Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

Mùa Chay, Mùa Học Nghề Giáo Dục


Đức Kitô bắt đầu đoạn Tin Mừng Mátthêu 23,1-12 được chọn cho ngày thứ ba tuần thứ hai Mùa Chay bằng một đòn tấn công trực diện và chí tử: “Với các ông Biệt Phái, luật sĩ giữ địa vị dạy lề luật Môsê, anh em thực hành những điều họ nói, nhưng đừng làm theo họ, vì họ nói mà không làm. Họ buộc những gánh nặng quá sức trên vai người khác, còn họ thì không chịu nhúc nhích một ngón tay. Họ làm mọi việc cốt để được người thấy: họ mang đầy huân chương to bản, áo sống rềnh ràng, sang trọng. Họ thích chỗ danh dự trong buổi tiệc, ngồi hàng đầu trong hội đường, được chào hỏi ở nơi công cộng và thích được gọi là thầy”. Đối tượng tấn công là các ông biệt phái thông kinh giỏi luật, giai cấp lãnh đạo tôn giáo lúc bấy giờ. Đọc xong đoạn Tin Mừng Đức Kitô rao giảng cách đây hơn hai ngàn năm mà như mới nghe hôm qua từ cuối nhà thờ xóm đạo… Không lẽ chuyện cũ của hơn hai ngàn năm cũng vẫn còn là chuyện mới của hôm nay?

Có lẽ bạn cũng như tôi và nhiều người khác trong quá khứ hay có khuynh hướng dành riêng đoạn Tin Mừng trên để “khủng bố” mấy cha xứ, cha phó mà quên một điều: tất cả mọi tín hữu đều là nhà giáo dục Đức Tin trong môi trường và ở vị thế sống đặc thù của mình, chứ không chỉ các cha, các thầy, các sơ. Vì thế, đối tượng Biệt Phái trong đoạn Tin Mừng trên sẽ trở thành đối tượng mở rộng là chính chúng ta trong tư thế những nhà giáo dục Đức Tin trong bài chia sẻ này.


Trách những người Biệt Phái, luật sĩ trong Đạo cũ, Đức Kitô đã vạch ra ba điểm yếu nơi họ:

1.  Ngôn - Hành bất nhất: Họ nói rất dẻo, giảng rất hay, lập luận rất chuẩn, trình bày rất lôi cuốn. Nói chung, họ là những người biết ăn nói hay có tài thuyết giảng, nhưng giữa điều họ dạy và việc họ làm là một vực thẳm không sao vượt qua. Nói mà không làm cũng giống như mấy chàng quảng cáo to miệng cho một sản phẩm không giá trị ngoài chợ. Họ càng nói, thiên hạ càng khám phá họ cũng “dổm” như món hàng. Những người này đến một lúc sẽ mắc bệnh “đĩ miệng”, nghĩa là không nói không chịu được và suốt đời họ chỉ nói mà không bao giờ làm điều mình nói.

Làm giáo dục mà chỉ nói thì không giáo dục, đào tạo được ai, vì gương sáng, việc lành đánh động, còn lời nói bay đi. Có biết bao người nói hay ta đã gặp, nhưng có phải vì họ nói hay mà thuyết phục, cảm hoá được ta đâu, trong khi chỉ cần một thái độ khiêm tốn, thân thiện, một việc bác ái cụ thể, một chia sẻ cảm thông, ân cần, một gặp gỡ đơn sơ, sống động đã thay đổi cái nhìn, tư duy và cuộc đời ta. Nhiều tâm hồn được đổi mới đã không qua những buổi thuyết trình hấp dẫn, sôi động do những siêu sao hùng biện, nhưng nhờ những chứng tá bé nhỏ, kín đáo, thinh lặng của những con người nhỏ bé, đằm thắm, ít nói, làm nhiều. Một giáo sư vô thần đã viết về cuộc trở lại Giáo Hội của ông khi ông kể lần “bất đắc dĩ” phải đi dự lễ Rửa tội con trai một người bạn chí thân. Vào nhà thờ, ông không lưu ý gì đến thánh lễ… Bất chợt, cha chủ tế già quỳ xuống buộc lại dây giầy cho một em bé giúp lễ đang chắp tay bên bàn thờ. Cử chỉ khiêm tốn, đơn sơ, âu yếm đầy tình ông cháu của cha sở già đã đánh động ông và cử chỉ nhỏ bé tưởng chẳng là gì đã là khởi điểm đường trở về gặp gỡ Đức Kitô của ông giáo sư đại học nổi tiếng vô thần và kịch liệt chống phá Giáo Hội từ hơn ba mươi năm.

2.  Điểm thứ hai họ bị Đức Kitô “kê” nặng là mánh lới “miệng lưỡi đỡ chân tay” và nếp sống thiếu bác ái trầm trọng. Khi lấy lưỡi mà chài mồi, dụ dỗ, đe nạt, trấn áp, lợi dụng người khác, người ta rất vui vì không làm mà có ăn, không “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mà tiền vào như nước; chỉ cần uốn éo cho khéo ba tấc lưỡi là khoẻ cái thân, sướng cái mình; chỉ đánh qua đánh lại vài vòng lưỡi mềm, lưỡi mỏng là “trúng quả”, vào cơ, trúng độ. Hỏi có cái sướng nào sướng hơn “ngồi chơi, nói dóc, ăn bát vàng”? Nhưng đã có người lợi dụng, tất phải có người bị lợi dụng; có thủ phạm thủ lợi thì phải có nạn nhân bị ăn hiếp, trấn lột; có người chỉ nói mà có ăn tất phải có người làm quần quật mà không ăn gì. Những người Biệt Phái dẻo miệng đã ăn hết phần của những người nhỏ bé, yếu đuối khi “chất đầy gánh nặng trên vai người khác, còn họ không buồn nhúc nhích một ngón tay”. Đức Kitô lên án họ môi mép và thiếu yêu thương. Môi mép như thế chỉ là phương tiện thủ lợi cho mình.

Miệng lưỡi cuối cùng chỉ là cách thế kiếm chác, vơ vét. Mục tiêu chính là chiếm đoạt những gì người khác có và ích kỷ vun xới cho mình. Đức bác ái đã không cho phép các ông hành xử như vậy và lố bịch hơn khi chính miệng các ông đang dạy người khác chia sẻ, bố thí. Đức Kitô nổi sùng trước cái trơ trẽn, trắng trợn của các ông Biệt Phái và cảm thương những người đơn sơ, bé nhỏ đang há hốc miệng nuốt từng lời các ông dạy mà có biết đâu mình đang là nạn nhân đáng thương của những miệng lưỡi rắn độc và tâm địa gian ác, tham lam này (Mt 23,33). Vạch trần các ông trước đám đông, xem ra Đức Kitô đã xâm mình đối đầu, mặc dù biết họ sẽ không tha Ngài và sẽ giăng đủ bẫy để bắt và kết tội Ngài.

3.Ăn bớt ăn xén, ngồi không ăn bát vàng chưa đủ, các ông này còn kiêu căng tận mạng: nào là huyênh hoang tước phẩm, ngạo nghễ, trịch thượng, háo danh háo chức, bon chen “ăn trên ngồi trước”, chưa kể còn hợm hĩnh bắt người khác dạ thưa, bẩm trình cung kính vì tự cho mình là Thầy mọi người, là cha thiên hạ. Kiêu căng làm họ mù loà trong những danh vị hão huyền, điên dại trong ảo tưởng là người công chính, lẫn lộn giữa hư thực con người và vị thế của mình. Kiêu căng trong lời ăn tiếng nói, kiêu căng trong cung cách, thái độ, nhất là kiêu căng tận đáy sâu tâm hồn, ý nghĩ. Họ đúng là những ông quan tôn giáo lợi dụng lòng đạo đức của dân để hưởng lợi, những ông thần lộng hành triệt để khai thác lòng thành của tín đồ cho lợi ích cá nhân. Họ cần được sùng bái, hầu hạ và tự cho mình cái quyền thống trị người khác trong khi chỉ là những kẻ mù loà, giả hình, tội lỗi (Mt 23,17-28).


Hơn hai ngàn năm trước, câu chuyện đã sôi nổi, dậy sóng và là nguyên cớ cho họ ngồi lại với nhau dù trước đó chẳng ai chịu nghe ai để tính toán âm mưu triệt hạ Đức Kitô. Hôm nay Chúa cũng không thêm bớt gì nếu phải nói với chúng ta: cũng những thiếu sót, khuyết điểm, sai lầm ấy; cũng nói nhiều làm ít, thiếu công bình bác ái, kiêu căng, thống trị; cũng hở ra là chịt họng người khác, sơ ý là biển thủ, lợi dụng lòng đạo đức, chân chất của người nghèo. Tội xưa hay tội nay cũng cùng là kiêu căng, thiếu từ tâm; cùng là lười biếng, bắt người khác phục vụ mình. Là nhà giáo dục, Đức Kitô muốn chúng ta học với Ngài để trở thành những nhà giáo dục Đức Tin chân chính, nhà giáo dục Đức Ái hoàn thiện. Mẫu gương nhà giáo dục nơi Ngài cũng gồm ba điểm chính, đối lại ba điều phải tránh mà Ngài đã vạch trần, lên án. Nhà giáo dục được Đức Kitô đào tạo phải:

v  Sống điều mình dạy, thực hành điều mình nói. Khi mạc khải Thiên Chúa là Tình yêu, Đức Kitô đã yêu thương đến cùng, yêu hết mình hết tình, yêu đến hy sinh mạng sống cho người mình yêu bằng chấp nhận chết trên thập giá. Khi loan báo “Tám mối phúc thật”, Đức Kitô đã sống triệt để những điều đó: khiêm hạ, nghèo khó, hiền hoà, trong sạch, nhẫn nhục, hy sinh, giàu lòng thương xót, khát khao điều công chính. Khi dạy người khác vâng lời, Ngài đã làm gương vâng lời Chúa Cha trong mọi sự, từ chu toàn những nghĩa vụ tôn giáo cho đến vui lòng chấp nhận đi vào cuộc tử nạn. Không lúc nào Ngài làm theo ý mình, nhưng luôn sẵn sàng làm theo ý Chúa Cha.

Người tín hữu không làm điều mình nói sẽ không thể làm chứng về Đức Kitô, vì người ta không thể nhận biết Thiên Chúa nhân từ, giàu lòng xót thương qua đời sống dữ tợn, hung hãn và lưu manh, quỷ quyệt, ăn người của họ. Miệng dạy Thiên Chúa yêu thương mà cuộc sống là bãi chiến trường hận thù, ganh ghét; miệng rao truyền Thiên Chúa trung tín mà ăn chặn, lừa bịp, chiếm đoạt tài sản người khác; miệng tuyên xưng Thiên Chúa rộng lượng, bao dung mà lòng bủn xỉn, hẹp hòi. Những người tín hữu này thay vì làm chứng đã phản chứng và gây thiệt hại cho công cuộc truyền giáo khi đẩy xa những người muốn tìm biết Đức Kitô là ai với họ. Trong số những người này chắc chắn có tôi. Rất mong bạn đừng lọt vào danh sách đen này như tôi.


v  Nếu kiêu căng đi đôi với ham muốn được người khác phục vụ thì khiêm nhường đi cặp với ước muốn được phục vụ người khác. Người kiêu căng không phục vụ ai bao giờ và người khiêm nhường không bao giờ để ai phục vụ. Trong tất cả, Thiên Chúa yêu thương và nâng đỡ người khiêm nhường nhất, vì họ giống Chúa hơn ai hết, Đấng tận cùng khiêm hạ đã làm người bé mọn, yếu đuối nhất giữa con cái loài người.

Đức Kitô không những chịu đựng những người Biệt Phái kiêu căng đòi người khác phục vụ mình, mà còn chịu đựng tính háo danh, thích làm lớn, được phục dịch của các tông đồ. Bằng chứng là hai anh em Giacôbê và Gioan con ông bà Dêbêđê đã tỉnh bơ “xin cho hai anh em con, một đứa ngồi bên trái, một đứa ngồi bên phải Thầy trong vương quốc vinh hiển sắp tới của Thầy” (Mc 11, 35-37). Các tông đồ cũng đã nhiều lần xích mích, đụng chạm nhau vì những chuyện tranh giành chỗ đứng, chỗ ngồi, chức nọ, tước kia. Các vị đã không hiểu “Đức Kitô đến không phải để được hầu hạ mà là để hầu hạ và hiến mạng sống mình cứu chuộc muôn dân” (Mt 20,27-28) và “Ai muốn làm lớn thì phải làm đầy tớ anh em. Ai muốn đứng đầu thì phải trở nên tôi tớ phục vụ”. Đường lối đào tạo tông đồ của Đức Kitô khác với đường lối đào tạo quan chức của con người. Quan chức được đào tạo để cai trị và để được phục vụ. Tông đồ của Đức Kitô được đào tạo để trở thành tôi tớ phục vụ mọi người. Vì thế, chức vị, quyền bính trong Giáo Hội là để phục vụ, chứ không để thống trị, đàn áp, xưng hùng xưng bá, vinh thân phì gia. Đức Giáo Hoàng tự nhận cho mình tước vị “Tôi tớ của các tôi tớ” để nói lên căn tính của chức vị Giáo Hoàng là phục vụ mọi thành phần trong Giáo Hội, phục vụ mọi chi thể trong mình mầu nhiệm Đức Kitô. Giáo Hoàng là người lớn nhất nhưng lớn trong sứ mạng phục vụ như tôi tớ của các tôi tớ và đó chính là vinh dự, hạnh phúc của người lãnh đạo theo tinh thần khiêm tốn, phục vụ của Đức Kitô.


v Điểm cuối cùng, Đức Kitô căn dặn là hãy để Thiên Chúa nâng mình lên thay vì mình tự nâng mình, như Ngài đã khiêm hạ đến tận cùng khi chết trần truồng, nhục nhã trên thánh giá để rồi được Chúa Cha nâng lên ngự bên hữu Thiên Chúa (Dt 12,2). Khi công bố “Ai nâng mình lên sẽ bị xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Mt 23,12), Đức Kitô đã minh định có người nâng và hạ cũng như có người bị hạ, được nâng. Người nâng hạ đó chính là Thiên Chúa, Đấng duy nhất có quyền “nâng người hèn mọn lên và hạ người quyền hành, kiêu căng xuống” và tiêu chuẩn của Ngài khi nâng hạ là “ai tự hạ Ngài nâng, ai tự nâng Ngài hạ”. Như thế tức là có cao thấp, thưởng công, tuyên dương và Thiên Chúa tuyển chọn những ai khiêm nhường và ban cho họ được chỗ cao trong nước Ngài.


Đầu Mùa Chay với chút tro được xức trên trán hay trên đầu nhắc nhớ thân phận được tạo dựng từ bụi tro hèn mọn của kiếp người. Thân tro bụi sẽ trở về tro bụi, nên sống khiêm nhường, bé nhỏ là sống đúng phận mình; sống phó thác, trông cậy là sống đúng căn tính của mình; sống hiền lành, phục vụ tha nhân là sống hếtnghĩa đời mình. Xin ơn Chúa trong Mùa Chay nhắc ta bài học Chúa dạy để khi phải chu toàn trách nhiệm giáo dục người khác, ta cũng trung thành với bài học Chúa dạy: Ngôn - Hành hợp nhất, khiêm cung - phục vụ.

Mùa Chay - Mùa Nhắc Nhớ Kỷ Niệm

Một trong những hạnh phúc của hai người yêu nhau là nhắc nhớ kỷ niệm từ buổi đầu mới quen đến những buổi hẹn hò, yêu thương, giao ước.

Hai người nhắc nhớ kỷ niệm về nhau, nhắc từng chi tiết, biến cố, hoàn cảnh đã làm nên cuộc tình, nhớ từng thời điểm thai nghén, khai sinh, lớn lên của mối tình. Và kỉ niệm càng được năng nhắc nhớ, họ càng cảm thấy cần nhau và yêu nhau mặn nồng.

Mùa Chay chính là mùa Thiên Chúa gặp gỡ và nhắc nhớ kỷ niệm của giao ước tình yêu giữa Ngài và ta như hai người yêu nhau nhìn lại đường tình đã đi và cùng nhau làm mới lại lời thề.

Khi chọn Ápraham, Thiên Chúa đã giao kết chọn ông làm tổ phụ dân riêng của Ngài, “một dân đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển” và kí thác cho dòng dõi này sứ mệnh tôn thờ duy nhất một Thiên Chúa Giavê. Đáp lại, Thiên Chúa sẽ yêu thương, bảo bọc, gìn giữ dân riêng Ngài mãi mãi, từ đời này đến đời kia (St 15; 17,2; 28,15-21).

Dọc suốt lịch sử dân Do Thái, Thiên Chúa đã luôn trung thành với giao ước, mặc dù dân Ngài thường xuyên phản bội, bất trung, không tuân giữ những điều đã hứa. Vừa được giải phóng khỏi đời nô lệ bên Ai Cập, dân đã bất trung đúc bò vàng để thờ; vừa được nuôi bằng manna rơi xuống từ trời, dân đã ca thán, trách móc, phạm thượng Thiên Chúa Giavê. Có bao nhiêu đời vua là có bấy nhiêu đời thất tín, bất trung; có bao nhiêu cơ hội là có bấy nhiêu lần xây đền thờ thần ngoại giáo; có bao nhiêu cám dỗ là có bấy nhiêu chống đối, phản bội. Các tiên tri đã kêu gào dân trở về, năn nỉ dân thôi đừng phản bội, đe nạt dân thôi đừng xé bỏ giao ước, nhắc nhở dân thôi đừng vô ơn, bất kính Giavê. Lịch sử dân Do Thái đã thăng trầm với trung thành - phản bội, bỏ đi - trở về, phản nghịch – ăn năn. Lịch sử với các tổ phụ Ápraham, Isaác, Giacóp trung tín, với Môsê khiêm tốn, với Đavít vâng lời, với Gioan Tẩy Giả như tiếng kêu trong sa mạc dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến; đồng thời cũng là lịch sử của không biết bao nhiêu đổi dời, tàn phá gắn liền với kiêu căng, sa đọa, bất trung, bất tín của dân đối với Thiên Chúa.


Dù thăng trầm với bao nhiêu phản bội, thất hứa, Giao ước ấy vẫn luôn là hiến pháp quốc gia, sức mạnh của niềm tin, bảo đảm của nòi giống và hy vọng của Israel nhờ bởi lòng trung tín đơn phương, vô điều kiện của Giavê Thiên Chúa.

Thực vậy, trước thái độ dửng dưng, ngạo mạn và hành động phản bội của dân (Đnl 29,24; Gs 7,11; Tl 2,20), Thiên Chúa đã luôn đơn phương trung thành và không quên lời Ngài đã giao ước (Xh 2,24; 6,5; Đnl 4,31; Đn 9,4; Lc 1,72). Là Thiên Chúa trung tín, Ngài đã không quên hay vi phạm lời hứa, nhưng luôn giữ lời và không ngừng làm mới lại lời đã hứa: yêu thương, bảo vệ dân Ngài. Là Thiên Chúa nhịn nhục và kiên nhẫn, Ngài đã luôn nhớ lại lòng trung thành và vâng lời của tổ phụ cha ông mà bỏ qua lỗi lầm của con cháu. Nhưng lý do Thiên Chúa đã trung tín và nhẫn nhục trước những xúc phạm, phản bội của dân là vì giao ước đã được xây dựng trên lòng xót thương bao la của Ngài như lời kinh Tán Tụng của Đức Maria: “Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia”. Chính lòng xót thương vô điều kiện, đơn phương và vô vị lợi của Thiên Chúa đã cho dân được tiếp tục đứng vững và sống. Chính lòng thương xót không tính toán, cân đo của Ngài đã triển hạn hiệu lực của giao ước. Lòng thương xót ấy bao la, vô biên, vô tận đã làm tan biến những vi phạm trắng trợn, những phản bội tầy đình, những phạm thượng kinh tởm của dân. Chính lòng thương xót không giới hạn thời gian, không gian đã cho dân cơ may trở về hoà giải, nối lại giao ước xưa với Ngài. Chính lòng thương xót hải hà đã làm cho dân được tái sinh trong ơn thứ tha mỗi ngày. Trong giao ước này, Thiên Chúa đã không thu lợi về mình, nhưng toàn bộ lợi nhuận đã được dành hết cho con người; phần Thiên Chúa, theo ngôn ngữ của nhân loại: Ngài chỉ “hạnh phúc” vì tỏ được lòng xót thương trên con người là tạo vật Ngài nuông chiều, yêu quý.


Giao ước giữa Thiên Chúa và dân riêng cũng là giao ước giữa Thiên Chúa với mỗi người. Giao ước cũ với dân Do Thái đã được kiện toàn bằng giao ước mới của Đức Kitô với chúng ta qua máu của Thiên Chúa đổ trên Thánh Giá. Sự chết của Đức Kitô đã là chữ ký của Thiên Chúa trên giao ước mới và vĩnh cửu. Nếu giao ước cũ đã ký bằng máu hy lễ chiên bò, thì giao ước mới được đóng ấn bằng máu Đức Kitô - Thiên Chúa làm người. Máu Thiên Chúa đã chứng nhận và bảo đảm sự hữu hiệu vô cùng của giao ước: ơn cứu rỗi đời đời và vô hạn cho mọi người.

Gặp gỡ Đức Kitô trong Mùa Chay, mỗi người có dịp nghe Ngài nhắc nhớ tình yêu nhập thể, nhập thế và mầu nhiệm cứu chuộc. Tình yêu đã nhập cuộc trong đời mỗi người. Tình yêu đã khiêm hạ quỳ xuống rửa chân cho mỗi người. Tình yêu đã vất vả gánh vác tội lỗi của mỗi người. Tình yêu đã giang tay chịu đóng đinh để ôm lấy trọn vẹn vận mệnh, đời sống của mỗi người. Và tình yêu ấy đã đơn phương yêu thương, đơn phương tha thứ, đơn phương chữa lành, hoà giải, bởi tình yêu ấy là tình xót thương, “thích” mù loà trước tội lỗi và liều lĩnh thứ tha.

Gặp gỡ mỗi người trong Mùa Chay, Đức Kitô muốn làm mới lại giao ước tình yêu giữa Ngài và mỗi người. Giao ước ấy là tình cha – con vời vợi, tình bè bạn thân thương, tình thầy – trò nghĩa thiết. Đức Kitô đã thiết lập bằng chính máu Ngài các mối quan hệ ân tình này giữa Ngài và mỗi tâm hồn. Ngài muốn đi vào trái tim mỗi người và ở lại đó để yêu thương, cứu độ. Hạnh phúc của Thiên Chúa say mê con người là được ở trong cuộc đời mỗi người để thăng tiến, xây dựng và thánh hoá cuộc đời đó cho hạnh phúc tròn đầy, viên mãn, đời đời. Hạnh phúc của Thiên Chúa xót thương là con người không phải chết, nhưng được sống và sống dồi dào. Hạnh phúc ấy còn là nâng nhân tính của con người lên hàng thiên tính, nghĩa là được tháp nhập trong chính sự sống của Thiên Chúa. Ngày chịu phép thánh tẩy, mỗi người được dìm mình trong nước như dấu chỉ của một lần chết đi cho tội lỗi hầu mặc lấy sự sống của chính Thiên Chúa, để rồi ngày sống lại, thân xác hư nát cũng sẽ được phục sinh trong Đấng đã chiến thắng sự chết nhờ sự chết và sống lại của Ngài. Giao ước giữa Đức Kitô và mỗi người chính là giao ước sự sống và phục sinh đã được ký trong ơn sủng từ Thánh Giá. Đức Kitô đã tự hiến mạng sống để có được giao ước mới hoàn hảo mang ơn cứu độ. Ngài cũng đã chấp nhận đau khổ và cái chết nhục nhã để giao ước mang một giá trị vô cùng: cho tất cả mọi người được ơn tha tội. Và giao ước bằng máu Thiên Chúa ấy đã đời đời hoà giải con người tội lỗi với Thiên Chúa và ban lại ơn bình an của con cái Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại tội lụy.

Mùa Chay như lời tâm sự nhắc nhớ. Thiên Chúa nhắc mỗi người để mỗi người nhớ lại tình xưa nghĩa cũ với Thiên Chúa. Đã có bao nhiêu kỷ niệm đẹp giữa ta và Chúa, bao nhiêu ân sâu nghĩa nặng ta cần cám ơn, đền đáp, bao nhiêu dấu ái mặn nồng Chúa đã để trên đời ta, bao nhiêu ước mong, khát vọng, đợi chờ Chúa đã hơn một lần ở ta kí thác.

Đời Chúa muốn gắn với đời ta như giao ước cho ta sự sống của Chúa. Tình Chúa muốn bao phủ đời ta như giao ước cho tình ta nghèo nàn được bơi lội thỏa thuê trong đại dương tình Chúa. Ơn Chúa như sương sớm nuôi ngàn hoa như giao ước chan hoà đời ta niềm vui cứu độ. Vì hạnh phúc duy nhất của Thiên Chúa Tình Yêu chính là trái tim con người biết rung lên niềm cảm tạ “lòng thương xót của Ngài từ đời nọ đến đời kia trên những kẻ kính sợ Ngài“ (Lc 1,50).

Mùa Chay - Mùa Tìm Lại Bóng Hình

Nếu phải xa nhau lâu ngày, hai người yêu nhau khi gặp lại thường quấn quýt hôn lấy hôn để, và nghẹn ngào sờ soạng khuôn mặt nhau. Họ đang tìm ở nhau một cái gì đó sâu đậm hay đã phôi phai, vẫn còn hay đã mất, như ngày xưa hay đã khác xa lắm rồi. Đôi tay tình nhân có khi hốt hoảng, có lúc ngập ngừng, có khi hạnh phúc, có lúc bẽn lẽn tìm lại khuôn mặt người tình, tìm xem những gì còn, những gì mất trên đó. Họ đang khám phá dung mạo của nhau bằng đối chiếu những nét hôm nay với những nét hôm qua, những đổi thay hằn sâu hay bàng bạc, phơn phớt trên làn da, thớ thịt. Hai tình yêu đang mơn trớn sờ soạng tìm bóng dáng nhau. Hai trái tim đang thổn thức nhận diện lại nhau. Hai cuộc đời đang ghi chụp hình ảnh về nhau. Hai hạnh phúc đang xác định nồng độ tình cho nhau.

Tìm lại hình ảnh, dung mạo nhau là điều cần thiết; bởi không những bóng thời gian làm lu mờ, phai nhạt hình ảnh; dung mạo trong tim nhau, mà người đời cũng góp phần không nhỏ làm bầm giập, lệch lạc, méo mó. Những thị phi, ganh ghét, hiểu lầm của người chung quanh, những cơn mây đen kịt của lòng ích kỉ, hận thù đã biến thành dị dạng nhiều khuôn mặt dễ thương, phúc hậu và không cho hai trái tim nhận ra nhau; vì thế mới có cảnh “xa mặt cách lòng” đáng buồn, đáng trách.

Tìm lại hình ảnh, dung mạo nhau cũng là đòi hỏi của tình yêu chân thực khi mỗi ngày tình ấy đều muốn nói mãi lời “yêu em - yêu anh” như khẳng định lòng này chẳng bao giờ muốn cách, dù mặt này đôi lúc phải xa xôi. Những khẳng định tình yêu như những thanh củi cho bếp hồng luôn có lửa tỏa ấm và như những giọt nước rót đều vào gốc hồng chờ ra đời những bông hồng tươi xinh, rực rỡ. Trong bất cứ cuộc tình nào, những lần trở lại, gặp lại, tìm lại đã cho phép những người yêu nhau lại nhận ra khuôn mặt mình yêu, hình bóng mình thương, dáng dấp mình dấu ái, dung mạo mình âu yếm, tôn thờ để tình yêu trong họ được sống mãi và vững chãi trưởng thành.

Tình yêu giữa ta và Đức Kitô cũng cần những Mùa gặp lại, tìm lại để dung mạo Đức Kitô không nhạt nhòa, phôi phai và bóng dáng Ngài không bị xiêu vẹo, sụp đổ trong tâm hồn những người đi theo Ngài. Và Mùa Chay chính là Mùa thuận tiện để bóng hình, dáng dấp, dung mạo ấy được cung kính tô đậm trong trái tim muốn nói yêu Ngài.

Nhưng đâu là dung mạo đích thực của Đức Kitô - Thiên Chúa?

Chính Đức Kitô đã muốn biết các môn đệ vẽ chân dung của Ngài thế nào, khi hỏi các ông: “Người ta bảo Thầy là ai? ” trong khi dân chúng đang ồn ào, xôn xao, kháo láo, đồn thổi, phỏng đoán về Ngài (Mt 16,13-15). Người thì bảo Ngài là Gioan Tẩy Giả mới bị Hêrôđê chém đầu sống lại; nhóm khác bảo Ngài là hiện thân của tiên tri Elia; có đám cho rằng Ngài là tiên tri Giêrêmia hay một tiên tri nào đó... Người ta thi nhau vẽ hình dáng và “tự biên tự diễn” lí lịch của Ngài, nhưng có mấy người đã biết chính xác và chân thực Đức Giêsu là ai?


Người thời nay cũng như người đương thời với Đức Kitô đã nhốn nháo đổ xô đi xem phép lạ, điềm lạ nhưng lại không tin Đức Kitô là người đã làm phép lạ. Họ thích nghe chuyện lạ, thấy sự lạ, nhưng rất xa lạ với Đấng có quyền làm phép lạ. Đức Kitô đã nhiều lần nói với họ về Ngài, cũng như Gioan Tẩy Giả trước khi Đức Kitô khởi đầu sứ vụ rao giảng đã công khai giới thiệu về Ngài (Lc 3,16), nhưng rất ít người đã tin Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế. Người ta cũng như chúng ta thích tự mình nặn ra một Thiên Chúa theo óc tưởng tượng của mình, thích vẽ một Thiên Chúa như mình nghĩ, mình muốn, thích đúc tạc một Thiên Chúa hợp với khuynh hướng, sở thích riêng. Con người muốn tạo dựng Thiên Chúa cho mình, muốn Thiên Chúa thuần túy mang hình ảnh mình, là khuôn mẫu luân lý do chính mình đề ra để che chống, giải toả những ẩn ức và dục vọng bất chính. Thiên Chúa do con người tạo nên đã không khác “thiên chúa bò vàng” mà dân Do Thái đã đúc tạc rồi rủ nhau thờ lạy trên hành trình về Đất Hứa.

Những Thiên Chúa được tạo nên từ bàn tay con người thì nhiều và thời nào cũng có. Đã có bao nhiêu tổ chức to nhỏ tự dựng nên một Thiên Chúa, tự tạo một giáo lý, tự chế biến một giáo hội. Nhóm này bảo Thiên Chúa của họ phán thế này; nhóm kia tuyên bố chính xác ngày giờ tận thế; nhóm khác “nhặt nhẹ” giáo lý Công

Giáo, bỏ đi vài điều phải tin, rồi vui vẻ tung tin mình vừa được Thiên Chúa mạc khải và giao sứ mệnh thành lập một giáo hội mới; có nhóm tự phụ: chỉ những người đi theo họ mới được lên thiên đàng, còn tất cả sẽ phải sa hoả ngục, mất linh hồn. Tựu trung các nhóm này đều không xây dựng được giáo lí của mình trên một nền tảng vững chắc vì thường chỉ là vay mượn, cắt xén, hoặc do óc tưởng tượng bệnh hoạn nên “giáo lí” không nhất quán, không chặt chẽ nhưng thiếu sót, lệch lạc, phi lí. Và mãi mãi, ta còn phải gặp những người tự xưng là đấng thiên chúa sai đến, là “chiêu thánh hoàng đế”, là “con cưng của chúa”, là tiên tri sau cùng của loài người. Thế giới hôm qua cũng như hôm nay tràn lan những giáo phái với những giáo lý giật gân, kinh dị, non nớt này, nhưng vẫn không thiếu những người nhẹ dạ, hiếu kì đổ xô xin làm đệ tử.

Thực ra, chuyện bỏ Đạo và chạy theo những giáo thuyết lệch lạc đã được chính Đức Kitô cảnh báo: “Sẽ nổi lên nhiều đấng cứu thế và ngôn sứ giả. Họ sẽ làm mê hoặc dân chúng và vì sự dữ lan tràn, đức ái nơi nhiều người sẽ nên như băng giá” (Mt 24,23-26) và các tông đồ tiếp tục nhắc nhở từ những ngày đầu của Giáo Hội. Thánh Gioan trong thư thứ nhất của Ngài đã viết rất rõ về câu chuyện “bỏ Đạo chạy theo tiên tri giả” (1Ga 2,17-27). Vấn đề đặt ra cho ta là lý do nào đã làm những người anh em này bỏ Giáo Hội ra đi? Có khi nào ta nghĩ: ngoài tính nhẹ dạ, bồng bột, hiếu kỳ và tâm lý yếu đuối, bệnh hoạn, những người anh em này đã bỏ Đạo vì chúng ta đã không yêu thương, kính trọng, nâng đỡ, hướng dẫn, đồng hành với họ; vì những người có trách nhiệm trong Dân Chúa đã không làm tròn bổn phận mục tử; vì thái độ kiêu căng, hống hách, quan liêu, gian dối, bóc lột, thiếu từ tâm và công bình bác ái của Bề Trên, người phụ trách; vì những phán đoán lệch lạc, thiên kiến của cộng đoàn; vì chúng ta sống không xứng đáng; vì gương mù gương xấu của cha xứ, ban Hành Giáo, anh chị huynh trưởng; vì chúng ta đã đi lệch đường Đức Kitô dạy; vì chưa một lần ta cầu nguyện xin cho họ ơn trở về… Nếu khiêm tốn và chân thành, chúng ta sẽ thấy mình đồng trách nhiệm trong yếu đuối, sa ngã của anh em và biết mình phải làm gì.


Trở lại câu hỏi của Đức Kitô về dung mạo, căn cước tính của Ngài, ta có lời tuyên xưng của Phêrô, tông đồ trưởng, đại diện nhóm mười hai: “Lạy Thầy, Thầy là Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Lời tuyên xưng rất quan trọng của Phêrô đã cho ta dung mạo, căn cước đích thực của Đức Kitô và là nền tảng cho niềm tin Công giáo; bởi chúng ta tin Đức Kitô và tuyên xưng niềm tin của chính Phêrô đã tuyên xưng khi nhận bí tích Rửa Tội, gia nhập Giáo Hội được Đức Kitô chính thức xây trên tảng đá Phêrô: “Phúc cho con, Phêrô ơi, vì không phải máu huyết loài người tỏ cho con biết điều này, nhưng chính Chúa Cha trên Trời đã mạc khải cho con. Thầy nói với con: Con là Đá và trên tảng Đá này, Thầy sẽ xây dựng Giáo Hội của Thầy” (Mt 16,17-18). Lời tuyên xưng của Phêrô đã được Đức Kitô đóng ấn chấp thuận và công khai, chính thức xây dựng Giáo Hội trên niềm tin được tuyên xưng ấy. Nói cách khác, đức tin ở Đức Kitô mà Phêrô vừa tuyên xưng là đức tin duy nhất của Giáo Hội, đức tin không thể thay đổi của người theo Đức Kitô, đức tin tinh tuyền, trọn vẹn không tì ố và chúng ta không tuyên xưng một niềm tin nào khác ngoài niềm tin đã được Phêrô long trọng tuyên xưng này. Đây là điểm rất quan trọng mà chúng ta không được phép quên hay lơ là, sao lãng; bởi có thể cũng là niềm tin, nhưng niềm tin của những người khác, giáo phái khác không “giống” niềm tin của Phêrô, niềm tin mà Giáo Hội đã, đang và mãi mãi tuyên xưng. Chúng ta không tuyên xưng niềm tin của triết gia, nhà đạo đức, lý thuyết gia, bậc vĩ nhân, hay ông tổ của giáo phái nào đó, dù niềm tin ấy cũng là “tin vào Thiên Chúa dựng nên trời đất”; bởi vì niềm tin của Phêrô là niềm tin được đặt hoàn toàn trên con người Đức Kitô, Thiên Chúa làm người. Niềm tin ấy không mơ hồ, bâng quơ, đại trà, tổng quát, chung chung; nhưng xác định rõ trên con người Đức Kitô, tin ở Đức Kitô, Thiên Chúa ngôi Hai nhập thể làm người, đã sống, đã chịu khổ hình thập giá để cứu độ và đã sống lại từ cõi chết. Niềm tin của Phêrô phải là niềm tin của chúng ta, nghĩa là một niềm tin gắn bó thiết thân, thiết thực, thiết tha, thiết yếu trong Đức Kitô, Đấng cứu thế, Con Thiên Chúa hằng sống. Các tông đồ và tất cả mọi người tín hữu từ buổi đầu của Giáo Hội đến hôm nay đều tuyên xưng chung một niềm tin Phêrô này. Chối từ, loại bỏ niềm tin Phêrô, chúng ta lập tức ở ngoài Giáo Hội của Đức Kitô, bởi lẽ Đức Kitô đã xây Giáo Hội của Ngài trên niềm tin Phêrô đã tuyên xưng này.


Như thế, khi loại bỏ Đức Kitô hay giảm bớt Đức Kitô, chúng ta cũng loại bỏ luôn niềm tin nơi Thiên Chúa, vì ngoài Đức Kitô, chúng ta không có niềm tin nào đáng tin hơn; vì ngoài Đức Kitô, ta không thể gặp được Thiên Chúa, không hoà giải được với Thiên Chúa và không nhận được từ Thiên Chúa ơn cứu độ. Đức Kitô xuống thế để trở thành Thiên Chúa ở giữa con người hầu qua Ngài, con người biết Thiên Chúa là ai. Không những biết, con người còn được gặp gỡ Thiên Chúa trong Đức Kitô và cùng với Đức Kitô, con người được đồng hưởng hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa. Cắt đi nhịp cầu Giêsu, Đấng trung gian giữa Đất - Trời, Loài người - Thiên Chúa, chúng ta sẽ hoàn toàn bất lực trong toan tính lên trời, gặp Thiên Chúa, và thất bại trong công trình tìm hạnh phúc đời đời. Loại bỏ Đức Kitô ra khỏi niềm tin như phần đông các giáo phái chủ trương, con người sẽ lập tức rơi vào tình trạng lầm lạc, mất sức sống vì Đức Kitô là “Ánh Sáng, là Đường, Sự Thật và Sự Sống”. Suốt cuộc đời dương thế, Đức Kitô đã luôn luôn căn dặn các môn đệ và những người đi theo Ngài:

“Chúa Cha yêu thương Chúa Con và đặt nơi Ngài tất cả mọi sự. Vì thế, ai tin ở Chúa Con sẽ được sống đời đời. Ai từ chối không tin Ngài, sẽ không có sự sống, trái lại cơn giận của Thiên Chúa sẽ đè nặng trên họ” (Ga 3,35-36). Vì thế, “các ngươi sẽ không nghe được tiếng Chúa Cha, không thấy mặt Ngài, và Lời Ngài không ở trong các ngươi, nếu các ngươi không tin Ta là Đấng đã được Chúa Cha sai đến” (Ga 5,37-38), để rồi “các ngươi không biết Chúa Cha và Ta; nhưng nếu các ngươi biết Ta, các ngươi cũng sẽ được biết Cha Ta trên trời” (Ga 8,19) vì “ai tin Ta là Tin Đấng đã sai Ta, ai thấy Ta là thấy Đấng đã sai Ta” (Ga 12,14-15), “ai đón nhận Ta là đón nhận Đấng đã sai Ta” (Ga 13,20), “ai nghe lời Ta, Cha Ta sẽ yêu mến họ và chúng ta sẽ đến ở với họ” (Ga 14,23).


Giáo Hội từ hơn hai nghìn năm nay đã trung thành với niềm tin được Phêrô tuyên xưng về Đức Kitô: “Lạy Thầy, Thầy là Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa hằng sống” và Giáo Hội đã sống chết với niềm tin này, bằng chứng là không lúc nào máu các chứng nhân đã ngưng đổ ra trước sức tấn công vũ bão của thần dữ và bè lũ. Thần dữ chỉ tấn công một điểm duy nhất là đánh bật Đức Kitô ra khỏi niềm tin của chúng ta; bởi chúng biết: duy nhất một niềm tin nơi Đức Kitô là niềm tin thật, niềm tin vững chắc, tinh tuyền mang lại ơn cứu độ và sự sống đời đời; bởi chúng biết khi loại bỏ được Đức Kitô, niềm tin sẽ chỉ còn là mơ hồ, ảo tưởng; bởi chúng biết khi bứng được Đức Kitô, niềm tin sẽ trở nên u tối, lầm lạc, phai tàn, héo úa vì không còn Ánh Sáng và Sự Sống. Đánh phá niềm tin của người tín hữu, thần dữ luôn nhắm vào hòn đá tảng là niềm tin Phêrô đã tuyên xưng khi tìm mọi cách li gián niềm tin của ta ra khỏi niềm tin của Phêrô, tách rời xác tín của ta ra khỏi lời tuyên xưng nồng nàn, quyết liệt của Phêrô và làm lung lạc niềm tin của ta nơi niềm tin của Phêrô là đá tảng xây Giáo Hội. Kinh nghiệm làm việc với những anh em bị cuốn hút bởi các giáo phái mới mọc lên như nấm ở Việt Nam những năm gần đây cho thấy: hầu như tất cả đều bắt đầu bằng loại bỏ vai trò của Đức Kitô, truất phế vị trí trung tâm trong công trình cứu chuộc của Đức Kitô, tách biệt Đức Kitô ra khỏi Chúa Cha và phủ nhận thiên tính của Ngài trong mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Không một giáo phái nào đã dám để Đức Kitô có mặt, trái lại trọng tâm và mục đích của họ là triệt phá, xóa hẳn, tẩy sạch dấu vết hình ảnh, dung mạo Đức Kitô trong niềm tin của con người. Đức Kitô không thể “đội trời chung” với họ và bằng mọi giá phải đánh gục Ngài. Vì thế, khi đối thoại với những người anh em bỏ Giáo Hội đi theo các giáo phái chống Đạo, không chấp nhận đức tin tông truyền của Phêrô, chúng ta nên cố gắng giúp họ can đảm nhìn thẳng vào Đức Kitô và tìm gặp lại chính Ngài với dung mạo yêu thương, nhân hậu, tha thứ, “chậm bất bình và rất đỗi khoan dung” hơn là mất giờ vì những đối chất loanh quanh ở vòng ngoài, không liên quan đến cốt lõi của niềm tin nơi Đức Kitô qua những cắt nghĩa gượng ép, phân tích vụn vặt, chú giải rời rạc, thiếu khách quan, lương thiện xoay quanh một vài câu Kinh Thánh được cẩn thận cắt xén và tách ra khỏi ngữ cảnh của Tin Mừng với ác ý “ăn thua đủ”, gài người đối thoại vào ngõ bí. Đừng quên một điều rất căn bản là niềm tin của chúng ta luôn dựa trên “Đức Kitô - Thiên Chúa làm người”, nên niềm tin ấy không chấp nhận bất cứ một nhượng bộ, du di, sắp xếp, thương lượng nào có mục đích thay đổi “Con Người - Thiên Chúa” nơi Đức Kitô. Trái lại, bằng mọi giá phải gìn giữ dung mạo ấy được tinh tuyền, nguyên vẹn là “Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa hằng sống” mà Phêrô đã tuyên xưng. Trong đức tin tông truyền, niềm tin của chúng ta được Đức Kitô chứng thực, bảo đảm và niềm tin ấy cho chúng ta nghị lực và sáng suốt để cùng Giáo Hội can đảm làm chứng Đức Kitô là Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian để cứu độ mọi người.


Như thế sẽ không khó phân biệt, cũng không khó đo lường đức tin của mỗi người, vì tiêu chuẩn duy nhất để phân biệt, đo lường là mức độ gắn bó với Đức Kitô như thánh Gioan đã viết: “Tiên tri giả sẽ tràn đầy thếgiới. Và đây là cách để anh em biết ai thực là người được Thánh Thần Chúa linh ứng, thúc đẩy: Nếu người được linh ứng tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô đã đến giữa chúng ta trong xác phàm thì người ấy thuộc về Thiên Chúa; trái lại, người được linh ứng mà từ chối tuyên xưng Đức Giêsu thì quả thực người này không thuộc về Thiên Chúa, nhưng họ thuộc về thần dữ chống Đức Kitô...” (1Ga 4,1-3) và “Bất cứ ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, người ấy thực sự được sinh bởi Thiên Chúa” (1Ga 5,1).


Dung mạo Đức Kitô trong ta có lẽ ít nhiều cũng đã bị lu mờ, méo mó, nhăn nhúm, sứt mẻ vì những yếu đuối, thiếu sót, lỗi lầm của ta. Dung mạo tuyệt vời ấy trong anh em cũng có thể đã bị bôi nhọ lấm lem, bẩn thỉu vì rất nhiều tội lỗi và đời sống bất xứng của ta.

Mùa Chay, Đức Kitô ghé lại thăm nhà tâm hồn, Ngài muốn rửa sạch trong ta những vết nhơ trên mặt Ngài để dung mạo thánh thiện của Ngài sẽ lấy đi cái hoang vắng của cõi lòng thiếu Chúa là Tình Yêu. Xin cho Mùa Chay trở thành mùa tìm lại hình bóng Chúa và dung mạo Đức Kitô nhân từ, khiêm nhường, giàu lòng xót thương.

Mùa Chay - Mùa Bác Ái


Khi nghe đến bác ái, ta có khuynh hướng quy chiếu và giản lược ngay giới luật yêu thương của Đức Kitô vào những công việc từ thiện, chia sẻ vật chất bên ngoài. Những việc làm bác ái cụ thể, thiết thực rất đúng và rất cần vì “Đức Tin không việc làm là Đức Tin chết”, Đức Ái không việc làm còn chết lẹ, chết bạo hơn và người “nói mà không làm” này được thánh Phaolô và Giacôbê xếp vào hạng “ba xạo, khoác lác, nổ bậy”. Tuy thế, bên cạnh những việc làm bác ái, còn một việc cần phải làm nữa, đó là yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ. Tin Mừng Mùa Chay đưa ta vào giữa lòng của cao trào Đức Ái và dắt ta đến tận “củ tỷ” của đòi hỏi bác ái rất gắt gao, dứt khoát.

Gọi Yêu Thương là giới luật mới, vì Đức Kitô đã đến giữa con người để thiết lập bộ luật yêu thương mới, không giống như luật cũ Môsê. Bằng chính cuộc đời và cái chết trên thánh giá, Ngài đã làm chứng: với ơn Chúa, người theo Đức Kitô có thể yêu thương đến cùng, yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù và hiến mạng sống cho những người mình yêu.

Luật Môsê hay luật của Cựu Ước với Đức Giêsu đã không còn thích hợp. Luật cũ ấy cho phép “mắt đền mắt, răng đền răng”: “mày bẻ răng tao, tao bứng răng mày; mày móc mắt tao, tao khoét mắt mày” và tự nhiên yêu người thân, ghét kẻ thù. Đức Kitô đến và Ngài đã làm một cuộc cách mạng toàn bộ, khi thay đổi tận gốc rễ luật cũ và thiết lập luật Tình Yêu mới.

Ngài đã lập luật mới như Tin Mừng cho mọi người: luật yêu thương cho một thế giới yêu thương. Yêu thương của Ngài là cho đi không tính toán, là giơ má cho người ta tát nếu cần, là yêu không biên giới, là thương vô điều kiện, là liên lỉ tha thứ, là nhận về mình mọi thiệt hại và nhất là yêu cả người khinh bỉ, bách hại, lên án mình và cầu nguyện cho họ (Mt 5,43-48). Đức Kitô đã đảo ngược trật tự xã hội, tôn giáo của thời Ngài, ở đó công lý sẽ không còn xây trên nền tảng công - tội, thưởng - phạt nhưng xây trên lòng thương xót, bao dung; nhờ thế mà người đàn bà ngoại tình đang bị công lý loài người đè ra ném đá đã được công lý Thiên Chúa xót thương cứu giúp, giải thoát (Ga 8,1-11). Ngài dấy lên phong trào nhân quyền khi bất chấp luật cấm của ngày Sabát: “Tôi nói cho các ông nghe: Luật là để phục vụ con người, chứ không phải con người là nô lệ của Lề Luật” (Mc 3,27). Ngài đổi mới tư duy, cái nhìn của con người về tha nhân qua câu chuyện người Samaritanô nhân lành (Lc 10,25-37). Ngài lập một tiêu chuẩn trách nhiệm và lượng giá mới: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” và người làm lớn là người phục vụ, người lãnh đạo là người tận tụy, hy sinh và khiêm tốn quỳ xuống rửa chân cho thuộc cấp (Mt 20,27-28). Ngài lập một trật tự xã hội, tôn giáo mới khi cố tình quấy động để đổi mới nếp nghĩ, nếp sống, thói đời bình thường, quen thuộc của người đương thời: Người ta mong làm lớn để được ngồi cao, còn Ngài thì bảo: Ai không trở nên bé nhỏ như trẻ thơ thì không được vào vương quốc của tôi và người có chỗ cao nhất trong nước trời là người bé mọn nhất (Mt 18,1-6). Ở đây, chúng ta cùng Ngài đi vào cốt lõi của luật mới: Tình Yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù.



Tin Mừng ngày thứ Bảy tuần thứ nhất Mùa Chay đặt chúng ta trước nghịch lý của một tình yêu vượt ngưỡng tự nhiên. Vượt ngưỡng tự nhiên vì cứ tự nhiên, bình thường, hơi đâu đi yêu kẻ ghét mình, thương kẻ coi thường mình, mến kẻ kèn cựa, bon chen. Cứ đương nhiên thì ai lại ngu đến độ giúp đỡ kẻ “chơi” mình và làm ơn cho đứa phản bội, tiêu lòn. Tình tự nhiên thấy ngay đòi hỏi trên là nghịch lý, khó chấp nhận, vì tự nhiên người ta chỉ thương được người thương mình và tất nhiên phải ghét người làm hại mình. Biết chúng ta sẽ nổi quạu vì cái nghịch lý khó chịu này, nên Đức Kitô đã rào trước đón sau như một nhà sư phạm khi khơi dậy trong ta một vài suy tư:

      Trước hết, Ngài công khai xin chúng ta cùng Ngài bước qua ngưỡng của tình yêu tự nhiên theo luật cũ “Yêu người thân, ghét kẻ thù” để bước vào một thế giới siêu nhiên với tình yêu siêu nhiên: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người hành hạ, bách hại chúng con để chúng con xứng đáng là con của Cha trên trời” (Mt 5,43-35). Thế giới Ngài dắt chúng ta vào là thế giới siêu nhiên của Cha trên trời, không còn là thế giới tự nhiên và mục đích phải đạt của những người theo Ngài là trở nên con Thiên Chúa, chứ không còn là con của loài người. Ngài đã công khai và dứt khoát mời chúng ta ra khỏi thế giới tự nhiên với tư duy tự nhiên, hành động tự nhiên của con người tự nhiên. Như thế, yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ thù không còn nằm trong vùng phủ sóng của tự nhiên, nhưng vượt tầm, vượt ngưỡng, vượt biên, vượt mức để sang hẳn khung trời, thế giới siêu nhiên. Trong thế giới siêu nhiên, con người tự nhiên cần ơn siêu nhiên để có thể thực hiện những hành vi siêu nhiên; nói cách khác, con người tự nhiên được nâng lên hàng siêu nhiên để hoạt động với Chúa, trong Chúa. Hành động bác ái yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ thù là hành vi siêu nhiên, có Chúa; vì thế, con người tự nhiên với lý lẽ tự nhiên, suy nghĩ tự nhiên, khuynh hướng tự nhiên, chọn lựa tự nhiên sẽ không làm được và tất nhiên cho là nghịch lý, vô lý, không chấp nhận được.



Để củng cố niềm tin và hy vọng vào lời Ngài hứa cho những ai dám theo Ngài vào khung trời siêu nhiên, Đức Kitô đã chứng minh ngay: Thiên Chúa đã làm mưa nắng trên cả người lành, kẻ dữ; có nghĩa là Ngài yêu cả kẻ dữ, người lành và luôn mong đợi mọi người trở về với Ngài để được hạnh phúc. Tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ tràn trề trên tất cả người lành, kẻ dữ, vì không một ai lọt ra ngoài tầm ngắm yêu thương của tình Ngài bao dung, thương xót. Cứ theo thói thường và tình tự nhiên thì chỉ nên mưa nắng cho người “ăn ngay ở lành”, còn bọn gian ác “trẻ không tha, già không thương” thì mưa nắng trên chúng làm gì cho uổng nắng mưa của Trời. Chúng ta không khỏi một lần khó chịu, bực bội với Chúa khi thấy bọn lưu manh, gian ác, ngậm máu phun người thì phây phây “hạnh phúc”, còn người công chính thì gặp toàn bất hạnh, rủi ro, đau khổ... Khác gì các môn đệ đã xin Đức Kitô cho lửa trên trời xuống thiêu hủy trọn một thành thuộc xứ Samaria vì dân chúng đã không đón tiếp Chúa. Không như các ông dự đoán và mong ước, Đức Kitô đã trách tâm địa không tốt của các ông và nói: “Thầy đến không phải để giết hại mà để cứu sống”. Nghe thế, các ông buồn hiu vì không “dạy được cho bọn này một bài học” để chúng “biết thế nào là lễ độ” (Lc 9,52-54); hay như người con lớn của người cha nhân từ trong câu chuyện đứa con hoang đàng (Lc 15,25-32). Anh hai thấy em về sau bao năm tháng xa nhà, xa cha, đã thay vì vui với cha, với em và mọi người, anh hai đã “bực bội, tức giận, không muốn vào nhà” và hằn học với cha: “Bao nhiêu năm ở nhà, không đi đâu và chỉ biết hầu hạ, phụng dưỡng cha... thế mà con chẳng được gì, còn thằng chó chết bỏ nhà đi hoang, phung phí hết tiền của, đáng lẽ đã chết bờ chết bụi, nay vác xác, mò về thì cha lại đãi tiệc ăn mừng. Thiệt tình, con hết hiểu nổi và chán cha tận cổ”. Anh hai chán cha tận cổ vì tình cha vượt quá tình tự nhiên chật hẹp, nhỏ bé của anh. Anh hai giận cha tím mặt, vì trái tim cha có lí lẽ siêu nhiên mà trái tim tự nhiên của anh không thể hiểu nổi. Anh hai càu nhàu, trách móc cha, vì anh không có tình siêu nhiên “thương xót” như cha. Anh hai giận cha, không vào nhà, vì anh không qua được ngưỡng tình yêu tự nhiên để bước vào vùng trời yêu thương siêu nhiên. Anh hai sẽ mãi mãi không hiểu và không bao giờ chấp nhận lòng bao dung, tha thứ không điều kiện của cha đối với em, vì quả tim “tự nhiên” của anh hai rất bé nhỏ, chỉ quanh quẩn với chút công lênh: “con chẳng đi đâu khỏi nhà, chỉ biết hầu hạ, phụng dưỡng cha” mà quên rằng: “mọi sự của cha là của con”. Trái tim anh hai chỉ đủ để chứa công trạng, huân chương, bảng khen, phần thưởng của riêng mình; ngoài ra không chứa thêm được gì, kể cả tình yêu cha già, người mà anh tự phụ “suốt đời hầu hạ, phụng dưỡng”.



Vì thế, nguy cơ của đời sống đạo là không chịu vượt ngưỡng tự nhiên để sang vùng trời siêu nhiên, không gồng mình ra khỏi pháo đài bề ngoài kiên cố nhưng bên trong rỗng tuếch, tạm bợ, nặng phần trình diễn của nhiều “cái tôi” như ý tôi, đời tôi, nhà tôi, nhóm tôi, xứ đạo tôi, hội đoàn tôi. Luật Tình Yêu mới của Đức Kitô là một cuộc cách mạng đòi đứng dậy, ra khơi, sang bờ bên kia, đi đến tận cùng thế giới, tận cùng thời gian. Tình yêu ra đi gặp gỡ, đón tiếp. Tình yêu ra khỏi nhà mình chật hẹp, ra khỏi lòng mình nhỏ nhen, ra khỏi nếp sống vun vén, ích kỷ để không ai không có chỗ trong cuộc đời mình, không ai bị ruồng bỏ, hắt hủi, lãng quên trong trái tim mình, không ai còn là kẻ thù “không đội trời chung”, không chung một đường về. Tình yêu cởi trói tâm địa kỳ thị, bóc lột, lợi dụng người khác. Tình yêu vượt trên tất cả để ôm được tất cả, thứ tha tất cả để nối kết tất cả, hy sinh tất cả để gặp được tất cả. Tình yêu ấy vô vị lợi đến mức không đợi chờ bất cứ phần thưởng nào, ngoài một phần thưởng duy nhất là chính Đức Kitô khi tình yêu tự nhiên đạt mức hoàn thiện siêu nhiên như Cha trên trời (Mt 5,48).

Thánh Tôma Aquinô sau khi viết xong “Tổng luận thần học” đã được Chúa hiện ra và hỏi: “Này Tôma, con đã viết rất nhiều về Cha, nay Cha muốn thưởng công con, vậy con muốn Cha thưởng con điều gì?” Thánh Tôma đã thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con chỉ xin cho con có Chúa”.

Có lẽ ta cũng phải như thánh Tôma xin cho ta luôn có Chúa để trái tim yêu được như Chúa yêu, thương như Chúa thương và tâm hồn thứ tha được như Chúa bao dung, độ lượng; bởi không có Chúa, ta không thể yêu được kẻ thù, không liều lĩnh được đến độ giơ má cho kẻ thù tát tiếp dăm ba cái nữa và nhất là không đủ khiêm nhường để chăm chú, sốt sắng, thiết tha cầu nguyện cho kẻ chơi xỏ, nói xấu, mạ lị, lên án, hành hạ, bách hại, truy diệt mình.

Mùa Chay, Chúa mời gọi mỗi người lên đường mạo hiểm với Chúa trong thế giới loài người với trái tim Thiên Chúa. Trang bị trái tim ta bằng tình yêu siêu nhiên, Chúa muốn ta đồng hành với Ngài trong thế giới tự nhiên để biến đổi tất cả quả tim đã hoá đá thành những trái tim có máu thịt: ngoan hiền trước tình Chúa, mềm mỏng, nhân hậu trước tình người.

Yêu Thương - Tha Thứ và Quảng Đại Cho Đi

           Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 7, TN C

    Nếu nhiều tổ chức thiện nguyện trên thế giới mang cùng lôgô “Không Biên Giới”, như hội Y Sĩ không biên giới, Phóng Viên không biên giới, Sắc Đẹp không biên giới, Nhân Quyền không biên giới, Nghệ Thuật không biên giới... , thì Hội Thánh, một cách nào đó, cũng có thể gọi là hội Tình Yêu -Tha Thứ - Cho Đi không biên giới.
    Tất cả các bài đọc trong lễ Chúa Nhật thứ bẩy thường niên năm C hôm nay quy hướng về “Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, Người chậm giận và giầu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao. Như đông đoài cách xa nhau vạn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta. Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn Người” ( Tv 102, 8-13).
    Sở dĩ con người được Thiên Chúa nhận làm con và được bao bọc bằng tình thương âu yếm của người cha nhân từ, như thánh vịnh 102 vừa diễn tả, vì Đức Giêsu đã ban cho con người sự sống mới của con Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã xác quyết với giáo đoàn Roma : Đó là sự sống siêu nhiên, sự sống xuất phát từ Đức Giêsu, Đấng đến từ Chúa Cha và hiến mạng cho con người được sống và sống dồi dào sự sống của con cái Chúa. 
     Tin Mừng Luca khẳng định chân lý trên, nhưng không khẳng định xuông, mà có điều kiện. Đức Giêsu công khai đưa ra những điều kiện để được làm con Thiên Chúa, điều kiện để có Thiên Chúa là Cha, điều kiện để hưởng lòng nhân hậu của Thiên Chúa:
    Trước hết, ở câu 31, Ngài nhắc lại “luật vàng” đã có trong Do Thái giáo : “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6,31), nhưng điều kiện Ngài đòi không dừng lại ở luật vàng này, mà vượt rất xa quy ước bình thường của con người mọi thời. Vượt xa quy ước bình thường khi Ngài truyền cho người muốn trở nên con Thiên Chúa phải thực hiện ba đòi hỏi sau: 



     1/ Yêu thương như Thiên Chúa yêu thương.
    Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu độ mọi người, bất kỳ ai, dù là người lành kẻ dữ. Ngài muốn chúng ta nên giống Ngài khi yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù, bởi “nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa” (Lc 6, 32), nhưng “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6, 27-28).



    2/ Tha thứ như Thiên Chúa luôn rộng lượng thứ tha :
    Yêu thương đòi tha thứ, bởi không có người yêu hoàn hảo, mà chỉ có “người khác” bất toàn. Nhưng để tha thứ, Chúa muốn chúng ta khởi đầu hành trình tha thứ bằng không xét đoán, lên án ai, bởi kẻ lên án, xét đoán anh em thì chẳng bao giờ có thể yêu thương, tha thứ.
    Đàng khác, Thiên Chúa đã không chỉ mời gọi, nhưng còn đặt hành động tha thứ và không lên án anh em như điều kiện để được cứu rỗi, tức được Thiên Chúa thứ tha và không đoán phạt : “Anh em đừng xét đóan, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6, 37).



3/ Quảng đại cho đi nhưng không, như đã nhận nhưng không : 
     Điều kiện thứ ba Thiên Chúa đặt ra cho con cái của Ngài là phải biết quảng đại cho đi, mà không tính toán, vì yêu thương đòi cho đi, trao tặng, và tình yêu chân chính luôn là tình yêu vị tha, hướng đến người khác : ước mong và mưu tìm hạnh phúc cho người mình yêu. 
    Ở đây, Đức Giêsu đã không úp mở khi nhấn mạnh : “Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại” (Lc 6, 30), vì “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại... Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6, 38).
    Thực vậy, Đức Giêsu mặc khải những bí mật của Nước Trời, và những bí mật này cũng là giấc mơ của Thiên Chúa. Ngài mơ mọi người “có lòng nhân từ, như Thiên Chúa là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36), để con người được sống hạnh phúc của con cái Thiên Chúa và anh em của nhau .
    Xin cho chúng con được cùng Chúa lên đường thực hiện giấc mơ hạnh phúc này.
Jorathe Nắng Tím