Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

I. NHẬN DIỆN NGHÈO


Nghèo là một sự thực không thể chối cãi trong xã hội loài người. Ở đâu có con người, ở đó có tất cả mọi vấn đề nhân loại và một trong những vấn đề nhiêu khê của cộng đồng nhân loại là tình trạng bất bình đẳng giữa con người. Do nhiều nguyên nhân, đặc biệt sự phân phối thiếu công bằng và không hợp lý, xã hội loài người luôn căng thẳng vì mức độ chênh lệch, khác biệt về dinh dưỡng, sức khoẻ, giáo dục. Ba nhu cầu căn bản của con người một khi không được đáp ứng đúng mức, xứng hợp  thường đem lại nhiều hậu qủa xấu làm băng hoại xã hội và bầu khí, ở đó con người sống.
Các nhà xã hội thường nhấn mạnh sự phân phối không công bằng và cho đó là nguyên nhân chính làm phát sinh tình trạng nghèo trong một quốc gia. Theo nghiên cứu mới nhất của Chương Trình phát triển Liên Hiệp Quốc : 20% nhân loại chiếm  82,7% tài nguyên thế giới ; 20% khác  với 11,7%  ; 60% nhân loại còn lại thoi thóp, nghèo nàn với 5,6%. Thống kê cho ta thấy độ chênh lệch vật chất đáng sợ giữa người giầu và người nghèo trên thế giới. Độ chênh lệch càng cao, càng nhiều người nghèo. Đó là cách xếp hạng các quốc gia phát triển hay không phát triển. Bên cạnh sự phân phối lương thực, tài nguyên không công bằng, hợp lý là các cuộc chiến tranh và thiên tài mà  số nạn nhân lên đến hàng triệu người.     
Nghèo là một thực trạng xuất hiện dưới nhiều khuôn mặt, khiá cạnh, bình diện. Nó xâm lấn  và đe doạ an ninh cá nhân và trật tự xã hội. Nó làm đảo lộn kỷ cương, tổn thương luân lý bằng những phản ứng bạo động có tính cá nhân hay tập thể. Nó cũng là mối nguy hiểm cho các nền văn hoá và là thách đố đáng lo ngại đối với tôn giáo. Sở dĩ nghèo đáng ngại và đáng sợ là vì nghèo không cho con người nhận ra căn tính làm người của mình khi những quyền căn bản như được nuôi dưỡng, được chăm sóc khi đau bệnh, được giáo dục, đào tạo và được hành động với tự do bị lấy đi, hay ít ra bị xén bớt, giảm thiểu khi cảnh nghèo ập tới khống chế.
Nghèo là một tội, có khi là tội ác khi nghèo không cho con người được sống mức sống tối thiểu của con người, mức sống tối thiểu để con người không bị đồng hoá với súc vật. Nỗi khổ của con người là không thể làm người  khi mức sống tối thiểu làm người của mình không được đáp ứng. Khác con vật ở điểm này khi con vật không nhận ra mức sống tối thiểu của mình... để không phải khổ đau, khốn nạn như con người. 
Nghèo là một cạm bẫy xô đẩy con người xuống tận bùn đen khi không còn gì bào đảm, bám víu khi rơi vào cảnh túng quẫn, bần cùng : 3,2% trẻ em nghèo Brésil đi làm từ 5 tuổi để giúp gia đình ; 24% các em 10 tuổi phải làm việc 40 giờ một tuần. Tình trạng cướp bóc, trấn lột, giết người xẩy ra nhiều trong những khu phố nghèo, quốc gia nghèo và sĩ số tội phạm ở người nghèo luôn cao so với giới giầu và trung lưu. Gái điếm cũng là hệ quả của nghèo khi không còn biết làm gì để sống đành phải “bán trôn nuôi miệng”.
Như thế, nghèo không phải là một hiện trạng cá nhân, riêng lẻ; nó là vấn đề lớn mang ảnh hưởng lớn đến phần lớn nhân loại. Nghèo trở thành vấn đề, có khi là nan đề cho các nhà chính trị, xã hội, luân lý và tôn giáo; vì nghèo gắn chặt vào thân phận người, bám vào nhiều người, kềm kẹp số đông người, làm khổ hàng triệu người nên tất yếu phải là đối tượng và vấn đề  cần được quan tâm, giải quyết bởi các nhà lãnh đạo dân sự cũng như tôn giáo. Tránh né vấn đề, thu nhỏ vấn đề, phủ nhận vấn đề đều là những thái độ không thể chấp nhận. Bởi tự thân, nghèo không chỉ  “tội nghiệp” cho cá nhân người nghèo mà còn “tội nghiệp “ cho an sinh xã hội, cho sự trường tồn, phát triển của quốc gia, cho sức bật kinh tế cần thiết của cả dân tộc, cho giá trị con người và quyền hưởng hạnh phúc của đời người. Trong ý thức đó, nghèo không còn là một tội đáng “tội nghiệp” mà còn là một “trọng tội “ cần được mọi người tiếp tay, hỗ trợ để mọi người có thể xa tránh.
Cộng đồng nhân loại lo ngại về con số nạn nhân của đói khát, bệnh tật, thất học ngày càng gia tăng khắp nơi trên thế giới và không ngừng thực hiện những nỗ lực nhân đạo: cung cấp lương thực, săn sóc bệnh nhân, tạo cơ hội cho mọi người được đi học. Những nỗ lực quốc tế này được gọi chung là những hoạt động nhân đạo mà mục đích là cứu sống, xoa dịu những đau khổ của nạn nhân, tìm cách ngăn chặn những thảm hoạ và giúp các nạn nhân có một đời sống bình thường, xứng hợp với nhân phẩm. Các tổ chức nhân đạo có tầm vóc quốc tế này đã đóng góp rất nhiều trong công tác cứu trợ khẩn cấp và tìm những giải pháp lâu dài giúp đỡ các nạn nhân. Các tổ chức này được xây dựng trên những nguyên tắc chung như :
a.   Nhân loại : Mục tiêu của hoạt động nhân đạo là con người : cứu người, giúp người, và sự sống con người là trung tâm của mọi sinh hoạt nhân đạo.
b.   Vô tư : Hoạt động nhân đạo nhắm đến lợi ích của con người bất kể họ là ai, thuộc chính kiến, tôn giáo, sắc tộc, giai cấp nào. Không đặt bất cứ một điều kiện nào trong cứu trợ, vì chủ đích duy nhất của mọi hoạt động nhân đạo là cứu sống và trợ giúp nạn nhân là con người.
c.    Trung lập : Vì chỉ nhắm lợi ích của con người trong khó khăn, hoạn nạn, nên các hoạt động nhân đạo không được phép xếp mình vào  một chiến tuyến, một phe nhóm, một đảng phái chính trị nào để được hoàn toàn tự do trong công tác phục vụ nhân đạo, vô vị lợi các nạn nhân.
d.   Độc lập : Hoạt động nhân đạo chỉ nhắm một mục đích duy nhất : cứu người, giúp người, nên phải từ chối giây mình vào bất cứ một mục tiêu chính trị, quân sự, kinh tế hay tôn giáo nào.       
Với những nguyên tắc “vàng”  vừa kể, các tổ chức nhân đạo thế giới phần lớn đã đảm bảo được  tính hữu hiệu và trong sáng trong các hoạt động nhân đạo của mình. Tuy thế, nhiều vấn đề vẫn  được đặt ra với những người làm từ thiện, nhân đạo:
a.   Chỉ như hạt muối bỏ bể ”  
Đó là tâm sự của nhiều người làm công tác nhân đạo khi đứng trước đám đông đói khát, bệnh hoạn, thất học không thể đếm được. Người ta cảm thấy hoàn toàn bất lực trước khổ đau của đồng loại. Những gì cho được lúc này thật qúa nhỏ bé, chẳng thấm tháp gì trước nhu cầu cao như núi, sâu như biển của những thân phận đang cố giành sự sống khỏi tay thần chết. Không mấy người làm từ thiện đã trở về nhà mình với tâm trạng “thoải mái, mãn nguyện”, nhưng thường nặng trĩu một nỗi buồn quay quắt và mặc cảm bất lực trước khổ đau vời vợi của đồng loại. Trước mắt họ còn một đại dương nghèo đói, bệnh tật, thất học trong khi  khả năng trợ giúp chỉ bé nhỏ như một giọt nước trong đại dương.
Nếu chỉ là “hạt muối bỏ bể, hay giọt nước trong đại dương” thì ý nghiã của hoạt động nhân đạo ở đâu ? Đúng thế, nếu chỉ tìm kết qủa đo lường, đong đếm được trong hoạt động nhân đạo thì ý nghiã khó được tìm thấy khi con số được cứu sống, được trợ giúp luôn “chẳng bõ bèn gì”... Và tự nhiên người ta sẽ nản chí buông xuôi và không dấn thân làm từ thiện nữa.  
Không ít người đã rơi vào tâm trạng chán nản, bi quan này. Nhưng vấn đề cần được đặt một cách khác: nếu không ai làm nhân đạo , không còn những tổ chức từ thiện nữa, thì thế giới loài người này sẽ ra sao ?  Người ta có còn nhìn nhau như đồng loại ? Chúng ta sẽ ăn nói gì với con cháu khi dậy chúng tôn trọng phẩm giá con người ? 
Điều quan trọng và căn bản ở đây trong các hoạt động từ thiện, nhân đạo là thái độ cương quyết  từ chối tính vô cảm, dửng dưng trước khổ đau của đồng loại. Tính vô cảm trong xã hội loài người là sự dữ tuyệt đối cần phải tránh. Người ta có thể yếu đuối khi xúc phạm nhau và điều ấy vẫn luôn đáng tha thứ; nhưng vô cảm trước nhu cầu cấp bách của nhau là sự vắng bóng tòan phần của nhân tính mà không tìm được lý do để  thứ tha.
Trong hôn nhân, nếu vô cảm giết chết tình yêu,  thì trong xã hội, vô cảm giết hết mọi người; bởi vô cảm là nguồn cội của mọi thù hận, ghen ghét, kỳ  thị, bạo hành và cuối đường của vô cảm, con người sẽ không còn là người . Trước bất hạnh của người khác, ta có thể lôi ra hàng trăm lý do để thoái thác, trốn chạy; ta có thể viện hàng ngàn cớ để vắng mặt để khỏi phải dấn thân. Tránh mặt ở nơi mà đồng loại khổ đau đang cần đến chính là chối bỏ một trách nhiệm luân lý. Luân lý “làm người “đòi ta phải có mặt tại hiện trường tang thương của đồng loại. Chỉ sự hiện diện đã đủ làm ta xứng đáng là người và đem lại “hạnh phúc”  cho  nạn nhân; bởi  người ta chết nhiều vì sự vô cảm của đồng loại hơn là chết vì bệnh tật, thiếu ăn.
Bên cạnh sự từ chối vô cảm, hoạt động nhân đạo, tuy không giải quyết hết những vấn đề của nạn nhân, không đem lại thiên đàng tại thế cho những thân phận khốn cùng; nhưng  là một tiếng nói, là còi hụ báo động những thiếu sót, tố cáo những lạm dụng, điểm mặt những bất công, vạch trần những tiêu cực gây tai ương cho con người.
b.   Như bao nhiêu tổ chức khác, tổ chức nhân đạo không tránh được những lạm dụng, tiêu cực.  
Có những nhân viên lợi dụng mục đích nhân đạo để thực hiện những mưu đồ trục lợi cá nhân. Có những toan tính thiếu lương thiện trong sinh hoạt nhân đạo vì mục tiêu chính trị, đảng phái... Với ý thức và phương tiện kiểm soát ngày càng hữu hiệu, các tổ chức nhân đạo quốc tế những năm gần đây đã thực sự nắm lại những nguyên tắc căn bản và đường lối hoạt động chính đáng của mình.
Như thế, hoạt động nhân đạo, tuy còn  thiếu sót trong điều hành vẫn là hoạt động không thể thiếu trong xã hội loài người vì tính khẩn thiết và ý nghiã sâu sa của nó. Bao lâu con người còn khổ đau, bao lâu con người còn đối đầu với bất công, bạo lực, chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật; bấy lâu hoạt động nhân đạo còn cần thiết và đáng mọi người cộng tác, tiếp tay xây dựng.   
“Nhìn người lại nghĩ đến ta” để thấy đất nước ta hôm nay cũng còn là một nước nghèo.
Nhận mình nghèo không có gì là tủi nhục hay xúc phạm phẩm giá. Nhận mình nghèo không làm giảm giá trị, vị thế, tự hào của dân tộc, càng không xâm phạm “quốc hồn, quốc túy”. Trái lại, hành động nhận mình nghèo nói lên nét hào hùng, trung trực, lương thiện và nhân bản của mình. Không ai khinh người chân thật, chính trực; người ta chỉ khinh những phường gian dối, điêu ngoa, phét lác.
Đất nước nghèo là một hiện trạng, một hiện trạng được coi như hậu qủa của nhiều nguyên nhân : nhiều năm chiến tranh, tái thiết hậu chiến,  khủng hoảng kinh tế, cộng thêm những tiêu cực chưa khắc phục như tham nhũng, bệnh thành tích, óc cục bộ, trục lợi...
Đất nước nghèo khi tỷ lệ trung lưu và thượng lưu chỉ  chiếm 8% dân số, còn lại  92% dân nghèo. Tỷ lệ quá chênh lệch ít nhiều phải làm chúng ta nhức đầu, băn khoăn, thắc mắc.
Đất nước nghèo là điều đáng buồn, nhưng không đáng phải nản lòng, nhụt chí. Tình trạng nghèo của người dân là thách đố đối với những người có  tấm lòng. Không có gì là quá khó và bất khả thi, nếu có một tấm lòng. Với niềm tin vào tương lai và nỗ lực ở hiện tại, một ngày không xa, đất nước sẽ giầu mạnh và mọi người sẽ thoát khỏi cảnh nghèo. Tôi dám tin như vậy khi viết những giòng này.
Nhiều kiểu nghèo, nhiều cảnh nghèo
1.   Nghèo Tiền Của:
Thường người ta chỉ chú ý đến  cái nghèo vật chất: không của ăn, không nhà ở. Nghèo vật chất, vì dễ thấy, nên dễ  lôi kéo chú ý của đám đông. Nhìn người ăn xin, ta biết họ nghèo, vì nghèo không có gì ăn nên mới nhục nhằn đi ăn xin. Thấy em bé đánh giầy, bán vé số, ta biết em nghèo. Nghèo nên mới lang thang đầu đường xó chợ kiếm sống qua ngày. Nhìn những người co quắp ngủ bên vệ đường, ta biết họ nghèo, vì không ai cho ở, không tiền thuê nhà, mướn khách sạn.
Như đã trình bầy ở những giòng trên: có nhiều thứ nghèo, nhưng tựu trung vào 3 thứ nghèo căn bản : nghèo vì không của ăn, nhà ở, nghèo vì không được săn sóc chữa trị khi đau ốm, nghèo vì không được học hành, đào tạo. Cả ba thứ nghèo dính dáng, ảnh hưởng, có họ hàng với nhau, nên lôi kéo, chằng chéo, đánh đu với nhau rất “kỳ cục”: không có tiền ăn làm sao đi học; không đi học làm sao đi làm có tiền; không đi làm có tiền lấy đâu trả tiền bệnh viện ? Vì thế đã nghèo một là nghèo luôn ba; lỡ nghèo một thứ là dễ nghèo luôn những thứ còn lại, khác gì bệnh ung thư : đã di căn  rồi thì chỗ nào cũng đau,  bộ phận nào cũng tanh bành, nát bấy.
Nhưng nghèo vật chất là cái nghèo thường đi tiên phong và có sức mạnh tàn phá  hơn cả. Nó tàn phá vì của ăn, thức uống, áo mặc là những nhu cầu căn bản, tối thiểu để sinh tồn. Thiếu học có thể sống 50, 70 năm; nhưng thiếu ăn, thiếu uống làm sao sống được nhiều tháng, nhiều tuần ?
Những nạn đói khủng khiếp trên thế giới  như ở Biafra  đã tiêu diệt trong vài tuần lễ hàng triệu người. Nạn đói năm 1945 tại Việt Nam với 1 triệu đồng bào chết đã cực tả sức mạnh tàn phá của cái nghèo “ăn uống”. Chưa đủ, nghèo vật chất, vì dễ thấy, dễ nhận ra khi cảnh đói khát, rách rưới như đập vào mắt mọi người đã thường làm xụp đổ nhanh chóng nhân cách, làm tổn thương trầm trọng danh dự gia đình và kéo đổ không tiếc thương vị thế xã hội của người lâm cảnh nghèo vật chất. Người ta sống nhiều dưới cái nhìn của người khác và tư cách của cá nhân luôn lệ thuộc con mắt của tha nhân, nên khi nghèo, người nghèo bị hạ giá, bị người khác bán rẻ, hay ít nhất chính người nghèo không chịu nổi cái nhìn của người khác vì “ảo tưởng sĩ diện” và mặc cảm sẵn có nơi mình. Cái khổ và nỗi đau của người nghèo là thấy mình không còn được là mình dưới cái nhìn của tha nhân và trong chính phản tỉnh của mình. Sự sụp đổ nhân cách, danh dự gia đình và vị thế xã hội là nguy cơ thường gặp nơi những thân phận nghèo vật chất. Một khi rơi vào tình thế nguy hiểm này rồi thì ý chí vơi cạn, ước mơ tiêu tan, nhường chỗ cho sầu đời, tủi phận.
2.   Nghèo sức khoẻ.
“Sinh, Lão, Bệnh, Tử”. Nhà Phật nêu ra 4 cái khổ của kiếp người, trong đó có Bệnh Tật. Có thời giờ, mời bạn đi thăm các bệnh viện ở thành phố Saìgòn vào sáng sớm để thấy cảnh quá tải của các bệnh viện. Bệnh nhân xếp những hàng dài, thật dài hoặc đứng ngồi la liệt khắp nơi chờ lấy vé, được gọi tên khám bệnh. Có những người bệnh chờ chực từ 3 giờ sáng với hy vọng được khám trong ngày. Có những người bệnh đến từ những tỉnh miền Tây, miền Trung xa xôi. Họ thực sự đang giành giật sự sống với bệnh tật, dù khả năng vật chất vô cùng giới hạn.
Đi thăm các em bé bị ung thư, tôi không thể tưởng tượng các em có thể sống được trong  những căn phòng chật chội, đông đúc, ngột ngạt và thiếu vệ sinh như vậy. Nhưng rồi tôi cũng phải hiểu khi nhận ra đất nước còn nghèo và người nghèo vẫn còn chiếm đa số.
Nghèo sức khoẻ có thể là mối nguy cơ không nhỏ của đất nước hôm nay. Nghèo sức khoẻ là hậu qủa tất yếu của nghèo vật chất. Thiếu ăn thiếu mặc hoặc ăn uống bừa bãi, bữa đói bữa no, chưa kể thực phẩm ngày càng bị ô nhiễm, pha trộn hoá chất độc hại đã là nguyên nhân làm nghèo sức khoẻ của người dân.
Có bao nhiêu người bệnh đã đến được bệnh viện? Và còn bao nhiêu người đã không có phương tiện vật chất để được kiểm tra sức khoẻ một lần trong đời?  Với những người nghèo này, đau bệnh là tận số nên chỉ còn biết đổ lỗi cho số phận và cắn răng ngậm ngùi chờ được cái chết gọi đi.
3.   Nghèo kiến thức.
Con người có nhu cầu biết, vì con người có trí khôn và khả năng làm chủ vận mệnh của mình qua ý thức và hành động làm chủ vũ trụ. Không biết hay không được biết là một cảnh nghèo của kiếp người bên cạnh cảnh nghèo vật chất và nghèo sức khoẻ.
Để biết, con người phải được học. Để có khả năng làm chủ vận mệnh đời mình, con người phải có kiến thức về đời người, người đời và xã hội trong đó con người sống. Để thành công trong đời, con người phải được học những kỹ thuật điều hành sinh hoạt cộng đồng nhân loại, nắm bắt những phát minh khoa học như chià khoá để đi vào thành công. Thiếu học, con người không thể theo kịp trào lưu tiến hoá  và không thể đáp ứng những đòi hỏi của một thế giới ngày càng tiến nhanh với tốc độ chóng mặt.  Học giúp con người lý luận đúng. Học giúp con người nhận định chính xác. Học giúp con người đón nhận chân lý một cách lương thiện. Học giúp con người hành xử  nhân đạo, nhân ái. Học giúp con người sáng suốt chọn lựa. Học giúp con người sống đúng nhân vị, có nhân cách và nhân bản.
Vì thế không được học, không được giáo dục đào tạo, con người sẽ mất dáng đứng “người “ như phải có, vì bên cạnh những nhu cầu thể lý, con người còn nhu cầu trí thức, nhu cầu tinh thần cũng quan trọng và thiết yếu không kém. Cố tình lấy đi quyền được học hành là vi phạm nhân quyền; đồng thời tiếp tay làm cho nhân loại nghèo nàn, khốn khổ, bần cùng hơn.
Và từ nay, danh từ “người nghèo” sẽ được người viết dùng để chỉ chung: người nghèo vật chất, người bệnh không được chăm sóc, người thất học không được đến trường.

0 nhận xét: