Tất cả những
chia sẻ ở trên không thay thế được tấm lòng yêu thương người nghèo như điều kiện
phải có ở người làm từ thiện. Kỹ thuật từ thiện, phương án từ thiện, kế hoạch từ
thiện, phương tiện từ thiện, tổ chức từ thiện ... ngay cả con người từ thiện dù tuyệt vời, tài giỏi đến
đâu cũng không thể thiếu tấm lòng yêu thương như động cơ làm chạy bánh xe từ
thiện.
Thiếu tình yêu
dành cho người cơ nhỡ, công trình dù hay đến đâu rồi cũng sẽ chấm dứt. Thiếu một
tấm lòng thương người nghèo thật, cố gắng mấy rồi cũng ngã gục, bỏ dở, buông
tay. Thiếu tình thương cho người khốn khổ, khó khăn đủ loại, đủ phiá sẽ nhanh
chóng đánh gục lý tưởng từ thiện. Tình
thương thật dành cho người nghèo là nền móng vững chắc cho lý tưởng từ thiện,
là đôi cánh cho thiện chí từ thiện bay cao, là nguồn sức mạnh cho mọi hoạt động
từ thiện, là hy vọng cho mọi ý hướng từ thiện, là bảo đảm cho mọi ước mơ từ thiện và sau hết là
thuẫn đỡ bảo vệ người làm từ thiện trước mọi cám dỗ đầu hàng, buông xuôi; vì những
tấn công phi lý và vô trách nhiệm từ nhiều phiá, bởi nhiều nguyên do rất đa dạng
và rất khó nhận diện.
Tình yêu thật
dành cho người nghèo phải là tuyên ngôn hùng hồn của người làm từ thiện trước
những vô ơn, phản trắc. Tình yêu thật dành cho người đau khổ phải là kinh tin
kính trước những nghi nan, ngờ vực. Tình yêu thật dành cho người cơ nhỡ phải
là kinh cầu khiêm tốn, đầy xót thương
trước những khiêu khích thách thức lòng tự ái, háo thắng, kiêu căng. Tình yêu
thật dành cho người yếu đuối, bệnh tật phải là lời hứa cam kết trước những
thách đố của nội tâm và áp lực bên ngoài. Tình yêu thật ấy cũng phải là niềm
tin, lòng tự hào và niềm vui nơi người làm từ thiện. Và cũng chính tình yêu ấy
sẽ làm cuộc đời từ thiện rực rỡ hạnh
phúc, một trời hạnh phúc bao la chỉ có thể nhận và cảm nghiệm
khi đã hết tình, hết mình cho đi.
Một
vài bí quyết ghi nhận được nơi những người lâu năm làm từ thiện:
1.
Bình
tĩnh khi bị tấn công:
Câu
chuyện có thật “tô bay, điã bay “sau đây ít nhiều nói lên cái khó của từ thiện
và sức mạnh của tình yêu; bởi “làm từ thiện không lãnh lương, không lãnh thưởng,
nhưng không vì thế mà thỉnh thoảng đã không lãnh tô bay, điã bay vào mặt”.
Chị
Dung vừa cười vừa tiếp tục kể câu chuyện xẩy ra cho chính chị ở khu Xạ Trị thuộc bệnh viện Ung Bướu, Gia Định
vào trung tuần tháng 11 năm 2011.
“Một
ngày như mọi ngày, 4 giờ sáng tôi đã có mặt để chuẩn bị bữa cháo từ thiện cho
bà con bệnh nhân trong khu Xạ Trị. Để tránh tình trạng mất trật tự và khỏi mất
thời giờ của mọi người, nhất là để kịp xong trước giờ giao ban của các bác sĩ
và y tá, chúng tôi yêu cầu bà con nhận cháo theo thứ tự từng giường. Sáng nay,
khi vừa đẩy xe cháo vào phòng 3, tôi đã bị chặn lại bởi một chị bệnh nhân, tay
đeo đầy nữ trang, vừa xấn xổ đòi nhận cháo trước mọi người vừa huyênh hoang tự
đắc: “Tôi quen nhiều cha, nhiều sơ lắm...
Ông cha L. mới gọi điện thoại thăm tôi đây nè”. Tôi bình tĩnh trả lời : “Em chỉ
biết phục vụ bệnh nhân, chứ không biết ai quen cha, quen sơ, quen thầy” và ôn tồn
mời chị trở về giường.
Chưa
đến phiên chị nhận cháo, bất ngờ chị nổi sùng ném nguyên cái tô để đựng cháo vào mặt tôi và oang oang chửi rủa.
Chờ cho chị bớt nóng, tôi vắn tắt nói với
chị : “Cháo này là cháo không mất tiền, chúng tôi vất vả tự nguyện đến đây chuẩn
bị từ 4 giờ sáng và đem đến mời chị dùng . Không mất tiền mà chị còn đối xử như vậy, huống hồ đi ăn tiệm, phải trả tiền, chắc chị còn hống
hách, dữ tợn hơn nhiều ”. Và tôi mời chị một lần nữa nhận cháo, nhưng chị tự ái
hất phăng tay tôi ra”.
Hai
ngày sau, chị xin gặp và chị đã xin lỗi
vì thái độ không đẹp của chị khi cho tôi lãnh “nguyên con” cái tô đựng cháo”.
Hai
mươi năm làm từ thiện trong bệnh viện Ung Bướu, chị Dung đã có nhiều kinh nghiệm
ứng xử trước những thái độ “không giống ai” của bệnh nhân. Hỏi chị có buồn và nản
không ? Chị cười trả lời : “Đôi khi cũng buồn, nhưng tình yêu dành cho bệnh
nhân lớn hơn tất cả, nên tôi vẫn vui và tiếp tục phục vụ”.
2.
“Để mình khỏi buồn”:
Đó
là lời căn dặn của Đức mà tôi luôn nằm lòng suốt bao nhiêu năm làm việc từ thiện.
Em bảo tôi : “Anh phải tập quên ngay người anh giúp và đừng bao giờ nghĩ mình sẽ
có ngày nhờ họ hay họ sẽ trở lại thăm hay trả ơn mình. Hầu như tất cả sẽ quên
anh, có thể sẽ ngang ngược, phụ lòng tốt của anh hay tệ hơn nữa là phản bội anh... Khi đó, anh sẽ không
qúa buồn và thất vọng vì mình đã không nuôi bất cứ một hy vọng nào”.
Lời
khuyên đó tôi đã triệt để áp dụng và đã cho tôi nghị lực, thanh thản và an bình
để mải mê làm từ thiện cho đến hôm nay và sẽ mãi cố gắng tiếp tục cho đến hết đời.
Đã
có những cơn cám dỗ gìữ người mình giúp đỡ ở lại với mình, có thể vì quá thương
họ, hơn là đợi chờ, tìm kiếm điều gì đó nơi họ ; nhưng lời khuyên của em và hình ảnh chiếc cầu đã luôn
giúp tôi tỉnh thức.
Này
nhé, nếu khi làm từ thiện, giúp đỡ người khác, tôi tự nhận mình là nhịp cầu
tre, cầu gỗ hay cầu sắt đưa khách qua sông, qua đèo hay qua thung lũng thì tôi
không thể giữ mãi ngườì qua cầu ở lại trên cầu, cũng không nên cầm giữ bước
chân những khách bộ hành đi qua; vì nhịp cầu là “tôi” bé quá sẽ bị chiếm đóng, cắm lều và không còn
chỗ trống đón những bước chân sắp đi tới, đang cần nhịp cầu để vượt qua khó
khăn; vì nhịp cầu là “tôi” yếu đuối sẽ sụp đổ thảm thương nếu hàng trăm người
chen chúc ở lại trên cầu; vì nhịp cầu là “tôi” chật hẹp quá sẽ không cho không
gian, dưỡng khí và điều kiện sống cần thiết; vì nhịp cầu là “tôi” ngắn ngủi quá
sẽ không mở ra cho ai đường đi tới, về một tương lai sáng lạn; vì nhịp cầu là “tôi”
tầm thường qúa sẽ không thăng tiến được ai, không hướng cho ai đến một lý tưởng
thích hợp; vì nhịp cầu là “tôi” mong manh qúa sẽ không bảo đảm được ngày mai của
người đến với tôi; vì nhịp cầu là “tôi” nghèo nàn quá sẽ không làm giàu được đời
sống của những người muốn ở mãi với tôi trên cầu. Là nhịp cầu, tôi phải đón những bước chân người
đi, nhưng đi qua thôi, không được dừng lại trên cầu và nhất là không được ở lì
mãi trên đó. Là cây cầu, tôi đón khách, rồi tiễn chân khách ngay sau đó, không
chần chừ, tiếc nuối, bịn rịn, đòi hỏi; vì nhịp cầu chỉ là nhịp cầu và có giá trị
khi sống đúng bản chất là “phương tiện cho người đi qua, vượt qua” và sống đúng
sứ mạng “nối hai bến bờ” của nó. Nối hai bến bờ chứ không bao giờ được tự biến
chất hay thay đổi sứ mạng để trở thành “bến, bờ”. Bởi khi đòi làm bến, làm bờ,
làm đích đến, cây cầu sẽ đánh mất ý nghiã đời mình là “nối kết, giao liên”.
Làm
cây cầu cho đàn em, làm nhịp cầu cho đàn con, đàn cháu qua đó mà đi tiếp, qua
đó mà đi lên, qua đó mà đạt đích tới là nét đẹp không gì so sánh được của người
làm từ thiện. Họ đã khiêm tốn, hy sinh,
thinh lặng, âm thầm nằm xuống làm nhịp cầu cho mọi người buớc qua, đạp lên
không vì quyền lợi của họ, nhưng vì hạnh
phúc của những vị khách qua cầu này hoặc nhẹ nhàng, hoặc tế nhị, hoặc hùng hổ, hoặc vô tình, hoặc lạnh lùng, hoặc
vô cảm, hoặc ung dung, hoặc tỉnh bơ không thắc mắc đang bước qua đời họ để đi lên, đi tới..
Hình
ảnh nhịp cầu cũng là hình ảnh ông lái đò. Ông lái đò đã đưa bao nhiêu khách qua
sông từ năm này sang năm nọ. Bao nhiêu khuôn mặt, bao nhiêu tâm tình, bao nhiêu
kỷ niệm của khách qua sông đã ở trong ông và làm nên đời ông, nhưng tuyệt nhiên
ông không giữ ai lại mãi trên đò. Ông chỉ mong chèo chống cho nhanh, cho khéo,
cho an toàn để khách còn tiếp tục hành trình trước mặt, và ông còn kịp quay lại
bờ bên kia đón khách. Công việc của ông là đưa khách qua sông, chứ không giữ
khách mãi trên sông, vì sông là nơi phải vượt qua và con thuyền là phương tiện
để vượt qua không gian khó khăn đó. Ông mãi vui với nghề đưa khách qua sông đã bao
nhiêu năm, mà ông không hề để ý đã có
bao nhiêu khách đã nhờ đò ông mà thành công, thành đạt. Thực ra chính cái ông
“không để ý” đã cho ông niềm vui và hạnh phúc được mãi là ông lái đò đưa khách
qua sông.
Nhịp
cầu và con đò là hai hình ảnh nâng đỡ, hai hình ảnh trợ lực, hai hình ảnh biểu
tượng lý tưởng đã giúp ta không buồn, hay đúng hơn là không biết buồn như ông
lái đò đã “không để ý “ trước những vô tình, vô ý, vô ơn của những người nhận từ
ta sự giúp đỡ. Hai hình ảnh đã trở thành kim chỉ nam cho đời làm việc. Và ta sẽ
thấy mình là người hạnh phúc khi dấn thân phục vụ người khác.
3.
“Cứ
gieo hào phóng”:
Nhạc
sĩ Giám Mục Thông Vi Vu nhắn nhủ tôi như vậy khi Ngài viết nhạc bài “Gieo và Gặt
“. Thế ra “làm từ thiện “ không chỉ đóng khung trong quan niệm cổ điển là
“cho người nghèo tiền bạc, của ăn, áo mặc”,
mà còn là gieo, gieo những hạt giống tốt trong cuộc đời, gieo những hạt giống
nhân ái trong trái tim mọi người, gieo những hạt hạnh phúc trong đời sống từng
người. Làm từ thiện là thực hiện công tác từ ái, thiện hảo, nên bất cứ công việc
tốt lành, nhân bản, hành động tử tế, dễ thương, công tác xây dựng, thăng tiến
nào cũng đều nằm trong vùng phủ sóng của “làm từ thiện”. Từ thiện là bác ái, từ
bi; là đồng tâm, đồng hành; là chia sẻ, đùm bọc; là kết nối, yêu thương.
Từ
thiện không chỉ còn là cho đi , nhưng còn là nhận lãnh; bởi đã có gieo, ắt sẽ
được gặt; có những ngày gieo trong nước mắt thì cũng có ngày gặt giữa tiếng ca;
có ngày vất vả chân lấm tay bùn thì cũng có ngày mùa mừng vui.
Cho
đi và nhận lãnh là hai mặt của đồng bạc như gieo và gặt, như sẽ gặt những gì đã
gieo. Tóm lại, từ thiện là công việc của con người làm cho con người mà mục
đích là nâng đỡ, xây dựng nhau. Trong từ thiện, bản tính “người” của con người
được biểu lộ và giá trị “người” của con người được biểu dương.
Từ
thiện như thế không còn là việc của một vài người, một số đoàn thể, nhưng là việc
chung, việc tự nhiên phải làm của mọi nguời. Mỗi cá nhân đều mang sứ mạng làm từ
thiện, vì mỗi người đều được gọi vào đời để sống với người khác, và khi sống với,
nhu cầu chia sẻ, đùm bọc, yêu thương sẽ
thúc bách mọi người nghĩ đến nhau. Như thế chương trình “làm từ thiện” sẽ là
công việc không biên giới và người gieo sẽ vui tươi, hào phóng tung hạt như Thông
Vi Vu diễn tả trong bài “Gieo và Gặt” :
“Gieo
Thành Thật, gặt được Niềm Tin
Gieo
Lòng Tốt, gặt được Thân Tình
Gieo
Kiên Nhẫn sẽ gặt Quang Vinh
Gieo
Tha Thứ sẽ gặt được An Bình”.
4.
Cùng
tìm giải pháp:
Emmaus
là tổ chức từ thiện do cha Pierre (5/8/1912- 22/1/2007), người Pháp thành lập lấy
tên con đường ngày xưa trên đó hai môn đệ của chúa Giêsu đã đồng hành trong đau
buồn, thất vọng sau khi Thầy bị đóng đinh. Cũng trên con đường chất ngất đau buồn,
tuyệt vọng này, chúa Giêsu đã hiện ra với hai ông. Ý nghiã của con đường Emmaus
là Chúa luôn có mặt, khi chúng ta đồng hành và chia sẻ với nhau từ cơm bánh,
nhà ở đến niềm vui, nỗi buồn...
Năm
1949, một người tù vừa được trả tự do, sau khi tự tử hụt vì không có gì để sống
đến gặp cha Pierre. Đối diện với anh, cha Pierre đã nói: “Tôi chẳng có gì cho
anh và anh cũng chẳng có gì. Thôi, thay vì bó tay chịu chết, anh đến giúp tôi
đi để tôi có thể giúp anh”. Và ông bạn tù tự tử hụt vì túng bấn ấy đã là thành
viên thứ nhất của tổ chức Emmaus.
Chủ
trương của Emmaus là giúp những người nghèo đuợc sống xứng đáng bằng chính việc
làm của mình và độc lập là nguyên tắc vàng của Emmaus. Những người nghèo, cơ nhỡ,
không nhà cửa, bệnh tật, cô thân làm thành những nhóm nam - nữ riêng, nhưng sống
chung như gia đình. Công việc hằng ngày là thu gom tất cả đồ cũ như sách vở, quần
áo, chén diã, giường tủ, tivi, máy giặt, tủ lạnh, xe đạp, vi tính,... và bất cứ
đồ gì còn có thể dùng được. Những đồ cũ này được đưa về để anh em cùng nhau sửa
chữa, tu bổ, tân trang, rồi được bán lại với một giá rất rẻ cho mọi người mà phần
lớn cũng là những người nghèo.
Mục
đích là tạo cho người nghèo việc làm và cho những người nghèo khác cơ hội được
dùng những phương tiện vật chất mà cứ sự thường họ không bao giờ có đuợc, vì không
có tiền mua đồ mới trong siêu thị, cửa
hàng. Mua với giá rẻ những đồ đã dùng rồi, người nghèo sẽ sắm được những món đồ
vừa cần thiết vừa dần dà nâng cao đời sống
của họ.
Trung
bình mỗi huynh đoàn gồm 50 đến 60 người. Điều kiện để được nhận vào huynh đoàn
rất đơn sơ, được tóm gọn trong câu nói bất hủ của người sáng lập : “Bất kể anh, chị là ai, nhưng nếu anh chi
đau khổ, hãy đến đây ở, ăn, ngủ và tìm lại niềm Hy Vọng, vì ở đây anh, chị được
yêu thương”.
Đau
khổ là điều kiện duy nhất để được nhận vào huynh đòan, nên huynh đòan Emmaus hầu
như không thiếu một bộ mặt nhân loại đau khổ nào: người nghèo, người thất nghiệp,
người ngoại quốc không giấy tờ, người mới ở tù ra, người bị gia đình xua đuổi. Họ
giống nhau vì cùng đau khổ và cùng muốn làm lại cuộc đời từ niềm Hy Vọng tìm thấy
dưới mái ấm Emmaus. Hiện trên nước Pháp
có 117 huynh đoàn Emmaus với 6899 thành viên. Số thiện nguyện đến giúp Emmaus
là 3262, chưa kể các huynh đoàn Emmaus đã có mặt trên 36 quốc gia khác ở Phi Châu, Á Châu và Nam Mỹ.
Mỗi
huynh đoàn có một giám đốc phụ trách điều hành sinh hoạt đời sống, tổ chức công
việc, chuẩn bị tương lai cho từng thành viên. Mỗi thành viên đều làm việc và một
phần lợi nhuận do công việc sẽ được giữ lại với mục đích chuẩn bị tương lai cho
thành viên này, vì mục tiêu sau cùng của Emmaus vẫn là tạo cho mỗi người một đời
sống riêng, độc lập, có công ăn việc làm, có gia đình và đời sống hạnh phúc như
mọi người bình thường khác.
Chọn
gia đình là khuôn mẫu, nên mỗi thành viên là thành phần của gia đình. Mỗi người
có quyền lợi và bổn phận của một người anh, người em, người chị trong gia đình
là yêu thương, tương trợ, nâng đỡ và thăng tiến nhau. Không có giới hạn thời
gian cho thành viên được ở trong huynh đoàn, và thành viên chỉ rời tổ ấm khi đủ
khả năng độc lập như con lớn khôn, trưởng thành rời mái nhà cha mẹ đi ở riêng,
xây tổ ấm mới.
Cùng
tìm giải pháp là cách giúp đỡ tốt nhất đối với người cần được giúp đỡ; vì hơn
ai hết, họ biết họ có thể làm được gì và cần gì ở người khác. Giúp đỡ mà không
lắng nghe cũng như yêu thương mà không đối thoại. Thiếu lắng nghe, đối thoại, tất
cả sẽ bế tắc, bắt đầu từ bế tắc thông tin, đến bế tắc tình cảm, sau cùng là bế
tắc chọn lựa, hành động.
Khi
ai đến với ta, hay ta đến với người nào đó, việc cần làm trước hết là tìm xem
đâu là nhu cầu của họ và đâu là khả năng của ta. Phải biết ta, biết người mới
có thể thành công. Cũng có khi ta hoàn toàn bất lực trước những nhu cầu của người
đối diện; khi đó, việc duy nhất phải làm chính là ngồi với họ và cùng họ tìm một giải pháp đơn giản nhất, có thể thực
hiện ngay, và rất cụ thể để ta với họ cùng giúp nhau ra khỏi bế tắc. Không cần
nhiều lời, không nên toan tính xa xôi, phức tạp, nhưng nên nhắm những gì thực tế
và ích lợi trước mắt dù rất nhỏ, như cha
Pierre đã làm với người bạn nghèo khi anh đến tìm cha, sau khi tự tử hụt. Cha
không có sẵn giải pháp, nhưng ngồi với anh, cả hai đã cùng khai sinh chương trình bác ái Emmaus. Nhờ
ngồi với nhau và cùng tìm giải quyết bế tắc, cha Pierre đã thực hiện một phép lạ
yêu thương vĩ đại mà chính Ngài đã không ngờ.
Thực
vậy, chúng ta có thể nói mà không sợ đại ngôn: phép lạ tình yêu là do chính
chúng ta làm cho nhau, vì Thượng Đế tràn
ngập Tình Yêu tuyệt vời của Ngài trong mỗi người, đến nỗi chỉ cần một chút thiện chí “ngồi với nhau”, người ta
có thể làm cho nhau nhiều điều kỳ lạ, nhờ sức mạnh nhiệm lạ của Tình Yêu mà Thượng
Đế đã quảng đại ban cho con người.
Ý
thức ơn huệ và khả năng yêu thương, ta sẽ trân qúy những gì là yêu thương, những
gì thuộc về yêu thương, những gì dẫn đến yêu thương. Khi trân qúy những giá trị
của tình yêu, ta sẽ không ngại tìm kiếm, xây dựng những giá trị này và nhờ thế,
cuộc sống nhân loại ngày càng tươi đẹp, bình an khi tình yêu ngự trị; vì con
người không thể hạnh phúc nếu không yêu thương nhau; bởi mọi người đều đã được
sinh ra từ một cội nguồn Tình Yêu.
5.
Ở
đây và ngay bây giờ “Hic et nunc”:
Với
Tình Yêu và niềm Hy Vọng, chúng ta cứ bắt đầu bước chân thứ nhất ... còn đường
dài ngày mai đã có Trời và nhiều người
thiện chí, nhiều tâm hồn quảng đại, nhiều bước chân dấn thân khác sẽ tiếp nối kiện
toàn. Việc của chúng ta là “ở đây, và ngay bây giờ”.
Có
những người nghèo chỉ chờ ở ta một bàn tay nắm chặt, một nụ cười cảm thông, một
chiếc khăn, một miếng bánh, một ly nước, vài chục ngàn; nhưng ta không làm.
Không làm không phải không làm được hay không được làm; nhưng không làm vì:
a. Ta
nấn ná, chần chừ để việc đó cho ngày mai, tuần tới, tháng tới, năm tới. Khi
không làm liền ngay điều có thể làm, chia sẻ ngay những gì đang có, ta đã đánh
mất cơ hộiyêu thương người nghèo trong khi họ đang cần ta thương, rất cần ta
giúp. Rất có thể họ chỉ cần ta lúc này và ở đây, còn ngày mai, họ không cần ta nữa; nhưng vì tình yêu dành cho người nghèo không đủ lớn, nên ta đã không mau
mắn ra tay giúp đỡ, nhưng trễ nải, triển hạn, kể cả nhẫn tâm “xù” luôn cuộc hẹn
với họ những ngày sau đó; bởi họ nghèo và không mang lại lợi lộc, vinh dự gì
cho ta.
b. Cũng có thể ta không làm ngay, giúp ngay vì ta
ngại những gì mình giúp ít ỏi, nhỏ bé qúa. Ta nghĩ: đã làm thì phải làm cho ra
trò, đã giúp thì phải giúp cho đáng; cũng có thể, người nghèo khó tính có thể cự
lại ta, nếu tặng phẩm ta cho họ không đúng mức họ cần, không như họ đợi chờ, ước
mơ. Chính những lý do này đã làm ta ngại và dễ dàng bỏ nhiều cơ hội làm từ thiện.
Thế mới biết:
làm từ thiện không dễ, không dễ vì người cho có nhiều khó khăn tâm lý, khó khăn
vật chất; mà còn khó vì người nhận không dễ “chịu nhận” những gì người khác
chia sẻ, trao tặng; cũng vì nhiều lý do tâm lý phức tạp.
Tuy thế, người
làm từ thiện nên nhủ lòng: không để người nghèo trở về tay không, khi làm ngay
những gì có thể làm, giúp liền những gì có thể giúp, dù rất ít, rất nhỏ. Đừng
quên một đồng “ngay bây giờ và ở đây” nếu được cho với cả tấm lòng sẽ lớn hơn bạc
triệu ở một nơi, một thời điểm khác…
6.
Yêu
và ở lại:
Người
ta có thể làm từ thiện kiểu “cưỡi ngựa
xem hoa”, nghiã là đi nhanh qua, thoáng qua, nhưng không bao giờ dừng lại, chưa
nói đến ở lại; trong khi yêu thương luôn đòi ở lại.
Có
nhiều cách làm từ thiện và mỗi cách mang lại hiệu qủa khác nhau; nhưng cách nào
đi nữa, người làm từ thiện cũng được mời gọi “ở lại” với người nghèo được giúp
đỡ. Ở lại bằng nhiều cách, dưới nhiều dạng để người nghèo không tủi thân vì
nghĩ mình chẳng giá trị hơn một đàn heo đói meo chờ cám.
Hình
ảnh “người Samaritanô nhân hậu, bác ái” trong Kinh Thánh là hình ảnh người làm
từ thiện với tình yêu biết “ở lại” với
người được giúp đỡ. Tình yêu “ở lại” mới thực là tình yêu quan tâm hết tình, và
phục vụ hết mình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét