Thời Đức Giêsu, những người đi theo Chúa đã hỏi Ngài :
“Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời ?” (Mt 19,16).
Sự sống đời đời, Vương Quốc của Thiên Chúa, Nước Trời hay
Thiên Đàng, tất cả đều chỉ chung một thực tại : Thiên Chúa, nơi có Thiên
Chúa ngự, nơi có các thiên thần phụng sự Thiên Chúa, nơi có sự sống và hạnh phúc
đời đời dành cho những người đã sống cuộc đời ngay lành được Thiên Chúa yêu thương,
chúc phúc (x. Mt 25,31-40).
Câu hỏi cách đây hơn hai ngàn năm cũng là câu hỏi được viết
thành nhạc, mà trong các buổi sinh hoạt, các em thiếu nhi thường hát : “Bé muốn lên Thiên Đàng, nhưng bé biết làm sao ? Bé
muốn lên Thiên Đàng, nhưng Bé lên thế nào ?”.
Bởi chưa ai là người đã lên thiên đàng rồi trở lại sống
tiếp trên trần gian, nên mọi người đều trăn trở với vấn nạn : Nước Trời ở đâu ?
Lên Thiên Đàng cách nào ? Có gì trong Vương Quốc của Thiên Chúa ?
Bởi chưa người nào từ thế gian đi “du lịch” Thiên Đàng, nên trước nguy hiểm có thể mất mạng, giữa hiểm
nguy sự sống bị treo lơ lửng, người này ngơ ngác hỏi người kia : Mình sẽ lên
Thiên Đàng hay đi đâu ?
Bởi chưa bao giờ có tấm hình chụp, hay thước phim ghi lại
cảnh thực của Nước Trời, nên giờ lâm tử thường làm bối rối người đang hấp hối.
Bởi không có tài liệu dưới bất cứ hình thức nào về Vương
Quốc của Thiên Chúa, nên nói về Thiên Đàng, ai cũng ngần ngại, không dám khoác
lác vẽ vời.
Và bởi ngoài Đức Giêsu là Thiên Chúa từ Nước Trời xuống
thế làm người và ở giữa loài người vào một thời điểm, và địa điểm chính xác
trong dòng lịch sử nhân loại, nên trừ một mình Ngài, không ai đã có thể nói về
Thiên Đàng, trình bày về Vương Quốc của Thiên Chúa.
Qủa thực, chỉ có Đấng đã ở trên Trời xuống thế gian làm
người mới biết rõ Thiên Đàng và nói với con người về Thiên Đàng, trả lời những
câu hỏi của con người về sinh hoạt trên đó ; chỉ có Đấng biết rõ Nước Trời
nay ở với con người mới nói đúng những gì thuộc về quê trời cho con người
; chỉ có Đấng làm chủ Thiên Đàng mới có quyền quyết định những điều kiện con
người phải có để được nhận vào Thiên Đàng ; và chỉ có Đấng nắm giữ quyền xét
xử trên trời dưới đất mới ban phần thưởng Vương Quốc Thiên Chúa cho người này,
người kia.
Và Đấng ấy chính là Đức Giêsu Kitô, như Ngài đã khẳng định
với ông Nicôđêmô : “Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông
còn không tin, thì giả như tôi nói vói các ông về những chuyện trên trời, làm
sao các ông tin được ? Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ
trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ
phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,12-15).
Vậy Thiên Chúa làm
người và ở giữa loài người ấy đã nói gì với con người về Thiên Đàng và con
đường nào con người phải đi để lên tới Thiên Đàng, để về Nước Trời hằng phúc ?
1. Thiên
Đàng là địa chỉ con người phải đến :
Đức Giêsu cho chúng ta biết :
đích tới của hành trình dương thế sẽ là Nước Trời, điểm hẹn mà tất cả mọi người,
không trừ ai đều được Thiên Chúa mời gọi đạt đến, bước vào, như Gioan Tẩy Giả đã
rao giảng (x. Mt 3,2), và cũng chính là sứ điệp Đức Giêsu muốn các môn đệ của
Ngài lên đường loan báo cho muôn dân : “Nước Trời đã đến gần” (Mt 10,7).
Nước Trời, hay Thiên Đàng là giá
trị phải được ưu tiên tìm kiếm : “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên
Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ thêm cho sau” (Mt 6,33), bởi Nước Trời là quê
hương đích thực, hạnh phúc trọn vẹn, và sự sống đời đời (x. Tv 144.13) mà con
người mơ ước, vì ở đó có Thiên Chúa là Cha nhân từ ngự trị (x. Mt 6,9), Đấng biết
rõ con cái ở trần gian cần gì (x.Mt 6,32), và ban những của tốt lành cho những
kẻ kêu xin Người (x. Mt 7,11).
Nước Trời, Vương Quốc Thiên Chúa
hay Thiên Đàng không chỉ là ước mơ của con người, nhưng còn là Lời Hứa của Thiên
Chúa :
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo
khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị
người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em
hãy vui mừng nhảy múa, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao” (Lc 6,20.22).
Nước Trời được Đức Giêsu diễn tả
qua nhiều hình ảnh : “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải,
lúc gieo xuống đất, nó là lọai hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi,
thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể
làm tổ dưới bóng” (Mc 4,31-32).
“Nước Trời giống như chuyện gia
chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau
khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm
việc” (Mt 20,1-2). Rồi nhiều lần trong ngày, ở những thời
điểm khác nhau, ông ra ngoài đường nhận thêm người mới vào làm. Cuối ngày khi
phát lương, ông trả đồng đều ai cũng một quan tiền, dù là người mới chỉ làm một
giờ, hay người làm cả ngày. Khi có người thắc mắc, khiếu nại, ông đơn sơ trả lời :
“Tôi đâu có xử bất công với bạn đâu.
Tôi đã chẳng thoả thuận với bạn là một quan tiền đó sao ? Cầm lấy phần của
bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn
đó. Chẳng lẽ tôi không có quyền tùy ý định đoạt những gì là của tôi sao ?
Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức ?” (Mt 20, 13-15).
Nước Trời còn giống như “Vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi
thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu
đến… (Mt 22,1-3). Vì tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ được mời lại không
xứng đáng, Nhà Vua cho đầy tớ ra khắp các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc
cưới…”
(x. Mt 22,9-10).
Và còn nhiều hình ảnh khác nữa Đức Giêsu đã dùng để nói về
Nước Trời như “mười trinh nữ cầm đèn ra đón chàng rể, với năm cô khờ dại và năm cô khôn
ngoan”
(x. Mt 25,1-13) để diễn tả ngày giờ con người được gọi rời bỏ đời này về đời
sau thưòng rất bất ngờ, không ai được biết
trước ; như “chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên
bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài” (Mt 13,47-48) ; như “kho báu chôn giấu trong ruộng, có người kia gặp được thì
chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy” (Mt 13,44) ; hoặc như “nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất
cả bột dậy men” (Mt 13,33).
Như thế, Nước Trời là Vương Quốc của Thiên Chúa luôn thân
thiện rộng mở đón tiếp hết mọi người, bất luận giầu nghèo, sang hèn, giỏi dốt,
xấu tốt, miễn sao đáp ứng những điều kiện được Thiên Chúa đưa ra. Vương Quốc ấy
không khoanh vùng ưu tiên, cũng không phân biệt, kỳ thị bất cứ sắc dân, ngôn ngữ,
văn hoá, trình độ, đẳng cấp, vị thế xã hội nào, nhưng tạo mọi điều kiện dễ dàng
để mọi người được nhận vào. Và vì là Nước Thiên Chúa, quê hương hạnh phúc đời đời,
mà mọi người mơ ước, nên Thiên Đàng là một giá trị vô giá, kho tàng không gì sánh
bằng mà bằng mọi giá phải chiếm hữu cho kỳ được.
Nhưng hình ảnh nổi bật hơn tất cả, chính là lòng tốt của
Thiên Chúa khi ban phần thưởng Thiên Đàng cho con người, như Đức Giêsu đã khẳng
định trong dụ ngôn “thợ làm vườn nho Nước Trời”, mà ở trên người viết đã cố ý ghi lại hầu như toàn phần
bản văn Tin Mừng.
2. Điều Kiện để vào Nước Trời :
Trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã công bố rất rõ ràng những điều
kiện phải có để nhận phần thưởng Thiên Đàng, những đòi hỏi phải đáp ứng để được
vào Nước Trời, cũng như những bổn phận phải chu toàn để được sống đời đời trong
Vương Quốc của Thiên Chúa.
Tin Mừng Mátthêu khẳng định : “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương
Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thưở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các
ngươi đã cho ăn ; Ta khát, các ngươi đã cho uống ; Ta là khách lạ, các
ngươi đã tiếp rước ; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc ; Ta đau yếu,
các ngươi đã thăm viếng ; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,31-36). Và “Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế
cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính
Ta vậy”
(Mt 25,40).
Đoạn Tin Mừng “Cuộc Phán Xét chung” cho chúng ta thấy điều kiện để có sự sống đời đời, “chiếu khán” để vào Nước Trời
chỉ là yêu thương, phục vụ những người bé nhỏ, hèn mọn. Điều kiện này có nhiều điểm
rất đặc biệt từ phiá Thiên Chúa :
a. Thiên
Chúa ban cho mọi người khả năng yêu thương để ai cũng bình đẳng như nhau trước
ngưỡng cửa Nước Trời :
Người ta có thể khác nhau, cách biệt nhau, hơn thua nhau ở
những khả năng khác, nhưng khả năng yêu thương thì ai cũng dư thừa, và Thiên Chúa
chỉ đòi con người yêu thương nhau, như điều kiện để vào Nước Trời, Vương Quốc của
Ngài.
b.
Thiên Chúa chọn đối tượng yêu thương, phục vụ là những người thấp kém, hèn mọn, xấu số, kém may
mắn, vì họ hồn nhiên, đơn sơ, giản dị, “dễ thương”, dễ gần hơn “khó thươn”, khó gần :
Yêu người lớn hơn mình, thương người quyền thế hơn mình,
phục vụ người danh giá hơn mình có khi lại là việc khó làm, vì người làm lớn, lắm
tiền, nhiều quyền thường không mấy dễ gần, dễ thương, dễ chiều, bởi nhu cầu của
họ cao nên ta khó thỏa mãn, đòi hỏi của họ khó nên ta đáp ứng rất vất vả, trong
khi người bé nhỏ nhất, nghèo khó nhất, dốt nát nhất, bất hạnh nhất, đáng thương,
tội nghiệp nhất bên cạnh chúng ta thường đơn sơ, giản dị để chúng ta yêu thương,
và hồn nhiên để chúng ta chia sẻ, phục vụ. Chưa kể với người giầu sang, quyền thế, vì họ không cần ai, cần
gì, nên khi ta lân la đến gần, ta có thể bị họ nhìn như kẻ ăn mày đi tìm của bố
thí. Trái lại, khi đến với “người bé nhỏ nhất
trong anh em”, chúng ta gặp được con người thật, với qủa tim thật của cuộc đời thật.
c. Thiên
Chúa tự đồng hoá mình với những anh em bé nhỏ, hèn mọn nhất, để hành vi bác ái
của chúng ta mang giá trị siêu nhiên, tuyệt đối :
Bởi vi yêu thương con người vô cùng, nên Thiên Chúa đã
cho con người là thụ tạo tương đối được qưyền yêu Thiên Chúa là Đấng Chủ Tạo
tuyệt đối, để hành vi yêu thương vốn tương đối của con người dành cho con người
đuợc trở thành hành vi tuyệt đối hướng thẳng đến Thiên Chúa.
Hơn thế nữa, Thiên Chúa còn tự đồng hoá mình với những người
anh em bé nhỏ nhất, để những gì bé nhỏ được trở nên vĩ đại, tầm thường trở nên
phi thường, thiếu sót trở nên hoàn hảo, yếu đuối trở nên vững mạnh, nhất là con
người tương đối được tháp nhập vào Thiên
Chúa tuyệt đối, nhờ tình yêu có giới hạn của
con người được Thiên Chúa thánh hoá và làm cho trở nên vô hạn, vô biên,
vô cùng trong Thiên Chúa, như giọt nước nhỏ bé “con người” được tan biến
trong đại dương bao la, vô tận “Thiên Chúa”.
Điều kiện rất đơn sơ : yêu thương và phục vụ những
người bé nhỏ, hèn mọn nhất trong anh em còn được Đức Giêsu nhấn mạnh trong dụ
ngôn “ông
nhà giầu và anh Ladarô nghèo khó” của Tin Mừng Luca : ông nhà giầu đã không được vào
Nước Trời chỉ vì đã không thương xót “người nghèo khó tên Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước
cổng nhà ông, và thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho
no”
(Lc 16,20-21).
Như thế, chúng ta có thể nói mà không sợ sai : điều
kiện để vào Nước Trời không qúa khó, vì khả năng yêu thương thì ai cũng có, đối
tượng yêu thương được Thiên Chúa đề nghị không khó tìm, đúng hơn là nhan nhản
khắp nơi, kề cận, có mặt quanh ta, dễ thấy dễ gặp ; nhất là có sự bảo đảm của
Thiên Chúa để hành vi yêu thương, phục vụ tha nhân mang giá trị cứu rỗi, khi
Thiên Chúa tự đồng hoá với những người bé nhỏ, hèn mọn, yếu đuối, kém may mắn
nhất.
3.
Những
Lực Cản làm đường lên Thiên Đàng trở nên khó :
Con đường về Nước Trời, lên Thiên Đàng sẽ không khó, không
là cửa hẹp, không vất vả, gian truân, nếu không vì những lực cản làm lệch hướng,
sai chiều, có khi đắp mô, cắt đường, cấm vận sau đây :
a. Lực
cản người nghèo khó, hèn mọn, đau ốm, thất thế, cô thân :
Đây là lực cản khó thoát, khi mọi người đều mong thân
quen kẻ sang giầu, ao ước làm bạn với người quyền thế để có cơ hội theo họ mà
tiến thân, nhờ họ mà được cất nhắc, nép bóng họ để được che chở, bảo vệ, đi bên
họ để được nể nang, kính trọng. Chẳng thế mà khi “công thành danh toại”, chức tước, quyền bính đầy mình thì không còn giờ tiếp
khách, không thiếu kẻ tình nguyện “điếu đóm”, “cơm bưng nước rót”, và không bao giờ phải lủi thủi một mình, vì ở đâu và lúc
nào thiên hạ cũng say mê tìm kiếm, cũng điên cuồng tung hô, cũng bạo miệng thề
thốt sống chết trung thành…
Sở dĩ chúng ta có khuynh hướng chạy theo người có chức
quyền, tiền bạc, ảnh hưởng vì họ mang lại nhiều cơ hội cho chúng ta thành công,
và đi với họ, chúng ta có nhiều cơ may, lợi thế hơn giao lưu với người “khố rách áo ôm”, “nghèo rớt mùng tơi”, cơm không có ăn, nói gì đến chuyện làm lợi cho người khác.
Chưa kể, đi với người nghèo, ta còn phải tốn kém ; đi với người bệnh
Corona, ta dễ bị lây nhiễm ; đi thăm tù nhân, ta có thể bị tình nghi, theo
dõi ; đi với người thất thế, sa cơ, ta có thể bị sụp đổ theo họ ; đi
với người bị cô lập, tẩy chay, ta có thể bị chụp mũ te tua ; đi với người đang
bị tổ chức, cơ chế, bề trên kỷ luật, trừng phạt, có thể ta cũng sẽ bị “ăn đòn”, “lãnh đủ” như họ.
Thế nên mấy ai dám xả thân vì người nghèo, dám quên mình
vì người cô thân thất thế, dám dấn thân vì người bị vu khống, đàn áp bất công,
bởi nguy hiểm luôn rình rập, tai tiếng luôn chực chờ những con người dám hy
sinh vì người anh em bé nhỏ nhất.
b. Lực
cản “Cái
Tôi” :
Nói gì thì nói, “Cái Tôi” với tôi vẫn
luôn là cái đẹp nhất, qúy nhất, giỏi nhất, đạo đức nhất, ngon lành nhất, tuyệt
vời nhất, nên khi Cái Tôi bị sứt sát, thiệt thòi, thua lỗ, tổn thương thì tim tôi
xót xa, hồn tôi bối rối, chân tay tôi bủn rủn, toàn thân tôi rã rời, vì tôi thương
Cái Tôi hơn tất cả những cái khác.
Vì thế, quá lo lắng cho mình, ta sẽ không lo được cho
ai ; qúa chăm chút mình, ta sẽ chẳng quan tâm đến người nào ; qúa tin
ở mình, ta sẽ nghi ngờ mọi người, và qúa yêu mình, không ai sẽ còn là đối tượng
để ta yêu thương.
Do đó, khi đến với người khác, ta luôn tính toán mối lợi
sẽ thu về cho Cái Tôi ; khi làm việc gì cho tha nhân, ta luôn hoạch tính
thế nào để không thiệt thòi cho mình, nên bất cứ ai không có lợi, hay không đem
lại cơ hội cho ta tiến thân, tiến chức, tiến nhanh tiến mạnh, ta đều xa tránh họ.
Và đó chính là lý do Cái Tôi luôn dị ứng với người nghèo, người yếu, người hết
thời, người thất thế, người bị đời bỏ rơi. Đó cũng là lý do Đức Giêsu đã nói với
các tông đồ : “Thầy bảo thật anh em, người giầu có khó vào Nước Trời. Thầy
còn nói cho anh em biết : con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu
vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19,23-24), bởi hầu hết người giầu cho đi để có lợi hơn gấp nhiều lần, bỏ ra một đồng để thu về mười
đồng, do lòng tham và chủ nghiã “Cái Tôi” chế ngự, nên họ khó có thể chia sẻ tấm lòng bác ái đích
thực với những người chẳng có gì để họ có thể đầu tư, trục lợi.
c. Lực
cản thiếu niềm tin :
Không ai có thể chối cãi một sự thật, đó là không mấy hứng
thú khi hết ngày này qua tháng nọ phải phục vụ một số đối tượng không quyến rũ,
hấp dẫn như trẻ mồ côi, người già neo đơn, người bệnh bị cách ly, người tàn tật,
người tỵ nan trong các cô nhi viện, nhà thương, trung tâm xã hội không luôn sạch
sẽ, khang trang, ngăn nắp, trật tự. Những đối tượng này, phần vì nghèo, phần vì
không được đào tạo, chăm sóc đầy đủ, nên hay ăn nói linh tinh, ăn ở bừa bãi, ăn
mặc xốc xếch, luộm thuộm, và hay gây nhiều phức tạp, phiền phức. Vì thế, ở gần
họ, không luôn thích thú, và phục vụ họ, không luôn dễ dàng.
Trong Tin Mừng Mátthêu, cả người lành và người dữ trước
toà Thiên Chúa phán xét đã cùng một thái độ sửng sốt, ngạc nhiên, và cùng thưa
lại với Thiên Chúa : “Lậy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn,
khát mà cho uống ; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước ;
hoặc trần truồng mà cho mặc ? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc
ngồi tù, mà đến hỏi han đâu ?” (Mt 25,37-39 ; x. Mt 25,44).
Tất cả người lành và người dữ, người được chúc phúc và không
được chúc phúc đều đã không nghĩ rằng : Thiên Chúa lại ở ngay trong những
người nghèo đói, rách rưới, đau ốm, tù đầy, tỵ nan ; không ai trong những
người được lên Thiên Đàng và phải xuống hoả ngục đã có thể đoán trước câu trả lời
vượt sức tưởng tượng của con người : “Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế
cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính
Ta vậy”
(Mt 25,40), và “mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây,
là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,45).
Đức tin hệ tại ở nhận ra Đấng Vô Hình qua những thực tại
hữu hình ; nhận ra Đấng Toàn Năng, phi thường ở những hữu hạn, tầm thường ;
nhận ra Sức Mạnh siêu nhiên trong yếu đuối tự nhiên ; nhận ra Thiên Chúa trong
những con người “không ra gì, không giá trị, thành tích gì, không quyền thế, vinh dự gì”, những người bé nhỏ nhất, nhưng lại được Thiên Chúa yêu
thương ở với, được Thiên Chúa cưng chiều và đồng hành, được Thiên Chúa tuyển chọn
để với họ Thiên Chúa tự đồng hoá.
Qủa thực, với con mắt nhân loại, do thúc đẩy của xã hội vật
chất, thực dụng, vô thần, với khuynh hướng làm nổi bật “cái Tôi” vĩ đại, áp lực bởi cám dỗ của ganh ghét, đố kỵ, và não
trạng, thói xấu “trên đội dưới đạp”, đôi mắt đức tin của chúng ta dễ bị lu mờ, có khi đui mù
toàn phần, để không còn thấy và tin có Thiên Chúa hiện diện qua dáng gầy liêu
xiêu của người mẹ già cô qủa ; có Thiên Chúa ở bên đám trẻ mắt sâu hoẵm,
chân tay khẳng khiu, gầy guộc, nhem nhuốc kiếm ăn ở bãi rác thành phố ; có
Thiên Chúa trong cô đơn, sầu muộn của người con gái lầm lỡ, bị gia đình ruồng bỏ,
trừng phạt ; có Thiên Chúa trong trại giam bi thảm ; có Thiên Chúa
trong những con người mang đầy mặc cảm, vì bị chính anh em mình hiểu lầm, nguyền
rủa, tẩy chay, khai trừ.
Vâng, đường về Nước Trời dễ hay khó, đường lên Thiên Đàng
khả thi hay không thể thực hiện hoàn toàn tùy thuộc vào tinh thần và thái độ đón
nhận của mỗi người. Tinh thần và thái độ ấy đã được Đức Giêsu khẳng định :
“Thời kỳ đã mãn, và Vương Quốc của Thiên Chúa đã đến gần.
Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Sám hối tức trở về, và tin vào Tin Mừng là tin vào Đức Giêsu.
Trở về từ những kiêu căng, gian tham, ích kỷ, ganh ghét, hận thù, và tin vào Đức
Giêsu là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ duy nhất. Ngài đến để mở đường lên Thiên Đàng
cho tất cả những ai thiện tâm sẵn sàng đi theo Ngài ; Ngài có mặt trong thế
giới để Nước Trời hiện diện giữa lòng cuộc sống ; Ngài ở giữa mọi người để
đồng hành với mọi người “thành tâm thiện chí” trên đường về
Nước Trời ; Ngài giang tay trên Thánh Giá để đón vào Vương Quốc của Ngài tất
cả những ai có lòng nhân ái, biết xót thương người đáng thương hơn mình.
Và lời Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ bên biển hồ Galilê năm
xưa : “Các anh hãy theo tôi !” (Mc 1,17) vẫn
mãi vang vọng trên đường tìm kiếm Thiên Đàng, Nước Trời, Vương Quốc Thiên Chúa
của mỗi người chúng ta.
Jorathe Nắng Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét