Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2019

LỬA CỦA THÁNH THẦN TÌNH YÊU

                                                            
                                   
      Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 20 Thường Niên, Năm C
  Tin Mừng chúa nhật này đặt ra cho chúng ta nhiều vấn nạn với hai điều Đức Giêsu công bố :
Thầy đã đem lửa vào thế gian và Thầy ước mong phải chi lửa ấy  đã bùng lên ! (Lc 12,49), và Anh em tưởng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao ? Thầy bảo cho anh em biết : không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba (Lc 12,51-52).
   
    Trong Kinh Thánh, lửa biểu tượng sự phán xét, trừng phạt, thiêu hủy như Đức Chúa làm mưa diêm sinh và lửa  từ trời xuống Xôđôm và Gômôra. Ngưòi phá đổ các thành ấy và cả Vùng, cùng với toàn thể dân cư các thành ấy và cây cỏ trên đất (St 19,24-25). Thánh Phaolô nhắn nhủ các tín hữu thành Thêxalônica lửa báo oán của Thiên Chúa trong ngày Đức Giêsu trở lại : Việc ấy sẽ xẩy ra, khi Đức Giêsu từ trời xuất hiện cùng với các thiên thần hùng mạnh của Người, trong ngon lửa cháy bừng, để báo oán những kẻ không chịu nhận biết Thiên Chúa (2 Tx 1,7- 8). Điều này cùng nghiã với lửa của hoả ngục trong Tin Mừng Mátthêu : Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa ; ở đó chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng (Mt 13,41-42).
       Lửa còn để thanh luyện, thử nghiệm, như công việc của mỗi người sẽ được phơi bầy ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa ; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. Công việc của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu hủy, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa (1 Cr 3,13-15).
      Lửa cũng biểu  tượng sự hiện diện của Thiên Chúa : Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Môsê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. Ông tự bảo : « Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được. Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông : Môsê ! Môsê ! Ông thưa : Dạ, tôi đây ! (Xh 3,2-4), hoặc như Cả núi Xinai nghi ngút khói, vì Đức Chúa ngự trong đám lửa mà xuống ; khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh (Xh 19,18). Lửa còn biểu tượng sự hiện diện của Lời Thiên Chúa như ngôn sứ Giêrêmia tự thú : Có lần con tự nhủ : Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa. Nhưng Lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt (G 20,9)
     Lửa còn là biểu tượng sự hiện diện và  sức mạnh thánh hoá của Chúa Thánh Thần như Công Vụ các Tông Đồ đã kể lại : Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi ngưéơi đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho (Cv 2,1-4). Và lửa Thánh Thần này chính là lửa mà Gioan Tẩy Giả đã loan báo : Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa (Lc 3,16-17).
         Vâng, lửa mà Đức Giêsu muốn làm cháy bùng lên, chính là lửa của Chúa Thánh Thần : lửa nghe trong mình nung nấu tự tâm can, càng nghĩ ngợi, lửa càng bừng cháy, miệng lưỡi tôi phải thốt nên lời: Lạy Chúa, xin dạy cho con biết : đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế (Tv 39,4-5), để biết đặt niềm hy vọng vào một mình Thiên Chúa, để biết kêu cứu một mình Ngài ; để duy nhất mình Ngài suốt đời tôi phụng thờ, yêu mến.
      Vâng, lửa mà Đức Giêsu đã muốn được cháy bùng lên trong thế giới này là lửa Tình Yêu của Chúa Thánh Thần, mà sách Diễm Ca đã hết lời diễn tả : Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ. Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng. Nước lũ không giập tắt được tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp (Dc 8,6-7). Đó cũng là lửa bác ái, lửa của đức mến mà thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Côrintô :
    Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe, xoang xỏang. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi  dời non, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tư đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất (1 Cr 13,1-8), và hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến (1 Cr 13,13).
     Như thế, Đức Giêsu công khai cho chúng ta biết : Lửa mà Ngài muốn làm bùng lên, muốn mỗi người chúng ta tiếp tay với Ngài làm bùng lên  mãi mãi, cho đến tận thế, tận chân trời góc biển trong trái tim mọi người, đó là lửa Tình Yêu, bởi chính Ngài là Tình yêu. Chính Ngài đã xin Chúa Thánh Thần là Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa đến trong thế giới để làm bùng lên Tình Yêu Thiên Chúa cho hết mọi người được yêu thương và cứu độ. Chẳng thế mà thánh Phaolô đã nghiêm nghị nhắc bảo chúng ta : Anh em đừng dập tắt Thần Khí (1 Tx 5,19). Đừng dập tắt Thần Khí tức đừng dập tắt Lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần trong chúng ta và cũng đừng dập tắt Lửa Thần Khí ấy nơi người khác, điều mà chúng ta rất thường lỗi phạm vì ích kỷ, ganh ghét, ghen tương khi thấy người khác làm tốt, làm giỏi hơn chúng ta.
   Và nếu Đức Giêsu đã qủa quyết lửa mà Ngài muốn làm bùng lên trong thế giới chính là Lửa của Thánh Thần Tình Yêu, thì nguyên nhân phát sinh chia rẽ giữa cha mẹ, con cái, anh chị em, bà con, lối xóm, cũng như giữa các quốc gia cũng chính là sự bất đồng trước ước mong cho Lửa ấy bùng lên của Đức Giêsu, khi  trong cùng một gia đnìh, có người chấp nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa Tình Yêu, có người khước từ, phủ nhận ; khi trong một thôn xóm, có gia đình ủng hộ giáo lý yêu thương của Đức Giêsu, nhưng có gia đình khác kịch liệt lên án, chống lại.
    Thực vậy, Tin Mừng Yêu Thương của Đức Giêsu đã trở thành cớ chia rẽ nhiều người, nguyên nhân đưa đến bất đồng, lý do làm người ta xa cách, tẩy chay nhau, như chúng ta thấy trong thế giới hôm nay, khi Giáo Hội của Đức Giêsu không ngừng bị bôi nhọ, phỉ báng, tấn công, truy diệt. Qủa đúng như lời tiên tri của cụ già Simêon đã nói về Đức Giêsu, khi cha mẹ Ngài ẵm Ngài lên Đền Thờ Giêrusalem tiến dâng cho Thiên Chúa : Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng ; và như vậy những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà (Lc 3,34-35).  
   Vâng, Thiên Chúa tôn trọng quyền tự do của mỗi người. Chính vì thế, sẽ có những  người đón nhận Lửa của Thần Khí và cùng Thần Khí làm bừng cháy Lửa Tình Yêu và Cứu Độ của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng đã mang lửa xuống thế gian để thanh luyện và cứu thế gian,  nhưng cũng không thiếu những người từ chối và tìm dập tắt Lửa ấy.
      Còn chúng ta, chúng ta sẽ có thái độ nào trước ước muốn cháy bỏng : Phải chi lửa ấy đã bùng lên ! của Đức Giêsu (Lc 12,49), và lời mời gọi của Chúa Thánh Thần, Lửa Tình Yêu của Thiên Chúa ?   

     Jorathe Nắng Tím