Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 26 TNB: Mc 9,38-43.45.47-48


 Tin Mừng hôm nay gồm ba phần tách biệt nhau rất rõ ràng: phần một Đức Giêsu trả lời vấn nạn của ông Gioan khi ông đề cập đến những người lấy danh Đức Giêsu mà trừ qủy, nhưng không thuộc những người đi theo Đức Giêsu; phần hai là phần thưởng được hứa cho những ai đối xử tử tế với các môn đệ Đức Giêsu và phần ba là cách giải quyết dứt khoát khi làm cớ cho người khác và cho mình sa ngã.
Ngoại trừ lời hứa: “Ai cho anh em một chén nước, vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41), Đức Giêsu đã không làm các môn đệ và những người có mặt hôm ấy thỏa mãn với câu trả lời và cách giải quyết đanh thép, sắt máu, nếu không nói là tàn bạo của Ngài:
Trả lời ông Gioan, Đức Giêsu đã làm các môn đệ chưng hửng, khó chịu khi bảo các ông: “Đừng ngăn cản người ta” (Mc 9,39), người ta đây là những người không thuộc phe nhóm của Ngài mà lại lấy danh Ngài trừ qủy; người ta đây là những người không có thẻ đảng Giêsu như Nhóm Mười Hai mà lại lấy danh nghiã Giêsu hành xử nổi đình nổi đám như mô đệ chính danh khi xua đuổi thành công nhiều tà thần, ma qủy.
Qủa thực, các môn đệ Đức Giêsu đến lúc đó vẫn không thể tưởng tượng được Đức Giêsu lại mở toang mọi cánh cửa của phe nhóm, và chấp nhận dễ dàng người khác chưa được mình thâu nạp nhân danh mình làm phép lạ, trừ qủy. Não trạng khép kín, đóng chặt, cục bộ, độc quyền, co cụm nơi các môn đệ bỗng bị Đức Giêsu chặt đứt, bật tung, như hòn đá đóng kín cửa mồ bất ngờ  bị nhấc bổng cho ánh sáng và làn khí sự sống từ bên ngoài ùa vào. Các ông vừa bỡ ngỡ vừa bực doc, vì thái độ cởi mở, và tinh thần phóng khoáng, không loại trừ của Đức Giêsu, khi Ngài quả quyết: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,40), bởi cứ sự thường và một cách khôn ngoan, người ta không nên mở cửa và phóng khoáng đón nhận dễ dàng người ở ngoài, xa lạ, khi phe nhóm mình chưa thực sự được củng cố, xây dựng vững chắc.
Thật không có vị Thầy nào đã có tâm hồn quảng đại, hào sảng và độ lượng, tín nhiệm người khác như Đức Giêsu; trái ngược với các môn đệ và phần đông người có đạo đã khư khư giữ đạo mà không truyền đạo, kín cổng cao tường để đạo không bị biến thái, mất mầu thay vì mạnh dạn giới thiệu và rộng rãi chuyển tải đạo cho mọi người. Ở đây, chúng ta không thể không nhận mình qúa ích kỷ khi chỉ muốn lên thiên đàng một mình và độc quyền phân phát ơn sủng, trong khi Thiên Chúa cần chứng nhân, ngay cả chứng nhân ấy chưa biết đích xác tên Thiên Chúa, và sống một cách khác, làm chứng một cách khác. Điều quan trọng là họ làm chứng một cách trung thực và đúng đắn bằng thành tâm tìm kiếm chân lý, sự công bình và con đường dẫn đến Nước Thiên Chúa. Về phần chúng ta, những người được coi là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta phải chấp nhận bị làm phiền, nhờ thế chúng ta ra kkỏi pháo đài đức tin an toàn của mình, để có một cái nhìn mới cho phép chúng ta nhận ra Thiên Chúa qua muôn ngàn hình thái, cách thức làm chứng về Ngài. Và trên tất cả, ý thức quan trọng nhất vẫn là ý thức về Chúa Thánh Thần, Đấng là sức sống của Giáo Hội, là Đấng hoàn toàn tự do trong công trình sáng tạo và cứu độ nhân loại, tự do như gió muốn thổi đâu tùy ý, chẳng ai biết gió đến từ đâu và chẳng ai biết gió sẽ đi đâu.
Phần ba của Tin Mừng lại càng khó nghe, khó chịu, khi Đức Giêsu với ngôn từ chặt chém, rùng rợn: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi hằng sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9,42-48).
Chỉ nghe thôi cũng đủ lạnh người, khiếp sợ: lạnh người vì luật của Đức Giêsu ban bố không khác gì luật Charia của những người Hồi Giáo cực đoan áp dụng hình phạt chặt tay, chặt chân, khoét mắt, ném đá, treo cổ những ai vi phạm; khiếp sợ vì sẽ chẳng còn ai lành lặn thân xác khi lên thiên đàng, bởi trong cuộc sống, mắt ai sẽ không nhìn điều xấu, tay ai sẽ không làm điều chẳng lành, và chân ai sẽ chẳng đến những nơi tội lỗi? Cả một nhân loại tàn phế, đui chột, què cụt, hứa hẹn một thiên đàng toàn các thánh không toàn thây. Nghĩ  mà sợ hãi, kinh hoàng !
Trước hết, chúng ta phải hiểu: Đức Giêsu đã nói bằng ngôn ngữ kinh thánh. Theo ngôn ngữ này, không có từ ngữ chỉ toàn thể thân xác, nhưng người ta chỉ thân thể bằng dùng tên một chi thể tùy theo công việc và hoàn cảnh được đề cập. Thí dụ ngôn sứ Isaia đã không dùng một từ nào đó để chỉ nhà thừa sai trên đường truyền giáo, nhưng dùng từ bước chân: “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo Tin Mừng, công bố ơn bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52,7). Cũng thế, để chỉ một hành động, ngôn ngữ kinh thánh dùng: “Hãy làm điều mà tay ngươi nắm bắt được”; để chỉ một chọn lựa: “Hãy làm điều mà mắt ngươi thấy tốt”; để chỉ tâm tình ngợi khen: “Hãy mở lớn miệng lưỡi ngươi”. Trong đọan Tin Mừng này, Đức Giêsu cũng không  ra ngoài quy luật chung của ngôn ngữ  Do Thái, khi dùng tay, chân, mắt để chỉ toàn thể thân xác, nên không thể quy cho Ngài chủ trương tàn phá thân xác, hủy hoại thân thể như hình phạt.
Chân lý quan trọng Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là thân xác con người thuộc về Thiên Chúa, bởi thân xác của người nam hay người nữ cũng đều do chính tay Thiên Chúa tạo dựng, chỉ khác người nam từ bụi đất và người nữ từ xương sườn của người nam (St 2, 21-22). Điều này muốn nói lên: Thân xác chỉ là thân xác khi thuộc về Thiên Chúa, bởi được tạo dựng bởi Thiên Chúa, nên thân xác sẽ không có lịch sử, không có tương lai, cũng không là gì hết và chỉ đáng bỏ đi, nếu thân xác không hoạt động nhờ Thiên Chúa, với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa. Nói cách khác, thân xác sẽ không mang một giá trị và ý nghiã nào, nếu tự tách ra khỏi Thiên Chúa. Hình ảnh cưa chân, chặt tay, móc mắt là hình ảnh toàn thể thân xác không còn thuộc về Thiên Chúa nữa, và một khi không còn ở trong Thiên Chúa, thân xác sẽ tự hủy diệt và mất sức sống thần linh dẫn đến bất hạnh đời đời. Khi nói đến các chi thể như chân, tay, mắt, Đức Giêsu đã dùng ngôn ngữ kinh thánh để diễn tả chân lý: toàn thể thân xác phải thuộc về Thiên Chúa, và chỉ khi thuộc về Ngài, thân xác mới thực sự sống và hạnh phúc trong sứ mệnh đồng hành với linh hồn.
Đồng hành với linh hồn, tức ở trong Thiên Chúa, thân xác sẽ làm nhiệm vụ chuyển tải sự sống thần linh cho người khác. Với thân xác, linh hồn biểu hiện sự sống siêu nhiên và làm cho sự sống siêu nhiên được sinh động trong thế giới loài người. Để hiểu rõ hơn vai trò chuyển tải sức sống thần linh của thân xác có Thiên Chúa, chúng ta đọc câu chuyện ngôn sứ Êlisa đã truyền sức sống của mình cho đứa trẻ đã chết: Khi ông Êlisa tới nhà thì cậu bé đã chết, nằm trên giường của ông. Ông đi vào chỗ cậu bé, đóng cửa lại, chỉ còn lại hai người ở bên trong, rồi cầu nguyện với Đức Chúa. Ông lên giường nằm lên trên đứa trẻ, kề miệng ông trên miệng nó, đặt bàn tay ông trên bàn tay nó. Ông cứ nằm trên đứa trẻ, và da thịt nó nóng lên. Ông đi đi lại trong nhà, rồi lại lên nằm trên nó; cậu bé hắt hơi đến bảy lần, và mở mắt ra ( 2V 4,32-35). Ngôn sứ Êlia cũng có cùng kinh nghiệm truyền sức sống cho đứa con trai một bà goá được thuật lại trong sách Các Vua quyển 1: “Sau các sự việc đó, đứa con trai của bà ngã bệnh. Bệnh tình trầm trọng đến nỗi nó tắt thở. Bà nói với ông Êlia: “Hỡi người của Thiên Chúa, việc gì đến ông mà ông đến nhà tôi để nhắc lại tội tôi, và làm cho con tôi phải chết?” Ông Êlia trả lời: “Bà đưa cháu cho tôi”. Ông bồng lấy đứa trẻ bà đang ẵm trong tay, đem lên phòng trên chỗ ông ở, và đặt nó nằm trên giường. Rồi ông kêu cầu Đức Chúa rằng: “Lậy Đức Chúa, Thiên Chúa của con. Chúa nỡ hại cả bà goá đã cho con ở nhờ, mà làm cho con bà phải chết sao?” Ba lần ông nằm lên đứa bé, và kêu cầu Đức Chúa rằng: “Lậy Đức Chúa, Thiên Chúa của con, xin cho hồn vía đứa trẻ này trở về với nó!” Đức Chúa nghe tiếng ông kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với nó và nó sống. Ông Êlia liền bồng đứa trẻ từ phòng trên xuống nhà dưới, trao cho mẹ nó, và nói: “Bà xem, con bà đang sống đấy!” (1V 17, 17-23).
Tóm lại, Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta nhiều điều, từ tinh thần cởi mở, đón nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần qua thái độ cộng tác với các chứng nhân có thể không thuộc về nhóm mình, không làm chứng, loan báo Tin Mừng theo cách thức của mình, miễn họ thành tâm xây dựng công bình, khát khao chân lý và tìm kiếm con đường gặp gỡ Thiên Chúa, đến ý thức thánh thiêng về thân xác, như sở hữu của Thiên Chúa, Đấng Chủ Tạo. Với ý thức thân xác con người hoạt động nhờ Thiên Chúa, với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa để có thể chu toàn sứ mệnh chuyển tải sức sống thần linh cho người khác, người Kitô hữu thâm tín rằng thân xác sẽ mất hết lẽ sống, ý nghiã có mặt và giá trị khi từ chối thuộc về Thiên Chúa và phụng sự Ngài. Trong trường hợp này, không chỉ tay, chân hay mắt là đáng bỏ đi, nhưng cả con người, toàn phần thân thể, toàn thể thân xác sẽ không còn sự sống và tự thối rữa, hủy diệt, bởi Đền Thờ của Thánh Thần là thân xác đã trở nên ô uế, bất xứng, không còn là nơi Thiên Chúa ngự, như thánh tông đồ Phaolô đã viết: “Anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6,19-20).
Jorathe Nắng Tím


LỜI KẾT (CHA MẸ YÊU THƯƠNG)


    Cha tôi vừa mất chưa đầy trăm ngày. Khi ông cụ còn nằm bệnh, quằn quại đau đớn, chờ chết, tôi đã cầu xin cho cha tôi được sớm ra đi bình an, vì quả thực mỗi lần nhìn cụ yếu nhược chống chọi với con bệnh quái ác, tim tôi se thắt, ruột tôi như muốn đứt ra từng đoạn. Hôm nay thì mồ côi toàn phần, tôi mới thấm thía cái hụt hẫng, chênh vênh, lạc long của đứa con không còn cha mẹ.
    Đã hẳn cha mẹ tôi có nhiều lỗi lầm trong cuộc sống. Nhân vô thập toan la lẽ thường tình và lầm lỗi la dấu ấn của thân phận người có giới hạn. Ngay với các con, cha mẹ tôi cũng có nhiều thiếu sót khi yêu thương không đồng đều và đối xử không đồng đẳng. Có một thời cha mẹ tôi đã chẳng nghe ai, ngoài vợ chồng cô em, dù con cái có gần một tá “đủ cỡ, đủ loại”; đi chơi xa, cũng chẳng nhớ ai, ngoài năm thành viên của gia đình cô; qùa cáp, bánh kẹo cũng chỉ dấm dúi cho mấy đứa cháu ngoại “tuyệt vời”, cô con gái rượu; chưa kể nhiều quyết định tày trời của cha mẹ tôi, vì nghe cô đốc xúi đã làm anh chị em tôi phải xiểng liểng, đứng tim, “đứng hình”. Ở vào tình cảnh này, anh chị em tôi chỉ biết bảo nhau cố nén bức xúc để cha mẹ được trọn niềm vui, dù niềm vui ấy không đáng vui chút nào.
    Câu chuyện của cha mẹ tôi và các con cho tôi nhiều bài học cho đời làm cha mà tôi đang sống. Tôi hiểu rằng: nguy cơ lớn nhất làm hỏng con cái là nuông chiều, không dám nghiêm khắc dạy dỗ chúng. Nhưng tại sao lại nuông chiều và không dám dạy dỗ? Thưa phần lớn là do đã lỡ thần tượng chúng. Thần tượng con cái, cháu chắt là một sai lầm lớn nhất của cha mẹ, ông bà. Tôi còn học thêm bài học thứ hai cũng căn bản không kém, đó là công bằng trong yêu thương đối với con cái, bởi thiếu công bằng thì dù có cố hòa giải, hòa hoãn, hòa hợp, hòa đồng đến đâu cũng không kiến tạo được hòa bình đích thực, và nhất là không bao giờ xây dựng được bầu khí yêu thương, tương kính, tương thân, tương trợ chân thành giữa các thành viên trong gia đình.
    Hôm nay cha mẹ không còn. Nghĩ đến các ngài mà tim tôi quặn thắt. Tôi thương cha mẹ vất vả trăm chiều, ma con cái đáp trả chẳng bao nhiêu. Nhìn lại mới thấy: chẳng đứa nào trong chúng tôi đã không làm buồn lòng cha mẹ cách này cách khác. Hồi tâm mới nhận ra: Cha mẹ yêu thương không đồng đều là do đa số anh chị em tôi đã không hiếu thảo đủ, nên các ngài mới bất đắc dĩ phải bám vào một đứa để tìm an ninh tuổi gia. Hỏi lòng mới rõ: vì đám con đủ cỡ đủ loại chúng tôi từ những năm xa, tháng dài cứ “thản nhiên, thấp thoáng, vừa phải”, như cha mẹ chẳng có vấn đề gì, chẳng có nhu cầu gì, chẳng có tâm sự gì cần được lắng nghe, nên các ngài mới rơi vào thiếu sót yêu thương “thái quá bất cập”.
    Thế mới biết làm cha mẹ không dễ, va lam con cũng rất khó. Người viết mạo muội nghĩ: để làm cha mẹ yêu thương va lam con cái hiếu thảo, người ta phải biết đặt mình làm cha mẹ khi lam con, và đặt mình làm con khi làm cha mẹ. Như thế, cha mẹ mới hiểu được nỗi lòng, hoài bão, khát vọng của con, va con mới cảm thông được thao thức, khắc khoải, khổ đau của cha mẹ.
 Chúng ta không “là” cha mẹ, “là” con cái, bởi “là”, tức đã hoàn thành, hoàn tất, hoàn hảo, hoàn mỹ, nhưng “làm cha mẹ - làm con cái” nói lên cố gắng không ngừng của cả cha mẹ va con cái đang từng bước mỗi ngày thực hiện Thiên Chức làm cha mẹ và Hồng Ân được làm con cái.

Chương XV : SỐNG CHUNG VỚI CON CÁI


    Đời làm cha mẹ cũng như bao nhiêu cuộc đời khác không tránh khỏi những thử thách và sầu buồn : Những thử thách nhiều lúc tưởng không thể vượt qua khi con đau bệnh, khi nhà lâm cảnh túng thiếu, chật vật,  khi hoạn nạn dồn dập, khi thất thế, sa cơ; những cơn sầu  buồn thê lương, có sức mạnh tàn phá tưởng đanh xuôi  tay để bị sóng đời quật ngã, chôn vùi. Bên cạnh những  thử thách và sầu buồn thường được kể tên, còn một thử  thách và sầu buồn khó gọi tên, khó nói, khó xử, đó là thử  thách phải sống chung với con cái, và nỗi buồn tuổi già  khi cuộc sống chung với con cái trở thành địa ngục. 
   Khi được hỏi: “Ông bà sẽ ở chung với con cái khi về  già?” đã có đến 79% ông già bà cả trả lời “không” với  cùng lý do:
1.  Mặc cảm ăn bám, lệ thuộc           
      Thật không gì xót xa hơn khi cha mẹ đến tuổi già  phải ở với con lại mang mặc cảm ăn bám, lệ thuộc. Đó là nỗi đau của thân phận, khi cả đời hiến dâng, hy sinh  vì con, nay đến tưổi già khi thân tàn sức yếu lại sợ phải ở  với con. Không biết còn bao nhiêu đứa con trong xã hội  thực dụng, chạy đua với bạc tiền còn nghi đến nỗi buồn  thầm kín, nỗi lo câm lặng của cha mẹ mình, khi không  còn đủ khả năng tự lo, tự xoay sở? Còn bao nhiêu đứa  con hiểu được mặc cảm đau nhói của cha mẹ, khi bất  đắc di phải nương tựa con, khi đời xế bóng? Còn nhiều  không những đứa con thảo hiếu để cha mẹ không phải  tủi thân khóc thầm vì bị chính con mình xúc phạm, làm  tổn thương?
     Mặc cảm ăn bám, lệ thuộc là mặc cảm ở hầu hết  cha mẹ già, và mặc cảm này làm suy sụp tinh thần, ảnh  hưởng đến sức khỏe của các vị hơn vì thiếu ăn, thiếu ngủ.  Cha mẹ nuôi con cả đời thì con chẳng tính, con nuôi cha  mẹ vài ngày, vài tháng thì con nặng lời tính toán, so đo.  Công ơn trời bể nuôi dưỡng, giáo dục của mẹ cha thì con  ơ hờ, không đếm xỉa, nhưng vài trăm tiền thuốc thì con  suy đi nghi lại, càm ràm, kể lể mãi không thôi. Người ta  bảo phận cha mẹ là dòng nước chảy xuống đời con, chứ  chẳng hòng gì tình con ngược dòng trở lên tìm cha mẹ.
2.  Tâm trạng triền miên hoang mang
      Hoang mang vì nha con không phải nhà mình, đất  con không phải đất mình, đồ đạc của con không phải  đồ đạc riêng mình, nên ngần ngại sử dụng trong mọi  khoảnh khắc, chưa kể nhà con trai cũng là nhà con dâu, nha con gái cũng la nha con rể, nên miên man lo âu,  bàng bạc chán ngán khi phải chia sẻ đời sống chung  từng ngày tưởng ngắn nhưng dài như vô tận.
     Cha mẹ hoang mang vì không biết mình được đặt  ở vị trí nào trong gia đình con cái, được con cái yêu  thương đến mức độ nào, và mình phải làm gì để con  cái vui lòng, không thấy bị thiệt thòi vì phải cáng đáng,  chăm lo. Cha mẹ còn hoang mang vì tương lai già yếu,  bệnh tật, chết chóc của mình hoàn toàn lệ thuộc ở tình  cảm, tình hình kinh tế, tình trạng gia đình của con, nên  hồi hộp, phập phồng, và chỉ an tâm khi con vui vẻ, làm  ăn phát đạt, nhưng lại run sợ khi con cái rơi vào cảnh  xào xáo, “cơm không lành, canh không ngọt”, hoặc thất  bát, xui xẻo. Cuộc sống cha mẹ già vì thế cứ lặng lẽ trầm  buồn giữa gia đình con cái nhiều biến động, đổi thay. 
3.  Mất đời sống tự do
      Sống chung với ai thì tự do cũng bị hạn chế, nhất  là khi cuộc sống chung ấy không mang tính tự nguyện,  và là giải pháp bắt buộc vì không có chọn lựa nào khác.  Hầu hết cha mẹ già đều ao ước được sống ở nhà mình,  bằng tiền bạc của mình, với khả năng tự xoay sở, lo liệu  của mình, mà không cần nhờ đến con cái, hay bất cứ  ai; nhưng lực bất tòng tâm, khi bị đặt trước chọn lựa  duy nhất: ở với con cái. Từ nay, cha mẹ phải từ bỏ tập  quán, ý thích, nếp sống riêng để hội nhập vào sinh hoạt,  theo kịp nhịp sống của gia đình con cái. Một mái nhà với nhiều thế hệ cách xa nhau, nhiều tư duy khác nhau,  nhiều nhận thức khác biệt, nhiều chọn lựa không cùng  tần sóng sẽ không tránh khỏi những hiểu lầm, bức xúc,  những mâu thuẫn to nhỏ, những đối kháng ẩn hiện làm  đời sống nóng lên độ căng thẳng theo thời gian. Trong  bầu khí sẽ có lúc ngột ngạt đó, cha mẹ luôn thấy mình  là người thiệt thòi, bị xử ép, bị bỏ rơi, bị bạc đãi do tâm  lý cho mình hoàn toàn mất tự do. Từ tình cảm và ý nghi  tiêu cực, cha mẹ sẽ có thái độ không đồng thuận, không  đồng tâm, không đồng ý với con lúc đầu chỉ trong một  vài lãnh vực, nhưng dần dà chiếm cứ tất cả sinh hoạt đời  sống. Con cái trong tình trạng này, dù có thiện chí đến  mấy, dù yêu mến cha mẹ bao nhiêu cũng không thể làm  cha mẹ thông cảm và vui sống. 
     Tâm trạng mất tự do còn kinh khủng hơn đối với  những cha mẹ trước đó đã một thời ngang dọc, “tang  bang tế thế”.
    Như thế, dù ở với con cái có hiếu, hay rơi vào hoàn  cảnh “chẳng đặng đừng” phải nương cậy đứa con không  hiếu thảo, cha mẹ già vẫn không tránh khỏi tâm lý phức  tạp và tiêu cực vừa kể. Vấn đề được đặt ra ở đây là thái  độ nào cha mẹ nên có để giảm thiểu những khó khăn,  giảm bớt những căng thẳng để có thể “sống chung hòa  bình” với con cháu trong nhà con cháu ở tuổi không còn  khả năng sống một mình. Những kinh nghiệm của các  bậc trưởng thượng cho phép chúng ta tìm ra thái độ tốt nhất cho hạnh phúc không chỉ của cha mẹ mà còn cho  gia đình con cái có cha mẹ ở cùng: 
a.  Thái độ vượt thoát 
     Ở với con cái, thái độ hay nhất la vượt lên trên những  thị phi, bon chen, tranh giành để không bị dây mình vào  những chuyện của người khác, mà ở vào tuổi già, người  ta không còn bị đòi hỏi phải biết và giải quyết. Thái  độ đứng ngoài lề mọi chuyện tạo cho cha mẹ vị thế an  toàn, được che chở, đồng thời tránh được nhiều phiền  toái, phức tạp dễ xảy ra do vô ý, hiểu lầm. Vượt thoát  còn giúp cha mẹ không bị kéo xuống ngang hàng con  cái, hay những người khác không cùng vị thế, vì những  chuyện linh tinh, vớ vẩn, vô ích. Khi chọn cho mình thái  độ vượt thoát, cha mẹ tự bảo vệ mình, và uy tín, danh dự  của mình không chỉ đối với con cái trong nhà, mà còn  với mọi người.  
     b.  Thái độ không xăm xoi, dòm ngó, can thiệp  quá đáng vào đời sống riêng của con cái và  sinh hoạt riêng của gia đình con cái 
     Vẫn biết tình cha mẹ thương con thì bao la, nhưng  không vì thế mà cha mẹ không cho con tự do bay nhảy  trong trời rộng như chim con rời xa cánh mẹ vào đời với  đôi cánh “tự lực cánh sinh” của mình. Tâm lý bảo bọc  cám dỗ cha mẹ thường xuyên can thiệp, có khi can thiệp  thô bạo vào đời sống riêng của con cái dù chúng đã lớn khôn, có sự nghiệp. Ở chung với gia đình con, mà luôn  miệng gay gắt “ý kiến, ý cò”, hở ra là trách móc, lên lớp  thì bầu khí sống chung không tránh khỏi bị ô nhiễm.  Ở với con cái với não trạng “việc của con là việc của  mình”, và tự cho mình quyền chi phối mọi quyết định  của con là một sai lầm nguy hiểm, bởi sớm hay muộn,  đời sống chung ấy cũng sẽ rạn nứt, đổ vỡ vì mức độ can  thiệp của cha mẹ sẽ làm ngột ngạt, va bức tử đời sống  riêng của con cái. 
     Không can thiệp vào đời sống của gia đình con cái  mà mình ở cùng sẽ tránh cho cha mẹ khổ tâm phải áp  dụng chính sách “phân biệt đối xử” giữa con trai và con  dâu, hay con gái và con rể, vì hệ quả của chính sách can  thiệp vào nội bộ gia đình con cái là tình trạng căng thẳng  do những đụng chạm không thể tránh đối với chàng rể,  nàng dâu. Nhờ thế mà đời sống chung với con cái bớt  mệt mỏi, nhiêu khê. 
c.   Thái độ lạc quan, vui sống 
      Cha mẹ vui vẻ, lạc quan, cởi mở, hiền hòa sẽ đem  lại bầu khí vui tươi, yêu đời, phấn khởi cho gia đình con  cháu. Trái lại, trong nhà có cha mẹ lúc nào cũng than  thân trách phận, hờn xa giận gần, nhăn nhó, sụt sùi sẽ  làm “oải” cả nhà, vì mọi người phải chịu đựng những  mùa thu u ám của thân phụ mẫu thường xuyên bực bội,  khó chịu, thở than đến một lúc sức chịu đựng sẽ “tức nước vỡ bờ ” làm tan tành tương quan yêu thương giữa  ông bà, cha mẹ và con cháu. 
d.  Thái độ “ăn cây nào rào cây ấy” 
     Tất nhiên lòng cha mẹ thì bao la, và chan hòa đến tất  cả các con, nhưng điều đó không thay thế thái độ “ăn cây  nào rào cây ấy” khi cha mẹ ở với một trong số các con.  Đời sống chung, ngay cả trong trường hợp “bất đắc di”  cũng đòi thái độ khôn ngoan này để tránh những rạn nứt  vô duyên giữa cha mẹ và gia đình đứa con đang phụng  dưỡng cha mẹ. Vì thế, cha mẹ già ở nhà con nào thì đừng  quên vun xới cho nhà ấy, đừng ăn cây này, nhưng lại rào  cây ở mãi tận đâu đâu. Làm như thế sẽ chỉ gây ghen tức,  đố ky và chia rẽ giữa các con. Trong đời thường, không  ít cha mẹ đã rơi vào sai lầm này để lãnh những hậu quả  khó lường khi các con trở thành thù nghịch vì cha mẹ  thiếu khôn ngoan, tế nhị. 
     e. Thái độ can đảm nhận diện chỗ đứng mới  của mình ở tuổi già, và tự hạn chế mình  trước những bổn phận không còn buộc phải  chu toàn 
     Đây là điểm rất tế nhị của người già khi về hưu: họ  không muốn tự tháo gỡ mình khỏi những trách nhiệm  mà xã hội đã công khai tháo gỡ cho họ; cũng không dễ  dàng tự thả mình khỏi những đòi hỏi mà mọi người đều  công nhận họ không còn khả năng gánh vác. Nhiều cụ không chịu trao cho đám trẻ trách nhiệm, không nhường  chỗ, bàn giao cho người kế vị, không tạo điều kiện cho  người tiếp nối sự nghiệp, và như thế, các cụ sẽ mãi bị ám  ảnh bởi não trạng và hình ảnh: “Mình là người rất quan  trọng, không thể thay thế” để lúc nào cũng cường điệu,  trầm trọng đến đáng thương, và làm phiền người khác  đến đáng ngại. Có những cha mẹ tuy đã già, đi đứng khó  khăn, nhưng vẫn đòi có mặt trong các dịp giỗ ky, cưới  hỏi của họ hàng, làng xóm xa gần, mà không biết con cái  đã phải vất vả trăm chiều để thỏa mãn đòi hỏi không còn  hợp thời của các cụ. Tự biết mình, và tự hạn chế những  nhu cầu cũng như sinh hoạt của mình sao cho xứng hợp  với tuổi tác, và hoàn cảnh sống mới là điều cha mẹ già  không nên vô tình bỏ quên. 
      Cũng với thái độ trên, cha mẹ sẽ tránh được sai lầm  nghiêm trọng là trở nên gánh nặng kinh tế cho con cái,  khi tiếp tục chi phí tiền bạc cho các liên đới như thời còn  làm ra tiền. Chẳng hạn ở với con, và không còn khả năng  kinh tế, nhưng vẫn tiêu tiền như người làm ra nhiều tiền,  vẫn rộng tay đóng góp cho các tổ chức từ thiện xã hội,  vẫn hào phóng cho tiền người này người nọ, vẫn “vung  tay quá trán”, dù tất cả mọi chi phí đều là tiền của con. 
     Tóm lại, biết mình không còn trăm phần trăm độc  lập, tự lập, và có thể tự quyết như xưa, ở cái thời còn  “cầm cân nẩy mực”, vai rộng gánh vác giang san là thái  độ khôn ngoan của cha mẹ ở tuổi già phải nương cậy  con cái. Thái độ can đảm tự biết mình “không còn như xưa” sẽ giúp cha mẹ sống bình an với con cái trong tuổi  già mà không bận bịu, xót xa vì bất cứ gánh nặng mặc  cảm hay não trạng không còn thức thời nào. Thái độ ấy  cũng góp phần làm nhẹ đời sống chung tự nó đã không  dễ dàng, nhất là cho con cái niềm vui được cha mẹ già  thông cảm, sẻ chia gánh nặng. 
Đời sống chung nào cũng không dễ, bắt đầu từ đời  sống vợ chồng, nên đòi nhiều hy sinh, và hy sinh lớn  nhất là từ bỏ chính mình. Nếu mỗi người không từ bỏ  một chút “cái mình”, quên đi một phần “cái tôi”, xếp  lại một bên một ít quyền riêng thì đời sống chung sẽ  chỉ là hình phạt, trong đó “người khác là địa ngục của  tôi” như triết gia hiện sinh Jean-Paul Sartre đã viết. Khi  bỏ một phần những ý riêng, quyền riêng, cõi riêng, đời  riêng, người ta có một mẫu số “chung” để có thể chung  sống, chung lòng, chung bàn, chung nhà, chung đường, chung vui. 
      Ở chung với con cái, cha mẹ cũng không ra khỏi  nguyên tắc tìm mẫu số “chung” này, bằng tiếp tục quên  mình như đã từng quên vì thương con, tiếp tục hiến mình  như một đời đã hiến thân vì yêu con, tiếp tục hết mình  như thói quen cho hết vì hạnh phúc của con, tiếp tục là  mình như căn tính của đời làm cha mẹ: núi đá chở che, bến bờ an bình, hải đăng soi sáng, bàn tay nâng đỡ, lời  ru an ủi, nụ hôn âu yếm, ánh mắt cảm thông, rạng đông  hy vọng.

Quý độc giả vui lòng đọc Lời Kết : http://tinmungduongpho.blogspot.com/search/label/CMYT-Loi-Ket


Chương XIV : TÀI SẢN CỦA CHA MẸ



    Có lẽ không lúc nào cha mẹ hiểu giá trị của tài sản do mình làm ra, như căn nhà, thửa đất lại kinh khủng, chóng mặt khi thị trường nhà đất lên cơn sốt, và sổ đỏ đã vượt mặt mọi giá trị…
    Quả thực, cơn sốt nhà đất đã làm cha mẹ đi từ bàng  hoàng này đến ngỡ ngàng kia, khi con cái bỗng dưng  nổi lên đòi quyền thừa kế, đòi bán nhà chia đất, anh chị  em như bầy cá đói nổi lên tranh giành, cắn xé, rỉa rói..  thia bãi nhau vì lô đất, nền nhà. Cả xã hội lên cơn sốt, và  bầu khí gia đình trở nên ô nhiễm, căng thẳng, nặng nề vì  tham lam, đố ky.  Không ít cha mẹ đã “thất kinh bát đảo” trước những  mánh lới, mưu đồ của con gái, con dâu, con trai, con rể  để chiếm nhà, chiếm đất. Nhiều cha mẹ phải trở thành  tù nhân, người xa lạ trong chính căn nhà của mình, do  mình đứng tên. Tình nghia không còn nặng ký, luân lý,  đạo đức gia đình cũng nhẹ tênh, chỉ còn lại “sổ đỏ, sổ  hồng” là có giá trị ngất ngưởng. Gia đình bỗng thành bãi chiến trường, và người thân yêu trở mặt làm thù địch,  đối thủ. Thảm cảnh đấu tranh giành giật nhà đất, gia sản của  cha mẹ là một điều đáng buồn, nếu không muốn nói là  ô nhục, bất xứng, vì trước hết con cái không tự nhiên, tự  động có quyền trên tài sản của cha mẹ. Một cách công bình, người ta sẽ thấy rằng: Có đứa con nào đã đóng góp  để làm nên cơ nghiệp, hay ngược lại, nhờ cơ nghiệp của  cha mẹ mà con cái đã được ăn học, thành công? Vì thế, thật vô lý khi con cái như bầy châu chấu nhảy múa đòi  chia chác cơ nghiệp, tài sản mà mình không hề góp công  sức, tiền bạc dựng xây. Đó là chưa kể cái phi lý tận cùng khi ngang ngược  đòi chia của ngay khi cha mẹ, hoặc một trong hai còn  sống. Khi đặt vấn đề tài sản của cha mẹ trước mặt cha  mẹ, con cái đã vi phạm lẽ công bằng đối với cha mẹ,  đồng thời tỏ ra bất hiếu ở mức độ đáng lên án. Những người con này đã làm tổn thương tình yêu hy sinh của cha mẹ mình, và đảo lộn bậc thang giá trị mà bấy lâu  mọi người đều trân trọng. Khi đảo lộn bậc thang giá trị,  những đứa con tham lam, bất hiếu đã đặt của cải lên hàng đầu, trên tất cả, và để dưới đáy những giá trị ngàn  đời khác như Thượng Đế, cha mẹ, danh dự cá nhân và  gia đình, đạo đức luân lý, tình nghia huynh đệ… Và  hậu quả là của cải đã trở thành ông chủ duy nhất điều  khiển cuộc sống vật chất của những người con có lòng  dạ tham lam.
    Thực ra, không cha mẹ nào không ao ước có chút gì để lại cho con. Sinh dưỡng, giáo dục đã đanh, cha  mẹ còn muốn con mình vào đời với hành trang tương  đối đầy đủ: hành trang tinh thần và vật chất, nên chắt  chiu, bòn mót, dành dụm để “có của” cho con gái đi  lấy chồng, cho con trai cưới vợ, cả những đứa con tật  nguyền không sống được một mình cũng được cha mẹ  tiên liệu, “quan phòng.” Tình yêu của cha mẹ không chỉ  thuần tinh thần, nhưng còn vật chất, và rất thực tế bao  gồm các nhu cầu của con, ở mọi lãnh vực.  Khao khát có chút gì để lại cho con, cha mẹ nhìn gia  sản như “chút của” cho con vào đời, và muốn sử dụng  gia sản ấy để biểu lộ cụ thể tình thương dành cho các  con. Nhưng vấn đề là con cái có nhận ra ý muốn của cha  mẹ; và có để các ngài được tự do thực hiện tình thương  ấy hay không?  Có những khó khăn cản trở cha mẹ. 
1.   Lòng tham không đáy của con cái 
     Lòng tham của con cái là cản trở lớn không cho cha  mẹ yên ổn với tài sản của mình, vì lòng tham ấy trở nên  những rình mò, rình rập, rắp ranh làm mệt cuộc sống  của cha mẹ. Hỏi sao không mệt khi phải nghe con thản  nhiên đề nghị chia của? Sao không nhức nhối khi con  lạnh lùng đòi cha mẹ bán nhà chia đều cho các con, sau  đó được con cái đề nghị vào viện dưỡng lão?
2. Tình trạng neo đơn của cha mẹ 
     Mấy cha mẹ già có thể ở một mình mà không nương  dựa một trong số các con? Mấy cụ ông, cụ bà neo đơn  không cần sự trợ giúp của con cháu? Chính vì neo đơn  và cần được giúp đỡ trong sinh hoạt thường ngày, mà  cha mẹ không thể công bình trong việc phân chia tài sản.  Đứa con lo cho cha mẹ, đứa cháu chăm sóc ông bà sẽ là  những người có nhiều khả thể, nhiều may mắn chiếm giữ  tài sản của ông bà, cha mẹ. Viện lý do lo lắng, chăm sóc  cha mẹ già, những con cháu này tự cho mình là người  có đủ điều kiện thừa kế. Nhưng câu chuyện không đơn  giản, khi các người con khác cũng đòi quyền thừa kế  này, dựa trên tư cách là con…  Không kể xiết những chuyện dở khóc dở cười,  những đắng cay nhớ đời, những chua chát đời làm cha  mẹ, những lời lẽ phỉ báng, nhục mạ sắc như dao cau, vô  cảm, vô nhân đạo của con cái khi cha mẹ không thỏa  mãn đòi hỏi, yêu sách của chúng. Nhiều cha mẹ đã đau  bệnh, tinh thần bị khủng hoảng, đời sống bị rối loạn vì  những tranh chấp căng thẳng, “không đội trời chung”  của đan con đang thư hùng chiếm cứ tài sản của cha mẹ.  Cũng vì neo đơn, phải lệ thuộc, nên hầu hết cha mẹ  gia đều chung số phận bị đứa con hung hăng, dữ dằn  nhất trấn lột, áp đảo, đồng thời bị những đứa con khác  lên án “nhu nhược, hèn nhát, không công bằng, bị mua  chuộc, lú lẫn, u mê”.
3. Cám dỗ vật chất 
     Sống trong một xã hội tiêu thụ, thực dụng, con người  dễ trở thành tín đồ thuần thành của vật chất; bởi vật chất  giải quyết êm xuôi mọi khó khăn, trót lọt mọi trở ngại.  Vật chất có sức cuốn hút, và làm mê mẩn đến độ con  người không còn khả năng phân định phải trái, và chọn  lựa đúng sai. Đó là lý do nhan nhản những vụ án con giết  cha mẹ, đầu độc ông bà, dùng mọi thủ đoạn và phương  tiện phi nhân thanh toán, triệt hạ nhau vì của cải. Xã hội  thực dụng chỉ nhắm lợi ích riêng tư, và cần thỏa mãn nhu  cầu vật chất, nên con người bị vật chất điều kiện hóa, và làm giảm đi nhiều khả năng tinh thần.  Cũng chính vì bị vật chất cám dỗ, những giá trị tinh  thần, thiêng liêng khác không còn được trân trọng, gìn  giữ đã đưa đến tình trạng mất đạo đức làm người.  Tóm lại, câu chuyện tài sản của cha mẹ ở thời buổi  này thực là chuyện dài nhiều tập, trong đó có những nhân  vật quen thuộc, những khuôn mặt gần gũi, những hoàn  cảnh tương tự thương tâm, dặc biệt tâm trạng của hầu hết  các nhân vật đều mang những nét buồn, rất buồn:
   • Cha mẹ là nhân vật buồn nhất, vì nhiều mất mát:  mất quyền làm cha mẹ, vì con cái tham lam của cải  không còn nghe lời răn dạy; mất quyền làm chủ  trên chính tài sản của mình khi con cái manh động  âm mưu chiếm đoạt; mất tình nghia cha mẹ - con  cái vì của cải dễ gây đố ky, chia rẽ, ly tan; mất kỷ cương, gia phong, truyền thống yêu thương của gia  đình; mất danh dự, uy tín đối với gia tộc, lối xóm,  vì đám con hư hỏng, tham lam; mất mái ấm ở đó  có con cháu quây quần hạnh phúc, vì vật chất gây  nhiều mâu thuẫn; mất bình an, thư thái của tuổi  già; mất nghị lực, niềm tin, hy vọng là những giá  trị đem lại hạnh phúc thật. 
   • Con cái la những nhân vật chính trong cuộc thư  hùng chiếm đoạt, tranh gianh tai sản của cha mẹ  cũng không được coi là người chiến thắng, vì vật  chất họ chiếm hữu xem ra quá nhỏ, quá ít so với  những gì họ phải mất như tình nghia, danh dự, uy  tín, lòng kính trọng của con cháu nhiều thế hệ, và  lương tâm an bình. Họ mất rất nhiều vì đã quên  hay cố quên: Vật chất phải tiêu tan một ngày, nên  mất vật chất là điều có thể hiểu, nhưng mất những  giá trị tinh thần vừa kể là mất mát khủng khiếp mà  suốt đời họ sẽ phải tiếc nuối, ân hận. 
     Tóm lại, sẽ không có người chiến thắng trong cơn  sốt nhà đất, chỉ có những trái tim uất nghẹn, sầu buồn,  căm phẫn, ghen tương, thù hận, và chuỗi dài hậu quả rất  buồn, rất tang thương làm đổ vỡ gia đình, tình nghia, giá  trị cuộc sống làm người, ý nghia cuộc đời làm con. Để  tránh thảm cảnh trên, không gì tốt hơn đối với cha mẹ là  ý thức và tiên liệu: Ý thức yếu đuối của con người trước  bả vật chất, ý thức ý chí rất chênh vênh của con người  trước cám dỗ của tiền bạc, ý thức tình trạng bấp bênh của lòng hiếu thảo trước những con sóng bạc đầu của  tính tham lam, ganh tị tiềm tàng nơi con cái, ý thức sự  dòn mỏng của những “tự quyết, tự chọn rồi tự bỏ”; đồng  thời tiên liệu những gì sẽ xảy ra để có phương án tránh  tổn thất, và đạt mục đích cuối cùng là hạnh phúc của  mình và các con trong nhà.  Nhiều nhà tâm lý đề nghị cha mẹ:
    • Không vì ở chung hay lệ thuộc con trong đời sống  mà từ bỏ quyền quyết định của mình trong những  việc liên quan, chẳng hạn tài sản, bởi càng nhu  nhược, hèn nhát, con cái càng mất lòng kính trọng,  thảo hiếu va được đa lấn lướt, áp đảo, lợi dụng.
   • Cương quyết đi theo đường hướng đã chọn. Đó  la đường hướng kiến tạo công bình, hòa hợp, yêu  thương giữa mọi thành phần của gia đình. Nếu cha  mẹ biết xử lý mọi việc trong công bình, thì yêu  thương, hòa thuận sẽ được nảy sinh và phát triển. Công bình không có nghia: ai cũng có phần như ai,  nhưng là mỗi người được hưởng lợi trên công lao  khó nhọc của mình. Vì thế, đứa con chăm sóc, lo  liệu tuổi già cho cha mẹ phải là đứa được hưởng tài  sản cha mẹ ban nhiều hơn những đứa con khác. Và  điều này là chính đáng và công bình đối với tất cả.
   • Không đầu hàng những yêu sách bất chính, gian  xảo, ma mãnh, tìm lợi riêng của bất cứ đứa con  nào, vì một khi đáp ứng những đòi hỏi ích kỷ này, cha mẹ sẽ đồng loa với điều xấu, người xấu và trở  thành “đồng phạm” dưới mắt của những đứa con  khác. Đây là siêu vi trùng giết chết mau nhất hạnh  phúc gia đình, và tình nghia cha mẹ - con cái, mà  bất cứ cha mẹ nào cũng phải lưu ý, đề phòng. 
   • Tuyệt đối không nghe theo kế hoạch riêng của bất  cứ đứa con nào, nhưng khôn ngoan kiểm chứng  mọi thông tin, và nhất là bình tinh trước những “tin  làm tức mình”, đồng thời tập trung quyền quyết  định về mình để tạo một tâm điểm cần thiết đối với  tất cả con cái. Bởi mất đi tâm điểm, vòng tròn gia  đình sẽ bị méo mó, đứt khúc, vỡ toang, tan hoang. 
• Đừng bao giờ nghi rằng: Chỉ có vật chất mới là gia  tài để lại cho con, vì ngoài của cải, nhà đất, cha mẹ  còn cả một kho báu tinh thần như truyền thống gia  đình, đạo đức gia đình, danh dự gia đình, nhất là sự  có mặt trong đời của đan con cháu. Đây mới thực  là gia sản “không bao giờ hư nát”, mà cha mẹ ban  cho các con. Nhận diện và hãnh diện với gia sản vô  giá, vô cùng này, cha mẹ hãy hân hoan đón nhận  phần thưởng tinh thần luôn trầm lắng, đầy an ủi,  mang về niềm vui bất tận cho đời làm mẹ cha.
     Nhưng trên cả những đề nghị vừa kể của nhiều nhà  tâm lý, người viết thiết nghi: Điều quan trọng chính là  giáo dục con cái về công bình, mà công bình thứ nhất  con cái phải nằm lòng, đó là cha mẹ đã cho đi tất cả vì yêu thương con: cho tình yêu, cho hy sinh, cho hết cuộc  đời, cho mãi mãi, cho đến hơi thở cuối cùng. Vì thế, gia  sản của cha mẹ không được hiểu là sở hữu tất nhiên của  con cái, bởi một cách chính đáng và công bình, con cái  không có quyền trên tài sản này, vì đã không đóng góp  làm ra. Công bình là khi con cái chân nhận đó là thuộc  quyền cha mẹ, và cha mẹ có toàn quyền trên tài sản ấy.  Nếu cha mẹ chia cho con, thì đó là quà tặng của tình  yêu cha mẹ, hơn là bổn phận cha mẹ phải chia phần.  Được đao tạo một ý thức công bình, con cái sẽ thương  cha mẹ rất nhiều khi nhận về phần gia sản cha mẹ ban  như quà tặng vô giá, ăm ắp tình yêu thương; con cái sẽ  không lố bịch tranh giành, ngạo mạn chiếm hữu như  những kẻ có quyền; con cái sẽ trân trọng gìn giữ những  gì cha mẹ để lại, và nhất là giữa con cái với nhau, tình  yêu cha mẹ và lòng hy sinh trời biển của cha mẹ luôn  ngự trị và tỏa sáng.
 Bên cạnh công bình là đường hướng giáo dục thang  giá trị đời sống, để con cái ý thức: giá trị vật chất không  là giá trị duy nhất, yếu tố quyết định hạnh phúc của  đời làm người, nhưng bên cạnh những giá trị ấy, còn  rất nhiều những giá trị tinh thần khác, mà thiếu nó, con  người không thể đạt hạnh phúc viên mãn, đích thực. 
Tóm lại, giáo dục là nhằm đao tạo những con người  có trách nhiệm. Có trách nhiệm mới có thể phân định, và  chọn lựa thái độ sống phù hợp với đòi hỏi đạo đức làm  người. Một trong những thái độ đạo đức là nhìn nhận đúng mức chỗ đứng của tài sản trong sinh hoạt gia đình,  và không để lòng tham bất chính làm đảo ngược thang  giá trị nhân bản, đạo đức. Có như vậy, các giá trị vật chất  mới thực sự mang lại bình an, hạnh phúc cho mọi thành  viên của gia đình. 
     Viết những hàng kết luận mà như khai bút mở đầu,  bởi câu chuyện sổ đỏ, nhà đất, gia tài của cha mẹ vẫn là  câu chuyện dài nhiều tập không ngừng làm thảng thốt,  giật mình, đau nhói, tức tưởi, ngao ngán nhiều người, mà  cha mẹ luôn là nạn nhân đáng thương, tội nghiệp nhất.

Quý độc giả vui lòng đọc tiếp chương 15 : http://tinmungduongpho.blogspot.com/search/label/CMYT-chuong15