Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2019

YÊU MẾN GIÁO HỘI

      Vào những ngày này, sau những can thiệp mạnh tay của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với một vài vị thuộc hàng giáo phẩm từng giữ những chức vụ trọng yếu trong Giáo Hội, vì lạm dụng tình dục, truyền thông thế giới xôn xao đưa tin, bình luận.  Dư luận công giáo cũng như ngoài công giáo khắp nơi đều nhập cuộc và chia sẻ quan điểm, thái độ, chọn lựa của mình.
     Phần đông người ngoài công giáo thì ngỡ ngàng, không ý kiến vì tôn trọng, trừ một số phỉ báng, chống đối công giáo kinh niên, chuyên nghiệp thì hả hê, chớp cơ hội, và dịp may hiếm có để tăng cường mức độ khích bác, bôi nhọ. Trước làn sóng tấn công và hoàn cảnh bất lợi của Giáo Hội, người viết xin chia sẻ tâm tình của một người công giáo trước tình huống và cám dỗ có thể làm thất vọng, hoang mang, chao đảo tâm hồn những người con trong gia đình Giáo Hội.
    Qủa thực, không người công giáo nào đã không đau lòng khi những xì-căng-đan ấu dâm liên tục nổ tung kinh hoàng và ngày càng được triệt để khai thác bởi những người chống phá Giáo Hội, qua các phương tiện truyền thông mà không phải tất cả đều lương thiện, công bằng, và tôn trọng sự thật.
   Trước những yếu đuối của một số người được coi là cốt cán trong Giáo Hội, không ít người công giáo đã rơi vào tình trạng chao đảo, hụt hẫng, hoang mang. Hoang mang vì không biết Hội Thánh có còn là Hội Thánh của Đức Giêsu hay đã biến hóa thành tổ chức thuần trần thế trong tay thế lực trần gian nào rồi ; hụt hẫng vì không ngờ tội ác nặng nề như ấu dâm lại có thể xẩy ra trong lòng Giáo Hội và người vi phạm lại thuộc thành phần con cái ưu tú của Giáo Hội ; chao đảo vì những ý nghĩ tiêu cực và cám dỗ xa lánh, ngay cả từ bỏ Giáo Hội theo sóng dữ nổi lên.
  Thực vậy, không ai có thể chối cãi sức công phá của những trận cuồng phong, mà đại nạn ấu dâm là tiêu biểu, khi làm nhiều người công giáo mất tinh thần, và đặt lại vấn đề là người công giáo của mình.
  Thuộc gia đình Giáo Hội, tôi muốn đuợc cùng anh em tôi suy nghĩ để giúp nhau ra khỏi hoang mang, hụt hẫng, chao đảo để niềm tin không vì thế mà sút giảm hay mất đi, nhưng được củng cố vững chắc hơn, nhờ khiêm tốn và qủa cảm trung thành với ơn Chúa nhận được qua Giáo Hội. 
  Trước hết, một cách lương thiện, chúng tôi phải nhìn nhận rằng những phong ba bão táp bất ngờ đổ xuống trên Giáo Hội thường không là nguyên nhân trực tiếp, nhưng là lý do cơ hội được dựa vào để biện minh cho lựa chọn xa lánh và từ bỏ Giáo Hội đã được chuẩn bị từ lâu nơi một số anh em chúng tôi.
   Những anh em này có thể thuộc đám người đi đạo hai hàng, nghiã là vừa theo vừa không theo, nên sẵn sàng bỏ lề phải qua lề trái bất cứ lúc nào nếu có lợi ; có thể là người công giáo thời cuộc, cuốn theo chiều gió, nên chẳng bận tâm đến chuyện học hỏi, giữ đạo, sống đạo ; có thể là người của đám đông có đạo theo nếp nhà, và truyền thống ông bà, mà không quan tâm đến đức tin, tức chọn lựa riêng của chính mình ; có thể là nạn nhân của những lạm dụng đủ loại gây ra bởi những người có trách nhiệm trong giáo xứ, giáo phận, nên phẫn nộ và giữ mãi mối căm thù ; có thể là ngừơi mang nhiều tham vọng và ảo tưởng, nên khi không được trọng dụng trong cơ chế, tổ chức Giáo Hội đã âm ỉ từ lâu nuôi mối tị hiềm ; có thể đã hiểu lầm hoặc bị hiểu lầm trong khi phục vụ cộng đoàn.
  Nhưng  dù ở phạm trù nào, đội ngũ nào, cách thế nào vừa kể, thì mẫu số chung của tất cả  anh em chúng tôi vẫn là sự hiểu biết chưa vững chắc về căn tính và sứ mệnh của Giáo Hội.
  Vì thế, chúng tôi được mời gọi trở về với Đức Giêsu để biết Ngài đã yêu Giáo Hội như thế nào, và muốn chúng tôi phải làm gì trong Giáo Hội, cho Giáo Hội, và với Giáo Hội của Ngài.
   Trước cám dỗ nghi ngờ, tẩy chay, xa lánh, từ bỏ Giáo Hội, là cám dỗ thời thượng đang ăn khách với khẩu hiệu và chiêu bài : Tin Chúa nhưng không tin Giáo Hội, theo Chúa nhưng khước từ Giáo Hội, thánh Tông Đồ dân ngoại đã qủa quyết với chúng tôi :

a.   Giáo Hội là Thân Thể duy nhất, mà Đức Giêsu là Đầu :
    Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất (1 Cr 12,12-13).
       Với thánh Tông Đồ, chúng tôi xác tín Giáo Hội là đoàn thể gồm những con người với tất cả thiếu sót, giới hạn của con người, nhưng đoàn thể ấy đi theo Đức Giêsu, và thuộc về gia đình của Thiên Chúa, vì có Thiên Chúa là Cha và là Đấng Cứu Độ.
b.   Trong Thân Thể mầu nhiệm, mọi chi thể gắn bó hiệp nhất, và tương trợ với nhau :
   Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn… Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận đều đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. Vậy anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận (1 Cr 12, 18.25-26).
     Vì thế, chúng tôi cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, thành công, thất bại, vinh quang, ô nhục, và trong hoàn cảnh hiện tại, trước yếu đuối, vấp ngã, tội lụy của người anh em, chúng tôi đau nỗi đau chung của cả Thân Thể mầu nhiệm là Giáo Hội, và cùng đấm ngực ăn năn, nài xin ơn tha thứ.
c.    Đức Giêsu yêu mến và hiến mình cho Giáo Hội của Ngài :
  Thánh Phaolô đã trình bầy tình yêu của Đức Giêsu đối với Giáo Hội như tình yêu của vợ chồng dâng hiến cho nhau :
  Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh (Ep 5,21-25).
     Như thế, không có tách biệt, phân ly, chia cách giữa Đức Giêsu và Giáo Hội, nên không thể có Đức Giêsu mà không có Giáo Hội, yêu Đức Giêsu mà ghét Giáo Hội, đi theo, phụng sự Đức Giêsu mà từ bỏ, chống phá Giáo Hội, vì Đức Giêsu yêu Giáo Hội và nên một với Giáo Hội.
d.   Đức Giêsu yêu Giáo Hội và thánh hoá Giáo Hội :
    Giáo Hội gồm những con người bất toàn cần được cứu độ, và chính Đức Giêsu thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trứơc mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn, hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền (Ep 5,26-27).
      Vì thế, chúng tôi tin Giáo Hội được Đức Giêsu biến đổi mỗi ngày để nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Và với niềm hy vọng được cứu độ, chúng tôi nhận biết thân phận bất toàn của mình và tuyệt đối trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa trong Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ và là Đầu của Thân Thể mầu nhiệm là Giáo Hội mà chúng tôi là chi thể.
e.    Đức Giêsu trao quyền cho Giáo Hội :
·                 Ngài trao quyền cai quản Giáo Hội của Ngài cho các Tông Đồ :
Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô : Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ? Ông đáp : Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy. Đức Giêsu nói với ông : Hãy chăm sóc chiên con của Thầy. Người lại hỏi : Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không ?. Ông đáp : Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy. Người nói : Hãy chăn dắt chiên của Thầy… Và Người hỏi ông lần thứ ba : Anh có yêu mến Thầy không ?. Ông đáp : Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con yêu mến Thầy Đức Giêsu bảo : Hãy chăm sóc chiên của Thầy (Ga 21,15-17).
      Vì thế, chúng tôi xác tín Đức Giêsu đã trao quyền cai qủan Hội Thánh của Ngài cho các Tông Đồ, đứng đầu là Phêrô, và chúng tôi vâng phục các Đấng Bậc trong Hội Thánh, vì các ngài nhận sứ vụ cai quản Giáo Hội trực tiếp từ chính Đức Giêsu. 
·                 Ngài trao quyền giáo huấn và thánh hoá muôn dân cho Giáo Hội :
   Sau khi sống lại và hiện ra với nhóm Mười Một tại Galilê, Đức Giêsu đến gần các ông và nói với các ông : Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em (Mt 28, 16-20).  
      Là người công giáo, chúng tôi tin các Tông Đồ được trao sứ mệnh gìn giữ kho tàng Đức Tin, giáo huấn của Đức Giêsu, và dậy cho muôn dân lệnh truyền của Ngài. Đồng thời bảo đảm nguồn ơn thánh qua các bí tích để thánh hoá muôn dân.
f.    Đức Giêsu sai Giáo Hội đến với muôn dân và bảo đảm sự có mặt của Ngài với Giáo Hội ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh :
    Người nói với nhóm Mười Một : Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo (Mc 16,15). Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20).
     Như thế, chúng tôi có chứng cứ để tin rằng Đức Giêsu và Giáo Hội là Một, vì chỉ có một Thân Thể mầu nhiệm mà Đức Giêsu là Đầu và mọi người trong Giáo Hội là chi thể, nên khi tách rời Đức Giêsu khỏi Giáo Hội, vì chỉ cần Đức Giêsu mà không cần Giáo Hội, chúng tôi sẽ chẳng có ai, vì Đầu đã bị chặt bỏ khỏi Thân, nên chỉ còn thây ma, sự chết.
    Chúng tôi cũng xác tín Giáo Hội được Đức Giêsu ký thác kho tàng Đức Tin tinh tuyền và trao phó sứ mệnh loan báo Tin Mừng : Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, đã chết và sống lại. Ngài là Cứu Chúa duy nhất của loài người và luôn đồng hành với Giáo Hội trên đường truyền giáo, dù đường có chông gai, nguy hiểm, nhiều cạm bẫy, và người môn đệ không ngừng bị ganh ghét, vu khống, truy lùng, bởi chính Ngài đã căn dặn các Tông Đồ trước khi lên đường chịu tử nạn : Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian, và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em (Ga 15, 18-19).
    Tuy biết thế, nhưng không phải chúng tôi không sợ, vì chúng tôi biết mình luôn yếu đuối, mỏng dòn : sợ mình có thể bỏ Thầy như các tông đồ, chối Thầy như tông đồ trưởng Phêrô, bán đứng Thầy như tông đồ Giuđa, a dua theo đám đông cùng thế quyền, thần quyền Do Thái đả đảo, đòi đóng đinh Giêsu vào thập giá. Chúng tôi cũng sợ khi giông bão ập tới, khi các thế lực tấn công, khi người đời cười chê, khi quan toà lên án sẽ đóng chặt cửa nhà như nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín vì các ông sợ người Do Thái (Ga 20,19), sau khi Thầy mình bị đóng đinh, chết trên thập tự.
     Nhưng với niềm tin vào Đức Giêsu phục sinh, Đấng đã chết để hủy diệt sự chết, Đấng đã xót thương để giải giới hận thù, Đấng đã hiến mình chuộc tội mọi người để chiến thắng ma qủy, hoả ngục, chúng tôi bước đi với ơn Bình An của Đấng đã hiện ra với các môn đệ sau khi sống lại và nói : Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần (Ga 20,21-22).
     Và trong Chúa Thánh Thần, chúng tôi sẽ nhận được hoa trái của Thần Khí là : bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (Gl 5,22-23), và tiến bước nhờ Thần Khí, mà không tìm hư danh, không khiêu khích, không ganh tỵ (x. Gl 5,25-26), nhưng trước những vấp ngã, sai phạm, chúng tôi thưc hiện những điều thánh tông đồ dân ngoại căn dặn :
   Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy người ấy ; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ. Anh em hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật của Đức Kitô (Gl 6,1-2).
     Xin Chúa cho chúng con biết yêu mến, trung thành và phục vụ Giáo Hội, vì Giáo Hội là Hiền Thê yếu dấu của Đức Giêsu và là Mẹ nhân lành của mỗi người chúng con.
   Jorathe Nắng Tím