Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

TÌNH YÊU PHÓ THÁC


Không hiểu vì sao và từ đâu, nhiều người rất sợ Chúa can thiệp vào chuyện tình yêu và cuộc sống lứa đôi của mình, làm như Chúa sẽ ghen tức nếu biết mình yêu, sẽ kiếm chuyện khi thấy mình hạnh phúc, sẽ trừng phạt khi nghe mình có bồ. Chúa bỗng dưng trở thành một chướng ngại luôn “cản mũi kỳ đà”, làm chậm bước tiến của lứa đôi và đe dọa tình yêu tuổi mới lớn, vào đời.
Tôi nghĩ có thể vì bộ luật hôn nhân công giáo nghiêm ngặt, khắt khe đã làm người ta tránh Chúa. Cũng có thể vì tình yêu được xem như điều cấm kỵ ít được đề cập, bàn tới trong đạo; tuy các cha vẫn rao giảng tình yêu nhưng tình yêu được rao giảng thường siêu nhiên, siêu hình, không có mùi nước hoa, không thơm mùi da thịt, khác xa thứ tình rạo rực, nóng bỏng, sôi nổi, “hip hop” mà người trẻ mơ ước. Cũng có thể vì giới răn thứ sáu được xem trọng hơn các giới răn khác nên tình yêu dễ bị đồng hoá vào tội dâm dục. Chính vì thế, khi yêu nhau, đám trẻ cứ phải lén lút, thập thò, vụng trộm; cứ phải giả hình làm bộ chưa yêu; cứ phải đánh lừa cha mẹ, cha xứ và bai bải chối khi được hỏi tới: con chẳng yêu, chẳng thương, chẳng biết gì… Và tình yêu tự dưng biến thành tội và những người yêu nhau trở thành kẻ bị tình nghi.
Chính vì quan niệm không đúng về tình yêu mà Thiên Chúa thường không nhận được thiệp cưới của nhiều người. Họ sợ Thiên Chúa cản trở tình yêu riêng tư của họ; sợ cái nhìn nghiêm khắc của Ngài làm họ mất hứng. Không được mời nên không chắc Thiên Chúa có dám đến dự tiệc như gày xưa ở Cana, vì Ngài luôn tôn trọng tự do của mỗi người.
Tin Mừng theo thánh Gioan kể lại sự kiện Đức Kitô, mẹ Ngài và các môn đệ được mời đến dự tiệc cưới tại Cana (Ga 2,1-10). Tiệc đang vui, men vừa thấm, khách khứa đang hồ hởi, say sưa chúc mừng nhau thì hết rượu. Không tính trước hay tính không nổi vì khách đến đông hơn dự liệu. Rượu cạn làm đôi tân hôn hốt hoảng, gia đình hai họ lo lắng, thân quyến, bạn hữu xôn xao, đôn đáo ngược xuôi. Chạy đâu ra rượu, mượn đâu cho đủ, mua đâu bây giờ?... Ai cũng sợ mất mặt, sợ mang tiếng, sợ bị cười chê, trách móc. Trong tình cảnh khó khăn đó, không ai đã nghĩ đến sự có mặt của Đức Kitô; không ai hỏi Ngài phải làm gì vì họ chưa nhận ra quyền năng của Ngài; không ai nài xin Ngài can thiệp vì họ không nhận ra Ngài là Tình Yêu. Vì không nhận ra nên không ai đã xin Ngài điều gì để Ngài ngồi ăn như bao nhiêu khách mời khác và chính Ngài cũng không tỏ ra dấu hiệu đặc biệt, siêu nhiên nào. Riêng chỉ một mình mẹ Ngài biết Ngài là ai và bà đã kín đáo xin con mình can thiệp để cứu danh dự và để niềm vui của đôi tân hôn và gia đình hai họ được trọn vẹn.
Đức Kitô đã làm phép lạ biến sáu chum nước dùng cho tục lệ thanh tẩy thành sáu chum rượu ngon, ngon hơn cả những chĩnh rượu đã uống cạn.
Đôi tân hôn này có nhiều nét đặc biệt. Nét đặc biệt thứ nhất là đã mời Đức Kitô và mẹ Ngài. Lòng hiếu khách đã dắt đến nhà họ Đấng Cứu Thế. Có Ngài ở đó, niềm vui của họ được trọn vẹn, tràn đầy.
Nét đặc biệt thứ hai là họ rất thoải mái, quảng đại với khách: có bao nhiêu rượu ngon mang ra mời hết, chiều khách đến độ không dè xẻn, xem chừng số lượng tồn kho. Lòng quảng đại của họ đã đánh động lòng quảng đại của Đức Kitô Thiên Chúa.
Nét đặc biệt thứ ba là sự đơn sơ, phó thác của những người trong nhà khi ngoan ngoãn làm theo những gì Đức Kitô bảo. Đừng quên đây là phép lạ đầu tiên của Đức Kitô, nên vâng lời làm theo điều Ngài dậy đã đòi nơi gia đình tân hôn một niềm tin và lòng kính trọng đáng kể. Và chính niềm tin, phó thác ấy đã thúc đẩy sự can thiệp của Đức Kitô cho nước hóa thành rượu.
Hình ảnh đám cưới trên là hình ảnh đời sống tình yêu của mỗi người. Trong đời sống ấy sẽ có những lúc vui, những tháng ngày hạnh phúc, thuận hòa; nhưng cũng sẽ có lúc hết rượu khi tình cạn, tình bỏ đi, tình lao đao, tình tuyệt vọng. Vì đời tình là đời người nên cũng có đủ đắng cay ngọt bùi, thành công thất bại, rủi may.Không ai dám tự phụ tình mình sẽ chẳng nhạt phai, cũng không ai ngây ngô nghĩ đường tình mình luôn thẳng tắp, thênh thang.
Ý thức được bất toàn, bất nhất của tình yêu con người, ta đừng ngại mời Đấng là Tình yêu tuyệt đối đến với ta để tình ta đừng phai tàn, héo úa, đừng bỏ đi, tuyệt vọng. Theo gương đôi tân hôn làng Cana, ta cứ mời Ngài đến làm khách qúy trong tiệc cưới đời ta. Có mặt Ngài là có tình Ngài; có tình Ngài là có quyền năng Thiên Chúa. Với quyền năng và tình thương ấy, Ngài sẽ không để tiệc cưới ta hết rượu, không cho sóng gió làm đắm thuyền tình ta bé nhỏ, không để đường tình ta đi vào ngõ cụt. Bởi có mặt trong tình yêu đời ta, Ngài không thể làm ngơ trước nguy hiểm đe dọa cuộc tình, không thể dững dưng khi ta cất tiếng kêu cầu. Được mời như khách qúy trong yến tiệc đời ta, Đức Kitô sẽ chỉ có thể làm cho tình ta nở rộ, sung mãn và tuyệt vời hơn.
Tuy thế, cũng có nhiều lúc ta ngại mời Ngài, dù biết có Ngài đến ta sẽ vinh dự, hạnh phúc. Ngại mời vì nhà ta nghèo, sơ xác, dơ bẩn; ngại đón Ngài vì thuyền tình ta ngổn ngang, bừa bãi, hôi tanh. Ta có lý để không mời Ngài, ta có cớ để tránh gặp Ngài, ta dựa vào thiếu điều kiện, thiếu tiện nghi để mời Ngài đến thăm và ta an phận với mặc cảm bất xứng này. Những lý lẽ vừa kể, ông Giakêu đã kê ra với Chúa cả rồi, nhưng Ngài vẫn muốn đến dự tiệc tại nhà ông, dù ông bất xứng thế nào đi nữa. Ông đâu có tránh được lòng thương xót của Chúa dù ông đã nhiều lần lẩn tránh. Ông cũng chẳng lý luận, phân bua được gì khi Ngài ngỏ ý: “Giakêu, hôm nay, tôi muốn đến nhà ông dùng bữa”. Và Ngài đã thực hiện một phép lạ cả thể: đổi mới cuộc đời ông.
Lạy Đức Kitô, xin hãy cùng con dong duổi trên đường tình. Có Chúa bên con, đường bớt dài và con không cô đơn. Chúa đã không ngại đến với Mai Đệ Liên như chị là; con cũng không ngại mời Chúa bước xuống thuyền tình chòng chành, mỏng manh của đời con. Có Chúa ngủ trong thuyền, con sẽ an lòng lướt sóng.
Chúa đã không để Giakêu mời nhưng tự nguyện đến để nhà ông được chúc phúc; con mời Chúa ở lại nhà con, giữa hạnh phúc và khổ đau của đời con. Có Chúa chia sẻ, con sẽ thấy đời đáng sống và mọi người đáng yêu.
Chúa đã tìm đến người đàn bà Samaria để bà nguôi ngoai tâm sự hồng nhan đa truân; con xin đón Chúa vào tim con đây để tình con thôi ngổn ngang, hoang vắng.
Và Chúa ơi, con tin rằng tình yêu con sẽ lớn nhanh, nở rộ trong bao la vời vợi của Tình Chúa thương con.

TÌNH YÊU TRÁCH NHIỆM

Khi yêu ai, ta muốn mang lấy gánh nặng của đời họ, không chỉ gánh nặng của đời họ mà cả gánh nặng của những người họ thương. Tình yêu mãnh liệt dắt ta đi xa và liều lĩnh đến ước muốn mang lấy gánh nặng của người mình yêu và hy sinh cho họ. Dáng dấp gánh gồng ấy là dáng dấp của tình yêu có trách nhiệm. Nghe có gánh gồng, trách nhiệm ta mường tượng tình yêu rất vất vả, cực nhọc. Danh từ trách nhiệm diễn tả bổn phận phải chu toàn, những đóng góp phải có, những giới hạn không thể vượt qua. Tình yêu ấy từ nay không còn nhẹ nhàng, bay bướm; nhưng bị đặt chung vào chính đời của đối tượng mình yêu.
Yêu ai, là mong ước sự tốt, điều lành và tìm cách thực hiện những điều tốt lành đó cho người mình yêu. Nên yêu một người mà không ray rứt khi người ấy khổ, không xao xuyến khi người ấy bị thiệt thòi, không đau long khi người ấy gặp khó khăn thì quả không yêu chút nào; có chăng chỉ là chút tình bông đùa, hời hợt. Tình yêu thật đòi một bổn phận thật trên nhau, một trách nhiệm biết trăn trở và dấn thân cho nhau.
Thực ra, đây chỉ là phần khai triển căn tính của tình yêu, bởi trong căn tính này, trách nhiệm đã có mặt. Trách nhiệm ấy được biểu lộ khi mong ước, tìm kiếm hạnh phúc cho người mình yêu. Trách nhiệm ấy hình thành khi ló dạng thiện chí xây dựng cho người mình yêu. Có yêu thực mới nghĩ đến xây dựng; cũng như hai người có thực tình muốn lấy nhau, có nuôi hy vọng ăn đời ở kiếp với nhau mới tính toán chuyện mua đất, xây nhà.
Trong đời sống tình yêu, trách nhiệm luôn quanh quẩn để nhắc nhở những người yêu nhau về bổn phận tình yêu phải có với nhau. Bổn phận của họ không chỉ cho nhau, nhưng còn trải dài trên những hoa trái đến từ tình yêu của họ.
Nhiều vấn nạn đã xoay quanh vấn đề trách nhiệm trong chuyện tình lứa đôi và bao lâu chưa nhận ra khuôn mặt trách nhiệm trong chuyện tình thì đừng vội dấn thân, đừng liều trao thân, đừng dại hiến thân. Anh chàng trách nhiệm mà vắng mặt thì tình yêu không thể bền vững và sớm muộn gì lâu đài tình ái cũng sụp đổ tan tành.
Nhưng có phải mọi người đều có khả năng trách nhiệm và cùng mức độ trách nhiệm như nhau?
Có những người không chịu trách nhiệm trên hành vi của mình vì thiếu khả năng lựa chọn: họ có thể làm mà không biết đã làm gì và tại sao làm? Trách nhiệm của họ hoặc không có hoặc được giảm khinh; thí dụ như người mất trí, những người bị ép buộc, bị thôi miên, áp đảo tinh thần.
Có những người quá non nớt trong tuổi tác, yếu đuối ở tinh thần, bất lực trên thân xác; vì không đủ khả năng cần thiết để chọn lựa, nên trách nhiệm của những người này cũng không được đặt ra.
Có những người không thiếu điều kiện thể lý, tâm lý nhưng lại trốn trách nhiệm, không muốn mang trách nhiệm và từ chối trách nhiệm của họ trên hành vi của mình. Họ là những người không quen đứng một mình, cũng không quen ở với người khác vì ở đâu và lúc nào, họ cũng đều rửa tay, phủi tay, vô trách nhiệm. Sống với người khác với họ chỉ là sống với để lợi dụng. Họ không được giáo dục trong tình yêu, không tập sống một đời yêu thương đúng nghĩa, nên thiếu hẳn ý thức hy sinh, chia sẻ, tương trợ, trách nhiệm. Yêu lầm những người này, trao thân trong tay những người này là một đại họa không thể cứu vãn.
Không kể nhiều người khác đã được Ngài thương, Đức Kitô đã yêu các môn đệ thân cận của Ngài bằng một tình yêu trách nhiệm. Ngài không bỏ các ông bao giờ nhưng luôn gần gũi, lo lắng, chăm sóc các ông. Ngài không bao giờ đẩy các ông vào nguy hiểm, nhưng luôn đề phòng, tránh né cho các ông mọi cạm bẫy. Trong những ngày cuối đời Ngài ân cần căn dặn các ông từng chút: nào là hãy yêu thương nhau, hãy hiền hậu như bồ câu nhưng khôn ngoan như rắn, hãy kiên nhẫn đợi chờ Thánh Thần đến an ủi và nhất là đừng sợ, đừng hốt hoảng, hãy quân quầy bên Maria, mẹ Ngài. Ngay trong phút nguy kịch, bị bắt, Ngài vẫn lo cho các ông, không để các ông bị vạ lây, oan uổng. Ngài sống một tình yêu có trách nhiệm nên chu đáo, tế nhị lo cho hết những người Ngài yêu. Có ai sắp tắt thở trên thập giá còn cố gượng trăn trối mẹ mình cho môn đệ và phó thác môn đệ trong yêu thương của mẹ mình? Tình yêu ấy thực vì đã đi đến cùng luận lý của nó: hy sinh hết cho người mình yêu. Khi đã dám hy sinh cho nhau rồi thì trách nhiệm chỉ còn là một khái niệm mờ nhạt.
Đã có bao cuộc tình, ở đó tôi có mặt như khách qua đường, dửng dưng vô trách nhiệm, và trên biết bao chặng đường, tôi đã ngoảnh mặt thản nhiên bước đi khi anh em cầu cứu? Hình ảnh người anh em, mà Đức Kitô kể trong Tin Mừng bị thương nằm vất vưởng bên đường; nhiều người đi qua nhưng không ai cho anh hơi ấm tình người đã cho tôi nhận ra mình chẳng hơn gì những người này, những người đã thản nhiên bước đi với lương tâm vô cảm, vô tình, vô trách nhiệm khi từ chối chia sẻ nỗi khổ của anh em.