Khi nghe đến “chia”, ta hình dung ngay một mất mát,
một bớt đi, một tình trạng không còn nguyên vẹn như trước. Chạm mặt với “sẻ” ta
nhận ngay ra một thiệt thòi. Chính vì thế từ “chia sẻ” đã không làm ta vui, đã
không lôi cuốn hấp dẫn, nhất là khi chia sẻ ấy lại là “chia thương, sẻ tình”.
Quả thực, tình yêu đòi chuyên nhất, không muốn bị chia
sẻ bởi chia nhỏ ra sẽ ít đi, tình yêu e có ngày sẽ không còn gì hoặc chẳng còn
lại bao nhiêu.
Nguy cơ giảm sút tình yêu, nguy cơ tình yêu bị cắt xén
đã làm ta canh giữ tình yêu cẩn thận, rào giậu không cho tình yêu có thể xổ
lồng đi chia sẻ lung tung. Nỗi lo và
những biện pháp ngăn chặn, bảo vệ đó không phải không có lý. Nó có lý vì nếu có
chút tình cho nhau mà lại chia sớt cho người khác, hỏi làm sao yên tâm được?
Không chỉ hữu lý, nó còn được xem là cần thiết vì trong thực tế, tình yêu
thường là đứa con khó nuôi, khó giữ.
Tôi hoàn toàn đồng ý với cái lý, cái cần thiết đó khi
cái lý, cái cần thiết ấy đứng với chia sẻ
được hiểu theo nghĩa chia là mất đi, sẻ là giảm bớt. Với vật chất, khi chia sẻ
là mất đi một phần. Cho ai một ngàn là mất đi một ngàn trong túi, ở trương mục;
chia ai phần đất là mất đi phần đất ấy; chia ai gia tài là không còn nguyên vẹn
gia tài trước đó. Vật chất đơn thuần theo cân, đong, đo, đếm: nhận vào thì nặng
hơn, dài them, cắt đi sẽ ngắn lại, nhẹ hơn. Và như thế, chia sẻ là mất bớt,
giảm thiểu.
Nhưng tình yêu không phải vật chất. Nó có mặt trong
ta, trong thế giới người, nhưng không lệ thuộc vào vất chất, dù có thể ít nhiều
chịu ảnh hưởng vật chất. Phạm trù của tình yêu là thế giới siêu hình, thế giới
bao trùm cái thế giới ta đang thấy, đang cư ngụ. Hành trình của tình yêu tuy
gắn chặt với con người sống động, nhưng mục tiêu đến của nó luôn là đỉnh cao
tuyệt đối. Tình yêu vì thế không được nhìn và đánh giá theo các đơn vị đo lường
vật chất.
Kinh nghiệm yêu thương cho thấy khi tình yêu bị khoanh
vùng, giới hạn thì ta cảm thấy ngột ngạt, mất tự do, mất hứng thú. Nhiều anh em
thường nói cho nhau nỗi nghẹn ngào, tiếc nuối tháng ngày tự do khi chưa lấy vợ.
Phần các chị cũng chẳng vui hơn khi ngày mai lấy chồng “như chim vào lồng, như cá cắn
câu”; hình ảnh cá cắn câu, chim vào lồng là hình ảnh quá rõ để nói lên
tương lai mờ mịt “chẳng có ngày ra”.
Nhưng tại sao khi yêu nhau lại phải nhốt nhau, ký lệnh
chung thân, khóa chặt đời nhau? Phải chăng tình yêu chỉ đẹp và hạnh phúc một
thời khi yêu nhưng chưa thuộc về nhau? Nếu như thế, thì tình yêu ở đâu khi đã
thuộc về nhau và nếu thuộc về nhau để bị kềm kẹp, mất tự do thì tình yêu có
thực sự còn ý nghĩa? Và hôn nhân, một hình thức cụ thể thuộc về nhau, đúng là
mồ chôn hạnh phúc như nhiều người vẫn nói.
Cái khó luôn dằn vặt ta là tính chuyên nhất, độc quyền
trong tình yêu và nỗi khổ mất tự do khi yêu luôn làm ta lo sợ. Làm thế nào để
có một thế quân bình cho ta được hạnh phúc khi yêu?
Tôi tưởng thế quân bình này chỉ có thể tái lập khi
quan niệm về chia sẻ được thay đổi và ý nghĩa đích thực của chia sẻ được quan
tâm.
Như đã trình bày ở trên, tình yêu không phải vật chất,
không theo quy luật, phương pháp đo lường của các đơn vị vật chất, nên chia sẻ
cũng theo đó, không còn là chia sẻ theo nghĩa thường là mất bớt, giảm sút đi
cái mình đang có.
Điêu kỳ lạ của tình yêu là càng chia càng có, càng sẻ
càng thêm, càng phân phát càng gia tăng, càng trao ban càng nhận về nhiều. Nó
như một loại vi trùng, có cơ hội là lan tràn, chiếm cứ; không giảm khi cho,
không mất khi sẻ, không thiệt thòi khi chia. Tình yêu hoàn toàn đi ngược kiểu
cách, mực thước đong đo thông thường.
Nhìn vào các vĩ nhân, sở dĩ họ được gọi là vĩ nhân, ân
nhân của nhân loại, được hậu sinh hay người đương thời yêu mến, biết ơn vì tình
của họ đã được chia sẻ cho nhiều người. Một Ghandi, một cha Pierre, một mẹ
Têrêxa, một Jean Caissaigne, nhiều chiến sĩ của hoà bình vẫn sống mãi trong
trái tim nhiều người vì dấu vết tình yêu của họ đã đến được nhiều nơi, trái tim
họ mang cho nhiều người. Ta cứ nghĩ vì quả tim không lớn nên chỉ có chỗ cho vài
người, cho một nhóm hay tệ hơn nữa là chẳng có chỗ nào cho ai. Nghĩ như thế,
tim ta sẽ nhỏ dần, lần mòn chết héo, kéo theo cái trống trải cô đơn, cái vô vị
của cuộc sống.
Trái tim được sinh ra để gõ nhịp tình yêu, nên khi
chối từ vai trò gõ nhịp, tim sẽ hết
đập. Sống mà không yêu, cuộc sống sẽ suy thoái và trở thành một cái chết triển
hạn. Tình yêu gắn liền với đời người, bởi đời ấy được tạo nên do tình yêu, nên
ở bất cứ hoàn cảnh nào, đời ấy không được quên cội nguồn tình yêu của mình.
Không quên mình đến từ tình yêu và chỉ sống trọn vẹn
hạnh phúc của đời người khi yêu và được yêu; đời con người không ngơi nghỉ trên
hành trình yêu thương. Nó muốn yêu nhiều, yêu mãi dù đường tình lắm truân
chuyên, dù người tình lắm lúc khó thương,
khó chịu, dù duyên tình không mấy khi trọn vẹn, và dù gì đi nữa, nó vẫn khát
khao yêu và ao ước được yêu.
Vì thế, chia sẻ trong tình yêu không làm trái tim hết
chỗ, nhưng cho trái tim lớn hơn, rộng hơn. Chia sẻ tình yêu không làm mất vốn
yêu thương, nhưng làm cho tình yêu phong phú, bao la và sâu rộng hơn. Người yêu
nhiều là người lớn: lớn vì tình yêu
của họ có mặt trong tim nhiều người, lớn vì tình họ sống mãi trong tim óc, cuộc
đời người khác. Trái lại, người hẹp hòi ích kỷ chỉ yêu mình là người nhỏ, nhỏ vì chỉ có một mình, chỉ
là mình và ngoài mình ra không ai nhận ra dấu vết có mặt của đời họ. Người chia
sẻ yêu thương không những chỉ lớn, họ còn cao nữa: cao vì đời họ luôn hướng tới
Tuyệt Đối, vươn lên đến Trời, nguyên thủy của Tình Yêu.
Chia sẻ là định luật căn bản trong tình yêu. Người
không yêu ai là người không bao giờ chia sẻ; bởi yêu là chia cho nhau cái mình
là, sự mình có. Càng chia sẻ cho nhau nhiều, tình cho nhau càng lớn. Càng chia
sẻ cho nhiều người, tình ấy càng cao cả, vĩ đại. Bản chất của tình yêu là mang
đến cho nhau hạnh phúc, hạnh phúc chỉ có thể đến với người khác khi ta chia sẻ,
trao dâng chính ta cho họ. Cái ta lúc
này là nguồn hạnh phúc cho người ta thương.
Đức Kitô đã sống tình yêu chia sẻ này. Ngài muốn trở
thành tấm bánh được bẻ ra cho mọi người. Tấm bánh càng bẻ ra càng lớn, càng
phân phát càng thêm nhiều. Hình ảnh phép lạ bánh
hóa nhiều, nuôi dân ngày xưa chính là hình ảnh của chia sẻ. Thấy dân đói
mệt, Ngài hỏi các môn đệ có bao nhiêu bánh và cá. Câu hỏi của Ngài đã làm các
ông buồn cười vì quả thực với mấy con cá và dăm chiếc bánh ít ỏi làm sao đủ cho
đám đông năm bảy ngàn người. Ý nghĩ của các ông là tư tưởng và phản ứng thường
ngày của con người. Phản ứng tức thời ấy thuận chiều với ích kỷ, tính toán, sợ
hết, sợ thiếu của ta. Ý nghĩ ấy có cùng mẫu số chung với trái tim hẹp hòi, nhỏ
mọn, cục bộ, thu vén. Nhưng cũng chính vì ý nghĩ và phản ứng “không chia sẻ” mà nhiều phép lạ đã không được thành hình, không có điều
kiện để xảy ra trong đời sống. Giá như ta luôn quảng đại, sẳn sàng chia sẻ dù
chẳng còn bao nhiêu thì có lẽ vô số phép lạ tình yêu đã được Thiên Chúa thực
hiện qua ta, nhờ ta và cùng với ta, như Ngài đã mượn mấy con cá, dăm chiếc bánh
mà làm phép lạ nuôi dân ngày nào. Đừng nghĩ những con cá lòng tong nhỏ bé của đời
ta là vô giá trị, những mẫu bánh khô cứng trong đời sống ta là đồ bỏ. Không có đồ bỏ, hay vô giá trị trong chương trình
chia sẻ của Thiên Chúa với con người; không có đồ dư, hay phụ thuộc
trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa với ta; nhưng tất cả những mẩu bánh khô,
những con cá nhỏ sẽ làm nên đại sự, sẽ tạo thành phép lạ tình yêu, nếu ta chấp
nhận chia sẻ với người khác.
Thiên Chúa không đòi chúng ta phải có nhiều mà chỉ
muốn chúng ta chia sẻ những gì chúng ta có; dù những cái có của ta xem ra rất
cỏn con, ít ỏi; bởi với tình yêu lớn, những cỏn con, ít ỏi đó sẽ trở thành lớn
lao, cao cả.
Chia sẻ tình yêu không còn là món đồ trang sức cho
tình yêu đẹp hơn, nhưng trở thành yếu tính của tình yêu. Không có nó, tình yêu
không thể sống.
Biết chia sẻ là một hy sinh, một chọn lựa gay go, Đức
Kitô nâng đỡ khó khăn nơi ta bằng hứa ban lại cho ta gấp trăm những gì ta chia
sẻ và Ngài tự nhận thay ngưòi khác bổn phận đáp trả, đền ơn ta. Thấm thía kinh
nghiệm và hạnh phúc khi chia sẻ, Thánh Phanxicô
đã thốt lên trong kinh Hòa Bình: “Vì
chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại
bản thân”.
Cùng đồng hành với Đức Kitô, Đấng luôn dậy ta chia sẻ
trong yêu thương với mọi người, tôi với bạn cứ vui vẻ góp nhặt những mẩu bánh,
những con cá đời mình để sẻ chia. Với Đức Tin và niềm vui trong Đức Ái, tôi với
bạn chắc hẳn sẽ được thấy những phép lạ vô cùng vĩ đại trong đời sống chia vui
sẻ buồn, chia cơm sẻ áo, chia mãi sẻ hoài tình yêu, hạnh phúc cho hết mọi người
gặp được trong đời sống.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét