Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 8 tháng 1, 2020

NGÀY QUỐC TẾ BỆNH NHÂN


  Đau ốm, bệnh tật là câu chuyện quen thuộc của đời Nngười, bởi có ai sống mà không đôi lần đau bệnh, có ai làm người mà không ít nhiều đã là bệnh nhân, và mấy người thoát khỏi cảnh lâm bệnh, nhiễm bệnh, ngã bệnh, bạo bệnh, bị bệnh trước khi giã từ cuộc sống ?
Đức Phật xếp Bệnh vào tứ khổ của đời người : Sinh, Lão, Bệnh, Tử ;  Đức Giêsu thì chọn bệnh nhân là một trong những đối tượng của sứ vụ Cứu Thế. 
Qủa thực, bệnh buồn lắm, vì bệnh hạn chế tự do : người bệnh không thể sinh hoạt bình thường như lúc khoẻ mạnh, nhưng mọi hoạt động bình thường phải chậm lại hoặc ngừng hẳn, bởi cơ thể không còn cho phép người bệnh ăn uống, suy nghĩ, phán đoán, nói năng, cư xử, phản ứng, hành động một cách bình thường, với hiệu năng và mức độ chính xác như trước.
Bệnh đau lắm, khi vi trùng tàn phá cơ thể làm nhức nhối toàn thân, vết thương đục khoét từng phân ly da thịt làm xót buốt tận xương, chưa kể kim chích, dao mổ, và nhiều dụng cụ y khoa khác làm bệnh nhân rợn rùng, khiếp sợ.
Bệnh khổ lắm, vì mất hết khả năng độc lập, tự lập, khi vai năm thước rộng, thân mười thước cao như tráng sĩ thửơ nào bây giờ bất động, nằm yên một chỗ, không tự mình làm được bất cứ việc gì, dù đơn giản, dễ dàng nhất, nhưng nhất cử nhất động đều phải cậy nhờ người khác. Người bệnh đau đớn thân xác đã đành, mà còn quay quắt tâm can, khổ sở tinh thần, vì không còn khả năng lo cho chính mình.
Vì không lo được cho chính mình, dù chỉ là những việc rất nhỏ, rất bé như vệ sinh cá nhân, đứng, ngồi, ăn, uống, nên người bệnh rất dễ tủi thân, với một rừng mặc cảm : mặc cảm vô dụng, mặc cảm gánh nặng của người thân, mặc cảm thất bại, mặc cảm bị loại bỏ, mặc cảm bị coi thường, mặc cảm bị trừng phạt vì tội xưa, lỗi cũ…
Bệnh buồn chán lắm, vì hiện tại cơ cùng, tương lai bế tắc, lại không mấy người thông cảm, có thời giờ ở bên cạnh để tâm sự, ủi an, nên buồn chán mau dẫn đến thất vọng, và người bệnh như ngọn đèn leo lét không biết vụt tắt lúc nào, khi con sóng tuyệt vọng ập vào cuốn đi.
Bệnh làm hoang mang, ray rứt lắm, khi cả người bệnh lẫn thân nhân, gia đình đều không biết thời gian kéo dài của bệnh, không nắm được đường đi nước bước » của bệnh, không suy đoán, lường trước được bước chân dồn dập hay thong thả, nhịp nhẩy khoan thai hay điên lọan, độ lên xuống bất ngờ trầm hay bổng của căn bệnh, trong khi tiền bạc ngày càng hao hụt, khả năng vật chất theo thời gian giảm sút. Và nếu bệnh làm hoang mang, ray rứt người bệnh có tiền của, và gia đình người bệnh có tài chánh, thì hoang mang sẽ không dậm chân tại chỗ, nhưng biến thành ác mộng kinh hoàng cho người bệnh nghèo, và ray rứt sẽ trở thành đe dọa khủng khiếp đối với người bệnh cơ hàn, cô thế, cô thân.     
Bệnh làm lo sợ lắm, khi cái chết rình rập, sẵn sàng chụp lấy người bệnh bất cứ lúc nào, nên đã bệnh là lo sợ : lo bệnh lấy đi sự sống, sợ bệnh đưa vào sự chết, đẩy vào cõi hư vô.
Vì thế, vào bệnh viện, hay đến tư gia thăm người bệnh, có ai vui được khi nhìn người thân nằm đó xanh xao, yếu nhược, thều thào, nhăn nhó, run rẩy, co quắp vì đau ; có ai không khỏi se dạ thắt lòng thấy người bệnh cong người, quằn quại vì cơn ho hằng giờ ; có ai cầm lòng được nghe người nhà rên rỉ, vật vã, lăn lộn, mồ hôi, nước mắt thẫm ướt khuôn mặt gầy guộc, thiểu não sau những cơn đau kinh khủng, dữ dội. Trái lại, ai cũng buồn, vì cảm thương nỗi đau của người bệnh ; ai cũng xúc động, vì cảm thông nỗi khổ của bệnh nhân ; ai cũng chạnh lòng trước thử thách không dễ vượt qua của phận người nhiều giới hạn, và ai cũng bâng khuâng, ngậm ngùi nghĩ về số phận của chính mình.
Bâng khuâng nghĩ về đời người có khởi điểm là sinh ra, rồi lớn lên, và ngậm ngùi nghĩ đến tuổi già khó khăn, nghĩ về  bệnh hoạn khó tránh và cái chết như kết thúc chắc chắn sẽ xẩy ra cho mọi người, không trừ ai, chúng ta không khỏi thấy cuộc đời  mong manh, cuộc sống vô thường, và định mệnh khắc nghiệt. Nhưng chính trong cảm thức tính mong manh, lẽ vô thường và khắc nghiệt ấy, chúng ta nhận ra giá trị của con người, giá trị của cuộc đời làm người, gía trị của những thách đố cam go, những thử thách ruớm máu, những đau khổ tưởng chừng đã đánh gục con người.
Chính những giá trị được nhận ra đó cho chúng ta thấy mình là một hữu thể  được tạo dựng, nhưng cùng lúc được chung phần với Hữu Thể Tuyệt Đối, bởi chỉ con người  biết mình có tự do, và chỉ con người mới biết mình đau khổ và phải chết. Cũng nhờ  được thông phần lý trí và ý chí tự do với Hữu Thể Tuyệt Đối, mà sau cuộc sống tương đối với những mong manh, vô thường, khắc nghiệt này, con người sẽ đi vào một cuộc sống tuyệt đối, vĩnh cửu, hạnh phúc, ở đó không còn nước mắt khổ đau, không còn già nua, bệnh tật, và chỉ còn sự sống bất diệt.
Cảm thức tuyệt đối và khả năng thao thức, tìm về Tuyệt Đối này không do tôn giáo cung cấp, nhưng do lý trí soi dẫn, khi con người có khả năng tư duy vượt xa  những gì thuộc tương đối ; cảm thức ấy cũng không do cơ chế xã hội nhồi sọ, nhưng đã là người thì tự nhiên mang lấy khát vọng vươn cao đến tuyệt đối, bởi trong mỗi người, mầm Tuyệt Đối đã có mặt, vì  Đấng Tuyệt Đối đã gieo mầm Tuyệt Đối và cho con người được thông dự vào Tuyệt Đối của Ngài, ngay khi con người được sinh ra.
Vì thế, khi chia sẻ với nhau  hành trình làm người phải đi qua Sinh, Lão, Bệnh, Tử, chúng ta cũng chia sẻ niềm hy vọng sẽ đi vào Tuyệt Đối, Vô Hạn của kiếp người hiện nay có giới hạn, và tương đối.
Chia sẻ niềm Hy Vọng bằng nâng đỡ người anh em, chị em đau bệnh đang cố gắng chiến đấu từng giờ với những căn bệnh ác tính, đe dọa sự sống ; chia sẻ niềm Hy Vọng bằng cảm thông vất vả, khó nhọc của gia đình ngày đêm chăm sóc người thân đau bệnh nằm liệt nhiều năm dài đằng đẵng ; chia sẻ niềm Hy Vọng bằng tôn trọng, biết ơn bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, y công là những người cống hiến cả cuộc đời phục vụ bệnh nhân, và cùng bệnh nhân chống trả sức tấn công vũ bão của thần chết ; chia sẻ niềm Hy Vọng bằng tri ân những nhà khoa học tận tụy giam mình trong các phòng thí nghiệm, vì sức khỏe và hạnh phúc của đồng loại ; chia sẻ niềm Hy Vọng bằng thái độ thân thiện, thân ái, thân thương, thân tình đối với  bệnh nhân, và nâng đỡ thiết thực ; chia sẻ niềm Hy Vọng bằng tình yêu quan tâm đến nhu cầu của người đau bệnh, để mỗi người, mỗi gia đình, mỗi khu phố, mỗi xã, mỗi huyện trở thành một nhà thương, ở đó người bệnh được cứu thương, chữa lành.
Ước gì không người bệnh nào mất đi niềm Hy Vọng được Cứu vì được Thương, được Thương nên được Cứu trong một xã hội, giữa một thế giới mà mọi người đều tình nguyện dấn thân CỨU THƯƠNG nhau, vì mấy đời người thoát được bệnh tật, mấy người đời không cần đến người khác, để được CỨU và THƯƠNG.       
Jorathe Nắng Tím

LỬA


Chia sẻ  nỗi đau cháy rừng của nước Úc
Năm lên tám tuổi, tôi chứng kiến tận mắt nhà ông Vuông ở xứ Ninh Phát, Gia Kiệm bị cháy. Đám cháy kinh khủng dữ dội làm hoảng sợ cả xứ đạo, vì nhà ông là cửa tiệm bán xăng dầu, lốp xe, đồ nhựa. Giữa đêm đen, ngọn lửa cuồn cuộn bốc cao theo gió chớp nhoáng thiêu rụi ngôi nhà nhiều tầng và lấy đi mạng sống của bà mẹ và hai con trai nhỏ của ông. Đến nay, đã gần sáu mươi năm trôi qua, mà hình ảnh ngọn lửa đêm hôm ấy vẫn rừng rực như thiêu đốt ký ức tôi.
Từ tháng chín đến hôm nay, ngày 7 tháng 1/2020, nước Úc hoảng loạn trong đám cháy kinh dị tàn phá hơn tám triệu mẫu rừng, và tiêu diệt, làm bị thương nửa tỷ thú vật đủ loại, chưa kể hàng chục người thiệt mạng, và nhiều nhà cửa, xe cộ bị ngọn lửa cuốn đi.
Trước thảm họa và đe dọa còn tiếp tục của lửa, người dân Úc không chỉ sợ hãi trước sức tàn phá ghê gớm của ngọn lửa giữa mùa hè nóng bức, mà còn lo âu về một tương lai mang nhiều hậu qủa khôn lường của đám cháy : không khí ô nhiễm, môi trường bị hủy hoại, cây rừng bị tàn phá, nhiều giống thú qúy, và rất nhiều động vật bị tiêu diệt.
Chắc chắn cuộc hoả hoạn rất hãi hùng này phải xuất phát từ một hay nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân nào đi nữa, thì mọi người cũng đều nhận ra giới hạn của con người trong việc quản trị sinh hoạt của con người : con người không thể đề phòng hết những rủi ro, con người không đủ sức khống chế tai họa, con người không hoàn toàn làm chủ được thiên nhiên, như ngăn chặn gió lớn khi lửa bốc cháy, hay thay trời làm mưa giập tắt hàng triệu mẫu rừng đang là mồi ngon cho ngọn lửa đói, háu ăn. Và người ta nhìn thấy giới hạn, đồng thời cảm thấy mình thật nhỏ bé, bất lực trước hiểm nguy, tai họa do chính mình gây ra.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều  góp công sức hay vật lực để cùng người Úc chống chọi đám cháy, và không ai không biểu lộ tình cảm tương trợ, cảm thông, đau xót với người dân của quốc gia “nạn nhân hoả hoạn” này.
Trước thảm họa đau thương của người dân Úc và đồng bào Việt Nam sinh sống tại quốc gia văn minh, trù phú, và thân thiện này, người viết xin đuợc gửi bạn đọc chút tản mạn về Lửa, như tâm tình cảm thông và chia sẻ sâu sa, lắng đọng.   
Lửa biểu trưng cho sức mạnh “bách chiến bách thắng” của cả Tình Yêu lẫn Thù Hận. Những người yêu nhau luôn chọn Lửa làm biểu hiệu của tình yêu nồng nàn, tình yêu cháy bỏng, tình yêu cuồng nhiệt, bởi khi tha thiết yêu nhau, khi đạt ngưỡng si mê, điên cuồng, ngây dại vì nhau, người ta không thể dùng bất cứ hình ảnh nào khác ngoài Lửa để diễn tả tình yêu vĩ đại, tình yêu không biên cương, ranh giới, tình yêu cao vời, tuyệt vời mà hai người yêu nhau dâng hiến, trao tặng cho nhau. Người ta cũng không thể dùng hình ảnh nào khác ngoài Lửa để biểu lộ khao khát được tan biến trong nhau, hoà lẫn trong nhau, nên một và chết trong nhau, bởi chỉ có Lửa mới giúp tình nhân, nhân tình thực hiện khát vọng yêu thương vô cùng, đến cùng này.
Nhưng Lửa cũng là biểu tượng của Thù Hận, của Ganh Ghét, của Hoả Ngục, mà ở đó, dù là một chút xíu tình yêu cũng không có, không còn. Trong nhiều tác phẩm, cũng như ở đời thường, người ta hay viết, hay nói : lửa oán hờn, lửa thù hận, lửa ganh ghét, lửa chiến tranh, bởi một khi trở thành thù địch, người ta bị thôi thúc tìm mọi cách để tiêu diệt, xóa tan dấu vết sự sống của nhau trong cuộc đời, nên sẽ chỉ có Lửa mới đủ sức làm công việc triệt tiêu, xóa sổ, tẩy sạch dấu tích sự sống của đối thủ, quân thù, bởi Lửa có sức mạnh tàn phá cao, có khả năng bạo lực phi thường, có mức độ dã man không gì có thể so sánh.
Như thế, Lửa vừa tốt vừa xấu, đúng hơn, Lửa không xấu không tốt, bởi Lửa sưởi ấm muà đông, Lửa cho gạo thành cơm, cho thịt sống thành thịt chín nuôi con người, nhưng Lửa cũng đốt nhà ông Vuông, thiêu sống mẹ và hai con nhỏ của ông, thiêu rụi hàng triệu mẫu rừng tươi xanh, giết chết, làm bị thương hằng nửa tỷ thú vật ở Úc… Vấn đề quan trọng là người ta đã sử dụng Lửa làm sao, sử dụng Lửa cho mục đích nào ?
Nếu nguyên nhân cháy rừng sẽ được cơ quan hữu trách của Úc làm sáng tỏ một ngày, thì chúng ta sẽ một lần nữa có thêm lý do để khẳng định : Lửa có thể được bùng lên cho Tình Yêu lên ngôi, và Lửa có thể bốc cháy dữ dội cho Hận Thù thống trị ; Lửa có thể sưởi ấm, và Lửa có thể thiêu hủy ; Lửa có thể xây dựng, và Lửa có thể tàn phá ; Lửa có thể ban sự sống, và Lửa có thể cướp đi sự sống ; Lửa có thể phục vụ, và Lửa có thể chống phá, vì Lửa vừa có khả năng yêu thương mãnh liệt, vừa có khả năng thù hận kinh hoàng, khủng khiếp.
Qủa thực, Lửa rất lợi và rất hại, rất tốt và cũng rất xấu, như Tự Do của mỗi người. Với Tự Do, người ta có thể trở thành người tuyệt vời, hữu ích, nhưng cũng có thể biến thành tội đồ làm hại chính mình và xã hội. Sử dụng tự do để yêu thương, xây dựng, phục vụ sẽ đem lại thành công, hạnh phúc cho mình và mọi người ; sử dụng tự do để ganh ghét, đố kị, hiềm khích, hận thù, bạo hành sẽ mang lại tang thương, khổ đau, chết chóc, bất hạnh cho mình trước nhất và nặng nề nhất, sau đó là mọi người chung quanh, bởi tự do đã phục vụ hận thù, bạo lực thay vì vun xới, ươm trồng yêu Thương.  
Thực vậy, như Lửa, con người có quyền và khả thể điều khiển, sử dụng Tự Do tùy mục tiêu được chọn, và tùy động lực thúc đẩy. Nếu chẳng may tự do được dùng như Lửa hận thù thiêu hủy, tàn phá, thì tiếc thay một đời người đã bị phí phạm khi trở thành bất hạnh cho cả thế giới, nhưng nếu tự do được sử dụng như Lửa tình yêu, thì thật phúc đức cho người có tự do, vì đích thực là niềm Vinh Dự của toàn thể nhân loại.
Cầu xin Thiên Chúa thương đổ mưa trên nước Úc, để làm dịu cơn nóng cháy khô tâm hồn người dân Úc, đánh tan cuồng phong tai họa đè nặng tâm can đồng bào con đang sinh sống trên đất nước Úc dễ thương, và giải thoát những chú Kangourou chết khát liều mình phóng ra đường tìm nước uống, nhất là cứu chữa những bé Koala bị phỏng nặng đang đau đớn quằn quại, vất vưởng bên bờ rừng rực lửa.     
Jorathe Nắng Tím