IV.
THÁI ĐỘ KHI LOAN BÁO LỜI
CHÚA
Giáo Lý viên chỉ có thể
loan báo, nếu đã sống Lời Chúa trước đó, vì Giáo Lý viên giới thiệu một “Con người Thiên Chúa”, nên phải rất thiết
thân, thiết tha, thiết nghiã với Ngài mới có thể làm cho người nghe tin mến và
trở thành môn đệ của Ngài. Công việc làm chứng của Giáo Lý viên đòi điều kiện
tiên quyết này để lời rao giảng có sức mạnh thuyêt phục. Bên cạnh điều kiện
tiên quyết là những thái độ phải có khi loan báo Tin Mừng, tức làm chứng Đức
Giêsu là Thiên Chúa yêu thương, cứu độ.
Thái độ của người làm
chứng cũng không kém quan trọng, vì người nghe sẽ dễ dàng chấp nhận điều người
làm chứng nói hay không luôn bắt đầu từ thái độ làm chứng. Có ba thái độ cần
thiết:
· Tin yêu phó thác
· Thân yêu cộng tác
· Thương yêu tôn trọng
1. Tin yêu phó thác:
Thái độ đầu tiên phải
có chính là tin yêu phó thác ở Đức Giêsu, Đấng đã sai Giáo Lý viên đi làm chứng
đời Ngài bằng loan truyền cuộc tử nạn cứu độ và sự sống lại vinh quang của Ngài
cho tới khi Ngài trở lại.
Loan truyền Chúa chịu
chết là loan truyền mầu nhiệm Thiên Chúa làm người , và mầu nhiệm cứu chuộc vì
yêu con người của Đức Giêsu. Đức Giêsu đã nhận lấy thân phận con người, kể cả
cái chết của con người để nên giống con người trong mọi sự, trừ tội lỗi.
Loan truyền Chúa chịu
chết là làm chứng Đức Giêsu là con người như chúng ta. Bản tính con người thể hiện trăm phần trăm nơi Đức Giêsu và cuộc
sống trần gian của Ngài là cuộc sống của một con người thật. Mầu nhiệm làm người
là mầu nhiệm then chốt, căn bản nơi Đức Giêsu Thiên Chúa. Bởi không có mầu nhiệm
làm người sẽ không có những mầu nhiệm khác. Chính mầu nhiệm làm người cho chúng
ta biết Thiên Chúa là ai, Ngài muốn gì nơi con người, đồng thời con người được
biết mình, biết vận mệnh, ý nghiã đời mình. Không có Đức Giêsu làm người, chúng
ta mãi là những người mù loà trên đường đời và bất hạnh vì vô minh.
Giáo Lý viên loan truyền
Chúa chịu chết là mầu nhiệm làm người và cứu chuộc, nhưng cũng tuyên xưng Chúa
sống lại để làm chứng Đức Giêsu là Thiên Chúa thật, bởi chỉ Thiên Chúa mới tự
mình sống lại, chỉ Thiên Chúa mới không bị thần chết khống chế, chỉ Thiên Chúa
mới chiến thắng tội lỗi, vì chết là hậu qủa của tội. Tuyên xưng Chúa sống lại
là công bố niềm hy vọng của con người vào Thiên Chúa, Đấng đã chiến thắng tử thần,
hoả ngục, tội lỗi để trả lại cho con người quyền làm con Thiên Chúa. Nhờ làm
con Thiên Chúa, con người sẽ hưởng thừa kế Nước Trời là hạnh phúc đời đời Cha
trên trời dành sẵn cho con cái loài người.
Công trình làm người,
cứu chuộc của Thiên Chúa trong Đức Giêsu có mục đích là hạnh phúc làm con Thiên Chúa của con người. Như thế mới biết: Thiên
Chúa yêu thương con người vô cùng và yêu đến cùng. Tình yêu vĩ đại, khôn lường
và đời đời ấy phải trở thành sức sống và nội dung lời chứng của cuộc đời Giáo
Lý viên.
Chính vì làm chứng một
Thiên Chúa làm người cho con người mà
sứ mạng của Giáo Lý viên trở nên qúa cao siêu, vĩ đại. Cũng vì cao siêu, vĩ đại mà Giáo Lý viên thấy mình bất xứng. Bất xứng
nhiều nỗi:
a.
Bất xứng vì bất lực, không có khả năng
làm chứng:
Chỉ nguyên việc nói về
“Thiên Chúa tuyệt đối” thôi đã đủ nói
lên sự bất lực của Giáo Lý viên, vốn là con người bị ràng buộc bởi thế giới
tương đối có không gian và thời gian.. Giáo Lý viên như Môsê đã thưa với Thiên
Chúa Giavê : “Con là ai mà dám đến gặp Pharaô và đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi
Ai Cập ?” (Xh 3,11).
b.
Bất xứng vì bất toàn:
Ai trong Giáo Lý viên
dám xưng mình đủ thánh thiện để loan báo Lời Thiên Chúa toàn năng, cực thánh?
Ý thức mình bất lực
như Môsê đã ý thức về mình, và thân thưa với Thiên Chúa Giavê, Giáo Lý viên
cũng phải như A-ha-ron bắt đầu bằng nhận ra mình không đủ tài năng, đạo đức để
chu toàn một sứ mạng vô cùng cao cả, thánh thiện, vĩ đại, lớn lao: phát ngôn
viên của Thiên Chúa cho mọi người, để khiêm tốn năn nỉ Chúa: “Lậy Chúa, xin xá
lỗi cho con, từ hồi nào đến giờ, ngay cả từ lúc Chúa ban lời cho tôi tớ Ngài,
con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng cứng lưỡi, ngọng ngắt ngọng
ngơ” (Xh 4,10).
Nhờ ý thức mình dòn mỏng,
thiếu thốn, tội lụy, chứng nhân sẽ tín thác ở Đấng đã sai mình và đặt ở Ngài tất
cả niềm tin tưởng ở ơn trợ giúp, phù hộ. Giáo Lý viên sẽ xác tín Lời Chúa dặn :
“Không có Thầy, chúng con không làm được gì” (Ga 15,5), và lạc quan lên đuờng
vì tin ở Lời Ngài hứa: “Ta sẽ ở với con”
(Xh 3,12).
Lòng tín thác, cậy
trông là chià khóa cho việc loan báo Tin Mừng, rao giảng Lời Chúa. Thiếu lòng
tín thác ở Chuá, tất cả mọi công trình truyền giáo, dù bên ngoài thấy tốt đẹp,
thành công mỹ mãn cũng không đem lại hoa trái thiêng liêng nào, vì chỉ là công
việc của con người đang tìm kiếm vinh quang con người và hoàn toàn vắng mặt
Thiên Chúa và xa lạ với thánh ý Ngài.
Hãy thận trọng những
thành công bên ngoài. Đó không phải là điều chúng ta tìm kiếm. Ích lợi thiêng
liêng cho các tâm hồn mới là mục tiêu của truyền giáo; đổi mới trái tim con người
mới là điều Giáo Lý viên trông đợi. Chính vì thế, có những lời rao giảng hôm
nay sẽ sinh hoa kết trái ở vài chục năm sau; có những hạt giống Tin Mừng được
gieo vãi bây giờ, nhưng thế hệ tới mới đâm chồi, nở hoa. Thời gian hạt giống được
thối đi để nầy mầm trên thửa đất tâm hồn con người là việc của Chúa, không phải
việc của chúng ta. Việc phải làm của Giáo Lý viên là quảng đại gieo Lời Chúa,
hăng hái làm chứng Đức Kitô trong cuộc đời, bằng đời mình, và hết lòng phục vụ
Tin Mừng cứu độ. Phần Đức Giêsu, Ngài luôn có mặt, đồng hành để thực hiện những
gì còn lại như thánh hoá, đổi mới, cứu chữa, tuyển chọn làm môn đệ những người có thiện chí lắng nghe, đón nhận Tin Mừng, Lời
chứng.
Tin yêu, phó thác như
các môn đệ đã vâng lời Đức Giêsu quăng lưới bên mạn phải thuyền, và các vị đã
đánh được mẻ cá lớn 153 con, dù suốt cả đêm đã không bắt được con cá nào (Ga
21, 1-13). Tin thác như môn đệ nào đó đã đem cho Đức Giêsu 5 chiếc bánh và 2
con cá để nuôi ăn đám đông hơn 5000 người (Ga 6, 5-13).
Qủa thực, sự ít oi, bé
nhỏ của con người đã làm chạnh lòng
Thiên Chúa và phép lạ không ngừng được thực hiện trong cuộc đời, nếu con người
biết tín thác, cậy trông nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa. Công cuộc “loan truyền Chúa
chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại” của Giáo Lý viên và của tất cả Kitô hữu
cũng không ra ngoài nguyên tắc tín thác, cậy trông này.
2. Thân yêu cộng tác:
Thân tình hợp tác với
“đồng nghiệp Giáo Lý viên”, và mọi người
để loan báo Tin Mừng là thái độ thứ hai cũng cần thiết không kém.
Làm tông đồ mà co cụm,
ghen tuông; dậy Giáo Lý mà bon chen, tỵ nạnh, tranh giành ảnh hưởng; làm chứng
Thiên Chúa tình yêu mà giận hờn, gieo thù gây oán, làm buồn khổ thiên hạ thì thật
đáng tiếc, đáng buồn, và vô ích khi rao giảng Tin Vui, Tin Mừng Nước Trời.
Thiên Chúa cần ta hợp
tác với Ngài, nhưng cũng cần chúng ta hợp tác thân tình và chân thành với nhau.
Thiếu hợp tác trong công việc loan báo Tin Mừng, trong sứ mệnh làm chứng Đức
Giêsu là điều không thể quan niệm được, vì Giáo Lý viên, thay vì là người làm
chứng, sẽ trở thành kẻ phản chứng; bởi một lý do rất đơn giản: Người khác sẽ
không nhận ra Đức Giêsu qua các chứng nhân của Ngài khi những chứng nhân này
không yêu thương nhau. Đức Giêsu biết rõ điều này, nên đã ân cần căn dặn các
môn đệ :
“Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con
yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Yêu thuơng nhau mới
không làm người khác “sốc” khi các môn sinh có chung một sư phụ mà xâu xé, chống
phá, hiềm khích, bôi nhọ, triệt hạ nhau, vì chỉ tình thân giữa những anh em
cùng một cha mới có thể làm chứng hữu hiệu lòng nhân hậu của Cha.
Thử hỏi Giáo Lý viên sẽ
làm chứng thế nào khi cùng là Giáo Lý viên, cùng rao giảng Thiên Chúa là Tình
yêu, cùng tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng cứu độ nhân hậu, giầu bao dung, hay chạnh
lòng mà lại “nói hành nói tỏi”, bôi bác, kèn cựa, kiếm chuyện chống phá nhau ? Làm sao có thể dậy người khác yêu thương, hợp
tác xây dựng Giáo Hội, khi những người được cùng sai đi rao giảng lại phe cánh
kình địch, kỳ thị, lên án, làm hại nhau ?
Hãy thận trọng trước
những kẽ hở của ảnh hưởng, lời khen, phe nhóm, thế lực, thành tích, công trạng;
bởi những kẻ hỡ này sẽ là những lưỡi dao cắt đứt tình thân, những búa tạ đập
nát mọi khả thể hợp tác, những viên thuốc
độc giết chết hồn tông đồ, và nhiệt tình truyền giáo.
Đừng qúa vô tình chú ý đến thành qủa bên ngoài,
thành công có tính trần thế để vì những bả danh dự sẽ đánh mất yếu tính “làm chứng”
của Giáo Lý viên. Hãy noi gương thân tình hợp tác của tông đồ dân ngoại Phaolô.
Với kinh nghiệm loan báo Tin mừng, thánh nhân viết cho giáo đoàn Côrinthô:
“Vậy Apôlô là gì ? Phaolô là gì ? Đó là những
tôi tớ đã giúp cho anh em có Đức Tin, và mỗi người đã làm theo khả năng Chúa
ban. Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mớ làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ
trồng, người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên mới
đáng kể. Kẻ trồng, người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo
công khó của mình. Thật vậy, chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em
là cánh đồng của Thên Chúa, là ngôi nhà của Thiên Chúa xây lên ” (1 Cr 3, 5-
9).
Điều đó làm chứng một thực tại: Trong việc
loan báo Đức Giêsu, ít nhiều chúng ta bị
cám dỗ bởi “cái tôi vĩ đại ” và những lấn cấn, lôm côm hầu hết phát sinh từ tính ích kỷ, coi mình là
“số một” và là chân lý này. Tính ích kỷ, thần tượng, tôn sùng “cái tôi” đã là
nguyên nhân đưa đến nhiều đổ vỡ, thất bại. Giáo Lý viên cần ý thức cơn cám dỗ
âm ỉ nhưng mãnh liệt này để giữ cho mình
một tình thân và một tinh thần hợp tác với đồng nghiệp khi loan báo Tin
Mừng Đức Giêsu.
3. Thương yêu tôn trọng:
Không chỉ tin yêu phó thác ở Đức Giêsu, Đấng
sai đi, và thân yêu hợp tác với hết mọi người, nhất là các “đồng nghiệp” - Giáo
Lý viên khác, ta còn phải thương yêu tôn trọng người đang lắng nghe Tin Mừng, những
người đang thao thức kiếm tìm Đức Giêsu, đang đợi chờ Giáo Lý viên giới thiệu Thiên Chúa làm người cho họ.
Thương yêu tôn trọng
là tôn trọng người khác với tình yêu thật
sự, tình yêu sâu sắc, tình yêu chân thành, tình yêu của một người muốn trao ban
hết, chia sẻ tận cùng và mơ ước những điều tốt đẹp nhất, đồng thời nỗ lực làm
cho ước mơ đó được thực hiện.
Thương yêu tôn trọng
là nhìn đối tượng lắng nghe Tin Mừng như những con người được chính Thiên Chúa
tuyển chọn, kêu mời như chính người rao giảng đã được kêu mời, tuyển chọn;
nghiã là, tất cả cùng một đẳng cấp: con Thiên Chúa, và anh em với nhau; cùng
lãnh chung ân huệ của tình xót thương; cùng chung sứ mạng làm cho người khác
đón nhận Tin Mừng cứu độ, hưởng hạnh phúc Nước Trời, và hương vị ngọt ngào “có
Thiên Chúa”. Dụ ngôn vườn nho khẳng định: tất cả chúng ta đều bình đẳng trước
Thiên Chúa và mọị sự chúng ta có đều là hồng ân (Mt 20, 1-15).
Dụ ngôn nhắc chúng ta:
Những người thợ đến sớm từ giờ đầu và những người vào làm ở giờ chót đều được
Thiên Chúa yêu thương, và lương bổng của mỗi người đều là ơn huệ. Chính vì thế,
người rao giảng không có quyền khinh khi, coi thường, đánh giá thấp người được
giảng dậy, và nhà truyền giáo không nên khinh miệt người đang học hỏi Lời Chúa,
bởi tất cả đều là những người thụ ơn và bổn phận phải chu toàn là làm cho Lời
Chúa đến được tận cùng thế giới, với hết
mọi người, ở mọi thời đại, trong mọi nền văn hoá.
Đàng khác, chúng ta
không có quyền lấy thước đo là tâm hồn bé nhỏ, ngắn ngủi, nông cạn của ta để đo
lòng nhân hậu, lượng bao dung và quyền năng bao la, vô cùng trong tình yêu của
Thiên Chúa; bởi “Chẳng lẽ tôi không có quyền tự ý định đoạt về những gì là của
tôi sao ? ” (Mt 20, 15).
Ý thức rao giảng như bổn
phận sẽ tránh cho Giáo Lý viên não trạng “ta là người am tường
Thiên Chúa, hiểu biết các mầu nhiệm, nắm giữ mọi chân lý, có đặc quyền,
đặc lợi hơn mọi người”. Nguy hiểm của não trạng này là đẩy Giáo Lý viên đến vực
thẳm kiêu căng, tự mãn, khi dựa hoàn toàn vào kiến thức giáo lý của mình “đạo đức”
của mình để “cho điểm, đánh giá” người khác theo tiêu chuẩn, thước đo trần thế.
Và tai hại hơn, Giáo Lý viên đến một lúc, khi kiến thức giáo lý tương đối dầy,
sẽ không còn tôn trọng và quy chiếu vào quyền giáo huấn của Giáo Hội bằng cách
cắt nghiã Lời Chúa theo cảm hứng, chú giải Tin Mừng theo lý luận riêng, mà quên
mình đã được Giáo Hội ủy thác sứ mạng và sai đi với “bài sai”: Gìn giữ và loan truyền chân lý Đức Tin thánh
thiện.
Ý thức loan báo Tin Mừng
là bổn phận còn giúp Giáo Lý viên khiêm tốn nhận ra: Thiên Chúa luôn tỏ cho những
kẻ bé mọn, dốt nát, tầm thường, yếu kém
những mầu nhiệm mà người thông thái không được biết: “ Lậy Cha, con ngợi
khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều
này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Lc 10, 21)”. Vì đó là thánh ý của Ngài.
Ý thức làm chứng Đức
Giêsu là nghiã vụ cao cả và thánh thiện, Giáo Lý viên sẽ tránh tự đồng hoá mình
với sự thánh thiện, để không đi vào vết xe của những người Biệt Phái năm xưa :
giả hình, ăn trên ngồi trước, quan liêu, trịch thượng, thiếu từ tâm, bác ái (x. Mt 23, 1-32).
Thực vậy, truyền giáo
cho thế giới hôm nay đòi Giáo Lý viên một tình yêu tôn trọng người được thụ huấn,
người nghe giảng dậy, người trên đường tìm kiếm Đức Giêsu. Bắt đầu bằng tôn trọng
nhân vị, nhân phẩm, đến tôn trọng văn hoá, tư duy, nếp nghĩ của người học giáo
lý, tiếp đến là tôn trọng tự do chọn lựa của họ.
Chính vì tôn trọng mà
Đức Giêsu được giới thiệu cách chân thực, rõ ràng và hấp dẫn nhất. Chính vì tôn
trọng người nghe mà Lời Chúa được quảng diễn đầy đủ, chính thống và có sức thuyết
phục nhất. Bởi khi con người được tôn trọng là lúc Thiên Chúa được vinh danh;
khi phục vụ, và mưu tìm hạnh phúc cho con người là lúc Thiên Chúa đưọc phụng sự
và tôn thờ xứng đáng.
Tách Thiên Chúa ra khỏi
con người. Đó là cách ma qủy thường dùng để đánh phá những người đi theo Đức
Giêsu khi tách thiên tính ra khỏi
nhân tính nơi Ngài;
cũng như không mệt mỏi tìm cách tách
Giáo Hội ra khỏi Đức Giêsu như cắt rời đầu ra khỏi thân, chia lià phu quân xa
khỏi hiền thê.
Ngón độc của ma qủy là
trình bầy một Thiên Chúa “không hề làm người” để chúng tha hồ thêu dệt một
thiên chúa “độc ác, dữ tợn, oán thù, thất hứa, bất trung, khát máu”, và vẽ vời
một loài người sa đoạ, tội lỗi, chắc chắn
bị luận phạt, và không hy vọng được thứ
tha. Ma qủy rất sợ Giáo Lý viên loan báo một Đức Giêsu - Thiên Chúa làm người,
vì đã “làm người và ở giữa loài người
chúng ta”, Thiên Chúa mới mặc khải Thiên Chúa là ai, và loài người là gì.
Chính vì “làm người.” và mặc khải toàn bộ chân lý về Thiên Chúa, con người, vũ
trụ, đời sau, ý nghiã đời người, đau khổ, hạnh phúc của con người … mà ma qủy
không còn đường phỉnh gạt, dụ dỗ, lửa đảo con người vào hư vô, tự hủy diệt.
Mầu nhiệm làm người của
Thiên Chúa là sự thực hiện ý muốn của một Thiên Chúa là tình yêu: muốn ở với
con người, nên chọn làm người ở giữa con người, để nhờ sự có mặt “làm người,
như con người” của Ngài, con người được nâng lên vị thế quan trọng trong trái
tim Thiên Chúa, và được trở thành những người thừa kế gia nghiệp đời đời của
Thiên Chúa.
Xác tín này giúp Giáo
Lý viên tôn trọng con người, không vì con người vĩ đại hay to lớn gì, nhưng vì
con người đã được Thiên Chúa thương, cứu chuộc và chọn làm bạn đồng hành. Với
tâm tình trân trọng con người của Tin Mừng, Giáo Lý viên sẽ giới thiệu chính
xác dung nhan Đức Giêsu và mọi người sẽ nhận ra Đức Giêsu qua thái độ yêu
thương tôn trọng của những chứng nhân có tình người này.
Như thế, thái độ của
Giáo Lý viên khi rao giảng, làm chứng Đức Giêsu là đòi hỏi không thể thiếu để Lời
Chúa không bị biến hoá,và chân dung Đức Giêsu không bị bóp méo lệch lạc. Với
thái độ tin yêu phó thác, giáo Lý viên gắn bó chặt chẽ và kết hợp mật thiết với
Đức Giêsu; thái độ thân yêu hợp tác bảo đảm và xây dựng tình bác ái huynh đệ giữa
những người được kêu gọi; thái độ thương yêu tôn trọng làm chứng sống động
Thiên Chúa là Tình Yêu và Tin Mừng là tin vui cứu độ mang lại tự do và hạnh
phúc thực của con cái Thiên Chúa .Với ba thái độ trên, Giáo Lý viên sẽ không sợ
trệch đường truyền giáo, vì lúc nào, và ở đâu cũng được tình yêu Đức Giêsu hướng
dẫn, được tình huynh đệ của mọi người trong Giáo Hội đỡ nâng, yểm trợ trên đường
yêu thương đến với mọi người.