GIỚI TRẺ
Ưu
tư lớn của Giáo Hội là giới trẻ, vì người trẻ có nhiều vấn đề hơn người già, do
tuổi còn trẻ, nhiều bỡ ngỡ trước cuộc đời. Người già, dù sao cũng đã từng trải,
và nếm đủ mùi đời “ngọt bùi cay đắng”, nên
vấn đề của người già cũng trầm lắng, cô đọng, chứ không cháy nóng, bùng phát dữ
dội, kinh hoàng như ở người trẻ. Vì thế, với giới trẻ, Giáo Hội luôn quan tâm cách
đặc biệt và dồn mọi nỗ lực để đồng hành.
Quan
tâm và đồng đành với giới trẻ trước hết chính là biết người trẻ đợi chờ gì ở nhà
truyền giáo, và để biết, nhà truyền giáo phải biết lắng nghe, và đón nhận những
gì người trẻ muốn nói với mình.
Người
trẻ muốn nói với nhà truyền giáo họ yêu mến tự do, khao khát tự do, và mơ ước tự
do của họ được tôn trọng. Với tự do, người trẻ sẽ không ngại nói lên những thắc
mắc, nghi vấn, kể cả bức xúc, bực bội, bất đồng, đối kháng trong niềm tin, bên
cạnh những khó khăn, bế tắc thuộc các lãnh vực khác của đời sống.
Họ
sẽ đặt vấn đề hiện hữu của Thiên Chúa, khi dựa vào những luận chứng tiêu cực của
những tác giả văn chương, triết học vô thần hoặc chống Kitô giáo, đại loại như:
Thiên Chúa chỉ là một tên gọi được dùng để bảo kê, biện hộ cho những cuộc thánh
chiến đẫm máu, những toà án dị giáo để thiêu sống, treo cổ những người nghĩ khác
mình, không tin những gì mình tin; tên gọi Thiên Chúa không còn đồng nghiã với
tình yêu bao dung, lòng thương xót, nhân hậu, mà đồng nghiã với tranh đấu, đương
đầu, phủ nhận, khai trừ, loại bỏ, như José Saramango, người Bồ Đào Nha trên diễn
đàn trong ngày nhận giải thưởng Nobel về văn chương đã ngang nhiên tuyên bố: “bạo
lực phi nhân là do lỗi của Thiên Chúa, phát xuất từ ý tưởng Thiên Chúa, và rất
tiếc Thiên Chúa đã không chết đi, như Nietzche đã qủa quyết”.
Họ
sẽ nói về ý muốn phủ nhận Thiên Chúa bằng giảm thiểu vai trò của Ngài, bắt đầu
bằng kéo Ngài xuống hàng thụ tạo, khi coi Thiên Chúa chỉ là “một từ ngữ, một ý niệm, một ngẫu nhiên”, may lắm là một “mầu nhiệm không
bao giờ được mặc khải”. Họ cũng có thể đặt Thiên Chúa ngang hàng nghệ thuật,
tình yêu nhân loại, vẻ đẹp thiên nhiên là những gì làm tâm hồn họ cảm thấy sung
sướng, phấn khởi.
Với
khoa học thì Thiên Chúa là đối thủ, vì theo họ, khoa học đáng tin hơn tôn giáo,
nhờ chứng minh, kiểm chứng được, trong khi tôn giáo thì mơ hồ, huyền hoặc, mông
lung, xa vời, ảo tưởng.
Họ
sẽ đặt vấn đề Đức Giêsu. Trước hết là thiên tính, nhân tính của Ngài. Tiếp đến
là vai trò Đấng cứu độ duy nhất của nhân loại, khi đặt vấn nạn: tại sao phải là
Đức Giêsu, mà không là Đức Phật Thích Ca, Mahomét hay những thiên chúa khác? Họ
cũng đặt vấn đề tương quan giữa Cựu Ứơc và Tân Ước, khi trưng dẫn những điểm không
trùng hợp, không ăn khớp, có khi còn đối chọi, mâu thuẫn.
Họ
sẽ đặt vấn đề về Giáo Hội, mà theo họ không còn cần thiết, vì Giáo Hội ngày càng
biến thành chướng ngại hơn là cơ hội trên đường họ tìm gặp Đức Giêsu. Để làm chứng,
họ đưa ra hình ảnh về một Giáo Hội bảo thủ, già nua, lạc hậu, một Giáo Hội đi
ngoài thế giới, không đồng hành, đồng cảm với con người thời đại, một Giáo Hội mất dần khả năng lắng nghe, chuyển tải Tin Mừng
và làm chứng Đức Giêsu. Họ đưa ra con số người có đạo nhưng không sống đạo, những
người Kitô hữu cả đời chỉ đến nhà thờ hai lần, mà cả hai lần đều được người khác bế bồng hoặc khiêng tới:
ngày rửa tội, và ngày an táng. Họ cho chúng ta xem những cảnh nhà thờ lác đác giáo
dân những lễ chúa nhật, và vắng hoe đêm vọng Phục Sinh với dăm ba người lớn tuổi.
Họ còn phơi bầy tội lỗi của nhiều người có trách nhiệm trong Giáo Hội và coi đó
là những chứng cớ không thể chối cãi về một Giáo Hội thoái hoá, biến thái, không còn dấu vết của Giáo
Hội buổi ban đầu ở Giêrusalem khi “tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau… Họ đồng
tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia,
họ dùng bữa với lòng đơn sơ, vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương
mến” (Cv 2,44.46-47).
Và
họ sẽ đặt rất nhiều vấn đề khác nữa liên quan đức tin, hạnh phúc Nước Trời, giá trị đời sống, sự chết, đời sau, Giáo Hội và
xã hội, đồng thời đợi chờ nhà truyền giáo những giải đáp thỏa đáng cho những vấn
nạn về sự sống con người, hôn nhân, tình dục, gia đình…
Tóm
lại, giới trẻ là đối tượng đáng yêu vì thích chia sẻ, đáng mến vì thao thức đi
tìm, nhưng cũng đáng sợ vì ngang bướng, dễ bất mãn, bất cần, nên nhà truyền giáo
cần khôn ngoan khi đồng hành với họ:
1.
Đồng
hành với trái tim cởi mở đối thoại:
Bởi
có lắng nghe, mới được lắng nghe; có biết nghe mới biết nói, nên không lắng
nghe, nhà truyền giáo sẽ không nói được với giới trẻ, và người trẻ cũng không nói gì với nhà truyền giáo, và hai bên sẽ mất
nhau, vì không còn đối thoại. Không lắng nghe, giới trẻ rời xa nhà truyền giáo;
không đối thoại, nhà truyền giáo đánh mất
người trẻ.
Trái
lại, như mục tử nhân lành nghe tiếng chiên để chiên nghe được tiếng mục tử. Kết
qủa của đối thoại luôn bắt đầu từ phía chủ chăn và tùy thuộc trái tim cởi mở đối
thoại của chủ chăn, bởi chiên rất ít khi dám mở miệng nói trước, nếu cảm thấy
chủ chăn khép kín, dè dặt, hoặc cảm nhận chủ chăn không muốn mở lòng lắng nghe.
Thực
vậy, có đồng hành với trái tim cởi mở đối thoại, nhà truyền giáo mới có thể nói được với người trẻ, như câu trả lời cho vấn nạn của
họ: phải định nghiã cho bằng được Thiên
Chúa, để có thể tin Thiên Chúa hiện hữu:
“Tôi
không định nghiã Thiên Chúa”, nhưng tôi chỉ muốn giúp Bạn khám phá Thiên Chúa,
giúp Bạn chia sẻ những gì Đức Giêsu đã mặc khải cho chúng ta về Thiên Chúa.
“Bạn
muốn những chứng cứ về sự hiện hữu của Thiên Chúa, và chưa bao giờ Bạn thoả mãn
với những chứng cứ được trình bầy, vì theo Bạn, những chứng cứ ấy không thuyết
phục. Nhưng khi muốn định nghiã Thiên Chúa, Bạn đã kéo Thiên Chúa xuống ngang hàng
vật chất do ảnh hưởng chủ nghiã duy vật, trong khi chúng ta không thể định nghiã
Thiên Chúa bằng ngôn ngữ nhân loại rất nghèo nàn, chưa kể chúng ta biết qúa ít
về Ngài. Đàng khác có những từ ngữ ngay cả chúng ta cũng không hiểu cùng một nghiã.
“Vì
thế, mỗi người chúng ta cảm nghiệm Thiên Chúa một cách khác nhau. Như những Kitô
hữu khác, tôi cảm nghiệm Thiên Chúa luôn có mặt bên tôi mọi nơi, mọi lúc. Chúng
tôi biết Thiên Chúa, vì Đức Giêsu đã nói với chúng tôi về Thiên Chúa, và niềm
tin của chúng tôi đặt trên Đức Giêsu Kitô.
Chính Đức Giêsu giúp chúng tôi từ nhân tính đi vào thiên tính của Thiên Chúa nhờ nhân tính
của Ngài”.
2.
Đồng
hành với tâm hồn lạc quan, tích cực:
Tâm
hồn lạc quan sẽ giúp nhà truyền giáo tìm ra những gì tích cực, những điểm chung
, nhờ đó, sẽ dễ dàng đưa đến gặp gỡ khi loan báo Tin Mừng cho giới trẻ, vì họ cần
những gì tích cực, những mẫu số chung như điểm nhấn quan trọng để có thể vượt
qua những mâu thuẫn, căng thẳng trên đường tìm gặp chân lý.
Nếu
người trẻ đam mê nghệ thuật, yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên, khao khát yêu và được
yêu, nhà truyền giáo hãy nói với họ: tất cả những điều họ yêu thích và tìm kiếm
đó đều không xa lạ với Thiên Chúa, vì những gì tốt, đẹp, chân thật gặp được ở các
thụ tạo trong vũ trụ này đều quy hướng về Thiên Chúa là Chân - Thiện - Mỹ tuyệt
đối.
Nếu
người trẻ đề cao khoa học, nhà truyền giáo cũng hãy nói với họ: Khoa học phục vụ
con người và nhờ những phát triển của khoa học, đời sống con người được nâng cao
để con người hạnh phúc hơn. Như thế, Tin Mừng không chống lại khoa học, vì Tin
Mừng cũng mong ước con người được hạnh phúc, nên có rất nhiều nhà khoa học hăng
say nghiên cứu với ước muốn nâng cao tâm hồn để tìm gặp Thiên Chúa. Những nhà
khoa học có đức tin này đã luôn khẳng định: khoa học không có câu trả lời thoả đáng
cho tất cả mọi vấn nạn của con người, và càng khám phá, càng phát minh, nhà
khoa học càng nhận ra chỉ một mình Thiên Chúa là cội nguồn và là cùng đích, nên
chứng minh “Thiên Chúa không hiện hữu” là điều khoa học hoàn toàn bất lực, không
thể thực hiện, bởi “kỳ công của Chúa không ngừng lên tiếng ca tụng Ngài”.
Nếu
người trẻ ngại đi nhà thờ, tránh đến gần Thiên Chúa vì mặc cảm là người tội lỗi,
hoang đàng, khô khan, nguội lạnh, nhà truyền giáo hãy nói cho họ biết: con
người càng đi sâu vào nguy hiểm, thì Thiên Chúa càng có lý do có mặt để cứu giúp,
vì Ngài không vắng mặt trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào
con người cần đến Ngài, vì Ngài thương con người vô cùng và đến cùng, nên sẽ không
hợp lý, nếu chúng ta đơn phương và dứt khoát khước từ Ngài, không cho phép Ngài
có mặt bên chúng ta. Và một khi đã tin và yêu Ngài, chúng ta có quyền than thở,
kể cả hét to cho Ngài nghe nỗi thống khổ của trái tim đang nổi loạn, bởi Ngài là
Cha nhân hậu luôn lắng nghe con cái mình.
3.
Đồng
hành với tinh thần tôn trọng tự do:
Sau
cùng, đồng hành với tinh thần tôn trọng tự do của người trẻ là chià khóa mở cửa
tâm hồn người trẻ, bởi người trẻ cần được tôn trọng, và cái cần được tôn trọng
nhất ở họ, chính là tự do.
Lịch
sử nhân loại đã minh chứng: các cuộc nổi loạn chống độc tài, bạo lực đàn áp đều
do người trẻ khởi xướng và thực hiện, bởi tuổi trẻ khao khát tự do, say mê tự
do, sẵn sàng sống chết cho tự do, nên ai tước đọat tự do của người trẻ, người nào
cưỡng hiếp tự do của giới trẻ đều phải trả giá rất đắt, bởi người trẻ thà chết
không để mất tự do.
Vì
thế, nhà truyền giáo không thể xâm phạm tự do của người trẻ khi loan báo Tin Mừng,
dưới bất cứ hình thức, và bằng bất cứ phương tiện nào, trái lại, tuyệt đối tôn
trọng tự do chọn lựa của họ.
Có
tuyệt đối tôn trọng tự do, nhà truyền giáo mới có thể đối thoại với người trẻ cách
chân thành và cởi mở, để trả lời cho họ vấn nạn “chân lý và các tôn giáo”:
Sở
dĩ tôi chọn Kitô giáo, vì Thiên Chúa đã được mặc khải qua Đức Giêsu, Đấng đã đến
trong thế gian nói cho chúng tôi Thiên Chúa là ai, và vì sứ mệnh mặc khải này,
Đức Giêsu đã phải hy sinh mạng sống mình.
“Còn
Sự Thật mà các tôn giáo cho rằng mình nắm
giữ trọn vẹn, thì với chúng tôi, những Kitô hữu, chính là Đức Giêsu. Đó là lý do Giáo Hội công giáo không nói mình nắm giữ sự thật, nhưng biết sự
thật, và cố gắng sống sự thật. Vì sự thật không là gì khác, nhưng là Đức
Giêsu, sự thật mà thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: các tôn
giáo khác đều có một phần.
Đồng
hành với tinh thần tôn trọng tự do, nhà truyền giáo sẽ nói cho nguời trẻ biết sứ
mệnh của người đi rao giảng Tin Mừng là làm chứng về những điều chính bản thân đã
khám phá, cảm nghiệm trong Thiên Chúa, và trình bày, cắt nghiã Thiên Chúa là
ai, nhưng câu trả lời không thuộc về nhà
truyền giáo, nhưng thuộc quyền tự do của người trẻ vừa được loan báo Tin Mừng,
bởi người ta không có quyền áp đặt Thiên Chúa và không có quyền khống chế, kiểm soát niềm tin.
Trong
lịch sử cũng đã có những trang nhem nhuốc, khi Giáo Hội rơi vào cám dỗ ép buộc
người khác phải tin, bắt buộc người ta phải chấp nhận Thiên Chúa, bằng những cuộc
thánh chiến, những toà án xử người dị giáo, và dàn hỏa thiêu trừng phạt. Nhưng
tất cả đã thất bại, bởi Thiên Chúa đã tự
mặc khải mình là Tình Yêu, nên chính
trong tự do là điều kiện của tình yêu mà Thiên Chúa để con người tự chọn lựa,
tự quyết định có đi theo Ngài hay không, mà không dụ dỗ, đẩy đưa, o ép, đe dọa,
làm áp lực.
Đồng
hành với tinh thần tôn trọng tự do, nhà truyền giáo sẽ làm ngời sáng dung nhan
tốt lành, nhân hậu của Thiên Chúa bằng nói cho người trẻ: “Không tin” không phải
là tội, nếu không biết có Thiên Chúa. Đàng khác, không tội nào lại không thể
tha thứ, trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần,
khi “tôi tin Thiên Chúa, tôi biết Ngài hiện hữu, nhưng tôi từ chối Ngài”, tội
mà không nhiều người lỗi phạm.
Thực
vậy, trên đường truyền giáo, người môn đệ Đức Giêsu sẽ gặp rất nhiều người trẻ,
như Đức Giêsu đã gặp. Gặp họ để kể cho họ nghe về Đức Giêsu, để giới thiệu họ với
Đức Giêsu, như Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu hai môn đệ của ông cho Ngài: “Đây
là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu
quay lại, thấy các ông đi theo mình thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa
Thầy, Thầy ở đâu?” Người bảo họ: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến xem chỗ ở của Người
và ở lại với Người ngày hôm ấy” (Ga 1,36-39).
Thái
độ của Đức Giêsu cũng như của Gioan Tẩy Giả đều làm chứng tinh thần cởi mở lắng
nghe, lạc quan tích cực, nhất là tôn trọng tự do của hai môn đệ trong lựa chọn “theo
Đức Giêsu hay không theo”. Gioan Tẩy Giả đã không ép buộc hai môn đệ mình phải đi
theo Đức Giêsu, nhưng chỉ giới thiệu và
để hai ông tự do quyết định. Phần Đức Giêsu cũng không hứa hẹn, dụ dỗ hay dọa dẫm gì, mà chỉ nói với hai ông “Hãy đến
mà xem” khi quay lại thấy hai ông đang đi theo mình. Và hai ông đã ở lại với Ngài
sau khi đã “đến mà xem”: Hình ảnh rất đẹp
của ơn gọi người Kitô hữu: hoàn toàn tự do, tự nguyện đi theo Đức Giêsu.
Tin
Mừng Matthêu cũng kể về người thanh niên giầu có muốn đi theo Đức Giêsu. Anh đến
gặp Ngài, chia sẻ với Ngài đời sống chuẩn mực, đạo đức của anh, và hỏi Ngài: “Tôi
còn thiếu điều gì nữa không?”. Đức Giêsu tỏ vẻ hài lòng, và đề nghị anh tiến xa
thêm một bước nữa: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh
và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”.
Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mt
19,20.21).
Đó
là cuộc đối thoại “đồng hành” rất chân thành, thân thiện giữa Đức Giêsu và người
thanh niên, ở đó, Đức Giêsu và anh thanh niên, cả hai đều cởi mở trao đổi, chia
sẻ thao thức thiêng liêng. Anh thanh niên không giấu diếm gì về cuộc sống của mình
với Đức Giêsu, và Đức Giêsu luôn chăm chú lắng nghe, và trân trọng trao đổi khi
đề nghị anh tiến xa hơn, nếu anh muốn nên hoàn thiện. Ngài đã không mồi chài
hay ép buộc, nhưng chỉ đề nghị. Còn quyết định bước tới hay dừng lại, đi hay ở,
theo hay không theo hoàn toàn do anh quyết định, bằng chứng là anh đã bỏ đi,
sau khi nghe Ngài đề nghị: bán hết tài sản và cho người nghèo.
Nhà
truyền giáo cũng không thể làm khác Đức Giêsu, nghiã là cũng phải đồng hành “cởi mở đối thoại”, đồng hành “lạc
quan, tích cực”, đồng hành “tôn trọng tự do”, khi gặp gỡ giới trẻ, lên đường
với người trẻ, bởi Tin Mừng chỉ có thể đến với họ, khi được nhà truyền giáo
loan báo với tinh thần đối thoại, lạc quan và tôn trọng tự do mà hơn ai hết,
người trẻ cảm nhận rất tinh tế và bén nhậy.
Trên
đây chỉ là một vài nét rất đơn sơ trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho người
trẻ thời đại, một công trình rất khó khăn, đòi nhiều cố gắng, hy sinh, mà Giáo
Hội không ngừng dồn mọi nỗ lực, và liên lỉ cầu nguyện.
Xin
cho người trẻ hôm nay xa dần lối sống của những chủ thuyết Duy Vật vô thần, Hiện
Sinh hưởng thụ, Tương Đối, Thực Dụng, để thao thức với Chân Thiện Mỹ, và tìm về
Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ tuyệt đối, và là Nguyên Thủy, Cùng Đích của tất cả
mọi người, mọi loài, mọi sự.
Jorathe
Nắng Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét