Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

MÙA CHAY TRUYỀN GIÁO (6)

                                      Suy Niệm 6 : CHO VÀ NHẬN
Không ai cho nhiều bằng nhà truyền giáo : các vị cho cả cuộc đời, cho tuổi thanh xuân, cho tương lai, sự nghiệp, cho đời sống giầu sang, thoải mái, cho cả những quyền hưởng thụ chính danh, chính nghiã, chính đáng vì Nước Trời. Nhưng cũng không ai nhận nhiều bằng nhà truyền giáo : nhận tình yêu thương, lòng kính trọng, sự giúp đỡ tinh thần, vật chất của rất nhiều người, khi được sai đi truyền giáo.
Vì thế, hơn ai hết, nhà truyền giáo hiểu cho là gì, nhận là gì, và phải nhận và cho thế nào cho xứng hợp với ơn goi, sứ vụ truyền giáo của mình.
Trước hết nhà truyền giáo ý thức mình phải cho đi, vì truyền giáo là truyền cho người khác giáo lý, cảm nhận, chứng từ niềm tin, và ngay cả chính bản thân mình, và giao cho người khác kho tàng chân lý đức tin mình nhận được từ Giáo Hội.
Cũng vì sứ mệnh của truyền giáo là “truyền giao” không ngừng, nên nhà truyền giáo là người được mời gọi cho đi hào sảng, trao ban quảng đại, dâng hiến không mệt mỏi, như Ơn Gọi truyền giáo đòi hỏi, một Ơn Gọi nhận nhiều để cho nhiều, nhận tất cả để cho tất cả, mà không giữ lại bất cứ sự gì đã nhận được làm của riêng.
Nhưng tại sao nhà truyền giáo phải cho đi tất cả những gì đã nhận ?
Vì tất cả những gì nhà truyền giáo nhận được để lên đường truyền giáo, cũng như những gì nhận được trên đường truyền giáo đều đến từ Thiên Chúa, và từ những người được Thiên Chúa sai đến, như “cánh tay nối dài” của Thiên Chúa để nâng đỡ, hỗ trợ nhà truyền giáo.
Nhưng để nhận được tất cả từ Thiên Chúa, để nhận ra tất cả là Hồng Ân của Thiên Chúa, nhà truyền giáo phải “từ bỏ tất cả” trước đó, vì “ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mang sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,37-39).
Chính vì phải từ bỏ tất cả, mà khi nhận được từ Thiên Chúa ơn gọi làm tông đồ, ơn gọi truyền giáo, sứ vụ rao giảng Tin Mừng, nhà truyền giáo nhận ra một điều rất quan trọng, đó là không còn gia sản nào thuộc về mình, không còn tài sản nào mang tên mình, không còn sự nghiệp nào mang dấu ấn của mình, nhưng tất cả thuộc về Chúa, thuộc quyền sở hữu của Chúa, những gì mình có là của Chúa, những gì mình được sử dụng thuộc quyền sở hữu của Chúa.
Nhờ thế, nhà truyền giáo tự do đón nhận, để được tự do ban phát, tự do nhận lãnh, để được tự do trao dâng. Bởi khi “từ bỏ tất cả những gì không thuộc về Thiên Chúa”, để chỉ nhận về mình những gì thuộc về Thiên Chúa, nhà truyền giáo mới thực sự được hoàn toàn giải phóng khỏi mọi ràng buộc hoặc tinh thần, hoặc vật chất với bất cứ đối tượng thế gian nào, để “toàn tâm, toàn ý, toàn thân” thuộc về Chúa, mà không vương vấn, gắn bó của cải với bất cứ con người trần tục nào, và chỉ một mình Chúa  mới thực là Đấng làm chủ cuộc đời nhà truyền giáo.
Đó là lý do Đức Giêsu đã không nhận làm môn đệ anh thanh niên giầu có (x. Mt 19,16-22), cũng như những người vừa muốn đi theo Ngài, vừa muốn trở về nhà lo an táng cha mẹ, khi nói với người đó : “Anh hãy đi theo tôi, hãy để kẻ chết chôn kẻ chết” (Mt 8,22).
Nói như vậy, Đức Giêsu không bảo chúng ta bất hiếu với cha mẹ, hay vô tình với người thân trong gia đình, nhưng sự cường điệu cố ý của Ngài muốn nói lên đòi hỏi ở người môn đệ : phải triệt để  cởi bỏ tất cả, để thuộc về một mình Chúa, và chỉ làm công việc của Nước Trời.
Nhưng tại sao Đức Giêsu muốn nhà truyền giáo phải cởi bỏ đến độ không còn gì, như chính Ngài “không có cả chỗ tựa đầu”, trong khi “con cáo còn có hang, chim trời còn có tổ” ? (Mt 8,19) ; tại sao Ngài muốn các vị “đừng mang theo vàng bạc, bao bị”, đến quần áo, giầy dép cũng phải đơn sơ, giản dị, vừa đủ, không được dư thừa khi đi rao giảng Tin Mừng ?
Thưa vì Ngài muốn nhà truyền giáo không có gì thuộc về mình, không còn gì là tư hữu, để chỉ còn thuộc về một mình Ngài, như người thợ làm công việc cho Ngài, và ngoài một mình Ngài, không ai sẽ là người trả công.
Không ai sẽ là người trả công cho nhà truyền giáo, để nhà truyền giáo hoàn toàn tự do truyền giáo, mà không bị bất cứ một áp lực trần thế nào, từ bất cứ người nào, đoàn thể, phe nhóm, tổ chức nào, vì không ai được nhận là “ông chủ” của nhà truyền giáo, ngoài Đức Giêsu. “Lãnh lương” của một mình Đức Giêsu, nhà truyền giáo sẽ không lệ thuộc ai, không bị ai lèo lái, ra lệnh, bắt buộc, điều khiển trong sứ vụ truyền giáo, bởi Đấng đã sai nhà truyền giáo “ra khơi, ra xa, ra sâu” không ai ngoài ông chủ có tên Giêsu.
Như thế, nhà truyền giáo mới tự do thi hành sứ vụ của mình, mới hạnh phúc thực hiện bài sai của Đức Giêsu mà không lấm lét sợ hãi người nào, không mặc cảm tự ti vì được ai đó cho tiền, nuôi ăn, giúp đỡ, càng không bị buộc chân, buộc tay, kể cả buộc cổ vì lấn cấn, lôm côm chuyện tiền bạc, vật chất với người này, người nọ, cho chuyện này chuyện kia.
Khi bảo các môn đệ : “Đừng kiếm vàng bạc, hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn” (Mt 10,10), Đức Giêsu muốn nhà truyền giáo sống đơn sơ, giản dị, nghèo khó để nhà truyền giáo vừa không trở nên gánh nặng vật chất cho ai, vừa không bị lệ thuộc người nào. Không trở nên gánh nặng cho ai, vì không coi mình là người có quyền đòi hỏi, có quyền bắt người khác phục dịch “tận răng”, có lý do coi người khác như gia nhân, đầy tớ ; không lệ thuộc người nào, vì biết mình là thợ đáng được hưởng công, là đầy tớ đuợc chủ nuôi ăn, nuôi ở. Chủ đây là Thiên Chúa, Đấng sai nhà truyền giáo vào làm vườn nho của Ngài như một người thợ, một người làm, và được nuôi ăn bởi chính ông chủ rất tốt lành, quảng đại.
Đức Giêsu cũng đã nói cho các môn đệ biết Ngài nuôi các vị thế nào, khi căn dặn : “Anh em vào bất cứ thành nào, làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Vào nhà nào, anh em hãy chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em. Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại” (Mt 10,11-14).
Rõ ràng là Đức Giêsu đã bảo đảm khâu sinh sống thường ngày của nhà truyền giáo, bằng gửi đến cho các vị những “người xứng đáng”, được coi như “cánh tay nối dài” của Thiên Chúa, những cộng sự viên trung tín của ông chủ. Họ được phân bổ để lo liệu đời sống thường ngày cho nhà truyền giáo với tư cách anh em của nhà truyền giáo, vì chính họ cũng là thợ, là người làm cho cùng một  ông chủ của tất cả là Đức Giêsu.
Do đó, tương quan giữa nhà truyền giáo và những người giúp đỡ, chia sẻ vật chất, hoặc tinh thần với nhà truyền giáo là tương quan anh em, tương quan giữa những người thợ cùng làm vườn nho của Thiên Chúa, và không bao giờ được biến thái thành tương quan chủ - tớ, tương quan vua chúa - quần thần, tương quan kẻ thống trị - người nô lệ.
Qủa thực, nếu nhà truyền giáo không xác định chỗ đứng và vai trò “người thợ” và quyền lợi “được nuôi ăn” của một người làm, một tay thợ, khi được sai đi truyền giáo của mình, thì nhà truyền giáo sẽ rơi vào một trong hai tình trạng : hoặc ảo tưởng mình là người đến để thống lãnh, cai trị và có quyền đòi hỏi những người mình đến gặp để rao giảng, truyền giáo phải cung phụng mình như ý mình muốn ; hoặc sẽ mặc cảm “ăn bám, ở nhờ” và rụt rè, ngượng ngùng, e ngại trước những người có lòng tốt, khi phải nhận sự giúp đỡ của họ.
Cả hai đều nguy hiểm : trong trường hợp thứ nhất sẽ mang đến nguy hiểm kiêu căng, ngạo mạn, cửa quyền, độc tài, độc tôn, nhất là phung phí đồng tiền từ mồ hôi nước mắt của người khác, và hưởng thụ cách bất công, bất chính, không xứng hợp với ơn gọi và sứ mệnh được sai đi để yêu thương, phục vụ. Trường hợp thứ hai cũng nguy hiểm không kém, đó là tình trạng tự ty, hèn nhát, thiếu tự trọng, không bản lãnh, nhất là đánh mất nhân phẩm khi hạ thấp giá trị của mình, vì phải lệ thuộc.
Chỉ với ý thức là người được sai đi làm công, làm thợ trong vườn nho, đồng lúa của Thiên Chúa, và đáng được chủ nuôi ăn, nuôi ở, nhà truyền giáo mới bình an, hồn nhiên, khiêm tốn đón nhận những chia sẻ, trợ giúp của người khác để nuôi mình và làm việc truyền giáo, mà không kiêu căng coi đó là quyền được phục vụ, quyền được đòi hỏi, quyền được thoả mãn mọi nhu cầu cá nhân, đồng thời không tự ty mặc cảm, đánh mất chính mình vì nghĩ mình ăn bám, ở nhờ, sống “thân tầm gửi”, dựa dẫm.
Xa hơn nữa, Đức Giêsu muốn các môn đệ của Ngài, cũng như các nhà truyền giáo biết đứng ở vị thế  người thợ, người làm công của Ngài và được Ngài quan phòng, lo liệu tất cả (x. Mt 10,10), vì chỉ ở vị thế này, người môn đệ, nhà truyền giáo mới có thể cho đi tất cả, vì tất cả đều đã đến từ Thiên Chúa, tất cả đã được Thiên Chúa ban cho đầy đủ.
Nhà truyền giáo vì nhận từ Thiên Chúa sẽ nhân danh Thiên Chúa mà trao ban cho người khác ; nhà truyền giáo không có gì của mình, nên dễ dàng cho đi “nhưng không” những gì đã nhận “nhưng không”, bởi một khi tưởng mình là chủ, nghĩ mình có quyền cho hay không cho, ảo tưởng mình là tác nhân, tác giả của “kho tàng thiêng liêng, chân lý bất diệt”, nhà truyền giáo sẽ rơi vào tình trạng  hoàn toàn trái ngược với ước mong của Đức Giêsu khi được kêu gọi và sai đi :
Ngài đợi chờ tinh thần phục vụ như tôi tớ ở nhà truyền giáo : “Cũng như Con Người đến không phải để người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20,28). Chính tinh thần phục vụ như tôi tớ làm cho nhà truyền giáo trở thành một chứng nhân đầy thuyết phục, vì chỉ ở tinh thần và đời sống khiêm nhường, phục vụ như tôi tớ, người ta mới nhận ra “Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa, Đấng đến để gánh tội nhân loại”.
Ngài mong chờ tinh thần phó thác tuyệt đối ở Thiên Chúa quan phòng ở nhà truyền giáo, và muốn người được chọn và sai đi “đừng lo cho mạng sống : lấy gì mà ăn ; cũng đừng lo cho thân thể : lấy gì mà mặc” (Mt 6,25), vì “Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai : ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6, 32-34).
Có tinh thần phó thác, nhà truyền giáo mới không tìm cách vun vén, chắt bóp, thu gom, ki bo, góp nhặt, kể cả mưu đồ biển thủ, tranh giành, chiếm đọat, biến của công thành của riêng, làm cho tiền từ túi người chạy qua túi mình, và như thế tâm hồn nhà truyền giáo sẽ không còn chỗ cho Tin Mừng, trái tim nhà truyền giáo sẽ không còn khả năng khao khát các linh hồn, và hoạt động truyền giáo sẽ chỉ còn là  kinh doanh vật chất cho bản thân, gia đình, phe nhóm.
Đức Giêsu thường tỏ ra ưu tư trước những cám dỗ vật chất, tiền bạc, vì Ngài biết mãnh lực vô hình của chúng. Chẳng thế mà Ngài luôn cảnh tỉnh các môn đệ sức quyến rũ và tàn phá của vật chất, khi coi Tiền Của như ông chủ đối nghịch với “ông chủ Thiên Chúa” : “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24). Đồng thời, Ngài khuyến cáo nguy cơ thiếu trung tín khi của cải làm lu mờ lương tâm người môn đệ, nhà truyền giáo, cũng là người quản lý gia nghiệp Ngài : “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn ; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em ? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em ?” (Lc 16,10-12).   
Và sau cùng, chính Đức Giêsu đã dậy các môn đệ của Ngài một nguyên tắc đối với tất cả những gì mình có, dù là vật chất hay tinh thần, dù là của cải tự nhiên hay kho tàng siêu nhiên, đó là : “Anh em đã nhận được nhưng không, thì cũng phải cho đi nhưng không” (Mt 10,8).
Qủa thực, nếu bình tâm, không chỉ nhà truyền giáo, mà tất cả chúng ta sẽ đều thấy mình đã nhận rất nhiều và nhưng không từ Thiên Chúa, qua Giáo Hội, gia đình,  học đường, đất nước, thế giới là cánh tay nối dài của Thiên Chúa, và tiền công Ngài trả thì vượt qúa xa công sức chúng ta làm cho Ngài, như Đức Giêsu đã khẳng định trong dụ ngôn “thợ làm vườn nho” (x. Mt 20,1-16).
Cũng vì Thiên Chúa không bao giờ chịu thua lòng qủang đại của bất cứ ai, và là “ông chủ rất tốt bụng” (Mt 20,15), như Tin Mừng qủa quyết : “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,37-38), nên Thiên Chúa muốn nhà truyền giáo, cũng như tất cả những ai đi theo Ngài phải phó thác và qủang đại trao ban những gì đã lãnh nhận.        
Tóm lại, càng ý thức mình là “người làm công được Thiên Chúa trả công”, là “đầy tớ được sai đến để phục vụ”, mà không là quan chức cai trị, khi rao giảng Tin Mừng và làm chứng Đức Giêsu cho muôn dân, nhà truyền giáo sẽ càng biết NHẬN cách xứng đáng, và xứng hợp với ơn gọi, sứ vụ của mình, như Chúa muốn. Cũng vậy, càng biết mình được chọn để làm máng chuyển ban, nhịp cầu truyền giao, người qủan lý phân phát gia sản của chủ, nhà truyền giáo càng biết CHO nhưng không, cho quảng đại, vì có sư gì đã nhận mà đã không nhận “nhưng không”, có gì có mà đã không có như hồng ân đầy tràn, có gì được mà đã không được như ân huệ của lòng thương xót hải hà, chứa chan ?
Đời truyền giáo là đời của người được gọi và sai đi để Cho và Nhận : nhận Thiên Chúa và cho Thiên Chúa, nhận ân sủng và cho ơn phúc, nhận an bình và cho bình an, nhận hạnh phúc và cho hoan lạc, nhận hy vọng và cho cậy trông, nhận Tin Mừng và cho Tin Vui nhận Lời Hứa và cho kỳ công, nhận Nước Trời và cho  Thiên Đàng, bởi nhà truyền giáo chỉ biết “CHO nhưng không như đã NHẬN nhưng không, được thúc bách bởi Tình Yêu vô vị lợi, vô cùng và đến cùng của Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đã đến trong thế gian để mọi người được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).
Jorathe Nắng Tím