thêm tiền chi phí ăn ở, thuốc
men và dặn dò chủ quán chăm sóc cẩn thận.
Câu
chuyện người Samaritanô nhân lành thật cảm
động và không lỗi thời, vẫn nhan nhản xẩy ra hôm nay, ở ngay nơi chúng ta đang
sống.
· Đó
là về phiá người làm từ thiện. Về phiá người nhận sự giúp đỡ cũng không thiếu lỗi lầm.
Lỗi lầm thường gặp nơi họ là tính bất nhất, mâu thuẫn : hôm qua họ vừa rối rít yêu cầu ta giúp đỡ
chuyện này, sáng nay đã than thở đòi giúp chuyện khác và oái oăm thay, hai chuyện
của hai ngày có khi lại hoàn toàn đối chọi, trái ngược nhau. Hơn thế nữa, vì
nghèo, thất học nên họ không biết cư xử “ dễ thương, hợp lý” nhưng thường thô kệch,
thiếu sót, đôi khi vô duyên, sống sượng đến lố bịch, côn đồ. Giúp đỡ những con người
nhiều thiếu sót, lầm lỗi này không dễ vì ta sẽ bị cám dỗ nói với họ : “Được,
anh chị về đi và khi nào sống đàng hoàng, tử tế hơn, tôi sẽ trở lại giúp”.
Thế là từ thiện
trở thành “tự biến” khi cả bên nhận, bên cho đều không chịu được nhau,
nên cả hai cùng tự biến khỏi đời nhau, kết thúc chuyện làm từ thiện.
Trước khó khăn
thứ hai này, chỉ có lòng trung thành mới giúp người làm từ thiện vượt rào cản
trở. Chỉ lòng trung thành mới cho ta sức mạnh để chấp nhận những thử thách và khó khăn do lỗi lầm của người
khác và yếu đuối của chính ta.
Lòng trung thành
được xây trên kiên nhẫn và hy vọng. Cả hai được nuôi dưỡng bởi tình yêu. Khi
trái tim rạo rực lửa yêu thương rồi thì bất cứ cơn gió tội lụy, yếu đuối, lầm lỡ
nào cũng không dập tắt được.
Như thế, ngoài
tình yêu dành cho những người anh em đau khổ, bất hạnh, ta không thể tìm ra công thức nào khác tốt hơn giúp ta trung thành mãi với lòng nhân
ái qua việc làm từ thiện.
c.
Phục vụ khó vì cần một thái độ
trong sáng khi biết đón nhận những người khác cũng
đang phục vụ như mình. Tại sao có khó
khăn này?
Khó khăn phát
sinh do ảo tưởng: mình toàn năng và có mặt ở mọi nơi, mọi chỗ. Chính ảo tưởng
này gây nên ghen tuông, cạnh tranh, so sánh giữa những người cùng làm từ thiện.
Khi làm từ thiện, ta không làm một mình, nhưng chung quanh có những người khác
cũng làm từ thiện như ta. Đối diện và cùng làm với những người khác, ta sẽ thấy
có khi họ giỏi hơn mình, làm được nhiều chuyện hơn mình, có ảnh hưởng hơn mình,
hy sinh hơn mình...Từ đó ta thấy mình hụt hẫng khi khám phá mình không toàn
năng và không làm được tất cả mọi sự. Bao lâu
chưa nhận ra căn tính của việc làm từ thiện là cởi mở cõi lòng, trải rộng
tình yêu, bấy lâu người ta dễ rơi vào
tình trạng căng thẳng vì so sánh thành - bại của công việc, hơn thua trong ảnh
hưởng, nặng nhẹ của số lượng trên bàn cân. Cốt lõi của vấn đề là tấm lòng cởi mở
trong sáng cho nhau. Từ cõi lòng tràn đầy tình yêu ấy, mỗi người được mời gọi
phục vụ tha nhân theo như khả năng và ơn gọi riêng của mình, nhưng tất cả quy về
một mục đích là hạnh phúc của những người anh em đáng thương đang cần được chia
sẻ, giúp đỡ.
Phục vụ là một
thách đố của tình yêu thật. Nhờ phục vụ, bình an cư ngụ trong lắng đọng của tâm
hồn. Qua phục vụ, con người gặp được nhau không chỉ với hình thức xã giao,
nhưng với trọn vẹn hiện sinh chân thực của mình và đây chính là hạnh phúc tuyệt
vời của đời một người đáng sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét