Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

MỪNG KÍNH CÁC THÁNH!

                                   Các Thánh Trước  Đau Khổ Cuộc Đời
   Nhà Phật nhìn cuộc đời như một giòng Vô Thường, trên đó vạn vật lững lờ trôi theo một tiến trình chung : “Thành, Trụ, Hoại, Diệt” ; nghiã là bất cứ vật gì đều được thành hình, tồn tại, hư hao rồi tan biến đi. Con người cũng không ra ngoài định luật này với  “Sinh - Lão - Bệnh - Tử”. 
   Cái nhìn của Cựu Ước về cuộc đời con người cũng không khác cái nhìn của nhà Phật, như sách Giảng Viên đã viết:
“Phù vân nối tiếp phù vân, tất cả là phù vân - Vanitas vanitatum, omnia vanitas” (Gv 1,2). “Mọi sự đều đi về một nơi, mọi sự đều đến từ bụi đất, mọi sự đều trở về bụi đất” (Gv 3,20) vì  “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lià thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây” (Gv 3,1-2).
  Đức Giêsu cũng đồng ý với tính vô thường, tạm bợ, chóng qua, mau tan biến, dễ bị hủy hoại của mọi sự thuộc về thế giới này, khi khuyên nhủ : “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi.Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi được” (Mt 6,19-20). Ngài còn đi xa hơn khi trách người phú hộ say mê ki cóp của cải và thả cửa ăn chơi: “Đồ ngốc ! Nội trong đêm nay, người ta đến đòi mạng sống ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?” (Lc 12, 20).
   Đến lượt chúng ta nhìn đời. Với kinh nghiệm sống và kiến thức về đời sống, chúng ta cũng phải chân nhận :
1. Cuộc sống con người rất ngắn ngủi, tạm bợ, như hoa sớm nở tối tàn :
   Có bao nhiêu người ta đã quen biết, thương yêu nay đã không còn hiện diện trên đời ; bao nhiêu người ta gắn bó thiết thân, chung vai gánh vác công việc, nắm tay từng bước đồng hành, tưởng như không bao giờ có thể vắng nhau  một ngày, xa nhau  một dặm, thế mà giờ này thân xác họ đã tan biến thành tro bụi. Rất nhiều người đã cùng ta nhập cuộc nay đã bỏ cuộc ; rất nhiều người đã cùng ta hăm hở lên đường nay đã dừng chân, ngàn thu yên nghỉ trong lòng đất ; rất nhiều người đã cùng ta nhiều đêm thao thức, khắc khoải  nay đã im hơi lặng tiếng, dù  là một hơi thở rất nhẹ như tơ vương. Và càng lớn tuổi, ta càng thấm thía nỗi cô đơn, vì không còn cha mẹ, anh em, bạn hữu. Đời  càng trôi gần cửa biển, ta càng lo sợ, hoang mang, vì sắp đến phiên ta mất dạng, khuất bóng.
   Thế là kẻ trước người sau, tất cả sẽ ra đi, mà không một uy quyền, thế lực nào có thể ngăn cản, trì hoãn. Ra đi không trù liệu, ra đi không sắp xếp, ra đi không kế hoạch, ra đi không mang được gì, dù nhỏ bé, nhẹ nhõm như hơi thở. Ngày ra đi ấy đã được ghi sẵn trong tờ khai sinh ngày vào đời, bởi có vào thì phải có ra, có sinh ắt có tử, có sống làm sao tránh khỏi chết. Vì là định luật tự nhiên và bất biến, nên không ai hỏi ai, bởi hỏi thì chỉ làm đau lòng nhau : thắt tim người hỏi, và  nhói dạ người nghe.
    Nếu đời sống con người đã ngắn ngủi, tạm bợ, và trước sau sẽ đi về chung một kết thúc là cái chết, thì vật chất làm sao có giá trị vĩnh viễn ? Nó cũng vô thường, đổi thay, chuyền từ tay người này qua tay người kia, lạnh lùng, bạc bẽo.
2. Cuộc sống con người là bể khổ , thung lũng nước mắt :
     Đức Phật bảo : Đời là bể khổ. Kinh Thánh Cựu Ước cũng  khẳng định đau khổ có mặt trong thế giới loài người: đàn bà cực nhọc, khổ sở lúc thai nghén, sinh con; đàn ông vất vả, “cực khổ mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ sinh gai góc… Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có bánh ăn cho đến khi trở về với đất, vì từ đất ngươi đã được tạo dựng. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,16.17-19). Kinh “Lậy Nữ Vương” càng ai oán, bi thương hơn với lời cầu thảm thiết : “Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương”.
    Như thế, không ai sẽ là người không đau khổ, không vất vả, cực nhọc, bởi đau khổ, cực nhọc bám theo con người suốt cuộc sống, cho đến khi con người trở về với bụi đất; nghiã là suốt đời khổ, khổ cả đời, đau trọn kiếp, nhọc nhằn thiên thu.
    Con người không chỉ khổ vì phải chết, đau vì biết mình sẽ chết, sợ vì không biết chết ra sao, hoảng vì không mảy may thông tin về những gì xẩy ra sau giờ chết, nhưng con người còn nhiều thứ đau khổ khác. Riêng một chuyện sinh con thôi cũng đã bù đầu với hàng trăm nỗi khổ:  Người  khổ vì không có  con, người khác lại qúa khổ vì đông con, ít tiền; người khổ vì con đau bệnh bẩm sinh, người khác khổ vì mình mà con lây nhiễm và phải mang dị tật; người khổ vì không có sữa nuôi con, người khác đau đớn vì sữa đầy ứ, mà con không chịu bú..
  Lớn lên và trưởng thành, con người tiếp tục khổ với đủ thứ đòi hỏi của đời sống. Xã hội loài người không phải thiên đàng, nhưng chằng chịt đủ mối khổ tương quan, và không tương quan nào đã không ít nhiều làm đau khổ, nhục nhằn, ngậm đắng nuốt cay. Đó là chưa kể, để có được chỗ đứng chỗ ngồi, người ta đã phải khổ rất nhiều, vì cạnh trạnh, đấu đá, luồn lách, cúi đầu, cong lưng.
    Rồi tuổi  già sồng sộc đến, kéo theo một trời khổ làm con người muốn chết sớm để thoát khổ. Có những nỗi khổ tinh thần ở người  già vì cô đơn, bị bỏ rơi, ruồng rẫy, khi không còn khả năng độc lập, tự lập, nhưng phải cậy nhờ, nượng tựa con cháu, nhưng có được bao nhiêu con cháu hiếu thảo và bao nhiêu người già đã hưởng được tuổi già an nhàn, thảnh thơi ? Bên cạnh là những thiếu thốn vật chất, khi tuổi già không còn làm ra tiền, không còn nhiều tiền để thu hút con cháu, không còn nhiều nhà đất để hấp dẫn lòng kính trọng.
   Còn rất nhiều khổ đau khác, đủ loại, đủ kích thước, dung lượng. Có nỗi khổ vì qúa nghèo bên cạnh nỗi khổ vì quá giầu; có nỗi đau vì không ai yêu, bên cạnh nỗi đau vì hào hoa, qúa nhiều người thương; có nỗi buồn vì chẳng được ai biết đến, bên cạnh cơn sầu vì bị mọi người biết và rình rập, dòm ngó.
    Đứng trước cuộc đời bể khổ, cuộc sống thung lũng nước mắt, mỗi người có suy tư và chọn lựa khác nhau. Có người nổi loạn trước phi lý của cuộc đời, bất mãn với chính thân phận làm người  của mình và trách móc, nguyền ruả ai đó đã bắt mình làm người mà không hỏi ý kiến. Nổi loạn và bất mãn với cuộc đời và chính mình chưa đủ, họ còn nhìn người khác đau khổ với cái nhìn tiêu cực, dửng dưng. Một số khác tuy không nổi loạn, lên án, nhưng từ khước dấn thân, và co mình trong âu sầu, phiền não, vì không chấp nhận cuộc đời nhiêu khê, vất vả, nhiều khổ đau đến thế. Cả hai thái độ và chọn lựa  đều tiêu cực và không đem lại một giải pháp xây dựng nào và kết qủa là người ta phải sống cuộc sống như sống một cái chết triển hạn, không chút vui mừng, hy vọng, nhưng âm ỉ lửa bạo lực.
    Tại sao có lửa bạo lực ở đây ? Thưa bạo lực thường phát sinh từ những trái tim khổ đau không chấp nhận khổ đau, những thân phận khổ đau không được chia sẻ khổ đau, những cuộc đời bị khổ đau dập vùi không được người khác nâng đỡ, vực dậy khi gục ngã khổ đau. Ta đừng tưởng người khổ đau nhiều là người biết cảm thương, và dễ thông cảm với người khác. Thực tế chứng minh: không hẳn như vậy, vì khổ đau bị dồn nén, bế tắc sẽ biến thành động cơ của bạo lực, tạo  nên mầm bạo lực, nên chỉ ở thánh nhân và với chọn lựa thánh thiện của thánh nhân, khổ đau mới mang được  mầu sắc tích cực.
3.   Thái độ và chọn lựa của các thánh trước cuộc đời đầy đau khổ:
  Các thánh cũng như mọi người:  được sinh ra, lớn lên, già đi, đau bệnh, rồi chết. Tiến trình của định luật tự nhiên “Sinh - Lão- Bệnh - Tử” áp dụng cho mọi người, không trừ ai, có chăng là đặc miễn cho những người chết sớm qúa nên chưa kịp già và đau bệnh.
    Các thánh trước khi làm thánh đã làm người, làm người đau khổ như tất cả mọi con người đau khổ khác trong bể khổ, thung lũng nước mắt cuộc đời:
a. Các thánh đã đón nhận đau khổ của mình với niềm tin ở Thiên Chúa:
   Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu đã vui lòng đón nhận đau khổ và cái chết đang đến gần, vì Ngài tin : Chúa Cha muốn Ngài chịu khổ hình và chết để cứu độ nhân loại. Bởi nếu không tin, Đức Giêsu đã không sẵn sàng: “xin vâng theo ý Chúa  Cha mọi đàng” (Mt 26,42).
    Với khổ đau bủa vây, những khổ đau gây ra do người thù ghét, phản phúc, nhưng cũng  nhiều khổ đau do chính người thương mình, mình thương, các thánh đã vui lòng đón nhận và tìm ra trong đau khổ mình chịu thánh ý của Thiên Chúa.Thánh ý ấy muốn đào tạo, trui luyện, chỉnh đốn, nhất là cho các vị được đóng góp vào công cuộc cứu độ chính mình và anh em đồng loại. Nếu Đức Giêsu không làm người, không đau khổ, không chịu đóng đinh và chết trên thánh giá, thì đau khổ qủa thực vô cùng phi lý vì không đem  lại lợi ích gì cho ai, nhưng sau cuộc đời làm người đau khổ, chịu khổ hình và tử nạn, Đức Giêsu đã sống lại vinh quang để trả lại sự sống đời đời con người đã làm mất. Vì thế, đau khổ và sự chết rất ghê sợ của kiếp người không còn vô nghiã, vô  lý, vì mang lại cho con người ơn cứu sống đời đời và chỗ đứng con cái Thiên Chúa .
     Chấp nhận đau khổ với niềm tin ở Đức Giêsu nơi các thánh không còn là thái độ buông xuôi, tiêu cực, âu sầu, nhưng là chọn lựa của hy vọng nơi Đấng đã đau khổ, chết và sống lại khải hoàn. Bạo lực không còn là phương tiện, vũ khí  đối kháng khổ đau, chống lại sự chết, nhưng mất chỗ đứng trong đau khổ và nhường chỗ cho bình an. Thái độ bình an của các thánh trước đau khổ là thái độ bình an của Đức Giêsu trên đường thánh giá, khi đã xác tín Chúa Cha muốn dùng Thánh Giá để cứu độ nhân loại.
  Thực vậy, không tin Thiên Chúa đã làm người đau khổ, đã chịu mọi thứ khổ đau tinh thần và thể xác, đã chết trong đau khổ tột cùng vì bị bỏ rơi, nhưng đã sống lại từ cõi chết để trở nên nguồn sống mới cho nhân loại, các thánh không thể đón nhận đau khổ của mình với tâm hồn bình an và hy vọng, bởi chỉ trong đau khổ của Đức Giêsu, các vị mới hiểu được mầu nhiệm của khổ đau; chỉ với  cái chết tức tưởi như một  người thất bại của Đức Giêsu, các vị mới nhận ra giá trị cứu độ của sự chết; và chỉ trong Đức Giêsu khải hoàn sống lại, các vị mới không nghi ngại qủa quyết: “Hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nóvẫn trơ trọi một mình; còn nếu thối rữa đi, nó mới sinh được nhiều bông hạt” (Ga 12, 24).
b. Các thánh đã chạnh lòng cảm thương trước đau khổ của người khác và ra tay cứu chữa:
    Đức Phật đã cảm thương trước đại chúng đau khổ, nên đã tìm đường giác ngộ hầu đem lại bình an cho chúng sinh. Các thánh của Thiên Chúa cũng chạnh lòng cảm thương trước đau khổ của người anh em đồng loại, như Đức Giêsu đã luôn chạnh lòng thương đám đông nghèo đói, bệnh tật, bị qủy ám và “như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6, 34).
     Chạnh lòng thương là khởi điểm quan trọng và cần thiết của con đường đức ái, bởi khi không còn biết chạnh lòng trắc ẩn, chạnh lòng xót thương, chạnh lòng thông cảm, trái tim con người hầu như đã khô máu yêu thương và biến thành chai đá, vô cảm. Người không biết chạnh lòng trước khốn khổ của tha nhân sẽ dửng dưng, hờ hững trước cảnh khốn cùng của người chung quanh; vô cảm, lạnh lùng trước nhu cầu “sống còn” của người lân cận; cứng cỏi, tàn nhẫn trước khẩn khoản thống thiết  của người ăn xin  đang vật vã vì đói rét.  
  Như Đức Giêsu trước đau khổ của người khác đã chạnh lòng cảm thương và  yên lặng tôn trọng. Tin Mừng đã ghi lại rất nhiều những lần gặp gỡ của Đức Giêsu với những người đau khổ. Gặp họ, Ngài không lý luận huyên thuyên, cắt nghiã dài dòng, lý giải linh tinh nguyên nhân, hậu qủa của đau khổ họ đang gánh chịu, nhưng yên lặng nhìn họ cảm thông, yên lặng nắm tay ân cần, yên lặng lắng nghe chăm chú, yên lặng ngồi bên lâu giờ.Ngôn ngữ của  con tim  “chạnh lòng thương” là ngôn ngữ yên lặng, vì chỉ với yên lặng, người ta mới có thể nói với nhau và hiểu nhau trong đau khổ. Hình ảnh của Đức Maria yên lặng đứng dưới chân Thánh Giá treo xác Con mình cũng là hình ảnh tuyệt vời bi tráng của tình yêu Mẹ dành cho Con, Con dành cho Mẹ trong giây phút cực kỳ đau khổ của giờ hấp hối, chia ly.
    Chạnh lòng thương sẽ dẫn đến việc làm cứu giúp, bởi khi con tim đã se thắt xót thương, khối óc, tay chân và toàn thân sẽ sục sôi hành động cứu giúp. Câu chuyện người Samari trong Tin Mừng Luca cực tả hình ảnh các thánh của Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày:
   “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêricô, dọc đưòng bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch nguời ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy lên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Lc 10, 30-35).
   Ngừời Samari, tuy là người không thuận với đồng bào của Đức Giêsu, nhưng với Ngài, ông là một vị thánh, vì chính Ngài đã đồng ý với người thông luật Môsê : Người Samari, “chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người bị nạn”, và Ngài nói với ông : “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10,37).
    Ở đây, chúng ta nhận ra một điều rất quan trọng, đó là căn tính của người được gọi là Thánh; nói cách khác, đâu là dấu chứng chắc chắn của một vị Thánh?
   Chúng ta không cần dài dòng ở đây, vì Tin Mừng Luca đã minh định rõ ràng : Thánh là người có lòng thương xót như Thiên Chúa là Đấng giầu lòng xót thương, bởi Thiên Chúa thánh thiện vì Ngài  xót thương.
    Ngay trước khi Đức Giêsu kể dụ ngôn người Samari giầu lòng thương xót, Ềngười thông luật đã hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời ?” Thay vì trực tiếp trả lời, Đức Giêsu đã hỏi lại ông : “Thế trong Luật đã viết gì ?” Ông ấy thưa : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực ngươi và yêu mến anh em như chính mình” (Lc 10, 25-27).
    Kể dụ ngôn người Samari, Đức Giêsu không những mô tả chân dung và việc làm của người được coi là xứng đáng  được sự sống đời đời, mà còn nhấn mạnh lòng thương xót là điều kiện không thể thiếu để được gọi là thánh thiện, là người thánh, vì giống Thiên Chúa ở lòng xót thương. Và chỉ trong một đoạn ngắn từ câu 28 đến 37, Đức Giêsu đã hai lần công bố: “Ông cứ làm như vậy là sẽ được sống” (Lc 10,28), “Ông cũng hãy đi và cũng hãy làm như vậy" (Lc 10,37). 
     “Hãy làm như vậy” là hãy chạnh lòng thương và tận tình cứu giúp người anh em khốn khó, lâm nạn, sa cơ thất thế, không hề  quen biết như người Samari ngoại giáo đã làm.  “Hãy làm như vậy” là không giả ngơ giả điếc trước người chị em bị bạo hành, làm nhục. “Hãy làm như vậy” là không hèn nhát áp dụng chiêu trò vô cảm, vô can “không thấy, không nghe, không nói” của một xã hội cạn kiệt lòng tốt và tình người. “Hãy làm như vậy” là không tránh qua bên kia, bỏ người cô thế bị trấn lột và đánh đập tàn nhẫn, để không bị phiền phức, rắc rối, dính líu, nghi ngờ. “Hãy làm như vậy” là ân cần băng bó vết thương, tế nhị thanh toán hết tiền thuốc men, chăm sóc cho người kém may mắn, mà không huyênh hoang, khoe khoang, tự đắc. “Hãy làm như vậy” là yêu thương, giúp đỡ đến cùng, không yêu một phần người, thương một quãng đường, giúp đỡ bôi bác, tượng trưng, nặng phần trình diễn, nhưng như người Samari tận tình trở lại quán trọ, sau khi đã xong công việc, để hoàn lại chủ quán tiền chăm sóc còn thiếu.      
    Tóm lại, các thánh là những công dân ưu tú của Nước Trời đã sống triệt để Hiến Chương của lòng thương xót. Phải có lòng thương xót mới có thể nghèo khó, hiền lành vì người khác; có lòng thương xót mới dám ghé vai vác đỡ gánh đời nặng sầu, nặng khổ của anh em; có lòng thương xót mới khát khao  xây dựng an bình cho mọi người; có lòng thương xót mới cam chịu bao bất công, và đủ điều vu khống xấu xa vì  công chính và Nước Trời (x. Bát Phúc, Mt 5,1-11). Và suốt đời,  các thánh đã “giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong Máu  Con Chiên” (Kh 7,14), để rồi  trước thiên nhan, các ngài đã vui mừng hớn hở đứng về bên phải của Thiên Chúa và nghe Thiên Chúa tuyên dương, ân thưởng: “Nào những kẻ Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,34-36). Tắt một lời, các thánh là những người đã trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu trong lòng thương xót, điều  mà Thiên Chúa chọn làm sự thánh thiện của Ngài, và tất nhiên cũng là điều kiện để con người  trở thành con Chúa, và được đứng trong hàng ngũ các thánh của Thiên Chúa trong Vương Quốc của Ngài.
    Kính xin các Thánh  nam nữ trên trời cầu bầu cho chúng con để từng ngày trái tim chúng con được đổi mới, hầu biết chạnh lòng thương và mau mắn sẻ chia, nâng đỡ, phục vụ anh em, như các thánh đã sống trọn Lòng Thương Xót ngày xưa trên dương thế.
Jorathe Nắng Tím
   

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

Tháng Mười Một

      Âu Châu có bốn mùa, và tháng Mười Một, tháng các Linh Hồn luôn rơi vào giữa thu.
     Mùa thu tất nhiên không vui bằng mùa xuân với nắng ấm, và hoa lá nở rộ rực rỡ, với lễ Phục Sinh tưng bừng một sức sống mới, sau đông dài lạnh lẽo, im lìm, chờ đợi. Mùa đông tuy lạnh và lặng lẽ, nhưng người ta không thấy buồn khi mặt trời chói chan nhún nhẩy, đùa giỡn với tuyết trắng dầy đặc rơi. Mùa hè thì khỏi nói, bởi ai cũng mong đến hè để được nghỉ học, nghỉ làm, nghỉ hè trên núi, dưới biển, du lịch đây đó hay về Việt Nam thăm quê hương, gia đình. Chỉ mùa thu là ảm đạm, khi mặt trời ham ngủ, làm biếng thức ; chỉ mùa thu là làm buồn, vì lá vàng thi nhau lả chả rơi nhắc nhớ những chia ly, tàn tạ; chỉ mùa thu là nhức nhối, với cúc vàng bầy bán la liệt trước cửa nghiã trang gợi nhớ kỷ niệm với những người thân đã qua đời; chỉ mùa thu là làm bâng khuâng lo sợ một ngày mai vô định; chỉ mùa thu là làm giật mình hoảng hốt khi thấy người mà nghĩ đến ta: thấy người ra đi về bên kia thế giới mà nghĩ đến phiên mình cũng sẽ gặp lại người ở thế giới bên kia.   
  Thế giới bên kia là thế giới nào? Đó là câu hỏi ai cũng hỏi và không ai biết để trả lời. Câu hỏi đã được đặt ra cho loài người từ khi Thiên Chúa bảo Adam và Evà, nguyên tổ của loài người: ngươi sẽ phải chết ! (St 3,19). Từ đó, con người lo lắng, sợ hãi, chán ngán, khổ sở, thất vọng vì phải chết. Thực  ra, người ta khổ không vì phải chết, cho bằng khổ vì không biết chết khi nào; không lo lắng phải chết cho bằng không biết chết cách nào; không sợ hãi phải chết cho bằng chết rồi đi đâu, làm gì, khổ hay sướng; không thất vọng vì phải chết cho bằng ngã lòng vì chết chẳng đem theo được gì, mà phải ra đi đơn độc, tay trắng, trần trụi, ngay cả đến hơi thở dù rất nhỏ bé, nhẹ tênh cũng phải bỏ lại cõi đời.
 Qủa thực, không ai đã không trải nghiệm những cảm xúc trước tin buồn một người thân bỏ cuộc đời ra đi: cảm xúc sững sờ, bàng hoàng, thất kinh vì cái chết thường đột ngột, bất ngờ; cảm xúc hụt hẫng, tiếc nuối, nhớ thương vì cái chết  của người thân luôn là một mất mát khó có thể thay thế, bù đắp; cảm xúc hối tiếc, ân hận vì những thiếu sót, tổn thương chưa  kịp tạ lỗi, những ân nghiã chưa kịp đáp đền đối với người ra đi; cảm xúc ngỡ ngàng, ngưỡng mộ khi cái chết mặc khải sự thật tốt đẹp đáng yêu, đáng kính, đáng học hỏi của người đã chết, mà khi sinh thời, người ấy đã bị hiểu lầm, vu khống, lên án oan uổng. Tất cả cảm xúc chằng chéo, pha trộn trên tạo nên một nỗi buồn lan toả đau đớn, xót xa trên nét mặt, dáng dấp, lời nói, cử chỉ, thái độ, sinh hoạt của thân nhân người chết trong một thời gian dài ngắn tùy mức độ.
Với người thân thì thế, nhưng với kẻ thù qua đời thì cảm xúc thường ngược lại: vì kẻ thù làm khổ ta, nên khi kẻ thù lăn đùng ra chết, ta vui vì biết mình hết khổ; vì kẻ thù đe dọa, nên khi kẻ thù tắt thở, ta sung sướng sống đời bình an; vì kẻ thù rình rập ám hại, nên khi kẻ thù nằm xuống, ta thảnh thơi, phơi phới, tung tăng; vì kẻ thù ganh ghét, nên khi kẻ thù bỏ cuộc chơi, ta là người chiến thắng. Cũng có những tâm hồn cao thượng không lộ liễu bộc lộ tình cảm trước cái chết của kẻ thù, nhưng tận thâm tâm, không ai lại không phấn khởi, hả hê, thoả mãn, bởi kẻ thù chết đi là ta được giải phóng không toàn phần thì cũng một phần đáng kể, bởi kẻ thù nào chẳng đáng sợ, đáng ghét.
Trong giòng cảm xúc ta dành cho người chết trước cái chết của họ, ta chợt thấy bóng hình ta lung linh trong giòng sông cảm xúc, bóng hình của chính ta trong ngày chết. Cảm xúc mãnh liệt và đe dọa nhất chính là một ngày kia chắc chắn ta sẽ phải chết như họ, nghiã là cũng sẽ chẳng biết mình chết lúc nào, cách nào, ở đâu; nghiã là cũng không được mang theo bất cứ hành trang nào, dù qúy giá, nhỏ bé, nhẹ tênh cỡ nào; nghiã là cũng sẽ có người khóc lóc, tiếc thương, ngưỡng mộ nhưng cũng có người nguyền rủa, vui mừng, hả hê. Chỉ nghĩ đến thế cũng đã đủ hoảng sợ, hoang mang, chao đảo, nói gì đến thảm cảnh kế tiếp khi xác thân bốc mùi hôi thối, và người ta phải gấp rút chôn sâu hoặc thiêu nhanh cho thành tro bụi.
Thực ra, nguyên nhân lớn làm con người sợ chết, hoảng hốt, ngao ngán trước cái chết không phải vì biết mình sẽ chết, nhưng vì không biết chết rồi mình sẽ ra sao, ai sẽ cứu giúp, đồng hành với mình ở thế giới mà mình hoàn toàn xa lạ, không một chút thông tin. Nếu biết rõ chết chỉ là một giai đọan, một nhịp bước cần thiết giữa hai thế giới dương và âm, bên này và bên kia thì nỗi sợ chết sẽ không còn nặng nề đến nỗi làm ta phải “thất kinh bát đảo”. Cũng vì không có đáp số, câu trả lời cho vấn nạn đời sau, mà chúng ta sống không yên, sống không hết mình, sống không lý tưởng, sống không hạnh phúc, vì đêm ngày bị cái chết và đời sau ám ảnh đe dọa.
Là người Công Giáo, với Giáo Hội và trong Đức Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại, tháng Mười Một sẽ không còn là tháng giữa thu buồn ảm đảm, tháng sầu thê lương, tháng tang thương chết chóc, tháng mộ phần tuyệt vọng, tháng quằn quại đớn đau, tháng khôn nguôi tiếc nhớ, nhưng là tháng Mười Một của Thiên Chúa là tình yêu thương xót đã hiệp nhất nhân loại trong lòng xót thương của Ngài, để tất cả trời đất, thiên đàng- luyện tội - nhân gian, cõi dương- cõi âm, thế giới bên kia - bên này được hiệp thông với nhau trong lòng thương xót, khi các thánh trên thiên đàng là Giáo Hội chiến thắng, các linh hồn trong luyện tội là Giáo Hội thanh luyện, nhân loại còn đang sống trên trần gian là Giáo Hội lữ hành cùng chia sẻ lòng xót thương trong Đức Giêsu là “Sự Sống Lại và Sự Sống” (Ga 11,25), để cầu thay nguyện giúp cho nhau, để bênh vực, bầu cử cho nhau trước Thiên Chúa, và hạnh phúc sẽ không chỉ chờ đời sau để nở rộ, nhưng rực rỡ, trào dâng ngay ở đời này trong  Bình An của Lòng Thương Xót.    
  Thực vậy, với đức tin công giáo, câu hỏi sự chết là gì, tại sao con người phải chết, chết rồi đi đâu, cũng như sự sống là gì, ý nghiã của cuộc sống, và vấn nạn gai góc nhất về đời sau, về cuộc sống bên kia thế giới, tất cả đều được Đức Giêsu, Đấng là “Sự Sống Lại và Sự Sống”, cũng là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6) giải đáp thỏa đáng. Không những giải đáp thoả đáng, Ngài còn bảo đảm cho giải đáp đó, vì chỉ một mình Ngài là “Cùng Đích và Hạnh Phúc viên mãn” của mỗi người và mọi người ở đời này và đời sau, cho sự sống hôm nay và cuộc sống mai hậu.  
 Một cách rất vắn tắt, Đức Giêsu bảo chúng ta: để sống bình an, hạnh phúc ở đời này, và thênh thang bước vào đời sau với hạnh phúc, bình an, trước hết “hãy tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
 Tin vào Tin Mừng, vì Tin Mừng là Tin Mừng của Thiên Chúa (Rm 1,1), Tin Mừng Bình An (Ep 6,15), Tin Mừng Cứu Độ (Ep 1,13); vì ngoài Tin Mừng, loài người không thể biết Thiên Chúa là ai, Ngài muốn gì, cũng như không thể biết ý nghiã đời sống và định mệnh của chính mình, bởi sự sống, sự chết của con người hoàn toàn thuộc quyền Thiên Chúa. Chính Tin Mừng là chià khóa hạnh phúc của con người ở đời này và đời sau; là điều kiện để con người đạt hạnh phúc vĩnh cửu, sau bước chân của sự chết. Tin Mừng của Thiên Chúa còn là ánh sáng cho hành trình cuộc đời, là niềm vui cho từng ngày sống và bảo đảm chắc chắn sự sống vĩnh cửu đời sau. Có năm điểm quan trọng khi chúng ta Tin vào Tin Mừng:

1.   Tin Mừng là Lời Thiên Chúa nói với con người qua Đức Giêsu về dung mạo đích thực của Thiên Chúa.
 Thiên Chúa mặc khải dung mạo đích thực của  Ngài qua Đức Giêsu, như Đức Giêsu đã khẳng định: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8, 12). Chỗ khác Ngài qủa quyết: “Ai tin vào tôi, thì không phải tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi... Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi” (Ga 12, 44.49-50).
Dung mạo đích thực của Thiên Chúa chính là Tình Yêu (1Ga 4, 8). Và  “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
  Như thế, việc đầu tiên phải làm khi tin vào Tin Mừng là tin Đức Giêsu Kitô - Ngôi Lời nhập thể, Con Thiên Chúa, Đấng đến trong thế giới để mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa và mầu nhiệm con người.
 Chúng ta cũng nhận thấy: các đọan Kinh Thánh vừa được trích dẫn đều qủa quyết Tình Yêu Thiên Chúa luôn đem lại sự sống đời đời cho con người, bởi sự sống gắn liền với Thiên Chúa là Nguồn Sống, sự sống phát sinh do Tình Yêu là Thiên Chúa, nên không lý do gì một Thiên Chúa là Tình Yêu và Sự Sống lại để con người mình yêu phải chết. Bởi thế, ngay trong ý định đời đời của Thiên Chúa, con người đã được dựng nên để sống và sống đời đời trong hạnh phúc của Tình Yêu tuyệt đối là Ngài, vì Thiên Chúa đã không dựng nên con người để con người phải chết, nhưng chết là hậu qủa của tội lỗi.  Dù vậy, Thiên Chúa vẫn trung tín và đi đến cùng ý định đời đời của Ngài là con người phải được sống vĩnh cửu trong tình yêu của Ngài. Đó là lý do Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã đến để chết làm giá cứu con người khỏi chết, nhưng được sống đời đời.
 Tóm lại, khi mặc khải Thiên Chúa Tình Yêu, Tin Mừng của Đức Giêsu cùng lúc đã mặc khải con người được Thiên Chúa yêu thương, cứu sống, để Tình Yêu Thiên Chúa và Sự Sống con người luôn sánh đôi, không thể tách rời, vì Thiên Chúa là “Thiên Chúa của người sống” (Mc 12,27), và  như Đức Giêsu đã khẳng định  với chị em Mácta, Maria khi gọi em trai hai cô là Ladarô từ cõi chết sống lại: “Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ  được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 12, 25-26).

2.   Tin Mừng vạch ra một con đường để con người được sống hạnh phúc đời này và đời sau:
Đó là con đường của tâm hồn nghèo khó, hiền lành, khao khát điều công chính, bao dung tha thứ, trong sạch, xây dựng hoà bình và tràn đầy lòng xót thương (x. Hiến chương Nước Trời: Mt 5,3-9).
Đức Giêsu đã công bố Hiến Chương Hạnh Phúc của Nước Trời, và tất cả những ai sống theo đường lối này sẽ được Thiên Đàng làm gia nghiệp, Nước Trời làm quê hương, Thiên Chúa là Cha hiền, sự sống đời đời là phần thưởng. Bước đi trên con đường này là đi với Đức Giêsu vào Sự Sống bất diệt, vì đây là con đường Thiên Chúa muốn con người đồng hành với Ngài trên hành trình vào Đất Hứa (Mt 5,4).
 Hiến Chương Nước Trời cũng là Hiến Chương của Lòng Thương Xót, bởi tất cả những điều khoản được nêu ra trong Hiến Chương đều là đặc tính của người có lòng thương xót, cũng là điều kiện của đời sống xót thương.

3.   Tin Mừng đưa ra duy nhất một giới luật Tình Yêu để bảo đảm sự sống đời đời:
Tin Mừng không kê “tràng giang đại hải” hằng trăm khoản luật phải giữ, nhưng Đức Giesu chỉ vắn tắt nhắn nhủ các Tông Đồ: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 12-13). 
 Yêu như Đức Giêsu đã yêu là tất cả “bộ luật” dành cho công dân Nước Trời, nói cách khác, yêu thương tha nhân là đòi hỏi để được sống đời đời trong Chúa, bởi “ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8), và “nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (1Ga 4,12). Tình yêu hoàn hảo là tình yêu đem đến sự sống đời đời, nên khi yêu mến anh em, chúng ta yêu mến Thiên Chúa và ở trong Thiên Chúa. Nhờ ở trong Thiên Chúa và có tình yêu Thiên Chúa, chúng ta có sự sống vĩnh cửu, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”, là “Sự Sống Lại và Sự Sống”.

4.   Tin Mừng mời gọi chúng ta đi theo và noi gương Đức Giêsu:
 Loan báo những gì Đức Giêsu đã nói và làm chưa đủ, nhưng còn phải trở thành môn đệ đi theo Ngài, bước trên những bước chân của Ngài. Đi theo và noi gương Đức Giêsu là đề nghị của Tin Mừng với mỗi người, như Đức Giêsu đã gọi các Tông Đồ ngày xưa bên biển hồ Galilê: “Anh em hãy theo tôi !” (Mt 4,19).
     Đi theo Đức Giêsu để được Ngài biến đổi, noi gương Đức Giêsu để được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, Thiên Chúa giầu lòng xót thương, mục tử nhân lành đến để cho Ềđàn chiên được sống và sống dồi dàoỂ (Ga 10,10).
     Vì thế, điều mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta trong Tin Mừng chính là bắt chước, noi gương Ngài: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15).

5.   Tin Mừng loan báo sứ điệp Phục Sinh của Đức Giêsu:
 Sứ điệp đầu tiên các Tông Đồ đã loan báo chính là sự sống lại của Đức Giêsu: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (1Cr 15, 3-4).
  Biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô là một phần của Tin Mừng, ở đó, Chúa Cha đã cho Con Một Ngài sống lại từ cõi chết để nhờ ơn cứu sống đến từ sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu Kitô, con người được chia sẻ quyền làm con Thiên Chúa với Đức Giêsu để có thể yêu như Đức Giêsu đã yêu; tha thứ như Đức Giêsu đã tha thứ; vượt qua thử thách, đau khổ như Đức Giêsu đã vượt qua; chết như Đức Giêsu đã chết, và được sống lại với Đức Giêsu phục  sinh, như thánh Phaolô đã viết cho môn đệ Timôtê: “Nếu ta cùng chết với Nguời, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta chịu khổ với Người, ta sẽ hiển trị với Người” (2Tm 11-12). 
  Qủa thực, Tin Mừng Phục Sinh không chỉ bảo đảm cho sự sống đời sau, mà còn là nền tảng của đức tin ở đời này. Thánh Phaolô đã trình bầy rất minh bạch điều này trong thư gửi giáo đoàn Côrintô:
 “Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Đức Kitô trỗi dậy, trong khi thực sự Người đã không cho Đức Kitô trỗi dậy, nếu qủa thật kẻ chết không trỗi dậy. Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Kitô cũng đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15, 13-19).
  Như thế, khi tin vào Tin Mừng, chúng ta tìm được đáp số cho tất cả vấn nạn liên quan đến cuộc đời, trong đó có câu hỏi về sự chết và đời sau luôn ám ảnh nặng nề và không ngừng đe dọa. Với Tin Mừng, chúng ta biết mình vào đời và làm người vì được Thiên Chúa yêu thương. Tình yêu thương trung tín ấy đồng hành với chúng ta qua  ngưỡng cửa vào đời sau, là sự chết. Tuy sự chết là hậu qủa đáng buồn của tội lỗi, nhưng nhờ sự chết và phục sinh của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, sự sống đời đời của chúng ta không mất đi, nhưng được bảo đảm bằng máu của Đức Giêsu, Đấng đã chết với chúng ta trong thân phận con người phải chết, để chúng ta được sống lại và sống đời đời với Ngài trong Vương Quốc của Thiên Chúa. Và để cuộc sống hôm nay trên cõi trần này được hài hoà tiếp nối bằng sự sống vĩnh cửu, Đức Giêsu muốn chúng ta đồng hành với Ngài trên con đường Hạnh Phúc Ngài đã vạch, con đường dẫn đến cuộc sống trường sinh, bất diệt bằng tín thác ở Ngài là Tình Yêu tuyệt đối, và noi gương Ngài yêu thương anh em như Ngài đã yêu thương.
 Sự sống đời sau, Thiên Đàng hay bất cứ sự tốt đẹp nào chúng ta mơ ước chiếm hữu sau khi chết cũng không gì bằng chính Thiên Chúa. Thiên Chúa chính là Gia Nghiệp, là Hạnh Phúc tuyệt đối, là Thiên Đàng tuyệt hảo, mà không sự gì có thể so sánh. Vì thế, hạnh phúc bất diệt trong thế giới bên kia sẽ không là gì khác hơn Thiên Chúa, Đấng chúng ta yêu mến, phụng sự ở đời này. Cũng một Thiên Chúa toàn năng và giầu lòng thương xót luôn đồng hành với chúng ta trên hành trình dương thế sẽ là Đấng đón chúng ta vào Vuơng Quốc dành cho những tâm hồn biết chạnh lòng và thực hiện lòng thương xót với anh em mình trong cuộc sống, bởi Thiên Chúa là Tình Yêu, nên duy nhất  với Tình Yêu, Ngài nhận ra những người thuộc về Ngài; duy nhất bằng Tình Yêu, Ngài phán xét, thưởng phạt trong ngày chung thẩm; duy nhất trong Tình Yêu, Ngài cho những ai có lòng xót thương cư ngụ trong nhà Cha Ngài (x. Phán Xét chung: Mt 25, 31- 46 và dụ ngôn người Samari nhân lành: Lc 10, 25-37).
 Tin vào Tin Mừng và sống những điều Tin Mừng đề nghị cũng là sắm sẵn cho mình hành trang đi vào đời sau, bởi duy nhất Tình Yêu là hành trang người chết có quyền mang theo khi vào thế giới bên kia; duy nhất lòng thương xót là công trạng có giá trị người chết có thể đệ trình Thiên Chúa; duy nhất  Yêu Thương là dấu chỉ Đức Giêsu sẽ nhận ra ai là môn đệ  của Ngài ở cửa đời sau, như  mọi người ở đời này chỉ có thể nhận ra ai là môn đệ Đức Giêsu khi họ yêu thương nhau (Ga 13,35). 
  Và như thế, tháng Mười Một sẽ không còn là tháng buồn ảm đạm với lá vàng rơi làm nhức nhối nỗi sợ chia ly, chết chóc; mùa thu sẽ không còn chìm sâu trong bóng tối trước tương lai mịt mù, vô vọng của phận người phải chết. Nhưng từ nay, tháng Mười Một là tháng Hiệp Thông của lòng thương xót, với các thánh cầu bầu, các linh hồn hy vọng, và người sống cầu thay nguyện giúp; tháng Mười Một cũng là tháng của nhớ thương, cầu nguyện, của ân tình đền đáp, và cũng tháng Mười Một, niềm hy vọng được sống lại với Đức Giêsu nâng tâm hồn lên cao để chiêm ngắm những sự trên Trời.
Vâng, có Đức Giêsu rảo bước đồng hành, có Tin Mừng Phục Sinh chiếu sáng, đường Emmau chiều thu hôm nao của hai môn đệ, cũng như đường đời hôm nay của mỗi người chúng ta không còn tăm tối, và nặng nề những bước chân sầu buồn, tuyệt vọng, nhưng  xôn xao, rạo rực một niềm vui khôn tả của những người được cứu độ và sẽ sống lại trong ngày Chúa đến. Alléluia !   
Jorathe Nắng Tím  


Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

Mừng Kính Thánh Simon và Giuđa Tông Đồ

Hai thánh Tông Đồ Simon và Giuđa, còn gọi là Tađêô là hai vị ít “nổi đình đám” bên cạnh các thánh Tông Đồ khác như Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan, Philipphê, Mátthêu, Tôma... Lý do là hai vị ít được nhắc đến trong Tin Mừng, ngoài một số đoạn như Mátthêu 10, 1- 4, Máccô 3, 13 -19, và Công Vụ các tông đồ 1,12 - 13, đặc biệt Tin Mừng Luca 6,12-17 :
“Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Đó là các ông Simôn, mà Người gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông ; sau đó là các ông Giacôbê, Gioan, Philípphê, Batôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Simôn biệt danh là Quá Khích, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Ítcariốt, người đã trở thành kẻ phản bội”.
Tin Mừng cho chúng ta thấy rõ bối cảnh chọn nhóm  Mừơi Hai: Đức Giêsu đã chọn các Tông Đồ sau một đêm dài  cầu nguyện trên núi, và Ngài đã chọn các Tông Đồ từ hàng ngũ những môn đệ đi theo Ngài. Trong số các Tông Đồ, hai vị được Giáo Hội mừng chung do chung sứ vụ và cùng chết ở Perse là thánh Simôn, biệt danh Simôn Qúa Khích, người làng Cana, nơi Đức Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên, và thánh Giuđa, anh em  với thánh Giacôbê hậu, còn có tên khác là Tađêô.
    Sở dĩ thánh Tông Đồ Simon mang biệt danh Qúa Khích, bởi ngài thuộc nhóm Zêlốt, nghiã là hăng say qúa đáng, sốt sắng qúa đà theo nguyên ngữ Do Thái : Zeloo, trước khi đi theo Đức Giêsu.
Như chúng ta biết, năm 63 trước Công Nguyên, tướng Pompée của quân đội đế quốc Rôma đã chiếm đóng Giêrusalem và thiết lập ách thống trị trên toàn vùng Palestina. Chính trong hoàn cảnh chính trị này, nhiều nhóm quốc gia, dân tộc đã thành hình với cùng mục đích đánh đuổi đế quốc Rôma và phục hồi độc lập dân tộc. Một trong những nhóm này là nhóm Zêlốt - Qúa Khích, chủ trương  giữ Lề Luật một cách cực đoan, qúa khích và dùng bạo lực để dành lại độc lập. Một điểm đặc biệt khác là tinh thần vị luật của nhóm này có nhiều điểm tương đồng với các người Pharisêu.
Năm 66 sau Công Nguyên, nhóm Qúa Khích đứng đầu bởi Giuđa người xứ Galilê đã kêu gọi toàn dân khởi nghiã chống chính quyền Rôma, khi người Rôma áp đặt “sưu cao thuế nặng” và mở rộng ách thống trị trên vùng Giuđêa. Phong trào Quá Khích đã ám sát nhiều người Rôma và những người Ítraen làm tay sai cho đế quốc, nhưng không đưa đến kết qủa nào, vì bị trấn áp rất tàn nhẫn bởi quân đội đế quốc, mà hậu qủa là thành Giêrsalem bị thất thủ và bị tàn phá năm 70 sau Công Nguyên. 
  
     Hai đoạn Tin Mừng sau đây giúp chúng ta phần nào thấy rõ bối cảnh xã hội thời Đức Giêsu với những mâu thuẫn chính trị :
1.    Vấn đề nộp thuế cho Xêda, hoàng đế Rôma :
   “Mấy người Pharisêu và mấy người thuộc phe Hêrôđê đến gặp Đức Giêsu và nói với Người : “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dậy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xêda hay không ? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp ? “Nhưng Đức Giêsu biết họ giả hình, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi ? Đem một đồng bạc cho tôi xem!” Họ liền đem cho Người. Người hỏi : “Hình và danh hiệu này là của ai đây ?” Họ đáp : “Của Xêda”. Đức Giêsu bảo họ : “Của Xêda, trả về Xêda ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Và họ hết sức ngạc nhiên về Người” (Mc 12,13-17).

2.  Vấn đề bạo lực:
  Khi đám Thượng Tế và Kỳ Mục vây bắt Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu, “một trong những kẻ theo Đức Giêsu liền vung tay tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế làm nó đứt tai. Đức Giêsu bảo người ấy : Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao ? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần! Nhưng như thế thì lời Kinh Thánh làm sao ứng nghiệm được ?” (Mt 26, 51-54).
Qủa thực, bầu khí chính trị những ngày cuối đời của Đức Giêsu thật ngột ngạt, nhưng Đức Giêsu đã không ủng hộ giải pháp bạo lực trước những mẫu thuẫn, trái lại, Ngài kêu gọi tinh thần hoà giải, bất bạo động khi nhắc nhở môn đệ của Ngài “xỏ gươm vào vỏ”.
Phần thánh Giuđa con ông Giacôbê, còn được gọi là Tađêô, ngài truyền giáo ở vùng Samari, Arabi, Syri và chết đóng đinh tại Perse cùng với thánh Simôn biệt danh Qúa Khích mà Giáo Hội cùng mừng kính vào ngày 28 tháng 10 hằng năm.
Khi suy nghĩ về Ơn Gọi làm Tông Đồ, chúng ta không thể bỏ qua yếu tố quyết định trong Ơn Gọi là chính Đức Giêsu kêu gọi người Ngài muốn. Do đó, Ơn gọi không đến từ con người, nhưng từ Thiên Chúa, và con người chỉ có thể đáp trả hay chối từ. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu luôn tỏ ra ý muốn của Ngài khi gọi ai đó đi theo Ngài. Ngài biểu lộ ý muốn tuyển chọn của Ngài và thực hiện ý muốn đó bằng một cử chỉ, thái độ, hoặc lời mời rất rõ ràng, chính xác, không thể nghi ngờ.
Thiên Chúa gọi những người Ngài muốn. Và Ngài muốn kêu gọi tất cả mọi người. Điều này không mẫu thuẫn, vì mỗi người được gọi vào một  vai trò, cho một sứ vụ, tuy khác nhau, nhưng cùng mục đích phục vụ Nước Trời.
Mừng kính hai thánh Tông Đồ Simon và Giuđa, chúng ta cầu nguyện cho các Giám Mục là những vị kế nhiệm các thánh Tông Đồ trong sứ vụ  “Rường Cột của Hội Thánh”. Nếu buổi ban đầu của Giáo Hội, các thánh Tông Đồ đã đổ máu vì yêu mến các giáo đoàn được trao phó, đã hiến mạng để “đàn chiên được sống và sống dồi dào”, thì mãi mãi  đến tận thế, các Giám Mục cũng không thể đi ra ngoài qũy đạo của Thánh Giá. Tuy không bị đóng đinh, chém đầu như các thánh Tông Đồ, trừ thánh Gioan, nhưng đời mục tử của các ngài là “cuộc tử nạn mỗi ngày hơn”, bởi không trái tim mục tử nào lại không biết mùi chiên, không nỗi đau nào của mục tử lại không gắn liền nỗi khổ của chiên, không sầu buồn nào của mục tử lại không dính chặt thân phận của chiên, không ngậm ngùi nào của mục tử lại không ôm chặt đời chiên ngiệt ngã, và không  lỡ bước, lầm đường, yếu đuối, tội lụy nào của chiên lại có thể vuột khỏi trái tim mục tử hay chạnh lòng xót thương.
Xin Chúa thương gìn giữ và đồng hành với Đức Thánh Cha và các Giám Mục, để đàn chiên là chúng con “chẳng phải sợ gì, cũng chẳng thiếu thốn chi trên  đồng cỏ xanh rì, có Chúa là Mục Tử”.
Jorathe Nắng Tím

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

Suy Niệm Tin Mừng CN 30: Mc 10, 46-52

 Trình thuật người mù thành Giêricô rất gần gũi hành trình đi tìm Thiên Chúa của mỗi người chúng ta. Đó là hành trình có nhiều giai đọan, nhiều chông gai, nhiều cản trở, nên đòi nhiều cố gắng, hy sinh, nhưng trước hết vẫn là lòng tín thác, trông cậy và trên hết vẫn là trái tim hay “chạnh lòng”  của Thiên Chúa giầu lòng xót thương.

1.    Lời cầu xin thương xót:
 Hành trình tìm gặp gỡ  Đức Giêsu của người hành khất  mù tên Bartimê bắt đầu bằng lời cầu : “ Xin thương xót  con !”
 Anh mù Bartimê chắc tiếng to và già hàm lắm, nên mới bị nhiều người quát tháo bảo im đi (Mc 10, 48), vì anh không mệt mỏi kêu gào : “Lậy Đức Giêsu, con vua Đavít, xin thương xót con ! ”. Tiếng kêu của anh đã làm nhiều người nhức óc, sốt ruột, khó chịu, bực bội. Họ bực anh làm át tiếng họ; họ khó chịu vì anh cắt ngang câu chuyện giữa họ và Đức Giêsu; họ sốt ruột vì cái giọng bi ai, thảm thiết, não nề của anh.  Nhưng hầu hết đều nhức óc, nhức đầu bởi tiếng kêu của anh mù này đã không can dự gì đến đời họ, khi họ mặc nhiên đồng ý với nhau: đã trót  mù rồi thì mù luôn đến chết cũng có sao đâu. Chẳng thế mà nhiều người đã  ngăn cản không cho anh đến gần Đức Giêsu đang khi anh rát họng nài xin lòng thương xót và quờ qụang, mò mẫm lại gần Đấng mà anh nghĩ sẽ chạnh lòng thương và cho anh được sáng mắt.
 Đường đến Thiên Chúa của ta có thể cũng đã bị ngăn cản cách này cách khác bởi nhiều người,  và cũng có thể chính ta đã quát tháo bảo im đi nhiều người đang tha thiết van xin lòng từ bi của Thiên Chúa. Nhưng bên cạnh những người quát tháo, nạt nộ, cấm cản ta đến với Chúa, khóc  với Chúa, kêu cầu Chúa, vẫn có những người đồng hành với ta trên đường tìm gặp Chúa đang thì thầm, nhắc nhở, động viên: “ Hãy vững lòng! Dậy đi! Ngài gọi anh đó ”(Mac 10, 49).
  Đám đông cùng đi có lòng tốt ấy chính là Giáo Hội, là đoàn thể những người cùng đi theo Đức Giêsu và làm chứng Đức Giêsu cho mọi người. Chúng ta hãy tin vào Giáo Hội, tin vào mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội để đừng bao giờ thất vọng nghĩ mình đơn  độc trên đường tìm gặp Chúa.

2.     Đáp trả của Thiên Chúa:
Đám đông hôm ấy đã đơn sơ nghĩ rằng: Đức Giêsu không chú ý, quan tâm gì đến tiếng kêu “xin thương xót” của người mù hành khất, và tất cả đã ngỡ ngàng khi “Ngài đứng lại và nói : “Gọi người ấy cho tôi! ” (Mc 10, 49). “Người ấy” tức người hành khất mù nãy giờ không ngớt kêu la : “Lậy Đức Giêsu, con vua Đavít, xin thương xót con! ”.
   Sự đáp trả của Thiên Chúa chính là gặp được chính Ngài là Nguồn Sống đích thực, Bình An viên mãn và ơn Cứu Độ đời đời. Người mù từ lâu khao khát được gặp Ngài, nay anh không chỉ được gặp, mà còn được chiêm ngưỡng dung  nhan thánh thiện, nhân từ của Ngài, khi Ngài mở mắt cho anh được thấy. Anh thấy Thiên Chúa trong Đức Giêsu và  hạnh phúc ngất ngây, khôn tả đã khiến anh “vất áo choàng một bên, nhẩy chồm dậy mà đến cùng Đức Giêsu” (Mc 10,54). 
   Như thế, Thiên Chúa luôn cần  thiện chí và cố gắng của chúng ta như bước  chân thứ nhất trên hành trình đến gặp Ngài. Người mù đã làm bước chân thứ nhất khi khao khát gặp Ngài biểu lộ qua tiếng kêu thống thiết : “Xin thương xót con ! ”. Anh đã kêu nhiều lần, rất nhiều lần, kêu to đến rát cổ, lạc giọng; kêu lớn đến độ làm phiền đám đông  và bị nhiều người đe loi, cấm cản. Nhưng khi bước chân thứ nhất của người mù hoàn thành, thì chính Đức Giêsu đi về phiá anh, bước tới tìm anh và lên tiếng gọi anh đến gần Ngài.
  Tuyệt vời thay hành trình của con người đi tìm Thiên Chúa bỗng chốc trở thành hành trình của Thiên Chúa đến với con người. Đức Giêsu đã tìm đến người mù khi bất ngờ đứng lại, gọi anh, nói với anh: “Con muốn Ta làm gì cho con ?” (Mc 10,51), rồi bảo anh : “Hãy đi, lòng tin của con đã cứu con” (Mc 10,52). Chỉ trong một vài phút ngắn ngủi, Ngài đã đi hết những bước chân dài còn lại trên hành trình của người mù đi gặp Ngài; chỉ một khoảnh khắc rất vắn vỏi Ngài đã làm thỏa mãn tất cả  ước mơ  và đáp trả trọn vẹn lời cầu xin của anh mù, khi cho anh được sáng mắt, được  thấy Ngài và được “theo Ngài  lên đường” (Mc 10,52).  
Qủa thực, Thiên Chúa không bỏ ngoài tai lời cầu xin của bất cứ ai, dù là những lời cầu xin đơn sơ, thô kệch,mộc mạc, kể cả nhức đầu, nhức óc, vì Ngài là Cha nhân hậu luôn thương xót con cái mình. Chân lý này cho phép chúng ta tín thác tuyệt đối ở Thiên Chúa khi cầu nguyện, dù lắm lúc tưởng  Chúa ngủ quên hay đã chết  thật rồi.
 Lậy Chúa, xin cho chúng con đức tin của anh Bartimê, người hành khất mù loà  thành Giêricô năm xưa, và giúp chúng con noi gương anh trên đường đi tìm Chúa, bởi ít nhiều chúng con đã cảm thấy thích giọng anh với điệp khúc cầu nguyện bất hủ : “ Lậy Chúa, xin thương xót con ! ”; thích cái lì của anh khi bất chấp đám đông “quát tháo bảo im đi” cứ kêu to hơn nữa;  thích phản ứng tràn đầy niềm vui phục sinh của anh khi “vất áo, nhảy chồm dậy mà đến với Đức Giêsu”; và điều chúng con thích nhất ở anh, chính là anh đã “theo Đức Giêsu lên đường”, sau khi được Ngài chữa lành đôi  mắt.
Jorathe Nắng Tím

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018

Truyền giáo là Phục Vụ mọi người như tôi tớ!

Suy Niệm Tin Mừng CN 29 TNB, Chúa Nhật Truyền Giáo : Mc 10, 35 - 45
 Tin Mừng Chúa Nhật Truyền Giáo chia thành hai phần với nội dung hoàn toàn trái ngược : phần nhất từ câu 35 đến câu 41 là câu chuyện hai tông đồ Gioan và Giacôbê quấn quýt, bám chặt Đức Giêsu để chạy chức, chạy quyền với lời van xin tha thiết : "Xin cho chúng con được ngồi, một người bên hữu, một người bên tả trong vinh quang của Thầy", và phần hai từ câu 41 đến 45 với giáo huấn của Đức Giêsu : Ai muốn làm lớn thì hãy trở nên tôi tớ, vì "Con Người không đến để được phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống mình làm giá chuộc tội thay cho nhiều người" (Mc 10,45).

1.   Sống đạo là truyền giáo :
Truyền giáo là căn tính của Giáo Hội, nên không có Giáo Hội, nếu không có Truyền Giáo, vì căn tính và sứ vụ của Giáo Hội là : "Hãy đi khắp thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu rỗi ..." (Mc 15,15-16).
Một cách cụ thể, truyền giáo là "loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến", điều mà mọi tín hữu đều long trọng xướng lên ở phút cao điểm của thánh lễ. Đây chính là lẽ sống, đường sống, và sinh hoạt của đời người Kitô hữu. Họ sống đạo khi loan truyền Đức Giêsu chịu đóng đinh, chết và sống lại. Họ trở thành người có Đạo một cách thiết thực, sống động và chính danh khi loan báo cho mọi người Thiên Chúa vì yêu thương con người đã làm người, chết cho con người và sống lại để con người được sống. Sống đạo và truyền đạo là một, vì chung một mục đích, chung một hoạt động. Vì thế sẽ không có tín hữu sống đạo mà không truyền giáo, cũng như không có nhà truyền giáo nào bị coi là không sống đạo. 
Từ chối bổn phận truyền giáo là không sống đạo ; phủ nhận trách nhiệm loan báo Đức Giêsu cho mọi người chung quanh là mặc nhiên chối đạo ; bỏ quên sứ mệnh "được sai đi" khi chịu bí tích thánh tẩy là đào ngũ, bởi loan báo Đức Giêsu, tuyên xưng Đức Giêsu, giới thiệu Đức Giêsu, dẫn người ta đến gặp Đức Giêsu, tạo điều kiện để Đức Giêsu ngự đến trong nhà người khác, chuẩn bị mảnh đất tâm hồn tha nhân để hạt giống Tin Mừng của Đức Giêsu được mọc lên tươi tốt là căn tính, điều kiện không thể thiếu để trở thành người có đạo, người sống đạo, người có Đức Giêsu.
Như thế, người Kitô hữu trước hết phải được sứ mệnh truyền giáo cuốn hút, bằng xác tín mãnh liệt : mình được sai đi qua bí tích Thánh tẩy. Có tin rằng mình được Thiên Chúa sai đi qua Giáo Hội, chúng ta mới tự tin và hăng hái lên đường truyền giáo. Sở dĩ nhiều người công giáo đã không tha thiết với sứ vụ truyền giáo là vì não trạng : truyền giáo là việc của các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chứ không phải việc của "con chiên, giáo dân". Chính não trạng này, cộng thêm não trạng  "giáo sĩ trị" đã làm hoang mang và chùn chân người giáo dân trong sứ vụ truyền giáo của mình.
Nhờ được sứ vụ truyền giáo cuốn hút, chúng ta sẽ nhận ra trách nhiệm của mình với thế giới, với mọi người chung quanh : trách nhiệm loan báo Tin Mừng để mọi người được hạnh phúc như chúng ta.
Chính trong trách nhiệm làm cho thế giới được hạnh phúc nhờ lãnh nhận Tin Mừng của Đức Giêsu, chúng ta nhận được niềm vui đích thực của Tin Mừng, niềm vui mà Thiên Chúa hứa ban cho những ai đi theo Ngài để làm chứng Thiên Chúa yêu thương và cứu độ mọi người.

2.   Truyền giáo là Phục Vụ :
Có lẽ, anh chị cũng như tôi, chúng ta đã có lần suy nghĩ và tự hỏi : Vẫn biết truyền giáo là loan báo Đức Giêsu làm người, đã chết và sống lại ; truyền giáo là giới thiệu Đức Giêsu - Thiên Chúa làm người cho mọi người, mọi nơi, mọi thời, nhưng cụ thể, chúng ta bắt đầu truyền giáo từ đâu, từ công việc nào ?
Quả thực, câu hỏi rất quan trọng và ít nhiều đã làm chúng ta băn khoăn. Trong Tin Mừng của ngày Truyền Giáo hôm nay, Đức Giêsu trả lời chúng ta rất rõ ràng, chính xác : Truyền giáo là Phục Vụ mọi người như tôi tớ.
Hai tông đồ Giacôbê và Gioan đã năn nỉ hai chỗ quan trọng trong vương quốc của Đức Giêsu, và cả hai đã nhận được câu trả lời : "Các ngươi biết : các kẻ được coi là thủ lĩnh các dân tộc thì làm chúa trên họ, và những người làm lớn thì bắt người khác phục quyền mình. Nhưng các ngươi thì không như thế ! Ai muốn làm lớn trong các ngươi thì hãy hầu hạ các ngươi, và ai muốn làm đầu các ngươi thì hãy làm tôi tớ mọi người" (Mc 10,42-44).
Đức Giêsu đã không ngần ngại làm vỡ mộng "quan lớn" của hai tông đồ, bằng đưa ra một đường lối hoàn toàn trái ngược : phục vụ mọi người như đầy tớ. Làm môn đệ, tông đồ, chứng nhân, người được sai đi loan báo Tin Mừng của Ngài sẽ không cai trị ai, không bắt ai phục dịch, hầu hạ mình, càng không đàn áp, khống chế, bóc lột ai vì tư lợi, nhưng tự nguyện trở nên tôi tớ để phục vụ mọi người. Từ đây, tông đồ không còn nuôi giấc mộng bá quyền, cai trị, nhưng chỉ còn một thách đố trước mắt là qùy xuống rửa chân cho mọi người như tôi tớ ; nhà truyền giáo không còn lên đường với não trạng "kẻ cả, người trên" bố thí Tin Mừng, nhưng là loan báo Tin Mừng bằng phục vụ mọi người như người anh em hèn mọn ; người được chọn lãnh đạo trong Giáo Hội cũng không còn tơ vương làm vua làm chúa, nhưng biết mình được chọn để trở nên "đồng hình đồng dạng" với Đấng đến trong thế gian để "phục vụ chứ không phải để được phục vụ, đến để  hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc nhiều người".
Đức Giêsu đã đưa ra một nguyên tắc truyền giáo : Phục Vụ ; đã chỉ cho chúng ta một phương án truyền giáo : Phục Vụ ; đã dậy chúng ta một bài học truyền giáo : Phục Vụ bằng quả quyết sứ mệnh của Ngài là Phục Vụ : "Con Người không đến để được phục vụ, nhưng là để phục vụ" (Mc 10,45).
Không còn gì chính xác hơn lời qủa quyết này, vì nếu sứ vụ cuả Đức Giêsu, Đấng đến trong thế giới để loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện bằng Phục Vụ mọi người, bằng qùy xuống rửa chân môn đệ mình như đầy tớ, thì những người khác được Ngài sai đi tiếp nối sứ vụ loan báo Tin Mừng sẽ không thể làm khác, nghiã là không thể né tránh đòi hỏi Phục Vụ, không thể khước từ lời mời gọi Phục Vụ, không thể khấu trừ điều kiện Phục Vụ. Trái lại, không phục vụ sẽ không thể loan truyền Đức Giêsu chịu chết cho ai, không phục vụ sẽ không có cách tuyên xưng Đức Giêsu sống lại cho người nào, không phục vụ sẽ vô phương làm chứng Đức Giêsu - Thiên Chúa làm người, chết cho con người vì yêu thương con người.
Phục Vụ từ nay không còn là việc làm có cũng được, không có cũng chẳng sao, nhưng là điều kiện mang tính quyết định thành bại trong đời sống đạo, cũng như trong công cuộc truyền giáo. Thiếu phục vụ, không ai tin lời chứng của chứng nhân ; không phục vụ, tiếng nói của nhà truyền giáo không thuyết phục ; bỏ quên phục vụ, dung mạo đích thực của Đức Giêsu sẽ không chỉ bị bóp méo, bôi nhọ, xấu xí, dị hợm, mà còn biến dạng thành kinh tởm, đe doạ, đáng ghét trên môi miệng người được sai đi.
Ước gì Lời Chúa đang mời gọi chúng ta lên đường truyền giáo bằng cúi xuống phục vụ mọi người như tôi tớ, loan báo Nước Thiên Chúa bằng qùy xuống rửa chân cho anh em như đầy tớ hèn mọn, giới thiệu Đức Giêsu là Tình Yêu thương xót và Tin Mừng Cứu Độ bằng hiến mạng sống cho hạnh phúc của anh em được thực hiện ngay hôm nay bằng một việc làm cụ thể : phục vụ một người gần nhất đang cần sự giúp đỡ của chúng ta.
Jorathe Nắng Tím