Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

LỜI KẾT (Tác phẩm : Người Nghèo Và Từ Thiện, Tác giả Jorathe Nắng Tím)


Viết về từ thiện là hướng lòng về người nghèo, người nghèo có thể là bác xe ôm hàng xóm với năm đứa con nhỏ bụng ỏng da chì, hay cụ già cuối thôn cô qủa, mà cũng có thể là chính tôi, người đang viết những dòng này; bởi nghèo không chỉ tóm gọn trong thiếu thốn vật chất, mà có thể nghèo ở tinh thần như nghèo kiến thức, nghèo đạo đức, nghèo tư duy.
Nếu tuổi thơ có tâm lý tuổi thơ, tuổi già có tâm lý tuổi già, người giầu có tâm lý người giầu, thì người nghèo cũng có những đặc tính riêng, những vấn đề riêng, những suy tư, chọn lựa riêng không giống những người thuộc các thành phần xã hội khác.
Trước hết, người nghèo là người mang nhiều mặc cảm: mặc cảm nghèo, mặc cảm thua thiệt, mặc cảm bị Trời đoạ đầy, mặc cảm bị người đời bỏ rơi, mặc cảm không được lắng nghe, mặc cảm là người “không tiếng nói”, mặc cảm không được tham dự, góp phần, mặc cảm bị cô lập, khoanh vùng, mặc cảm vô tích sự, gánh nặng của cộng đoàn, mặc cảm thừa thãi, vô dụng, mặc cảm vô tài, bất lực, mặc cảm ăn bám ở nhờ, mặc cảm tầm gửi, lệ thuộc… và vô số những mặc cảm  không tên khác.
Vì mang qúa nhiều mặc cảm, người nghèo rất nhậy cảm trước cái nhìn, lời nói, thái độ của người khác, nhất là của những người thân cận, quen biết, hay những người giúp đỡ họ. Họ dễ hiểu lầm cái nhìn của người khác, dễ tủi thân khi nghe những lời không êm tai, dễ đau khổ trước thái độ thiếu tôn trọng và ân cần. Tâm hồn người nghèo như sợi giây đàn qúa căng, nên chỉ cần chạm nhẹ cũng đủ  rung lên tiếng lòng bi thương, ai oán.
Sẵn căng thẳng vì cảnh nghèo,  trái tim người nghèo như liên lỷ lên cơn sốt, động một tý là nhiễm độc, sơ sẩy một chút là  bị tổn thương, nên những sơ ý của người khác dễ trở thành  niềm đau, nỗi nhục của họ. 
Vì thế, đến với người nghèo bằng thái độ kẻ cả, trịch thượng là xúc phạm họ; giúp đỡ họ mà kể công, tạo áp lực là chà đạp họ; cho họ cơm ăn, áo mặc mà  nạt nộ họ là xỉ nhục họ; giúp họ “xoá đói giảm nghèo” mà chì chiết, mặt nặng mặt nhẹ với họ là vùi dập họ chìm sâu hơn; chia sẻ, bàn bạc với họ để giúp họ ra khỏi cảnh nghèo mà lên lớp dậy dỗ  là đẩy họ vào chân tường thất bại.
Bởi người nghèo sẵn “nghèo” nên sẵn sàng liều lĩnh phí đời, buông đời khi bị xỉ nhục. Bởi người nghèo sẵn không có gì, nên chẳng có gì được coi là quan trọng cần phải cất giữ với họ, kể cả sự sống, khi bị người khác coi thường, khinh khi. Và đó chính là lý do khiến những người làm từ thiện phải đặc biệt lưu ý, hầu tránh gây thêm khổ đau, buồn tủi cho người nghèo đang khi mình thực lòng muốn chia sẻ, ủi an, nâng đỡ họ.
Để tâm hồn người làm từ thiện luôn nồng nàn tình yêu người nghèo và cái nhìn, lời nói, thái độ của họ mãi là những hạt giống Hy Vọng, Tin Yêu, tưởng  không gì hay hơn là thắp sáng trong tim  tâm tình biết ơn người nghèo.
Qủa thực, không gì phi lý hơn khi mang của đi cho mà còn phải biết ơn. Nhưng đó là suy nghĩ bình thường, dễ đưa đến thái độ coi người nhận sự giúp đỡ “thấp cơ, dưới trướng, không cùng đẳng cấp” với mình. Đó cũng là lý do dễ biến những người làm từ thiện trở thành những người đạo đức “tự mãn, tự hào” với công trạng của mình.
Khác với ý nghĩ trên là tâm tình biết ơn người nghèo; vì chính  nhờ người nghèo mà ta nhận ra ta cũng nghèo như họ, nếu có khác là khác ở phạm trù nghèo, và mức độ nghèo. Biết ơn người nghèo  cũng giúp ta tránh kiêu căng, ngạo mạn khi nghĩ mình chẳng bao giờ nghèo, vì ai biết hết được ngày mai? Nhưng quan trọng hơn là người nghèo cho ta cơ hội chia sẻ, phục vụ và nhờ đó, ta biết sống tình người; và nhờ có tình người, đời ta được coi là  một đời người đáng sống, có giá trị.
Tâm tình biết ơn người nghèo rất cần thiết, vì người nghèo mang lại cho đời ta phúc lộc. Sở dĩ họ mang lại ơn phúc, vì người nghèo là người của Trời, Phật, người được Trời yêu thương, được Phật che chở, và ai phục vụ người nghèo, người ấy được Trời thương, Phật phù hộ. Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo đã khẳng định người nghèo được Thiên Chúa yêu thương và ai làm phúc cho người nghèo là “làm phúc” cho chính Thiên Chúa: “Việc gì con làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất, chính là làm cho Ta” (Mt 25,40).
Thiên Chúa đã chọn người nghèo làm đối tượng tình yêu của Ngài và là đường cho con người đến gặp Thiên Chúa. Qua người nghèo, chúng ta đến với Thiên Chúa và với người nghèo, chúng ta bước vào thiên đàng.  
Gửi gắm bạn  những chia sẻ về “người nghèo và làm từ thiện”, người viết không mong gì hơn là được cùng bạn tập yêu thương hơn mỗi ngày, không chỉ yêu mẹ cha, anh em, vợ con, gia đình, bạn hữu, mà còn yêu nhiều, yêu hơn nữa những người nghèo còn vất vưởng, cơ cực ở gần nhà, trong xóm ngõ, giữa công viên, trên hè phố… Họ là những người đáng yêu, tuy dung mạo đáng buồn vì nghèo. Họ là những người dễ thương, nhưng đáng thương vì túng quẫn. Nhưng trên hết và trước hết, họ là những con người như bạn, như tôi và đang cần bàn tay của tôi, của bạn.    
Viết xong tại Paris ngày 27/9/2013,
Lễ thánh Vincent de Paul, Tông Đồ Người Nghèo.
Jorathe Nắng Tím

0 nhận xét: