Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

ĐÁM TANG NGƯỜI BẠN KHÔNG CÙNG ĐẠO

Tôi có nhiều bạn ngoài Kitô giáo và một số đã qua đời. Trừ một vài đám tang không thể đến dự vì đang ở qúa xa, còn hầu hết đám tang các bạn không cùng đạo, tôi đều có mặt với  luyến tiếc, nhớ thương  sâu sa của tình bạn.
Đám tang mới nhất là đám tang chị Mai. Tôi quen gia đình chị đã gần bốn mươi năm. Chúng tôi là bạn thâm giao, nên bạn tôi là bạn chị, bạn chị cũng là bạn tôi : lương giáo tương giao vui vẻ, đề huề. Hạnh phúc mà người bạn Công Giáo đem đến cho gia đình chị, mà chị vẫn nhắc hoài là dịp Đức Cha Ba Ba-tô-lô-mê-ô Nguyễn Sơn Lâm ghé thăm và cùng gia đình chị đi chơi Futuroscope ở Poitiers, và anh chị từ Limoges lên Paris thăm Đức Cha lần chót ở bệnh viện Georges Pompidou trước khi ngài về lại Thanh Hoá và qua đời, cũng như kỷ niệm mãi không quên cùng nâng ly với Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống trên đường hành hương Đức Mẹ Lộ Đức.
 Buổi tối canh thức bên quan tài chị, tôi cũng nhớ những người bạn không cùng đạo đã ra đi : có những bạn vong niên như bác sĩ Trương Quang Nhơn, không tôn giáo, thâm niên đảng viên cộng sản, người từng chăm sóc nhiều giám mục, linh mục, mà có  lần đã chia sẻ với tôi về niềm tin và kết luận : “Tôi không thờ Thiên Chúa, nhưng tôi sống phục vụ mọi người và không gian tham, hối lộ, cũng chẳng  đàn áp, bóc lột ai, nên tôi nghĩ : nếu có thiên đàng, thì sau này tôi sẽ ở  trên đó” ; bên cạnh là những người bạn cùng tuổi tôi như anh Hội, con người của mọi ngừơi, lúc nào cũng năng nổ “giúp đỡ, làm ơn” đến quên đón con ở trường, nên thường xuyên bị chị nhà trách móc, giận dỗi, nhưng rồi “chứng nào tật nấy” đến chết cũng không bỏ được đam mê “ăn cơm nhà, vác ngà voi hàng tổng” ; cũng có những người em lương giáo, hoặc không tôn giáo đã vội về bên kia thế giới và mãi mãi tôi không quên  những đức tính cao đẹp, những đặc điểm dễ thương, và sâu sắc những ấn tượng thiện tâm, nhân ái.
Trước giờ tiễn đưa chị Mai đến nhà hoả táng, thân nhân, bạn hữu, đồng nghiệp, và đồng hương Việt Nam chật kín “sảnh đường Thương Tiếc”, ở đó mỗi người tự do chia sẻ tâm tình với người qúa cố.
Cháu Hoài Nam, con gái lớn nghẹn ngào nói với mẹ và về mẹ. Cháu nức nở từng chữ : “Mẹ con là người mẹ tuyệt vời, người chị tuyệt vời, người dì tuyệt vời…”. Cháu còn muốn nói thêm nhiều “tuyệt vời” khác của mẹ, nhưng khóc qúa, nói không được… Tiếp theo là những đồng nghiệp ở trường, phụ huynh học sinh, cả ông gác cổng người Ả Rập cũng xin được nói mấy lời ngưỡng mộ, thương tiếc một con người dễ thương, hiền hậu, chịu đựng, bao dung, chí tình và lạc quan, yêu đời.      
Trên đường về nhà, mải mê trong ký ức về những người bạn không cùng đạo đã qua đời, tôi miên man suy tư về ơn cứu độ.
1.     Tôi thấy các bạn ngoài Kitô giáo của tôi đã sống tinh thần Bát Phúc một cách đơn sơ, hồn nhiên. 
Các bạn tôi không ai ngỏ ý tìm hiểu đạo, cũng chẳng ai tỏ ý muốn theo đạo, nên chắc chắn không ai biết Bát Phúc là gì, thế mà không người nào trong họ đã không chọn cho mình ba, bốn mối Phúc để sống, và họ đã sống triệt để những mối Phúc thánh thiện ấy đến ngày phải từ giã cõi đời.
Có người như anh bác sĩ Nguyễn Mạnh Phan kiên quyết bảo vệ nguyên tắc : đã là người thì phải sống nhân ái, không nhân ái, không được gọi là người, nên suốt đời tận tụy vì bệnh nhân, khám bệnh cho người nghèo không lấy tiền, và luôn đề cao lòng thương cảm, từ bi, bác ái ; người khác như chị Thu Hà thì say mê tinh thần buông bỏ, và tin “xác phàm có một tương lai đời đời”, bởi con người mang dấu ấn của thần linh, nên không thể chỉ là vật chất ; nhiều bạn khác rơi vào những mối Phúc khác như yêu chuộng hoà bình, xây dựng bình an, “dĩ hoà vi qúy”, “một sự nhịn bằng chín sự lành”, nên say sưa chuyện cho “chìm xuồng” những lời vu khống hồ đồ, thị phi không căn cứ, và say mê hoà giải người này với người nọ, thu xếp, lo liệu để người này làm hoà với người kia, và hạnh phúc của những bạn “có tâm hồn hoà bình” này là thấy hôn nhân của bạn bè được hàn gắn, gia đình thiên hạ thôi xào xáo, lục đục, chỗ làm thôi căng thẳng chuyện đấu đá, tranh giành.
Tóm lại, tôi thấy trong các bạn không cùng đạo của tôi, ai cũng “ăn ngay ở lành”, sống có tâm, có đức, và vượt xa tôi ở số lượng các mối “Bát Phúc”, dù không ai trong họ biết đó là Hiến Chương Nước Trời đã được chính Đức Giêsu công bố, mà  người Kitô hữu chúng tôi phải thực hiện. Điều đáng nói ở đây là hầu như tất cả những người xin tạm gọi là “ngoại đạo” mà tôi thân quen đều hiền lành, khiêm nhường, nhẫn nại, không than trách, thất vọng trước nghịch cảnh, nhưng lạc quan tin vào tương lai được bảo đảm bởi một Đấng Thiêng Liêng nào đó chưa gọi được tên, hay không muốn gọi tên, vì lý do nào chưa được nói ra.
Họ có nhiều cơ duyên gần gũi với tinh thần của Hiến Chương Nước Trời, và hồn nhiên, hạnh phúc sống những điều khoản của Hiến Chương ấy.
2.     Họ là những nguời thiện tâm được Thiên Chúa chúc phúc :
Không biết Đức Giêsu, nhưng hồn nhiên, hạnh phúc sống giáo lý cứu độ của Đức Giêsu, ắt hẳn họ phải  là những người được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, bởi không có gì liên quan đến Đức Giêsu mà vắng bóng Chúa Thánh Thần. Vậy những người được Thánh Thần hướng dẫn, dù chưa biết, nên chưa tin Đức Giêsu là Thiên Chúa sẽ được đứng vào hàng ngũ nào ?
Thưa, họ là những người thiện tâm và đứng chung hàng ngũ những người được Thiên Chúa yêu thương, chúc phúc, vì họ đáp ứng đòi hỏi của Tin Mừng và xứng đáng nhận những gì Thiên Chúa hứa ban.
Khi hứa hạnh phúc Nước Trời cho những ai có tinh thần nghèo khó, buông bỏ mình vì tha nhân ; hứa phần thưởng lớn lao trên thiên đàng cho ai khát khao đời sống ngay lành, công chính ; hứa cho nhìn thấy Thiên Chúa những tâm hồn trong sạch ; hứa thương xót những người có lòng xót thương anh em khốn khó, cơ cùng, sa cơ, lầm lạc ; hứa ủi an những ai sầu khổ, thiệt thòi vì yêu thương ; hứa nhận làm con những ai yêu mến, xây dựng hòa bình, và hứa “Vương Quốc Nước Trời được dành sẵn từ tạo thiên lập địa” cho những ai thương xót và sẻ chia với những người bé nhỏ, hèn mọn đang đói ăn thiếu mặc, thất học, tật nguyền, đau yếu, lang thang không nhà không cửa, bị tẩy chay, xa lánh, áp bức, tù đầy, Đức Giêsu đã không đóng cửa Nước Trời, hoặc chỉ mở vừa đủ cho người có đạo, nhưng cho hết mọi người thiện tâm, như các thiên thần trong đêm Giáng Sinh đã vui mừng công bố : “Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2,14).
Vì người thiện tâm là người làm điều thiện như lương tâm hướng dẫn, nên ai sống “tâm ngay lành, hướng thiện” sẽ là người được Thiên Chúa thương ; vì thiện tâm là tâm vị tha, nhân ái, nên ai biết chạnh lòng  cảm thương, rộng lòng tha thứ, mở lòng thi ân, hết lòng phục vụ người khác sẽ là người được Thiên Chúa cứu độ ; vì thiện tâm là tâm hồn thao thức tìm kiếm và sẵn sàng đón nhận Chân Thiện Mỹ tuyệt đối, nên người thiện tâm thuộc về Thiên Chúa và được Thiên Chúa dẫn dắt họ đến gặp Ngài trên nẻo đường Ngài muốn, ở thời điểm Ngài định.
3.     Họ là những người đã được Đức Giêsu nói đến với tất cả  ngưỡng mộ và yêu thương trìu mến trong Tin Mừng :
Trong Tin Mừng, không phải một lần, nhưng nhiều lần Đức Giêsu đã công khai tuyên dương đức tin của những người ngoài đạo. Họ là người đàn bà ngoại đạo xứ Canaan đã kiên nhẫn van xin Ngài chữa con gái bà bị qủy ám. Dù thái độ và câu trả lời của Đức Giêsu rất tiêu cực, nhưng bà vẫn một mực vững tin và kiên trì nài nỉ, để rồi chính Đức Giêsu phải lên tiếng : “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được như vậy. Từ giờ đó, con gái bà được khỏi” (Mt 15,28) ; họ là viên sĩ quan đại đội trưởng không cùng tôn giáo với Đức Giêsu, và cũng không thuộc về tôn giáo mới của Ngài nhưng đã tin và xin Ngài chữa cho đầy tớ của mình được khỏi với tâm tình khiêm tốn tuyệt vời : “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng đón tiếp Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8,8), và Đức Giêsu đã tuyên dương đức tin của ông : “Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế !” (Mt 8,11), và bảo ông : “Ông cứ về đi ! Ông tin thế nào thì được như vậy ! Và ngay giờ đó, người đầy tớ ông được khỏi bệnh” (Mt 8,13).
Lời ca ngợi đức tin nơi người ngoại đạo của Đức Giêsu có thể làm chúng ta, những người  Kitô hữu thuộc diện “đạo gốc, đạo dòng” chột dạ, và khó chịu, nhưng Đức Giêsu đã không chỉ dừng lại ở lời khen, và thái độ ngưỡng mộ đức tin của anh chị em ngoại đạo, mà đi xa hơn, khi cảnh cáo chúng ta, những người có đạo nguy cơ lọt ra khỏi Nước Trời, nếu không thận trọng, như đã nghiêm nghị nói thẳng với những người đồng đạo Do Thái với Ngài : “Tôi nói cho các ông hay : Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị  quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 8, 11-12).
Họ còn là những người như Nicôđêmô, tuy không công khai là môn đệ của Đức Giêsu, nhưng đã ở trong trái tim Ngài, vì là những người thiện tâm, khao khát Chân Thiện Mỹ khi kín đáo đến gặp Đức Giêsu ban đêm và bầy tỏ tâm sự : “Thưa Thầy, chúng tôi biết : Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Qủa vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Cha không ở cùng người ấy” (Ga 3,2). Cũng chính ông, cùng với một người khác cũng ẩn danh, kín đáo ngưỡng mộ  Đức Giêsu tên là Giuse làng Arimathia đã xin được tháo xác, lo liệu tẩm liệm, “rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ” (Lc 23,53).
Vâng, mỗi lần tiễn đưa người anh em, chị em không cùng đạo về bên kia thế giới, tôi thấy lòng dạt dào một niềm tin yêu, trông cậy ở Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ rất bao dung, nhân hậu, Đấng đến và “đi tìm cho kỳ được” (x. Lc 15,4.8) tất cả những con cái thiện tâm của Ngài, và sâu thẳm trong tâm hồn, tôi nghe văng vẳng tiếng hát các thiên thần : “Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2,14 , tiếng Đức Giêsu công bố “Tám Mối Phúc Thật” (Mt 5,3-12), và phán quyết hoàn toàn dựa trên lòng Nhân Ái ngày chung thẩm (Mt 25,31-46)… Cũng trong sâu lắng tận đáy hồn, tôi nghe lòng tràn đầy niềm vui ơn Thương Xót trên những người bạn không cùng đạo đã sống một đời Nhân Ái của người Thiện Tâm được Thiên Chúa hứa yêu thương, chúc phúc.
Jorathe Nắng Tím   

TÔN VINH MẸ LA VANG - NỮ VƯƠNG CÁC GIÁO HỮU VIỆT NAM



Suy Niệm 7 : ĐỨC MARIA, MẸ CỦA SỰ SỐNG MỚI
Ngay buổi đầu Tạo Dựng, Thiên Chúa đã ban cho con người sự sống vĩnh cửu, nghiã là con người sẽ không phải chết, như án lệnh con người sẽ phải nhận, sau khi phạm tội : “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19). Đây là án lệnh mà chính Thiên Chúa cũng không ngờ, vì tự do của con người đã làm đảo lộn tất cả chương trình tạo dựng vốn rất tốt đẹp của Ngài, để sự sống từ nay bị rút lại, không còn bất tử, nhưng có thời hạn, đời sống từ bây giờ trở nên gai góc, vất vả, cực nhọc, phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt (x.St 3,16-19). Thế là con người Ađam và Evà mất thiên đàng sự sống, và mất đời sống thiên đàng 
Nhưng chính trong tình cảnh mất mát tang thương vì không tín thác và vâng lời này, Thiên Chúa đã thương ban một Lời Hứa mới mang đến cho con người hy vọng được cứu sống, khi phán với Con Rắn, đứa đã lừa dối Evà : “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy ; dòng giống đó sẽ đạp giập đầu mi, và mi sẽ cắn gót chân người” (St 3,15).
Evà đích thực là “Mẹ của sự sống” nhưng đã làm mất sự sống vì bất tuân phục Đấng là Sự Sống đã ban sự sống vĩnh cửu, và hạnh phúc cho con người, và để thực hiện Lời Hứa cứu độ, tức ban lại sư sống vĩnh cửu và hạnh phúc đã mất đó, Thiên Chúa đã chọn Đức Maria là “người đàn bà sẽ có mối thù với Thần Dữ là Rắn, sẽ đạp giập đầu Rắn”, bởi người Đàn Bà này chính là Evà mới được chọn thay cho Evà cũ.
Các thánh giáo phụ như Justinô, Tertulinô, Irênê đều đồng thanh dành cho Đức Maria danh hiệu và vinh dự Evà mới thay cho Evà cũ, như thánh Phaolô đã qủa quyết Đức Giêsu là Ađam mới thay cho Ađam cũ : “Ađam là hình ảnh Đấng sẽ tới” (Rm 5,14), Đấng ấy là Đức Giêsu Kitô mà Thiên Chúa đã sai đến để “vì một người sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghiã là được sống. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,18-19).  
Như thế, Đức Maria là Evà mới, tức “Mẹ của sự sống mới”, người đã sinh ra Đức Giêsu, Đấng ban sự sống mới cho nhân loại, sự sống đời đời và hạnh phúc, mà nguyên tổ đã làm mất vì bất tuân phục Thiên Chúa là nguyên ủy của sự sống. Thánh Gioan tông đồ đã thấy “một điềm lớn xuất hiện trên trời : một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con” (Kh 12,1-2). “Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người” (Kh 12,5).
Là Evà mới, Mẹ của sự sống mới, Đức Maria đã toàn tâm toàn ý vâng phục Thiên Chúa là Đấng ban sự sống, vì Mẹ ý thức : khi con người tự ý tách mình ra khỏi Thiên Chúa là nguyên ủy của sự sống, con người sẽ phải chết, như cành cây tự lià khỏi thân cây sẽ “khô héo và bị quăng vào lửa cho cháy đi” (Ga 15,6) ; cũng như thụ tạo chống cưỡng lại công trình tạo dựng đã được an bài tốt đẹp, và hoàn hảo của Đấng Chủ Tạo sẽ không thể tồn tại và phát triển.
Là Evà mới, Mẹ của sự sống mới, Đức Maria đã luôn có Thiên Chúa với mình, trong từng giây phút của đời sống, ở mọi hoàn cảnh, tình huống của cuộc sống, và Mẹ đã hết mình, hết tình, hết cuộc đời yêu mến và phung sự Đức Giêsu, Thiên Chúa của sự sống.
Là Evà mới, Mẹ của sự sống mới, Đức Maria đã trân qúy sự sống, hân hoan vui mừng khi sự sống mới được ban và “vội vã lên đường” vượt núi đồi hiểm trở đến thăm bà chị họ Êlisabét, khi biết bà có thai được sáu tháng ở tuổi già (x. Lc 1,39-45) ; cũng như cấp tốc cùng thánh Giuse đem Đức Giêsu trốn sang Ai Cập trước lệnh truy lùng ráo riết của vua Hêrôđê (x. Mt 2,13-18), để bảo vệ sự sống.
Là Evà mới, Mẹ của sự sống mới, Đức Maria đã có mặt để chia sẻ với Đức Giêsu đường Thánh Giá, trên đó bạo lực của tội lỗi đã đe dọa, hành hạ, giập vùi, giết chết sự sống, và ở cuối đường, dưới chân Thánh Giá, Mẹ đã ôm lấy thân xác đẫm máu, bầm tím của Đấng là sự sống đã tự nguyện chết để chuộc lại sự sống đã mất cho con người.
Là Evà mới, Mẹ của sự sống mới, Đức Maria đã đón nhận Gioan, người môn đệ được Chúa yêu, đai diện cho muôn muôn thế hệ được trở nên “công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giêsu Kiô, Chúa chúng ta” (Rm 5,21).
Qủa thực, vì là Evà mới, Mẹ của sự sống, mẹ của Đức Giêsu, Nguồn Sống mới, Đức Maria, hơn ai hết, hiểu rõ giá trị của sự sống : quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa, món quà từ trái tim và bàn tay của Đấng Chủ Tạo, mà thụ tạo là con người không có quyền coi thường, vứt bỏ. Là Mẹ của sự sống, Đức Maria hiểu hơn ai hết nỗi lo lắng của người mẹ nghèo không tiền lo cho con, nỗi nhục nhằn của người đàn bà không chồng mà có thai, nỗi lo sợ của thiếu nữ lỡ bước trước những thị phi, dị nghị, lên án của gia đình, xã hội. Là mẹ của sự sống, Đức Maria xót thương những em bé vừa sinh ra đã bị bỏ trong thùng rác, giữa sân chùa, trước bệnh viện, bên nhà thờ, nhà xứ, và đau đớn nhìn những người mẹ bất hạnh thất thểu bước đi như  người điên, vì đã phải làm những điều ngược lương tri đối với chính con mình. Là mẹ của sự sống, Đức Maria hơn ai hết xót thương những sự sống đang bị đe dọa vì lòng người gian ác, bị thủ tiêu bởi những bàn tay đẫm máu hận thù, bị tra tấn do lòng người đã trở nên vô cảm, hung hãn, dã man, bị hãm hại đến tàn hơi, kiệt sức bởi tham vọng vô độ, bị đầu độc đến phải chết để bảo đảm bí mật bất chính, bất công của kẻ quyền thế. Là mẹ của sự sống, Đức Maria đau buồn khi con người thi nhau tàn phá thiên nhiên là môi trường sống phải được bảo vệ.
Qủa thế, giữa một xã hội mà sự sống ngày càng mất giá khi hở ra là đâm chém, sơ ý nói lời làm phật lòng là phi dao, xả súng, xiết cổ, đốt sống, tạt axít thì chuyện phá thai, bỏ con, đánh con, bán con, bóc lột sức lao động “non trẻ, yếu đuối” của con, kể cả cưỡng chế con để lạm dụng tình dục tất nhiên trở thành chuyện nhỏ, chuyện nội bộ gia đình, chuyện giải quyết trong nhà với nhau, chuyện “không có gì phải ầm ĩ”, khi nạn nhân đi khai báo.       
Sở dĩ nhiều người không còn cho sự sống là giá trị không thể để mất, vì họ hoàn toàn mất ý thức sự sống là quà tặng của Thiên Chúa, Đấng là nguyên ủy của sự sống và là chính Sự Sống, cũng như không còn tin Thiên Chúa làm chủ toàn thể sự sống, và là Đấng nắm giữ quyền sinh tử của mọi loài.
Vì không còn tin có Đấng ban sự sống, gìn giữ sự sống, chăm nom sự sống và bảo đảm sự sống hạnh phúc và vĩnh cửu, mà con người rơi vào tình trạng không trân qúy chính sự sống của mình, và coi thường sự sống của người khác. Đó là lý do người ta không ngại hủy hoại  sự sống của bản thân bằng tự tử, và chà đạp, xúc phạm, làm tổn thương, tiêu diệt sự sống của người khác.
Vì không tin Thiên Chúa độc quyền trên sự sống, và Ngài trân qúy từng sự sống của bất cứ ai, dù bé nhỏ như bào thai, hay già nua, yếu đuối như cụ già sắp đến ngày “trăm tuổi”, mà người ta lạnh lùng tàn sát hàng loạt, tàn nhẫn thảm sát hằng trăm, hằng ngàn nhân mạng mà không gớm tay, rùng mình.
Vì không chân nhận uy quyền tối thượng của Thiên Chúa trên sự sống con người, nên người ta tự cho mình quyền sinh sát đồng loại, quyền từ chối quyền sống đối với  nhóm này, đám kia, mà quên rằng chính họ cũng không thoát khỏi quyền sinh tử duy nhất thuộc về Đấng đã cho con người được sống.
Lạy Mẹ Maria, Evà mới, Mẹ của sự sống mới !
Xin dạy chúng con biết giá trị của sự sống để hy vọng vào sự sống, dù đời sống có vất vả trăm chiều, có nổi trôi ngàn vạn thử thách ; xin chỉ bảo chúng con : không trân qúy sự sống, chúng con không thể gặp được Đức Giêsu, “Đấng là Sự Sống” (Ga 14,6 ), Đấng cho con người được “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10) ; xin giáo dục chúng con trở nên những chứng nhân của Thiên Chúa là Sự Sống và những quân binh can trường bảo vệ sự sống, bởi không yêu mến và hoạt động cho sự sống, chúng con không thể sống sự sống của Đức Giêsu (Gl 2,20) ; xin luôn nhắc nhớ chúng con chân lý : “Hạnh phúc của con người sống, chính là vinh quang của Thiên Chúa”, để đường nên thánh của mỗi người chúng con phải được bắt đầu từ lòng yêu mến sự sống và mưu tìm hạnh phúc cho đời sống của tha nhân ;  xin Mẹ thương đồng hành với chúng con trên đường của sự sống, để từng giây phút trong cuộc sống, chúng con biết dâng lời cảm ta vì đã được Chúa ban sự sống, được sống hôm nay, trong thế giới này với niềm hy vọng ở Mẹ là Nguồn Hy Vọng của Sự Sống, bởi thiếu Mẹ là Nguồn Hy Vọng của Sự Sống, chúng con sẽ có khi sợ cuộc sống, chán chường đời sống, ngao ngán những người chúng con phải sống với ; vắng bóng Mẹ là Nguồn Hy Vọng của Sự Sống, có lúc chúng con sẽ não nề thất vọng, rồi tuyệt vọng buông xuôi, khi đường sống bị thiên hạ cắt ngang, bịt kín, bị ác nhân rình rập theo dõi, đe dọa, phong toả, quậy phá, cấm vận.            
Va sau hết, chúng con xin Mẹ là Evà mới, Mẹ của sự sống mới làm mới đời sống chúng con, đổi mới qủa tim chúng con, để chúng con sống yêu đời, sống yêu người, sống vì hạnh phúc của mọi người đang cùng sống, bởi có Mẹ trong cuộc sống, chúng con biết sống yêu Chúa, sống trong Chúa, sống với Chúa, để mai ngày được sống lại trong sự sống mới vĩnh cửu, hạnh phúc Chúa hứa ban.
Jorathe Nắng Tím


TÔN VINH MẸ LA VANG, NỮ VƯƠNG CÁC GIÁO HỮU VIỆT NAM



Suy Niệm 6 : ĐỨC MARIA ĐỒNG HÀNH VỚI GIÁO HỘI
Đức Maria không chỉ là ái nữ yêu dấu của Chúa Cha, Mẹ của Đức Giêsu, Bạn của Chúa Thánh Thần, Mẹ còn là Mẹ Giáo Hội, nên luôn có mặt, đồng hành với Giáo Hội trong mọi hoàn cảnh, tình huống thăng trầm của Giáo Hội ở mọi nơi, mọi thời.
1.   Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, vì là Mẹ Đức Giêsu :
Lời Hứa cứu độ của Thiên Chúa sau khi tổ tông phạm tội, khi tuyên án Rắn độc là Thần Dữ : “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người nữ, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy, dòng giống đó sẽ đạp giập đầu mi, và mi sẽ cắn gót chân người” (St 3,15), mà ngôn sứ Isaia đã loan báo cho Israel : “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, tên Nguời là Emmanuel” (Is 7,14) đã được thực hiện tại Bêlem khi Đức Maria hạ sinh Đức Giêsu, “lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,7).
Là Mẹ Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đức Maria cũng là Mẹ của Giáo Hội do Đức Giêsu đã lập nên, vì hơn ai hết, Mẹ có Chúa Giêsu, cưu mang và sinh ra Đức Giêsu, mà Giáo Hội là hiền thê yêu dấu của Đức Giêsu, Con Mẹ, nên không lẽ nào Mẹ không yêu Giáo Hội và không hiến mình vì Giáo Hội như tình yêu của Đức Giêsu, Con Mẹ dành cho Giáo Hội, tình yêu mà thánh Phaolô đã diễn tả rất tuyệt vời khi răn dậy gia đình sống đạo : “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh ; như vậy Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5, 25-27).
Qủa thực, ngay từ những thế kỷ đầu của lịch sử Giáo Hội, Đức Maria đã được tôn kính như Mẹ của các tín hữu, tức Mẹ của các chi thể thuộc Thân Thể mầu nhiệm là Giáo Hội, đặc biệt sau này có thánh Augustinô và Grignon de Montfort là những vị đã nhiệt thành cổ súy lòng sùng kính Đức Maria, Mẹ các tín hữu, và công đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế “Ánh Sáng muôn dân - Lumen Gentium” đã long trọng công bố vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm Cứu Độ, như Mẹ của các tín hữu, Mẹ của Giáo Hội.
Thực vậy, là Mẹ Đức Giêsu, tức Mẹ Thiên Chúa như công đồng Ephêsô năm 431 đã tuyên tín, Đức Maria đương nhiên là Mẹ Giáo Hội, vì Giáo Hội là Đức Giêsu. Cũng vì thế, Đức Maria yêu Giáo Hội như yêu Đức Giêsu, và như Đức Giêsu yêu Giáo Hội, vì Giáo Hội và Đức Giêsu là một, cả hai gắn bó thiết thân đến nỗi không gì có thể ngăn cách, phân ly, và “mầu nhiệm này thật cao cả !” (Ep 5,32) như thanh Phaolô đã hạnh phúc thốt lên.
2.   Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, vì là Mẹ các Tông Đồ :
Tuy Tin Mừng không nói nhiều về sự có mặt như một người Mẹ của Đức Maria giữa Nhóm Mười Hai, nhưng ngữ cảnh của Tin Mừng cho phép chúng ta nhận ra vai trò làm Mẹ của Đức Maria đối với các tông đồ.
Trước hết ở tiệc cưới Cana : đây là phép lạ đầu tiên Đức Giêsu đã làm do sự can thiệp trực tiếp của Đức Maria để “bầy tỏ vinh quang  của Người” và “các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11). “Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu, Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự” (Ga 2,1).
Thánh sử Gioan đã cố ý đặt Đức Maria hàng đầu, sau đó mới đến Đức Giêsu, và sau cùng là các môn đệ, để nói lên vai trò quan trọng làm Mẹ Đức Giêsu và Mẹ các môn đệ của Đức Maria trong lần ra mắt đông đủ này. Sở dĩ lần ra mắt này được coi là đông đủ và quan trọng, vì được đánh dấu bằng phép lạ đầu tiên, không những để các môn đệ tin, mà còn cho nhiều người khác tin Đức Giêsu, Con Đức Maria là Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa thật, Đấng được Thiên Chúa sai đến trong thế gian. 
Tin Mừng còn ghi thêm : “Sau đó, Người cùng thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Caphácnaum và ở lại đó ít ngày” (Ga 2,12).
Tiệc cưới Cana đã trở thành điểm nhấn quan trọng của hành trình truyền giáo, vì từ bây giờ : các môn đệ mới thực sự tin Đức Giêsu là Đấng phải đến, sau khi tận mắt thấy phép lạ Ngài làm cho nước hóa thành rượu ngon.
Tiếp đến là những năm tháng trên hành trình rao giảng, tuy Tin Mừng  không ghi thêm một lần nào Đức Maria có mặt giữa các tông đồ, nhưng không quên nhắc đến sự có mặt của Mẹ giữa đám đông đi nghe Đức Giêsu rao giảng (x. Lc 8,19-21). Điều này làm chứng Đức Maria không rời xa Con mình và Nhóm Mười Hai, vì khó có thể quan niệm : một người mẹ yêu con tha thiết như Đức Maria lại không đi theo con từng bước trên đường truyền giáo, và không quán xuyến lo toan, chăm sóc các môn đệ của con mình.  
Nhưng ấn tượng hơn cả là dưới chân Thánh Giá buổi chiều tử nạn, ở giờ hấp hối, “khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con Bà”. Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ con” (Ga 19,26-27).
Và “kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,27) ; và cũng kể từ giờ đó, Đức Maria chính thức là Mẹ các tông đồ, là Mẹ của Hội Thánh, Mẹ của những người tin theo Đức Giêsu, Con của Mẹ, mà sách Tông Đồ Công Vụ đã  làm nổi bật vai trò Mẹ Giáo Hội khi ghi lại quang cảnh Nhóm Mười Hai cùng Đức Maria cầu nguyện, sau khi Đức Giêsu về trời : “Trở về nhà, các công lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philípphê, Tôma, Batôlômêô, Mátthêu, Giacôbê con ông Anphê, Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa, con ông Giacôbê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện với mấy người phụ nữ, với bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu…” (Cv 1,12-14).  
3.   Đức Maria đồng hành với Giáo Hội, vì là Bạn của Chúa Thánh Thần :
Đức Maria là Bạn của Chúa Thánh Thần, vì Mẹ đã hợp tác mật thiết và hiệu qủa với Chúa Thánh Thần trong mầu nhiệm Cứu Độ của Đức Giêsu. Chính Chúa Thánh Thần đã “ở với” và cùng hoạt động với Đức Maria, như Tin Mừng Luca khẳng định qua trình thuật Truyền Tin, khi Đức Maria bối rối và thắc mắc hỏi sứ thần về việc thụ thai : “Việc ấy xẩy ra thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !” Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,34-35).
Do đó, Đức Maria luôn vâng phục Chúa Thánh Thần và cùng với Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội theo “di chúc” của Đức Giêsu, mà thánh Gioan tông đồ đã ghi lại rất chi tiết :
Trước khi Đức Giêsu lên đường chịu khổ hình và chịu chết, Đức Giêsu đã nói với các tông đồ : “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em ; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16,7). “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xẩy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,13-14).  
Vì là Bạn của Chúa Thánh Thần, nên nếu vai trò của Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ của Giáo Hội, thì Đức Maria trong tư cách Bạn của Chúa Thánh Thần cũng không ngừng phù hộ các giáo hữu, như lịch sử Giáo Hội đã chứng minh : suốt dòng lịch sử, Mẹ đã không ngừng phù hộ các tín hữu như ngày xưa trên dương thế Mẹ đã can thiệp, bầu chữa cho những ai lâm cơn khốn khó, hoạn nạn, như ở tiệc cưới Cana, khi Mẹ đích thân xin Đức Giêsu thương tình cứu đôi tân hôn và gia đình hai họ ra khỏi bế tắc, khi  hết rượu giữa tiệc.  
Nếu Chúa Thánh Thần đã dẫn đưa Giáo Hội đến sự thật toàn vẹn, tức làm chứng về Đức Giêsu (x. Ga 15,26), và là “Đấng sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26), thì Đức Maria, ở cương vị Bạn chí thiết của Chúa Thánh Thần cũng không ngừng đến với loài người qua những lần hiện ra để làm chứng Đức Giêsu là Thiên Chúa, và nhắc nhớ mọi người những gì Đức Giêsu đã dạy, như ở Lộ Đức, năm 1858 với cô Berdanette Soubirous,  Mẹ đã hiện ra để chứng thực tín điều đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, mà Giáo Hội mới tuyên tín ngày 8/12/1854, bốn năm trước đó, bởi Đức Giáo Hoàng Piô IX, cũng như vào năm 1830, Mẹ đã hiện ra với sơ Catherine Labouré tại Paris và dạy sơ cầu nguyện : “Ôi Maria không mắc tội truyền từ lòng mẹ, xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến xin Mẹ cứu giúp, độ trì”.
Và nếu Chúa Thánh Thần sẽ nói lại cho Giáo Hội tất cả những gì Người nghe và “loan báo cho biết những điều sẽ xẩy ra” (Ga 16,14), thì Đức Maria, ở vị thế Bạn của Chúa Thánh Thần cũng báo trước cho con cái loài người những điều sẽ xảy đến để tránh cho con cái cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những lần hiện ra ở Fatima năm 1917, Đức Maria đã cảnh báo loài người đang xúc phạm nặng nề Thiên Chúa, hình phạt của Thiên Chúa có thể đổ trên nhân loại, và để cứu thế giới khỏi hình phạt, Mẹ đã đề nghị mọi người thực thi ba điều Mẹ mong đợi : Cải thiện đời sống, đền tạ trái tim Mẹ và siêng năng lần hạt Mân Côi.  
Nếu Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội và làm cho Giáo Hội luôn hiệp nhất, thì Đức Maria, ngay từ buổi chiều dưới chân Thánh Giá đã được Đức Giêsu trao phó thánh Gioan, đại diện của Giáo Hội Đức Giêsu, cho Đức Mẹ coi sóc, và Mẹ đã luôn ở với Giáo Hội, như đã ở giữa và cầu nguyện với Nhóm Mười Hai (x. Cv 1,12-14).
Nếu Chúa Thánh Thần không bao giờ rời bỏ Giáo Hội, nhưng có mặt với Giáo Hội cho đến tận thế để hướng dẫn, ban sức sống, và thánh hoá Giáo Hội, thì Đức Maria cũng đồng hành với con cái Giáo Hội cho đến ngày sau cùng của thời gian, khi hiện ra với không ít các cộng đoàn tín hữu trong cơn ngặt nghèo, thử thách của đức tin để an ủi, chỉ bảo, nâng đỡ, ban ơn.
Khi Giáo Hội bị bách hại, Mẹ hiện đến bảo vệ, chở che giáo hữu trên đường trốn tránh, bị truy lùng, như tại La Vang, năm 1798, cao điểm của cuộc bách hại người công giáo dưới thời vua Tây Sơn - Cảnh Thịnh, Đức Maria đã hiện ra an ủi, nâng đỡ giáo dân bị bách hại vì Đức Tin và hứa sẽ ban mọi ơn lành hồn xác cho những ai  chạy đến La Vang cầu khấn Mẹ.       
4.   Đức Maria đồng hành với Giáo Hội, vì Mẹ là người Kitô hữu đầu tiên và lý tưởng :
Lý do nền tảng sau cùng giải thích sự hiện diện yêu thương và gắn bó đồng hành của Đức Maria với Giáo Hội, và các tín hữu, đó là vị thế người tín hữu đầu tiên và lý tưởng của Mẹ.
Người tín hữu đầu tiên, vì Mẹ là người thứ nhất trong nhân loại đã có Đức Giêsu, khi mang thai Đức Giêsu, do quyền phép Chúa Thánh Thần. Là Kitô hữu, tức là người có Đức Kitô, và Mẹ đích thực là người đầu tiên có Đức Kitô ngay trong cung lòng mình.
Người tín hữu lý tưởng, vì không ai yêu Đức Giêsu hơn Mẹ, không ai hiểu Đức Giêsu hơn Mẹ, không ai tin Đức Giêsu hơn Mẹ, không ai đi theo Đức Giêsu đến cuối đường như Mẹ, không ai sống chết với Đức Giêsu đến cùng như Mẹ, không ai thuộc về Đức Giêsu trọn vẹn hơn Mẹ, không ai cộng tác với Đức Giêsu triệt để hơn Mẹ, không ai làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn Mẹ, và không ai có phúc hơn Mẹ, như lời chúc mừng của bà chị họ Êlisabét khi Mẹ đến thăm bà : “Em được chúc phúc hơn mọi phụ nữ !” (Lc 1,42).
Vì thế, Đức Maria không bỏ quên bất cứ người tín hữu nào, vì Mẹ là người tín hữu số một : số một đứng đầu, số một lý tưởng, số một tuyệt vời trong đức tin, đức ái, đức trông cậy.
Lạy Mẹ Maria, đã có lúc, ngay trong lòng Giáo Hội đã nổi lên phong trào muốn hạ thấp vị thế, vai trò và giảm thiểu sự can thiệp của Mẹ trong Nhiệm Cuộc cứu độ. Những người công giáo này một cách nào đó đã tìm cách hạ bệ Mẹ, loại bỏ Mẹ ra ngoài lề, cô lập Mẹ khỏi sinh hoạt Hội Thánh, cấm vận không cho Mẹ tham dự vào đời sống các tín hữu, bằng những lý luận và dẫn chứng thuần thế tục, mà quên ý muốn đời đời của Thiên Chúa khi chọn Mẹ là mẹ của Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, như anh em Tin Lành đã chủ trương và ly khai, cải cách.
Tôn vinh Mẹ hôm nay, chúng con muốn thưa với Mẹ : “Mẹ ơi, chúng con yêu mến Mẹ, xin Mẹ đồng hành với Giáo Hội, với các tín hữu luôn cần đến Mẹ là chúng con, bởi Mẹ là người có phúc hơn mọi phụ nữ” không chỉ vì “đã cưu mang và cho Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa bú” (x. Lc 11,27-28), mà còn đầy ơn phúcnghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành (Lc 8,21), đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã hứa (x. Lc 1,45), là những điều người tín hữu chúng con phải sống và thực hiện. Amen.
Jorathe Nắng Tím    

DÂNG CHÚA TRONG ĐỀN THỜ

    Dâng con trai đầu lòng cho Thiên Chúa là hạnh phúc của người Do Thái, việc làm mà thánh Giuse và Đức Maria đã thực hiện  trong  niềm vui lớn của người tín hữu trung thành với Lề Luật.
    Vào dịp dâng con cho Thiên Chúa này, Tin Mừng để lại cho chúng ta nhiều dấu ấn quan trọng về Đức Giêsu cũng như cha mẹ của Ngài :
1.    Cha mẹ Đức Giêsu là những tín hữu đạo đức, trung thành với Lề Luật và Truyền Thống đức tin Do Thái giáo :
« Khi đã đến ngày thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa như đã chép trong luật Chúa rằng : « Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là con thánh, dành cho Chúa. » (Lc 2,22-23).
     Thánh Giuse và Đức Maria là những người được Thiên Chúa chuẩn bị kỹ lưỡng từ nôi đức tin của đạo cũ. Các ngài đã sống sắt son  niềm tin  vào Lời Hứa của Thiên Chúa, và là gạch nối quan trọng giữa Giao Ước cũ Thiên Chúa ký kết với Dân riêng Ngài, và Giao Ước mới được ký kết giữa Thiên Chúa và toàn thể nhân loại bằng chính máu của Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể  làm người trong gia đình thánh.
2.     Cha mẹ Đức Giêsu là những người  nghèo :
    Theo Luật Môsê : tất cả đàn bà sau khi sinh con đều ô uế, nên phải được  thanh tẩy, được thể hiện qua việc « dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non » (Lc 2,24).
     Vì thế, bên cạnh nghi thức dâng Đức Giêsu, con trai đầu lòng cho Thiên Chúa, Đức Maria cũng chu toàn bổn phận thanh tẩy của mình và đã dâng một cặp bồ câu non là lễ vật dành cho người nghèo.
     Điều này làm chứng gia đình của Đức Giêsu thuộc thành phần nghèo, gần gũi với người nghèo. Chính tinh thần cũng như sinh hoạt đơn sơ, giản dị của cha mẹ nghèo,  gia đình nghèo đã ảnh hưởng nhiều trên cung cách gần gũi người nghèo khó, và thái độ trân trọng người  hèn mọn, yếu kém của Đức Giêsu sau này trên đườnng truyền giáo.  
3.    Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế đã được loan báo bởi các ngôn sứ của đạo cũ :
   Toàn bộ Cựu Ước là chuẩn bị lâu dài và kỹ lưỡng cho Đức Giêsu ở Tân Ước. Nói cách khác, Cựu Ước với dân riêng được chọn có sứ mệnh chuẩn bị công cuộc Nhập Thể, Nhập Thế để cứu độ của Đức Giêsu, Đấng đến để hoàn thành công trình thương yêu nhân loại  đến cùng  của Thiên Chúa, nên tất cả các lời ngôn sứ, cũng như lịch sử của Israel, dân Thiên Chúa đều quy chiếu vào một mình Đức Giêsu sẽ đến ở Tân Ước. Do đó, khi đọc Cựu Ước, chúng ta đừng quên nguyên tắc chính yếu này, nếu không, chúng ta sẽ không thể hiểu được hết ý nghiã các biến cố cũng như nội dung các sấm ngôn trong Cựu Ước.
   Ngay hôm dâng con trong đền thờ, hai vị ngôn sứ già của Cựu Ước là cụ ông Simêon, và cụ bà Anna vẫn còn có mặt để xác tín trước mặt mọi người : Đức Giêsu, Đấng được cha mẹ dâng cho Thiên Chúa hôm nay chính là Đấng Cứu Thế, Đấng được Thiên Chúa sai đến và  đã được loan báo bởi các ngôn sứ từ bao đời , như lời chứng thực tràn đầy Thánh Thần của cụ già ngôn sứ Simêon :
   « Muôn lậy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân. Đó là ánh sáng soi đưéơng cho dân ngoại, là vinh quang của Israel, Dân Ngài » (Lc 2, 29-32).
4.    Mở ra một tương lai cứu độ  bằng con đường của Thiên Chúa :   
     Lễ dâng Đức Giêsu cho Thiên Chúa mở ra một kỷ nguyên mới của Tân Ước, và khép lại Cựu Ước, như lời cụ già ngôn sứ Simêon : « Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ  Chúa đã dành sẵn cho muôn dân » (Lc 2,30), nhưng tương lai cứu độ ấy là một tương lai nhiều  thử thách bởi : « Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng. » (Lc 2, 34), vì đường lối cứu độ của Thiên Chúa sẽ không là đường lối của loài người, như Đức Giêsu sẽ làm nhiều người phải bất ngờ thất vọng : « Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình mà theo » (Mt 16,24), cũng như những lần báo trước sẽ « phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại » (Mt 16,21) của Ngài đã làm các môn đệ, đặc biệt Phêrô hoảng hốt, hoang mang, trách cứ, ngăn cản, và xin Ngài đừng để rơi vào chuyện chẳng lành ấy, để rồi bị Thầy mình quở mắng : «Xatan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài ngừơi » (Mt 16,23).
    
    Cùng với Đức Mẹ và thánh Giuse,  xin ký thác và dâng hiến cuộc đời chúng con, cũng như cuộc đời của mọi người thân yêu, và những người chúng con có trách nhiệm cho Chúa, để đường lối, kế hoạch cứu độ chúng con và toàn thể nhân loại của Chúa được thực hiện như ý Chúa và  theo cách Chúa muốn trên chúng con ở mọi nơi mọi lúc, cho vinh quang Chúa và phần rỗi của chúng con và mọi người.
Jorathe Nắng Tím