Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

CON ĐƯỜNG KHÔNG BIÊN GIỚI

THỨ BẢY TUẦN THÁNH
Trên thế gian này làm gì có đường không biên giới, làm gì có con đường bao phủ toàn cõi địa cầu, có mặt trong toàn thể thời gian, đến được hết mọi con người, bởi khi nói về đường, người ta nghĩ ngay đến đường ở đâu, đường dài ngắn bao nhiêu, phát xuất từ chỗ nào và dẫn đến chốn nào. Ấy là chưa nói đến: đường dành riêng cho thú vật, cho người đi bộ, cho xe đạp, xe máy, hay cho xe hơi, chưa kể những con đường khác như đường sông, đường biển, đường hàng không… Tắt một lời, đã là đường, ắt phải được giới hạn, định vị bằng một đơn vị đo lường; đã là đường thì không thể thiếu ranh giới, biên cương. Vì thế, khi nói đến “con đường không biên giới”, người ta khó có thể quan niệm đó là con đường của con người, mà thường nghĩ là con đường viễn tưởng huyền hoặc, con đường mơ ước vu vơ.
Nhưng Đức Giêsu đã mở ra con đường không biên giới. Ngài đã mở ra một cách thiết thực bằng con đường Thánh Giá đổ máu và mồ hôi, bị xỉ nhục và vu khống, bị đội mão gai và hnàh hạ, bi lột trần truồng và đóng đinh, bị đâm thủng cạnh sườn, và bị chôn trong mồ như mọi người.
Ngài đã mở ra con đường không biên giới một cách sống động bằng chính con người của Ngài: con người trăm phần trăm, vì Ngài đã nhập thể và làm người như chúng ta: trăm phần trăm vui mừng và hy vọng, trăm phần trăm sầu buồn và lo lắng, trăm phần trăm nhục nhằn và tang thương, trăm phần trăm kiếp người phải đau khổ và phải chết, trăm phần trăm trong thân xác biết đau khi bị đánh đòn, đóng đinh, và xông mùi hôi thối của tử thi trong mồ.
Ngài đã mở ra con đường không biên giới một cách lâu dài và tiệm tiến: khởi đi từ bước thứ nhất ở buổi Tạo Dựng, khi con người được dựng nên với hình ảnh Thiên Chúa và sống hạnh phúc trong ân nghiã Cha - Con với Ngài ( bài đọc 1); rồi Ápraham đuợc gọi lên đường đến nơi Thiên Chúa chỉ cho ông, vì ông được chọn làm tổ phụ một dân riêng “đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển” (bài đọc 2); tiếp đến là dân riêng được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập và vượt qua biển đỏ mà bàn chân họ vẫn ráo khô (bài đọc 3); nhưng rồi dân riêng ấy quên lời thề đã phản bội và bỏ Thiên Chúa, nhưng dù thế nào đi nữa, Ngài vẫn thương và dắt đưa họ về (bài đọc 4); và mãi mãi Thiên Chúa là nguồn nước làm đã khát cơn khát của dân Ngài (bài đọc 5), cũng như muôn đời Thiên Chúa bảo đảm ơn bình an cho những ai đi trên đường lối của Ngài (bài đọc 6); sau cùng chính Thiên Chúa sẽ đoàn tụ con dân Ngài lưu lạc khắp muôn phương, và đưa tất cả về Đất của Ngài đã chọn cho dân Ngài (bài đọc 7). Và quả thực, Thiên Chúa đã chuẩn bị “Con đường không biên giới” của Ngài bằng một qúa trình rất lâu dài với Dân riêng.
Nhưng con đường ấy Thiên Chúa không thực hiện một mình. Trái lại, Ngài muốn cùng con người thực hiện, để con đường không biên giới ấy trở thành con đường của Thiên Chúa và của con người.
Con đường của Thiên Chúa và của con người, khi Ngôi Lời nhập thể để làm người như con người, và sống, chết với con người, để con người cũng được chết và sống lại, sống mãi với Thiên Chúa. Chỉ với khả năng sống chết cho nhau, thuộc về nhau trọn vẹn, con người và Thiên Chúa mới có thể cùng thực hiện Con Đường cứu độ không biên giới, mà Đức Giêsu mong đợi ấy.  
Qủa thực, khi nói đến “sống, chết với nhau”, người ta hiểu: chỉ có tình yêu mới có thể thúc đẩy hai người chấp nhận sống chết với nhau đến cùng. Khi sẵn sàng sống như con người, và chết cho con người, Đức Giêsu biểu lộ một tình yêu tuyệt đối, khi hiến mạng sống mình cho con người mà Ngài yêu, để Thiên Chúa và con người thuộc về nhau, nên một với nhau, tháp nhập trong nhau, nhất là để con người được sống lại với Ngài để cùng Ngài thực hiện con đường không biên giới, như thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Rôma :
“Anh em không biết rằng: khi chúng ta đuợc dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao ? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta cũng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại” (Rm 6, 3-5).
Được sống lại như Đức Giêsu đã sống lại, vì chúng ta đã chết với Ngài ở cuối đường tử nạn, nhưng cuối đường tử nạn không là cùng đường, đường cùng, cũng chưa là đích tới. Trái lại, cuối đường tử nạn là Con Đường mới được mở ra: con đường không biên giới của Đức Giêsu Phục Sinh, con đường Ngài cùng các môn đệ ra đi từ Galilê, nơi Ngài hẹn gặp các ông sau khi sống lại như trình thuật của thánh Mátthêu: “Sau ngày Sabát, khi ngày Thứ Nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mácđala, và một bà khác cũng tên là Maria, đi viếng mộ” (Mt 28,1). Các bà gặp một thiên thần, và thiên thần lên tiếng bảo các bà: “Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy, như lời Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này : Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Galilê trước các ông. Ở đó các ông sẽ được thấy Người” (Mt 28,5-7).
Sứ điệp Phục Sinh của thiên thần rất rõ:
Người không có ở đây”, vì mộ phần không là chỗ của người sống, nhưng con đường mới là không gian cho người sống sinh hoạt, vì sống là lên đường, sống là bước đi, sống là thực hiện hành trình cuộc đời. “Người cũng không có ở đây”, vì ở đây chỉ là nơi dừng chân, chứ không là đích tới, bởi một con đường không biên giới vừa được mở ra từ biến cố sống lại.
Nhưng Người đi Galilê. Galilê là đất của mọi dân tộc ra vào; Galilê là vùng “bỏ ngỏ” cho mọi sắc dân, chủng tộc đi lại; Galilê là miền quy tụ, gặp gỡ của mọi nền văn hoá; Galilê là nơi Đức Giêsu chọn để khai trương con đường cứu độ không biên giới của Ngài, con đường đến với muôn dân của mọi thời, ở mọi nơi; Galilê là điểm hẹn của Đức Giêsu phục sinh với các môn đệ, không phải hẹn để kể chuyện chết chóc, mai táng, nhưng hẹn để sai đi: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dậy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18-20).
Như thế, biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu đã mở ra con đường không biên giới đến với muôn dân của mọi thời, ở mọi nơi, bất phân chủng tộc, mầu da, giai cấp, trình độ, văn hoá, chính kiến… Con đường không biên giới vì không dừng ở một hạn chế nào, không bị ngăn cấm bởi một hàng rào nào, không bị kiểm tra bởi một trạm gác nào, và không phân biệt, kỳ thị, loại trừ bất cứ ai.
Con đường không biên giới khi bao trùm tất cả, toàn bộ, toàn phần thời gian và không gian. Con đường không biên giới khi không một con người nào từ “khai sinh lập địa” cho đến tận thế không có chỗ trên con đường này, và không được chúc phúc, cứu độ, nhờ Lời Hứa “ở lại cho đến tận thế với các môn đệ” trên con đường Truyền Giáo không biên giới đến với muôn dân của Đức Giêsu (x. Mt 28,20).
Thực vậy, mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu, trong đó người tín hữu được “dìm mình vào”, như kiểu nói của thánh Phaolô, sẽ chỉ có giá trị khi người tin theo Đức Giêsu đi về Galilê, nơi Đức Giêsu hẹn gặp, để cùng Ngài thực hiện con đường không biên giới “Đến Với Muôn Dân” loan báo Tin Mừng: Chúa đã chết và đã sống lại ! Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất cho nhân loại được sống hạnh phúc đời đời.
Đường Thánh Giá, đường Khổ Nạn, đường Từ Bỏ, tất cả đều dẫn đến “Sáng sớm Phục Sinh”, ở đó, Đức Giêsu sống lại ban Bình An phục sinh của Ngài cho chúng ta (x. Ga 20,19), để chúng ta cùng Ngài lên đường Truyền Giáo, con đường không biên giới của Thiên Chúa và của con người. Chỉ trên con đường Truyền Giáo không biên giới này, chúng ta mới sống trọn vẹn Ơn Gọi Kitô hữu của mình, khi được chết và sống lại với Đức Giêsu.
Jorathe Nắng Tím

COVID-19 và CƠ HỘI ĐI THEO CÁC GIÁO PHÁI



Khi rơi vào tình trạng hoang mang, mất phương hướng, hay ở vào tình thế sự sống bị đe dọa, tâm lý chung là đặt lại vấn đề. Có rất nhiều vấn đề được đặt lại, khi đời sống bỗng lạc nhịp, bất thường, không còn bình thường, bình an, bình ổn, bởi khi gặp khó khăn, thất bại, thua cuộc, nguy biến, người ta luôn cần một tác giả, một thủ phạm, một tội đồ, một vật tế thần để cắt nghiã sự việc, để đổ lỗi đổ tội, để lý giải nguyên nhân, cũng như để có đôi vai gánh vác hết hậu qủa nặng nề. Và một trong những vấn đề rất thường được người trong cơn khủng hoảng đặt lại, chính là vấn đề niềm tin tôn giáo.
Kinh nghiệm sống đức tin cũng cho chúng ta thấy: nếu đời sống không gặp gian truân, thử thách, nếu vợ chồng lúc nào cũng “cơm lành canh ngọt”, nếu con cái đứa nào cũng mạnh khỏe, ngoan hiền, thông minh, chăm chỉ, nếu đường sự nghiệp, công danh luôn hạnh thông, nếu đất nước thái bình, an lạc, nếu xã hội có công lý hướng dẫn, giáo hội có yêu thương bao phủ, thì chẳng mấy khi đức tin phải được đặt lại, và cuộc sống đạo sẽ mãi êm đềm như mặt nước hồ thu.
Chỉ khi sóng gió cuộc đời nổi lên, phong ba gia đình nổi dậy, bão tố sự nghiệp bùng nổ dữ dội, chúng ta mới xem lại niềm tin tôn giáo của mình, ở đó, ngay Đấng bấy lâu chúng ta tôn thờ, giáo lý bấy lâu chúng ta tuân giữ, giáo hội bấy lâu chúng ta thuộc về, cộng đoàn bấy lâu chúng ta gắn bó sinh hoạt cũng sẽ lần lượt bị chúng ta đặt lại lý do có mặt trong đời sống, với số phận tương lai của chúng ta.
Sở dĩ ngay cả sự có mặt của Thiên Chúa trong đời chúng ta cũng có thể bị đặt lại, vì lúc này đây, khi rơi vào hoàn cảnh bĩ cực, lâm vào tình trạng nửa sống nửa chết, bị kẹt vào chân tường, ngõ cụt, thì sự an toàn của chúng ta, an ninh của đời chúng ta, an sinh của cuộc sống chúng ta có khuynh hướng trở thành duy nhất, độc tôn thống trị và vô cùng quan trọng. Nó không chỉ là thước đo mức đáng tin cậy của niềm tin chúng ta đang có, mà còn là lý do của niềm tin này. Nói cách khác, chúng ta sẽ đặt an ninh của chính mình là mục tiêu, và Đấng nào, tôn giáo nào, giáo lý nào đáp ứng nhanh chóng và hữu hiệu mục tiêu do chúng ta đề ra, mới đáng cho chúng ta tiếp tục tin tưởng, tôn thờ, đi theo. Trái lại, như  người sắp chết đuối, đang hốt hoảng ngụp lặn giữa biển khơi, chúng ta chỉ mong bám được vào bất cứ vật gì, miễn sự sống của chúng ta được bảo đảm. Cũng vì thế đức tin bị chính chúng ta đặt lại vấn đề ngay trong lúc mà đáng lẽ ra đức tin ấy phải là cột trụ, là đá tảng chở che an toàn, nơi trú ẩn tuyệt đối an ninh.
Vì thế, sẽ không luôn tự động, tự nhiên đức tin của chúng ta trở nên vững mạnh hơn, tình yêu Giáo Hội của chúng ta nồng nàn, gắn bó hơn, tinh thần sống đạo của chúng ta sâu sắc, trưởng thành hơn khi chúng ta gặp chông gai, thách đố, nhưng một sự thật phũ phàng được xác minh bởi các nhà tâm lý, xã hội, cũng như tôn giáo học, thần học, đó là cơn cám dỗ không luôn dễ vượt qua ở nhiều người khi từ bỏ niềm tin tôn giáo để chạy theo các giáo phái trong những lúc gặp thử thách, khủng hoảng.
Trước khi đi vào những đặc tính của giáo phái, cũng là những dấu hiệu phân biệt niềm tin tôn giáo chính đáng với niềm tin mang tính ảo tưởng, lệch lạc, cục bộ, qúa khích với nhiều nguy hiểm, rủi ro tâm lý nơi các giáo phái, chúng ta một lần nữa lưu tâm đến cơn khủng hoảng toàn cầu do Covid-19 gây ra, như cơ hội phát triển mạnh của các giáo phái, và giai đọan mà niềm tin tôn giáo của nhiều người dễ bị chao đảo, lệch hướng.
1.   Một cái nhìn về giáo phái:
a.   Giáo Phái và những đặc tính:
Giáo phái được hiểu là một nhóm người cùng tách ra khỏi một tôn giáo chính thức, để thực hiện quan điểm riêng của mình.
Một cách vắn tắt, chúng ta hiểu rằng những người theo giáo phái trước đó đã từng ở trong một tôn giáo chính danh, chính thức, có hệ thống giáo lý đức tin, có tổ chức phụng tự, có giới răn, kỷ luật, nhưng vì một lý do nào đó, ngoài lợi ích cá nhân, như bất mãn với giáo quyền, không chấp nhận một điều khoản hay một phần của giáo lý đã tự ý rời bỏ Giáo Hội, để thành lập một nhóm, một hệ phái mới với chủ trương, quan điểm, đường lối riêng, thường đối nghịch với giáo lý mình đã theo trước đó một cách rất cực đoan, qúa khích. 
Các nghiên cứu trên thế giới về giáo phái đều đồng ý với nhau ở những điểm chung:
·  Chủ trương của giáo phái thường lệch lạc về phương diện tín lý và thiếu hẳn quân bình tâm lý.
·  Phương cách của các giáo phái có khuynh hướng khống chế, đàn áp và hủy hoại tâm lý của thành viên, với mục đích biến họ thành những con cừu ngoan ngoãn, mất khả năng phân định, chọn lựa.
·  Người thành lập, hoặc đứng đầu giáo phái đa số là những người bị tâm bệnh với tính độc đoán, độc tài, cực đoan và sắt máu.
Đặc biệt nhà nghiên cứu nổi tiếng về hiện tượng các giáo phái Harvey Cox đã đưa ra những kết luận rất đáng quan tâm:
· Các giáo phái luôn đe dọa bình an của xã hội, do ước muốn đảo ngược toàn thể trật tự xã hội sẵn có.
·  Sinh hoạt khép kín của các giáo phái thường đưa đến những lạm dụng tình dục như ấu dâm, loạn luân, làm tình tập thể, hoặc ngược lại là tiết dục tuyệt đối.
· Tính cách cộng đoàn tự ý ly khai tách rời khỏi xã hội của các giáo phái tạo nên đường lối lừa đảo, gian trá trong mọi sinh hoạt.
· Kỷ luật khắt khe của giáo phái là tiền đề cho những khủng bố tinh thần, áp đảo tâm lý đối với các thành viên.    
Bên cạnh những nghiên cứu trên là những ghi nhận của ngành tư pháp liên quan đến hiện tượng tự tử hoặc sát hại tập thể của nhiều giáo phái khắp nơi trên thế giới, mà ở đây, người viết chỉ nêu ra một số trường hợp điển hình từ năm 1978:
· Ngày 18.11.1978: 914 thành viên của giáo phái “Đền Thờ của Dân – People’s Temple”, trong đó có 260 trẻ em bị sát hại tập thể bằng chất cyanure  theo lệnh của thủ lãnh giáo phái Jim Jones, người này đã tự tử bằng súng sau đó.
· Ngày 19.09.1985: 60 thành viên của giáo phái D. Mangayanon đã cùng tự tử ở Mindanao, Philippines.
·  Ngày 28.08.1987: 32 thành viên của giáo phái Parkson đã tập thể tự sát ở Seoul, Hàn Quốc.
· Ngày 19.04.1993: 76 thành viên giáo phái Davidiens, trong đó có 21 trẻ em đã phát lửa tự thiêu sống trong đền thờ của giáo phái tại Texas, Hoa Kỳ.
· Từ ngày 30.09.1994 đến 22.03.1997, giáo phái Đền Thờ Mặt Trời (Ordre du Temple Solaire - OTS) đã liên tục tự sát tập thể: 5 thành viên cùng tự thiêu ở Québec, Canada ngày 30.09.1994 ; 48 người cùng chết cháy ở Thụy Sĩ ngày 5.10.1994; 16 người tự thiêu ở Vercors ngày 15.12.1995, và 5 người tự thiêu ở Saint - Casimir ngày 22.03.1997
· Ngày 18.03.2000: 500 thành viên của giáo phái Tận Thế, do Joseph Kibwetere lãnh đạo đã cùng tự thiêu tại Kanungu, Ouganda.
· Ngày 28.05.2014: cuộc tự sát tập thể của giáo phái Mc Donald’s ở Zhaoyuan, Trung Quốc đã làm thế giới kinh hoàng.
b.  Giáo phái Nhân Chứng Giêhôva “Jehovah’s Witnesses – Les Témoins de Jéhovah”.
Người viết muốn dừng lại ở đây để trình bầy thêm về giáo phái rất đặc biệt này. Nét đặc biệt của giáo phái Nhân Chứng Giêhôva là duy trì được tính mơ hồ, không rõ ràng, nhờ thế đã đánh lừa được dư luận và tồn tại lâu đời hơn nhiều giáo phái khác, vì pháp luật không đủ lý chứng để xếp tổ chức này vào hàng ngũ giáo phái có hại cho xã hội, nguy hiểm cho cá nhân, và thành công mới nhất của họ ở những năm gần đây là đạt được tính cách pháp lý của “nhóm những tín đồ còn sót lại của Kitô giáo cổ đại, truyền thống”.   
Giáo phái được Charles Taze Russel thành lập năm 1870 tại Hoa Kỳ, với hơn 8 triệu tín đồ trên toàn thế giới, trụ sở trung ương đặt tại Watch Tower, New York, với chủ trương:
· Thành viên giáo phái là thiểu số được chọn và được cứu ở ngày tận thế. Những người được cứu này sẽ đứng trên ngọn đồi có tên Armegeddon ở Galilê được nhắc đến trong sách Khải Huyền: “Đây Ta đến như kẻ trộm. Phúc thay kẻ canh thức và giữ áo mình, kẻo phải đi đứng trần truồng và bị người ta nhìn thấy sự loã lồ của mình. Chúng quy tụ họ ở một nơi, tiếng Híppri gọi là Hácmơghítđô” (Kh 16,15-16) (tiếng Anh là Armageddon, tiếng Pháp là Armaguédon).
·  Sứ mạng của thành viên được Thiên Chúa trao là  tái tạo lại Kitô giáo thuở ban đầu, thời nguyên thủy.
· Họ tin Đức Giêsu là Thiên Chúa đã chết và sống lại, nhưng không chấp nhận mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
· Trong sinh hoạt xã hội, họ chủ trương biệt lập, vì tự cho mình là thiểu số được chọn và được Đức Giêhôva đặc biệt sủng ái. Thái độ thường nhận thấy ở họ là ảo tưởng sự thánh thiện vượt trội của mình, và coi thường người khác. Họ từ chối nhận máu của người khác, kể cả khi thập tử nhất sinh, và không chấp nhận hệ thống giáo dục bình thường của xã hội.
Trên đây là một vài nét đại cương về hiện tượng giáo phái, với mục đích giúp người tín hữu chúng ta nhận định sáng suốt để khôn ngoan trước những cạm bẫy rất thường được giăng trên mọi lối ngõ cuộc đời, bởi với phương tiện truyền thông ngày càng dễ dàng và bao trùm, nhanh chóng, rất nhiều giáo phái với những giáo lý sai lạc đang làm lu mờ chân lý đức tin mà Giáo Hội được Đức Giêsu ủy thác gìn giữ nguyên vẹn, và lôi kéo chúng ta đi theo những chủ trương phản Tin Mừng, khi biến “đức tin” đã bị họ bóp méo thành công cụ đàn áp tự do của con người, dùng “giáo lý” đã bị họ đầu độc để  khống chế quyền chọn lựa, quyết định theo lương tâm của cá nhân, sử dụng chiêu bài cứu rỗi đã được họ sơn phết lại để nghiền nát sự sống, tiêu diệt hạnh phúc, bình an của con người, tắt một lời là dùng gian dối, bạo lực để đưa nhân loại vào hủy diệt.
Và đứng trước những cám dỗ ly khai Giáo Hội, đi theo giáo phái, chúng ta được tha thiết mời gọi ngước nhìn Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất, là “Đường, Sự Thật và Sự Sống”.
2.   Đức Giêsu là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6).
Đức Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ: Ngài là Đường, Sự Thật và Sự Sống trong bối cảnh đặc biệt của những ngày cuối đời ở dương thế, cũng là những giây phút cuối cùng ở với các môn đệ trước khi lên Giêrusalem chịu khổ hình và tử nạn…, nên tâm trạng của Ngài thì bồi hồi và tâm trạng các môn đệ thì xao xuyến.
Đức Giêsu bồi hồi, vì “vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người thương họ đến cùng” (Ga 13,1), trong khi các môn đệ xao xuyến vì không biết mình đang ở đâu, sẽ đi đâu khi linh cảm thấy rất nhiều chuyện chẳng lành sắp xẩy ra, rất nhiều biến cố đau thương, nghiệt ngã sắp đổ xuống trên Thầy và những người đi theo Thầy như các ông.
Không kể những lần báo trước sẽ bị nộp, và “chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21, tức thời đây, Thầy còn loan báo thêm một tin sét đánh “có một người trong anh em sẽ nộp Thầy (Ga 13,21), rồi cả Phêrô, người môn đệ trưởng được Thầy tín nhiệm cũng không thoát khỏi cơn cám dỗ phản bội, khi Đức Giêsu công khai cảnh báo ông: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư ? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần” (Ga 13,38), ngay sau khi ông hùng hồn tuyên bố: “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy (Ga 13,37).
Như thế, các môn đệ đã rất khủng hoảng, lo sợ khi chung quanh các thượng tế, kỳ mục và nhóm Pharisêu đang ráo riết chuẩn bị những khâu cuối cùng của kế hoạch bắt Đức Giêsu và giao nộp Ngải cho chính quyền Rôma với đủ thứ tội danh, hầu đạt được từ tay quan tổng trấn Philatô bản án tử hình đóng đinh Ngài là mục tiêu phải đạt cho kỳ được của toàn bộ cơ chế đạo cũ. Vì thế, tâm trạng của các môn đệ lúc này là rất hoang mang, lo sợ, hốt hoảng… trước một tương lai không những đen tối, mờ mịt, mà còn vô vàn khó khăn, bế tắc, nguy hiểm.
Tình hình ấy không mấy khác tình huống của chúng ta: cũng phập phồng lo sợ, run rẩy đợi chờ những điều xấu sắp xẩy đến, và hoàn toàn bất lực trước những biến cố bất ngờ không thể tiên liệu, đề phòng, dự đóan. Và chính trong hoàn cảnh bi đát, nhiều rủi ro, nhiều cám dỗ bỏ cuộc, bỏ Thầy, bỏ nhóm của các môn đệ, cũng như chúng ta hôm nay giữa sóng gió thử thách đang nghi nan, muốn đặt lại nhiều vấn đề, trong đó có cả vấn đề đức tin, Giáo Hội, mà Đức Giêsu đã trấn an bằng mặc khải: “Thầy là Đường, Sự Thật và Sự Sống”
a.   Qủa quyết với các môn đệ: “Thầy là Đường”, Đức Giêsu trấn tĩnh các ông, để các ông đừng lo bị lầm đường, lạc lối khi bỏ mọi sự mà đi theo Ngài, vì Ngài biết: khi đáp lại lời mời gọi của Ngài, các ông cũng đã suy nghĩ để không bị xỏ mũi dắt đi “loanh quanh cho đời mỏi mệt”, mà cuối cùng chẳng được gì, có khi lại thiệt thân, toi mạng, bởi các ông thừa biết đã có rất nhiều người cũng hối hả đi tìm đường sống, nhưng cuối cùng đã rơi vào tử lộ; nhiều người đã tưởng gặp thấy đường quang vinh, nào ngờ chỉ thấy đường cùng, ngõ cụt; nhiều người suốt đời vất vả đầu tư cho con đường hạnh phúc, cuối cùng cả đời chỉ là những cây số đau thương, bất hạnh.
Và điều quan trọng nhất, Đức Giêsu đã nhấn mạnh để các ông tin Ngài là Đường đích thực, Đường Hạnh Phúc, Đường Bình An, đó là “Không ai có thể đến với Chúa Cha, mà không qua Thầy” (Ga 14,6), không ai có thể đến với Thiên Chúa, mà không qua Ngài là “Thiên Chúa làm người”, không ai có thể vào Nước Trời mà không đi qua Ngài là Nhà của Thiên Chúa giữa nhân loại, và “là cửa chuồng chiên, cho chiên ra vào” (Ga 10,7).    
b.  Khẳng định với các môn đệ: “Thầy là Sự Thật”, Đức Giêsu làm dịu cơn sốt bị phỉnh gạt, lừa dối khi đi theo Ngài, như các ông đã ít nhiều từng bị thiên hạ “cho ăn bánh vẽ”, leo cây, “đi tầu bay giấy” cách này cách khác.
Qủa thực, ở bất cứ thời nào và ở đâu, con người đều khao khát sự thật, vì chỉ sự thật mới đem lại bình an, vì chỉ sự thật mới giải phóng con người khỏi ngục tù của dối trá, nghi nan, ngờ vực là nguyên nhân gây nên vô vàn bất hạnh trong tương quan giữa người với người, bởi sống không sự thật, sống với người không tôn trọng sự thật, sống trong môi trường, xã hội sự thật bị bức tử, người ta không sống, nhưng đúng nghiã là sống một cái chết được triển hạn, sống một cái chết dần mòn, chập chùng từng bước làm thối rữa thân thể đang phải mở to mắt, mở toang họng để thấy và nuốt từng giọt đắng của nỗi bất hạnh lớn nhất của đời người là không được sống thật với mình và với người. 
Nhận mình là Sự Thật, Đức Giêsu lấy chính mình để bảo đảm cho niềm tin của các môn đệ, và bảo đảm ấy trăm phần trăm vững chắc, vì Ngài nói với các ông: “Nếu  anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy” (Ga 14,7), nghiã là Thầy là Sự Thật của Thiên Chúa Cha, nên không cỏn sự thật nào thật hơn, không còn sự thật nào tuyệt hảo hơn, cũng không sự thật nào bảo đảm bình an, hạnh phúc hơn chính Thẩy.
Đức Giêsu còn củng cố lòng tin của các môn đệ, khi cho các ông biết thêm: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14,16-17).
c.    Xác quyết với các môn đệ: “Thầy là Sự Sống”, Đức Giêsu giải thoát các ông khỏi nỗi sợ thân phận là phải chết, và đưa các ông ra khỏi nỗi ám ảnh triền miên của kiếp người phải chết, bởi ai cũng sợ chết, ai cũng ngao ngán cái chết, và ai cũng dễ thất vọng vì biết mình phải chết.
Chính vì chết qúa kinh dị, và bí mật đến kinh hãi, mà phần đông đã tìm đến niềm tin tôn giáo để có câu trả lời, nên bao lâu tôn giáo không cho đáp án mong đợi, giáo lý không đáp ứng nhu cầu cháy bỏng của con người muốn biết chết là gì, tại sao phải chết, chết rồi đi đâu…, thì bấy lâu con người còn nghi nan, sợ hãi và phải lang thang, vật vờ  đi tìm đó đây câu trả lời cho vấn nạn sự sống.
Đức Giêsu muốn ban bình an cho đời sống các ông, khi xác quyết với các ông Ngài là sự sống, như đã nhiều lần làm phép lạ cho người chết sống lại trước mặt các ông, và đã từng nói với các ông: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).
Và một lần nữa, Đức Giêsu đặt xác quyết này trên nền tảng sự sống của Thiên Chúa Cha: “Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (Ga 14,19-20).
Qủa thực, ba nhu cầu căn bản của con người để bình an, hạnh phúc là đi đúng đường, có sự thật và được sống. Đó cũng là mục tiêu mà con người đi tìm trên hành trình làm người.
Đức Giêsu, Tình Yêu của Chúa Cha đã xuống thế làm người để là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” cho con người được hạnh phúc viên mãn, vì Thiên Chúa yêu loài người và muốn cứu loài người khỏi cuộc sống bất hạnh vì lầm lạc, thiếu sự thật, và phải chết.
Vì thế, ở với Đức Giêsu và trong Đức Giêsu, chúng ta có tất cả để được hạnh phúc với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa, hạnh phúc mà chỉ một mình Đức Giêsu, Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng là Đường, Sự Thật và Sự Sống mới mang lại được.
Xin cho mỗi người trong mọi hoàn cảnh, dù bi đát, nhiêu khê, bất ổn đến đâu cũng vẫn một lòng trông cậy, tín thác và bám chặt vào Đức Giêsu, Đấng đem đến cho nhân loại Bình An trên Đường Tình Yêu, Niềm Vui trong Chân Lý và Hạnh Phúc được sống tràn đầy hôm nay và dồi dào trong vĩnh cửu, đời đời.
Jorathe Nắng Tím