Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

MÙA CHAY TRUYỀN GIÁO (5)

Suy Niệm 5 : TÂM HỒN CỞI MỞ, TẦM NHÌN XA RỘNG
Đã là người được sai đi, nhà truyền giáo không thể là người hẹp hòi trong tư duy, cục bộ trong đường lối, nhỏ mọn trong chọn lựa, bởi người hẹp hòi tư duy không dám đi trên hành trình xa; người cục bộ, co cụm chỉ loanh quanh, luẩn quẩn với những ngõ nhỏ, lối mòn, làm sao dám lên đường mạo hiểm ; người chi li, nhỏ mọn, tính toán vặt vãnh chẳng bao giờ dám chọn cho mình tương lai mạo hiểm, và đường xa vạn dặm.  
Nhưng Đức Giêsu chỉ gọi và chọn những con người có tâm hồn cởi mở, khi muốn họ cởi bỏ tất cả, trước khi đi theo Ngài, bởi “cởi bỏ bên ngoài” là dấu chỉ của “cởi mở bên trong”. Cởi bỏ cha mẹ, gia đình, nghề nghiệp cũ (x. Mt 4,22) ; cởi bỏ “vàng bạc, tiền giắt lưng, bao bị, áo sống, giầy dép, gậy chống đi” (x.Mt 10,9-10) để có thể cởi mở cõi lòng, cởi mở trái tim, cởi mở trí óc, cởi mở bàn tay, cởi mở cuộc đời trên đường truyền giáo, vì thiếu tâm hồn cởi mở của nhà truyền giáo, Tin Mừng không đến được tâm hồn người khác, thiếu cởi mở của trái tim người môn đệ Đức Giêsu, sứ điệp Cứu Độ không đi được vào lòng ai, thiếu tinh thần cởi mở của người “nhân danh Thiên Chúa mà đến”, người được sai đi tự ý đóng đường đến gặp Đức Giêsu của mọi người.
Cũng vậy, Đức Giêsu không muốn những người được chọn và sai đi mang não trạng hẹp hòi, khép kín, cục bộ, kỳ thị, vì đó là dấu chỉ của kiêu căng, ích kỷ, bởi Tin Mừng được loan báo cho hết mọi người, Hạnh Phúc và Sự Sống đời đời được ban cho toàn thể nhân loại, và Thiên Chúa là Cha nhân hậu của mọi người, không loại trừ ai, không bỏ sót người nào.
Vì thế, một tầm nhìn xa rộng là đòi hỏi của Đức Giêsu ở các môn đệ Ngài, là điều kiện để truyền giáo mang lại hoa trái, là ơn sủng của Thánh Thần tình yêu, Đấng “mở lòng, mở trí” những người đi theo Đức Giêsu đem Tin Mừng cứu độ đến muôn dân.
1.   Có được tâm hồn cởi mở và tầm nhìn xa rộng khi nhà truyền giáo xác tín : Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu độ hết mọi người :
Rất nhiều lần trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ : ý định từ đời đời của Chúa Cha là cứu chuộc hết mọi người, và không muốn một ai phải hư mất. Và ý muốn thánh thiện, thương xót ấy được Thiên Chúa thực hiện bằng mở ra tất cả mọi con đường, ngõ ngách có thể mở để bất luận ai, ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng tìm gặp được Thiên Chúa.
Vì thế, sứ mệnh của nhà truyền giáo không là “đoán” người này sẽ được cứu rỗi, “nhắm” người kia sẽ bị luận phạt, “cho người này lên thiên đàng, dí người kia  xuống hoả ngục”, nhưng nhà truyền giáo hoạt động với duy nhất một xác tín : tất cả mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương và một quyết tâm : xin được là khí cụ trong tay Thiên Chúa để chuyển tải ơn cứu rỗi đến tất cả mọi người.
Nhiệm vụ của nhà truyền giáo như thế là làm cho mọi người nhận được hạt giống Tin Mừng, và tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng cứu độ duy nhất, nghiã là làm tất cả mọi việc, mọi cách để Tin Mừng được gieo vào tâm hồn mọi người với một niềm hy vọng : sớm muộn hạt giống Tin Mừng cũng sẽ nẩy mầm và lớn lên, xum xuê trong tâm hồn mọi người.
Có những hạt nẩy mầm ngay, nhưng cũng có những hạt nẩy mầm rất lâu sau, nhiều năm sau, có khi “người được gieo” sắp chết, hạt giống mới chịu nẩy mầm trong lòng họ. Nhưng nẩy mầm sớm hay muộn không là việc của người gieo, bởi đó là việc của Thiên Chúa như thánh Phaolô đã qủa quyết : “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3,6).     
Nhưng tại sao cần phải xác tín : Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu chuộc mọi người ?
Bởi khi lên đường truyền giáo, nhà truyền giáo sẽ gặp đủ thứ người, đủ hạng người : có những người sẵn sàng đón nghe Tin Mừng, vì họ đang khao khát, nhưng cũng có những người dửng dưng, không muốn nghe, và những người ra mặt kịch liệt chống đối, ngăn cấm việc rao giảng, làm chứng Tin Mừng, vì không thiện cảm với nhà truyền giáo và dị ứng với danh thánh Đức Giêsu.
Do đo, nhà truyền giáo sẽ cùng lúc chạm mặt với người ủng hộ và người chống phá, nhóm đi theo và nhóm đối nghịch, nên thiếu niềm xác tín : tình yêu Thiên Chúa bao phủ tất cả mọi người, như mưa nắng trên cả người lành, kẻ dữ (x. Mt 5,45), thiếu tâm hồn cởi mở của Đức Ái, để nhìn “rất xa và rất rộng” đến tận chân trời ở đó “lúa chín vàng cả cánh đồng bao la” (x. Mt 9,37), thì nhà truyền giáo không thể đến với muôn dân, gặp gỡ mọi người, và rao giảng Tin Mừng cho cả người ủng hộ cũng như kẻ chống phá, như Đức Giêsu đã loan báo Sứ Điệp Cứu Độ cho những người hiền lành chăm chú lắng nghe Ngài bên triền núi Bát Phúc, và cả những người Pharisêu kiêu căng, cứng lòng, hay phản bác, bắt bẻ Ngài.
Và như thế, Tin Mừng mới là của mọi người, dành cho hết mọi người, không kỳ thị, phân biệt, loại trừ, và nhà truyền giáo mới thực hiện trọn vẹn sứ mạng truyền giáo là loan báo và làm chứng Đức Giêsu cho muôn dân, như bài sai của Ngài : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy” (Mt 28,19).
2.   Có được tâm hồn cởi mở  và tầm nhìn xa rộng, khi nhà truyền giáo tin tưởng ở ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần :
Xác tín Tình Yêu và Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa không bỏ quên, loại trừ ai chưa đủ, nhà truyền giáo còn phải có tâm hồn cởi mở và tầm nhìn xa rộng được Thánh Thần ban tặng, để tin tưởng ở ơn đổi mới của Ngài trên mọi người, dù họ là ai, và tội lỗi đến đâu.
Bởi Chúa Thánh Thần sẽ dẫn loài người tới “sự thật toàn vẹn”, nghiã là Ngài sẽ làm cho hoàn hảo những gì Đức Giêsu đã khởi sự và thành hình, khi hướng dẫn nhân loại trên đường chân lý và tình yêu, bằng nhắc lại những gì Đức Giêsu đã giảng dậy. Nhờ thế mà nhân loại được ơn Ngài đổi mới, được bước đi dưới ánh sáng của Ngài là Thánh Thần tình yêu.
Nói cách khác, với ân sủng và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội sẽ đi đến cùng sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ mà Đức Giêsu đã trao phó, và quang cảnh ngày mùa “rộn rã tiếng ca, lòng tràn đầy hân hoan, tay ôm bó lúa vàng” phải là ánh nến hy vọng không thể tắt trong trái tim nhà truyền giáo trên đường loan báo Đức Giêsu chịu đóng đinh.          
Với tâm hồn cởi mở và tầm nhìn xa rộng, nhà truyền giáo nhờ ơn Chúa Thánh Thần, sẽ không nhìn những anh em thuộc các giáo hội Chính Thống, Tin Lành như những tên “phản đạo, đào ngũ”, nhưng tâm hồn cởi mở “Đại Kết” sẽ giúp nhận ra con đường Hiệp Nhất mà tất cả cùng phải đi. “Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng Thân Thể Đức Kitô cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô (Ep 4,12-13). 
Với tâm hồn cởi mở và tầm nhìn xa rộng trong Đức Tin, Đức Ái và Đức Trông Cậy, nhà truyền giáo sẽ đến với anh em trong cùng một đức tin Kitô, để chân thành trao đổi và nài xin Chúa Thánh Thần đổi mới trái tim mỗi người, để tất cả gặp gỡ nhau, và tiến dần về Hiệp Nhất trong niềm tin ở Đức Giêsu, bằng sống theo Tin Mừng của Ngài, bởi tinh thần, cũng như phương thức đại kết tốt nhất chính là sống Tin mừng của Đức Giêsu.
Như thế, nhà truyền giáo có tâm hồn cởi mở và tầm nhìn xa rộng dưới tác động của Chúa Thánh Thần sẽ không bao giờ khinh mạn, hay lên án những anh em Tin Lành, Chính Thống, nhưng luôn tự nhủ : tất cả chúng ta là những người lữ hành cùng đi với nhau, nên chúng ta cần có nhau trên hành trình đi tìm Thiên Chúa. Và để luôn có nhau, chúng ta cần tìm “cho nhau và với nhau” Ơn Bình An từ dung mạo nhân hậu của Thiên Chúa duy nhất, và từ đó, chúng ta có thể học được ở nhau rất nhiều “điều hay lẽ phải”, không chỉ để hiểu biết nhau hơn, mà còn để đón nhận quà tặng qúy báu của Chúa Thánh Thần muốn ban cho chúng ta qua những người anh em đang đồng hành. Và từng bước, Chúa Thánh Thần sẽ hiệp nhất tất cả chúng ta khi dẫn dắt chúng ta tiến về Chân Lý trọn vẹn và Sự Thiện hoàn hảo.    
Với tâm hồn cởi mở và tầm nhìn xa rộng được Chúa Thánh Thần kích hoạt, nhà truyền giáo không coi thường người anh em Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo và anh em các tôn giáo khác, để Thánh Giá mà Đức Giêsu đã dùng để cứu chuộc loài người, khi giao hoà con người với Thiên Chúa không bao giờ được phép biến thành khí giới của ganh ghét, hận thù, bạo lực ; không bao giờ đoàn lũ những người đi theo Đức Giêsu “hiền lành và khiêm nhường tận đáy lòng” được cho phép mình biến thái thành những con nguời cuồng tín, gian ác, hiếu chiến, khát máu đồng loại ; không bao giờ cuộc chiến chống lại “cái tôi” kiêu căng, ích kỷ, xảo trá, tham lam làm tổn thương đồng loại được phép biến thành “thánh chiến” làm đổ máu anh em. Trái lại, nhà truyền giáo luôn nhận ra những giá trị Thiên Chúa đặt để trong các tôn giáo, những giá trị mà chính Đức Giêsu đã kiện toàn, và làm cho viên mãn sau đó, khi Ngài đến. Cũng như Lề Luật Môsê là giá trị Thiên Chúa ban cho dân Israel đã được hoàn hảo và kiện toàn bởi Đức Giêsu bằng Giới Luật mới của Ngài từ thời Tân Ước.    
Vâng, cũng với tâm hồn cởi mở, và tầm nhìn xa rộng nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, nhà truyền giáo không cô lập, tẩy chay, hay miệt thị những người  “không có đạo”, vì tin vào ơn Cứu Độ luôn mở ra cho mọi người, khi nhìn vào thái độ trân qúy, và tâm tình đặc biệt trìu mến, yêu thương của Đức Giêsu dành cho những người ngoại đạo trong Tin Mừng.
Tóm lại, nhà truyền giáo thiếu tâm hồn cởi mở sẽ trầm trọng xuống cấp, và biến thành người qủang cáo, tiếp thị vô duyên, thô kệch, khi trái tim đóng cửa, nụ cười không tươi, mắt môi không long lanh, “biết nói”. Quảng cáo như thế thì chẳng bao lâu công ty, xí nghiệp sẽ phải đăng “cáo phó” phá sản ; cũng như truyền giáo kiểu “độc đoán, độc tôn, độc thọai” thì chẳng khác gì người gieo giống nhắm mắt gieo hạt “xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất” hay “trên sỏi đá... nắng lên, hạt liền bị cháy, chết khô” (Mc 4,4-5).
Nhà truyền giáo thiếu tầm nhìn xa rộng khi chỉ nhìn mình, thấy mình, chỉ nhìn “tôi”, thấy những cái “thuộc về tôi” như nhà tôi, dân tôi, đạo tôi, xứ tôi, đoàn thể tôi, giáo phận tôi, mà không thấy ai, thấy gì khác, sẽ khác chi “mười người mù đi xem voi” cãi nhau chí chóe, vì người nào cũng cho voi của mình như mình “thấy”.
Qủa thực, tinh thần cởi mở và tầm nhìn xa rộng không thể thiếu ở nhà truyền giáo, vì truyền giáo là “ra sâu, ra xa”, xuôi đến tận chân trời, góc biển, nên tâm hồn khép kín, nhỏ mọn  làm sao mở buồm  bung cánh ? Vì truyền giáo là chuyến đi mạo hiểm, đến vùng trời xa đến miền đất lạ, nên thiếu tầm nhìn xa rộng, làm sao nhà truyền giáo có thể dẫn mọi người  về Đất Hứa? Vì truyền giáo là loan báo Tin Mừng cho người mới gặp, cho dân tộc chưa quen, nên thiếu cởi mở, lại cục bộ, kỳ thị, chi li, làm sao nhà truyền giáo vượt được tường cao ngờ vực, hàng  rào nghi ngại và hầm hố thị phi ?
Và như Nhóm Mười Hai, nhà truyền giáo phải từng ngày  học biết cởi mở và tập nhìn xa rộng trên đường loan báo Tin Mừng, với bài học lạc quan, cởi mở của Đức Giêsu : “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,40), và đón nhận như chià khóa mở lòng mình, mở lòng người, mở Nước Thiên Chúa cho chúng ta và mọi người.  
Jorathe Nắng Tím   

TÌNH YÊU VÀ MIỆNG LƯỠI

Ta thích người có duyên hơn người đẹp, bởi người có duyên sẽ có duyên mãi, sẽ mang duyên suốt đời họ, trong khi sắc đẹp trước sau gì cũng sẽ phôi phai. Người có duyên thường giữ duyên trên môi miệng. Và cái miệng là điểm ăn khách nhất của người có duyên.
Người có duyên thường khéo nói, nói làm vui người nghe, nói làm nhiều người hạnh phúc. Nhờ khéo nói, nói được thiên hạ lắng nghe, họ dễ trờ thành người thích nói, hay nói, và không mấy chốc sẽ trở thành “thợ nói chuyên nghiệp”.
Tôi không có duyên như những người có duyên ăn nói này, nhưng lại thấy mình có mặt trong đám “ thợ nói” vô duyên. Sở dĩ như thế vì tôi đã nói nhiều quá, qúa nhưrng diều mình biết, quá phạm vi bổn phận, qúa hàng rào ngăn cấm, quá cả đòi hỏi “không được nói của tình yêu”.
Tôi nhận ra đời mình nhiều tội lỗi và hầu hết các tội đều đến từ cái miệng nói nhiều vô duyên. Quả thực, tôi đã nói khi không có chuyện nói, nói cốt để mua vui, nói như câu chuyện làm quà. Gặp ai tôi cũng nói, không nói chuyện mình, chuyện người đối diện, nhưng nói chuyện người ở xa, vắng mặt, không khả năng biện hộ.Tôi đã nói như người có quyền trên đời người khác, như chấp pháp phanh phui tội phạm, như quan toà lên án bị can. Nói như kẻ có quyền, tôi bạo miệng xếp loại, miệt thị, chế diễu người khác. Nói như kẻ có quyền, tôi ru ngủ lương tâm bằng tiếp tục bạo dạn gán cho mình quyền ăn nói. Tuy không là kẻ trộm lẻn vào nhà, phòng riêng kẻ khác, nhưng với cái miệng, tôi đã vào tận đời riêng kín đáo, thâm sâu, bí ẩn, bất khả xâm phạm của họ. Nguy hơn kẻ trộm, tôi đánh cắp cả kho tàng đời tư thiêng liêng của kẻ khác. Thế mà lưong tâm vẫn yên ổn dưới diện mạo “ người trọng sự thật và dám ăn nói”. Với nhiều thứ sơn đắt giá như “tự do ngôn luận, quyền phát biểu”, và những bình phong lộng lẫy như “ vì ích chung, vì quyền lợi cộng đoàn, vì quốc gia dân tộc, vì Hội thánh”, tôi đã tha hồ nói chuyện người, châm chọc, bới mọc chuyện người, bôi bác diễn dịch chuyện người.Chuyện người là cơm gạo nuôi tôi, chuyện người cho tôi chất liệu nói, chuyện người làm thành chính đời tôi. Tôi đánh mất chính mình trong chuyện người, lạc hướng đời mình giữa chuyện người, để rồi một ngày tơi tả sa lầy hay bị “phù mỏ ”cũng vì chuyện người.
Cái miệng và chuyện người trên gợi tôi nhớ câu chuyện Đức Kitô và người đàn bà ngoại tình. Bị bắt qủa tang, chị bị mấy ông “cảnh sát tôn giáo.” giải giao đến trước mặt Ngài. Tôi nhận ra trong câu chuyện này có 3 nhân vật chính: Đức Kitô, ngươì đàn bà ngoại tình và các ông cảnh sát tôn giáo.
Nhân vật thứ nhất là Đức Kitô. Là Thiên Chúa, Ngài dư biết tình trạng tâm hồn và tội lỗi của ngươì đàn bà bị giải giao. Ngài biết rõ bà là ai, như thế nào, sẽ ra sao …Có quyền trên bà vì là Thiên Chúa, chính ra Ngài phài nói nhiều lắm, phải phát ngôn đến nơi đến chốn, cho ra vẻ một đại tiên tri biết nhiều, biết hết; ấy thế mà Ngài lại không nói gì, chỉ hỏi các ông cảnh sát tôn giáo một câu ngắn: “ Ai trong các ông vô tội, hãy ném đá chị ta ”, rồi yên lặng.
Nhân vật thứ hai là người đàn bà. Hơn ai hết, chị biết rõ đời chị, biết tường tận chuyện mình làm, lý do mình làm, hoàn cảnh mình có. Không ai biết rõ đời chị bằng chị và chỉ môt mình chị mới có thể nói đúng, nói đủ và có quyền nói; thế mà chị lại yên lặng không nói gì. Là nhân vật chính, chị biết hết, hiểu hết, nắm vững hết nhưng đã yên lặng suốt ‘phiên toà”, không hé một nửa lời. Ngôn ngữ để nói về “mầu nhiệm đời chị.” lúc này là yên lặng.
Nhân vật thứ ba là các ông cảnh sát tôn giáo. Đám này hỗn tạp hung hăng bảo vệ luân lý, gìn giữ kho tàng Đức Tin. Họ thích “xuống đường” thành chiến hơn “lên đường” yêu thương anh em. Vũ khí lợi hại của họ là cái miệng. Họ nói bất cứ ở đâu, với ai, về người nào. Ai cũng có thể là đề tài cho câu chuyện hằng ngày của họ. Họ nói nhiều hơn những gì họ biết; nhưng nghe họ, ta sẽ thích thú và tưởng họ là những người biết nhiều, hei-“u rộng; vì họ có duyên thêu dệt, tô vẽ. Sự thật trong tay họ dù không là sự thật cũng biến thành sự thật vĩ đại khủng khiếp. Họ có tài “làm phép lạ” để mọi chuyện to nhỏ đều biết thành sự lạ, điều lạ và những gì lạ thường lôi cuốn, hấp dẫn người nghe.
Bên cạnh Đức Kitô và người đàn bà ngoại tình là hai người biết nhiều, biết hết, ở trong cuộc và không nói gì là các ông cảnh sát tôn giáo. Họ không biết rõ, không biết nhiều, nhưng lại nói nhiều, nói hùng hổ với giọng chanh chua miệt thị, xiả xói …Họ nói rất nhiều vì không biết nhiều; họ cố tình lên án vì không biếtt đâu là giá trị. Cái nhìn của họ thiển cận, tâm hồn của họ nhỏ bé đã làm cho miệng của họ to ra và nên độc hại. Với cái miệng, họ đang giết chết đồng loại và quên rằng họ cũng đáng chết như những người đang bị họ lên án. Đức Kitô đã phơi trần cái ngạo mạn lố bịch và điệu bộ giả hình đáng buồn cười của họ khi Ngài cho họ nhận ra: chính họ cũng đang ngoi ngóp, sa lầy trong tội.
Trong đời sống, ta cũng hay lố bịch như nhân vật thứ ba đáng thương hại này. Ta không biết, nhưng thích nói, thích bàn luận, ham phê phán, đến một lúc điời ta trở thành đống rác khổng lồ, dơ bẩn, hôi thối vì suốt đời ta chỉ mải mê nhặt nhụm, bới móc, gom góp những rác rưới của người khác mà chính họ đã ném bỏ từ lâu.
Là một đống rác khổng lồ, ta đâu còn chỗ cho đời ta, cho hy vọng, cho yêu thương; cũng không ai dám đến gặp ta vì đời ta nặng mùi xú uế. Ta đánh mất đời mình vì lo bới rác đời người. Ta tưởng làm mất được đời người nhờ lôi được mớ rác đời họ, nhưng chính là làm nhớp nhúa, o uế đời ta.
Tôi chia sẻ yếu đuối của chính tôi. Từ lâu Đức ái đã không được sống phần lớn vì cái miệng vô duyên độc hại. Với kinh nghiệm bản thân, tôi tưởng việc đầu tiên phải làm đề Đức Ái có chỗ mọc lên trong ta, chính là dẹp đi đống rác chuyện người mà ta luôn bị càm dỗ bới móc, nhặt về. Thánh Gicôbê đã nghiêm khắc nhắc tôi trong thư của ngài: “Xin Chúa giữ miệng và canh phòng lưỡi con” (Gc”, 1-12).

VIỆC NHỎ TÌNH LỚN


Cứ mỗi dịp hành hương Lisieux, kính viếng thánh Têrêxa, tôi lại miên man hình dung cuộc đời “vô danh tiểu tốt” của một vị thánh trẻ, tuổi đời chưa tròn 24, ẩn thân trong nhà tu kín Carmel. Cô thiếu nữ đa cảm, đa tình, ướt át, rất lãng mạn ấy đã để lại cho thế giới một con đường tình yêu mới, rất thời đại: con đường “bé nhỏ của Tình yêu”.
Chị Têrêxa đã sống một đời rất bình thường, bình thường đến độ khi chết mẹ bề trên đã không biết phải nói gì về chị trong lẽ an táng; vì qủa thực chị đã không làm nổi một việc lớn lao, đặc biệt nào. Đời chị ngắn ngủi, chưa kịp làm lớn, cộng them cái yếu thế: ở nhà là em út, vào Dòng làm “con bệnh” đã làm cho nhiều người đánh giá đời chị là đời “vô tích sự”.
Nhưng cái vô tích sự của chị đã mở ra một con đường tuy nhỏ nhưng thênh thang, tuy bé nhưng vô cùng lớn rộng lôi cuốn nhiều người lên đường, thúc đẩy nhiều người can đảm bước theo; vì đường ấy đơn sơ, không rắc rối, cầu kỳ, không thuế má kiểm tra, đường nhỏ như từng bước chân em bé, đuờng bé như từng hơi thở em nhỏ.
Trong nhật ký, chị thánh đã viết lại từng chi tiết hành trình tình yêu của mình. Hành trình ấy đã được thực hiện bằng từng bước chân rất bé nhỏ, âm thầm của từng ngày sống, những bước chân đến với người khác, những bước chân tìm an ủi người khác, những bước chân đi làm bổn phận. Những bước chân của chị nữ tu trẻ, đau bệnh ấy có dài ngắn, mạnh yếu khác nhau, nhưng tất cả đều đầy ắp tình yêu. Đây chính là sức mạnh và giá trị tuyệt vời của con đường tình bé nhỏ.
Tình yêu đã không rời xa bước chân chị, tình yêu đã không tách rời đời sống chị. Mỗi giây phút sống là mỗi giây phút yêu, mỗi khoảnh khắc có mặt là mỗi khoảnh khắc thương. Thương yêu trở nên lẽ sống và nét thánh thiện cao cả nơi chị là sống tình yêu tràn bờ này. Chị yêu những người gần chị, sống với chị, dù nhiều người không mấy đáng yêu; chị thương những người xa chị, dù chị không quen biết, can dự. Chị nhặt cọng rác nhỏ với tình yêu lớn, chị mỉm cười chịu đựng trái ý cho tình yêu lớn, chị ngăn giữ cơn ho vì tình yêu lớn, chị bước những bước hụt hẫng giữa đêm tối đức tin trong tình yêu lớn, chị co mình run rẩy trước vắng lặng cô đơn cũng vì tình yêu lớn. Nhất cử nhất động và trong mọi cảnh huống, chị đều có yêu thương. Nói cách khác, việc gì chị làm cũng làm vì tình yêu, bước nào chị đi cũng đi trên đuờng tình, lời kinh nào chị dâng cũng ngát hương lòng tha thiết. Chị đã biến đời nữ tu thành đời người tình, đuờng tu thành đường tình, hắt hiu tu viện thành tiệc cưới hân hoan. Tình yêu đã biến nỗi buồn mồ côi của chị thành niềm vui đoàn tụ, đổi những đêm dài mất ngủ vi cơn đau hành hạ thành những giờ gặp gỡ, tâm sự. Tình yêu không lấy khỏi chị khổ đau, nhưng biến khổ đau thành niềm hạnh phúc bất tận và không ai có thể hiểu được niềm vui hay nếm hết ngọt ngào của hạnh phúc siêu nhiên này, trừ những người đã chọn yêu thương làm lẽ sống như chị.
Chọn đời nhỏ bé, làm những việc bé nhỏ với tình yêu lớn, chị đã trở thành lớn trong gương mẫu thánh thiện, lớn trong đời nhiều người. Thế kỷ chị sống là thế kỷ hiện đại, ở đó người ta thích làm chuyện lớn, mơ làm chuyện lớn. Chính vì chỉ muốn làm chuyện lớn mà người ta đã dại dột “làm lớn chuyện” những chuyện thực sự chẳng lớn tý nào. Và vì thế giới có nhiều người không thích nhỏ, không ham làm chuyện nhỏ, không tìm con đường nhỏ; nên thế giới luôn mất vui, thiếu quân bình và hay lên cơn sốt “làm lớn”. Thế giới ấy quên rằng: điều quan trọng không phải là to hay nhỏ, bình thường hay phi thường, nhưng là tình yêu có hay không, có ít hay nhiều, đầy hay vơi trong những to nhỏ, bình thường hay phi thuờng ấy. Và chị thánh đã khám phá và sống tình yêu lớn trong mọi cỏn con, chi tiết của cuộc đời mình.
Chọn sống con đưòng đơn sơ nhỏ bé trong tình yêu, chị đã chọn con đưòng ngắn nhất, nhanh nhất, tiện lợi và dễ dàng nhất. Chính Đức Kitô cũng chẳng vẽ con đưòng nào khác thuận tiện hơn: “ Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ, các con không được vào Nước Trời” (x. Mt 19,13-15; Lc 18,15-17; Mc 10,10,13-15)
Trở nên như ttrẻ nhỏ là chấp nhận nhỏ thật, nhỏ trong cung cách, nhỏ trong việc làm, nhỏ trong yếu đuối. Nhờ nhỏ nên dễ thương, dễ thương nên thường xuyên được tha thứ. Người ta dễ tha thứ, bỏ qua cho người nhỏ hơn người lớn; bởi người nhỏ biết mình thiếu nhiều, cần nhiều trong khi người lớn thường thấy mình to, dư dả, không thiếu gì, không cần ai. Và cơn cám dỗ thường trực nơi người lớn là kiêu căng, ngạo mạn, hống hách, thống trị, vô ơn.
Chị thánh cũng chọn con đường bé nhỏ như cách diễn tả tình yêu chân thật. Khi yêu nhau, ta đâu có làm nhưrng chuyện lớn cho nhau; ta chỉ cho nhau những gì rất nhỏ, rất bé như bông hồng, cánh thư, nụ hôn, ánh mắt, yên lặng. Tất cả những bé nhỏ đó giúp ta diễn đạt tình yêu nồng nàn, mãnh liệt trong ta. Nhờ nồng nàn, mãnh liệt, những “bé nhỏ “ hết còn “nhỏ bé”, nhưng trở nên vĩ đại, lớn lao, không gì so sánh, thay thế được. Hơn ai hết, Đức Kitô nắm bắt được giá trị của những nhỏ bé này khi Ngài nhấn mạnh: “Ai trung tín trong những việc nhỏ sẽ trung tín trong việc lớn” (Lc 19,17).
Lạy Đức Kitô, xin cho con tinh thần bé nhỏ để yêu thương những người nhỏ bé trong từng việc bé nhỏ. Buổi sáng sớm cho con biết tìm tình yêu khi pha cho em bé một ly sữa nhỏ, dắt tay cụ già qua đường, đẩy phụ chiếc xe chết máy. Cho con mỗi buổi trưa dám để tình yêu trong bồn nước rửa chén, trên cây chổi quét nhà, ở đôi tay cấy lúa. Khi hoàng hôn xuống, cho con biết đặt tình yêu trong thì thầm tâm sự trên môi mắt thứ tha, trong kinh cầu xám hối. Và giữa đêm khuya, xin cho con giấc ngủ trẻ thơ với hồn nhiên, phó thác và hạnh phúc biết mình luôn bé nhỏ.